Trong khuôn viên khu nhà tập thể của quân đội, xe Bus của từng đơn vị lần lượt chuyển bánh rời khỏi vùng Fribourg vào sáng ngày cuối khóa tu học, bỏ lại sau lưng núi đồi bao la hùng vĩ nên thơ của Thụy Sĩ. Những thảm cỏ xanh tươi có vài đàn bò đang cúi đầu gặm cỏ, có hồ nước trong xanh, thế mà lại có tên Hồ Đen (Schwarzsee), mây trắng lơ lững trên những ngọn núi cao, cây rừng lá xanh tươi tốt làm cho phong cảnh thêm hữu tình.
Trên xe mọi người đều có chung một tâm trạng nuối tiếc, sao 10 ngày của khóa tu PPÂC lần thứ 26 này qua nhanh quá! Chuyến xe của chúng tôi trên đường về trú xứ. Trên xe có 3 vị Hòa Thượng, các Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử.
Tôi miên mang nhớ lại biết bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ và rộn rã niềm vui trong từng ngày qua. Nhớ lời Phật dạy thâm thúy vi diệu: „Học rộng, hiểu nhiều, đắm say đạo lý thì đạo khó hội nhập, kiên trì tâm chí thực hành thì đạo rất lớn lao“ và Đức Lạt Lai Lạt Ma cũng thuyết giảng „Tôn giáo phải là liều thuốc làm giảm thiểu xung đột và đau khổ của con người, chứ không làm chúng thêm trầm trọng“. Chính vì vậy, Phật tử chúng tôi mới thiết tha tham dự những khóa tu học Phật pháp để mong cầu an lạc cho chính mình và gia đình.
Trong lời khai mạc của Thượng Tọa Thích Quảng Hiền đã nhắc lại 25 năm trước đây, Giáo Hội PGVNTN Thụy Sĩ đã tổ chức khóa tu học PPÂC lần đầu vào năm 1988 chỉ có 100 học viên, giờ đây nhờ bóng hình của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm vận dụng phương tiện thiện xảo từ bi gia hộ nên tới khóa này số học viên lên đến gần cả ngàn người. Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, sau lời khai thị tưởng nhớ đến công đức Sư Ông Khánh Anh, đã có lời cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam vượt qua được giai đoạn khó khăn để toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải và luôn sống trong hòa bình an lạc.
Cũng trong buổi lễ Tiểu Tường tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, ngàn người phủ phục trước di ảnh của Sư Ông, tai được nghe những câu văn phụng thỉnh trầm hùng thương nhớ vị Ân Sư 75 năm xả thân cho Đời và làm đẹp Đạo. Với lời thống thiết kể lể:
Môn đồ pháp quyến Âu Châu bơ vơ
Sư Ông vĩnh biệt
Môn đồ pháp quyến Âu Châu lòng đau tan tác
Hình bóng Sư Ông biền biệt tăm hơi
Đệ tử tứ chúng tán tụng tôn vinh
Tưởng niệm ân sư nối dòng Lâm Tế đời thứ 44
Giờ đây thuyền từ bát nhã đã đưa Ngài về chốn Cực Lạc…
Ngài cũng đã khai tâm cho nhiều người tránh được bờ mê, quay về bến giác. Trong giây phút trang nghiêm đó, ai ai cũng lắng lòng tưởng nhớ đến vị cha lành kính yêu của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại
Tôi đã nhiếp tâm trong những thời Kinh Lăng Nghiêm mỗi sáng mà không biết có con bướm trắng như Hòa Thượng Như Điển đã viết trong bài Một Năm Đã Trôi Qua:“… chắc Thầy đã vui khi thị hiện qua hình ảnh của một con bướm trắng ngày nào đã nhởn nhơ bay lượn trên chánh điện vào một sáng tụng Lăng Nghiêm… Con bướm ấy đến nghe kinh, con bướm đậu trên những hoa sen đang khoe sắc, con bướm bay dạo khắp chánh điện, rồi con bướm lại bay xa như chẳng còn luyến tiếc một điều gì nữa, khi mà mọi hoài bão đã được vẹn toàn”.
