PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
QUYỂN 21
Thiên thứ 10: PHƯỚC ÐIỀN
Gồm có 3 phần: Thuật ý, Hơn kém, Bình đẳng.
Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý
Từ khi đức Từ phụ nhập Niết-bàn, các đệ tử được hưởng phúc lành, thay thế hoằng dương trong thời mạt pháp, tùy cơ hóa độ các nước khắp chốn Ta-bà. Nếu nhận thức khác nhau, tuy ở chung nhà, vẫn thấy một Trời xa lạ. Cảm thông cùng giống hệt, dù cách đôi ngã vẫn thấy gần gũi tấc gang. Thế nên, vừa biết kính Tăng, đã khai thông thanh tịnh, mới bố thí mảy mọn, lục độ đã trở nên vô biên.
Thứ hai: PHẦN HƠN KÉM
Như Kinh Ưu-bà-tắc-giới nói: “Ðức Phật bảo, phước điền ở thế gian có ba loại:
1- Là báo ân điền
2- Là công đức điền
3- Là bần cùng điền.
Báo ân điền là cha mẹ, sư trưởng và Hòa thượng. Công đức điền là từ khi được nghe pháp cho đến khi chứng quả A-nậu-bồ-đề. Bần cùng điền là tất cả mọi người bần cùng khốn khổ. Ðức Phật là hai loại phước điền báo ân và công đức. Pháp cũng thế. Chư Tăng là ba loại phước điền báo ân, công đức và bần cùng. Vì thế, người mới thọ giới cần phải dốc lòng cúng dường Tam bảo.
Nếu có người cùng bố thí của cải, phước điền và tâm bố thí bằng nhau, thì phước đức ấy cũng sẽ như nhau. Nếu của cải và tâm bố thí bằng nhau, nhưng phước điền lớn hơn, thì được phước báo lớn hơn. Nếu phước điền và của cải đều ít, nhưng tâm bố thí lớn hơn, thì phước báo cũng lớn hơn. Nếu phước điền và của cải lớn, nhưng tâm bố thí nhỏ thì phước báo cũng không lớn. Này thiện nam tử! Kẻ sáng suốt, khi bố thí, không nhắm đến phước báo. Tại sao? Vì đã biết rằng, hễ gieo nhân lành, chắc chắn sẽ hưởng quả phước tốt đẹp”.
Lại nữa, kinh Tăng-già-tra nói: “Đức Phật bảo các Bồ-tát dũng mãnh rằng, nếu tất cả tam thiên đại thiên thế giới chứa đầy hạt mè, số lượng Chuyển-luân-vương cũng nhiều như thế. Nếu có người cúng dường hết thảy các Chuyển-luân-vương này, công đức không bằng cúng dường một Tu-đà-hoàn. Nếu cúng dường tất cả Tu-đà-hoàn trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một Tư-đà-hàm. Nếu cúng dường tất cả Tư-đà-hàm trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một A-na-hàm. Nếu cúng dường tất cả A-na-hàm trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một A-la-hán. Nếu cúng dường tất cả A-la-hán trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một Bích-chi Phật. Nếu cúng dường tất cả Bích-chi Phật trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một Bồ-tát. Nếu cúng dường tất cả Bồ-tát trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng phát tâm thanh tịnh cúng dường một đức Phật. Nếu phát tâm thanh tịnh cúng dường tất cả chư Phật trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một kẻ phàm phu phát tâm nghe pháp môn này, huống gì sao chép, đọc tụng thọ trì? Bấy giớ, tất cả đại chúng bạch đức Phật rằng: “Thưa đức Thế-tôn, phước đức của một đức Phật lớn đến thế nào?” Ðức Phật đáp rằng: “Thí dụ số lượng tất cả chúng-sinh nhiều như các hạt bụi nhỏ nhoi khắp hà sa thế giới đều biến thành các Bồ-tát thập địa, tất cả công đức của hết thảy các Bồ-tát thập địa này cũng không sánh bằng công đức của một đức Phật”.
