SỐ 684
KINH ÂN CHA MẸ KHÓ BÁO ÐÁP
Hán dịch: Ðời Hậu Hán, Ðại sư An Thế Cao.
Nghe như vậy:
Một thời, Ðức Thế Tôn ngụ tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ðức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
–Cha mẹ đối với con cái có ân đức rất lớn: Bú mớm dưỡng nuôi, theo thời để dạy bảo, thân bốn đại nơi con mới được thành hình. Như có người con vai bên phải cõng cha, vai bên trái cõng mẹ, trải qua hàng ngàn năm luôn thuận hợp như thế, không hề dấy tâm oán trách cha mẹ, thì người con ấy hãy còn chưa đủ để báo đáp ân đức của cha mẹ mình.
Nếu cha mẹ không có lòng tin thì chỉ dẫn khiến cha mẹ có lòng tin, đạt được sự an ổn. Cha mẹ không biết về giới luật thì dẫn dắt, chỉ bày về giới, khiến đạt được nơi chốn an ổn. Cha mẹ không biết nghe pháp thì khiến cha mẹ được nghe, đạt được chỗ an ổn. Cha mẹ tham lam, keo kiệt, thì nên vui vẻ khuyến khích, giúp cho cha mẹ ưa thích bố thí, đạt được sự an ổn. Cha mẹ không có trí tuệ thì gắng sức giáo hóa khiến có phương tuệ sáng, đạt mọi an ổn. Như thế là giúp cho cha mẹ tin nơi Phật là bậc Giác ngộ, gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Chỉ dẫn cho cha mẹ tin nơi pháp, đạt được chốn an ổn. Các pháp thâm diệu, Phật đã hiện thân chứng đạt quả. Nghĩa lý sâu xa người trí như vậy là phải thông tỏ, theo đấy mà hành hóa.
Lại chỉ dẫn cho cha mẹ tin tưởng nơi Thánh chúng. Thánh chúng của Như Lai, hạnh hết mực thanh tịnh, luôn hòa hợp, ngay thẳng, không dối trá, thành tựu về các pháp, thành tựu về giới, về định, về trí tuệ, về giải thoát và giải thoát tri kiến. Thánh chúng của Như Lai, đó là chư vị đã đạt được bốn hướng bốn quả (Hướng Tu-đà- hoàn, quả Tu-đà-hoàn. Hướng Tư-đà-hàm, quả Tư-đà-hàm. Hướng A-na-hàm, quả A-na-hàm. Hướng A-la-hán, quả A-la-hán). Chư vị là những bậc hết sức tôn quý, phải nên cung kính, tôn phụng, là ruộng phước vô thượng của thế gian.
Các người con như thế là phải chỉ dẫn cho cha mẹ hành theo Từ bi. Chư vị Tỳ-kheo có hai nghĩa vụ làm con: Ðó là nghĩa vụ đối với bậc sinh thành (cha mẹ) và nghĩa vụ làm con đối với nơi chốn đã dưỡng dục mình (Thầy, Tổ, chùa chiền). Vì vậy các Tỳ-kheo cần phải tu học để thực hiện nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ. Miệng phát ra lời nói luôn mang đậm pháp vị. Các vị Tỳ-kheo cần phải tu học như thế.
Lúc này, các Tỳ-kheo, nghe Phật giảng nói đều hoan hỷ phụng hành.
SỐ 685
KINH VU-LAN-BỒN
Hán dịch: Ðời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Ðức Phật trú tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, bấy giờ, Trưởng giả Ðại Mục-kiền-liên mới chứng đắc sáu thứ Thần thông, muốn cứu độ cha mẹ để báo ân đức sâu dày dưỡng dục, bèn dùng Ðạo nhãn quán sát khắp thế giới, thấy người mẹ đã qua đời của mình bị đọa trong loài ngạ quỷ, không được uống ăn nên thân hình chỉ còn da bọc lấy xương. Tôn giả Mục-liên thấy vậy vô cùng xót thương, buồn bã, liền lấy bát đựng đầy cơm và vận dụng Thần thông đem hiến dâng cho mẹ. Bà mẹ vừa nhận được bát cơm, liền dùng tay trái che đậy, tay phải bốc ăn, cơm chưa vào miệng đã hóa thành than hồng nên không thể ăn được. Tôn giả Mục-liên lớn tiếng kêu khóc trở về bạch Phật, thuật lại đầy đủ mọi sự việc như vậy.
