Home » Hội PTVNTN » Mái ấm quê hương

Mái ấm quê hương

Mục Hội PTVNTN

Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Sương hôm gió sớm trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi
Mai này tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ chùa
(Quê tôi, Nguyễn Bính)

Những năm tháng đầu tiên lưu lạc nơi xứ người, bắt đầu từ ngôi Niệm Phật Ðường tại thị xã Hoorn, dưới sự hướng dẫn của thầy Thích Minh Giác, người Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan đã tụ tập về đây, theo câu kinh, nhịp mõ cùng nhau học hỏi giáo lý đức Phật. Năm 1993, do hạnh nguyện của Phật tử, Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan (Hội PG) đã mua một ngôi nhà tại Nederhorst den Berg. Phật tử Việt Nam đã biến cải ngôi nhà bình thường này thành ngôi chùa trang nghiêm ấm cúng, biến đổi một khu vườn hoang sơ thành một “vườn Lâm Tì Ni” cho người Phật tử khắp nơi lui tới. Ngôi chùa đã trở thành mái ấm gia đình, là nơi tu học, là nơi giữ gìn truyền thống và văn hóa Việt Nam. Chùa Vạn Hạnh, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Hòa Lan, được hình thành từ niềm ao ước đó.

Do sự phát triển các sinh hoạt của Hội PG như sinh hoạt của Gia Ðình Phật Tử, của nhóm Thực Tập Chánh Niệm, của nhóm Thọ Bát Quan Trai và ngay cả sinh hoạt của nhóm Phật tử người Tích Lan, cộng thêm số lượng Phật tử và đồng hương tham dự các ngày lễ tết càng ngày càng đông, ngôi chùa Vạn Hạnh tại Nederhorst den Berg trở nên quá chật hẹp, không đủ điều kiện cho Phật tử sinh hoạt hay hội tụ vào những ngày Đại Lễ.

Niềm ao ước có một ngôi chùa mới với sắc thái Việt Nam lại bàng bạc trong tâm tư người Phật tử. Với tâm thành mong muốn có một nơi tu học rộng rãi, một nơi thờ tự trang nghiêm, Phật tử và đồng hương đã phát nguyện cúng dường hoặc cho mượn để Hội có khả năng tìm mua một nơi khả dĩ có thể xây dựng ngôi chùa mới rộng lớn và khang trang hơn.

Trước sự thành tâm của Phật tử, Hội PG quyết định tiến hành dự án xây chùa mới. May mắn thay, trong giai đoạn đó, thị xã Almere có một khu đất thích hợp cho việc xây dựng ngôi chùa Việt Nam. Ngày 1-8-2010 Thượng Toạ Thích Minh Giác, chủ tịch Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoà Lan đã chính thức gửi đến Hội đồng thị xã Almere dự án xây dựng một ngôi chùa Việt Nam và đề nghị được mua một khoảng đất tại thị xã này. Khi nhận đươc dự án xây chùa của Hội PG, thị xã Almere đã mời đại diện Hội PG đến trình bầy chi tiết dự án. Sau nhiều lần gặp gỡ giữa đại diện Hội PG và đại diện thị xã, ngày 10-02-2011 Hội PG nhận đươc tin chính thức từ thị xã Almere thông báo Hội đồng thị xã đã chấp thuận kế hoạch của Hội PG cho việc xây dựng một ngôi chùa Việt Nam tại thị xã này.

Cơ duyên đã đến, không còn niềm vui nào to lớn hơn nữa, kế hoạch xây cất chùa mới đã trở thành hiện thực. Ban Xây dựng, Ban Kiến trúc, các nhóm công tác được nhanh chóng thành lập. Các Phật tử có khả năng chuyên môn hăng hái tham gia vào các ban ngành trong tinh thần vô vị lợi.

Ban Xây dựng nghiên cứu ngay mọi kế hoạch, tiếp xúc với nhiều hãng thầu, nhanh chóng hoàn thành đồ án. Rất nhiều họa đồ kiến trúc đã được vẽ, rất nhiều bài toán đã được tính, tất cả hòa chung một việc là làm sao việc xây cất ngôi chùa mới được mau chóng bắt đầu.

Sau nhiều tháng nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 27 tháng 3 năm 2012 Hội PG đã chính thức nộp đơn xin xây Chùa lên Hội đồng Thị xã Almere. Sau nửa năm nộp đơn và bổ túc hồ sơ, ngày 6 tháng 9 năm 2012 Thị xã Almere đã chính thức cấp giấy phép cho việc xây chùa Vạn Hạnh mới.

Ngày 12 tháng 12 năm 2012 là một ngày đáng ghi nhớ cho toàn thể Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan: Lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất Chùa Vạn Hạnh mới được tổ chức.

Dù thời tiết mùa đông giá buốt, hơn 200 Phật tử, đồng hương và quan khách từ khắp nơi đã tụ họp về vùng đất Almere Buiten để chứng kiến giây phút quan trọng đầu tiên này. Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức Phật Giáo dưới sự chủ trì của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, cố chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu và sự hiện diện của Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, Thượng Tọa Thích Minh Giác, Thượng Tọa Thích Thông Trí, Thượng Tọa Thích An Chí, Thượng Tọa Thích Quảng Ðạo.

