Cố thượng tọa thế danh Đỗ Văn Nghiệp, sinh ngày 06 tháng 02 năm 1943 (năm Quý Mùi) tại làng Giang Hải, xã Phan Rí Cửa, quận Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận. Nay thuộc thị xã Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận. Thân phụ và thân mẫu của Thượng Tọa có tất cả 9 người con, Thượng Tọa là con thứ 2 trong gia đình nhưng là Trưởng nam. Thân phụ là cụ ông Đỗ Nghệ pháp danh Nguyên Tài, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Giàu.
Thuở thiếu thời, thầy chưa học hết Trung học Đệ Nhất cấp là lớp Đệ ngũ (tương đương với lớp 8 ngày nay). Vì gia cảnh khó khăn, Thầy phải nghỉ học để làm việc phụ giúp gia đình. Năm 1966, lúc đó Thượng Tọa mới 23 tuổi, thân mẫu chẳng bệnh mà mất. Cảm nhận nỗi thống khổ về sự vô thường sinh tử sau khi mãn phần tang chế của mẹ (năm 1968), thầy rời bỏ gia đình ra đi để lại bức tâm thư tha thiết tạ lỗi với người cha và nhờ người chị cả gánh vác việc nuôi dưỡng các em. Bởi suy nghĩ của thầy lúc bấy giờ, nếu đối diện với cha, chị và các em thầy sợ sẽ chùn bước và gia đình cũng không đồng ý.
Mang theo một vài cuốn sách Phật giáo và 1 bộ quần áo củ, đó là hành trang thầy đến chùa Minh Quang ở ngã 5 Bình Hòa thuộc tỉnh Gia Định, thủ đô Sài Gòn (nay là chùa Viên Quang, đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây thầy xin thọ tam quy ngũ giới và chính thức thế phát xuất gia với Thượng tọa trụ trì Thính Minh Hiệp, được Bổn sư cho pháp danh là Tâm Giải. Nhưng chỉ được 2 năm, Bổn sư viên tịch bỏ lại mình thầy bơ vơ vì là đệ tử xuất gia duy nhất của Bổn sư.
Năm 1970, bấy giờ nghe danh tiếng của Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thầy khăn gói ra Vũng Tàu, xin vào thiền viện Chơn Không tu tập, được Hòa thượng thương yêu và tận tình dạy bảo đặt cho pháp hiệu là Viên Trung. Nhưng đường tu vốn đầy thử thách, với thân thể ốm yếu hàng ngày phải xuống núi vác gạo và thực phẩm, chẳng bao lâu thầy lâm bệnh phổi rất nặng. Hòa thượng cho thầy đi chữa bệnh, thầy ra Nha Trang đến bệnh viện của Mỹ ở Hòn Chồng điều trị trong 3 tháng. Thời gian này, nhân duyên với pháp môn Tịnh độ mau chóng đến với thầy như đã có tự thuở nào. Lúc đọc được quyển Mấy Điệu Sen Thanh của Hòa thượng Thích Thiền Tâm, thầy bừng tỏ ngộ, ánh sáng của Đức từ phụ A Di Đà dường như chiếu rọi vào tâm. Mặc dù bệnh tình chưa dứt, thầy vẫn cương quyết trở về Sài Gòn đến thẳng tổ đình Quán Thế Âm quận Phú Nhuận (nơi di tích thứ 31 của Bồ tát Thích Quảng Đức) vào đầu mùa hạ năm 1972, xin nhập chúng an cư và ở lại chùa tu học.
Năm 1974, hội đủ duyên lành thầy đến tổ đình Quảng Hương Già Lam quận Gò Vấp, đảnh lễ Hòa thượng Thích Trí Thủ xin thọ đại giới tại đây và ở lại tu học qua hai mùa an cư.
