Lời dẫn
Những người sinh vào nơi này, đời trước phần nhiều có tâm địa siểm khúc, hoặc cử binh tranh đoạt, hoặc dàn trận đánh nhau. Chúng sinh cõi này thân hình vĩ đại, luôn có nỗi khốn khổ đói khát, dáng mạo thô xấu, lòng đầy sân hận, cao thật đáng sợ, lớn quá kinh người, thường hiện ba đầu, thêm tám cánh tay, bước qua non, đạp biển lớn, bắt mặt trời, xua tan mây, lên trời tìm thức ăn, xuống biển khuấy thành rượu. Những a-tu-la như thế nay đều đã quy y Phật. Đó là các a-tu-la vương Thiểm-bà-lợi, quyến thuộc của Tì-ma-chất-đa, đồng bọn của Khư-la-tái-đà, cho đến bằng hữu của Bà-tri, La-hầu, Xá-chi, Bạt-đà đều nguyện dứt trừ tập khí kiêu mạn, lìa bỏ tâm siểm khúc, khiến cho cung điện rực sáng, hoa cỏ khắp nơi, chiến tranh chấm dứt, ngăn sân hận phòng tâm tham. Từ đó vĩnh viễn dứt nỗi khổ trốn vào cọng sen, không còn nỗi lo sợ binh đao, chinh chiến, thích nghe chánh pháp, khát ngưỡng Đại thừa, bỏ thân xấu ác, được tướng đoan nghiêm, giữ gìn cõi nước, bảo vệ nhân dân, dựng lập pháp thành, tăng trưởng tuệ nhật.
Giải thích từ A-tu-la
Hỏi: A-tu-la-đạo là gì?
Lập thế A-tì-đàm luận thích ghi: “A-tu-la, tức không thể nhẫn chịu làm điều thiện, cũng không thể nhất tâm hòa ý, khi nghe giáo hóa, tâm không chút lay động; lại vì kiêu mạn, cho nên chẳng phải là Thiện kiện nhi, vì chẳng phải trời, nên gọi là a-tu-la”. Các kinh khác gọi là a-tu-luân, nay căn cứ theo luận Bà-sa để giải thích. Theo chính âm tiếng Phạn, tố-lạc, Trung Hoa dịch là thiên, vì loài này chẳng phải thiên, nên gọi là a-tố-lạc (chữ a, Trung Quốc dịch là vô, phi); tố-lạc nghĩa là đoan chính, loài này không đoan chính nên gọi là a-tố-lạc.
Kinh Trường A-hàm ghi: “A-tu-la nữ thì xinh đẹp, nam thì thô xấu, cho nên gọi là Bất đoan chính. Gọi là Bất ẩm tửu, có hai cách giải thích: Một, do quá khứ giữ giới không uống rượu, đến nay sức của tập tính còn sót lại, nên không uống rượu. Hai, do quá khứ thích uống rượu, nên đi khắp bốn thiên hạ hái các loại hoa bỏ vào biển, mong tạo thành rượu, nhưng đã không được rượu mà nước biển trở thành mặn, nhân dịp này liền bỏ rượu, nên gọi là Bất ẩm tửu”.
Luận Bà-sa ghi: “Có thuyết cho rằng a-tu-la thuộc cõi trời, nhưng tâm siểm khúc, không có tính quyết định; có thuyết cho rằng a-tu-la thuộc quỷ, nhưng vì có Xá-chi*, nên được giao du với cõi trời”. Cho nên Gia-đà kinh ghi: “Vừa là quỷ, vừa là súc sinh, vừa là trời”.
Kinh Chính pháp niệm ghi: “Vừa là quỷ, vừa là súc sinh; hoặc cho là vị trời kém phúc, như trời Tì-ma-chất-đa. Tì-ma-chất-đa, Trung Quốc dịch là Hưởng Cao, Huyệt Cư. Vì tận dưới đáy biển lớn phát tiếng kêu lớn: ‘Ta là Tì-ma-chất-đa’, nên gọi là Cao Hưởng; lại vì sống trong hang dưới đáy biển, nên gọi là Huyệt Cư”.
Trụ xứ
Kinh Chính pháp niệm ghi: “A-tu-la trú tại năm nơi: một, trong núi Chúng Tướng trên mặt đất, loài này sức lực kém nhất; hai, La-hầu a-tu-la vương thống lãnh vô lượng a-tu-la trú dưới biển sâu hai vạn một nghìn do tuần, phía bắc núi Tu-di; ba, Dũng Kiện a-tu-la trú dưới biển sâu bốn vạn hai nghìn do tuần, bắc núi Tu-di; bốn, Hoa Man a-tu-la trú dưới biển sâu sáu vạn ba nghìn do tuần, phía bắc núi Tu-di; năm, Tì-ma-chất-đa a-tu-la trú dưới đáy biển sâu tám vạn bốn nghìn do-tuần, phía bắc núi Tu-di”.
