Đọc các bộ kinh căn bản của Nam Truyền như Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm v.v… Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có những lời dạy thật chí thiết về con người và sự vật, cảnh giới ở cõi nầy hay những cõi khác. Đôi khi Ngài lấy thí dụ về một con gà hay con chó, con bò hay con trâu. Nhiều lúc Ngài lấy cây cỏ hay đất đai để nêu lên những điều mà Ngài muốn gửi đến những đệ tử xuất gia và tại gia của mình. Trên từ các bậc quân vương, dưới cho đến những giai cấp bần khổ, hạ tiện nhất của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Với con người thì Ngài đã độ được không biết bao nhiêu mà kể cho xiết. Ví dụ như Vua Ba Tư Nặc, Vua Tần Bà Sa La, Vua A Xà Thế; Hoàng Hậu thì có Bà Vy Đề Hy, Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề; cho đến vô số các bậc Thái Tử, Công chúa, Đại Thần như: Nan Đà, A Nan, La Hầu La, Gia Du Đà La hay Kỳ Bà v.v… Đối với ngoại đạo được hàng phục như Ngài Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất hay những người đương đầu với Ngài như Đề Bà Đạt Đa, Vô Não hoặc những ngoại đạo Phạm Chí, Ni Kiền Tử v.v… Với bất cứ ai, Ngài cũng đều đem giáo lý thậm thâm vi diệu của Tứ Diệu Đế và 37 phẩm trợ đạo ra để khuyên nhủ họ.
Một hôm vua Ba Tư Nặc đánh thắng Vua A Xà Thế (theo kinh Tạp A Hàm) và được đưa đến trước Đức Phật. Ngài từ tốn khuyên Vua Ba Tư Nặc hãy dùng lòng từ của một đấng quân vương mà tha cho những lỗi lầm của A Xà Thế đã gây nên. Ngài không thiên vị bên nào cả, mà Ngài đã đứng trên quan điểm của một con người hiểu biết về sự thật của cuộc đời bằng con mắt trí tuệ và từ bi, nên Ngài đã thể hiện những lời khuyên như vậy và cuối cùng Vua Ba Tư Nặc đã tha cho A Xà Thế. Một câu chuyện khác cũng thể hiện được cái thấy xa, nhìn rộng của Đức Phật như sau:
Một hôm Ngài A Nan bạch Phật rằng: “Kính Bạch Đức Thế Tôn, có những cây có cả hoa thơm, cành lá cũng thơm và ngay cả rễ của nó cũng thơm nữa, nhưng chắc chắn là không thể bay được ngược gió. Vậy thưa Ngài, có loài hoa nào bay ngược gió được chăng?”. Ngài từ tốn bảo A Nan rằng: “Có chứ. Đó là những nam, nữ Cư sĩ giữ gìn giới cấm trong sạch như Ngũ giới, Thập thiện giới, Bát quan trai giới v.v… chính họ là những người tượng trưng cho đức hạnh. Hương ấy có thể bay được ngược gió.”
Có hôm Ngài ngồi ngoài vườn xoài của một tín chủ nào đó, sau khi thọ trai xong thì Ngài giảng pháp và để dễ hiểu, Ngài lấy móng tay của mình xúc vào đó một ít đất, rồi đưa lên cao truyền hỏi đại chúng rằng: “Các ngươi thấy đất trong móng tay ta nhiều hay đất trong đại địa nhiều?”. Dĩ nhiên là ai cũng trả lời rằng: “Bạch Ngài, đất trong móng tay của Ngài so với đất trong đại địa rất ít”. Từ đó Đức Phật đưa ra hằng tá thí dụ cho việc nầy và Ngài bảo: “Cũng như thế ấy, những gì mà các ông hiểu, nó chỉ giống như đất trong móng tay của ta mà thôi, còn bản thể của sự vật nó nhiều như đất trong đại địa vậy” (Tạp A Hàm).
Rồi một hôm, có nhiều vị đệ tử xuất gia của Ngài tranh luận về có, không, còn, mất v.v… khiến đi đến chỗ bí lối và chính Ngài là bậc Thầy hướng đạo đã chỉ ra những việc căn bản như vô thường, khổ, không và vô ngã để chư đệ tử nhận ra chân giá trị của cuộc sống nầy vốn nó không có thật tướng. Ngài thường hay hỏi rằng:
“Những điều các ngươi nói hay thấy nghe đều là những vật có hình tướng, được cấu tạo bởi những sắc uẩn. Vậy những loại ấy là thường hay là vô thường?”