Năm 1976, kinh tế trong nước lúc này rất khó khăn một số vị buộc phải về quê. Thầy phải rời Già Lam trở lại quê nhà thăm gia đình sau 8 năm xa cách. Vào dịp này, thầy đi viếng và đảnh lễ chư vị tôn túc trụ trì chùa Long Quang, chùa Bửu Tích, chùa Liên Hoa, chùa Giác Trí, chùa Bát Nhã … và được Hòa Thượng Thích Minh Đạo trụ trì chùa Long Quang có nhã ý mời Thầy về làm giám tự chùa Tòng Lâm Vạn Đức thuộc địa phương. Thầy y giáo phụng hành. Chùa Tòng Lâm Vạn Đức lúc này mới có nhà tổ nhỏ khoảng 45 m2 là có mái che, phía trước là chân kiềng chánh điện được làm từ trước năm 1975, hầu như không có Phật tử lui tới. Thầy tự mình trồng rau rồi nhờ người chị cả bán giúp để mua hương đăng cúng Phật và đổi gạo sống qua ngày.
Năm 1979, Tòng Lâm Vạn Đức bị Pháp nạn. Thầy lại ra đi đến 1 ngôi chùa nhỏ ở xã Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai tạm trú, sau đó ý định nhập thất khởi lên trong tâm trí, thầy được hai ông bà cư sĩ già cư ngụ ở xã Phước Thái, Đồng Nai cất một cái thất sau vườn để Thầy có nơi chuyên tu. Thất cũng chỉ là căn chòi nhỏ khoảng 12m2 mái lợp lá dừa nước, vách làm bằng bùn trộn rơm rồi trát lên khung phên tre. Suốt thời gian nhập thất là 3 năm, tuy ăn uống đạm bạc nhưng nhờ sức chuyên tu bệnh tật của thầy cũng được tiêu trừ và trí tuệ khai minh, nguồn tâm sáng tỏ. Khoảng thời gian này, nhiều tác phẩm KINH – LUẬT – LUẬN được thầy dịch thuật và chú giải từ bản Hán văn sang Việt văn như: kinh Phổ Môn, kinh Di Đà, kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa, kinh Hồng Danh, kinh Thập Ác Báo – Thập Thiện Nghiệp, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Địa Tạng Chiêm Sát, kinh Trường Thọ Diệt Tội, kinh Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng Phật, kinh Khiệp Bảo Ấn Đà La Ni, kinh Bồ Tát Thiện Giới, kinh Văn Thù Vấn Phật, Phật Học Giáo Khoa Thư, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Hạnh Nghi Người Tu Học Phật …
Năm 1983, sau khi ra thất, thầy được vị trù trì chùa Pháp Hưng ở xã Tân Phước, tỉnh Đồng Nai mời về ở tại chùa dạy cho đồ chúng. Nơi đây thầy được 2 vị tôn túc là Thượng tọa Thích Thiện Thắng trụ trì chùa Pháp Hoa ở Long Thành và thượng tọa Thích Quang Đạo trụ trì chùa Phước Viên ở Biên Hòa – Đồng Nai mời về làm giáo thọ của trường Trung Cấp Phật Học Đồng Nai. Mỗi mùa an cư, Thượng tọa Quang Đạo mời thầy về an cư ở chùa Phước Viên và dạy cho tăng chúng tu học. Với chí nguyện thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, hoằng truyền chánh pháp của Như Lai, ba vị tâm đầu ý hợp kết tình huynh đệ như anh em ruột thịt. (Thích Thiện Thắng – Thích Quang Đạo – Thích Thiện Thông- Đó là lời phát biểu của Thượng Tọa Thích Quang Đạo trong ngày lễ chung thất của Thầy)
Năm 1986, Thầy được Ban Giám hiệu trường Trung cấp Phật học tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Thượng tọa Thích Quảng Hiển) mời làm giáo thọ.