Ðức Phật bảo:
–Mục-liên! Thân mẫu của ông tội chướng sâu dày, không phải năng lực một mình ông có thể cứu được. Tuy lòng hiếu thảo của ông vang động trời đất, nhưng những Thiên thần, địa kỳ, tà ma ngoại đạo, đạo sĩ và bốn vị Thiên vương cũng không thể làm gì được. Nay ông phải nhờ vào oai lực của Tăng chúng ở mười phương thì mới có thể siêu thoát được.
Nay ta chỉ dạy cho ông phương pháp cứu tế để cho tất cả những kẻ khổ nạn cũng được siêu thoát.
Này Mục-liên! Ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ của mười phương Tăng chúng, nên vì cha mẹ bảy đời, cha mẹ hiện tại, những người đang ở trong vòng khổ nạn luân hồi, mà sắm sửa đầy đủ cơm, thức ăn, năm thứ trái cây, bồn chậu múc nước, hương dầu đèn nến, giường chõng, đồ nằm đầy đủ, đều là loại tươi ngon, tốt đẹp ở đời để dâng cúng đại đức chúng Tăng ở khắp mười phương. Chính trong ngày này, các vị Hiền thánh tăng hoặc tu thiền định; hoặc thường đi kinh hành ở dưới gốc cây lớn; hoặc là hành Thanh văn, Duyên giác đầy đủ sáu Thần thông, giáo hóa tự tại. Hoặc những vị Bồ-tát, Ðại sĩ đã lên Ðịa thứ mười, mà lại phương tiện hiện tướng Tỳ-kheo. Tất cả đều quy tụ trong hàng chúng Tăng, đồng đẳng nhất tâm mà thọ Tự tứ. Vì giới pháp thanh tịnh đầy đủ, nên đạo đức của Tăng chúng sâu rộng mênh mông. Nếu có người dâng cúng chúng Tăng Tự tứ như vậy thì tất cả cha mẹ bà con quyến thuộc trong đời hiện tại đã quá vãng sẽ được siêu sinh trong ba đường khổ liền được đầy đủ áo cơm. Nếu cha mẹ lục thân quyến thuộc còn sống thì được hưởng phước lạc sống lâu trăm tuổi, còn cha mẹ quá khứ bảy đời thì được sinh lên cõi trời Tự tại hóa sinh ở trong cõi trời, hoa lệ chói sáng, hưởng vô lượng phước lạc.
Bấy giờ, Phật bảo chúng Tăng ở mười phương trước tiên phải chú nguyện cha mẹ bảy đời của tín thí rồi sau mới thọ thực. Lại nữa, trước án bàn thờ Phật sắp đặt mọi thứ; tại nơi Tăng chúng hoặc ở trong chùa tháp cũng vậy, chúng Tăng đều phải chú nguyện trước sau rồi mới thọ thực.
Khi ấy, Tôn giả Mục-liên cùng với chư vị Ðại sĩ, Bồ-tát đều rất hoan hỷ, tiếng than khóc bi thương của ngài Mục-kiền-liên cũng tan biến. Thân mẫu của ngài cũng trong ngày ấy được thoát khổ trong loài ngạ quỷ.
Khi ấy ngài Mục-kiền-liên lại bạch:
–Bạch Thế Tôn! Thân mẫu của con đã được siêu thoát, đó là nhờ năng lực công đức Tam bảo, trong đó cũng có uy lực của Tăng chúng. Nếu đời vị lai, tất cả đệ tử Ðức Phật muốn hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ thì kinh Vu-lan-bồn này có thể cứu độ cha mẹ hiện tại cho đến cha mẹ bảy đời chăng?
Ðức Phật nói:
–Này Mục-kiền-liên! Rất hay. Ðiều mà Như Lai muốn nói Tôn giả đã hỏi.
Này thiện nam! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, quốc vương, vương tử, đại thần, tể tướng, tam công, bách quan cùng cả thảy dân chúng muốn thực hành đức từ hiếu, trước nên vì cha mẹ hiện tiền, kế đó cha mẹ bảy đời trong quá khứ là cứ đến rằm tháng bảy, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng Tự tứ, nên sắp đặt đủ thứ các loại trái cây, thức ăn, nước uống vào bồn Vu-lan để dâng cúng chư Tăng ở mười phương. Ngày chư Tăng Tự tứ cầu nguyện cha mẹ hiện còn, sống lâu trăm tuổi, không bệnh tật. Cha mẹ trong bảy đời quá khứ thoát khỏi khổ đau trong loài ngạ quỷ, được sinh trong cõi trời, người phước lạc an vui.
