Nhà báo Ngô Nhân Dụng là một người bạn lâu năm của chú Nguyễn Minh Cần. Hai người đã có dịp gặp nhau một vài lần và thường xuyên làm việc, trao đổi tin tức với nhau. Từ California nhà báo Ngô Nhân Dụng đã gửi những dòng cảm nghĩ của mình về người bạn tâm giao, một người anh đầy thương mến của mình như sau:
Nguyễn Minh Cần sống mãi
Nguyễn Minh Cần sống như một dòng suối trong veo. Anh được đào tạo theo mẫu những anh hùng liệt sĩ Việt Nam. Như Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hai lần khởi nghĩa, hai lần bị quân Pháp bắt, thong dong dặn giò vợ con trước khi chịu tử hình. Như Giải nguyên Nguyễn Cao khi bị bắt và được dụ hàng đã khẳng khái từ chối, rồi tự mổ bụng ném vào mặt quân giặc, nói: Ruột gan tôi như thế này, ai cũng biết cả rồi! Nguyễn Minh Cần là con người khẳng khái, minh bạch như hai “nhà nho tráng sĩ” hai thế kỷ trước.
Năm 17 tuổi Nguyễn Minh Cần đã tham dự cuộc cách mạng Tháng Tám giành độc lập ở Huế, quê hương ông. Năm sau ông đã vào đảng Cộng sản vì tưởng đây là con đường duy nhất để cứu nước. Sau này, khi biết chủ nghĩa cộng sản là sai lầm, chế độ cộng sản gây tai họa cho nhân loại, ông đã dứt khoát từ bỏ, dùng quãng đời còn lại vận động chấm dứt chế độ đó trên quê hương Việt Nam. Ngoài 20 tuổi ông đã làm uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên. Rồi ra Bắc hoạt động ở ngoại thành Hà Nội, sau năm 1954 làm Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố. Trong khi ông đang học Trường Đảng Cao Cấp ở Moskva, cộng sản Việt Nam thanh trừng nội bộ bằng chiến dịch chống Chủ nghĩa Xét lại. Năm 1964 Nguyễn Minh Cần ra khỏi đảng, xin tị nạn chính trị ở Liên Xô, làm nghề phiên dịch và viết sách, có khi ký tên là Alikanov để qua mắt công an Việt Cộng. Ông và vợ là bà Inna Malkhanova đã tham dự các cuộc biểu tình vào Tháng Tám năm 1990, khi chế độ cộng sản Liên xô đang sụp đổ. Ông thường kể rằng trong đời mình đã dự hai lần “cách mạng Tháng Tám!” Từ đó, ông tham gia tích cực vào cuộc vận động tự do dân chủ cùng với người Việt khắp thế giới. Ông tham dự các tập họp chính trị, viết sách viết báo cho đồng bào trong nước và hải ngoại đọc, lúc nào cũng lo gây dựng tình đoàn kết giữa những người cùng lý tưởng dân chủ tự do.
Mỗi lần ở nhà thương ra, anh lại viết thư ngay, báo tin anh vẫn khỏe để giúp bạn bè yên tâm! Viết thư, anh lại bàn ngay về những tin tức mới nhận được, anh muốn mọi người phải chú ý theo dõi, phải loan báo rộng rãi và phải công khai bầy tỏ ý kiến. Anh là một gốc cây già đứng vững qua bao nhiêu cơn bão táp. Phan Khôi đã mô tả cây cau là mẫu người lý tưởng của nhà nho Việt Nam, có thể gẫy chứ không uốn cong. Anh Nguyễn Minh Cần sống đúng theo mẫu mực đó.
Con người Nguyễn Minh Cần chứa một tấm lòng nhiệt thành, tận tụy vì lý tưởng; một tâm hồn ngay thẳng, đĩnh đạc, bộc trực gần như nóng nảy. Anh giản dị, chân thành, lo lắng cho công việc chung, cho tất cả bạn bè anh em. Hỏi tới chuyện nào anh cũng sẵn sàng nói và anh biết rất nhiều; không thấy anh ngần ngại hay tỏ ra muốn giữ kín một điều gì bao giờ. Anh và chị Inna là những con người trong suốt tràn đầy tình thương, là hiện thân của điều Thiện, như pháp danh của anh chị được thầy Như Điển khéo đặt, Thiện Mẫn và Thiện Xuân.
Sáu, bẩy năm trước đây, tôi tới Moskva gọi điện xin đến thăm anh chị. Anh nhất định đòi tới đón tôi tận khách sạn, giải thích rằng đường xe buýt rất tiện. Nghe anh nói mãi, tôi phải vâng lời, cũng vì nghe anh nói chị Inna đang nằm bệnh viện, trong nhà không có ai. Nhưng khi nhìn thấy anh tới, đang chờ bước qua đường, đứng nghiêng nghiêng một bên, tay chống gậy, tôi tự trách mình đã không cãi lời anh. Anh vẫn trấn an: Không, tôi vẫn khỏe, đi lại thế này càng khỏe hơn. Tôi xin anh đưa đi thăm chị nhưng anh gạt đi: Bất tiện lắm, bất tiện cho cả chị nữa. Lúc nào anh cũng nghĩ tới, cũng lo cho người khác.
Tuổi già giọt lệ như sương. Nhưng sáng nay mở email ra đọc tin anh Nguyễn Minh Cần qua đời, bao nhiêu bạn bè và các em của anh không thể cầm được nước mắt. Cành Nam ở Moskva bật khóc: “Trời cao đất dày ơi! Sao mà Tạo Hóa bất công thế này?” Chị Quản Mỹ Lan ở Pháp viết: “… anh Nguyễn Minh Cần ra đi … là nỗi mất mát kinh khủng nhất!” Nguyễn Mậu Trinh ở Mỹ chia sẻ: “Khi anh Nguyễn Ngọc Bích đi mình email cho anh Cần nói…. ‘Thôi bây giờ chỉ còn anh em mình, ráng làm cho xong một số công việc anh Bích chưa làm xong…’ Nay cả hai ông bỏ lại tất cả cho chúng mình!” Linh mục Nguyễn Hữu Lễ ở New Zealand viết: “Nguyện cầu vong linh anh Nguyễn Minh Cần được an nhàn nơi cõi phước.”
Chắc giờ này anh Nguyễn Minh Cần đang “được an nhàn nơi cõi phước” như Linh mục Nguyễn Hữu Lễ cầu nguyện. Anh đã chứng kiến và chia sẻ bao nhiêu nỗi khổ đau của đồng bào, của đất nước. Giờ đây anh đã đi xa trong ba ngàn thế giới, anh đã vượt ra ngoài cõi tục lụy trần gian, anh có thể quên, “không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng.” Anh đã hiến dâng cả cuộc đời chỉ mong quê hương được sống tự do, dân chủ. Bây giờ, hương hồn anh không còn bị trói buộc trong “biển gió cát muôn trùng” này nữa. Những người còn ở lại sẽ tiếp tục con đường anh đã cùng đi qua, mỗi người cố mang trong mình bầu máu nóng, nghị lực mạnh mẽ và đức trong sáng của Nguyễn Minh Cần. Anh sẽ sống mãi với đồng bào, với phong trào phục hưng tổ quốc trong thế kỷ này. Cầu nguyện anh “an nhàn nơi cõi phước.”