– Bạch Thế Tôn! Tất cả đều vô thường.
“Vậy căn bản của sự vô thường là gì?”
– Chính đó là khổ.
“Khổ do đâu mà có?”
– Do các duyên sinh hòa hợp và biến đổi mà có.
“Có phải do chấp thủ, chấp hữu nên thấy cái nầy là như thế, cái kia là như vậy phải không?”
– Kính bạch Ngài, đúng như vậy.
“Như vậy cái khổ ấy cũng không có thật tướng. Vì do chấp thủ mà thành tựu và do vô minh nên mới có nhận thức như vậy, chứ trên thực tế thì cái khổ ấy do cái không nó biến đổi mà thành. Đã là không, nhưng con người do chấp ngã và ngã sở nên nó mới bị lôi kéo vào cái vòng luẩn quẩn nầy, mà ngã nầy vốn nó cũng không có thật tướng nữa. Nó ví như tiếng vỗ của hai bàn tay hay lửa cháy vậy thôi. Trước khi có tiếng vỗ thì âm thanh đó chẳng từ đâu đến và sau khi tiếng vỗ tan rồi thì nó cũng chẳng biết đi về đâu. Giống hệt như thế, lửa hiện hữu, ta thấy lửa cháy to, cháy lớn, nhưng khi củi hết rồi thì lửa không còn nữa. Như vậy âm thanh hay lửa kia do duyên hợp mà thành tựu và duyên hết thì tan rã, đâu có cái gì là chủ thể mà chấp vào đó là cái nầy là của tôi hay cái nầy thuộc về tôi v.v… Thật ra thì chẳng có cái gì là miên viễn không bị chi phối, biến đổi theo Tứ Pháp Ấn nầy cả ”.
Từ đó chư đệ tử của Ngài đã NGỘ được chân lý nầy (Tạp A Hàm).
Thật ra những lời dạy của Ngài nó không khó lắm để chúng ta ngày nay nhận biết ra, nhưng nó rất khó thực hiện. Khi cái có và cái không ấy, chúng ta không tự làm chủ được chính mình. Vì lẽ, biết thân ta vẫn biết, nhưng tiếc thân ta vẫn tiếc. Chỉ có những bậc chân nhân A La Hán khi lậu tận đã hết mới dám tuyên bố rằng: “Ta việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, những việc cần làm ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là kiếp sau ta không còn tái sanh nữa”. Trong chúng ta chắc chắn chưa có ai dám tuyên bố được như vậy, khi chúng ta vẫn còn là chúng sanh mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi sanh tử nầy.
Ngày ấy, Ngài chia giáo pháp của Ngài về cuộc đời nầy theo 4 giai đoạn. Đó là: sanh, già, bịnh và chết. Mới nghe ai cũng nghĩ là chuyện bình thường, nhưng nó không thường đâu, khi mà người ta rõ biết được chân lý khổ nầy rồi, từ đó mới tìm đường vượt khỏi sanh tử khổ đau. Nếu không, cái khổ ấy nó vẫn còn đeo đuổi ta mãi, cho đến khi nào chúng ta được giác ngộ, giải thoát thì cái khổ ấy nó mới thật sự buông ta ra. Nếu cuộc đời nầy trung bình sống được 80 năm trong một kiếp nhân sinh ngắn ngủi nầy, thì ta có thể chia ra việc sanh có 20 năm, việc già có 20 năm, việc bịnh có 20 năm và việc chết cũng sẽ có 20 năm như thế. Tại sao vậy? Vì lẽ khi được Mẹ sanh ra, không phải chỉ có giây phút đó, mà sự sống thật sự có ý nghĩa trong 80 năm ấy chỉ có 20 năm mà thôi. Nghĩa là sống không bịnh, không già, ít phiền não và chưa chết. Nhưng trong 20 năm của sự sanh ấy chúng ta đã làm được những gì? Không ít người bị tật nguyền khi mới sanh ra và ngay cả nhiều động vật cũng như thế. Rõ ràng cái khổ nó đã nối đuôi nhau để chi phối con người và sự vật từ muôn thuở, nhưng chúng ta nào có