Home » Tưởng Niệm » Còn nghe văng vẳng tiếng người

Còn nghe văng vẳng tiếng người

Mục Tưởng Niệm

Thành kính Tưởng niệm Sư huynh Thích Hạnh Tuấn:

TỪ THỊ TRẠM – THỊ ĐÀO Ở PHƯỚC LÂM
ĐẾN HẢI NHƯ – HẢI TẠNG TẠI LINH MỤ

“Chưa bao giờ hình ảnh những người Tu sĩ trẻ lại cảm thấy chơi vơi và cô đơn như hồi cuối năm 1975 – 1976. Biết bao kẻ đã phải chấp nhận từ bỏ con đường mình đã chọn để quay về với đời sống thế tục, trừ những người có lý tưởng. Và, lý tưởng của tuổi trẻ thì bao giờ cũng có hơi hưởng một chút lãng mạn. “Thà đi về hướng Tây mà chết, chứ không quay trở lại hướng Đông để sống !” Câu nói ấy của vị Tu sĩ trẻ Huyền Trang ngày xưa bỗng nhiên lại vang vọng trong tâm thức của chúng tôi. Tôi không bao giờ quên được ngày ấy, khi hai anh em ngồi tâm sự với nhau, Thầy Hạnh Tuấn đã cao hứng xác định:

Mai sau chết giữa cây rừng,
Bao nhiêu lá rụng liệm thân xác nầy !

Chao ôi, hình ảnh ấy, tâm nguyện ấy sao mà thơ mộng quá, cao đẹp quá ! Thế mà, ngày 19 tháng 9 âm lịch vừa qua, vào lúc 7g30 sáng, khi nhận được tin từ Thầy Nguyên Lạc gọi về báo cho biết Thầy Hạnh Tuấn viên tịch, tôi cảm thấy bất ngờ và khủng khiếp quá. Tôi không khóc mà nước mắt cứ tuôn trào và ruột gan mình thấy xót xa, cồn cào khó chịu. Nỗi khổ nầy mỗi lúc một lớn hơn khi cứ liên tục nhận được điện thoại báo tin từ các nơi gọi về. Rồi tôi như người mất hồn, thẫn thờ suy nghĩ, cứ đi lui đi tới một mình và tự hỏi : Cái chi lạ vậy ? Sao mà vô lý thế !” … Sau đó Thầy Hải Chánh gọi về khuyên tôi nên qua dự tang lễ. Tôi cũng ừ, muốn đi lắm, nhưng nghĩ lại cứ sợ làm thủ tục phức tạp, lâu lắc lắm; cứ chạy tới chạy lui theo chuyện giấy tờ, nếu bị trễ hoặc không đi được thì e rằng phiền não sẽ chồng thêm phiền não. Tôi quyết định không đi, và lục tìm lại tấm hình Thầy gởi tặng tôi cách đây khoảng 15 năm, sang lớn ra để lập bàn thờ. Tôi đặt bàn thờ Thầy ngay giữa Chánh điện chùa Long An – Quảng trị. Sau đó tôi vào các trang mạng thấy chỗ nào cũng để hình Thầy có Y hậu, có đeo tràng hạt rất trang nghiêm, còn ảnh tôi thờ Thầy thì mặc áo nhật bình và còn rất trẻ. Ban đầu tôi tự nhủ, tôi thích thế, tôi thích Thầy Hạnh Tuấn của tôi lúc trẻ rất gần gũi, chứ nói Hòa thượng Hạnh Tuấn nghe có vẻ xa lạ quá, bởi cái đó chưa có trong đầu tôi. Được vài ngày sau tôi nghĩ lại, Thầy ngồi dưới chân đức Phật thế nầy thì phải có y hậu cho đàng hoàng, rồi còn có các Phật tử vào chiêm lễ nữa, nên tôi lại đổi ảnh như trang nhà Quảng Đức đã đưa.

Đã gần một tháng qua, mỗi ngày tôi cứ lên chùa quỳ trước Phật, trước di ảnh của Thầy để lạy, để khóc âm thầm một mình qua từng lời kinh tắt nghẹn! Thật ra, tôi không nghĩ là tôi phải lạy Phật, phải tụng kinh để cầu nguyện cho Thầy, mà chính là để cầu nguyện cho tôi, cho có được sự bình an giữa nỗi đau tràn ngập. Tôi có thói quen là cứ mỗi khi gặp chuyện gì buồn, cảm thấy bất an thì tôi liền lên chùa tụng kinh lạy Phật để mong tìm được sự bình an qua hình ảnh của đức Thế Tôn cùng với những trang kinh mầu nhiệm. Thầy Hạnh Tuấn ra đi quá đột ngột, làm cho tôi choáng váng, đau xót và thất vọng! Bởi chúng tôi đã có một thời tuổi thơ gắn bó đầy kỷ niệm cùng với bao nhiêu ước nguyện cháy lòng, để rồi mỗi người mỗi cách, dấn bước theo lý tưởng…thế mà giờ đây tất cả đã trở thành mây khói!

