(Ghi nhanh về Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 15 tại Sydney)
Ấp ủ đã nhiều năm, cho mãi đến 2015 tôi mới đủ nhân duyên du lịch xứ Úc. Hy hữu nữa “không hẹn mà gặp” Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 15 rơi trúng vào ngày tôi đặt chân tới, thế là, nói theo kiểu Phật giáo, tôi có duyên lành tham dự Pháp hội.
Vốn là Phật tử thuần thành của Âu Châu, tôi tham dự rất nhiều khóa tu tầm cỡ của Giáo Hội Âu Châu tổ chức. Gọi là tầm cỡ vì hằng năm qui tụ đông đảo Phật tử từ nhiều nước về học đạo, có năm trên cả ngàn người, tổ chức qui mô đâu ra đấy mà tôi thường đánh giá “Thiên Đường Hạ Giới” hay “Đại Học Oanh Vũ” (xin đọc hai bài viết này trong trang nhà Quảng Đức) thì nay có cơ hội, tại xứ Úc, sao tôi không tìm đến chứ, để ít ra thưởng thức cảm giác an lạc, dù chỉ 5 ngày, cũng quên đi bao phiền muộn của cõi Ta Bà mà Đức Phật đã chẳng nói “Đời là bể khổ” đó sao. Đặc biệt nữa để khám phá một chân trời mới có khác với Âu Châu lắm không để kể cho bạn bè nghe, nhất là những người chưa đặt chân đến Úc, chưa tham dự Khoá Tu Học Phật Pháp Úc Châu.
Được Thầy Nguyên Tạng và cô bạn đạo Thanh Phi hướng dẫn, sắp xếp, tôi đến đất trại một cách dễ dàng.
Nỗi háo hức không chỉ khi đặt chân đến, mà từ lúc còn ở Thụy Sĩ cơ, tôi sống với nhiều cảm giác lạ. Lạ vì Úc là nơi lần đầu tôi đặt chân đến, còn lạ ở khóa tu. Tất cả đều “lạ nước lạ cái” không biết tôi sẽ bị lạc lõng, bị…ăn hiếp, bị bắt nạt không (sic), (ai mà…cả gan ăn hiếp, bắt nạt được tôi chứ khi tôi ở nhà được vinh danh “tứ kiệt”: “La chồng, mắng con, đánh dâu, nạt cháu” không lẽ ra ngoài “khôn nhà dại chợ” sao). Thế là, tôi hăng hái lên đường, thẳng tiến vào đất trại.
Ngày tôi đến, những tưởng đất trời sẽ tuôn ra những tia nắng nóng đốt cháy thịt da, sẽ “nướng” tôi với nhiệt độ 40 độ C vì Úc đang là mùa Hè như các bạn thông báo, thế nhưng tôi thật không ngờ, trước mắt tôi, dù không có lá vàng, vẫn như đang là mùa Thu với thời tiết quá lý tưởng. Nắng nhẹ nhàng lên cao, gió hiu hiu thổi, bầu trời trong xanh, mây trắng lững lờ bay. Tôi tự hỏi chắc tôi đến đây, đem cái giá lạnh băng tuyết của mùa Đông Thụy Sĩ hòa nhập vào cái nóng cháy người của mùa Hè Úc Châu dù cùng tháng 12 để thành ra mùa Thu mát lạnh?!
Bây giờ, tôi đang đứng trên sân trại, trước phòng ăn, ngơ ngác, xa lạ, đợi cô bạn đạo Thanh Phi như đã hẹn ra đón.
