Trôi chảy mãi ư?
Hơn hai ngàn năm trước, Đức Khổng Phu Tử, ở tuổi sáu mấy bảy mươi, vào một buổi chiều cùng học trò đứng bên một dòng sông – có nơi ghi là Hoàng Hà (nhưng chi tiết này không quan trọng lắm), đã buột miệng nói rằng: Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ – Trôi chảy mãi ngày đêm không ngừng nghỉ như thế này ư? Câu nói này được ghi lại trong Luận Ngữ và đã là một đề tài thảo luận, tốn nhiều giấy mực lắm rồi. Khổng Phu Tử là một bậc thông thái, là vị thầy của nhiều thế hệ nên mới được người đời tặng cho danh hiệu „vạn thế sư biểu“. Bởi thế xin đừng hiểu câu nói trên của Ngài là một lời than thở. Không thể như thế.
Vậy đó là gì? Thưa, đó chính là một cái giật mình.
Cái giật mình ấy cũng đã từng đến với một vị Thiền Sư. Sự trục nhãn tiền quá; Lão tòng đầu thượng lai – Trước mắt việc đi mãi; Trên đầu già đến rồi (Thiền sư Mãn Giác).
Thi vị hơn, đứng ngắm cảnh trời nước mênh mông, một Thiền sư khác cũng lưu lại một bài thiền thi tuyệt diệu cho thế gian: Nhạn quá trường không; Ảnh trầm hàn thủy; Nhạn vô lưu tích chi ý; Thủy vô lưu ảnh chi tâm. Nghĩa: Vết nhạn bay qua; Ảnh chìm dưới nước; Nhạn không có ý lưu dấu vết; Nước không có tâm giữ lại ảnh kia (Thiền Sư Hương Hải). Còn gì đẹp bằng bức họa ấy. Cánh chim nhạn bay qua, in hình vào bóng nước rồi lại lặng yên bay đi mất. Nhưng mặt nước bây giờ là mặt nước đã từng có hình bóng đàn chim nhạn, không phải là mặt nước thuở xưa. Tuyệt vời!
Thói thường, đứng trước cảnh bao la vĩ đại của thiên nhiên, con người ai cũng dễ có những giây phút quay về đối diện với chính mình, dễ bộc lên những điều đã lâu ngày nằm sâu thẳm tận đáy tâm khảm như thế. Đức Khổng Phu Tử, Thiền Sư Mãn Giác, Thiền Sư Hương Hải đã làm như thế. Đấy là khung trời hội ngộ, là cuộc đối thoại giữa một tiểu ngã với một đại ngã.
Đoạn văn sau đây có thể bạn chưa gặp. Tôi đã tìm thấy trên mạng trong một buổi chiều thật yên tĩnh, lúc ngồi bên một khe nước nhỏ kế một khách sạn trên núi ở Hy Lạp trong kỳ nghỉ ở vùng đồi núi nam Âu. Sau những ngày quá căng thẳng và mệt nhọc vì công việc và những chuyện được thua tôi đã may mắn vô tình đọc được nó, và đã rất hạnh phúc, đã giật mình:
Tôi lấy tay mình khoát nước của dòng sông Mekong để rửa cũng có ý mong rằng nước sông Mekong sẽ chuyên chở những nỗi niềm xa xứ xủa tôi gần 35 năm rời xa đất Mẹ và gửi về tận đáy nguồn ấy một tấm chân tình của bao kẻ ly hương, trong đó có chính mình. Nước dĩ nhiên không rửa sạch được tội lỗi của cuộc đời, nhưng nước sẽ chuyên chở được đục trong của cuộc sống. Nước vô tình và không thiên vị một ai cả. Khi nước chảy đến chỗ đất bùn thì nước đục. Khi nước chảy đến chỗ cát, sỏi thì nước trong. Thật ra, trong hay đục nước vẫn là nước, chỉ có hoàn cảnh làm cho nước đục hay trong, chứ bản chất tùy duyên của nước thì không trong mà cũng chẳng đục.
Đến hôm nay thì tác giả bài viết này đã xa dòng sông hoài niệm này gần 45 năm và người ấy cũng vào tuổi quá lục tuần. Tôi may mắn biết vị ấy rất lâu, biết từ thời ấu thơ, lúc còn cơ hàn và cả trong những phút vinh quang. Tác giả là Hòa Thượng Thích Như Điển. Thầy đã viết khi đến thăm một tự viện do đệ tử của Thầy xây dựng nên ở Chiangmai Thái Lan. Xin góp nhặt những mảnh vụn ấy và ghi lại, như một học trò ngồi ôn bài kiểm, bài học sống trong cuộc đời.
Một đóa sen, một con người, một nhân cách
Xin đừng hiểu là tôi định viết tiểu sử của ai. Có chăng thì chỉ về một đóa sen. Vả lại việc viết tiểu sử của Thầy (Hòa Thượng) Thích Như Điển cũng có nhiều người làm rồi; từ sách vở, báo chí cho đến phim ảnh. Tôi chỉ cố ghi lại những ngày, những giờ khắc ngắn ngủi, cũng có thể là những kỷ niệm nhỏ của tôi bên Thầy. Tôi thấy không gì hay hơn là dùng hình ảnh hoa sen để ví với cuộc đời, với hành trạng của Thầy. Tôi có lý do để làm như thế. Quê tôi có rất nhiều sen, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngoài những đầm sen lớn (ở quê tôi gọi là bàu sen) rất đẹp, trong làng của chúng tôi chắc chưa đến một ngàn dân mà đã có hơn 40 vị đi tu. Xuất thân từ miền quê khổ cực xứ Quảng (Thầy đã viết nhiều về điều đó như một niềm hãnh diện), lớn lên, vào Chùa, xuất ngoại du học, hành đạo. Cuộc đời của con người ấy đúng là một đóa sen.
Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.
Ai cũng biết, cũng có lần nghe những câu ca dao quen thuộc như thế ấy. Vả lại thường thì đầm sen cũng chỉ có hoa sen, ít có những loại hoa khác, vì chẳng có hoa nào có thể ngập trong nước và trổi lên những nụ hoa đẹp đẽ tinh khiết như sen được. Nếu cắc cớ viết lại theo thể văn xuôi tôi có thể ghi là: trong đầm sen không gì đẹp bằng bông sen (nghe sao huề tiền quá!), cây bông sen nó có lá xanh, có bông trắng và có nhụy vàng. Ấy thế nhưng chớ vội coi thường. Trong cái lý luận này có những nét cao đẹp tinh anh, rất đại thừa bất nhị, bất khả tư nghì. Trong đầm sen tất phải có sen, và sen có lá xanh bông trắng nhụy vàng. Chuyện đó dễ quá, con nít cũng biết. Điều đáng nói là cái lý luận tưởng ngây ngô ấy có chuyên chở một sự thật, mà sự thật có khi nằm sờ sờ đó mà ta lại không nhận ra. Ta vẫn thường hay thấy tranh vẽ bông sen, hình chụp bông sen đẹp hơn chính bông sen thật, bông sen ngoài hồ rất tinh khiết đang tỏa hương. Đấy là điểm then chốt. Còn hai câu kế nữa chứ.