Lại nữa, kinh A-tỳ-đàm-cam-lộ-vị nói rằng: “Phước đức có ba loại:
1. Là đại đức điền.
2. Là bần khổ điền
3. Là đại đức bần khổ điền.
Ðại đức điền là gì? Ấy là Bích-chi Phật và các Sa-môn chứng quả. Sao gọi là bần khổ điền? Ấy là các chúng-sinh và những người già yếu bệnh hoạn. Sao gọi là đại đức bần khổ điền? Ấy là các Thánh Tăng và những người già yếu bệnh hoạn. Nếu bố thí cho đại đức điền với lòng cung kính, sẽ được phước báo lớn. Nếu bố thí cho bần khổ điền với lòng thương xót, sẽ được phước báo lớn. Nếu bố thí cho đại đức bần khổ điền với lòng cung kính và thương xót, sẽ được phước báo lớn. Như thế gọi là phước điền thanh tịnh. Thế nào gọi là vật thanh tịnh? Không giết hại, không trộm cắp, không lừa dối mà có, tùy khả năng sở hữu ít nhiều vật tinh khiết, đem ra bố thí, gọi là vật thanh tịnh. Nếu bố thí đức Phật, lập tức sẽ được mọi phước báo. Nếu bố thí chư Tăng, được thọ dụng, sẽ được mọi phước báo. Nếu chư Tăng chưa thọ dụng, sẽ không được mọi phước báo. Nếu cúng dường pháp, sẽ được mọi phước báo. Nếu đem pháp cúng dường những người tu học thông minh, trí tuệ sáng láng, gọi là cúng dường pháp. Bố-thí thì được giàu có, thọ thì lại càng được vui vẻ, sức khỏe và tuổi thọ. Công đức càng cao, sẽ được phước báo càng lớn. Nếu bố thí cho loài vật, sẽ hưởng được phước báo trăm đời. Nếu bố thí cho người xấu sẽ được phước báo nghìn đời. Nếu bố thí cho người tốt sẽ được phước báo nghìn vạn đời. Nếu bố thí cho kẻ phàm đã lìa dục, sẽ được phước báo nghìn vạn ức đời. Nếu bố thí cho bậc đắc đạo, sẽ được phước báo vô lượng kiếp. Nếu bố thí cho đức Phật, sẽ được nhập Niết-bàn. Lại nữa, bố thí có sáu loại:
1. Là bố thí do kiêu ngạo.
2. Là bố thí do cầu danh
3. Là bố thí do ỷ thị vào sức lực
4. Là bố thí do ép buộc
5. Là bố thí do nhân-duyên
6. Là bố thí do trông mong vào phước báo”.
Lại nữa, kinh Phật thuyết-hoa-tụ-đà-la-ni nói: “Ðức Phật bảo nếu lại có người đem thất bảo lớn như núi Tu-di bố thí cho các Thanh văn và Bích-chi Phật suốt một kiếp, công đức cũng không sánh bằng có người xuất gia hay tại gia đem một đồng tiền bố thí cho người mới phát tâm Bồ-đề. Công đức trên không bằng một phần nghìn của công đức này, thậm chí không thể tính toán, so sánh nổi”.
– Kinh Bảo-lương nói: “Ðức Phật bảo: “Này, các thiện nam tử! Nay ta nói trên thế gian có hai hạng người đáng được bố thí:
1. Là những người tu hành tinh tiến.
2. Là những người đã giải thoát.
Có ba loại bố thí khiến cho thí chủ được phước báo:
1. Là thường bố thí thức ăn.
2. Là bố thí phòng ốc cho chư Tăng.
3. Là có từ tâm. Trong ba loại này, từ tâm đứng đầu”.
Lại nữa, kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói: “Tu-đạt nhà cửa nghèo nàn, không có của cải, nhưng thuần thành nhân đức. Ðức Phật dạy phép bố thí, Tu-đạt bạch rằng: “Bố thí nhiều hay ít?” Ðức Phật dạy: Có loại bố thí tuy nhiều, nhưng được phước báo ít. Có loại bố thí tuy ít nhưng được phước báo nhiều, như bố thí tuy nhiều, nhưng không có thành tâm, ngã mạn tự đại, tin tưởng tà thuyết đảo điên, không bố thí cho các bậc tu hành tinh tiến, nên được phước báo ít ỏi. Giống như ruộng xấu, gieo hạt thật nhiều, nhưng thâu hoạch rất kém. Sao gọi là bố thí ít, nhưng lại được phước báo nhiều? Ấy là phép bố thí ít, nhưng có lòng vui vẻ, cung kính, không mong đợi trả ơn và bố thí cho chư Phật, Bích-chi Phật cùng các Sa-môn chứng quả. Thế nên, dù bố thí ít, nhưng được phước báo nhiều, giống như ruộng tốt, gieo hạt dù ít, nhưng thu hoạch rất nhiều”.
Lại nữa, luận Trí-độ nói: “Ðem tâm đại bi bố thí, phẩm vật tuy giống nhau, nhưng được phước báo nhiều ít, tùy thuộc vào tâm ấy mạnh hay yếu. Giống như Xá-lợi-phất đem một bát cơm cúng dường đức Phật, đức Phật lại đem bát cơm ấy bố thí cho chó, rồi hỏi Xá-lợi-phất: “Ông đem bát cơm cúng dường ta, ta lại đem cho chó, ai được phước báo nhiều hơn?” Xá-lợi-phất thưa: “ Như con hiểu ý của đức Phật, đức Phật bố thí cho chó được phúc nhiều hơn. Phật điền lớn nhất, không gì bằng bố thí cho chó”. Do đó, có thể biết rằng, phước báo lớn nhỏ do tâm chứ không do phước điền. Giống như tâm của Xá-lợi-phất, dù lớn gấp nghìn vạn ức lần, cũng không bằng tâm của đức Phật. Tại sao? Vì tâm là chủ tể bên trong, còn phước điền chỉ là sự vật bên ngoài mà thôi.
Cũng có trường hợp phước báo của bố thí lớn nhỏ tùy thuộc vào phước điền. Như ngày xưa, A-la-hán Ức-nhĩ đem một bông hoa cúng dường ở tháp Phật, được hưởng phước báo chín mươi mốt kiếp an lạc trong các cõi Trời người, phước báo còn lại giúp chứng thêm quả A-la-hán. Cũng giống như vua A-du-ca lúc thiếu thời, đem nắm đất dâng lên đức Phật, sau này được phước báo làm vua cõi Diêm-phù-đề, xây nên tám vạn ngôi tháp và cuối cùng đắc đạo, vật bố thí ấy hết sức tầm thường và tấm lòng trẻ thơ còn quá nhỏ bé, nhưng nhờ phước điền rất lớn, nên được hưởng phước báo lớn lao. Nên nhớ phước báo lớn do phước điền tốt đẹp sinh ra. Trong hai truyện lớn và vừa kể trên, ba yếu tố tâm vật và phước điền đều đầy đủ, tốt đẹp giống như lúc đức Phật rải hoa cúng dường đức Phật khắp mười phương.
Hỏi: “Làm thế nào cho phước báo bố thí ấy tăng thêm?”
Ðáp: “Nên bố thí đúng lúc thì phước báo sẽ tăng thêm. Theo kinh nói, nếu bố thí lúc đói khát, phước báo sẽ tăng thêm. Hoặc bố thí thường xuyên, hoặc nghĩ cách bố thí chỗ khách xa đi đến, như nơi hiểm trở, đường vắng, phước báo sẽ được tăng trưởng lớn lao hơn”.
Lại nữa, kinh Tăng-nhất-A-hàm nói: “Bố thí thức ăn cho súc vật sẽ được phước báo gấp trăm lần. Bố thí thức ăn cho người phạm giới, sẽ được phước báo gấp nghìn lần. Bố thí thức ăn cho người giữ giới, sẽ được phước báo gấp vạn lần. Bố thí thức ăn cho đạo sĩ diệt dục, sẽ được phước báo gấp nghìn vạn lần. Bố thí thức ăn cho Tu-đà-hoàn, sẽ được vô lượng phước báo, huống chi bố thí thức ăn cho bậc Tư-đà-hàm đã chứng quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm đã chứng quả A-na-hàm, A-la-hán đã chứng quả La-hán, Bích-chi Phật đã chứng quả Bích-chi Phật, sẽ được phước báo vô lượng vô biên, không thể tính toán nổi!”