quan tâm biết đến cái khổ ấy bao giờ. Có nhiều em bé sinh ra thiếu tay chân, không tư tưởng, giống như một cái xác không hồn. Cha mẹ nào vui khi biết con mình như thế và hạnh phúc đâu rồi? Sao khổ đau lại tràn ngập trong gia đình như thế nầy? Có nhiều em bé sinh ra đến 5 hay 10 tuổi vẫn chưa biết nói hai chữ Mẹ Cha đầu đời. Còn nỗi khổ nào hơn như thế nữa chăng? Cũng có lắm đứa bé không tự làm chủ được mình trong những việc như ăn, uống, tiểu, giải v.v…
Cái già không ai chờ đợi cả, nhưng cái già nó sẽ đến nhanh với mình khi mà tóc trên đầu đã hoa râm sợi trắng, sợi đen. Lúc mà lưng bị đau, xương bị nhức, gối bị mỏi, mắt bị kém. Lúc ấy chúng ta mới tiếc cho tuổi xuân và hối hận tại sao khi còn trẻ mình đã không thực hiện được những điều muốn làm, mà để cho thời gian trôi qua nhanh như vậy. Bây giờ hối hận kể ra cũng đã quá muộn rồi. Khi còn trẻ, khỏe, ta sống gần trời và xa đất; đến khi già rồi chúng ta phải sống gần đất xa trời. Lúc ấy mới nhận chân ra cuộc đời nầy chẳng có gì là thật cả. Nên Ấn Độ Giáo họ thoát ly đời sống gia đình ở tuổi về chiều, vì đã rõ biết cuộc đời nầy là không thật. Nhưng Đức Phật của chúng ta, Ngài đã xuất gia khi tuổi còn xuân xanh, chứ không phải chờ cho cái già, cái bịnh đến Ngài mới ý thức được điều đó. Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại mà Đức Thích Ca đã thực hiện cách đây hơn 2558 năm, và đây cũng là một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu, chưa có ai thực hiện được việc nầy thuở bấy giờ. Khi già ai cũng có thể nhớ trước, quên sau. Thế mà nhiều người cứ ngỡ là mình nhớ đúng, chẳng sai chút nào cả. Đây có thể là do sự chấp thủ của cái nhận thức đã quá hạn lâu rồi, nhưng con người vẫn còn bám víu vào đó. Ví dụ như người già lái xe, phản ứng rất chậm, chắc chắn một điều là không còn giống như thời thanh niên nữa; nhưng người lớn tuổi vẫn cố chứng minh cho rằng mình không có lỗi khi cầm tay lái, vì mình đã có kinh nghiệm lái xe đã mấy chục năm rồi. Chính cái chấp thủ nầy mà nó làm cho người ta rất khổ tâm và không chịu chấp nhận nó.
Bịnh tật cũng thế. Suốt cả một cuộc đời, có nhiều người bịnh liên miên, nhưng cũng có nhiều người ít bịnh. Tất cả đều có liên quan đến nghiệp sát sanh của mình ở kiếp nầy hay kiếp trước. Bịnh hay tật chỉ là kết quả của nghiệp đã từng gây ra từ trong vô lượng kiếp, bây giờ cái quả ấy đã chín muồi, nên trong hiện tại thể hiện nơi thân thể của chính ta mà thôi. Khi ta cắt cổ, nhổ lông loài súc sanh, chúng ta đâu có rõ biết được cái đau của chúng. Con người chỉ cần biết làm sao cung phụng cho cái dạ dày nầy hay cho khẩu vị nầy đầy đủ, ngon ngọt là được rồi; nhưng cái quả, chúng đang chờ ta trước mắt đó. Hiện tại có nhiều người bị ngồi trên xe lăn, bị run rẩy liên hồi hay bị những chứng thần kinh mất ăn, mất ngủ… chỉ chừng ấy việc thôi, chúng ta cũng đủ khiếp vía. Nhưng đa phần con người ít nhớ và hay mau quên, nên những điều như thế nếu có xảy ra, chúng ta cũng thường hay nghĩ là của ai đó, chứ không phải của mình và thuộc về mình.