Nhụy vàng bông trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Có thể người ta đang chờ đợi ở câu kế có một định nghĩa hay kết luận gì thật cao siêu. Thì ở đây câu ca dao bình dân cũng nói cao siêu lắm: Ừ, thiệt đó, bạn hãy nhìn kỹ đi, đó chính là nhụy vàng và bông trắng và lá xanh, đẹp lắm! Và phải nhìn sâu bằng con mắt tuệ giác thì mới thấy được như thế. Bản lai chân diện mục. Và khi thấy được rồi thì biết sen rất tinh khiết, tuy ở trong bùn mà không vướng mùi bùn. Nghe choáng váng!
Ấy vậy mà có người như thế đó, đương sự tuy vẫn ở trong cuộc đời như ta, vẫn phải ăn phải ngủ phải sống, xây chùa đúc tượng, nuôi dạy đệ tử… nhưng vẫn có thể đi nhởn nhơ giữa đôi bờ sinh tử. Người ấy hai chân đứng chắc như bàn thạch, tâm vững chãi, sức mấy mà cuộc đời có thể lôi kéo cuộc đời họ đi lạc hướng được.
Sao nghe giống câu chuyện Tạc Tượng Phật trong Giai Thoại Thiền này quá:
Trước khi sang châu Mỹ, khi mới bắt đầu học Thiền, Sokei-an Sasaki được thầy sắp xếp cho gặp Thiền sư Soyen Shaku. Được biết rằng Sokei-an từng học tạc tượng gỗ, Thiền sư hỏi:
– Con học nghệ thuật đó bao lâu?
– Sáu năm.
– Hãy tạc cho ta một pho tượng Phật!
Hai tuần sau Sokei-an trở lại, đem đến một tượng Phật bằng gỗ.
– Cái gì thế nầy? Thiền sư kêu lên và ném pho tượng qua cửa sổ.
Về sau Sokei-an tâm sự: “ Có vẻ là thầy có phần khắc nghiệt, nhưng mà không phải vậy. Thầy có ý muốn tôi tạc tượng Phật ngay trên chính bản thân mình.
(Nguyên Nguyên: Góp Nhặt Lá Rừng. www.thuvienhoasen.org)
Ghi chú: Thiền Sư Soyen Shakulà người đầu tiên vào những năm 1900 truyền Thiền học vào nước Mỹ.
Để dễ cho tôi, tôi xin phép được sắp những khoảng thời gian sáu bảy mươi năm (cho đến khi viết bài này) của đóa sen đó thành những đoạn đời như thế này.
Nụ sen còn ẩn trong bùn – Từ mơ hồ đến định hướng (đoạn 1)
Năm 1949 cậu bé tên Cường họ Lê ra đời trong một làng quê ở Quảng Nam. Quảng Nam là miền đất khí hậu rất khắc nghiệt. Mùa hè gió nam từ Trường Sơn thổi xuống mang theo cái nóng nung người. Mùa đông những cơn gió bấc thổi vào lạnh cắt da cắt thịt. Ruộng đất thì kém màu mỡ. Đã vậy năm nào cũng có vài cơn bão lụt tàn phá hoa màu nhà cửa. Người dân Quảng Nam sinh ra là đã học bài học đấu tranh với thiên nhiên để tự sinh tồn. Trở lại chuyện làng tôi, làng Xuyên Mỹ. Năm 1949 tôi chưa biết anh Cường vì lúc đó tôi chưa sinh ra. Những năm sau anh và tôi cùng học chung một trường tiểu học, nhưng tôi chỉ mơ hồ biết có người như thế; mặc dầu trường của chúng tôi không đông học sinh, đoán chừng trăm mấy học sinh là nhiều. Cùng xã Xuyên Mỹ nhưng tôi ở xóm Mỹ Đình còn anh ở xóm Mỹ Hạt. Hai xóm cách nhau một con mương nước, nơi chúng tôi vẫn thường nhảy ùm xuống tắm trong những ngày hè. Sự việc đi góp gạo cho Chùa giúp tôi biết thêm chút ít về anh và gia đình anh. Số là thời ấy Chùa Hà Linh của chúng tôi quá nghèo. Để duy trì các hoạt động thường xuyên và liên tục của Chùa, của Khuôn Hội gồm đủ lứa tuổi, từ người lớn cho đến Gia Đình Phật Tử thì Chùa phải có những thực phẩm tối thiểu, để ít nhất bà con trong những ngày rằm hay mồng một về Chùa tụng kinh niệm Phật và cùng thọ trai. Mà họ đã quá nghèo thì làm sao đóng góp được. Chùa có sáng kiến là mỗi gia đình Phật tử của Chùa, trước khi vo gạo nấu cơm cho mỗi bữa cơm, nhín lại một nắm gạo (chỉ một nắm nhỏ trong tay mình thôi, nắm chặt hay lơi thì tùy khả năng và phát tâm mỗi người) và bỏ vào một cái hũ nhỏ để ở gần bếp. Mỗi bữa một nắm gạo cho vào hũ là một lần nghĩ về Chùa, về đạo pháp. Tôi có nhiệm vụ, cứ khoảng hai tuần một lần, đội một cái thúng trên đầu và đi thu những số gạo đó. Phải chăng do phước báo nhỏ bé đó mà cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ bị đói dù cuộc đời đã phải trải qua rất nhiều cơn bỉ cực. Do nhân duyên ấy tôi thường đến nhà ông Quyên, thân phụ anh Cường để thu số gạo trên. Trong những khoảng nhớ rất mỏng manh còn lại bây giờ, tôi thường thấy anh Cường ngồi yên lặng, khuôn mặt rất tươi ngồi chằm nón. Một sự hiện diện của một con người rất mơ hồ không khiến tôi quan tâm mấy. Tôi chỉ lo phụ mẹ và mấy người chị của anh đổ hũ gạo vào thúng gạo của tôi. Họ thường khen tôi giỏi làm việc Chùa, có khi mời tôi uống một ly nước mát lạnh, mời ăn trái ổi, trái ô ma (trái trứng gà). Có thể vì thế mà tôi ít để ý đến ai, kể cả anh Cường, người hơn tôi vài tuổi chăng?
Sau này đọc hồi ký của anh, tôi thấy chính anh lúc ấy cũng rất mơ hồ về con người và cả tương lai của mình. Anh đi học trường tiểu học, về nhà phụ việc vặt, chằm nón, đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Hà Linh. Sau đó có thời gian trong vài năm anh theo bạn đi học nghề thợ may, rồi lại chuyển đi học nghề mộc. Cũng có thể cái nghề thợ mộc này, trong quá trình cưa, bào gỗ giúp chàng trẻ tuổi tên Cường ấy đã giật mình và từng bước nhận ra con đường mình sẽ đi.
Bào gỗ lớn rồi bào gỗ nhỏ. Sau một thời gian như vậy ông thầy Ký bảo những lớp đàn anh lớn hơn chỉ cho tôi lấy thước kẻ để đo và đục nên những con mộng, sau khi đã bào được một chân ghế hay một chân giường; hoặc giả một chân bàn v.v… kể ra thì tôi chẳng sáng dạ gì, chỉ được một chút dễ thương khi sai bảo, tôi không bao giờ chống chế lại, dầu cho việc ấy đúng hay sai; nên được nhiều người mến là vậy. Có khi tôi đóng được chiếc ghế dựa rồi đem ra đánh giấy nhám và đánh verni màu nghệ, trông cũng đẹp mắt, không thua gì lớp đàn anh mấy. Thỉnh thoảng tôi đóng được cái bàn; nhưng ông Thầy nheo mắt tỏ vẻ không hài lòng và hãy để cho ở nhà dùng. Khi đóng giường thì chỉ được phép làm chung với những người học nghề lâu hơn.