I. Thị Trạm -Thị Đào ở Phước Lâm
Tôi được đi xuất gia học đạo là nhờ Thầy Hạnh Tuấn. Thầy là người đã dẫn dắt tôi vào đạo, dù tuổi của Thầy cũng cùng bằng với tuổi của tôi. Thầy dẫn tôi xuống chùa Phước Lâm để quy y, Hòa thượng Trụ trì đặt cho tôi pháp danh là Thị Đào. Dẫu chúng tôi có duyên với nhau ở đó, nhưng sau tôi lại xin qua Viên Giác để xuất gia với Hòa thượng Long Trí, vì tôi thấy Ngài xông xáo, chịu đựng dấn thân hơn, tuổi trẻ hồi ấy lý tưởng là như thế. Nhưng sau một thời gian tập sự xuất gia giữa muôn ngàn chướng duyên nghịch cảnh trong buổi giao thời, tôi lại xin Hòa thượng Trụ trì chùa Viên Giác gởi tôi ra Huế, khi tôi gặp được Đức Cố Hòa Thượng Linh Mụ vào giảng tại Hội An. Đương nhiên, việc nầy tôi cũng hỏi ý Thầy, được Thầy đồng ý và khuyến khích tôi nên như vậy. Ngày tôi đi Huế, Thầy lựa bộ áo quần còn mới nhất của Thầy để xếp lại bỏ vào xách cho tôi, rồi đưa tôi ra tận bến xe, cùng với những lời khích lệ động viên đầy nước mắt, thật là một kỷ niệm khó quên. Giờ đây trong tâm thức tôi, Thầy là một người bạn, một người anh đầy trách nhiệm và cũng là một vị Ân Sư. Tôi quý Thầy hết lòng, bởi Thầy là một mẫu người rất lý tưởng: Lý tưởng trong niềm tin, lý tưởng trong nếp sống và lý tưởng trong tinh thần làm việc để phụng sự cho Đạo, cho Đời. Những điểm cao quý nầy đã ảnh hưởng đến đời tôi không nhỏ. Thầy thường nói, hẹn một ngày đẹp trời nào đó, được về sống lại ở quê hương, khi ấy anh em sẽ sống ở bên nhau mà làm việc, mà tu tập, mà nắm tay nhau tiến lên trên con đường mà mình đã tự hào quyết định, đã vạch ra giữa lúc quê hương và đạo pháp còn lắm tối tăm và muôn vàn bão tố. Tôi chỉ nói vui với Thầy là: “Khi ấy em sẽ làm trợ lý cho Thầy thôi thì đã là vui lắm, được nương vào sở học của Thầy để làm việc và phụng sự cho Giáo Hội thì có gì hạnh phúc bằng”. Thế mà,…Ôi thôi! Bao ước nguyện kia giờ chỉ còn là những giọt nước mắt đang rơi trên bàn phím cùng những lời uất nghẹn:

Thầy ơi còn nhớ hay không
Duy Xuyên, Đại Lộc, ruộng đồng La Qua
Khi sáng sớm, lúc chiều tà
Khi thì gặt hái, khi ra cấy cày
Ngày xưa, ôi biết bao ngày
Đói no san sẻ, đắng cay đã từng
Bao đêm Tỉnh Hội, Phước Lâm
Nhìn trăng mà trải ruột tằm dưới trăng
Dù cho núi cản, sông ngăn
Bồ đề nguyện quyết một phen với đời
Nguyện xưa còn đó Thầy ơi
Ra đi chi vội đất trời bi thương
Dẫu rằng cuộc thế vô thường
Mà sao vẫn thấy đau thương xé lòng
Thôi còn chi nữa mà mong
Bao nhiêu ước nguyện…đèn chong canh dài
Nỗi nầy ai biết chăng ai!