Trại rộng mênh mông tọa lạc trên cánh đồng cỏ được bao bọc xung quanh bởi khu rừng rậm xanh rì. Một dòng nước mát êm đềm len bên ven rừng, ẩn dưới những lùm cây. Đó là sông hay hồ, không ai biết. Chỉ biết sự hiện hữu của nó làm dáng tô điểm thêm nét đẹp nên thơ. Buổi sáng tiếng ve sầu râm ran cùng cất lên từng hồi không mệt mỏi, như một bản tình ca hòa điệu nghe rất vui tai. Đứng nhìn người qua kẻ lại, tôi chả quen biết ai. Một chút cảm giác bơ vơ, lạc lõng len lén tâm hồn nhưng không trụ lâu khi chị Thanh Phi xuất hiện. Đúng là ăn cơm có canh, tu hành cần có bạn. Rồi tôi cũng hòa nhập nhanh với không khí tưng bừng rộn ràng của ngày đầu nhập trại như trẩy hội này, vì tôi cũng quá quen thuộc từ các khóa tu học Phật Pháp Âu Châu, tưởng như mình đang về “nhà” mình vậy.
Lững thững đi bên cạnh chị Thanh Phi, men theo con đường mòn, hai bên hàng cây tỏa bóng râm mát rượi. Vài chú quạ đen chắp cánh bay từ cành này qua cây kia giương mắt nhìn chúng tôi, không cất lên tiếng nào. Chúng tôi tâm tình trò chuyện. Phải mất 10 phút đi bộ, chúng tôi mới về đến phòng. Dù mới quen biết nhau qua văn chương của trang nhà Quảng Đức do Thầy Nguyên Tạng giới thiệu, nhưng cùng con nhà Phật, nên chúng tôi cũng dễ thân thiện gần gũi nhau. Chị hướng dẫn tôi về phòng.
Wow!! căn phòng và giường ngủ của tôi đây sao?! Tu học mà…sang như vậy sao. Nào chăn êm nệm ấm, máy điều hòa, nhà vệ sinh, buồng tắm, kệ chứa va ly. Phòng có năm giường dành cho năm người khang trang rộng rãi đầy đủ tiện nghi. Bao lâu nay tu học tại các Khoá Âu Châu, Phật tử chúng tôi quen ăn chay (đương nhiên rồi) và nằm đất (với cái nệm hơi mỏng dính) hoặc được cái giường xếp thấp lè tè trong nhà “cưa gỗ”( tiếng ngáy hòa điệu của 15- 20 người) từ một lớp học cải biên thành phòng ngủ. Họa hoằn lắm mới có giường nệm như ở đây. Bấy giờ tôi mới nhận ra, giàu nghèo sang hèn, đều là phước duyên của mỗi người, mỗi nhà, mỗi nước, kể cả, dù là tu sĩ hay trần tục. Nhưng thôi, đã đi tu học thì kể gì sướng hay khổ. Quan trọng ở tâm mình an vui là được, chấp gì mấy cái…lẻ tẻ ngoài thân.
Sau khi tạm ổn định nơi ăn chốn ở, tôi bắt đầu nhập học. Chị Thanh Phi choàng vào cổ tôi sợi dây chuyền vàng thật to bằng…vải to bản (sao không bằng…vàng luôn nhỉ?) với hàng chữ “Khoá tu học Phật pháp Úc Châu”, trong lễ Khai Mạc tôi được biết đây là Phù hiệu đeo cổ dành cho học viên tham dự, đặc biệt phù hiệu này chỉ mới áp dụng cho khóa tu học năm nay.
Bước vào Chánh điện trong buổi khai mạc, mắt tôi lại tròn xoe. Chà, chà, đi tu học mà…ngon vậy ta! Hơn 500 Phật tử đang…ngồi trên ghế trước lễ đài trang nghiêm có tôn trí pho tượng Đức Từ Phụ Thích Ca rất đẹp, đại chúng đang chuẩn bị cung nghinh Chư Tôn Đức đến làm lễ khai mạc. Tôi ngạc nhiên học viên ở đây không ngồi bệt trên sàn như Phật tử Âu Châu chúng tôi, tất cả mọi người đều tịnh khẩu nên tôi không nghe tiếng động nhỏ nào. Sao…ngoan vậy ta?! Tò mò, tôi đưa mắt quan sát xung quanh. Có hai cô Phật tử cầm hai bức tranh vẽ thật to hình chú tiểu đưa ngón tay trỏ lên miệng, bên dưới có hàng chữ: “Xin giữ thanh tịnh”. Hai cô cứ đi qua đi lại, đi lên đi xuống trong hội trường. Nơi nào nghe động tịnh, các cô tiến tới, chỉ….dí câu “bùa chú” này trước đám ồn là…”linh” ngay thôi. Tôi chợt cười thầm, nghĩ bụng, khi trở lại Âu Châu, chắc tôi phải ….thỉnh hình chú tiểu này mới được.