(Thích Như Điển: Hương Lúa Chùa Quê, tr. 237)
Nếu sau đó không có sự kiện anh Cường và người bạn là anh Mười cùng rủ nhau đạp xe đạp đi chơi ở Chùa Non Nước và Tam Thai, thì có thể đến bây giờ anh Cường sẽ vẫn còn là thợ mộc và tạc tượng Phật như Sokei-an trong câu chuyện thiền nói ở trước không chừng. Nhưng không, từ ngày ấy anh đã có một định hướng: anh bắt đầu ăn chay, buổi tối cùng người cháu đến ngủ tại Chùa Hà Linh và đến 1963 thì quy Y Tam Bảo với Sư Phụ của anh, lúc bấy giờ là Đại Đức Thích Long Trí.
Búp sen đà hé mở – Từ định hướng đến xuất sắc (đoạn 2)
Mười lăm tuổi, anh xin phép cha mẹ đi xuất gia. Đây là một sự kiện quan trọng nhất trong thời gian này. Nếu tôi có thể viết kịch được thì chắc đoạn này sẽ thành một vở kịch ly kỳ hấp dẫn, có khi đầy nước mắt nữa. Nhưng đừng lo, tôi không có tài đó.
Trong những năm đó, đời sống các Chùa ở miền Trung quá cực nên bậc cha mẹ dù có tín tâm cao đến mấy cũng không nỡ nhìn con mình khổ. Do đó ít có cha mẹ nào đồng ý để cho con xuất gia, mặc dầu họ biết rằng có con cái đi xuất gia là một hãnh diện và phước báo cho cả gia đình dòng họ. Hơn nữa nhà cụ Lê Quyên đã có một người con trai đi xuất gia rồi. Sự kiện người anh thứ bảy của Thầy (tức Hòa Thượng Bảo Lạc) bảy năm trước (1957) trốn đi xuất gia trong đêm mồng tám tháng hai cũng rất là ly kỳ như chuyện Thái Tử Tất Đạt Đa giữa đêm khuya rời thành Ca Tỳ La Vệ . Lần này, vì thương đứa con trai út nên ông bà Lê Quyên tế nhị và tinh vi hơn trong kế hoạch ngăn cản đứa con út mà ông bà rất cưng. Ông bà đã tổ chức một cuộc họp mặt gia đình, không khí gần như một phiên tòa và oái ăm thay, ông bà lại giao cho người con trai thứ bảy, vị tu sĩ đã thọ Sa Di (và trong năm đó sẽ thọ Tỳ Kheo), đứng ra làm “chánh án”.
Hãy nghe Thầy Bảo Lạc kể lại.
[…]
Tôi gọi em ra trước mọi người, với sự chứng kiến của cha mẹ, tôi lấy quyền làm anh trong giọng đanh thép, nhưng nghiêm từ, sách hạch em tôi vừa như cấm cản vừa có ý không bằng lòng:
“Tại sao mày muốn đi tu?”
Dù hỏi thì hỏi vậy chứ tôi không muốn nghe câu trả lời nên tiếp luôn: “Nếu mầy muốn vào ở chùa thì tao sẽ trở lại đời sống thế tục. Vì tao không muốn thấy trong gia đình nầy có ai phải khổ như tao nữa!”
Em tôi nín thinh cúi đầu. Cha mẹ tôi, các anh chị tôi đều để yên cho tôi nói như một quan tòa xử án. Thấy không khí gia đình trở nên mghiêm trọng, căng thẳng, vì ai cũng chú ý nhìn tôi chờ đợi. […]
Đọc được tâm trạng người thân, tôi nhìn thẳng vào mặt em tôi đang ngồi thừ ra đó như gỗ và tiếp lời luôn một mạch: “Mầy có biết rằng đi tu là khổ, và người tu phải hy sinh tất cả những hạnh phúc cá nhân, kể cả vợ con, như đức Phật Thích Ca khi xưa đã làm? Còn việc ăn uống cũng đạm bạc tương rau, cho đến giấc ngủ cũng phải giảm bớt để thì giờ vào việc tụng kinh, niệm Phật, tham thiền. Người tu Phật là thế đó, chớ nào có vui sướng gì!” […]
Em tôi không diễn đạt ra được bằng lời nên ôm mặt khóc lớn lên thành tiếng…
(Thích Bảo Lạc: Cho Trọn Hiếu Ân, tr.102-103. Pháp Bảo, 1991)
Tôi hình dung ngay khung cảnh ấy. Một chàng thiếu niên mới mười lăm tuổi đầu, lặng lẽ và cô đơn ở một góc nhà trên, trong một cuộc họp gia đình đông anh chị (và là em út), phải đương đầu trước một cuộc chất vấn. Kẻ đặt câu hỏi lại là một người vừa từ Chùa về thăm gia đình. Làm sao anh ta còn lý luận nào để biện minh cho ý nguyện xuất gia của mình. Yên lặng là phải, khóc là phải – còn cách nào khác hơn? Lúc đọc đoạn văn ấy tôi liên tưởng ngay đến cảnh trong tác phẩm Siddharta của văn hào Hermann Hesse, bản dịch tiếng Việt là Câu Chuyện Dòng Sông (dịch giả: Phùng Khánh và Phùng Thăng), đoạn chàng Tất Đạt xin đi tu:
[…]
Tất Đạt bước vào phòng khi cha đang ngồi trên một tấm đệm. Chàng tiến đến sau lưng cha và đứng lặng cho đến khi cha biết có chàng.
– Con đấy ư, Tất Đạt… Ông hỏi. Cứ nói lên cho cha nghe những gì con đang nghĩ.
– Thưa cha, nếu cha cho phép, con đến thưa cha rằng con muốn rời nhà ngày mai, để đi theo những người khổ hạnh. Con muốn trở thành một vị Sa Môn. Con tin rằng cha sẽ không ngăn cản.
Người hiền triết Bà La Môn lặng im rất lâu, lâu quá đến nỗi khi những vì sao đã lạc qua song cửa nhỏ và chuyển hướng, sự im lặng trong gian phòng mới được đánh tan. Người con đứng lặng, hai vòng tay khép chặt. Người cha cũng bất động ngồi trên chiếc thảm. Những ngôi sao băng qua nền trời. Rồi ông bảo:
– Không lẽ cha, một người tu đạo lại thốt lời giận dữ hùng hổ, nhưng cha rất bất bình. Cha không muốn con lặp lại lời xin ấy một lần nữa.
Bậc hiền nhân từ từ đứng lên. Tất Đạt vẫn khoanh tay đứng lặng.
– Tại sao còn đợi đấy… Cha chàng hỏi.
– Cha cũng hiểu tại sao rồi. Chàng đáp.
