Sanh tử sự đại, tấn tốc vô thường…
Vâng, Bạch Thầy, Thầy đã làm xong việc lớn đó là Sanh và Tử trong hiện kiếp, thị hiện ra “sanh” rồi lại “tự tại trở về”. Thầy đã thị hiện cho thấy cái vô thường tấn tốc mà mọi người đều phải thốt ra câu: “Oh ! thật không ngờ !”.
Sự thị tịch của Thầy quá tấn tốc, quá an nhiên, những nghĩ với những việc làm của Thầy còn dang dở Thầy sẽ “khó lòng thõng tay”, song… Thầy quả thật là dứt khoát, nhắm không còn đương nổi với sự tấn công của cơn lốc tứ đại, Thầy đã thản nhiên thốt lên câu: “Thôi thì việc chung, không có người này thì cũng còn người khác”. Câu nói thốt ra từ buổi sáng ngày 8/8/2013 ấy vào khoảng 4 tiếng đồng hồ trước khi Thầy nhẹ nhàng trút hơi thở từ biệt mọi người, con không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả tâm tư của Thầy ngoài câu “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”.
Hồi tưởng về khoảnh khắc ấy, con chỉ muốn đến ngay trước ảnh Thầy, đảnh lễ, đảnh lễ và đảnh lễ, không biết sẽ phải đảnh lễ bao nhiêu lễ cho xứng với tâm hạnh của Thầy, tuy biết rằng có đảnh lễ bao nhiêu lễ thì cũng chỉ là hình thức, nhưng hình thức ấy là được phát xuất từ trong thâm tâm kính phục mà biểu lộ ra; qua lời nói ấy, chứng tỏ là đến ngay cả giờ phút cuối cùng của đời Thầy, Thầy cũng chỉ nghĩ đến việc chung, việc Giáo Hội, việc Tăng Đoàn, bất kể mạng sống của mình đang ở giữa ranh giới lằn tơ kẽ tóc của sự sống và sự chết. Thấy Thầy với hơi thở dồn dập, con hỏi:“Thầy đau lắm hả?”, Thầy chỉ nói: “Mệt…” rồi nhắm nghiền mắt lại, chìm vào tư duy với hơi thở dập dồn; và có lẽ vì cũng đã quá quen với cảnh tượng này qua nhiều trận bệnh trước đây của Thầy, con cũng chỉ đứng lặng yên cầu nguyện, không hốt hoảng, không bối rối, nhiếp niệm cầu nguyện Ngài Quan Âm, cầu nguyện Từ Phụ A Di Đà, cầu nguyện cho Thầy ‘tùy duyên mãn nguyện’ …một điều an ủi lớn lao duy nhất mà con hồi tưởng lại là Thầy ra đi trong lúc hàng huynh đệ bên chùa Khánh Anh đều đã vân tập về chánh điện để tụng niệm, cầu nguyện. Đại chúng đang an cư kiết hạ bên Liên Hoa Đạo Tràng, Khuông Việt (Oslo) cũng đã vân tập cầu nguyện và con ở ngay bên cạnh Thầy thì cũng nhiếp tâm cầu nguyện. Trong lúc hàng môn đồ hậu bối của Thầy cùng tập họp cầu nguyện thì Thầy nhẹ nhàng trút hơi thở từ biệt chúng con, tuy không một lời từ biệt, nhưng sự nhẹ nhàng trút hơi thở đó của Thầy là lời từ biệt vô ngôn. Vô ngôn thị ngôn, ngôn bất khả thuyết thị danh vô tận ngôn thuyết, thị dã. (Không nói tức là lời nói, lời nói không nói ra chính là lời nói vô cùng tận, là vậy).
Bạch Thầy, kể từ khi Thầy “quảy gánh về Tây”, tuy buồn thật buồn, cái buồn của con là khi con nhớ, khi con nghĩ đến hình ảnh của Thầy sẽ không “hoạt”, không “sống” như thuở nào, chỉ là một tấm “di ảnh” “bất động” nhưng lại lắm lúc con cũng không khỏi “bật cười nho nhỏ” vì trong đầu con khởi lên “Ông Ngài thiệt là… khứ lai tự tại!”
Câu chuyện thị tịch của gia đình Thiền Sư Bàng Long Ẩn lại khơi lên trong đầu con từ lúc Thầy thật sự nhẹ nhàng trút hơi thở, nhẹ nhàng đến nổi con đứng bên cạnh giường Thầy mà cũng không biết là Thầy đã “nhất tức bất hồi, thiên thu vĩnh biệt” chúng con.
Trước đây, con vẫn thường thưa với Thầy: “Bạch Thầy, Thầy đừng đi trước con nha. Để con đi trước ‘dọn đường’ cho Thầy” cũng giống như trong luật Sa Di có dạy: “Khi đi ra cùng Thầy, nếu phải băng qua suối thì phải đi trước, cầm gậy đo lường cạn sâu rồi mới từ từ dìu Thầy đi tiếp…”
Thầy đáp: “Nói tàm sàm, tàm sàm… già, bệnh rồi thì ai mà không chết ?… Nói tàm sàm, thôi đi làm việc đi”.
Con nói thế vì thấy việc làm của Thầy quá to lớn, hạnh nguyện của Thầy quá bao la, bao nhiêu người trông mong, nương tựa vào Thầy thì Thầy lại càng phải cần nhiều thời gian hơn để có thể ứng hiện thân như trong Kinh Phổ Môn mà Thầy thường trì tụng vào mỗi chiều 3 giờ nơi chánh điện chùa Khánh Anh Bagneux… mà khi xưa con vẫn thường được lên theo với Thầy trong thời kinh này, con đã đặc biệt chú ý câu “Vô sát bất hiện thân”, hình như, cuộc sống hành đạo của Thầy đã dính liền với câu kinh này thì phải ?!
Thấy Thầy có hạnh nguyện tương đồng với Quan Thế Âm Bồ Tát như: “Vô sát bất hiện thân” mà con rất chí thành hồi hướng thọ mạng của con sang Thầy, tuy biết rằng mỗi người đều có nhân duyên và thọ mạng riêng, song, con vẫn thường cầu nguyện cho Thầy “sống lâu trăm tuổi” để mọi người nương tựa vì con vẫn biết Thầy chẳng bao giờ từ nan mỗi khi có người cần đến, cầu đến, kêu đến, mong đến. Hạnh nguyện đó của Thầy, con đã âm thầm theo dõi trong từng việc làm của Thầy, đôi lúc nhìn vào kết quả việc làm với phương cách làm việc của Thầy con cũng không mấy gì am hiểu.. con mạo muội bộc bạch: “… Bạch Thầy, sao việc đó, con thấy thế ấy … thế ấy… mà sao Thầy làm như vậy, như vậy…” Thầy chỉ im lặng trầm ngâm và câu trả lời của Thầy là “…Thầy có cách làm của Thầy…thôi đi làm việc đi, đừng nói tàm sàm nữa…không thôi Thầy la cho bây giờ…”
Nhiều lần, nhiều lần con cứ theo thiển cận, thiển ý thưa thốt với Thầy và nhiều lần Thầy vẫn dùng cùng một câu trả lời y như vậy mà trả lời và từ từ những cái thiển cận, thiển ý của con cũng được giải đáp, cũng được soi sáng bằng kết quả của việc làm với phương cách của Thầy; câu kết luận của con thưa với Thầy là: “…Té ra Ông Già cũng có lý của Ông Già… sao Ông Già không nói huỵch toẹt cho con rõ luôn.. để con khỏi phải bị làm việc trong nỗi ấm ức…” Khi nghe con nói thế thì Thầy lại chỉ hơi mỉm cười, hỉnh hỉnh lỗ mũi và nói “… Thầy đã bảo chưa rõ thì từ từ sẽ rõ, nói không chịu nghe, u minh gớm à bây.. !”