Cái chết trước sau rồi nó cũng sẽ đến, nhưng chúng ta luôn nghĩ rằng nó sẽ đến với người khác chứ không phải mình, nên ít có người chuẩn bị cho sự chết, chỉ lo cho sự sống mà thôi. Thế nhưng đâu có ai ngờ rằng chúng ta đã có hằng ngàn lần sinh và hằng ngàn lần chết như thế. Có lúc làm người, có khi làm Tiên, có khi làm súc sanh, có khi làm quỷ đói v.v… cứ như thế bị trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Do vậy Phật và chư vị Bồ Tát mới ra đời nhằm chỉ rõ cho chúng sanh đường đi, lối về. Nếu ai biết dừng và biết rõ được giá trị của sự sống, thì người đó sẽ sớm tìm ra ngõ rẽ cho chính mình. Nếu không, chúng ta vẫn mãi là con thuyền không định hướng trong bể khổ trầm luân nầy. Phật đã chỉ rõ về tướng thay đổi của tâm và Ngài đã dùng trí tuệ của mình để hướng dẫn chúng ta ra khỏi sự sanh tử ấy. Vấn đề ở đây là chúng ta có muốn bước ra khỏi chốn ấy không, hay chúng ta vẫn muốn quẩn quanh đây đó, để rồi vẫn mãi mãi bị sanh tử dài lâu chi phối cả cuộc hành trình tiếp theo sau đó nữa.
Cũng có nhiều người ra đời chỉ để chữa được thân bịnh của chúng sanh, mà không thể chữa được tâm bịnh. Ngược lại cũng có những vị Thầy chỉ chữa được tâm bịnh mà không thể chữa được thân bịnh. Bịnh nào rồi cũng khổ, nhưng cái khổ nhất của con người là không biết lối ra hay không muốn ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy. Có những vị Bồ Tát như Ngài Địa Tạng quyết định sẽ không rời khỏi địa ngục và không thành Phật khi mà một chúng sanh nào đó vẫn còn trong địa ngục kia. Lời nguyện ấy cao cả vô cùng, còn chúng sanh thì cang cường không ít, nhưng vì “chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ”. Cũng có những lương y lành nghề hay những vị Bác Sĩ luôn tận tâm với nghề nghiệp của mình; vì không muốn cho cái khổ của thân dày vò con người, họ đã phát nguyện cứu người, cứu đời bằng cách học ngành y khoa; dĩ nhiên không nhất thiết phải là vì chuyện đồng lương khá hơn những nghề khác, mà đó chính là hạnh nguyện, ước muốn của mỗi người khi vào đời mong được cứu khổ cho nhân sinh và những chủng loại khác. Nhưng cũng có nhiều người khi mới sinh ra không học nghề thuốc mà có thể chữa bịnh được, nên người ta gọi những người nầy có tay “phục dược”. Dĩ nhiên không phải ai cũng là những y sĩ Kỳ Bà, vốn là vị lương y nổi tiếng thường chữa bịnh cho Đức Phật thời xưa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người, có lẽ do một ước nguyện nào đó của những vị Thiện Thần chưa thành tựu ở cõi khác, muốn gá tâm thức mình vào một hay nhiều người có tay “phục dược” ở thế gian nầy để cứu khổ chúng sanh. Quý Ngài đã thị hiện ra con người bằng da, bằng thịt như chúng ta, nhưng lại có biệt tài chữa bịnh nan y, giống như trường hợp Đức Địa Tạng không có đầu tại Fuchu, Nhật Bản đã cứu khổ cho hằng trăm ngàn bệnh nhân như vậy và đó cũng là trường hợp của Thần Y Võ Hoàng Yên.