Người cha rời phòng, bất mãn và đi nằm. Khi đã một giờ trôi qua không ngủ được, vị hiền nhân đứng dậy, đi bách bộ ra khỏi nhà. Ông nhìn qua cửa sổ nhỏ và thấy Tất Đạt vẫn đứng khoanh tay bất động. Ông có thể thấy chiếc áo nhạt của chàng thấp thoáng. Tâm hồn bất an, người cha trở về giường nằm. Một giờ nữa lại trôi qua, ông không ngủ được, lại trở dậy đi bách bộ, ra khỏi nhà và thấy trăng đã lên. Ông nhìn qua cửa sổ. Tất Đạt còn đứng đấy bất động, vòng tay vẫn khép; mảnh trăng chiếu sáng trên chân chàng. Người cha đi ngủ, lòng xao xuyến…
Cuối cùng, biết không ngăn cản Tất Đạt được, vị Bà La Môn ấy cũng phải đồng ý cho chàng lên đường vào rừng tìm đến đức Cồ Đàm. Ở nơi khác, ở xóm Mỹ Hạt, chàng trai trẻ tên Cường hôm ấy cũng đã yên lặng không nói một lời nào. Nhưng ngay hôm sau đó chàng ta đã thưa cùng gia đình rằng: “Ý con đã quyết, nếu cha mẹ và gia đình không đồng ý cho con đi tu thì con sẽ tìm cách trốn nhà ra đi như anh Bảy”. Biết là không cản được nên ông bà cụ buộc lòng phải đồng ý. Ngày rằm tháng năm năm Giáp Thìn (24.06.64), sau đám giỗ ông Nội thì anh Cường từ giã gia đình và bạn bè, đạp xe đạp lên đường đến Chùa Viên Giác ở phố cổ Hội An đi tu.
Khúc rẽ quyết định của cuộc đời anh bắt đầu từ đó. Lúc ấy là năm 1964.
Đoạn đường tu cũng không đơn giản suông sẻ như dự tính. Sư Phụ sắp có Phật sự đi xa nên gởi chú sang Chùa Phước Lâm hành điệu. Lời dạy đầu tiên của Sư Phụ mà sau này Thầy vẫn thường nhắc lại là: dù ngu dốt hay tài ba như thế nào đi nữa, nhưng đã học thuộc được bài Bát Nhã rồi thì sẽ không bao giờ bị đói. Phải chăng lời giáo huấn đầu của sư phụ là dõng mãnh tinh tấn và niềm tin Phật Pháp? Nhưng tại sao lại là bài Bát Nhã? Sư Phụ ám chỉ gì đây? Chú tiểu tân xuất gia chả cần thắc mắc gì nhiều, chỉ vâng lời sư phụ và siêng năng tu tập, chỉ hơn một tháng sau là đã thuộc lòng thời Công phu chiều, 3 đệ (trong 5) Kinh Lăng Nghiêm cũng như những bài kinh nhật tụng khác. Nhân ngày Vía Đức Phật Quán Thế Âm (19.06 âm lịch) năm đó chú được Sư Phụ cho xuống tóc thế phát, chính thức là chú tiểu, nhằm ngày 27.07.1964. Rồi sau đó, hằng ngày kế bên những thời khóa công phu, công việc chùa chú còn được theo những tăng sinh khác cắp sách đến trường học ngoại điển. Lạ thay, trong những năm học này, dù quá bận rộn với việc chúng, việc chùa, nhưng sư chú Như Điển như đã lột xác, hay phát huệ – nói theo ngôn ngữ nhà chùa – học rất giỏi, luôn luôn xếp hạng nhất nhì trong các lớp học, thường được phần thưởng toàn trường, từ học lực đến hạnh kiểm. Việc ấy, nếu nhìn theo mắt đời thường thấy thật khó hiểu. Nhưng không dừng lại ở đó, sư chú dời vào Sài Gòn học tiếp và sau đó đi xuất ngoại du học tại Nhật Bản, cũng vẫn xuất sắc trong đường học vấn.
Cho hay, câu nói thường nghe trong nhà Chùa: Trí Tuệ làm sự nghiệp, tinh tấn làm công phu, không phải là một câu nói suông, vẫn có người làm được đó, và làm dễ như ăn cơm mỗi ngày.
Sen nở ngào ngạt hương thơm – Từ xuất sắc đến nổi tiếng (đoạn 3)
Năm xưa, năm Đinh Tỵ 1677, một vị Thiền Sư từ Trung Hoa có tên là Nguyên Thiều tránh loạn Mãn Châu chạy đến nước Việt Nam xin tỵ nạn. Ngài là đệ tử đời thứ 33 của Thiền phái Lâm Tế, đến tỉnh Bình Định, dựng Chùa Thập Tháp Di Đà và thiết lập dòng Thiền Lâm Tế đầu tiên ở Việt Nam. Chúa Nguyễn nghe danh Ngài nên cung thỉnh Ngài về Huế và sau đó thỉnh cầu Ngài về Trung Hoa để thỉnh Pháp khí và Chư Tăng sang Việt Nam kiến lập Giới Đàn truyền giới. Trong số những vị Tăng đó có Ngài Minh Hải Pháp Bảo (Lâm Tế đời thứ 34) đến và ở lại Hội An, sau đó khai sơn chùa Chúc Thánh, lúc ấy Ngài mới 27 tuổi.
Ba trăm năm sau, có một đệ tử của Lâm Tế Chúc Thánh là Sa Môn Như Điển từ Việt Nam sang Nhật du học, rồi do những hoàn cảnh éo le của tình hình chính trị lại từ Nhật đến Đức vào năm 1977, cũng tỵ nạn, lúc ấy Thầy vừa 28 tuổi. Một năm sau, vào năm 1978, Đại Đức Như Điển thành lập Niệm Phật Đường Viên Giác, sau này là Chùa Viên Giác, cũng được sự trợ duyên, giúp đỡ của chính quyền Tiểu Bang Niedersachsen và chính quyền Liên Bang Đức, như sơ tổ ngày xưa ở Việt Nam – sự kiện này rất hiếm hoi, có thể nói cho đến thời điểm bây giờ, đây là lần duy nhất tại Đức. Đại Đức còn thành lập Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đức, đặt nền tảng cho GHPG Việt Nam đầu tiên tại đây và đã cùng những sinh viên Phật tử ở đây thành lập Hội Kiều Bào và Sinh Viên Việt Nam tại CHLB Đức để quan hệ với các tổ chức khác và chính quyền. Sau này khi bắt đầu có đông người tỵ nạn thì Hội đổi tên thành Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại CHLB Đức. Những nhiệm kỳ đầu do Phật tử Thị Minh Văn Công Trâm làm Hội trưởng. Ở đây cần được nói rõ thêm là Phật Giáo đã có mặt ở nước Đức ngay từ những năm 1900, đã có những nhân vật rất tiếng tăm, ví dụ như triết gia Arthur Schopenhauer theo học và quảng bá Phật học trong giới trí thức. Nhưng viên đá đầu tiên đặt nền móng cho Phật Giáo Việt Nam tại Đức chỉ được đặt vào năm 1978 tại thành phố Hannover, tại Niệm Phật Đường Viên Giác, nơi Đại Đức Như Điển đang ở lúc ấy. Như thế, ba trăm năm sau kể từ năm Đinh Tỵ 1677, đệ tử đời thứ 41 Lâm Tế Chúc Thánh, Sa Môn Thích Như Điển đã mang truyền thống Đại Thừa Phật Giáo Việt Nam đến truyền bá tại Đức Quốc. Thật chẳng thái quá nếu ta nói rằng, chính Hòa Thượng Như Điển là vị Sơ Tổ Phật Giáo Việt Nam tại Đức, người mang hạt giống sen của Phật Giáo Việt Nam đầu tiên đến gieo tại xứ này.