Rồi tôi nhìn lên bàn thờ, ngưỡng trông đấng Từ Phụ trang nghiêm ngự trị trên tòa sen. Dưới chân Ngài hoa đèn rực rỡ. Tuy có hai con rồng lớn hình dạng lồng đèn đứng chầu hai bên phun lửa khi khai mạc, tóe những tia lửa điện rất công phu đẹp mắt, thế nhưng nói đến Chánh điện Khóa tu học Phật Pháp Âu Châu thì không thể nghĩ bàn, vô cùng công phu, lộng lẫy, trang nghiêm, mỗi năm muôn màu muôn vẻ. Quí Thầy cùng Phật tử bên đó đã bỏ công sức cả tuần, đôi khi cả tháng để chuẩn bị. Chị Thanh Phi cho biết rằng Úc Châu thuê trại chi phí mắc quá cả trăm ngàn đô Úc (70 ngàn đô la Mỹ)- mắc là phải vì rộng quá mà- phần tiết kiệm, phần không nhiều thời gian, chỉ nhận trại để trang trí trước một ngày tổ chức, và tháo gỡ trong một, hai tiếng khi bế mạc. Không như Âu Châu hội trường thuê rẻ, đôi khi cho mượn miễn phí – nên học viên nằm đất là phải rồi- lại nhiều thời gian chuẩn bị, nên không đẹp mới là vấn đề đấy. Nói chung, ở đâu cũng thế, tất cả đều tùy duyên linh động giải quyết sao cho phù hợp mọi hoàn cảnh, tập khí của từng vùng, từng miền, từng văn hóa mỗi nước. Cả hai Châu đều học hỏi cái hay để làm theo lẫn cái dở của nhau để tránh, với thời gian sẽ hoàn hảo thôi. Nhưng đó cũng chỉ là hình thức để hỗ trợ chứ nội dung mới là điều cần quan tâm.
Buổi khai mạc bắt đầu lúc 10 giờ. Cũng vẫn đạo từ, diễn văn, lời giới thiệu Chư Tôn Đức, công bố số lượng học viên tham dự, thông báo chương trình, mục đích khóa tu v.v..trong giờ khai mạc, toi nhớ một câu nói của Hòa Thượng Bảo Lạc, chỉ một câu nói thôi đối với tôi gói ghém bao ý tưởng sâu sắc của Thầy mà mọi người nên quan tâm: “Làm việc chung (như khóa học) nếu ai nấy chỉ lo hoàn thành trách nhiệm của mình, hơn là ghé mắt vào việc người khác, nhóm khác rồi trách cứ chê bai. Nếu được như thế, chắc chắn tổ chức nào, công việc nào cũng dẫn đến thành công trong niềm an lạc vui vẻ”.