Có thể nói đây là một hiện tượng cũng được, mà một sự thật không chối cãi cũng được, nếu ai đó đã một lần chứng kiến về cách chữa bịnh của Ông ta. Năm nay (2014) Thầy Yên mới 39 tuổi (sinh năm 1975), nhưng cách ăn nói không khác gì một vị Thầy giảng pháp và cách chữa bịnh không khác gì những việc xảy ra trước mắt mọi người như thần, nên người đời gọi Thầy là Thần y, nhưng Thầy vẫn khiêm nhường nói mình chỉ là một vị Thầy thuốc. Riêng tôi đã có cơ duyên tiếp xúc với Thầy khi Thầy về chữa bịnh từ thiện cho gần 1.000 bịnh nhân, người Việt cũng như người Đức, người Thổ và nhiều người ngoại quốc khác tại chùa Viên Giác, Hannover vào những ngày 5,6,7 và 12,13,14 tháng 9 năm 2014 nầy. Tôi đã trực tiếp phỏng vấn Thầy và đại khái Thầy đã trả lời như sau:
Lúc nhỏ nhà rất nghèo, nên đã vào chùa Hưng Nghĩa, huyện Cái Nước, Cà Mau, thuộc Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Học Việt Nam để tá túc vào năm 16 tuổi (giống như trường hợp của Trần Trung Đạo). Ở đó cho đến năm 20 tuổi, có một vị Thầy dạy Đạo tên là Trần Văn Ba, Pháp Danh Thiện Nghiêm, trưởng Ban Y Tế phước thiện và cũng là vị Trụ Trì của ngôi chùa nầy, đã truyền dạy đạo đức và y lý cho Thầy Yên như: khám chữa bệnh, châm cứu, xem mạch và bốc thuốc. Sau khi tốt nghiệp phổ thông thì Thầy Yên lên Sài Gòn học Luật, Thầy Yên đã được Hòa Thượng Thích Minh Cảnh và Hòa Thượng Thích Huệ Xương chỉ bảo, giúp đỡ tại Tu Viện Huệ Quang. Sau khi tốt nghiệp Đại Học, Thầy Yên đã bươn chải vào đời tìm kế sinh nhai. Ban đầu rất thành công và mãn nguyện, nhưng sau khi một người bạn thân tên là Phan Thanh Long gặp tai nạn giao thông, ra đi một cách tức tưởi, nên đã nhận thấy cuộc đời quá vô thường và Thầy Yên đã quyết chí lập công bồi đức. Từ đó Thầy Yên phát nguyện lập 10 ngôi chùa để thờ Phật và khám chữa bịnh trong cũng như ngoài nước (1) .
Một hôm Thầy Yên vào một gian phòng đặc biệt để tọa thiền, quán chiếu về sự vô thường sanh diệt ấy. Bỗng đâu có một luồng ánh sáng từ xa bay vào phòng, trong khi Thầy vẫn còn tỉnh thức và vẫn tiếp tục thiền quán về vấn đề trị bịnh. Sau đó Thầy Yên nghĩ rằng mình có thể trị bịnh được và Thầy Yên đã đi chữa trị cho mọi người, đa phần là những kẻ bị tật nguyền và họ đã có khả năng tự đứng dậy đi được. Tiếng lành cứ đồn xa và nhiều người khắp nơi đã đến gặp Thầy Yên để xin được chữa trị. Thuở ấy, cách đây 8 năm về trước, các y khoa Bác Sĩ Việt Nam không tin và cho đến khi Hội Đồng Y Khoa Bác Sĩ Việt Nam tham dự trực tiếp những ca chữa bịnh của Thầy Yên như chữa trị về câm, ngọng, điếc, mù để có thể nói, nghe và thấy rõ được; nhất là những người bán thân bất toại, nằm liệt giường nhiều năm, sau khi Thầy ấy thăm dò bịnh, Thầy chỉ bấm vào những huyệt đạo cần thiết, chỉ trong vòng 15 phút là bịnh nhân ấy có thể cử động chân tay hay cũng có nhiều người tự đứng dậy đi được. Có nhiều người lâu nay không ăn uống được hoặc giả ăn chẳng biết ngon, nhưng sau khi chẩn mạch và chữa trị, Thầy ấy đã làm cho con bịnh ăn cảm thấy ngon và cơn bịnh dường như đã tiêu tán đi đâu từ lâu rồi.
Có nhiều người bị mụt nhọt mọc ở đâu đó trong người hay có kẻ bị sai khớp xương, đi đứng khó khăn… chỉ cần chữa trong 15 phút sau là con bịnh có thể trở lại bình thường và cảm thấy như mình chẳng có chuyện gì xảy ra trong quá khứ cả. Nhiều tràng vỗ tay liên tục xảy ra suốt trong thời gian chữa bịnh vào những ngày trên tại chùa Viên Giác, Hannover và đã có nhiều trường hợp hy hữu khó giải thích được. Ví dụ như có nhiều đứa bé đi đứng không bình thường, thế mà chỉ qua những cái nắn nót gân cốt là các bé kia đi đứng như người bình thường. Cha Mẹ đã quỳ xuống lễ tạ, thầm cảm ơn trực tiếp Thầy cũng như ba ngôi Tam Bảo đã gia hộ, nên mới được như vậy. Tôi cũng đã phỏng vấn những người Đức đến chữa trị các bịnh nan y, nghĩa là những bịnh mà các Bác Sĩ Đức đã chê, nhưng Thầy Yên đã chữa khỏi.