Trong khóa tu học này có 5 chị em trong Nhóm Những Cây Bút Nữ tham dự. Chị Nguyên Hạnh, Hoa Lan, Nhật Hưng và tôi gặp nhau đêm đầu tiên đã vội vàng tham khảo ý kiến để chuẩn bị cho màn ca vũ nhạc kịch „Cơn Dông Giữa Mùa Hạ“ do Nhật Hưng có năng khiếu văn nghệ biên soạn. Màn ca vũ nhạc kịch này cần đến 27 diễn viên. Điều này cũng không dễ tìm, vì mỗi người đã nhận những phần vụ trong khóa tu như ban văn nghệ, ban trai soạn, ban hành đường… Làm thế nào để có thể trình diễn thành công trong đêm văn nghệ cuối khóa vì chúng tôi cần phải có nhiều thời gian để tập luyện. Đây là vở nhạc kịch về chuyện của nhị vị Hòa Thượng Minh Tâm và Hòa Thượng Như Điển vinh dự được Hội Đồng Tăng Già Thế Giới và chính phủ Sri Lanka trao tặng Quạt Quốc Sư và giải Danh Dự cho những người có đạo hạnh và có công truyền bá đạo Phật tại hải ngoại vào tháng 7.2011 tại thủ đô Colombo. Mấy chị em bút nữ chúng tôi có nhân duyên tham dự lần đó. Chúng tôi muốn diễn lại kỷ niệm quý giá này để dâng lên giác linh Sư Ông và cũng để cho tất cả môn đồ pháp quyến và Phật tử ghi nhớ mãi mãi.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi phải tìm cho được hai Phật tử giống như Hòa Thượng Thích Minh Tâm và Hòa Thượng Thích Như Điển về hình dáng bên ngoài. Mấy ngày đầu chúng tôi thầm cầu nguyện Sư Ông giúp cho. Thế là tìm được anh Alphonse vai Hòa Thượng Thích Minh Tâm và Phật tử Chơn Thành Nguyễn Văn Yên vai Hòa Thượng Thích Như Điển. Mỗi ngày, sau giờ học chúng tôi hẹn nhau tập dượt màn ca vũ nhạc kịch này. Đầu óc chúng tôi cũng bị chi phối, nên sự tiếp thu phần giáo lý không được trọn vẹn. Thôi cũng đành, mỗi người chúng tôi âm thầm sám hối với các vị Thầy Giáo thọ lớp 3.
Màn văn nghệ chia ra 3 phần: phần 1 và 2 diễn ra ở Tích Lan khi Sư Ông còn tại thế; phần 3 là 2 năm sau Sư Ông viên tịch, làm lễ cung thỉnh tiễn đưa Ngài về cõi A Di Đà. Chúng tôi cầu nguyện và ước ao làm sao chiếc áo quan của Ngài giống như thật. Phần này chị Mừng Chi đã thực hiện bằng giấy carton từ nước Đức. Phần trang trí bên ngoài, may mắn tôi nhờ Sư Cô Giác Trí (?) ở Pháp và các chị Phật tử Ban Hương Đăng trong chánh điện đã trang hoàng áo phủ và kết hoa thật tuyệt đẹp trông trang trọng vô cùng.
Trước đêm văn nghệ, tôi quỳ trước chánh điện thành tâm cúi đầu đảnh lễ xin phép được thỉnh di ảnh Sư Ông lúc trình diễn và cầu xin giác linh Sư Ông giúp cho màn ca vũ của chúng con được hoàn hảo. Không hiểu sao miệng tôi vừa khấn vái thì nước mắt rơi đầm đìa không ngăn được. Phải chăng giác linh Sư Ông đâu đó trong chánh điện chứng giám cho tấm lòng vô vàn thiết tha tưởng nhớ của tôi.
Trong đêm văn nghệ, chị Nguyên Hạnh giới thiệu từng phần màn ca vũ nhạc kịch „Cơn Dông Giữa Mùa Hạ“.
„Trời Paris mây giăng sầu ảm đạm
Âu Châu buồn đưa tiễn bóng Thầy đi“
Đó là hai câu thơ của Hòa Thượng Thích Như Điển, với giọng ngâm trầm buồn tha thiết của Nhật Hưng; trong lúc đó tôi thỉnh di ảnh của Sư Ông đi trước quan tài và đoàn Phật tử tiễn đưa theo sau. Trên gương mặt mọi người đều hiện rõ nét tiếc thương ảm đạm đã làm cho Chư Tôn Đức và Phật tử dưới sân khấu đều ngậm ngùi rơi lệ. Nước mắt tôi cũng rơi rớt trên di ảnh Ngài mà tôi đang được diễm phúc cung thỉnh trên hai tay từng bước chân đi thật chậm trước quan tài. Trong không gian trầm lắng đó, giọng ca nghẹn ngào thương tiếc của cô Thủy Gia Đình Phật Tử Tâm Minh trong bài hát „Ơn Thầy“:
„Được Thầy dìu dắt dẫn bước con đi
Chơn như bát nhã cúu vớt sanh linh
Tích tâm rộng lớn như biển,
Dáng đi lời nói oai nghi
Giúp con thoát khỏi não nề
Chùa Phật oai nghi sớm hôm rộng mở
Hoằng dương chánh pháp phát tâm độ đời
Pháp môn huyền diệu bao la đó
Bừng tỉnh người ơi, hãy mau về
Một lòng thề xin con gắng tu thân
Tạ ơn công đức của Thầy hiến trao
Bước đi từng bước an lạc
Nhiếp tâm niệm tiếng Di Đà
Giúp con với lòng vị tha“.