Chú Thị Trạm
Chú Thị Đào

Chao ôi, làm sao có thể quên được những ngày ở Phước Lâm, những đêm nơi Tỉnh Hội (chùa Pháp Bảo-Hội An), những lúc làm ruộng ở La Qua, cùng với những chuyến xe đạp chở nhau đi một vòng từ Hội An – Duy Xuyên – Đại lộc. Đến khi tôi ra Huế, lần đầu tiên về lại thăm Thầy, đi bộ từ bến xe Hội An ra Phước Lâm, bị Công an trinh sát theo dõi, biết tôi không phải ở Hội An, nghi tôi là đi vượt biên, nên bắt tôi đem về nhốt ở đồn Công an Thị xã Hội An mất hai ngày, thế là khổ Thầy phải đạp xe bới cơm cho tôi mỗi ngày ba bữa. Sau nầy, những năm tôi bị đi tù, lại càng làm cho Thầy phải khổ sở, xuôi ngược lo toan lắm nỗi buồn phiền. Nhìn lại, đời tôi và Thầy có ba cuộc chia tay đầy nước mắt: Lần tôi từ giã Hội An để ra Huế tu học, lần Thầy quyết định vượt biên đi Mỹ và lần nầy nữa! Người xưa thường nói: “Hồng nhan đa truân” hoặc “Hồng nhan bạc mệnh”. Cụ Nguyễn Du thì nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần!” Tôi vẫn hiểu những lời ấy là để an ủi cho những người bất hạnh, nhưng sao bây giờ nó lại cứ ám ảnh tôi một cách lạ kỳ. Ôi chao, có lẽ nào là như vậy! Và, cứ thế tôi lại thấy thương Thầy đến quặn thắt, bởi Thầy là một người rất tài hoa, đa cảm, năng động và sâu sắc. Thầy thông minh, học giỏi hơn tôi gấp cả trăm lần, nhưng chỉ may mắn là vượt biên một lần được trót lọt, rồi được qua Mỹ học hành và có những năm tháng sống ở xứ sở tự do. Nhưng nhìn lại thấy đời Thầy có quá nhiều bất hạnh: Bổn sư của Thầy, cố Hòa thượng Trụ trì chùa Phước Lâm, viên tịch rất sớm, từ thời bao cấp, trong một tai nạn cũng rất đau lòng; thời gian Thầy ở Mỹ thì tại quê nhà, Thân phụ rồi đến Thân mẫu của Thầy ra đi mà Thầy không có mặt để đưa tiễn. Đó là chưa kể đến những năm sau 1975, tuổi mới đôi mươi, khi Thầy còn là một vị Sa Di, mà phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, gian khổ, mọi sinh hoạt trong chùa ngày ấy phải nhờ vào ruộng đồng để tự túc mưu sinh, mà Thầy là chúng trưởng, khi ấy gọi là Chúng tự túc, nên Thầy phải cáng đáng, lo liệu mọi bề và ước mộng sách đèn của Thầy tưởng chừng đâu cũng lịm tắt từ đây!

Những năm sau nầy Thầy có về nước mấy lần và thường ra ở lại chùa Long An một hôm, anh em chúng tôi đã có biết bao nhiêu chuyện đầy vơi tâm sự. Được biết Thầy học hành rất tinh tiến, đỗ đạt, khi ra làm việc ai cũng mến thương, tôi vui mừng lắm. Tiếc thay, đau đớn thay! Niềm vui chưa trọn như tôi hằng mong đợi, thì Thầy đã vội chia tay …!

II . Hải Như – Hải Tạng tại Linh Mụ (Hay là: Những nhân duyên cơ bản để hình thành GHPGVNTN Hải Ngoại tại Hoa Kỳ)

Đức Thế Tôn dạy: “Nhất thiết pháp vô thường”. Việc đời không có gì đứng yên và bất biến, cuộc đời là một dòng chảy, mọi thứ cũng theo đó mà đổi thay. Giờ đây, tình hình đất nước đã thay đổi, mọi sinh hoạt của Phật Giáo ở trong và ngoài nước cũng không phải như xưa. Biết bao lớp người trước đã ra đi, lớp người sau cũng dần dần nằm xuống, mang theo biết bao nhiêu tâm trạng, bao nhiêu sự việc mà vì hoàn cảnh lịch sử nên chưa kịp nói ra! Phải chăng đó cũng là điều đáng để cho chúng ta suy gẫm, chiêm nghiệm mà tu tập. Hai mươi lăm năm đã trôi qua, thời gian tuy không dài lắm, nhưng có lẽ cũng đủ để nhìn lại một sự thật lịch sử. Nhất là sự vô thường mau chóng quá, Thầy Hạnh Tuấn đã xả báo thân một cách quá bất ngờ, để lại cho những người thân biết bao niềm đau xót. Những dòng chữ nầy chính là tấc lòng của người ở lại dành trọn cho kẻ ra đi…!

Ngày 25.9.1992, tại thành phố San Jose, California, Hoa Kỳ; Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã được khai mạc. Hai ngày sau, GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ ra đời, Hòa Thượng Thích Hộ Giác được cung thỉnh làm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành, đem lại niềm hoan hỷ vô biên cho đại đa số Tăng Ni, Phật tử đang hành đạo, tu học và sinh sống tại Hoa Kỳ. Tiếp theo sau đó, các GHPGVNTNHN tại Âu Châu, Canada, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan lần lượt được thành lập. Sự kiện nầy đánh dấu một bước tiến quan trọng, mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử truyền giáo của PGVN tại Hải ngoại; đồng thời, cũng có ảnh hưởng nhất định đối với tình hình Phật Giáo tại quốc nội. Hòa thượng Thích Huyền Quang cho rằng: “Sự kiện nầy đã phá vỡ được thế bao vây hiểm nghèo cho Giáo Hội, liên kết Tăng Ni Phật tử Hải ngoại với Tăng Ni Phật tử ở trong nước, đánh thức và khơi dậy niềm tin mãnh liệt của Tăng Ni Phật tử vào tiền đồ vẻ vang của Dân tộc và Đạo pháp.” Thật vậy, sự ra đời của GHPGVNTNHN tại Hoa kỳ đã chấm dứt một giai đoạn khủng hoảng gần như bế tắc của PGVN tại Hoa kỳ ngày ấy. Bởi các tổ chức Phật giáo tự phát, riêng lẻ, thiếu tinh thần hòa hợp là yếu tố căn bản để Phật giáo tồn tại và phát triển. Có ai biết đâu rằng, sự kiện trọng đại nầy lại được xuất phát từ một nhân duyên, một tấm lòng đầy nhiệt huyết, một tâm nguyện rất chí thành, và sự miệt mài vận động không mệt mỏi trong hơn một năm trời của một người Tăng sinh còn rất trẻ, mới tròn ba mươi lăm tuổi: Thầy Thích Hạnh Tuấn.