Bạch Thầy,
Khi con mới vào tu, Thầy thường răn dạy rất kỹ càng, dạy từng chút, từng chút, khi đó, môn dạy của Thầy là về Oai Nghi, Quy Sơn Cảnh Sách, còn Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ thì dạy về Sa Di và Tỳ Ni.
Con nhớ rõ lắm, mỗi lần răn dạy Thầy thường dùng câu: “Giáo bất nghiêm Sư chi đọa”, có lần con hỏi: “Đọa là ai đọa ? Sư đọa hay đệ tử đọa” ? Thầy bảo: “Cả hai cùng đọa, Thầy đọa về lỗi không dạy tận tâm, không uốn nắn đệ tử thành pháp khí; còn trò đọa về lỗi không nghe lời, làm Sư phải lao quyện, lỗi nặng lắm đó, Thầy nào lại không muốn rèn luyện đệ tử nên pháp khí, nếu đệ tử lại không ý thức mà còn sanh tâm sân, giận thì đó…đó… con coi, học kỹ lại trong luật đi thì rõ, học là phải hành, hành là làm, làm là tu…” rồi Thầy lại kể chuyện lúc còn sống trong chúng khi Thầy còn ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang trước khi sang Nhật du học, lối tu học nghiêm túc như: “…Sống là phải hòa chúng, sống trong chúng là phải sống theo lệnh kiểng”.
Khi mới tu, con thường mắc phải lỗi này, đôi lúc muốn làm cho xong việc nên khi nghe tiếng linh lắc đã không kịp đến bàn ăn cùng chúng, đến tối, vào giờ học Thầy cũng đã đem ra mà dạy “…Mình sống mà không theo chúng là coi thường chúng, coi thường chúng là tổn phước, là đọa …ậy ậy… đọa nữa đó, ai đời Thầy ngồi vào bàn ăn rồi mà trò mới đủng đỉnh lên sau; việc, thì ai cũng có việc, Thầy còn phải tôn trọng chúng nữa huống là tụi con….” Rồi Thầy lại đem thí dụ trong Phật Học Viện thuở Thầy còn ở đấy ra mà làm mô phạm cho con… “Sống theo lệnh kiểng”, con biết đây là câu rất tâm đắc của Thầy, vì khi còn ở Phật Học Đường Nha Trang, Thầy đã từng giữ chức Quản Chúng.
Bạch Thầy, nỗi niềm tàm quý, sám hối của con đã bao lần bộc bạch và đã bao lần lại vì vô minh che lấp mà bị tái phạm rồi cứ mỗi lần như thế con lại y áo lên mà sám hối, cứ mỗi lần như thế Thầy cứ làm thinh một đỗi xong lại nói: “Biết lỗi như vậy rồi thì đừng tái phạm, cứ để Thầy rầy hoài không nên, đọa đó !!”
Thời gian thắm thoát trôi, thế mà đã ba mươi năm trôi qua. Ba mươi năm với bao nhiêu sự tu tập, sửa đổi, bao nhiêu lỗi lầm, bao nhiêu sám hối và bao nhiêu tiến bộ, ngoảnh nhìn lại chỉ là một thoáng.
Trở lại với
hành trạng và hạnh nguyện của Thầy:
Khi chúng con mới vào tu, lúc ấy công việc Phật sự tương đối còn đơn giản, Thầy đã dành rất nhiều thời gian trong việc giáo dục, chăm nom chúng con, lớp đệ tử đầu tiên. Dạy từng li từng tí và đã kể rất nhiều về đời sống tu học khi mới vào chùa ở làng, việc học hành, nếp sinh hoạt khi còn ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, việc xuất dương du học, việc sinh hoạt và lý tưởng phụng sự Tam Bảo của Thầy.. Thầy đã kể nhiều, nhiều và thật nhiều.
Thầy kể:
Thầy được xuất gia hồi nhỏ, nhưng cũng là “trốn vào chùa” vào năm 11 tuổi, theo Sư Phụ của Thầy là một vị Thầy trong làng, không chú trọng việc học. Lớn lên một chút, hiểu biết thêm ra và với ý chí cầu học Thầy đã xin Sư Phụ lên tỉnh, lên Phật Học Đường để được trau giồi Kinh điển, Sư Phụ không bằng lòng. Sau nhiều lần thưa thỉnh, xin phép không được, Thầy đành “trốn đi”. Sau đó, Sư Phụ cũng nguôi ngoai. Thầy trở về chùa cũ để thăm Sư Phụ rồi trở lại Phật Học Đường. Một thời gian sau Sư Phụ cũng đã đôi ba phen tìm cách kêu Thầy về để trao chùa vì muốn giữ chân Thầy ở lại nơi làng. Nhưng với chí nguyện “phát túc siêu phương” Thầy đã lưu lại Phật Học Đường Nha Trang và được sự đỡ đầu của đức Cố đệ tứ Tăng Thống Thích thượng Huyền hạ Quang… Từ đó với khả năng và tinh thần dấn thân phụng sự cho Đạo Pháp và dân tộc, từ từ Thầy được quý Ôn trao cho những trọng trách. Trong Pháp Nạn 1963, Thầy đã từng hoạt động rất tích cực.
Thầy kể có lần, chùa bị chính quyền lùng soát tịch thu những văn thư, chỉ thị liên quan đến việc “bàn thờ xuống đường”. Lo quá, không biết giấu những giấy tờ nơi đâu, vì những kỳ trước, cũng đã cột kỹ, thả xuống giếng… song vẫn bị phát giác, tịch thu. Kỳ này, quýnh quá, không biết làm sao, đành cuộn tròn lại cầm trong tay và tiếp chuyện với nhân viên quan chức đến lục soát, trong lòng Thầy vẫn “kín niệm Quan Thế Âm Bồ Tát xin Ngài cứu khổ, cứu nạn…” ấy thế mà đã thoát được mọi khó khăn, nguy hiểm. Đến chiều tối, khi quan lính ra về hết, chợt nhớ lại giấy tờ thì mới thấy là mình vẫn còn cầm chặt trên tay, thở phào ra với câu “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”. Để tri ân Bồ Tát, Thầy đã y áo lên chánh điện tụng một thời Phổ Môn.
Trong đời sống hành đạo của Thầy, Thầy đã tin tưởng rất sâu, rất mạnh vào Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát, có phải vì vậy mà Thầy thường trì tụng Kinh Phổ Môn vào mỗi 3 giờ chiều khi còn sinh tiền? Có phải vì vậy mà pháp tự của chúng con, lớp đệ tử đầu tiên, Thầy đã dùng câu nguyện đầu tiên của Bồ Tát Thế Quan Âm để phú cho chúng con, nào là Tịnh Quảng, Tịnh Phát, Tịnh Hoằng, Tịnh Thệ và Tịnh Nguyện, con là đứng ở vị trí cuối cùng trong 5 vị này.
Rồi đến việc “Hòa Thượng Thích Quảng Đức phát nguyện tự thiêu”, Thầy kể thêm? lúc đó có rất nhiều vị phát nguyện tự thiêu.. nhưng đâu phải ai cũng được “phê chuẩn”, sau khi quý Ôn họp kín xong, giấy tờ phê chuẩn cho ai được tự thiêu cũng phải được bảo mật đến giờ phút cuối cùng, lại một lần gay cấn và lại một lần bị lục soát, đe dọa của chính quyền. Tin tức được đưa đến, mấy chùa kia đã bị bố ráp, lục soát, tịch thu hết giấy tờ, áp tải quý Thầy về bót câu lưu… Ngay sau khi nhận được tin mật báo, Thầy cũng đã đem thư từ quan trọng, lồng vào quyển kinh Pháp Hoa, ngay ở Phẩm Quan Âm Đại Sĩ để ngay trên bàn tụng kinh. Bao nhiêu quyển kinh bị sổ tung, bao nhiêu chân đèn, lư hương bị dỡ lên, duy quyển kinh để trên bàn là không bị động đến.. lại thêm một lần qua ải vì nhờ vào thần lực của Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.