Những tưởng mấy hạt giống sen ấy gặp tuyết lạnh ở Đức sẽ bị mai một đi. Không, sen nhanh chóng nhảy ra những sen khác, nhân lên thành gấp bội những đóa sen thơm ngát. Bây giờ Thầy đã có 45 đệ tử xuất gia và bảy, tám ngàn đệ tử thọ năm giới đủ mọi tầng lớp trong xã hội, phân bố trên cả năm châu. Trong số những đệ tử xuất gia, có những vị là những bậc chân tu khả kính. Có thể kể vài ví dụ như trường hợp Thượng Tọa Hạnh Tấn (Viện chủ Tu Viện Vô Lượng Thọ Amitayu ở Đức, tu viện chỉ chuyên miên mật tu tập), TT Hạnh Nguyện (Viện Chủ Cực Lạc Cảnh Giới Chiangmai Thái Lan), TT Hạnh Bảo, Đại Đức Hạnh Giới v.v… và nhiều vị khác. Phía Ni có những vị Sư Cô Hạnh Khánh (Đan Mạch), SC Hạnh Quang (Thụy Sĩ) hay SC Tuệ Đàm Nghiêm (Trụ trì chùa Bảo Quang Hamburg), SC Hạnh Trì (Hoa Kỳ; sáng lập viên và lãnh đạo Hội “Vì Hòa Bình Thế Giới – I Am For World Peace Foundation” chuyên làm từ thiện giúp đời) v.v… Hoa sen ngày xưa giờ đã nở rộ và còn nhảy ra làm đẹp nhiều hồ sen trên cả thế giới.
Ai từng biết Thầy cũng rất quý mến, khâm phục những công hạnh trong những sinh hoạt thường nhật của Thầy. Tôi chỉ xin kể sơ vài việc.
Thầy sống rất giản dị và tiết kiệm, ngày còn hàn vi đến bây giờ vẫn không khác gì mấy. Mặc dầu sau này nhiều đệ tử tại gia của Thầy vẫn muốn cúng dường nhiều tịnh tài để Thầy dễ làm Phật sự. Có một đại thí chủ ở Mỹ, và là đệ tử tại gia của Thầy muốn dâng cúng Thầy một cái đồng hồ tốt để dùng (vì Thầy luôn muốn đúng giờ). Vị thí chủ này mang ra ba chiếc và nói Thầy chọn một. Thầy chọn một cái hợp mắt, nhưng sau khi biết giá chiếc đồng hồ này rất cao Thầy bèn từ chối, viện cớ người tu không xài những đồ dùng đắt tiền. Nhưng vị đệ tử cứ năn nỉ mãi Thầy đồng ý nhận, với điều kiện là Thầy chỉ dùng trong một thời gian để vật tích tụ công đức và sau đó sẽ đem ra bán đấu giá trong một bữa cơm xã hội ở Úc, số tiền đấu giá sẽ cúng hoàn toàn vào quỹ xây Tháp ở Chùa Pháp Bảo tại Sydney. Tôi có nhìn thấy chiếc đồng hồ ấy, đúng là loại đồng hồ rất đắc tiền. Tự nhiên tôi nghĩ đến câu chuyện trong kinh Pháp Hoa, đoạn Ngài Vô Tận Ý mở chuỗi ngọc bằng châu báu giá trị trăm nghìn lượng vàng dâng cúng Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm lúc đầu từ chối nhưng sau khi Phật Thích Ca bảo Ngài hãy từ bi nhận, Ngài liền đón nhận chuỗi ngọc quý Trân Bảo Pháp Thí ấy, và sau đó mang cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tháp của Đức Phật Đa Bảo.
Trong sinh hoạt thường ngày Thầy vẫn luôn giữ nếp sống bình dị trong nhà chùa. Có lần tôi gặp Thầy và bác Năm Phát cùng đi Phật sự tại một địa phương. Hai thầy trò có mang theo nhiều sách báo để tặng bà con Phật Tử. Đoạn đường từ Chùa đến trạm xe điện Seelhorst khoảng 20, 25 phút đi bộ (và sau đó đến ga chính để đi tiếp tục bằng xe lửa) nhưng hai thầy trò vẫn vác trên vai những thùng cạc tông sách nặng mà đi bộ chứ tiết kiệm không chịu đi Taxi. Về Chùa tôi kể lại bác Diệu Niên đang làm công quả dưới bếp nghe, bác cứ cằn nhằn mãi, nói Thầy tiết kiệm chi cho cực thân. Trong khi đó nếu cần giúp đỡ ai thì thầy rất sẵn lòng. Thầy không bao giờ hà tiện trong việc cúng dường, từ các khách tăng đến viếng Chùa hay việc xây dựng tự viện các nơi, cấp học bổng cho cả trăm vị du học sinh, hoặc các chương trình từ thiện xã hội. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh thật dễ mến này của Thầy. Trong khoảng những năm 1982-1985, lúc bắt đầu xây dựng các cơ sở tại Đức, Chùa nào cũng rất chật vật. Tuy thế thầy vẫn luôn chia xẻ, nếu có Phật tử nào từ các địa phương đến Thầy luôn gởi tặng các Chùa, Niệm Phật Đường ở đó vài bao gạo, mấy chai nước tương, vài bó rau. Chính tôi cũng đôi lần chở những bao gạo như thế từ Hannover về Hamburg. Hay lúc ở công quả tại Viên Giác, tôi cũng thường xuống hầm vác những bao gạo theo lời yêu cầu của Thầy để gởi theo xe, tặng những cơ sở khác. Mặc dù phải nói rõ ở đây là Chùa Viên Giác lúc ấy về mặt kinh tế cũng chẳng khá gì mấy. Tinh thần nhường cơm xẻ áo ấy của Thầy là một bài học lớn cho hậu thế. Điểm khác là Thầy sống rất điều độ, giờ nào việc ấy, từ giờ ăn giờ ngủ, đến những thời khóa trong Chùa. Có lẽ nhờ vậy mà Thầy có sức khỏe khá tốt, giúp Thầy rất nhiều trong các Phật sự đa đoan ở nhiều nơi trên thế giới. Năm mươi năm xuất gia, Thầy chưa hề bỏ một thời công phu. Ai cũng có lúc bệnh hoạn chứ! Nhưng nếu không lên chánh điện được thì Thầy tụng kinh trong phòng. Không ở Chùa mà phải đi Phật sự thì Thầy tụng ở nhà Phật tử hay cả trong khách sạn. Tính sơ sơ 50 năm xuất gia, cứ cho là chỉ tính 360 ngày mỗi năm (trừ ra những lúc ngồi máy bay liên lục địa lộn phèo giờ giấc, hay các chuyến tàu lửa đêm Hannover-Paris…) Thầy cũng đã có ít nhất 18.000 thời Lăng Nghiêm (vâng, tôi không nói lộn, mười tám ngàn) làm vốn bỏ túi. An Cư Kiết Hạ trời nóng chang chang nhưng vẫn y hậu chỉnh tề, lạy mỗi đêm hơn 300 lạy, từ Tam Thiên Phật, đến Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn…). Công phu như thế thì sức mấy đám ma vương ngày đêm rình rập quanh Thầy có thể đụng đến được móng chân móng tay của Thầy được.