1) Nhân duyên:

Trong số các huynh đệ quen thân, vượt biên ra nước ngoài, được đi học và đỗ đạt sớm nhất là Thầy Quảng Chơn – Nguyễn Tri Ân, hiện nay là Giáo sư tại Đại học Harvard. Thầy Quảng Chơn quê ở làng Tích Tường, xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; là em con bà Dì ruột của Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, Trụ trì Tu viện Kim Sơn. Năm 1991, Thầy Quảng Chơn về thăm mẹ. Hồi ấy, ở thôn quê nơi một tỉnh lẻ còn vắng vẻ, chuyện Việt Kiều ở Mỹ về thăm là điều còn lạ lắm, nên muốn cho được an toàn, ban ngày Thầy Quảng Chơn ở nhà với mẹ, ban đêm về chùa Long An ngủ lại, suốt gần một tuần lễ như vậy. Anh em lâu ngày gặp lại mừng vui khôn xiết, chúng tôi đã nói với nhau rất nhiều chuyện: Chuyện Đạo pháp, chuyện xã hội, chuyện học hành, chuyện anh em ngày xưa ai còn ai mất….! Sau đó tôi đưa Thầy Quảng Chơn vào chùa Linh Mụ ở lại để đảnh lễ hầu thăm Hòa thượng Bổn sư tôi: Ôông* Linh Mụ.

Ôông tôi xưa nay thường rất quý trọng những người hiếu học, nên khi nghe tôi giới thiệu Thầy Quảng Chơn học rất giỏi, đã đỗ Cao học ở Mỹ mới về, Ôông vui lắm, thăm hỏi rất ân cần và khuyên: “Anh em rán học cho giỏi, tu hành cho tinh tấn để sau nầy mà phụng sự cho Đạo pháo, cho Giáo hội!” Rồi Ôông hỏi thăm quý Ôông, quý Thầy ở bên ấy, tình hình Phật sự thế nào ? Vốn bức xúc về hiện tình PGVN tại Hoa kỳ, Thầy Quảng Chơn kể hết mọi việc cho Ôông nghe. Thầy nói: “Bạch Ôn, quý Thầy ở Việt Nam qua bên đó, vì hoàn cảnh, mạnh ai sinh hoạt nấy, mỗi Ngài lập một Giáo Hội riêng, thậm chí 2-3 vị cũng thành một Giáo Hội. Cụ Thể như HT. Mãn Giác, HT. Đức Niệm, HT. Thanh Cát, HT. Giác Nhiên, TT. Pháp Nhẫn…mỗi vị đều đứng đầu một Giáo Hội. Hiện nay, ở Mỹ có tất cả lớn nhỏ 6 – 7 tổ chức PG như vậy, nên trong công việc Phật sự thiếu hòa hợp và đoàn kết, chúng con thấy rất bất lợi và buồn lắm!”. Ôông nghe vậy lòng thấy không vui, im lặng suy nghĩ một lát, Ngài buông tiếng thở dài rồi nói:“Tình hình Giáo Hội ở trong nước thì đang gặp phải khó khăn mà quý Thầy ở bên ấy lại làm như vậy thì nguy quá. Thầy về thưa lại với quý Hòa thượng ở bên đó là tôi mong làm sao quý Ngài sớm ngồi lại với nhau để bàn thảo một kế hoạch thống nhất mà hành đạo thì việc truyền giáo nơi xứ người mới có hiệu quả. Chứ toàn là người tài giỏi cả mà làm như rứa thì uổng quá, ốt dột lắm!”

2) Tâm Thư ngày 10.9.1991 của Ôn Linh Mụ:

Khi về bên Mỹ, biết tôi với Thầy Hạnh Tuấn là chỗ anh em thân thiết với nhau, nên Thầy Quảng Chơn gặp Thầy Hạnh Tuấn nói chuyện rất nhiều về tôi, về cuộc bái kiến Ôông Linh Mụ cùng với những lời dạy đầy trăn trở của Ngài. Sau đó Thầy Hạnh Tuấn đã viết thư về cho tôi, nói rằng:“Mấy bữa nay, cứ mỗi lần Thầy Quảng Chơn và tôi ngồi nói chuyện với nhau là nhắc về Hải Tạng đó. Bây giờ có một việc rất quan trọng cần đến Hải Tạng, nhưng phải tìm một số điện thoại để nói chuyện, chứ viết thư nói không hết được. Vả lại, gởi thư qua lại thì mất thời gian mà còn bị thất lạc nữa!”. Ngày ấy, chùa tôi ở thôn quê nên chưa có điện thoại, tôi phải nhờ điện thoại của một nhà Phật tử tận ngoài thị xã Đông Hà, cách chùa hơn 10km. Mỗi lần Thầy gọi về hẹn mấy giờ, sau đó có người vô chùa gọi tôi ra nghe.