Được phái làm Giảng Sư tại tỉnh Phú Yên và dạy học tại Trường Trung Học Bồ Đề Tuy Hòa, nơi đây, Thầy làm việc với sự tin tưởng đỡ đầu của Cố Hòa Thượng Từ Quang (Hòa Thượng Thích Phúc Hộ). Thầy bảo có Thầy được cử đi đến một nơi nọ để thuyết giảng, song nơi đó nhân tình địa phương cũng tương đối cang cường, chỉ chấp nhận các Ôn lớn đến để giảng mà thôi, còn Thầy thì lúc đó chỉ còn là Sa Di, nhưng Ôn Từ Quang đã quyết định phái Thầy đến đó giảng bằng cách Ngài cùng đi với Thầy. Đến nơi, chính Ôn đã ngồi chứng minh và bảo tất cả quý Thầy phải cùng ra ngồi nghe giảng. Ôn còn nói thêm “Sa Di thuyết Pháp, Sa Môn thính”, từ đó, lâu lâu trong các buổi học, Thầy vẫn thường khích lệ chúng con “… Đó, đó… tụi con phải ráng lên, thấy thời quý Thầy hồi xưa khắc phục như vậy, gắng học như vậy, làm việc như vậy, còn tụi con bây giờ sao mà lìu xìu, lìu xìu… không biết mai sau làm được gì nên thân không !”
Khoảng thời gian năm 1962-1967 nào vừa đi giảng giáo lý, nào vừa làm Hiệu Trưởng trường Trung học Bồ Đề, nào phải kiêm luôn dạy thế mỗi khi giáo sư bị thiếu ở miền Bình Định… Thầy đã gặp không ít khó khăn với Chính quyền, do vậy, Ôn Từ Quang đã khuyên Thầy rằng: “Thôi thì Thầy tạm đi ngoại quốc đi, trước là mở rộng thêm tầm mắt trong sự học hỏi, sau là tránh sự dòm ngó của họ, sống yên ổn một thời gian, sau đó về lại tiếp tục làm việc giúp tôi”, Thầy đã nghe lời và làm thủ tục sang Nhật du học.
1967, từ khi bước chân đến Nhật, Thầy đã nỗ lực xoay sở mọi chi phí sinh hoạt với số tiền rất khiêm tốn được cầm theo khi rời Việt Nam ra đi cũng như với số tiền mọn từ quê nhà gởi sang mà Thầy đã nhờ một Thầy bạn lo chuyển ngân sang Nhật vào mỗi đầu tháng giùm Thầy. Tiền từ quê nhà được gởi sang đã ít thế mà chỉ được đều đặn vào thời gian đầu, sau đó thì tháng được tháng không.
Để đóng tiền học và trám thủng vào chi phí sinh hoạt Thầy đã không nề hà nặng nhọc, đã từng phải đi giao mì udon mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ để lấy tiền đóng tiền học. Thầy kể với tính cách vừa khôi hài vừa bi ai “vì không quen giữ tay lái xe đạp bằng một tay, tay kia còn lại thì bưng tô mì… bữa nào mà xui xẻo bị rớt đổ một tô mì thì tiền công 2 giờ làm việc chỉ còn được phân nửa”. Bài vở học ở trường nhiều lên, Thầy nghỉ giao mì; đăng ký đi làm ở công trường xây cất. Thầy nói làm như vậy thì mới đốt ngắn thời gian làm việc, thay vì mỗi ngày phải đi làm 2 giờ thì bây giờ chỉ cần 2 ngày đi làm một lần 3 tiếng, một tuần chỉ đi làm 2 lần. Việc làm tuy nặng, cực nhưng lại có nhiều thời gian để học hơn.
Một trong số những tấm hình Thầy cho con xem, thấy Thầy bận đồ công nhân, nằm gác tréo nguẩy chân.. con hỏi: “Chu choa, Thầy sướng vậy? đi làm cũng được nghỉ trưa !” Thầy bảo: “Sướng gì mà sướng, bị đạp đinh, không đủ tiền đi nhà thương, bị nó hành, làm không nổi đành phải nằm đó chứ, mình nằm thì tiền lương cũng nằm luôn !!!”. Thầy rất thích chụp hình, máy hình, loay hoay chỉnh sửa hình và tâm đắc với những tấm hình đạt đúng kỹ thuật, đúng isio, đúng độ sáng, phong cảnh và ảnh người đạt tiêu chuẩn. Thuở trước, Thầy cũng thường huấn luyện cho con chỉnh ống kính, ánh sáng, isio.. để chụp hình mỗi khi đi làm lễ đó đây, rồi đem về làm báo Khánh Anh, vì dạo đó, máy chụp hình auto focus chưa được thịnh hành và còn rất mắc.
Trong thời gian tại Nhật 1968-1973, Thầy đảm nhận trách nhiệm Chi Bộ Trưởng GHPGVNTN tại Nhật vì dần dà cũng có thêm một số quý Thầy lần lượt sang Nhật du học và đã thành lập một Chi Hội Phật Giáo Việt Nam tại Nhật dưới sự điều hành, cố vấn, chỉ thị từ quê nhà..
Mùa Xuân 1973, nhận chỉ thị của Cố Hòa Thượng Thích Huyền Quang từ bên nhà để sang Pháp hoạt động với Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, nhưng nhân duyên hoạt động đã không suôn sẻ, Thầy trở lại Nhật.
Sang lại Pháp vào đầu năm 1974, Thầy đã phải bôn ba nhiều lần mướn phòng, chia phòng ở với quý Thầy, quý Sư Nam Tông thời bấy giờ đang ở Paris. Thầy bảo: “Một căn phòng có chút xíu mà 5-6 ông ngủ, chỉ đủ đúng chỗ cho chừng đó người nằm trở mình, đồ đạt thì dọn để tạm ngoài hành lang”.
Sau đó Thầy thành lập ra Niệm Phật Đường Khánh Anh tại Arcueil với một căn hộ 2 phòng: 1 phòng ngủ dùng làm phòng thờ Phật, một nhà bếp và một phòng với bồn tắm mà Thầy đã biến thành phòng ngủ với tấm ván gác lên bốn thành của bồn tắm. Mỗi khi có khoảng chừng mươi Phật tử tề tựu về Niệm Phật Đường sinh hoạt, lúc cần nghỉ ngơi thì Thầy lại rút vào “phòng ngủ” của Thầy để ngơi nghỉ.
Đến năm 1977, nhân duyên đưa đẩy, Thầy đã được một số Phật tử ủng hộ đưa đi xem chỗ và kết quả là mua lại một ngôi nhà tọa lạc tại 14 Ave Henri Barbusse, 92220 Bagneux. Một con số Phật tử rất khiêm nhường, vì thời đó, dân tỵ nạn sang pháp cơ hồ chưa có, đa phần toàn là dân du học trước đó rồi sau cơn lốc 30/4 đã xin định cư ở lại Pháp. Tuy nói tiếng “Phật tử” nhưng tâm “Phật tử” rất là phôi thai. Để tiến đến việc quyết định mua cơ sở này, Thầy cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn thử thách đáng kể, có phải vì vậy mà sau này Thầy thường bảo: “Đời Thầy rất ít khi được hanh thông, trắc trở thì là chuyện thường, suôn sẻ mới là chuyện lạ. Chưa bao giờ Thầy làm việc gì mà trông mong suôn sẻ, luôn luôn chờ đợi thử thách, cam go… tụi con cũng nên lấy đó mà làm bài học…”
Sau một thời gian sinh hoạt, nhân duyên hội đủ, vào năm 1979, ngày 19/2 Thầy đã tổ chức lễ Đặt Viên Đá Đầu tiên để xây dựng Chánh Điện chùa Khánh Anh tại đây.
Vào đầu thập niên 1980
là giai đoạn chúng con xuất hiện.
Năm 1983 nhóm trẻ chúng con thường xuyên lui tới, ngủ lại chùa vào những dịp được nghỉ học và cuối tuần. Tuy chùa không nhiều chỗ, chúng con ngủ lăn lóc với túi ngủ ở khắp nơi, dưới phòng ăn, trên chánh điện đôi lúc ngủ lan luôn xuống nhà bếp… Vào mùa hè năm đó, chúng con ở lại chùa cũng đông khoảng 10-15 đứa.. có khi lên đến 20 đứa; mỗi tối, chia thành từng nhóm để nghe Thầy, Thầy Nhất Chân, Thầy Thiện Huệ kể chuyện. Mỗi Thầy một đề tài…nghe hấp dẫn, đôi lúc ngồi nghe bên này một chút lại chạy sang bên kia. Vui lắm, Thầy thì kể chuyện sinh hoạt một cách khôi hài, dí dõm. Thầy Nhất Chân thì kể chuyện thiền, còn Thầy Thiện Huệ thì kể chuyện ma. Nhóm của Thầy Thiện Huệ là sôi nổi, ồn ào nhất.
Nghe kể chuyện hoài cũng chán, chúng con đã xin Thầy dạy học Phật Pháp và chữ Hán.
Bài học Phật Pháp đầu tiên được Thầy dạy là bài Tựa Lăng Nghiêm. Rồi Thầy tập cho chúng con đi chuông mõ, mỗi sáng Thầy lên Công phu, chỉ định đứa này đi mõ, đứa kia đi chuông … vui lắm.
Bài học Hán văn đầu tiên là bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc. Thầy dạy cho chúng con đi từng nét chữ hán mà Thầy thường dùng câu “ngang ngay, sổ thẳng”. Những bài chính tả, Thầy hào hứng chấm điểm từng đứa… Thầy “hà tiện điểm” với chúng con lắm, chưa bao giờ mà Thầy cho được điểm tối đa cho đứa nào cả, cho dù là viết trúng hết, không sai chữ nào, điểm tối đa chỉ là 9 trên 10 vì Thầy bảo, đối với Thầy, không bao giờ có cái gì là “tuyệt đối”… Có phải đấy cũng là tư cách sống và phương châm làm việc của Thầy ?! Luôn rèn luyện sao cho chúng con không bao giờ có được một thỏa mãn sự mong cầu một cách “đã đời”. Thuở ấy con cũng ấm ức lắm, không hiểu vì sao Thầy hà tiện điểm với chúng con, nhưng càng lớn, con càng ý thức ra được rằng “đó là một cách giáo dục” của Thầy, tôi luyện đức tính nhẫn nhịn cho chúng con. Kính tạ ân giáo dưỡng.
Ô! Thầy dạy học rất tuyệt vời, con thích lắm lắm, có dịp con vẫn thường nhắc lại với quý Thầy: “Ông Già dạy học ‘sư phạm’ lắm, học thích lắm !” Rồi dần dà với sự gần gũi, học Phật Pháp, học Hán văn thêm nữa với bản chất cũng “thích dấn thân”, hăng say làm việc phụ với Thầy cho những buổi tuyệt thực, biểu tình, hội thảo, đêm không ngủ… để tranh đấu cho nhân quyền, đòi trả tự do cho các vị lãnh đạo tôn giáo bị giam cầm nhất là các Ngài: Cố Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Cố Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, Giáo Sư Lê Mạnh Thát. Vận động cơ quan Liên Hiệp Quốc can thiệp, đề nghị các quốc gia Âu, Mỹ, Úc mở cửa thêm hoặc gia tăng sự tiếp nhận thuyền nhân “boat people” từ các trại tỵ nạn ở các đảo trong vùng Đông Nam Á.
Khi còn bên quê nhà, con có được nhân duyên thường xuyên theo Dì lui tới chùa, ở lại chơi, làm việc vặt với các điệu ở chùa và cũng đã từng có ý định xuất gia.. Nơi đất khách quê người, những chủng tử xa xưa của con giờ đây được khai phát trở lại. Chúng con, vài đứa đã bàn với nhau và lên xin Thầy cho xuất gia hầu được sinh hoạt gần Thầy hơn, học hỏi nhiều hơn và làm việc được dễ dàng hơn. Thầy đã hứa khả nhưng cứ “ngâm” đó, đến khi có thêm chú Chúc Nhuận được Thầy Nhất Chân dẫn lên xin Thầy độ cho xuất gia, chú Quảng Đạo cũng mon men lên xin xuất gia.. Nhân duyên hội đủ, Thầy đã bàn với hai Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ để định ngày cho chúng con xuất gia.
Thầy cũng bảo với quý Thầy rằng: “Tui sợ một mình không đủ sức độ Chúng, có quý Thầy trợ lực thì tui cũng đỡ lo” và ngày thứ bảy 29/12/1984 tức ngày Vía Phật Thành Đạo mùng 8 tháng chạp năm Giáp Tý, vào lúc 8 giờ tối, tại chánh điện chùa Khánh Anh ở Bagneux, chúng con gồm sáu người (cụ Tâm Ngọc, bác Nguyên Lưu, chú Chúc Nhuận, chú Quảng Tập, chú Quảng Đạo và con, Diệu Trạm) được Thầy thế phát cho xuất gia với sự trợ giáo của hai Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ.
Chúng con xuất gia với Thầy và được sự giáo thọ của hai Thầy tại chùa nhưng mỗi khi có Thầy Như Điển, Thầy Tánh Thiệt về, Thầy vẫn thường thỉnh các Ngài dạy thêm cho chúng con về phần nghi lễ tán tụng. Trong thiền môn vẫn thường có câu “Học kinh ba tháng, học tán ba năm», chúng con học tán tụng rất «khổ» mà «quý Thầy dạy càng khổ hơn”!
Vui lắm! Phần nghi lễ chính vẫn là Thầy dạy, Thầy dạy kỹ lắm, nào là cách niêm hương, cách kỳ nguyện, cách phục nguyện, giọng điệu dẫn chúng tụng kinh. Bắt chúng con phải thực tập, phải ngừng lấy hơi cho đúng chỗ, lúc lên giọng, khi xuống giọng phải “Không được phá âm của chữ mình lên hoặc xuống giọng” nhưng Thầy cũng muốn quý Thầy khác dạy thêm nghi lễ cho chúng con. Ôn Như Điển thì nghi lễ miền Quảng, Ôn Tánh Thiệt thì nghi lễ Cố Đô, Thầy thì theo nghi lễ Thống Nhất của cuốn Nghi Thức Tụng Niệm.. chúng con bị trộn lộn, mãi đến sau này, thường được thân cận với quý Thầy Huế con mới tạm phân biệt, nắm bắt được một phần nào rõ ràng hơn về “Nghi lễ Cung Đình”.
Trong “tình thân quyến” nên mỗi khi quý Thầy Như Điển, Thầy Tánh Thiệt ghé về Khánh Anh là lại dò bài chúng con… Ớn thì ớn, nhưng rất sung sướng trong lòng vì cảm nhận được sự quan tâm giáo dưỡng của quý Thầy. Rồi sau đó có Thầy Trí Minh, Thầy Quảng Hiền cũng thường xuyên lui tới, cũng quan tâm việc tu học của chúng con. Dạo ấy, công việc tại các địa phương tương đối còn đơn giản nên quý Thầy vẫn thường xuyên vãng lai với Khánh Anh ngoài các đại lễ.
Phật sự dần dà phát triển, đồng bào tỵ nạn Việt Nam cũng từ từ sang định cư ở các đệ tam quốc gia. Ngót suốt thời gian mà các quốc gia lân cận trong vùng Âu Châu chưa có bóng dáng Tăng sĩ vãng lai, cứ vào mỗi độ cuối tuần là Thầy đi mãi đến những nơi qua sự liên lạc mời, thỉnh của các đồng hương, phật tử như ở các tỉnh Strasbourg, Besancon, Nantes, Lyon, Montpellier v.v… trong nước Pháp và các xứ lân cận như Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sỹ, Áo, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy… có khi đi tận những nơi xa xôi của vùng Bắc Na Uy để thăm hỏi bà con đồng hương, Phật tử đang khao khát món ăn tinh thần. Đến nơi, không quản ngại đường sá xa xôi, mệt nhọc Thầy tiếp ngay vào phần việc của Thầy là giảng pháp, an ủi tinh thần bà con đồng hương Phật tử vì 99% đều là dân tỵ nạn được sang định cư ở các xứ này, phần nhớ quê nhà, nhớ thân nhân, phần chưa hội nhập kịp được vào đời sống xã hội Âu Mỹ… Lúc ấy, tình đồng đạo, đồng hương vô cùng thấm thía. Phần con, dọn kinh sách, báo ra cho bà con thỉnh đọc, lập bàn thờ để làm lễ Cầu an cho mọi người. Sau phần nghi lễ thì con tiếp tục việc của con là lấy danh sách, địa chỉ phật tử về để gởi báo Khánh Anh cho họ đọc.
Thuở đó, phương tiện tài chánh còn rất eo hẹp, Thầy trò cứ đi tận những nơi xa xôi như thế mà chỉ với chiếc xe R5 (4 mã lực), loại xe không có băng ở phía sau, thường dùng để đi chợ, chở đồ. Con phải ngồi trên tấm ván gác gá vào lòng xe.. phần còn lại ở phía sau là để chở kinh sách, dụng cụ làm bàn thờ, mỗi khi quẹo cua hơi gắt là tấm ván rớt xuống, gắn lại và tiếp tục ngồi…
Xong lễ, lên đường trở lại Khánh Anh, thường thì tối Chủ Nhật mới về đến chùa sớm nhất cũng khoảng chín, mười giờ đêm. Sáng thứ hai trở lại công việc thường nhật của chùa. Tối đến là lớp học. Ba Thầy: Thầy, Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ chia nhau dạy chúng con, mỗi Thầy một tối trong tuần, riêng Thầy thì dạy hai tối. Đến thứ bảy lại lên đường đi nữa, đôi khi đi liên tục bốn cuối tuần.
Đi trên xe, để thư giản cho tài xế, Thầy thường đem theo cái máy cassette xài 6 cục piles trung, vài băng nhạc của Duy Khánh, Khánh Ly và Thanh Tuyền, những băng nhạc quê hương, nghe cho đỡ nhớ nhà. Nghe để nhớ lại hình ảnh quê hương thân yêu đầy khói lửa. Những băng nhạc đem theo đi đường nghe đều là những băng nhạc xưa, nhạc của trước 75. Nhân dịp này Thầy cũng giảng thêm cho tài xế và con nghe thêm về những cụm từ trong văn học Việt Nam mà được nhắc đến trong những băng nhạc. Thuở còn đi dạy ở Việt Nam Thầy cũng đã từng làm Giáo sư Việt văn.
Thức ăn dỡ theo đi đường thường là cơm trắng, đậu hủ muối sả ớt, 1 trái dưa leo và 1 chai maggi vài chai nước suối.. thế thôi, đơn giản ngần ấy.
Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ cũng thường thay phiên để đi làm lễ phụ bớt ở các nơi đỡ cho Thầy. Có nhiều cuối tuần Thầy và một trong hai Thầy cùng đi làm lễ ở xa thì Thầy kia ở chùa, làm lễ Cầu Siêu buổi sáng và chiều đến thì giảng pháp cho Phật tử nghe.
Lúc bấy giờ, Thầy Nhất Chân là phụ trách lãnh đạo tinh thần cho Na Uy và Strasbourg còn Thầy Thiện Huệ thì lãnh phần phụ trách cho Hòa Lan và Bordeaux.
Dần dà, quý Thầy từ các đảo tỵ nạn được đến định cư tại các xứ Âu Châu, đa số là qua sự quen biết giữa quý Thầy. Thầy liên lạc, sắp xếp các Hội Phật tử ở các địa phương cần vị lãnh đạo tinh thần để mời thỉnh quý Thầy về phụ trách Phật sự ở địa phương sở tại. Nhờ thế Thầy bớt phải đi lại nhiều như lúc đầu, chỉ đến trong các dịp lễ lớn.
Vào khoảng giữa thập niên 80, Thầy đã khoắc khoải trong cơn lốc đồng bào Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do nơi hải ngoại. Thầy đã không ngừng tổ chức những buổi tuyệt thực, biểu tình trước cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Thụy Sỹ, trước sứ quán VN tại Paris hoặc trước sứ quán VN tại các quốc gia trong vùng Âu Châu để đánh thức lương tri các cấp lãnh đạo quốc tế. Yêu cầu can thiệp vào tự do nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Xin quan tâm đến các trại tỵ nạn trong vùng Đông Nam Á. Tổ chức các buổi hội thảo về nhân quyền; những “Đêm Không Ngủ” để hướng vọng tâm tư về quê nhà đang bị sống trong cảnh đầy bất công, thiếu tự do dân chủ, mất nhân quyền. Đồng hướng tâm về các trại tỵ nạn để cùng chia sẻ những nỗi khổ cực, buồn, tủi với phận tỵ nạn ly hương của hàng trăm ngàn đồng bào việt nam đang mỏi mòn mong chờ ngày được đi định cư ở đệ tam quốc gia. Con đã được trợ giúp tích cực cho Thầy những công tác này. Trong khi làm việc, con vẫn thường khởi lên những ý niệm kính phục Thầy tận đáy lòng, vì vốn dĩ, con, cũng là một trong hàng trăm ngàn “boat people” cũng đã từng có những tâm tư trông ngóng những sự quan tâm, ngó ngàng của một ai đó từ một phương trời Âu Mỹ tự do xa thẳm. Chỉ khác một điều là con đã được may mắn ra đi cùng gia đình sớm hơn và đến định cư ở đệ tam quốc gia này được sớm hơn.
Tâm trạng của một người tỵ nạn sống trên đảo… khó có bút mực nào tả xiết được hết những nỗi buồn, tủi, bơ vơ, bám víu, đợi chờ… nếu không nói là đôi lúc đến mức tuyệt vọng, những nghĩ rằng chắc sẽ không bao giờ được bước chân đến đệ tam quốc gia tự do. Chính vì thấu rõ tâm trạng của một “boat people” mà con đã lao vào những công việc một cách không mỏi mệt. Thầy đã “lắng nghe” những tiếng kêu cứu từ bên kia bờ đại dương, đã xả thân bất chấp những khó khăn, tận tụy trong khả năng với hai bàn tay, một khối óc và một con tim với dòng máu cùng đỏ, với những dòng nước mắt cùng mặn như một chúng sanh trong muôn vạn chúng sanh đang ngụp lặn trong bể khổ.
Có lần, trong lúc chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu cho một cuộc biểu tình để đưa Thỉnh Nguyện Thư lên cơ quan Liên Hiệp Quốc, con có hỏi Thầy: “Ủa, mà mình có vào được bên trong để đưa Thỉnh Nguyện Thư, hay là đã có được sự xác nhận rằng họ sẽ ra ngoài để nhận Thỉnh Nguyện Thư của mình không bạch Thầy ?” Thầy phì cười: “Mình làm thì cứ làm, không vào trong đưa được, mà họ cũng không ra ngoài để nhận, thì mình gởi bằng bưu điện», nhưng ít ra họ cũng đã được thông tin là mình có cuộc biểu tình và mục đích của mình là gì rồi. Cứ làm, được kết quả bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, cũng giống bà con trên trong các trại tỵ nạn, chờ đợi thì cứ chờ đợi, mong mỏi thì cứ mong mỏi, ngày nào đi được thì chưa biết.” Bao la thay tấm lòng vị tha của Thầy!
Nói tới đây, con bỗng nhớ lại một lần, con thối chí vì thấy cứ tổ chức, kêu gọi tuyệt thực, biểu tình, Đêm không ngủ “nhoi ba toong” luôn mà kết quả thì quá nhỏ giọt. Tâm trạng tuyệt vọng “làm quá nhiều công, tốn quá nhiều sức mà không được gì hết”. Lại có nghe tin, sắp sửa đóng cửa các trại tỵ nạn… Lần đó, Thầy bảo con chuẩn bị hồ sơ gởi đi xin chữ ký khắp nơi để yêu cầu Liên Hiệp Quốc ngưng việc đóng cửa các Trại Tỵ Nạn rồi mang sang Thụy Sỹ trao tay cho cơ quan Liên Hiệp Quốc. Thầy dặn con khi đến nơi là lo việc xin thêm chữ ký của khách qua đường, mong được thêm chữ ký nào, tốt chữ ký đó. Con đã làm như lời Thầy dặn. Nhưng qua lời nói của phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, khi ra gặp phái đoàn biểu tình của mình ngoài bãi cỏ để nhận hồ sơ và chữ ký, rằng: Họ sẽ chuyển đạt hồ sơ và Thỉnh Nguyện Thư của mình lên cấp trên, còn quyết định ra sao thì họ không nói được.
Nghe thế, trên đường về, con thưa Thầy trong nỗi tuyệt vọng: “Bạch Thầy, con nghĩ rằng thôi mình ngưng làm thêm nha Thầy, làm quá trời mà kết quả đạt được không là bao. Không chừng là không được đáp ứng nữa là khác, thôi mình stop nha Thầy”. Thầy bảo: “Việc làm của Thầy cũng giống như một hạt sỏi được ném xuống mặt ao nước, khi hạt sỏi được ném xuống vì với trọng lượng của hạt sỏi quá nhẹ, nên đã không gây lên được tiếng vang lớn. Nhưng hạt sỏi sẽ từ từ chìm xuống và trên mặt nước, những gợn sóng lăn tăn, từ từ lan ra, lan dần ra… Do nhờ hạt sỏi không chìm mau, nên những gợn sóng nước cũng không mau bị dứt hết, người ta sẽ còn thấy được gợn nước lăn tăn nhỏ dần cho đến khi mặt ao nước trở nên phẳng lờ. Ném xong hạt sỏi này, Thầy ném tiếp hạt sỏi khác, như vậy thì người ta sẽ liên tục được thấy những gợn nước lăn tăn trên mặt ao nước.” Nghe xong lý luận của Thầy, con bỗng lấy lại niềm tin trong công việc làm.
Thầy lần mò sang tận các trại tỵ nạn để ủy lạo tinh thần đồng bào tỵ nạn. Thuở bấy giờ, chưa có được quốc tịch Tây nên thủ tục để xin visa vào các xứ Đông Nam Á hoặc để được vào tận trong các trại tỵ nạn rất là cam go, song Thầy đã đi từng bước, rồi thì cũng được vào tận nơi để thăm hỏi, an ủi bà con. Đến với tấm lòng chia sẻ, đến với những món quà thật khiêm tốn vì tài chánh của chùa cũng như của những người đóng góp sang các trại thời bấy giờ cũng rất là “hạt muối trong biển cả”, “hạt cát trong bãi sa mạc”. Tuy vậy Thầy vẫn đi từ trại này sang trại khác, đảo này sang đảo nọ.
Có một lần Thầy kêu con lái xe chở Thầy đến Fontainbleau nhìn sơ lại quang cảnh của một nơi trên đất Pháp đã được ký những hiệp định liên quan đến đất nước Việt Nam mà Thầy gọi cho vui là “Di tích lịch sử Việt Nam tại Pháp”. Trong chuyến đi kỳ đó, Thầy đã kể cho con nghe thêm rất nhiều về nào là hiệp định Paris 1973, nào là hiệp định Fontainebleau… những hiệp định khác liên hệ đến đất nước Việt Nam cũng đã được ký trên đất nước Tây này và đã có ảnh hưởng đến lịch sử của đất nước Việt Nam.
Trong Thầy con nhận thấy được tinh thần phụng sự chúng sanh để cúng dường Chư Phật của Thầy thật là chí thành, tương ưng ý nghĩa của một câu trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương mà Thầy đã dạy “Thủ chí phụng Đạo, kỳ Đạo thậm đại” (giữ chí thờ Đạo thì Đạo kia mới lớn).
Thầy vẫn thường lặp lại trong Chúng: “Đối với Thầy, Thầy không chú trọng học vị qua bằng cấp. Chủ yếu là học Phật thì phải thành tâm, chí thiết, học ít cũng không sao, nhưng học bao nhiêu thì hành bấy nhiêu. Học ít, hành ít, học nhiều, hành nhiều. Tùy khả năng của mình mà học. Nhưng học và hành thì phải đi đôi, chứ đừng lý thuyết suông. Chân đi không đạp đất, không thực tế…”
1992, sự hiện diện của chư Tăng khắp nơi tại các xứ Âu Châu dần dần đông đủ hơn, Thầy đã liên lạc với quý Thầy sở tại để thành lập ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu vào năm này.
Cũng trong năm đó, Thầy đã cùng với quý Thầy trong vùng Âu Châu mời thỉnh chư Tôn Đức khắp nơi ở hải ngoại về họp mặt cùng nhau tại chùa Viên Giác – Đức quốc. Cuộc họp mặt này được gọi là Họp mặt Tăng Ni Hải Ngoại với sự hiện diện tuy không nhiều, chỉ vào khoảng 50 – 60 vị vì lúc đó Tăng Ni ở hải ngoại vẫn còn thưa thớt. Hầu hết chư Tôn Giáo Phẩm từ khắp các châu lục ở hải ngoại đều đã tựu về, trong đó có sự hiện diện của các Ngài Cố Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm v.v…
Công việc phật sự tại Khánh Anh trên đà phát triển. Tinh thần tu học Phật tử lên cao. Năm 1984, với sự động viên hợp lực của hai Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ lớp Học Phật Pháp Khánh Anh lần đầu tiên được ra đời vào mùa hè năm đó với 18 học viên chính thức (lúc đó quý Thầy còn gọi cho vui là thập bát La Hán). Những học viên này cũng đã đến từ các xứ Na Uy, Hòa Lan, Thụy Sỹ và Pháp. Tinh thần tu học được đẩy mạnh từ đó. Rồi tiếp theo là những khóa tu học Khánh Anh 2, 3 và 4 tại ngay cơ sở Khánh Anh – Bagneux. Trong số những học viên theo học các khóa tu Học Phật Pháp Khánh Anh thuở ban sơ, có vị cũng đã phát tâm xuất gia, hiện còn có mặt tại các xứ Âu Châu.
Nhận thấy con số phật tử tu học ngày càng gia tăng, quý Thầy chuyển hướng Khoá Tu Học Phật Pháp Khánh Anh 5 (1988) sang Thụy Sỹ. Lúc đó Thầy Quảng Hiền cũng vừa sang Thụy Sỹ định cư. Trong khóa tu học kỳ này quý Thầy đã đồng quyết định khóa tu học sang năm sẽ được đổi thành Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu, và sẽ bắt đầu bằng với danh xưng Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 1… và từ đó các Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu đều đều được tổ chức mỗi năm một lần vào mùa hè tại một xứ trong vùng đất Âu Châu.
Cưu mang, tổ chức những Khóa tu Học Phật Pháp đến khóa chót kỳ 25 tại Phần Lan này là nhân duyên chấm dứt các Khoá tu học Phật Pháp Âu Châu của Thầy.
Đánh dấu nhân duyên chấm dứt ở đời hiện tại với sự ra đi, buông xả nhẹ nhàng tất cả những gì Thầy đã làm, đã phụng hiến cho Tam Bảo qua những thành quả phục vụ chúng sanh để cúng dường chư Phật. Thầy đã nhẹ bước hồi quy Tây Cảnh để lại tất cả. Để lại Giáo Hội đang trong cơn nghiêng ngã, để lại chúng đệ tử kẻ Đông, người Tây, để lại công trình xây dựng ngôi đại tự Khánh Anh đang còn dang dở…
Có phải Thầy đã quá mệt vì suốt trọn đời hy hiến cho tha nhân, không hề nghĩ đến bản thân để nghỉ ngơi chốc lát. Lắm lúc Thầy không khỏe nhưng vẫn cố gắng gượng, không muốn mọi người quan tâm đến sức khỏe của mình, sợ sự quan tâm đó sẽ ảnh hưởng đến việc làm chung.
Cái gắng gượng vượt qua thân bịnh của Thầy ngầm ý mô phạm cho chúng con với tinh thần “quyết lòng vì Đạo hy sinh” như trong bài sám nguyện mà chúng con vẫn thường tụng. Thị phạm cho chúng con thấy rằng hãy xem thường thân mạng của mình để phụng sự Tam Bảo.
Rồi đây vắng bóng Ân sư, vắng bóng cây đại thụ nơi Khánh Anh Tăng già lam, vắng bóng một vị Thầy mẫu mực. Trời đất như tối sầm lại khi viết đến đây, lòng con bỗng chùng xuống, mắt con bỗng nhòa đi, tim con bỗng se thắt lại, hai bàn tay con bỗng trở thành sờ soạng, người con như ngây như dại… Hốt nhiên bên tai bỗng văng vẳng nghe tiếng … “Ậy ậy, làm gì vậy bây, lại tàm sàm nữa rồi chứ gì…” đánh thức con trở về với thực tại. Ồ, thì ra con đang tự buông thõng con nữa rồi. Không được, lòng tự nhủ: phải cố lên, phải cố gượng lên. Có cố lên thì mới không cô phụ công ơn giáo dưỡng của Thầy.
Tâm nguyện của Thầy là mong mỏi sao cho các đệ tử trở thành “pháp khí” kia mà. Một loại pháp khí theo lý tưởng đặc biệt của Thầy, đó là “pháp khí phục vụ là cúng dường Tam Bảo”. Thầy vẫn thường lấy bài học của Bách Trượng Thiền Sư mà răn dạy chúng.
1995, vì nhu cầu Phật sự cần thiết, Thầy đã ráo riết tìm chỗ để xây dựng một đạo tràng tầm cỡ hơn ngôi chùa hiện nay ở Bagneux. Sau một thời gian dài, qua mục mua bán nhà đất đăng trên báo, xin hẹn, đến nơi xem coi, chọn lựa. Cuối cùng, một khoảnh đất đã được chọn làm đạo tràng Khánh Anh mới tại Evry và lễ Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng được tổ chức vào ngày 18/6/1995 với sự hiện diện đông đảo của chư Tôn Đức Tăng, Ni, Phật tử, đồng hương và quan khách chánh quyền địa phương. Nhị vị Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi – Viện Chủ tự viện Linh Sơn – Joinville le Pont (France) và Cố Hòa Thượng Thích Trung Quán – Viện Chủ Tổ Đình Hoa Nghiêm – Villeneuve le Roi (France) cũng đã quang lâm chứng minh, cầu nguyện trong buổi lễ này.
Với sự thương kính của chư Tăng Ni hải ngoại hướng vọng về Thầy, Thầy đã được bầu làm Chưởng Môn Pháp Phái Liễu Quán Hải Ngoại.
Trong Đại Hội Khoáng Đại của Giáo Hội Tăng Già Thế Giới vào năm 2006 tại Malaysia, Thầy đã được cung thỉnh vào chức vụ Phó Hội Trưởng Giáo Hội Tăng Già Thế Giới (WBSC) và suốt đến nay Thầy vẫn tại vị. Trước đây Thầy cũng đã từng đảm nhiệm Ủy Viên của các Tổng Vụ Văn Hóa, Tổng Vụ Giáo Dục của Giáo Hội Tăng Già Thế Giới.
Thường theo hầu Thầy đi xa, đôi lúc cũng nghe được những tâm tình trao đổi giữa Thầy cùng quý Ôn ở các châu lục. Biết được hoài bão của Thầy là làm sao cho có được một tổ chức, để tất cả chư Tăng Ni Việt Nam ở hải ngoại, không phân biệt hệ phái, tông môn, giáo hội đều có thể tề tựu sinh hoạt, nhất là các Tăng Ni trẻ ở Hoa Kỳ, vì con số này dần dà tăng lên đến một con số đáng kể. Thầy đã vận động thành lập một tổ chức mệnh danh là Tăng Ni Hải Ngoại việc này đã được đa số Chư Tôn Giáo Phẩm các châu lục tán thành, ủng hộ và Thầy đã được bầu làm Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Hải Ngoại từ khi thành lập, ngày 7 tháng 01 năm 2007.
Tôn chỉ và mục đích của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại theo trong Thông Cáo Báo Chí phổ biến ngày 18 tháng 01 năm 2007 như sau: “Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại cần tiến đến một sinh hoạt Tăng đoàn mở rộng, hòa hợp và nhịp nhàng, không phân biệt hệ phái, tông môn, giáo hội, hỗ trợ nhau thực hiện các sinh hoạt Tăng sự nhằm hoằng dương Phật đạo, phổ độ chúng sinh. Sự tồn tại và phát triển của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại nên đặt nền tảng nơi bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng đoàn, vì Tăng đoàn là gốc rễ cho mọi sinh hoạt tổ chức cành-nhánh của Phật giáo khắp nơi và mọi thời đại.”
Vào cuối năm 2007, trong cuộc họp của các Thành Viên thuộc các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất của các châu gồm Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu đã hình thành Giáo Hội PGVNTN Liên Châu, Thầy đã đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Điều Hợp trong nhiệm kỳ đầu 2008-2010. Thầy là một trong những thành viên sáng lập của GHPGVNTN Liên Châu.
Với công hạnh “Hoằng pháp vi gia vụ” nào “Kiến pháp tràng ư xứ xứ”, nào “Vô sát bất hiện thân” của Thầy, vào tháng 8/2011 Thầy đã được mời sang Thủ Đô Colombo – Tích Lan để Hội Đồng Tăng Già và chánh quyền Tích Lan trao tặng giải thưởng danh dự cao quý của quốc gia dành cho những vị có công mang Phật Pháp đến hoằng hóa nơi các xứ Âu – Mỹ.
Thầy đã dày công thành lập nên Hội Đồng Giáo Phẩm Tối Cao Phật Giáo tại Pháp vào năm vừa qua (2012) và đang nắm giữ chức vụ Chủ Tịch.
Ôn sơ lược những hành trạng của Thầy và qua sự ra đi nhẹ nhàng, thánh thoát của Thầy con học được bài học “buông, xả”, làm mà không chấp thủ, Thầy đã tận dụng thời gian để hành đạo đến giờ phút cuối cùng của đời Thầy là ra đi ngay sau khi hoàn tất Khoá Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 25 tại Phần Lan.
Ra đi trong nhắn nhủ gởi gắm việc Giáo Hội để quý Thầy còn lại tiếp nối. Ra đi nhằm tạo thành chất keo sơn hàn gắn những vết rạn nứt; ra đi làm thành gạch nối kéo gần những xa cách trong thời buổi nhiễu nhương; ra đi để gióng lên một tiếng chuông thức tỉnh những tấm lòng nguội lạnh.
Thầy đi nhưng Giáo Hội còn đó, Tăng Đoàn còn đó, Phật tử còn đó, chúng con còn đây. Năm ngoái, độ này, nơi cửa phòng này Thầy còn đấy, dung nghi của Thầy còn ngời rạng đong đầy; thế nhưng… năm nay, nơi này, chốn cũ, gió thu vẫn thổi, cửa phòng vẫn mở nhưng… người cười gió thu đã trở thành “THẠCH TRỤ TÂY QUY”.
Chúng con, hàng môn đồ hậu học của Thầy vẫn còn tề tựu đông đủ để thành kính tưởng niệm ân đức sâu dày của Ân Sư qua những tuần thất, rồi kế đến là 100 ngày, rồi kế nữa là tiểu tường và sau nữa là đại tường… mỗi sự, mỗi việc của chúng con làm đều chỉ là “thế sự” tương ưng với cảnh giới mà chúng con đang còn sống gởi. Những hẹn tái ngộ với Thầy ở Cảnh Giới Trời Tây, nơi đó, bặt hẳn không còn cần đến những “thế gian pháp sự” để rồi sẽ được cùng Thầy tiếp tục nhân duyên “PHÁP LỮ NƠI CÕI CỰC LẠC PHƯƠNG TÂY”.
Bầu trời âm u bên ngoài, mưa lất phất, gió hây hây. Không khí buổi sớm mùa thu lành lạnh của vùng đất Evry.
Trong khuôn viên đại tự Khánh Anh còn trong giai đoạn chưa hoàn tất, những thùng ngói còn ngổn ngang dưới sân chùa, góc này một vài mảnh ván, góc kia một vài bao xi măng, góc nọ một vài thanh sắt… Mọi thứ còn chưa ổn định ở đây cũng là hình ảnh, tâm tư hàng đệ tử trước sự ra đi đột ngột của Thầy. Chưa được sự chuẩn bị tinh thần tiếp nối công việc một cách “tự tại” tuy rằng trước đây cũng đã quen tay với những công việc làm này, song, tinh thần thì vẫn chưa sẵn sàng để tiếp nhận những trọng trách mà Thầy để lại đối với ngôi Đại Tự. Mọi sinh hoạt, về hình thức có vẻ trôi chảy nhưng về mặt tâm lý, hình như chưa được ổn định với sự vắng bóng đại thụ Ân Sư..
Cứ để nhân duyên sắp xếp mọi việc. Cứ để mọi việc lững lờ theo dòng nước chảy của khe suối rồi sẽ “tự nhiên nhi nhiên” mà thôi. Những mong ngày mai, dòng nước nơi đại tự Khánh Anh, tự nhiên rồi sẽ thành một dòng. Một dòng nước như muôn ngàn dòng nước, vẫn lững lờ trôi, trôi từ từ, chảy từ từ.
Hoặc phải cản ngại vật, thì cho dù dòng nước có bị chẻ đôi đi nữa, vẫn cứ xuôi chảy ngang qua cản ngại vật và sau đó lại hiệp trở thành một dòng để tiếp tục xuôi chảy. Hoặc dòng nước xuôi chảy để cuốn theo những viên sỏi đá nhỏ nhoi vì sức nặng không đủ để cưỡng lại với sức chảy của nước. Trong hai trường hợp dòng nước bị chẻ đôi và dòng nước cuốn trôi đi thì vẫn là dòng nước chảy, cái chảy đi vẫn là nước, nước có tánh viên dung, nước có tánh bất biến, ở thể lạnh, thể nóng, thể bốc hơi thì nước vẫn là nước, vẫn với tánh ẩm ướt. Đổ nước vào ly, nước bị khuôn khổ của ly uốn thành hình ly, đổ nước vào chai, nước thành hình chai. Đổ nước vào chén nguyên, nước giữ nguyên dung lượng, đổ nước vào chén mẻ, nước sẽ bị chỗ mẻ của chén mà làm vơi nước đi, chỗ nước bị chảy ra ngoài thì vẫn là nước…
Hãy để lòng con như nước, dù ở hoàn cảnh nào thì con nguyện vẫn sắc son với Đạo. Cho dù với hoàn cảnh thịnh, suy của chùa, với sự vắng bóng Thầy thì tâm con đối với lý tưởng tu học nguyện vẫn được như thuở “sơ tâm xuất gia” với đầy nhiệt huyết, với đầy hăng say, với đầy tinh thần dấn thân nhưng những sự dấn thân, hăng say, nhiệt huyết thuở sơ phát tâm đó, giờ đây đã được nấu chín thành giai đoạn hai trong bài thơ Lô Sơn của thi sĩ Tô Đông Pha cảm tác ra khi thăm núi Lô Sơn.
Ngưỡng bạch giác linh Thầy,
Ngày cung nghinh kim quan của Thầy từ Phần Lan về Paris, cũng như trong suốt thời gian tang lễ của Thầy, đã có sự hiện diện đông đủ của chư Tăng, Ni, Phật tử từ khắp các xứ Âu Châu. Vùng đất mà trước đây, Thầy đã “dép cỏ mòn châu lục” để khai phát rừng tâm hoang dại của chư Phật tử thời bấy giờ, rồi cố vấn cho họ để thành lập ra những Hội Phật Giáo, rồi dạy bảo các Hội cung thỉnh quý Tăng Ni về lãnh đạo tinh thần tu học. Với tấm lòng tôn kính Thầy là bậc Thầy, là bậc “Anh Cả”, là bậc Trưởng Lão, là bậc Sư Trưởng, là bậc Ân Sư … quý Ngài đều đã câu hội để cung đón Thầy về Pháp cũng như cung tiễn Thầy về Tây.
Rồi chư Tôn Đức từ khắp các Châu Lục cũng về rất đông để nhất cú nhất kệ cầu nguyện cho Thầy, cũng như góp mặt, sưởi ấm tấm lòng lạnh giá dù giữa tiết hạ ấm áp của hàng môn đồ pháp quyến chúng con trong những ngày khó quên này. Con xin đê đầu đảnh lễ, kính tạ thâm ân của quý Ngài đã không quản ngại đường sá xa xôi, bất từ lao quyện mà chấn tích quang lâm chốn Khánh Anh tân tự viện đang còn trong giai đoạn chưa được hoàn thành, phòng ốc còn thô thiển, thiết kế còn dở dang mà quý Ngài đã niệm tình hoan hỷ cho chúng con mọi điều sơ xuất.
Ân Sư vắng bóng từ ngày ấy,
Thắm thoát đến nay sắp trăm ngày,
Lòng con nghĩ lại còn quặn thắt,
Đâu nữa dung nghi đấng Cha Lành.
Ngưỡng vọng giác linh Ân Sư chứng giám.
Viết xong ngày 23/10/2013,
Vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát,
19 tháng 9 năm Quý Tỵ.
Đệ tử Quảng Trạm (Diệu Trạm) kính ghi,