Khi còn ở Chùa Viên Giác cũ, lúc còn mướn cái nhà kho làm Chánh điện nên rất lạnh và máy sưởi chỉ mở lúc có lễ lớn mà thôi. Tôi đến lập thư viện và phân loại sách cho khoảng 3000 cuốn sách đầu tiên cho Chùa. Ngặt nỗi là phòng làm Thư Viện cũng là chỗ thờ Phật và là địa điểm hằng ngày Thầy tụng công phu khuya. Ban đêm làm việc mệt, buổi sáng tôi ngủ khì, không chịu dậy tụng kinh. Hôm đầu Thầy không nói, chỉ đẩy tôi sang một bên và tụng Lăng Nghiêm, còn tôi vẫn cứ ngáy! Hôm sau trong lúc trò chuyện vui vẻ, Thầy nói riêng với tôi: “Đối với thân thể của mình cũng như đối với học trò hay con cái, đừng quá nuông chiều nó. Cưng nó quá nó sẽ hư”. Thầy thường là như thế, nói nhẹ nhàng đơn giản nhưng rất thấm, và thấm lâu. Hơn ba mươi năm rồi tôi vẫn nhớ chăm chăm. Những lúc làm biếng vì mệt mỏi, cả việc đời lẫn việc đạo, tôi vẫn nhắc tôi như thế.
Thầy cũng có tiếng là giới luật rất nghiêm minh, với Tăng chúng và với chính cá nhân mình. Chẳng thế mà Thầy được rất nhiều nơi mời làm giám luật Đại Giới Đàn lớn trên thế giới. Bởi vậy ta không lạ gì khi thấy Chính phủ Bhutan mời Thầy và một phái đoàn Phật Giáo Việt Nam ở Đức chính thức đến viếng thăm nước Bhutan (hình như là lần đầu tiên quốc gia này làm như thế), được Hoàng Hậu và Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa và chính Đức Phó Tăng Thống Bhutan đích thân đón rước, tổ chức đưa đi thăm viếng nhiều cơ sở vào năm 2001. Mười năm sau đó, vào năm 2011 Thầy và Cố HT Thích Minh Tâm được Chính phủ Tích Lan trao giải thưởng danh dự và Quạt Quốc Sư. Buổi lễ được tổ chức rất long trọng tại thủ đô Colombo, có sự tham dự của Chư Trưởng Lão Tăng Già Tích Lan cũng như Thủ Tướng và Phó Thủ Tướng Tích Lan. Những sự kiện như thế đã viết đầy đủ ở nhiều nguồn tài liệu nên không cần nhắc lại ở đây.
Chắc cũng có người hỏi: sao chỉ thấy toàn chuyện tốt, Thầy có điểm nào không hoặc chưa tốt? Có hỏi thì xin thưa: có chứ, nhân vô thập toàn. Là người phàm thì có ai toàn hảo đâu, chắc chi bậc Thánh đã được vậy! Kinh Phật còn kể lại, lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, ngay cả những vị Tỳ Kheo lớn vẫn có khi làm lỗi bị Phật rầy, huống hồ chúng sanh thời nay. Ai kẻ chuyên vạch lá tìm sâu thì sẽ chỉ thấy sâu mà chẳng bao giờ thấy lá xanh tươi thắm, tội nghiệp lắm. Ai làm mặc ai chứ tôi chỉ muốn tìm tòi những nét đẹp từ nếp sống đức hạnh ấy để học theo thôi.
Này nhé, bạn thử nhìn kỹ vào bức thư pháp vòng tròn Thiền. Có ai dùng com-pa quay vòng tròn 360 độ để vẽ bức thư pháp ấy đâu! Nghệ nhân, hành giả phải trải lòng, phải định tâm, thanh thản tay cầm bút lông và vẽ, như vẽ tâm mình. Thiền vị ở chỗ là vòng tròn mà không tròn, nét hòa hợp tương xứng mà lại không đều nhau, vẽ xong mà còn dở dang – như nước cứ chảy, như nhạn cứ bay. Đó chính là thiền, là đạo. Xin đừng vội chê cái vòng tròn ấy hơi méo! Nó méo vì gốc của nó là không tròn, thế thôi.
Năm mươi năm trước, không biết vô tình hay hữu ý mà Thầy Bổn Sư, Cố Hòa Thượng Thích Long Trí lúc xưa đã đặt tên Thầy là Như Điển. Duyên nghiệp, định mệnh đã xui khiến như thế chăng? Tôi xin phép diễn hai chữ ấy bằng ba nghĩa theo suy nghĩ của tôi (xin phép Thầy!):
Thứ nhất: Như một Điển tích, hay nói rõ hơn là như huyền thoại có đầu có đuôi. Ấy là một con người, lúc nhỏ đi học thường đội sổ đứng hạng chót lớp. Lớn lên, lúc 15 tuổi vào Chùa tu tập tự dưng phát huệ (phải chăng huệ đây chính là cái trí tuệ bài kinh Bát Nhã mà Sư Phụ đã dạy?), rồi thoát thân trở thành người học hành tu tập xuất sắc, thường nhận được điểm cao và phần thưởng ngoại hạng. Sau đó đi thuyết giảng, hành đạo độ đời độ người bất luận sang hèn khắp trên thế giới, là một trong những tăng sĩ PGVN thành công và uy tín nhất ở hải ngoại. Đức Khổng Phu Tử xưa lúc 15 tuổi cũng thế. Ai cũng biết câu nói “tam thập nhi lập” của Ngài trong Luận Ngữ, nhưng ít ai nhắc đến câu trước đó, cũng quan trọng không kém. Tôi ghi lại cả đoạn. “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”. Nguyên văn bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê là: Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học (đạo); ba mươi tuổi biết tự lập (tức khắc kỉ phục lễ, cứ theo điều lễ mà làm); bốn mươi tuổi không nghi hoặc nữa (tức có trí đức, nên hiểu rõ ba đức nhân, lễ, nghĩa); năm mươi tuổi biết mệnh trời (biết được việc nào sức người làm được, việc nào không làm được); sáu mươi tuổi biết theo mệnh trời; bảy mươi tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lí (không phải suy nghĩ, gắng sức mà hành động tự nhiên, hợp đạo lí).Ở đây tôi xin mở ngoặc nói tào lao ngoài đề chút. Những bậc cha mẹ bây giờ vẫn thường than thở và ép con cái học nhiều quá, nhất là ở Việt Nam. Đi chùa tôi vẫn nghe mấy bậc cha mẹ trẻ than như thế. Hãy xem Đức Khổng Tử ngày xưa và cả Thầy Như Điển bây giờ, đến lúc 15 tuổi mới để chí vào việc học và trở thành những bậc hiền tài. Ép chúng nó quá coi chừng có nó ngày bị tẩu hỏa nhập ma đó! (Hết nói chuyện tào lao).
Vậy không phải là điển tích sao?