Buổi chiều đầu tiên của khóa tu học là khai từ của Tổng Vụ Hoằng Pháp, bên Âu Châu giờ học này thông thường là do vị đứng đầu của Giáo Hội, là người điều hành tối cao phụ trách. Nhưng ở đây khác với những điều tôi thường thấy, ngay cả những buổi thuyết pháp sau đó, tuy cùng một đề tài mà luôn có hai Giảng sư. Có lẽ, theo suy nghĩ đơn giản của tôi, khoá tu chỉ 5 ngày mà Úc Châu có nhiều Cao Tăng mà thời gian chỉ có 5 ngày nên phải sắp xếp như thế thôi. Dù khai thị hay giảng pháp, mục tiêu vẫn là truyền đạt lời hay lẽ thiệt từ giáo pháp của Đức Thế Tôn cho hàng Phật tử. Qua đó, Hòa thượng Minh Hiếu thông báo thêm về mặt tổ chức, năm nay có sự thay đổi hình thức lẫn nội dung để đáp ứng nhu cầu cho Phật tử, sẽ cắt bớt hai buổi học giáo lý và thay vào đó:
– Một buổi niệm Phật hoặc ngồi Thiền. Nếu niệm Phật thì ngồi trong Chánh điện, còn lớp Thiền thì Phật tử ra sinh hoạt ngoài trời, thiền hành hoặc thiền tọa dưới gốc cây. Phật tử có quyền lựa chọn pháp môn mình thích.
– Một đêm cho Hoa đăng, đón mừng Khánh Đản Phật A Di Đà. (kính mời xem clip Đêm Hoa Đăng với 40 Chư Tăng Ni và 500 Phật tử xếp thành đồ hình hoa sen để cúng dường Phật A Di Đà tại Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 15, đẹp chưa từng thấy do nhóm Phật tử JLe Production phim bằng máy bay)
Tiếp lời với Hòa thượng Minh Hiếu trong lễ khai thị, Thượng tọa Tâm Phương ban giáo từ cho biết, trên thế giới này có nhiều tôn giáo. Có khoảng từ 5 đến 10 tôn giáo lớn trong đó có Phật giáo chúng ta. Mục đích của tôn giáo không phải chỉ để xây dựng đền đài nguy nga, lộng lẫy, mà nếu có, cũng chỉ là phương tiện để đáp ứng nhu cầu xây dựng con người hoàn hảo, toàn chân, toàn mỹ mà thôi và Thầy tán thán công đức của hàng Phật tử chúng tôi, trong dịp nghỉ hè, ngày này giờ này, đúng ra dành thì giờ…long nhong, đi chơi đây đó, sao lại ngồi đây để nhận được gì? Mục đích chỉ để tìm an lạc giải thoát cho chính mình và đem hạnh phúc về gia đình mình sau đó. Một câu chuyện thiết thực rất thâm thúy Thầy Tâm Phương kể mà chúng ta nên nhớ đời. “Có một cô Phật tử từ Cali tham dự một khóa tu học 2 tuần tại chùa…. Khi trở về đến phi trường thì đấng lang quân của cô vì kẹt xe không đón cô đúng giờ. Vừa gặp mặt chồng, ánh mắt cô lồng lộng, nét mặt cô hầm hầm, cô xổ một tràng chữ…nho như sư tử rống. Anh chồng ngớ người ra và hỏi: “Đây là kết quả tu học hai tuần của em đây sao?”. Qua câu chuyện đó, Thầy nhấn mạnh rằng, cần hành hơn học, một người dù đời đời nghiêm ngặt trì học giáo lý Đức Phật không bằng một ngày đoạn hết tham sân si. Và mong mỏi học viên chúng tôi, sau khoá học trở về sẽ nở hoa giác ngộ, tỏa hào quang thay cho bóng đèn trong nhà sẽ tiết kiệm được điện cho ngân quỹ gia đình. Riêng những ai mang danh xưng…tứ kiệt như tôi ” La chồng, mắng con, đánh dâu, nạt cháu” từ nay sẽ thay vào bốn chữ ” Công, dung, ngôn, hạnh”, đem hành động của mình đối xử với người thân trong gia đình theo giáo pháp đã học chính là thể hiện thân giáo vậy.