Lại nữa, luận Trí-độ nói: “Ngày xưa, trong thành Phất-ca-la thuộc nước Ðại Nguyệt. Chi có một họa sư tên là Thiên-na, sang phương đông ở trọ trong nước Ða-sát-thi-la để vẽ mướn suốt mười hai năm, tích lũy được ba mươi lượng vàng, bèn mang về nước. Ðến thành Phất-ca-la, nghe tiếng trống đại hội, mau bước đến xem. Thấy chư Tăng thuần thành, thanh tịnh, liền hỏi tri sự: “Ðại chúng chi dụng một ngày hết bao nhiêu?” Tri sự đáp: “Hết ba mươi lượng vàng”. Thiên-na lấy hết số vàng giao cho tri sự: “Nhờ tri sự giúp tôi lo liệu một ngày ăn cho đại chúng. Ngày mai, tôi sẽ về tay không”. Ðến nhà, vợ ông ta hỏi: “Làm suốt mười hai năm, kiếm được bao nhiêu?” Thiên-na trả lời: “Ðược ba mươi lượng vàng”.
Vợ hỏi gấp: “Ðể ở đâu?”
Ðáp: “Ðã đem làm hạt giống trong ruộng phước”.
Vợ hỏi gằn: “Ruộng phước gì vậy”.
Ðáp: “Là bố thí cho chư Tăng”.
Vợ tức giận, trói tay dẫn đến quan xin trị tội. Ðại quan tư pháp hỏi: “Chuyện gì đây?”
Vợ đáp: “Chồng tôi ngu si điên khùng, làm suốt mười hai năm được ba mươi lượng vàng, không thương xót vợ con, đã đem cho người khác hết sạch. Theo pháp luật, tôi trói dẫn đến đây”.
Ðại quan hỏi Thiên na: “Tại sao nhà ngươi không đem vàng nuôi vợ con, lại đem cho người khác?”
Ðáp: “Tổ tiên tôi không làm công đức, nên đời này tôi bị nghèo khổ, chịu nhiều đắng cay. Nay gặp phước điền, nếu không trồng phước, đời sau cũng sẽ nghèo nàn. Ðời đời kiếp kiếp sẽ nghèo mãi, không bao giờ thoát khổ. Vì muốn dứt bỏ số kiếp nghèo nàn, nên tôi đã đem số vàng bố thí cho chư Tăng”. Ðại quan ấy vốn là một cư sĩ hết lòng tin tưởng vào đức Phật và giữ giới rất thanh tịnh, nên vừa nghe Thiên-na nói xong bèn ca tụng rằng: “Làm được như thế rất khó! Khổ công bao nhiêu năm mới gom góp được chút ít, lại đem bố thí hết cho chư Tăng. Nhà ngươi đúng là người có thiện tâm”. Ðại quan lập tức mở chuỗi anh lạc đang đeo, con ngựa đang cưỡi và đem một trang trại tặng cho thiên-na rất nghèo khó, rồi nói rằng: “Khi nhà ngươi mới bố thí, dù chư Tăng chưa ăn uống, ví như hạt lúa chưa đem làm giống, nhưng mầm đã sinh ra, nên quả phước lớn lao cũng kịp đến theo sau”.
Do đó, có thể bảo rằng, nếu đem tất cả những vật khó kiếm ra bố thí, thì sẽ được phước báo nhiều nhất”.
Thứ ba: PHẦN BÌNH ÐẲNG
Theo luận Ðại Trang Nghiêm nói: “Khi chọn phước điền, nên chọn theo tiêu chuẩn đạo đức, không nên chọn theo tuổi tác lớn nhỏ, già cả. Ðức Phật bảo, ta nghe ngày xưa có một thí chủ nhờ vị tôn túc lên chùa mời chư Tăng, chỉ chọn những vị già cả, không chọn những người nhỏ tuổi. Vì thế, khi mời chư Tăng vị tôn túc bỏ lại các Sa-di. Các Sa-di liền hỏi: “Tại sao không chọn chúng tôi?” Vị tôn túc đáp: “ Ý thí chủ muốn thế, không phải do ta”. Rồi nói kệ rằng:
“Tuổi cao có đạo đức,
Tóc bạc với da mồi,
Mày dài, răng rụng bớt,
Lưng gù, chân tay cong.
