Home » Phật sự - Giáo hội » Khóa Tu Thiền Vipassana (Tuệ Minh Sát)

Khóa Tu Thiền Vipassana (Tuệ Minh Sát)

photo-05
Xem hình ảnh

Khóa Tu Thiền Vipassana (Tuệ Minh Sát) tại Tu Viện Viên Đức từ ngày 1 đến ngày 10 thàng 9 năm 2014

Đạo Tràng Từ Nghiêm tại Krefeld quy tụ gần 30 Nam Nữ Phật Tử đã về Tu Viện Viên Đức vùng Ravensburg (Đức Quốc) để tu học Thiền Vipassana qua sự hướng dẫn của Thượng Tọa Thiền Sư Walpola đến từ Tích Lan cũng như Thượng Tọa Anurudha(người Tích Lan đến từ Thụy Sĩ). Qúy Ngài dùng tiếng Anh và tiếng Đức để giảng pháp. Kinh tụng hằng ngày bằng tiếng Pali được dịch sang Việt Ngữ.

Mỗi ngày các Thiền Sinh thức dậy từ lúc 5 giờ sáng để bắt đầu cho những khóa ngồi thiền, tụng kinh, nghe pháp, trình pháp, thiền ngồi, thiền hành, pháp đàm cũng như dùng cơm  trưa trong chánh niệm v.v… mãi cho đến 21:30 mới chấm dứt. Mỗi ngày đều như vậy và mỗi người đều có cách hiểu Pháp khác nhau; nên có giờ trình pháp để Thiền Sư nghe, đồng thời cũng để giải nghi cho các Thiền sinh, nhằm tu tập và hành thiền cho được lợi lạc hơn.

Phật Tử Thiện Tâm đã dịch những bài pháp do Ngài Walpola giảng dạy từ tiếng Anh sang Việt ngữ một cách lưu loát, dễ hiểu và rất  chính xác; nên các Thiền sinh rất dễ lãnh hội. Cả 10 ngày như vậy các Thiền sinh đều hành thiền và tu tập giống như Thọ Bát Quan Trai. Khung cảnh Tu Viện rất yên tĩnh, thích hợp cho những khóa Tu Thiền như vậy; nên những Thiền sinh và cả những vị Thiền Sư cũng rất là hoan hỷ, an lạc trong những ngày thực tập chánh niệm tại đây.

Hòa Thượng Thích Như Điển Phương Trượng chùa Viên Giác và Tu Viện Viên Đức trong buổi lễ khai mạc vào ngày 1 tháng 9 đã hiện diện và Ngài cũng đã phát biểu ý kiến của mình khi thấy được sự nổ lực tu tập của các Thiền sinh đã đến đây và Ngài cũng đã nói rằng: „dẫu cho tu và thực hành theo nhiều truyền thống khác nhau như: Nam Tông, Bắc Tông hay Kim Cang Thừa đi chăng nữa thì Tứ Diệu Đế và ba mươi bảy phẩm trợ đạo vẫn là căn bản cho tất cả các Tông Phái nầy“. Thượng Tọa Walpola cũng diễn đạt tâm tư của mình tương tự như vậy là: “Dẫu cho tu theo Pháp Môn hay Tông Phái nào đi chăng nữa thì sự giải thoát khổ đau của con người và việc tiến đến sự giác ngộ giải thoát vẫn là những vấn đề căn bản của người tu học Phật“.

Mong rằng các hành giả tu tập càng ngày càng đi sâu vào nội tâm hơn cũng như  ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống của mình để được lợi lạc cho chính mình và tha nhân đồng loại.