Buổi giảng Pháp được tiếp tục những ngày sau đó. Ở đây, tôi không thấy chia cấp lớp học 1, 2, 3, 4 như Âu Châu. Tất cả người lớn, mới cũng như cũ đều vào một lớp tại Chánh điện. Riêng các em nhỏ không thạo tiếng Việt mới được ưu ái chia ra 3 lớp, từ 6 đến 12, từ 13 đến 18 và trên 18 đều có Giảng sư thông thạo Anh văn hướng dẫn các em thôi. Riêng Âu Châu khâu này vô cùng vất vả, vì nhiều nước ngôn ngữ khác nhau, nào tiếng Đức, Đan Mạch, Hòa Lan, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan..v.v…tuy nhiên đa số các em đều học tiếng Anh nên đỡ phần nào, hoặc Giảng sư và anh chị Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cứ dùng tiếng Việt, biến khóa tu học là nơi tạo cơ hội cho các em nói, học và biết tiếng mẹ đẻ. Khi nào bí quá mới xổ tiếng Anh, hay em này giải thích cho em kia mà thôi.
Trở lại việc học giáo lý, bài học đầu tiên tại đây đó là Nhân Quả do nhị vị TT Như Định và ĐĐ Viên Tịnh phụ trách và Luân Hồi do TT Nguyên Tạng và ĐĐ Phổ Huân truyền đạt. Đề tài căn bản mà hầu hết Phật tử nào dù không học giáo lý cũng nghe và biết qua, thế nhưng có tin, hiểu và hành hay không đó là điều đáng nói. Riêng tôi, có cơ hội nghe nhiều từ các khóa tu học nhưng chưa thấm vào đâu. Bây giờ nghe lại như cơm nấu hoài hy vọng sẽ thành cháo. Nhưng cháo có ngon, có ăn được hay không do mình khéo léo nêm nếm gia vị.
Là Phật tử khi đã tin, hiểu và công nhận luật nhân quả, tất nhiên không thể từ chối luân hồi. Vì luân hồi chẳng qua là nhân quả liên tục. Vậy nhân quả và luân hồi là gì?
– Nhân là mầm, là nguyên nhân.
– Quả là trái, là kết quả.
– Luân là bánh xe.
– Hồi là xoay tròn.
Nhân quả luân hồi kết hợp với nhau khi hiện, khi biến, khi lên, khi xuống, khi mất, khi còn….thay hình đổi dạng như cắc ké sinh kỳ nhông, kỳ nhông sinh kỳ đà, kỳ đà lại sinh cắc ké. Và nhân quả, luân hồi chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá khứ, hiện tại, vị lai không chỉ vào đời sống chúng ta do chính ta tạo tác để chịu nghiệp báo mà còn mọi sự vật nữa. Do đó, để có một cuộc sống tốt đẹp, từ đời này đến kiếp sau, điều kiện ắt có và đủ, Phật tử chúng ta phải tạo nhân lành, mà nhân lành không gì hơn là tu thập thiện để được sanh lên cõi Thiên theo sự dẫn giải của nhị vị Giảng sư: Đại Đức Đạo Hiển và Thượng Tọa Tâm Minh.
Vậy tu thập thiện gồm những gì? – Đó là:
1- Không sát sanh.
2- Không trộm cắp.
3- Không tà dâm.
4- Không nói dối.
5- Không nói thô ác
6- Không nói lưỡi đôi chiều.
7- Không nói thêu dệt.
8- Không tham lam.
9- Không sân hận.
10- Không tà kiến.
Còn muốn kiếp sau tốt hơn nữa thì thực hành thêm Tứ Nhiếp Pháp:
1- Bố thí.
2- Ái ngữ.
3- Lợi hành.
4- Đồng sự.
Đó là đề tài mà nhị vị Giảng sư: ĐĐ Hạnh Phẩm và ĐĐ Hạnh Hiếu đã giảng vào tối ngày 31.12.2015. Trong bốn điều đó, Thầy Hạnh Phẩm còn nhấn mạnh rõ, chúng ta đừng hiểu sai “đồng sự ” là cùng nhau làm việc mà là cùng hòa mình trong công việc, cùng chia sẻ buồn vui, sướng khổ với nhau. Như vậy vẫn chưa đủ đâu mà phải sống trong Lục Hòa nữa như lời của nhị vị ĐĐ Hạnh Tri và TT Minh Hội.