Thầy còn có sức thu hút và có khả năng thuyết phục rất cao. Một Đại Đức người Đức có kể tôi nghe rằng, trong lớp dạy về Kinh Pháp Hoa ở Chùa Viên Giác cho người Đức, có mấy câu hỏi được đưa ra và vị Đại Đức nọ cố gắng giải thích, dù họ cùng một ngôn ngữ nhưng thính chúng vẫn không rõ hết nghĩa lý. Đến khi Thầy đến thì như có ánh sáng xuất hiện, Thầy cũng trả lời như thế (và dĩ nhiên khả năng tiếng Đức của vị Đại Đức người Đức kia lưu loát hơn) nhưng cả thính chúng đều hoan hỷ và tiếp nhận trọn vẹn ý nghĩa câu kinh. Đó là những lời giảng kinh không lời, giảng vô ngôn. Lúc này là lúc câu chuyện trong Giai Thoại Thiền đã đổi vai: Thầy Như Điển chính là Thiền sư Soyen Shaku và những Phật tử Đức kia chính là chàng nghệ nhân tạc tượng gỗ Sokei-an Sasaki.
Thứ hai: Như (Tự) Điển: Quả đúng vậy, Thầy như một cuốn tự điển sống, hỏi gì cũng nhớ, chuyện đông chuyện tây gì Thầy cũng rành và đúng lớp lang thứ tự. Kinh sách Thầy vừa đọc xong là kể lại ngay vanh vách mọi chi tiết. Nghi thức tán tụng thiền môn Thầy thuộc nằm lòng. Kể cả việc nhỏ như đi đâu Thầy hay ngồi kế bên tài xế và chỉ đường. Mấy vị đệ tử lái xe đưa Thầy đi vẫn thường nói đùa là, mở máy Navigation cũng chỉ đường đến đích như Thầy chỉ, chỉ khác nhau ở chỗ là nếu lái xe rẽ trái quẹo mặt không kịp thì máy không dám nói gì, còn sư phụ chỉ mà không quẹo kịp thì sư phụ hay rầy (!).
Chuyện về Thầy chắc tôi không cần nói nhiều, ai đã gặp hay có dịp gần gũi hoặc đọc sách của Thầy hay sách viết về Thầy thì biết ngay.
Thứ ba: như điện chớp, như lời trong bài kệ Kinh Kim Cang.
Nhất thiết hữu vi pháp; Như mộng, huyễn, bào, ảnh;
Như lộ diệc như điển; Ưng tác như thị quán.
Nghĩa:
Tất cả pháp hữu vi; Như mộng, huyễn, bọt, bóng;
Như sương, như điện chớp,Hãy quán chiếu như thế.
Tính Thầy cái gì cũng rất lẹ làng và sắp xếp có đầu có đuôi, có lý có tình, có trên có dưới. Ai cũng thương mến kính phục. Thầy cũng đã tổ chức nhiều chương trình, nhiều đại hội có quy mô toàn thế giới (như Đại Hội Tăng Già Thế Giới năm 1991 tại Hannover) và rất thành công. Nhưng không chỉ có thế. Kinh dạy: Như sương, như điện chớp, Hãy quán chiếu như thế. Điện chớp mà đứng ngắm chơi ai làm chả được. Điện chớp mà quán chiếu thông suốt hiểu được tất cả pháp hữu vi đều là không, việc ấy mấy người có được, có chăng chỉ là những bậc đại nhân!
Xin bạn cũng đừng nghĩ, tôi viết những điều này ra đây để ca tụng vinh danh Thầy. Giờ này đâu cần phải làm như thế nữa, vì mấy triệu Phật Tử và bao nhiêu tổ chức Phật Giáo thế giới đã vinh danh vị tăng sĩ tu hành chân chính giới luật nghiêm minh ấy rồi. Đã nói, tôi chỉ ghi lại những bài học tôi học được từ bậc đại sĩ ấy mà thôi. Chỉ chừng ấy thôi!
Hương thơm giờtỏa khắp – Từ nổi tiếng đến đại nguyện (đoạn 4)
Bây giờ tôi lại xin kể một câu chuyện Thiền, không biết có ăn nhập gì đây không? Nghĩ chắc có:
Thiền sư Bạch Ẩn nổi tiếng trong vùng là một người đạo đức, sống một đời thanh tịnh, rất được khen ngợi. Gần nơi sư ở có một tiệm thực phẩm, trong đó có một cô gái trẻ đẹp sống chung với cha mẹ, bỗng một ngày, cha mẹ cô gái bất ngờ khám phá ra là cô đang có thai. Thế là họ tức giận vô cùng, tra hỏi thế nào cô gái cũng không nói cha của đứa bé là ai, cuối cùng, bức bách quá cô nói tên Bạch Ẩn ra. Tức giận điên cuồng, cha mẹ cô gái đi đến gặp sư, la mắng đủ điều. Sư chỉ nói: “ thế à?”
Sau khi đứa bé được sinh ra, nó được đem đến bỏ ngay nơi chỗ của Bạch Ẩn. Lúc này, bao nhiêu tiếng tốt đã mất hết, nhưng sư không cảm thấy phiền não, săn sóc đứa bé rất chu đáo. Ngày ngày sư đi khắp xóm làng xin sữa cũng như những thứ cần thiết cho đứa bé.
Một năm sau, cô gái mẹ đứa bé không chịu nỗi nữa. Cô thú thật với cha mẹ – rằng người cha thật sự là một thanh niên làm việc trong chợ cá. Cha mẹ cô gái vội vàng đến ngay gặp Bạch Ẩn, lạy lục xin lỗi hết lời và xin phép được đem đứa bé về. Bạch Ẩn cũng sẵn sàng chiều ý. Trong khi trao đứa bé lại, trước sau sư chỉ nói một câu: “ thế à?”.
(Ngọc Bảo: Tìm Hiểu Con Người Thiền Sư Bạch Ẩn. www.thuongchieu.net)
Chung quanh Thầy Như Điển hằng ngày có bao nhiêu người kính kẻ thương và nể phục, nhưng cũng không lắm người ganh ghét đố kỵ, có khi chụp mũ là Thầy theo Cộng hay theo Mỹ; hoặc giả họ nói thấy Thầy xa xỉ đi xe Mercedes (dù ở Đức Thầy không lái xe bao giờ!). Thuyền lớn thì hứng chịu sóng to. Thầy vẫn tự tại ung dung, thản nhiên bỏ ngoài tai tất cả. Sao có thể tự tại như thế được? Thầy là người giàu cảm xúc, viết văn làm thơ, sáng tác mà? Nếu có ai cắc cớ hỏi, thì chắc Thầy sẽ giải thích đơn giản như đoạn viết ngắn này: “Tôi nguyện trở thành một dòng sông sẽ chuyên chở những trong sạch của cuộc đời và nguyện mình là mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế“. Hành trạng, đại nguyện như thế nói sao cho hết.
Ở đây không gì hay bằng hãy lắng nghe những lời này của Đức Đệ Tứ Tăng Thống.
Thời còn sinh tiền, chính Ngài Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội PGVNTN, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang có cho tám chữ để những nghệ nhân ở Bình Định khắc hai tấm hoành phi. Hai tấm này thật ra là quà tặng của hai Chùa Phổ Bảo tại Bình Định và chùa Giác Uyển tại Sài Gòn cho Chùa Viên Giác vào năm 2003 nhân dịp Hòa Thượng Như Điển trao quyền Trụ Trì Chùa Viên Giác Hannover cho thế hệ trẻ và trở về ngôi Phương Trượng. Ngài Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang đã viết những nội dung gì trong hai bức hoành phi kia?
Bức thứ nhất Ngài cho bốn chữ: “Chúc Thánh Dư Hương” có nghĩa là hương thừa của Chúc Thánh. Ý ở đây là sự nối tiếp của Lâm Tế Chúc Thánh từ thuở Ngài Minh Hải mang dòng Thiền Lâm Tế đến đất Quảng Nam để rồi hôm nay từ Quảng Nam tràn ra đến hải ngọai nói chung và Viên Giác nước Đức nói riêng.