Thiện nam, thiện nữ là đệ tử của Ðức Như Lai phải nên thực hành chữ hiếu, trong mỗi niệm thường thương tưởng đến cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ bảy đời trong quá khứ. Hằng năm đến ngày rằm tháng bảy, đem lòng từ hiếu thương tưởng song thân hiện tiền, cha mẹ bảy đời quá khứ, sắm sửa bồn Vu-lan, hiến cúng Phật-đà, dâng cúng chúng Tăng để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nếu là đệ tử của Ðức Phật thì phải tuân giữ những điều trên đây.
Lúc ấy, Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên cùng với bốn chúng đệ tử nghe Phật giảng dạy đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.
SỐ 686
KINH BÁO ÂN PHỤNG BỒN
Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn.
Nghe như vầy:
Một thời, Ðức Thế Tôn ngụ tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên mới chứng đắc sáu thứ Thần thông, muốn cứu độ cha mẹ để báo ân đức sinh thành, nuôi dưỡng, bèn dùng đạo nhãn quan sát khắp thế giới, thấy người mẹ đã qua đời của mình bị đọa trong cõi ngạ quỷ, không được ăn uống nên thân hình chỉ còn da bọc xương. Tôn giả Mục-liên thấy vậy thì vô cùng thương xót, buồn bã, liền lấy bát đựng đầy cơm vận dụng thần thông đem hiến dâng cho mẹ. Bà mẹ nhận được bát cơm, bèn dùng tay trái che cơm, tay phải vốc ăn, nhưng cơm chưa vào tới miệng đã hóa thành than lửa nên không thể ăn được. Tôn giả Mục-liên vội vàng trở về thưa với Ðức Phật, thuật lại đầy đủ sự việc như vậy.
Phật nói:
–Thân mẫu của Tôn giả gốc rễ nơi tội chướng kết buộc đã quá sâu dày, không phải năng lực của một mình Tôn giả có thể giải cứu, mà phải nhờ vào diệu lực từ uy thần của chúng Tăng mới được giải thoát. Hôm nay, Như Lai sẽ chỉ dạy phương thức cứu vớt, khiến cho hết thảy những kẻ khổ nạn đều được lìa thoát.
Phật nói:
–Này Tôn giả Mục-liên! Rằm tháng bảy là ngày Tự tứ của chúng Tăng, nên vì cha mẹ nơi bảy đời, cha mẹ hiện tại, những kẻ đang ở trong vòng khổ nạn mà sắm sửa đầy đủ cơm, thức ăn, năm thứ trái cây, bồn chậu múc nước, hương dầu đèn nến, giường chõng, đồ nằm, đều là loại ngon, tươi, tốt đẹp ở đời, để hiến cúng chúng Tăng. Chính trong ngày ấy, tất cả Thánh chúng, hoặc tu tập thiền định nơi rừng núi, hoặc đã chứng đắc bốn đạo quả, hoặc thường kinh hành bên cội cây, hoặc là hàng Thanh văn, Duyên giác đạt được sáu Thần thông, vận dụng để giáo hóa, hoặc là Bồ-tát Ðại sĩ, theo phương tiện mà hiện tướng Tỳ-kheo, tất cả quy tụ nơi đại chúng, đều cùng nhất tâm thọ nhận Tự tứ. Do có đầy đủ giới pháp thanh tịnh, nên đạo đức của Thánh chúng ấy sâu rộng bao la.
Người nào hiến cúng cho chúng Tăng tự tứ đã nói trên đây, thì cha mẹ trong bảy đời cùng năm loại thân thuộc được ra khỏi cảnh khổ nơi ba đường dữ, tức thì đạt giải thoát, áo cơm tự nhiên.
Phật bảo chúng Tăng nên vì gia đình của thí chủ mà chú nguyện, chú nguyện cho đến cha mẹ trong bảy đời của họ, tập trung tâm ý để chú nguyện, rồi sau mới thọ thực.
Tôn giả Mục-liên cùng tất cả đại chúng đều hoan hỷ, tín thọ phụng hành.
SỐ 687
KINH HIẾU TỬ
Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn.
Phật hỏi các vị Sa-môn:
–Cha mẹ sinh con, mẹ thì mười tháng mang thai, thân như đang bị bệnh nặng. Ðến ngày sinh con, mẹ thì nguy khổ, cha thì lo sợ, tình cảnh ấy thật khó nói hết.
Sau khi con ra đời, mẹ phải nhường chỗ khô ráo mà nằm chỗ ẩm ướt. Tinh huyết nơi lòng thương con của người mẹ đã hóa thành sữa trắng. Rồi nào xoa lau, tắm rửa, quần áo, thức ăn, đồ uống, bảo ban chỉ dạy. Rồi nào lễ lượt nơi thầy, bạn, cống nạp cho vua quan. Dung mạo của con tươi tắn thì cha mẹ cũng vui thích, còn nếu con buồn rầu thì tâm tư của cha mẹ như thể khô héo. Ra khỏi cửa thì nhớ thì thương, vào trong nhà thì gìn thì giữ, tâm lúc nào cũng lo lắng, chỉ sợ con mình làm điều bất thiện. Ân của cha mẹ như vậy làm thế nào để báo đáp?