Bạn ơi, bạn có muốn kiếp sau lên cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà thì niệm Phật đi bạn nhé, nhưng niệm lơ mơ nhất tâm….bấn loạn thì không được đâu, bạn phải nhất tâm…bất loạn mới được. Để được bất loạn thì phải dùng chân tâm, không vọng tưởng, không chấp trước, không phân biệt khi trì kinh. Trì như thế lâu năm sẽ có lực đấy. TT Phổ Hương và TT Đạo Thông dặn như thế. Đúng đấy bạn nhé, cứ nhìn những vị Lạt Ma Tây Tạng, chỉ chuyên tâm thọ trì thần chú “Án ma ni bát di hồng” nội lực thâm hậu khiến cho nghiệp chướng tiêu trừ và tái sinh như ý muốn!
Ối giời ôi là giời, chị Nhật Hưng ơi, tu gì mà lắm thế hở giời, em đây chỉ có năm giới mà giữ còn chưa vững đây, thôi, để em cố gắng nhé, gắng tu tập tinh tấn để khỏi phụ lòng Quí Thầy đã bỏ công sức truyền dạy cho em và cả cho chị Nhật Hưng nữa đấy. Nghe chị nói, em cứ nghĩ chị sắp thành…chánh quả rồi, nhớ có lên….cõi trên thì đừng quên em, cho em nắm áo nhé!
Thưa các bạn, Nhật Hưng tôi cũng như các bạn thôi, đều là con của Phật có nhân duyên gặp nhau trong cùng đạo tràng, chúng ta xách tấn và dìu dắt nhau thăng tiến trên đường đạo. Tôi cũng đang cố đây. Kỳ này, do TT Nguyên Tạng “bắt cóc bỏ dĩa” bắt tôi viết bài (xem bài), nộp gấp vào cuối khóa trong tình trạng đầy ắp chương trình không nhiều thời gian, nhưng lịnh của Thầy mấy ai từ chối được, tôi phải nghiên cứu thôi. Con dâu không ăn tằm sao có thể nhả tơ được hở bạn.
Bây giờ tôi nhả… tơ tiếp đây.
Ngoài những bài học giáo lý căn bản vừa nêu, cứ mỗi sáng từ 9 đến 11 giờ có chương trình “Phật pháp vấn đáp” rất sôi nổi. Nhiều câu hỏi nêu ra đã được giải quyết theo từng nhóm Giảng sư. Và sự xuất hiện bóng dáng của Ni đăng đàn cùng Tăng tham gia giải thích rất ngắn gọn mà hàm súc thỏa đáng được lòng mong đợi của Phật tử là một điểm son mừng cho Giáo Hội của Úc Châu chẳng những có nhiều Tăng tài mà Ni cũng giỏi nữa. Xin nghiêng mình ngưỡng mộ NS Tâm Lạc, NS Viên Thông, Ni Sư Huệ Khiết (ban thiết trí trang hoàng), Ni Sư Như Như, Sư Cô Thảo Liên (Adelaide, ban trai soạn) và SC Thảo Liên (ban giảng huấn).
Trong vô số câu hỏi không thể ghi hết trong bài này, cũng không thể nhớ hết, tôi chỉ quan tâm những điều mà bấy lâu tôi vô tình không để ý. Như chiếc lá cờ Phật giáo đang giăng đầy trước mắt cũng như thường gặp khi đến chùa, tôi có ngờ đâu, người phác họa ra lá cờ này là một Phật tử người Mỹ tên Henry Steel Olcott (1832-1907). Lá cờ với năm màu: Xanh dương, vàng, đỏ, trắng, cam tượng trưng cho Định, Niệm, Tinh tấn, Tín và Huệ; một dãy màu tổng hợp bên dưới hàng ngang của lá cờ tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo đồ trên thế giới. Với ý nghĩa như thế đã được hội đồng Giáo phẩm Tích Lan cùng thế giới công nhận.