Về mẹ của Tì-ma-chất-đa, theo kinh Trường A-hàm, lúc kiếp mới thành, trời Quang Âm vào biển tắm gội, tinh chất của nước nhập thân, sau đó sinh ra một quả trứng. Trải qua tám nghìn năm, trứng nở ra một cô gái, thân như núi Tu-di, có chín trăm chín mươi chín đầu, một nghìn con mắt, chín trăm chín mươi chín miệng, mỗi miệng có bốn răng nanh phóng ra lửa, tuôn sấm sét, lại có hai mươi bốn chân, chín trăm chín mươi chín tay. Khi thần nữ này vui chơi trên mặt biển lại bị tinh chất của nước nhập thân, về sau sinh ra một quả trứng thịt. Trải qua tám nghìn năm trứng thịt này sinh ra Tì-ma-chất-đa chín đầu, nghìn mắt, chín trăm chín mươi chín tay, tám chân, miệng thường phun nước. Tì-ma-chất-đa cưới càn-thát-bà nữ ở Hương sơn sinh ra Xá-chi La-hầu. Xá-chi về sau là thiên hậu của Đế Thích. La-hầu a-tu-la cũng gọi là Chướng Nhật. Bởi do ngày xưa, khi tiền quân của Đế Thích bắn ánh sáng mặt trời vào mắt các a-tu-la, khiến họ không thấy thiên chúng, vị a-tu-la này liền dùng bàn tay che chắn, nên gọi là Chướng Nhật. Lại nữa, Chướng Nhật có uy lực lớn, nên hay đánh nhau với thiên chúng.
Luận Tân Bà-sa ghi:
Hỏi: Các a-tố-lạc khi lui quân, đã trụ tại nơi nào?
Đáp: Có thuyết cho rằng trong lòng núi Diệu Cao có một nơi rỗng, hình dáng như cái bát úp, trong đó có một tòa thành, đây chính là nơi các a-tu-la trú ngụ.
Hỏi: Như vậy, vì sao kinh nói vùng biển mà a-tu-la cư trú đồng một vị mặn?
Đáp: Đó là nơi của các chúng a-tu-la thuộc hạ, còn a-tu-la vương thì trụ trong núi kia. Có thuyết cho rằng, trên Kim luân trong biển nước mặn có một đài bằng vàng, cao rộng mỗi chiều đều năm trăm du-thiện-na, trên đài có một tòa thành là nơi a-tu-la cư trú. A-tu-la vương có bốn khu vườn: Khánh Duyệt, Hoan Hỷ, Cực Hỷ, Khả Ái; như Đế Thích có cây Ba-lợi-da-đát-la, a-tu-la vương cũng có cây để an trú như thế.
Hỏi: Thân hình a-tu-la như thế nào? Dùng ngôn ngữ gì? Thuộc cõi nào?
Đáp: Thân a-tu-la thẳng đứng, dùng ngôn ngữ Trung Thiên trúc; có thuyết cho a-tu-la thuộc cõi trời, cũng có thuyết cho là thuộc cõi quỷ.
Kinh Khởi thế ghi: “Cách mặt đông núi Tu-di hơn một nghìn do-tuần, dưới đáy biển lớn có cung điện của a-tu-la Tì-ma-chất-đa. Nơi đây ngang dọc đều tám vạn do-tuần, có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng có kết linh vàng bạc. Bên ngoài có bảy lớp cây đa-la, tất cả đều bằng bảy báu, trang nghiêm rực rỡ, không thể diễn tả. Trong thành có một tòa cung điện riêng tên là Thiết-ma-bà-thí, thành quách vây quanh, ngang dọc đều một vạn do-tuần, với bảy lớp tường vách bảy báu, dầy năm mươi do-tuần. Vườn rừng hoa quả tốt tươi, ao nước trong mát, chim chóc hòa vang… Cách mặt nam của Tu-di sơn vương hơn một nghìn do-tuần , dưới đáy biển lớn có cung điện của a-tu-la Dũng Dược, ngang dọc đều tám vạn do-tuần. Cách mặt tây của Tu-di sơn vương hơn một nghìn do-tuần, dưới đáy biển lớn có cung điện của a-tu-la Xa-bà, ngang dọc đều tám vạn do-tuần. Cách mặt bắc của Tu-di sơn vương hơn một nghìn do-tuần, dưới đáy biển lớn có cung điện của a-tu-la La-hầu-la, ngang dọc đều tám vạn do-tuần. Tại thành Ma-bà-đề, nơi vị a-tu-la vương này trụ có một nơi dùng để hội họp gọi là Thất Đầu. Nơi đây ngang dọc đều tám vạn do-tuần, có bảy lớp tường vách, lan can bằng bảy báu; chung quanh gần tòa thành đều có các chúng tiểu a-tu-la cư trú”.
