Kinh Phật Thuyết Phật Danh: thuộc tập T14, kinh số 440, tổng cộng 12 quyển (Bộ Kinh Tập), – Nguyên Ngụy Bồ Đề Lưu Chi dịch, bản Việt dịch của Thích Nhất Chân
Lời Tựa
Danh là để nói cho Sự. Mà Sự đây là kết quả của nhiều nhân duyên kết hợp lại. Như người thầu khoán và các người thợ hợp cùng với các vật liệu gạch ngói gỗ đá, rồi các người thợ ra sức làm và trải qua một thời gian, tất cả các nhân duyên ấy kết hợp lại thành một Sự, và Sự này được gọi là, tức có “Danh” là Nhà. Danh như thế có nghĩa là “tổng trì” tất cả mọi năng lực của tất cả các nhân duyên.
Cũng vậy, mỗi vị Phật là do nhân duyên vô lượng công đức thực hành thanh tịnh về trí huệ lẫn từ bi, và trải qua vô số thời gian huân tập tăng trưởng, mới đúc kết thành quả được. Quả này là một Sự, và Sự này có Danh là Phật. Danh hiệu của Phật do đó là tổng trì tất cả vô lượng vô biên năng lực công đức của Phật.
Mà Danh lại chính là sở duyên chính yếu cho tâm thức loài người nương vào mà khơi giậy mọi hoạt động.
Chính thế mà Danh hiệu của chư Phật không những có tác dụng gieo nhân thành Phật trong tâm người tu trì, mà bất cứ ai với tâm chân thành tin tưởng duyên theo Phật Danh mà thực hành các nghiệp quán tưởng lễ bái, thời Danh Phật còn có tác dụng tiêu trừ tất cả mọi tội lỗi bất kể nặng nhẹ.
Về mặt thực hành, phần nghi thức ở quyển đầu có tính cách áp dụng cho đại chúng. Vị Phật tử nào thực hành riêng tư nên đọc kỹ, rồi tùy nghi mà áp dụng theo hoàn cảnh mỗi người. Căn bản là chuyển hướng ba nghiệp thân khẩu ý thú hướng về Bồ đề Ðạo qua các pháp môn sám hối, cúng dường, quy y, phát nguyện và quán sát. Ngày đầu tiên theo đó thực hành để khai Kinh lễ bái, các ngày sau chỉ cần theo nghi thức vào Kinh thông thường mà lễ lậy tiếp. Nếu muốn, thì trước mỗi ngàn vị Phật hay trước khi bắt đầu một quyển có thể trở lại nghi thức mở đầu ấy.
Nội dung của Kinh gồm xướng danh, lễ bái và phát nguyện, là phần gia hành chính. Vì lực ác nghiệp của chúng sinh không ngớt thấu thoát ra qua ba cửa thân khẩu ý. Chư Phật tu hành bao kiếp mới thành tựu được Danh hiệu và Tướng hảo, nhằm dùng đó làm phương tiện cho chúng sinh nương theo mà xưng Danh, lễ bái và phát nguyện. Nhờ đó mà chúng sinh nhiếp phục được ác nghiệp tội lỗi, mở ra được tịnh nghiệp trong sạch hướng về quả vị vô thượng Bồ đề của chư Phật. Nghiệp và thân khẩu ý đều trở thành những phương tiện và công cụ để thực hành Ðạo là vậy.
Chư Phật trong mười phương là bất khả cùng tận, thế nên Danh Phật trong Kinh này chỉ là một phần “quá” nhỏ. Song một Danh hiệu Phật cũng đủ để cứu độ chúng sinh, thì huống gì là phần quá nhỏ này. Do đó, bộ Kinh này không phải là bảo vật vô giá nhất, là phương thuốc trường sinh tối thượng nhất, của tất cả chúng sinh chúng ta đó hay sao ?
Nam Mô Thập Phương Vô Lượng Vô Biên
Chư Phật Thế Tôn
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân
Kinh Phật Danh: (Nghi Thức Lễ Sự) (Q1) (Q2) (Q3) (Q4) (Q5) (Q6) (Q7) (Q8) (Q9) (Q10) (Q11) (Q12)