Một câu hỏi thiết thực trong cuộc sống con người luôn đối đầu với nghịch cảnh không ai tránh khỏi, làm sao để biến thành Niết bàn, biến họa thành phúc. Thay cho câu trả lời, SC Thảo Liên đã kể một câu chuyện về một chàng kiếm khách tài ba tung hoành bốn biển, nhờ chữ nhẫn mà thoát khỏi họa sát thân. “…Khi kiếm khách về đến nhà, thấy vợ đang ôm một chàng trai lạ, thay vì vung gươm lên chém cho hả cơn giận, chàng kịp rút tay, hỏi ra mới biết vợ đang ôm mẹ mình. Vì chàng vắng nhà lâu, vợ mới nghĩ ra cách cho mẹ giả bóng dáng chàng để cho kẻ gian nghĩ là nhà có bóng dáng đàn ông.” Câu chuyện đơn giản chỉ thế thôi nhưng nói lên được sức mạnh và sự hiệu nghiệm của chữ nhẫn. Cũng trong ý nghĩa này, Hòa thượng Như Huệ cũng cho chúng ta hiểu sâu xa phương cách tu tập giữ thân, khẩu, ý cùng bỏ tham, sân, si sẽ giải được nghiệp để biến họa thành phúc vậy.
Một câu hỏi khác do một chàng đa tình thú nhận về tội dâm dục của mình, tôi ghi ra để giúp cho những ai…đồng bệnh giải quyết được cơn bịnh của thời đại, tu làm sao để diệt được chữ ái. Trong kinh Phổ Môn Đức Phật có dạy, hãy quán tưởng đến Ngài Quan Thế Âm, kính yêu Đức Quan Thế Âm hơn người tình, để hình bóng Ngài ngự trị trong tâm trí sẽ đuổi hết đám…ma nữ, cả ma nam đến quấy phá mình.
Chương trình Phật pháp vấn đáp vẫn sôi nổi vào mỗi buổi sáng, có tất cả gần 200 câu hỏi nhưng tôi không thể trình bày hết tại đây. Xin tạm gác lại để chuyển đề tài khác.
Về mặt tổ chức, nếu so với Âu Châu mỗi nơi mỗi vẻ, mười phân vẹn mười. Ở đâu cũng có cái hay riêng. Âu Châu với cả ngàn học viên, sinh hoạt sôi nổi sống động hơn, nhất là trong khóa tu còn buôn bán đủ thứ để đáp ứng nhu cầu của con người và vì văn hóa của nhiều nước trộn lại nên trông đa dạng, trong khi Úc chỉ hơn 500 học viên thuần nhất Úc, tu…sang hơn, nên trầm lắng nghiêm túc hơn. Dường như học viên Úc đã quen để thành tập khí cho nên không chỉ ở Chánh điện mà ngay phòng ăn cũng vô cùng yên lặng. Nhìn chung mọi việc đều lớp lang, nề nếp, nếu có khác, thì ở Úc, các Ni năng động, xông xáo hơn nhất là ở phòng ăn, bóng dáng các Ni điều động mọi khâu với sự trợ lực của Phật tử. Còn Âu Châu, trái lại, Phật tử năng nổ hơn. Nhưng dù Ni hay cư sĩ, điểm cuối vẫn là sự thành công đối với Giáo Hội, chứng tỏ một sự đoàn kết vững mạnh ” Tứ chúng đồng tu” để Phật giáo phát triển và trường tồn.
Ngoài ra tại Úc Châu, nhóm trẻ cũng hăng hái không kém. Tuy không sinh hoạt thuần nhất như lực lượng Gia Đình Phật Tử, nhưng các anh chị Huynh trưởng vẫn sát cánh với Giáo Hội, với ban tổ chức gánh vác các công việc thuộc giới trẻ. Một buổi hoa đăng cúng dường Phật A Di Đà xen trong chương trình học giáo lý, cũng do nhóm trẻ đảm nhiệm với sự cố vấn chỉ đạo của ĐĐ Thích Viên Trí. Sau lời mở đầu của HT Thích Minh Hiếu nói lên ý nghĩa truyền đăng trong Chánh điện bằng những đóa hoa sen nhấp nháy ánh điện và vinh danh 48 lời nguyện của Đấng Từ Phụ qua giọng đọc ấm áp, trong trẻo rõ ràng của Ni sư Huệ Khiết, anh em hướng dẫn tất cả học viên cùng sự chứng minh của Chư Tôn Đức ra sân cỏ, dưới bóng đêm se lạnh mọi người đứng kết thành đóa hoa sen lớn dâng lên mừng Khánh Đản Ngài.
Một chương trình đài phát thanh “Hương Từ Bi” đã được thành lập từ 3 năm nay phổ biến giáo lý Phật giáo, giới thiệu đến mọi người cũng do nhóm trẻ này thực hiện. Thật đáng khen quá chừng chừng.
Cuối cùng rồi năm ngày cũng trôi qua kết thúc Khoá Tu Học Phật Pháp Úc Châu với đêm Thiền Trà tối 1-1-2016 do Ni Sư Tâm Lạc, Ni Sư Viên Thông cùng 2 Phật tử Giác Quý và Thiện Bảo phụ tá làm MC. Sáng hôm sau 2-1-2016 là lễ bế mạc cuối khóa, BTC phát phần thưởng cho những học viên xuất sắc và phát mỗi người một chứng chỉ tham dự khóa tu học, đặc biệt mỗi học viên được BTC tặng 1 DVD hình ảnh slideshow và CD MP3 dung chứa tất cả những bài giảng trong khóa tu học. Mọi người ngậm ngùi chia tay với niềm luyến tiếc, hẹn năm sau gặp lại. Còn tôi, tôi từ biệt nơi đây trở về Thụy Sĩ xa xôi biết khi nào gặp lại, biết còn duyên với nhau nữa không. Không ai nói trước được. Nhưng trái đất vẫn tròn, tôi vẫn hy vọng có ngày trở lại. Có điều 5 ngày ngắn ngủi qua để lại trong lòng tôi đầy ắp kỷ niệm, sẽ là hành trang tôi đem về Thuỵ Sĩ, về Âu Châu kể cho bạn bè nghe như là món quà tinh thần trao đến bạn bè. Những hàng cây nơi đây, tiếng ve sầu, quạ kêu, con đường mòn ngày nhiều lần qua lại vẫn in dấu trong lòng tôi làm sao có thể quên được. Rồi Thầy, Cô, bạn đạo….nhiều người tôi chưa quen lắm nhưng vẫn thấy thân thương gần gũi vì đều là con Phật. Tôi như kẻ sinh sau đẻ muộn, nhưng vẫn là con của gia đình mà đấng cha lành chính là Đấng Từ Phụ.
Xin tri ân HT Thích Minh Hiếu (Trưởng Ban Tổ Chức) cùng quý Thầy, Cô đã bỏ công sức giảng dạy cho chúng con có những bài học hữu ích. Xin tri ân ban tổ chức đã vô vàn vất vả trong tinh thần “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường Chư Phật” đã hoàn thành một cách xuất sắc để đưa khóa tu học này đến thành công. Tạm biệt nhé mọi người, tạm biệt nhé rừng cây, tạm biệt nhé tiếng ve sầu thường cất lên mỗi sáng gợi cho tôi nhớ lại thuở học trò. Tạm biệt luôn dòng sông hằng ngày vẫn im lìm không lên tiếng, vẫn lặng lờ chảy không biết trôi về đâu. Tạm biệt…..Tạm biệt và kính chúc tất cả mọi sự an lành, tu tập tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật
Kỷ niệm Khoá Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 15.
Trần Thị Nhật Hưng.