Trong diễn văn khai mạc, Thượng Tọa Thích Minh Giác, chủ tịch Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan, đã lược trình sự hòa nhập của Phật giáo vào đời sống người dân trong lịch sử dân tộc Việt Nam và niềm mong ước sâu xa của những người con Phật lưu lạc xứ người có một ngôi chùa nơi quê hương mới. Ồng André Kalden, Chủ tịch Hiệp Hội Phật Giáo Hòa Lan trong dịp này đã phát biểu: ”Ngôi chùa Vạn Hạnh này quả là một món quà cao quý của Phật Giáo Việt Nam gởi đến toàn thể Phật tử Hòa Lan.”

Kể từ thời gian ấy, hãng thầu HEUTINK đã bắt đầu khởi công xây cất ngôi chùa mới. Song song với việc làm của nhà thầu, Hội PG đã thành lập Ban Xây Cất để tự mình hoàn thành một số việc xây cất trong mục đích tiếp giảm kinh phí. Ðến nay ngôi Chùa mới đã gần hoàn thành. Sự tiến triển tốt đẹp này không những do hãng thầu đã xây cất theo đúng kế hoạch, mà còn do sự đóng góp bền bỉ tài chánh của Phật tử khắp nơi và một việc không thể không nhắc tới là sự đóng góp công sức rất to lớn mà các anh chị em Phật tử thuộc Ban xây cất đã và đang bỏ ra. Những việc làm quý báu của các anh chị em Phật tử đã làm chi phí xây cất giảm trên 200.000 Euro.

Tròn một năm qua, cứ mỗi cuối tuần thường có khoảng 30 anh chị em Phật tử khắp nơi tụ về đây. Mỗi người mỗi việc, này đây nhóm xây vách, xây tường, dựng cửa, lát gạch, chỗ kia có các anh, các chị dọn dẹp phụ các công việc, có người lo chụp ảnh để làm tài liệu. Những anh tay nghề giỏi chỉ dẫn cho các anh em chưa hề biết xây cất là gì. Nhìn những bức tường, những gian phòng được xây lên chắc chắn, nhìn những lớp gạch được lát thật đẹp, nhìn khu nhà bếp, các phòng vệ sinh được xây dựng khang trang, các nhân viên hãng thầu đã phải thán phục sự khéo léo của những “người thợ Việt Nam” bằng những lời khen cùng ánh mắt nể phục.

Có đến đây, bạn mới cảm nhận được tâm thành cùng sự tận tụy hy sinh của các anh chị em Phật tử khi dùng những ngày nghĩ cuối tuần về Chùa làm công quả. Có đến đây, bạn mới thấy các anh em làm việc bằng tất cả tấm lòng để dâng lên chư Phật.

Tháng này qua tháng nọ, biết bao anh em đã bỏ công sức để xây vách, xây những bức tường cao đến tận đỉnh mái Chùa. Có nhìn thấy hình ảnh các anh em chịu khó nhọc mang những viên gạch nặng trên 20 kg chuyền từ sân cỏ lên đến chánh điện hay qua từng nấc thang đến tận mái Chùa. Có đến thăm anh em làm việc trong mùa đông lạnh giá, có thấy anh em dù mưa dù gió, vẫn hăng say làm việc, người quậy hồ, trộn ciment, người tô tường, xây vách, bạn mới cảm nhận được sự đóng góp của các anh em không bút nào tả nổi.

Ðẹp hơn nữa là các chị, các em, các cháu ở khắp nơi đã về đây hàng tuần mang theo những thức ăn đã nấu sẵn hoặc những bát cơm, những tô mì nóng chan tình đồng đạo, săn sóc cho nhau chưa lúc nào đẹp hơn.

Thầy Thích Minh Giác và các Phật tử trong Ban Xây Dựng thường xuyên đến viếng thăm và xem xét hiện trường. Tất cả đều hoan hỷ khi thấy công việc diễn tiến tốt đẹp.

Thật là cảm động khi giờ đây đứng trước ngôi chùa Vạn Hạnh sắp hoàn thành. Nơi đây, hơn một năm về trước chỉ là mảnh đất hoang vu đầy cỏ dại. Hôm nay vùng đất này hiện lên một ngôi chùa khang trang với nét kiến trúc đầy sắc thái Việt Nam. Nhìn ngôi Tam Bảo, một hình ảnh của quê hương yêu dấu trên xứ người, lòng người không khỏi bồi hồi xúc động. Ðẹp làm sao những người con Phật, dù xa xứ vẫn nhớ về cội nguồn, đã đóng góp rất nhiều công sức và tiền của để hoàn thành ngôi chùa Vạn Hạnh này.

Chùa Vạn Hạnh sẽ không dừng tại đó. Chùa sẽ còn tiến mãi để phục vụ chúng sanh. Chùa sẽ là nơi gieo nhân mới cho các thế hệ mai sau. Chùa sẽ là niềm hãnh diện cho toàn thể người Việt đang sinh sống taị Hòa Lan. Lại nhớ đến câu ông bà xưa thường truyền tụng:

Mái Chùa che chở hồn Dân Tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông