Home » Hội PTVNTN » Bảo Quang – ba mươi năm, một chặng đường

Bảo Quang – ba mươi năm, một chặng đường

Mục Hội PTVNTN

Tác giả: Michael den Hoet – Chuyển ngữ: Thị Minh

Phật Giáo Việt Nam tại Hamburg: Một nhận xét của một Trí Thức Phật Giáo người Đức.

Bài phát biểu của Ông Michael den Hoet trong dịp lễ kỷ niệm „30 năm thành lập Chùa Bảo Quang“ vào ngày 02.08.2014 tại Hamburg.

Kính bạch Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt và Hòa ThượngThích Như Điển, Đại diện Giáo Hội PG VN Thống Nhất tại Âu Châu.
Kính bạch Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, Viện chủ chùa Bảo Quang, Hamburg.
Kính bạch Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni.
Kính thưa Sư Cô Trụ Trì Tuệ Đàm Nghiêm.
Thưa toàn thể quan khách và quý Phật Tử.

Mười năm trước đây, trong lúc tôi đang chuẩn bị cho buổi cơm trưa thì chuông điện thoại reo. Tôi bắt máy, đầu dây bên kia một giọng nói vui vẻ, dễ thương vừa bắt đầu cất lên thì cũng là lúc đồ ăn trong bếp tôi cũng bắt đầu cháy khét; tôi vội vã nói là chắc gọi lầm, cám ơn rồi cúp máy.

May mắn là người bên kia gọi lại một lần nữa. Lần này khôn ngoan hơn, tôi lo tắt bếp lửa trước rồi mới nhấc máy và được biết là bên đầu dây kia là anh Văn Công Tuấn.

Anh Tuấn cho biết là anh vừa hay tin, sau một thời gian không động tĩnh gì, thì lần này Đại Lễ Phật Đản chung cho tất cả các tổ chức Phật Giáo Quốc Tế ở Hamburg sẽ được tổ chức vào ngày 22.05.2005 tại khu vực công viên trung ương Wallanlagen và cho biết là Phật Giáo Việt Nam sẽ tham gia vào Ban Tổ Chức và cùng đóng góp chương trình cho buổi lễ đó.

Ban Tổ Chức Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế là một nhóm Phật Tử hy vọng qua đó sẽ nối kết những trung tâm Phật Giáo nhiều tông phái khác nhau vì cho đến thời điểm ấy, chúng tôi chỉ biết về truyền thống và tông phái của mình mà thôi. Chính cá nhân chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi biết ở Hamburg có độ 40 Trung tâm Phật Giáo với nhiều màu sắc khác nhau, và chúng tôi cũng không biết gì nhiều về Phật Giáo Việt Nam.

Như thế đó, cú điện thoại hai lần gọi ấy đã khởi đầu cho một tình bạn tuyệt diệu. Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế 2005 tại Wallanlagen Hamburg với hàng ngàn người tham dự có cả đại diện chính quyền địa phương là một thành công lớn. Đặc biệt nhất là mục „Lễ Cầu Nguyện Hòa Bình“ do chùa Bảo Quang đảm nhận đã là phần quan trọng và để lại nhiều ấn tượng nhất, một phần vì khán giả tò mò muốn biết truyền thống Nghi Lễ Phật Giáo Việt Nam ra sao.

Từ đó sự liên hệ hợp tác càng chặt chẻ hơn. Cơ hội tiếp đến là Lễ Triển Lãm „Ngọc Xá Lợi“ của Đức Bổn Sư và Chư Tổ do chính Phật Giáo Việt Nam tổ chức tại Viện Bảo Tàng Dân Tộc – Völkerkundemuseum Hamburg.

Rồi tiếp theo đó, những khó khăn trong luật „Xây Dựng tại Đức” vào năm 2007 lại đem cơ hội để chúng ta cùng làm việc chung gần gũi hơn. Đó là quá trình xin giấy phép sửa sang chùa Bảo Quang từ một phòng chứa đồ kỹ nghệ trở nên một Chánh Điện trang nghiêm như hôm nay.

Từ đó Phật tử Việt Nam tại Hamburg đã luôn hợp tác chặt chẽ với Phật Tử Đức thuộc nhiều tông phái khác nhau trong các sinh hoạt cộng đồng: từ Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế những năm sau đó đến Hội Hoa Thế Giới (igs) cách đây 11 tháng tại Hamburg-Wilhelmburg. Tại đấy Nghi thức Lễ Vu Lan Báo Hiếu của Phật Giáo Việt Nam đã gây nhiều cảm phục và được đặc biệt nhắc đến trong lễ họp báo kết thúc hội chợ vườn hoa này.

Một sự kiện có lẽ sẽ tạo nhiều ngạc nhiên khi người ta biết là Pháp của Phật và các sinh hoạt Phật Giáo tại đây đã là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tôn giáo tại nước Đức này:

– Từ 160 năm trước đây, triết gia Artur Schopenhauer  đã là một  Phật Tử (ngày đó gọi là Buddhaist). Trong thế kỷ 19 trên nước Đức đã có nhiều sách vở nghiên cứu về Phật Giáo được xuất bản.

– 1903 nhạc sĩ Anton Walter Florus Gueth đã xuất gia và thọ Tỳ Kheo tại Á Đông với Pháp hiệu Nyânatiloka và là vị Tỳ kheo đầu tiên.

– 1906 Hội nghiên cứu Phật giáo đầu tiên ra đời tại Hải cảng Hamburg.

– Các văn hào Hermann Hesse và Rainer Maria Rilke đã viết nhiều áng văn chương và thi ca về Phật giáo hoặc theo tư tưởng Phật giáo.

– 1925 cuốn phim „Ánh sáng Á Châu“ (Die Leuchte Asiens), một cuốn phim về đời sống lịch sử Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, đó là cuốn phim điện ảnh sản xuất chung giữa hai quốc gia Ấn Độ và Đức quốc đã là một thành quả lớn trong lịch sử Cinema.

– Sau Thế chiến thứ II Phật Giáo tại Hamburg đã  có một sự bắt đầu mới. Hội Phật Giáo Hamburg (BGH) được thành lập. Sau đó không lâu từ đây Max Glashoff vận động thành lập một tổ chức trung ương lấy tên DBU (Deutsche Buddhistische Union). Trong thập niên 1960, „Haus der Stille“ (Ngôi Nhà Tĩnh Lặng) cách đây sáu mươi cây số được thành lập và đã làm sống dậy nhiều trường phái Phật giáo: Tiểu thừa, Thiền học, nhiều nhóm Phật giáo Tây Tạng…

– Phật tử từ Á Đông đến Đức càng ngày càng đông, đặc biệt là từ năm 1978 khi đồng bào tỵ nạn Việt nam (Boat People) đến Đức.

Ngày nay Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong mọi sinh hoạt tôn giáo và hiện nay có khoảng từ 300.000 đến 400.000 Phật tử đang tu tập tại nước Đức.

Trong lúc thế giới càng ngày càng thay đổi theo một nhịp độ nhanh chóng, thì cả hai Phật tử Âu Châu hay cả Phật tử Á Đông vẫn muốn nuôi dưỡng truyền thống, nghi lễ của mình. Nhìn bên ngoài chúng ta sẽ thấy một số dị biệt như sau:

* Phật tử các nước Á Đông với một nền văn hóa Phật giáo lâu dài đang thực hành giáo lý Phật Giáo nghiêng về nghi lễ theo truyền thống và vai trò của Tăng Ni xuất gia được đề cao. Họ là những người Trưởng Tử Như Lai.

* Phật tử lớn lên với truyền thống Tây phương nghiên cứu Phật giáo như là một môn triết lý thực tế của đời sống. Sự tổ chức ngang hàng nhiều hơn, dân chủ hơn và những Phật tử tại gia  là những hình ảnh chính trong mọi sinh hoạt.

Tuy nhiên, Phật Pháp thì cao diệu hơn nhiều hơn thế: khi khơi dậy đức tính tạo nhân tốt trong mỗi người – mà con người thì sống trong những hoàn cảnh khác nhau – việc thực tập Thiền quán, lòng Từ Bi đối với mọi sinh linh, tìm kiếm sự an lạc của mỗi cá nhân, chắc chắn không bao giờ đi ngược lại với những giá trị Dân chủ, Tự Do của nền văn hóa Tây phương.

Sự cảm phục của chúng tôi, những người Phật tử Đức, càng tăng thêm sau mỗi lần thăm viếng chùa Bảo Quang: đó là đức tính trang trọng công đức của thế hệ đi trước của người Việt nam, đó là tinh thần tương trợ xã hội, cũng như những công tác từ thiện như thăm viếng gia đình có thân nhân bệnh hoạn, những sinh hoạt của nhóm trẻ (trong Gia Đình Phật Tử) hay các lễ cầu siêu khi có người quá cố. Nhất là các Phật tử lớn tuổi, các thế hệ trong những năm 60, 70 ở Việt nam, dường như họ có sẳn trong dòng máu tinh thần chọn tự do, tinh thần xã hội giúp đỡ lẫn nhau.

Nhưng có điều quan trọng mà chúng tôi rất yêu thích tại chùa Bảo Quang: đó là tinh thần nam nữ bình quyền. Đây là nơi mà nữ giới đã phát triển và đóng góp rất lớn trong mọi sinh hoạt. Nơi nào tinh thần này hiện diện thì nơi đó cộng đồng vững mạnh.

Đáng tiếc là khác với tinh thần của Phật Giáo Việt nam, tại một số quốc gia Á Châu nữ giới gặp nhiều khó khăn nhiều kỳ thị. Tại một số truyền thống Nam Á các vị nữ tu sau khi thọ giới đã gặp khó khăn khi tìm những trung tâm để tu học.

Bây giờ chúng tôi xin mạn phép được có vài lời trình lên Sư Bà Viện Chủ Thích Nữ Diệu Tâm. Bao nhiêu năm qua chúng tôi có nghe được và cũng thấy được một tinh thần hướng dẫn của một Vị Ni trưởng nhẫn nại, với sự dịu dàng của nữ phái cộng với một quyết tâm vượt mọi trở ngại để hoàn thành Phật sự. Sự dịu dàng nhưng lại quyết tâm đó đã thu phục được nam giới, đã là phương cách hướng dẫn tốt nhất, hiệu quả nhất.

Và nhiều năm qua Sư Bà đã xây dựng được một Ni chúng có khả năng để hướng dẫn Phật tử trong tương lai.

Nếu có người thấy đươc sự dứt khoát, sự kiên nhẫn của Sư Cô Trụ Trì Tuệ Đàm Nghiêm trong giai đoạn sửa sang, xây dựng từ một phòng kho chứa dụng cụ công nghệ để trở thành Chánh Điện Bảo Quang trang nghiêm hôm nay, thì người đó sẽ không còn lo ngại gì cả về tương lai của chùa Bảo Quang khi Sư Bà không còn nữa.

Trước đây, trong lễ khánh thành chùa Bảo Quang mới này, Sư Bà có kể về những đơn sơ của giây phút ban đầu trước đây ba mươi năm. Và ngay lúc đó Sư Bà đã mong ước sẽ xây dựng một ngôi chùa bên dòng sông này.

Ước nguyện đó nay đã thành tựu, nhờ vào Hồng ân chư Phật, nhờ vào đạo đức tu hành của Sư Bà,và cũng nhờ vào tinh thần kiên nhẫn phụng sự Giáo pháp của quí Phật Tử.

Đó là đặc điểm quan trọng nhất của Phật giáo Việt nam tại Hamburg.

Chúng tôi, dầu là Phật Tử thuộc một trường phái Phật giáo khác, xin cúi đầu đảnh lễ xưng tán công đức đó.

Xin tri ân những thành quả đó như là một sách tấn, khuyến khích.

Xin cám ơn tình Bạn trong Đạo Pháp.

Và thân ái chúc mừng những thành công của Bảo Quang đã gặt hái được trong ba mươi năm qua.

Michael den Hoet