Trong hội trường tất cả mọi người đều lắng lòng tưởng nhớ đến hình bóng Sư Ông đã một năm trôi qua. Thầy Thích Viên Giác, trưởng Ban Văn Nghệ với lời khen nồng nhiệt „màn văn nghệ này tuyệt vời, trên cả tuyệt vời“. Riêng Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác đã khích lệ tặng cho bốn chị em bút nữ mỗi người một hồng bao lì xì. Mấy chị em càng vui thêm vì thấy rằng Thầy mình có quan tâm chăm sóc. Nhìn chung văn nghệ năm nay không dài, nhưng tiết mục nào cũng đặc sắc cả!…
Xe vẫn bon bon qua những đồng ruộng mênh mông, mây vẫn lững lờ trôi trên bầu trời cao rộng, lòng người cũng cảm thấy an vui. Đường còn dài rồi xe cũng sẽ đến nơi đến chốn, chẳng nôn nóng mong chờ, chuyện gì đến thì sớm muộn tự nhiên đến. Tôi chiêm nghiệm được, sau những khóa tu học- với tôi, tâm thức đã có nhiều chuyển hóa, lòng an nhiên tự tại hơn nhờ những bài pháp của Chư Tôn Đức lý giải rõ nghĩa những giáo pháp của Đức Từ Phụ. Tâm hồn tôi thảnh thơi, trí tuệ minh mẫn hơn, phải chăng «Đạo Phật luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp» mà Thầy Quảng Hiền, trưởng ban tổ chức- cũng như quý Thầy khác đảm trách các khóa tu học trước đây, đã ứng dụng trí tuệ của mình để đạt được thành quả viên mãn trong khóa tu học kỳ này. Thầy Quảng Hiền thường đăm chiêu lo lắng nên suốt trong thời gian khóa tu Thầy luôn luôn thăm viếng nhà bếp, chăm sóc kỹ lưỡng đến những bữa ăn, chỗ ngủ cho học viên vì số người tham dự mỗi ngày một tăng thêm mà không có ghi danh trước. Ôi, biết bao điều không thể quên, mà làm sao quên được mấy chị em trong Ban Ẩm Thực và nhiều Ban khác đã phục vụ vui vẻ và rất tận tình- nhất là chị Diệu Khánh, dù tuổi đã cao nhưng vẫn hết lòng lo chu đáo cho gần 1.000 người ăn uống thoải mái để có đủ tinh thần tham dự khóa tu học. Cũng không thể nào quên được công sức của anh Lực và nhóm chị em Phật tử Đức Quốc và Thụy Sĩ đã xay đậu nành khoảng 100 ký mỗi ngày mới cung ứng đủ cho khóa tu.
Cũng trong phòng hành đường, hằng ngày giọng truyền cảm của Thầy Hoằng Khai vang vọng rõ ràng thông báo cho mọi người biết rõ sinh hoạt của khóa tu.
Xe tiếp tục chạy sau khi đã vượt qua biên giới Thụy Sĩ để trở về Đức, nhìn núi xanh thăm thẳm tôi chợt nhớ đến những ngọn đồi chung quanh sân trường của khóa tu học PPÂC kỳ 24 năm 2012 tại Birmingham, Anh Quốc. Như một đoạn phim ngắn với những kỷ niệm cuối cùng về Sư Ông. Bài giảng « Hành Bồ Tát Hạnh » của Hòa Thượng Nguyên Siêu và của Sư Ông tôi còn nhớ rõ:
Người thọ Bồ Tát giới phải biết: Bố Thí – Trì Giới – Nhẫn Nhục – Tinh Tấn – Thiền Định – Trí Tuệ. Theo lục độ Ba La Mật Trí Tuệ nằm ở sau cùng. Vậy muốn tu cho có Trí Tuệ là phải tu Phước tạo nhiều phước báo như làm công quả, làm việc từ thiện. Tuệ là phần chính căn bản của Bồ Tát Giới:
« Cần tảo già lam địa
Thời thời trí huệ sanh »
Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói :
« Người sống đứng không nằm
Người chết nằm không đứng »
Đi – đứng – nằm – ngồi phải Thiền, phải làm Phước trước tiên mới sinh ra Trí được.