Năm 1987, Thầy được một vài Phật tử xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức mời về làm trụ trì chùa Phước Quang. Chùa Phước Quang bấy giờ là một ngôi chùa nhỏ, xuống cấp trầm trọng, mái tole đã dột, tường vách nứt rạn, thềm xi-măng loang lỗ, chánh điện cộng hậu tổ khoảng 60m2, không có nhà bếp, thầy dùng lá che sát hậu tổ để nấu cơm, chùa hiu quạnh thỉnh thoảng có một, hai phật tử về thăm viếng. Nhưng không ngại gian khổ, một mình vẫn giữ trú dạ lục thời, và Thầy bắt đầu đánh máy, tự in ấn bằng tay những quyển kinh sách đã dịch. Có đêm Thầy làm việc rất khuya, chỉ ngủ một, hai gờ đồng hồ lại dậy công phu bái sám. Mỗi tuần hai ngày, khoảng 3 giờ 30 sáng, Thầy lại phải đón xe đến Đại Tòng Lâm để giảng dạy cho Tăng chúng.
Tiếng lành đồn xa, pháp âm vang dội. Phật tử xã Suối Nghệ về chùa ngày càng đông. Hằng đêm, có khoảng bốn mươi, năm mươi vị về tụng kinh, có những Phật tử ở trong rẫy xa khoảng năm, sáu km mà ban đêm vẫn cầm đèn pin đến chùa tụng, rất là cảm động và không những chỉ có Phật tử ở xã Suối Nghệ mà còn có một số xã khác về xin quy y và hỏi Pháp.
Năm 1989, có ba gia đình Phật tử xin Thầy cho con họ xuất gia làm đệ tử. Ba chú này cùng học lớp ba trường làng, đồng chín tuổi được Thầy thế phát cho pháp danh Nguyên Tuấn- Nguyên Bình- Nguyên Kính. Từ đây thêm việc vất vả, hằng ngày phải lo cơm nước cho các chú (vì quá nhỏ và bận đi học), tối đến lại dạy chữ Hán và kinh. Sau đó Thầy còn thế phát cho các vị thanh niên, trung niên, bán thế xuất gia khoảng hơn mười vị nhưng gửi đi các nơi tu học vì sợ ở gần gia đình khó lòng tu tập.
Từ năm 1989 đến năm 1995, những bản kinh của Thầy dịch được nhiều người biết đến và có một số được in ấn phát hành. Quyển Phật học giáo khoa thư được đưa vào các trường Sơ, Trung cấp để dạy và các giới đàn ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu đều cung thỉnh Thầy nằm trong Ban Tổ chức và giữ chức Giám Luật.
Rồi tâm nguyện Bồ tát chẳng từ mệt nhọc, nghĩ đến Phật tử về chùa chật hẹp, ngồi tụng kinh mưa nắng ngại ngùng, Thầy phát nguyện trùng tu ngôi chùa Phước Quang Tự. Duyên lành đầy đủ, một Phật tử ở Mỹ về thỉnh Thầy làm lễ tang cho Thân mẫu của cô. Cảm phục đức độ tu hành của Thầy. Trở về nước, Cô vận động người bạn tên Hồng Ngọc gởi tịnh tài, tịnh vật về xây dựng chùa Phước Quang.
Năm 1999, Chánh điện nối dài hậu tổ với diện tích 14m x 28m tạm thời hoàn thành, nhưng hai dãy nhà Đông, Tây diện tích dài bằng chánh điện chưa xây dựng. Với hoài bảo xây dựng nơi đây thành trường sơ cấp cho Tăng, Ni sinh Huyện Châu Đức và lập đạo tràng cho đệ tử chuyên tu tịnh độ nên công trình còn rất nhiều dang dở. Mặt dù vậy, Thầy vẫn tổ chức một tháng hai kỳ tu bát quan trai cho Phật tử.
Mùa hạ năm 1999, nhận lời mời của người em trai qua viếng nước Đức, Thầy cũng muốn nhân dịp này đến đảnh lễ chư vị tôn túc và an cư, nên chỉ ở nhà người em hai ngày, Thầy lại đến chùa Viên Giác gặp thượng tọa Viện chủ và xin lưu lại nơi đây ba tháng. Thầy được Thượng tọa hoan hỉ mời dạy Tăng, Ni cùng Phật tử về tụ khóa gieo duyên. Sau ba tháng an cư, Thầy trở về Việt Nam với một số tịnh tài xây dựng tiếp Đông đường và Tây đường.