Các vị Sa-môn thưa:
–Tất phải suốt đời lễ kính với tâm Từ để cung phụng, dưỡng nuôi nhằm báo đáp ân sâu của cha mẹ.
Ðức Thế Tôn lại hỏi:
–Người con phụng dưỡng cha mẹ: Trăm vị ngọt ngon luôn dâng nơi miệng không khi nào thiếu. Nhạc hay, lời đẹp với đủ loại cung bậc luôn làm vui bên tai. Áo tốt, quần sang lúc nào cũng sạch mới để cha mẹ mặc. Lại, hai vai cõng cha mẹ đi khắp mọi chốn, trọn đời như vậy để báo đáp ân sinh thành. Tất cả những việc làm như thế đáng gọi là hiếu chăng?
Các vị Sa-môn thưa:
–Bạch Thế Tôn! Cái lớn lao của đạo hiếu hẳn không còn gì hơn được.
Ðức Thế Tôn nói:
–Ðấy chưa phải là hiếu trọn vẹn! Nếu cha mẹ ương bướng, tối tăm, không biết kính thờ Tam bảo, lại hung dữ, ưa giết hại, trộm cắp càn bậy không đúng lý, nặng theo dâm dục, lời nói hư dối trái đạo, rượu chè say sưa… thì người con phải dốc sức khuyên can, giúp cho cha mẹ tỉnh ngộ. Nếu còn mù mờ, chưa chịu tỉnh ngộ, tức phải vì nghĩa mà khuyến hóa: Nêu dẫn các chốn lao ngục của vua chúa, kẻ tù phải chịu bao thứ hình phạt, đều là hạng phạm pháp vô đạo. Mạng chung thì thần thức bị đọa vào địa ngục: Nước sôi, lửa dữ, muôn thứ độc hại, riêng mình phải chịu, không ai cứu được. Giả như cha mẹ vẫn chưa chuyển đổi, thì người con phải gào khóc kêu la, tuyệt đường ăn uống. Cha mẹ tuy không sáng suốt, nhưng do thương con, sợ con phải chết, nên có thể gắng nhẫn chịu, chế ngự tâm ý quay về nẻo chánh. Nếu cha mẹ đã chuyển ý, tin kính Phật, pháp thì khuyên phụng trì năm giới: Có lòng nhân, thương người, vật nên không sát sinh. Trong sạch, khiêm cung, nên không trộm cắp. Trinh, khiết nên không dâm dật. Giữ lấy điều tín nghĩa nên không nói lời dối trá. Hiếu, thuận nên không rượu chè say sưa. Như thế thì trong tông môn, cha lành, con hiếu, chồng chánh vợ trinh, hàng họ thuận hòa, kẻ dưới luôn tuân phục, ân ích lan xa, muôn loài cùng nhờ. Chư Phật trong mười phương, tám bộ chúng, vua hành chánh đạo, quan trung thành, muôn dân vạn họ, không ai là không khen ngợi yêu kính… Cha mẹ như vậy là ở đời luôn được an lạc, mạng chung thì sinh lên cõi trời, cùng gặp chư Phật, nghe pháp, tu tập để giải thoát, dứt hẳn mọi khổ.
Ðức Phật bảo các vị Sa-môn:
–Những điều mắt thấy ở thế gian chưa phải là hiếu. Chỉ có thực hành như thế mới là hiếu. Tức có thể khiến cho cha mẹ bỏ ác, theo thiện, quy kính Tam bảo, giữ năm giới. Nếu không dùng Tam bảo để khuyến hóa cha mẹ, thì người con tuy có hiếu dưỡng đủ đường cũng vẫn xem là bất hiếu…
Do đấy, các Sa-môn luôn sống nơi cảnh giới tĩnh lặng, tâm chí thanh khiết, lấy đạo pháp làm lẽ sống, vâng phụng giữ giới luật. Làm vua thì phải lo giữ gìn đất nước, che chở muôn dân, làm quan thì trung thành, luôn lấy nhân từ để dưỡng nuôi dân. Tức cha thì nêu pháp sáng, con thì hiếu, lành, chồng tín, vợ trinh. Hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hành trì như vậy thì đời đời gặp Phật, thấy pháp, đạt đạo.
Phật nêu giảng như thế, các đệ tử đều hoan hỷ, phụng hành.