Qua điện thoại, Thầy nói: “Vừa rồi ở bên Đức TT. Như Điển mới làm lễ khánh thành chùa Viên Giác, kinh phí xây dựng hơn cả triệu dollars, Chư Tăng và Phật tử về dự rất đông, thành công lắm. Nếu ở Mỹ mà quý Ôông thống nhất được thì sự tập hợp Phật sự còn lớn hơn thế nữa, vì số lượng và tiềm lực của Phật tử Việt kiều ở Mỹ lớn hơn Đức rất nhiều. Nhưng rất tiếc hiện nay, tình hình PGVN tại Mỹ như Thầy Quảng Chơn về đã bạch với Ôông, rời rạc lắm, Tăng Ni Phật tử đa số rất buồn nhưng không biết làm sao được. Trước tình hình ấy, Hạnh Tuấn nghĩ chỉ có Ôông mình mới là người có thể cứu vãn được hiện tình PG, bởi lời dạy của Ôông sẽ có tác động quan trọng lắm, vì Ôông là một bậc Cao Tăng, rất đức độ, ai cũng kính nể. Vì vậy, Hải Tạng phải đóng một vai trò rất cần thiết trong việc nầy, đó là hiểu rõ được tình hình như vậy, Thầy Hải Tạng thỉnh Ôông viết một bức thư với nội dung chủ yếu như những gì Ôông đã dạy với Thầy Quảng Chơn, xong gởi qua đây, Hạnh Tuấn sẽ mang thư ấy đến từng quý Ngài ở bên nầy, rồi vận động quý Ngài ngồi lại để bàn định việc thống nhất các tổ chức Phật giáo. Hạnh Tuấn tin tưởng là Hải Tạng sẽ làm được việc đó. Và, trong việc nầy Hạnh Tuấn cũng chỉ biết nhờ vào Hải Tạng mà thôi!”

Tôi thưa: “Em nghĩ, việc nầy quan trọng lắm và mình phải có trách nhiệm bảo vệ uy tín của Ôông, nên phải cẩn thận, Thầy nên suy nghĩ cho kỹ, nếu thư Ôông mình gởi qua mà quý Ngài bên đó không nghe thì còn thể thống gì!” Do vậy, tôi đề nghị Thầy phải nghiên cứu lại, thăm dò trước, thử xem thư của Ôông gởi qua liệu có tác động được tích cực hay không. Sau đó, Thầy gọi về cho biết Thầy rất hy vọng, vì quý Ngài ai cũng thấy cần phải ngồi lại, nhưng vì giữ thể diện nên chưa ai chịu nghe ai; trong tình hình ấy, nếu có một bức thư của Ôông là giải pháp tốt nhất, Thầy hứa là Thầy sẽ quyết tâm vận động bằng được việc nầy nên khuyên tôi cứ yên tâm. Tôi yêu cầu Thầy phải viết một cái thư thỉnh nguyện Ôông về việc nầy, chứ để tôi thưa thì hơi dở. Đương nhiên, tôi có trách nhiệm hầu Ôông để giải trình thêm, khi được Ôông đồng ý, chỉ dạy thì tôi sẽ thảo thư ngay.

Theo đề nghị của tôi, Thầy viết một bức thư dài 13 trang, bảo tôi phải đọc hầu Ôông, trong đó có ghi danh tánh và địa chỉ của từng vị Tôn túc mà tôi phải đề gởi từng vị, để Thầy chuyển Tâm Thư của Ôông đến từng vị một. Mọi việc đều thuận lợi, Hòa thượng tôi hoan hỷ, dạy viết thư. Vài ngày sau, tôi thảo bức Tâm Thư đọc hầu Ôông xong, Ôn dạy đi gọi thêm Thầy Thái Hòa đến xem lại. “Có gì thì anh em nên bàn bạc để ý tứ câu chữ cho chặt chẽ!” Ôông dạy tôi và Thầy Thái Hòa như vậy . Nhìn thấy sự cẩn trọng của Ôông, tôi càng hiểu hơn sự việc quan trọng đến thế nào. Sau khi Thầy Thái Hòa đọc, tham gia ý kiến, chỉnh sửa xong, tôi đem đi đánh máy, rồi đọc lại hầu Ôông, lắng nghe Ôông chỉ dạy. Khi nhìn Ôông đặt bút ký vào bức Tâm Thư, tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng bao nỗi lo âu vẫn còn đó.

Hôm sau, tôi chủ động gọi điện cho Thầy Hạnh Tuấn để bàn bạc, anh em thống nhất là nên đem bức Tâm Thư nầy vào Quảng Ngãi, rồi ra Thái Bình để trình quý Hòa thượng Huyền Quang, Hòa thượng Quảng Độ xem và xin quý Ngài cho vài lời tác động thêm vào, để cho quý Ngài bên ấy thấy rằng đây là một ý kiến chỉ đạo thống nhất của quý Ôông ở bên nhà, thì hy vọng kết quả sẽ nhiều hơn. Tôi hứa với Thầy là tôi sẽ làm được việc đó, vì lâu nay mỗi khi có việc gì cần thì quý Hòa thượng thường gọi tôi để dạy việc và quý Ngài cũng rất thương tôi.