Mùa an cư năm 2000, Thầy Viên Giác có nhã ý mời Thầy đến Đức lần nữa, Thầy nhận lời và ra đi, lần này như có điềm báo trước. Thầy đứng trong lớp nói với các Tăng, Ni học trò: “Thầy chỉ dạy năm nay, sang năm Thầy không dạy nữa”. Với Phật tử chùa Phước Quang, Thầy nói đi không về, sẽ ở lại Đức. Với người thân Thầy nói “Chuyến này đi, về lại Thầy sẽ xây Tháp”. Đó là những lời ứng khẩu của Thầy.
Quả thật, ngày mồng 5.5.2000, lặng lẽ ra đi không cho một ai đưa tiễn, Thầy một mình đến Phi trường Tân Sơn Nhất và rồi ngày mồng 1.7.2000, một tin sét đánh ngang tai, thời gian chưa tròn hai tháng, Tăng Ni sinh và Phật tử chùa Phước Quang bàng hoàng, sửng sốt khi nghe thầy đột quỵ, rời Ta Bà uế trược, bỏ lại đàn con dại bơ vơ, theo từ phụ A Di Đà về miền An Dưỡng. Thầy đã viên tịch lúc 11 giờ 40 phút ngày 1.7.2000, hưởng dương 58 tuổi, hạ lạp 25 năm. Thượng tọa vĩnh viễn ra đi để lại biết bao vô vàn kính tiếc cho hàng hậu học. Lễ tang của Thầy được Thượng tọa Viên Giác lo chu đáo, Tăng Ni, Phật tử khoảng một trăm bảy mươi người luân phiên tụng kinh niệm phật suốt hai tuần, đó cũng là phước báo bất khả tư nghì, người em trai của Thầy cảm nhận được điều này đã thốt lên “Nhân nơi đất Á, quả khắp trời Âu”.
Và ở tại Việt Nam, đệ tử của Thầy, ba vị điệu nhỏ ngày nào, giờ đây đã là ba vị Tỳ kheo chững chạc, huynh đệ và chư vị Tôn túc phát tang cầu nguyện Giác linh Thầy và chuẩn bị ngày chung thất đưa tro về nhập Tháp.
Cuộc đời hoằng pháp độ sanh không ngừng mỏi mệt của Thầy là một tấm gương sáng để hàng hậu học noi theo. Hình ảnh Thầy sống mãi trong lòng Phật tử chùa Phước Quang nói riêng và tất cả Phật tử trong nước cũng như châu Âu nói chung.
Với hạnh nguyện vì pháp quên mình, Thầy đã nỗ lực trên con đường giải thoát. Không chùn bước trước những khó khăn, chông gai hiểm trở, Thầy tự mình học tập và hành trì theo Pháp Phật. Đôi dép mòn và chiếc áo nâu bạc màu cũ kỹ là hình ảnh vị Thầy khả kính, thân thương. Ngôi chùa Phước Quang bây giờ và mãi mãi về sau vang lên tiếng đại hồng chung và lời kinh trầm bỗng, lồng quyện giữa hư không bao la vô tận là dâng lên cúng dường mười phương Chư Phật, Chư Bồ tát, Chư hiền Thánh Tăng cũng là nén hương lòng gởi dâng lên giác linh vị Thầy kính yêu cùng chúng sanh trong pháp giới đều trọn thành quả Phật.
Nguyện cầu cho Thế giới hòa bình, chúng sanh thấm nhuần mưa pháp, mọi người liễu ngộ Phật thừa.
Nam mô Phụng vì trùng kiến Phước Quang Đường thượng Từ Lâm Tuế Chánh Tôn Tứ Thập Tam Thế- Húy Tâm Giải – Tự Viên Trung- Hiệu Thượng Thiện Hạ Thông Đỗ Công Giác linh Thượng Tọa Tác Đại chứng minh.