Tôi không biết dùng từ nào để diễn tả và niệm ân Thầy ấy, chỉ có thể trực tiếp và gián tiếp giới thiệu bài nầy trong sự giới hạn nhất định của nó, nhằm tri ân Thầy đã cứu khổ cho không biết bao nhiêu người trong tinh thần từ thiện vô vụ lợi, không nhận một thù lao nào cả. Những đóng góp nếu có của những người đã được chữa trị, chúng tôi đã trao qua những người học trò đại diện cho Thầy mang về Việt Nam tiếp tục giúp cho những mảnh đời bất hạnh khác và những người cơ nhỡ không có nơi nương nhờ.
Quý vị cũng có thể mở các Youtube và bấm vào chỗ “Thần Y Võ Hoàng Yên” thì quý vị có thể xem đầy đủ cách trị bịnh của Thầy ấy. Hoặc giả quý vị nào ở Việt Nam cũng có thể đến những địa chỉ sau đây để được chữa trị trong mỗi tháng từ ngày 20 đến 30. Địa chỉ:
– Trung Tâm phục hồi chức năng Dưỡng Sinh Võ Hoàng Yên, thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh
– Chùa Hưng An, thôn 3, xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Cả hai nơi trên đều có thể liên lạc qua Thầy Yên số Phone: 0084-932 084 094.
Ngoài thời gian nầy, Thầy Yên hay đi đến các nơi khác trên thế giới như: Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Canada, Nhật, Đức v.v… để chữa trị cho những người có nhu cầu
Thầy Yên cho biết rằng tất cả các bệnh thuộc về thân đều có sự liên hệ với nghiệp giết hại chúng sanh, do đó nếu ai muốn chữa được lành bịnh lâu dài thì nên ăn chay thêm nhiều ngày trong tháng, nếu ăn chay trường được thì càng tốt hơn nữa. Chính bản thân Thầy Yên cũng trường chay, nên tôi tin rằng những lời của Thầy ấy khuyên người bịnh sẽ có kết quả khả quan.
Tóm lại bệnh nhân muốn hết bệnh thì phải biết kiêng cữ và luyện tập đều đặn, nếu không, bịnh cũ sẽ dễ tái phát. Lúc ấy khó có thể đổ lỗi cho ai, ngoại trừ mình. Dĩ nhiên tất cả không phải hoàn toàn là các phép mầu, nếu chúng ta không tuân thủ theo những nguyên tắc chính mà một người bịnh cần phải giữ gìn.
Nhìn cuộc đời quá khổ của một kiếp nhân sinh qua lời Phật dạy, căn cứ vào các Kinh Điển Nguyên Thủy và chứng thực những cuộc sống khổ đau mà con người đang gánh chịu hằng ngày, nên tôi đã viết lên bài nầy nhằm làm lợi lạc quần sanh. Nếu ai đó có nhân duyên đọc được cũng như nghe thấy những điều trên, khi đến chữa trị bệnh với Thầy Yên thì sẽ tăng thêm giá trị cũng như ý nghĩa của sự sống từ mỗi con người của chúng ta.
Mong rằng mọi người được ít khổ nhiều vui, đó chính là sự quan tâm của nhiều người đối với chúng ta khi còn phải sống trong cảnh đối đãi nhị nguyên như thế nầy.
Viên Giác Tự, Hannover, vào một chiều Thu năm 2014.
Thích Như Điển
(1) Ngôi chùa thứ nhất mà Thầy Yên đã xây dựng tên là Hưng An tự tại Bình Thuận, được khánh thành năm 2013, có hơn 10.000 người tham dự, trong đó có nhiều chư Tôn Đức Tăng, Ni đến chứng minh và đồng bào Phật Tử khắp nơi quy tụ về. Hiện nay ngôi chùa thứ hai đang bắt đầu xây cất. Những việc chữa trị bịnh nan y của Thầy Yên cho các bệnh nhân đều có tính cách từ thiện, không phải trả một lệ phí nào cả. Tuy nhiên vẫn có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ việc làm cũng như tâm nguyện của Thầy ấy.