Người thọ Bồ Tát giới phải nguyện:
- Quán chiếu tứ thân của ta ở đời này không tồn tại với chính nó. Quán thấy thân mình ô uế, nó không thường và không bền chặt.
- Nguyện làm các việc Thiện và làm những điều lành. Phát tâm độ cho mình và cũng độ cho người khác.
Người thọ Bồ Tát giới phải «thượng cầu học đạo, hạ hóa chúng sanh». Bồ Tát giới là Thông giới, là Từ Bi Độ Lượng. Người thọ Bồ Tát giới dùng «thiện xảo phương tiện», là tùy trường hợp mà làm.
Thường gần cuối mỗi khóa tu học PPÂC quý Thầy có lập đạo tràng cho những Phật tử đã thọ trì Tam Quy Ngũ Giới rồi mới được thọ Bồ Tát giới. Một số bạn đạo đã khuyên tôi nên thọ Bồ Tát giới vì có nhiều Chư Tôn Đức Tăng Ni chứng minh. Tôi ngần ngại và tìm gặp riêng Sư Ông cúi đầu đảnh lễ và hỏi thẳng Ngài: « – Bạch Sư Ông, các bạn đạo khuyên con nên thọ Bồ Tát giới kỳ này, nhưng trong lòng con chưa muốn? ». Sư Ông hỏi: « – Tại sao? ». «- Con chưa chuẩn bị tinh thần để phát nguyện, vì con biết khi đã thọ Bồ Tát giới rồi, thì phải gìn giữ giới luật nghiêm minh và hành Bồ Tát Đạo. Nếu không giữ giới được thì sẽ bị phạm tội. Điều đó con không muốn». Sư Ông mỉm cười từ tốn trả lời thật đơn giản: «- Nếu trong lòng con chưa thệ nguyện. Chưa muốn thì không nên, đừng nghe lời bạn bè sách tấn. Một hay hai, ba năm nữa con thọ cũng không muộn, quan trọng là phải biết luôn luôn ghi nhớ và gìn giữ giới luật cho mình. Còn con tuy chưa thọ Bồ Tát giới nhưng con biết rèn luyện thân tâm để hành thiện, từ bi hỷ xả tức là con đã chuẩn bị hành trang cho con đường Bồ Tát hạnh rồi đó!».
Chợt có tiếng thông báo của Thầy Phương Trượng trên xe làm cắt ngang dòng tâm tưởng của tôi đang nhớ về Sư Ông Khánh Anh. Thầy cho phép Phật tử đặt câu hỏi thắc mắc về Phật pháp. Thầy còn ví von «Đây là một chuyến du lịch tâm linh»:
«Bởi ra đi túi đầy, đầu rỗng
Khi về túi rỗng, đầu đầy !»
Thật đúng vậy ! Tất cả mọi người trên xe đều thoải mái vui vẻ nhờ Thầy Phương Trượng linh động thay đổi không khí thêm văn nghệ giúp vui. Sau đó ba vị Hòa Thượng đã vui vẻ lần lượt giải đáp những câu hỏi có ý nghĩa về những bài pháp vừa mới thọ nhận ở khóa tu. Đặc biệt Hòa Thượng Đổng Tuyên, đến từ Hoa Kỳ, đã giảng một bài pháp có nội dung thiết thực trong đời sống hằng ngày. Hạnh phúc cao cả nhất của con người là làm cho người khác hạnh phúc ngay từ bây giờ. Thông điệp vĩ đại nhất của Đức Phật chỉ có 11 chữ: «Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành». Theo pháp môn Tịnh Độ, chỉ có Đức Phật mới dạy cho con người thành Phật. Hòa Thượng còn kể vài chuyện vui với giọng nói rất dí dõm…
Ai ơi chớ nói thị phi
Nhất tâm niệm Phật chuyện gì cũng vui.
Chỉ còn hơn một tiếng rưỡi đồng hồ nữa là đến chùa Viên Giác, Hannover. Hình ảnh ngôi chùa nguy nga tráng lệ và rất thân thương của người Việt tỵ nạn đầu tiên mọc trên xứ Đức này. Cách đây đã 25 năm, khởi công từ năm 1989 sau 4 năm chùa được khánh thành.