Tôi đi Quảng Ngãi trước, đúng như lòng tôi mong ước, sau khi nghe tôi trình bày, Hòa thượng Huyền Quang xem Tâm Thư xong, Ngài lấy giấy bút ngồi viết một bức thư rất trang trọng, trong đó Ngài kêu gọi chư Tôn đức phải “khâm thừa” tinh thần bức Tâm Thư của đức Đại lão Hòa thượng Linh Mụ. Đọc đến những chữ nầy, nước mắt tôi tuôn chảy! Mấy ngày sau, tôi mang cả hai bức thư ấy đi Thái Bình và Hòa thượng Quảng Độ cũng thuận theo ý tôi, làm y như vậy, nghĩa là cũng có một bức thư tương tự như của Ôn Huyền Quang. Tôi vui mừng khôn xiết, bởi vô hình trung, bức Tâm Thư của Ôông Linh Mụ như là một Giáo sắc, còn hai bức thư của Ôông Huyền Quang và Ôông Quảng Độ như là hai bản phụ trương triển khai thực hiện. Ngày ấy, tình hình và việc đi lại còn rất khó khăn, tôi đã phải vất vả và khéo léo lắm mới đưa được những bức thư quan trọng nầy trót lọt qua mọi sự kiểm soát và canh phòng rất cẩn mật của mấy chú an ninh, âu đó cũng là nhờ có sự gia bị của chư vị Hộ Pháp, Thiện thần che chở!

3) Pháp hiệu Hải Như:

Khi Thầy Hạnh Tuấn nhận được những bức thư nầy, Thầy đã gọi điện cho tôi, khóc nức nở vì vui mừng và cảm động. Thầy thương tôi hơn trước rất nhiều và nói: “Hải Tạng đã hoàn thành nhiệm vụ của Sư huynh giao một cách quá xuất sắc” Tôi thưa: “Trước đây là nhiệm vụ đối với Thầy, nhưng kể từ nay là nhiệm vụ của anh em mình đối với quý Ôông”. Chưa bao giờ đạo tình giữa anh em chúng tôi thân thiết và gắn bó như những ngày ấy, có thể nói chúng tôi đã luôn theo dõi nhau trong nỗi lo âu và phập phồng từng hơi thở! Chính vì đọc bức Tâm Thư, ngưỡng mộ và cảm bội ân đức của Ôn và để ghi đậm mối đạo tình huynh đệ giữa chúng tôi, Thầy Hạnh Tuấn đã nói trong nước mắt: “Bây giờ Hạnh Tuấn mong ước được làm một người đệ tử y chỉ với Ôông, vì Bổn sư của mình cũng đã không còn, ý Hải Tạng thế nào?” Trời ơi, làm sao tôi có thể không vui vì điều ấy! Tôi liền đề nghị Thầy viết một bức thư hầu Ôông để trình bày tâm nguyện ấy và Thầy đã viết ngay. Điều cũng nên nói thêm, đến lúc nầy, Thầy đã hướng dẫn tôi liên hệ tìm một chỗ nào có cái máy FAX, khi đã nhờ được chỗ nầy rồi, mọi thư từ đi về rất nhanh, ngoài sự tưởng tượng của tôi hồi ấy.

Lần nầy, trong bức thư hầu Ôông cùng với những lời chân thành tha thiết thỉnh cầu Ôn chấp nhận cho Thầy được làm đệ tử y chỉ, Thầy còn thỉnh cầu Ôông chứng minh cho sự phát nguyện của Thầy, rằng : “Con nguyện sẽ tuyệt thực vô thời hạn, nếu như những lời dạy của Ôông trong bức Tâm Thư không được quý Ngài bên nầy nghiêm túc thực hiện. Con tin tưởng rằng sẽ có rất nhiều quý Thầy và Phật tử ủng hộ con. Con cầu xin Ôông chứng minh cho lòng con!” Nghe những lời nầy, Ôông rất cảm động, liền hứa khả việc làm Y chỉ sư và ban cho Thầy pháp hiệu là Hải Như. Từ trước đến nay, mọi thư từ gì của Ôông, tôi cũng đều chấp bút, nhưng lần nầy, tôi cẩn thận để cho Thầy tin chắc rằng, sự hứa nhận Thầy làm đệ tử và hai chữ Hải Như chính là từ từ tâm và khẩu nghiệp thanh tịnh của Ôông, nên thư gởi cho Thầy Hạnh Tuấn về việc nầy, tôi thưa Thầy Trí Tựu viết, rồi Ôông ký, chứ không phải là chữ của tôi. Khi nhận được thư nầy, Thầy Hạnh Tuấn liền viết thư và dâng phẩm vật về để đảnh lễ cúng dường, bái tạ ân đức của Ôông. Từ đó, nhiều người biết Thầy Hạnh Tuấn còn có tên Hải Như là do vậy. Tôi còn nhớ năm 1992, tại Tang lễ của Hòa thượng chúng tôi, Đại Sư huynh, Hòa thượng Trí Ấn – Nhật Liên đã ký một Cáo phó cùng với lời ủy thác cho ba vị: Hòa thượng Trí Chơn, Thượng tọa Trí Thành và Thượng tọa Hải Như có trách nhiệm liên hệ với chư Tôn đức Giáo phẩm trong việc tổ chức Tang lễ của Đức Cố Đại Lão Hòa thượng Bổn Sư tại Hải Ngoại.