Nghiệp nhân
Kinh Nghiệp báo sai biệt có thuật đầy đủ mười nghiệp nhân cảm quả báo làm a-tu-la:
– Thân nghiệp tạo ác nhẹ
– Khẩu nghiệp tạo ác nhẹ
– Ý nghiệp tạo ác nhẹ
– Khởi tâm kiêu mạn1
– Khởi tâm ngã mạn2
– Khởi tâm tăng thượng mạn3
– Khởi tâm đại mạn4
– Khởi tà mạn5
– Khởi mạn mạn6
Hồi hướng các căn lành đã tạo về đường a-tu-la”.
Kinh Chính pháp niệm có nói rộng về nghiệp nhân sai biệt của bốn loại a-tu-la; còn các kinh khác thì cho rằng do ba nghiệp nhân: Sân, mạn và nghi mà chịu quả báo sinh vào loài a-tu-la.
Kinh Tạp A-hàm ghi: “Sở dĩ sinh vào loài a-tu-la là do đời trước làm người tham lam. Người này sống gần bên sông, hằng ngày vượt sông lấy củi. Một hôm nước sông dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết, người này nhiều lần bị nước cuốn trôi gần chết mới thoát được. Bấy giờ có một vị Bích-chi-phật đến nhà khất thực, người này vui vẻ cúng dường. Vị Bích-chi-phật thụ thực xong, bay lên hư không đi mất. Người này thấy vậy liền phát nguyện: “Cầu cho đời sau, thân tôi cao lớn hơn tất cả, nước biển lớn không quá đầu gối”. Do nhân duyên này, đời sau người ấy được thân cao lớn, nước bốn biển không vượt quá đầu gối, đứng trong biển mà thân vút cao hơn núi Tu-di, tay vịn đỉnh núi nhìn xuống cõi trời Đao-lợi”.
Quyến thuộc
Kinh Chính pháp niệm ghi: “Thứ nhất là a-tu-la La-hầu, vị này có bốn ngọc nữ được sinh ra từ ý niệm: Như Ảnh, Chư Hương, Diệu Lâm, Thắng Đức. Mỗi ngọc nữ có mười hai na-do-tha thị nữ làm quyến thuộc, tất cả đều vây quanh a-tu-la vương cùng nhau vui thú, mặc tình hưởng thụ niềm vui. Thứ hai là a-tu-la Dũng Kiện, uy thế hơn La-hầu. Thứ ba là Hoa Man, uy thế càng hơn Dũng Kiện. Thứ tư là Tì-ma-chất-đa, uy thế và quyến thuộc hơn gấp nhiều lần, không thể tính kể, các thần thuộc, thê thiếp, nô tì, bộc sử cũng nhiều vô lượng. Như vậy bốn loại a-tu-la sang hèn khác nhau, không thể tính đồng.
Y phục và thức ăn
Kinh Chính pháp niệm xứ ghi: “Áo mão, cân đai của a-tu-la đều tự nhiên mà có, tất cả đều bằng bảy báu, sáng sạch như chư thiên. Thức ăn thức uống theo ý niệm mà sinh, thơm ngon đủ vị như cõi trời”. Đại luận ghi: ” Y phục của a-tu-la tuy tốt đẹp hơn loài người, nhưng khi ăn thì không bằng loài người; nghĩa là miếng sau cùng sẽ biến thành bùn đen. Cũng như long vương tuy ăn món ngon đủ vị, nhưng miếng cuối cùng, thức ăn tự nhiên biến thành cóc nhái”.
*Xá-chi: Một nữ a-tu-la, đệ nhất thiên hậu của trời Đế Thích
1. Kiêu mạn: Tự cho mình hơn mà lăng nhục người khác.
2. Ngã mạn: Chấp có ngã và ngã sở mà khởi tâm cống cao.
3. Tăng thượng mạn: Tự thân chưa chứng thánh vị mà cho là đã chứng.
4. Đại mạn: Tức đại ngã mạn.
5. Tà mạn: Vốn không có thật đức, chỉ thành tựu các hạnh xấu ác, tà vạy rồi cậy vào đó mà khởi tâm cống cao.
6. Mạn mạn: Người hơn mình mà cho là mình hơn người.
Trích: Hương Hoa Vườn Giáo Pháp
Pháp Uyển Châu Lâm: thuộc tập T53, kinh số 2122, Bộ Sự Vị, tổng cộng 100 quyển, – Đường Đạo Thế soạn.
Việt dịch: Thích Nguyên Chơn