Bức thứ hai mang bốn chữ “Chi Dinh Bổn Cố”, có nghĩa là “cành tốt, gốc chắc”. Gốc chắc là gốc từ Hội An, Quảng Nam do Tổ Minh Hải khai sơn phá thạch cách đây 300 năm. Cành tốt ý là Tông Lâm Tế Chúc Thánh đã đâm cành xanh tốt, vươn xa ra đến Đức quốc, hàng con cháu Lâm Tế Chúc Thánh đã làm rạng rở sơn môn.
Lại thêm một vinh dự nữa, hai bức hoành phi này lại do chính tay Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Bảo An, Trưởng Môn Phái Lâm Tế Chúc Thánh từ Bình Định đích thân mang đến Đức, vào năm 2003, lúc ấy Ngài đã 90 tuổi, để tặng Thầy. Bây giờ ai đến Chùa Viên Giác Hannover, vào trong Tổ điện sẽ có cơ hội chiêm ngưởng hai tấm hoành phi này. Đây là một pháp bảo vô cùng tôn quý của Phật Giáo Việt Nam tại xứ Đức.
Sen chín phẩm, Người thong dong – Quy hồi cố quận (đoạn 5)
Kể làm chi mấy mươi tác phẩm ghi thành sách để lại, sánh chi các công trình vận động, kiến tạo các ngôi Chùa Viên Giác ở Hannover, Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở ngay trên đất Phật Bồ Đề Đạo Tràng, Tu Viện Viên Đức ở Ravensburg vùng Bodensee… và còn mấy ngôi Chùa khác từ Gia Nã Đại đến Bắc Âu. Kể làm chi việc trùng tu Chùa Tổ ở quê nhà. Kể sao hết, mấy mươi đệ tử xuất gia, bao nhiêu Hội, Chi Hội Phật Tử , Gia Đình Phật Tử… mà Thầy đã miệt mài xây dựng. Trên tất cả, tác phẩm lớn nhất, công trình vĩ đại nhất mà Thầy Như Điển đã và sẽ lưu lại cho đạo cho đời là chính cuộc đời của Thầy – từ nhân cách đến đạo hạnh. Cuộc đời Thầy, từ ngày ấu thơ như cây mạ non nhỏ bé yếu ớt trên đồng ruộng xứ Quảng, bây giờ đã hóa thân là đại thụ. Đại thụ hiện ra để cho những dây leo như tôi, như bạn và bao nhiêu người khác, từ hàng cư sĩ đến những bậc tu sĩ hậu sinh, được bám vào và leo lên trên đường học đạo giải thoát.
Nói như Tổ Quy Sơn: Há quý vị không thấy cây dây leo nương vào cây tùng mà leo lên cao tới nghìn tầm. Nếu tu học mà không nương vào những người có đạo đức lớn thì không thể nào thành công được. (Quy Sơn Cảnh Sách – bản dịch của Thiền Sư Nhất Hạnh). Tôi vui sướng và hạnh phúc lắm khi được ngồi hít thở dưới bóng mát của đại thụ ấy, không phải chỉ một buổi chiều ở Hy Lạp mà đã nhiều năm qua và những tháng ngày sắp đến. Hạnh phúc quá!
Ở chặng giữa của tuổi sáu mươi và bảy mươi, thấu sự đời nẻo đạo Thầy viết mấy câu ngắn thế này. Mấy câu ngắn chứa trọn tấm lòng tràn đầy Bồ Tát Hạnh:
Tôi nguyện trở thành một dòng sông sẽ chuyên chở những trong sạch của cuộc đời và nguyện mình là mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế.
[…]
Đã là mặt đất thì không chối từ vật sạch hay dơ. Dẫu cho nó dơ hay sạch thì nó vẫn là hai mặt tương đối của cuộc đời. Đã là tương đối thì không có tính cách nhất định. Đã không nhất định thì đều bị luật vô thường chi phối. Vì vô thường nên chẳng có thật. Vậy tất cả đều là không. Đã là không thì nương vào đó để chấp trước làm gì khiến lụy đến chân tâm. Do vậy mà mọi việc đến, đi, còn, mất v.v… dưới mắt tôi bây giờ chỉ còn là hai chữ „Như Thị“ mà thôi. Nghĩa là như thế ấy, „Như Thế Ấy“ là vững cả một tấm lòng để đi vào chỗ Không và Chân Thật nhất.
(Thích Như Điển: Chiếc Lá Giữa Dòng. www.viengiac.de)
Nhìn chiếc lá trôi bập bềnh giữa dòng nước mà thấy được Tánh Không và Chân Thật, đích thị là cái giật mình. Chánh kiến, chánh tư duy là ở đó. Mà tôi biết rằng Thầy viết ra những điều đó chẳng phải cho Thầy, cũng chẳng phải cho tôi trong một buổi chiều ở Hy Lạp nắng ấm nầy. Thầy đã viết ra ở giữa hư không, như hoa sen tỏa hương thơm bay trong gió. Ai có duyên thì đón nhận những hương thơm ấy.
Ngày xưa lúc Sư Bạch Ẩn trao đứa bé trả lại cho gia đình của người bán hàng, Sư chỉ nói hai chữ đơn giản „Thế à“. Thầy (HT Như Điển) giờ đây cũng viết chỉ vỏn vẹn hai chữ „Như Thị“. Sen bây giờ là sen thật với lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng. Đóa sen này nở bao nét tinh khôi, hương thơm ngào ngạt có thể bay ngược cả chiều gió. Hương hoa không ngược gió, Gỗ trầm và mộc hương, Hoa lài cũng không thể. Chỉ có hương đức hạnh, Mới bay ngược chiều gió. Bậc hiền nhân tỏa khắp, Vang danh bốn phương trời (Pháp Cú).
Dạ, bạch Thầy bây giờ con đã rõ. Nhưng con cũng xin thưa Thầy. Thầy từ bi nên viết văn hoa thế cho mọi người Việt mình dễ hiểu. Chứ đúng ra dân gốc Quảng Nam mình thì phải nói là: „Như rứa“ (Chuyện nớ như rứa, có chi mô mà mi nói miết!)
Như thị. Thế à. Như rứa!
Mô Phật.
Nguyên Đạo
Đức Quốc, Giáp Ngọ 2014
(Viết cho Báo Viên Giác số 201 – Kỷ niệm 30 năm Xuất Gia và Hành Đạo của Hòa Thượng Thích Như Điển)
Ghi thêm: Có một điểm khá lý thú là, Sư Bạch Ẩn (hay Bạch Ẩn Huệ Lạc, 1686-1769), vị Thiền Sư lỗi lạc có công lớn phục hưng dòng Thiền Lâm Tế ở Nhật sau chiến tranh, cũng đi tu vào năm 15 tuổi.
Chú ốc may mắn này nằm trên băng ghế khi HT Như Điển dừng nghỉ chân trong buổi đi dạo biển cùng tác giả ở Kiel. Hòa Thượng đã từ bi cầm chú ta lên tay và làm Lễ Quy Y Tam Bảo ngay tại chỗ cho chú. Chú ốc chắc có Pháp danh là Thiện Sên (!).