Thí chủ thích lựa thế.
Không muốn chọn trẻ con”.
Bấy giờ, các Sa-di trong chùa đều chứng quả A-la-hán, nghe nói thế, cùng bảo rằng, thí chủ ấy tăm tối ngu si, không mến chuộng đạo đức, chỉ ham tuổi tác già nua, bèn nói kệ rằng:
“Ðáng gọi là trưởng lão,
Không phải ở tóc bạc,
Da mồi, răng rụng sạch,
Ngu si thiếu trí tuệ,
Cốt yếu ở tu phúc,
Trừ diệt mọi điều ác,
Tu tập mọi phạm hạnh,
Mới gọi là trưởng lão.
Ta không chấp khen chê,
Không còn tâm phân biệt,
Nhưng để thí chủ ấy
Phải mang lấy tội lỗi,
Vì phỉ báng, phân biệt
Ðối với Tăng phước điền,
Nên phải mau đi đến.
Giúp đỡ thí chủ ấy,
Không đọa vào đường ác.”
Các vị Sa-di ấy
Liền dùng sức thần thông,
Hóa thành những người già,
Tóc bạc với da mồi,
Mày dài, răng rụng hết,
Gầy gò chống gậy bước
Ðến nhà thí chủ ấy.
Thí chủ vừa trông thấy,
Lòng hết sức vui mừng,
Thắp nhang rải hoa thơm,
Mau miệng mời ngồi xuống.
Liền đó, chẳng bao lâu,
Lại hiện thành Sa-di.
Thí chủ rất kinh ngạc,
Vì phép biến hóa ấy.
Nhờ uống cam lồ thần,
Dung nhan vụt biến đổi?”
Bấy giờ, các Sa-di nói rằng: “Chúng tôi không phải Dạ-xoa, cũng không phải La-sát, vì thấy trước đây thí chủ chọn lựa các vị già cả trong Tăng phước điền tuổi tác lớn nhỏ, sẽ tổn thất thiện căn, nên làm phép biến hiện ấy để cảm hóa thí chủ”. Dứt lời, liền nói kệ rằng:
“Giống hệt vòi muỗi nhỏ
Muốn hút hết biển lớn
Thế gian không lường nổi
Công đức của chư Tăng.
Không ai có thể lường,
Công đức của chư Tăng,
Huống gì thí chủ đây
Muốn lường công đức ấy!”
“Thí chủ há không nghe đức Phật dạy, có bốn thứ không thể khinh thường, là hoàng tử nhỏ, rồng con, lửa tàn và các Sa-di. Giống như quả am-la ngoài chín trong sống, ngoài sống trong chín, đừng đánh giá nông nổi người đứng trước mặt ta, chỉ trong một niệm, họ đã có thể đắc đạo rồi. Thế nên, đối với Tăng phước điền, đừng đem lòng phân biệt tuổi tác lớn nhỏ”. Rồi nói kệ rằng:
“Công đức chư Tăng lớn,
Không ai ước lượng nổi.
Ðức Phật còn khen ngợi
Bằng hàng trăm bài kệ,
Huống gi những người thường,
Lại không biết tán thán?
Tăng phước điền ruộng lớn,
Trồng ít, thu hoạch nhiều.
Vì thế, với chư Tăng,
Già cả và nhỏ bé,
Ðều cúng dường như nhau,
Ðừng đem lòng phân biệt”.
Bấy giờ, thí chủ nghe xong, tóc râu đều dựng lên vì run sợ, quỳ mọp xuống sát đất xin sám hối”.
Tụng rằng:
Thông đạt bốn quả,
Hiểu thấu sáu tình.
Huyền cơ đốn ngộ,
Chứng đạo thông thần.
Trẻ già hòa thuận,
Cung kính tinh thành.
Tùy duyên hiến cúng,
Hóa độ u linh.