Nhớ lại đêm 28 tháng 6 vừa qua, trong hội trường chùa Viên Giác một khung cảnh thật ấm cúng vui tươi nhưng không kém phần trang trọng với nhiều bình hoa lớn nhỏ nghệ thuật thật đẹp do những bàn tay khéo léo của Sư Cô Chơn Toàn và các Sư Cô chùa Viên Giác trang trí để chúc mừng Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác tròn 65 tuổi đời và 50 tuổi đạo. Hiện diện trong buổi lễ có nhiều Chư Tôn Đức Tăng Ni các chùa ở Đức và vài quốc gia lân cận, các Gia Đình Phật Tử và một số Phật tử các nơi đến tham dự. Chư Tôn Đức lần lượt lên đảnh lễ và chúc thọ Thầy Phương Trượng. Sau đó Đại Đức Thích Hạnh Giới, trụ trì chùa Viên Giác, cùng môn đồ pháp quyến của Hòa Thượng đã quỳ lạy và Đại Đức Hạnh Giới đã đọc bài tác bạch rất cảm động để cảm ơn công đức giáo dưỡng của Sư Phụ. Và đặc biệt đáng ghi nhớ nhất là Đại Đức Hạnh Giới đã đọc lời thệ nguyện «Con nguyện mặc chiếc áo cà sa này suốt cuộc đời con !». Nét mặt Hòa Thượng bỗng rạng rỡ niềm vui, miệng luôn nở nụ cười. «Hôm nay là ngày vui và sung sướng nhất của đời tôi», có lẽ Hòa Thượng nghĩ như vậy. Mong rằng lời thệ nguyện của Thầy Hạnh Giới sẽ giúp Thầy vượt qua những cám dỗ đời thường để tiếp nối hành trình của Sư Phụ. Kính xin Long Thần Hộ Pháp Chùa Viên Giác gia hộ cho Thầy.
Sau đó mỗi người tự mình đến chọn thức ăn, có quá nhiều món ngon do các chùa và Gia Đình Phật Tử đóng góp. Đặc biệt có món đậu hũ chén nước đường tuyệt vời của Sư Cô Hạnh Bình chùa Viên Giác hướng dẫn cho các cháu Gia Đình Phật Tử nấu. Vừa ăn vừa được thưởng thức nhiều màn văn nghệ, ca vũ do Gia Đình Phật Tử và Chư Tăng Ni đóng góp giúp vui…
Nhiều Phật tử rất vui vì có dịp được chụp hình lưu niệm với Hòa Thượng trong ngày lễ đặc biệt này. Phải chi giờ này Sư Ông Khánh Anh còn tại thế thì tôi sẽ có dịp chứng kiến lại cảnh hai Ngài cùng khoát tay nhau chụp hình chung như ngày nào đến Tích Lan lãnh giải danh dự… thì chắc hẳn đó là ngày vui trọn vẹn nhất của Thầy tôi. Sư Ông Khánh Anh, trên 40 năm ở hải ngoại, dấu chân Ngài đã trải qua khắp các châu lục. Nơi nào vui cũng như nơi nào buồn và nơi nào cần cũng đều có sự hiện diện của Ngài chứng minh độ trì. Ngài như cánh chim di, với cách sống dung dị, nói năng hiền hòa, chân tình luôn trang trải tấm lòng cho đàn con cháu hậu học.
Giờ này các môn đồ pháp quyến của Sư Ông đang sống trong tinh thần lục hòa. Ở đâu đó Ngài sẽ rất vui và mãn nguyện. Còn các con cháu của Ngài đang trên đường nối tiếp ý nguyện và luôn nhắc nhở đến tình thương vô biên của vị cha lành. Xót xa nhất là hai người con kế cận bên Ngài đó là Thượng Tọa Quảng Đạo và Ni Sư Diệu Trạm vì đã có quá nhiều kỷ niệm trên bước đường hành đạo của Sư Ông.
Kính bạch Giác linh Sư Ông,
Những hình ảnh và những lời giảng dạy, dặn dò riêng con của Sư Ông ở hành lang trường Birmingham Anh Quốc vẫn còn hiện rõ trong tâm trí làm cho lòng con càng thêm bồi hồi tiếc thương, « nước mắt mặn môi, thấm niềm hoài tưởng » nhắc nhở con luôn tinh tấn tu học, giữ giới hành trì mãi mãi trên con đường Bồ Tát hạnh.
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật.
Phương Quỳnh – Diệu Thiện
Hamburg, mùa Vu Lan, tháng 8.2914