Thầy Hải Như
Thầy Hải Tạng

4) Thông Điệp ngày 31.10.1991 của Viện Tăng Thống:

Thật hạnh phúc biết bao, khi bức Tâm Thư của Ôông gởi đi không bao lâu, thì từ chùa Linh Mụ, Ôông đã liên tục nhận được thư phúc đáp của quý HT. Mãn Giác, HT. Hộ Giác, HT. Đức Niệm …gởi về. Tất cả đều tỏ lòng cung kính và tâm nguyện : “Chúng con xin đặt mình dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng”. Đọc những bức thư nầy, Ôông hoan hỷ lắm. Tôi nghĩ, đây có lẽ là một niềm vui lớn và sau cùng trong suốt cuộc đời làm Phật sự của Ôông! Bởi có một vị Thầy nào mà không cảm thấy ấm lòng, khi thấy các thế hệ học trò của mình tuy đã thành danh nhưng vẫn biết lắng nghe và có cách hành xử khiêm hạ, đúng phép đối với các bậc Tôn trưởng. Trong bối cảnh của PGVN tại Hoa kỳ lúc bấy giờ, bức Tâm Thư của Ôông quả thật có sức thuyết phục và lay động một cách diệu kỳ. HT. Mãn Giác đã ghi lại điều nầy trong tạp chí Phật Giáo Việt Nam, số 79 tháng 01.1992 – Xuân Nhâm Thân như sau: “Sáng thứ Bảy, 21.9.1991, Đại hội Khoáng đại kỳ 6 của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ khai mạc tại chùa Liên Hoa, thành phố Olimpya, thủ phủ của Tiểu bang Washington. Tâm Thư của Ôông Linh Mụ đã đến với Đại hội như tiếng gọi ân cần của một người cha. Niềm xúc động đã dâng trào cả Đại hội, đã tới với những người khách chưa từng quen với sinh hoạt Phật Giáo, tôi muốn nói đến ông George Bamer, đại diện Chính quyền địa phương đã đến dự. Người đọc khóc, người nghe khóc, cả rừng người khóc. Nước mắt không biết từ đâu cứ ràn rụa tuôn ra, làm cho tôi không thấy chữ để đọc,…”.

Khi nhận thấy tình hình đã có nhiều thuận lợi như thế, Thầy Hạnh Tuấn lại tiếp tục gọi về đôn đốc tôi phải tiến thêm một bước nữa, đó là thỉnh cầu Ôông, nhân danh Viện Tăng Thống, ban hành một Thông Điệp, vừa là mệnh lệnh của Giáo Hội, vừa là định hướng cho việc Thống nhất các Tổ chức PGVN tại Hoa kỳ cùng các Châu lục khác. Tôi vào chùa hầu trình Ôn việc ấy, thỉnh ý Ôn dạy thế nào để tôi lo việc khởi thảo Thông Điệp. Ôn dạy tôi phải vào hầu Hòa thượng Huyền Quang để thỉnh ý, vì: “Thầy Huyền Quang rất có kinh nghiệm về việc nầy!” Ôn nói nguyên văn như vậy. Ngày 28.10.1992, tôi vào chùa Hội Phước ở Quảng Ngãi để hầu trình Hòa thượng Huyền Quang bản thảo bức Thông Điệp. Ngài đọc đi đọc lại rất kỹ, rồi dùng bút đỏ chỉnh sửa một cách cẩn thận, Ngài cũng đã viết thêm trọn một điều khoản sau cùng trong Thông Điệp. Tôi mang bản thảo về đánh máy, trình Ôông xem lại để ký. Ngày 31.10.1991, nghĩa là sau đúng 50 ngày ký bức Tâm Thư, Ôông đặt bút ký vào bức Thông Điệp lịch sử ấy và gọi Thầy Trí Tựu đem ấn dấu Viện Tăng Thống để đóng vào.

5) Phụng sự Đạo pháp trong tinh thần vô ngã:

Trong thời gian ấy, nếu như ở trong nước, tôi phải âm thầm đi lại từ Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thái Bình…lây lất dọc đường trên những chiếc xe đò không biết bao nhiêu chuyến; luồng lách qua các trạm kiểm soát không biết bao nhiêu lần, để cho những bức Tâm Thư, Thông Điệp từ những nơi hiểm yếu mà quý Hòa thượng đang bị quản thúc ra được đến Hải ngoại; thì tại Hoa Kỳ, ròng rã một năm trời, Thầy Hạnh Tuấn đã phải đi gõ cửa đảnh lễ không biết bao nhiêu Phương trượng, xuôi ngược khắp nơi để vận động Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng lời kêu gọi trong Tâm Thư của Ôông Linh Mụ, ngõ hầu tạo nên nguồn sinh khí để cho quý Hòa thượng đứng đầu các tổ chức Phật giáo bên ấy sớm ngồi lại với nhau trong ngôi nhà chung của Giáo Hội. Thế nhưng, phải chờ đến hơn một năm sau, cùng với những bức Tâm Thư, Thông Điệp, sự vận động miệt mài không mệt mỏi của Thầy Hạnh Tuấn và chư vị Thiện Tri thức tại Hoa Kỳ; sự viên tịch của Ôông Linh Mụ cùng với những diễn biến trong Tang lễ của Ngài, chính là động lực thôi thúc các nhà lãnh đạo PGVN tại Hoa Kỳ phải sớm tìm ra giải pháp thống nhất để có thể làm tròn sứ mệnh cao cả của mình đối với Đạo pháp và Dân tộc trong một tình hình mới. Cuối tháng 9.1992, GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ được ra đời, dẫu rằng niềm vui chưa trọn vẹn, nhưng cơ bản những ước nguyện ban đầu cũng đã thành tựu. Giữ đúng lời hứa với tôi, Thầy Hạnh Tuấn đã không nhận giữ bất cứ một chức vụ nào trong Giáo Hội mà chỉ dành tất cả thời gian sau đó cho việc theo học chương trình Cao học của Thầy.

III. Phần Kết:

Viết lại những sự kiện trên đây, chính là để tưởng niệm, để ghi ơn Thầy Hạnh Tuấn đối với công cuộc vận động cho sự hình thành GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ. Hơn hai chục năm qua, dù phải chịu nhiều biến động, đổi thay bởi những sóng gió của cuộc đời, nhưng Giáo Hội vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, để rồi trong những ngày vừa qua, chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo Hội đã đứng ra Cáo Bạch, Tổ chức Tang lễ và tiễn đưa Thầy đi về cõi vô tung!

Viết lại những dòng nầy, cũng chính là để sống lại những kỷ niệm không thể nào quên về sự phối hợp làm việc giữa huynh đệ chúng tôi trong một hoàn cảnh rất khó khăn và đầy phức tạp; tuy vô vàn gian khổ, nhưng cũng thật sự hoan hỷ vô cùng. Từ kỷ niệm nầy, tôi đã đặt rất nhiều hy vọng ở nơi Thầy. Huynh đệ chúng tôi cũng đã từng chia sẻ biết bao điều thao thức về một tương lai của Đạo pháp tại quê nhà và nguyện sẽ đem hết tâm huyết của mình để phụng hiến. Thế mà, ôi thôi! Thầy đi chi quá vội, để lại trong tôi một khoảng trống, một nỗi thất vọng với niềm đau xót không nguôi. Trong tâm trạng nầy, tôi chợt nhớ lại và khẽ đọc hai câu đối của Ôông Quy Thiện khóc Ngài Mật Khế, vị thủ Sadi Đại Giới đàn chùa Từ Hiếu năm 1924, viên tịch khi tuổi còn rất trẻ :

Rừng mai đạp tuyết, cay đắng trải bao phen, cơ hóa độ còn dài, hy vọng chứa chan tằm kéo tơ lòng thêu sử Phật.
Sàng trúc trổ hoa, tỉnh mê trong nửa kiếp, tình tương tri quá nặng, sầu trường man mác quyên rơi giọt lệ gọi hồn thiêng.

Trong một hoàn cảnh tương tự, Cụ Ức Trai cũng đã từng phải thốt lên:
Thiên địa vô cùng giang mịch mịch
Anh hùng hữu hạn diệp tiêu tiêu

Hy vọng rằng, giờ đây, nơi phương trời nào đó, Thầy thấu hiểu lòng tôi mà không bỏ nguyện xưa, sớm trở lại Ta Bà để cùng nhau báo đền ân đức của Thầy Tổ, Thầy ơi:
Hương xưa nay vẫn mãi còn
Nguyện xưa nay vẫn vuông tròn nguyên sơ
Ngày xưa tằm đã nhả tơ
Nay tằm hóa kiếp thành tờ kinh thiêng!

Nam Mô Tỷ kheo Bồ Tát giới húy thượng Thị hạ Trạm tự Hạnh Tuấn hiệu Hải Như thùy từ pháp giám.

Chùa Long An-Quảng Trị, tiết Lập Đông năm Ất Mùi 2015
Pháp đệ THÍCH HẢI TẠNG

****

Ôông* : Chữ ôông là một từ địa phương chỉ dùng phổ biến ở vùng Bình-Trị Thiên, các nơi, khác không có. Đó chính là chữ “ông” mà nói một cách ngọt ngào, trìu mến thành ra “ôông”. phát âm kéo dài hơn, để phân biệt với chữ ông nhiều khi còn dùng ngang cơ = “mầy, thiếu tôn kính. Ở xứ nầy, ai có cháu nội, ngoại thì thường được gọi bằng Ôông, còn trong đạo, vị nào có đệ tử đi làm Trụ trì, có đệ tử thì người đệ tử ấy gọi Bổn sư của sư phụ là Ôông = Sư ông.