Home » Hội PTVNTN » Tiếng Cười Giữa Biển Khổ

Tiếng Cười Giữa Biển Khổ

Mục Hội PTVNTN

Tiếng Cười Giữa Biển Khổ
Cảm niệm Sư Bà Thích Nữ Trí Hải

Đời thường trong các kiểu ăn cắp thì ăn cắp sách báo (hay cầm nhầm, hay mượn quên trả cũng vậy) có lẽ là loại ăn cắp dễ tha thứ nhất. Người ta tự cho là khi mượn tạm „chút kiến thức nhân loại“ thì không tội tình lớn như ăn cắp trái xoài trái ổi, ăn cắp con gà con vịt, cho đến ăn cắp tiền hay đồ dùng… Kể cả ăn cắp trái ớt cũng trầm trọng hơn là cầm nhầm một cuốn sách rồi… quên trả. Thú thật, trong đời tôi cũng từng đã có vài lần đến nhà bạn chơi, xem một cuốn sách thấy hay và đọc thích thú không dừng được. Bạn nói, thôi mang về nhà đọc tiếp. Vậy mà mấy năm sau sách vẫn cứ ung dung cắm rễ ở tủ sách nhà (!).

Nhưng, đó là chuyện với cuộc sống ở đời thường. Đối với một thư viện thì việc mất sách là việc hệ trọng. Thử nghĩ, ngân hàng bị mất cắp tiền thì người ta có đi khai báo cảnh sát ngay không? Do vậy trong chương trình nghị luận của cuộc họp hôm ấy tại Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh của chúng tôi ngoài một vài đề mục thông thường còn có phần bàn về chuyện thư viện bị mất sách. Chủ tọa là Thư viện trưởng: Sư Cô Trí Hải. Tham dự viên: nhân viên của Thư Viện, hôm ấy có gần hai mươi người hiện diện. Thời gian: sáu giờ chiều. Thư Viện tạm thôi không cho mượn sách trong mấy giờ cuối ngày, chỉ còn sinh viên vào ngồi học bài thôi. Ngày đã trễ, mọi người ai cũng đói nên hơi uể oải, chỉ có thư viện trưởng vẫn bình tĩnh, vẫn giọng hòa ái. Hôm ấy Sư Cô đã nói nhiều, cũng vẫn giọng Huế ngọt ngào dễ thương, nhẹ nhàng những ái ngữ. Chúng tôi quên mệt ngồi yên lặng nghe (chỉ có vài bà mẹ có con nhỏ ở nhà thì hơi nóng ruột). Giờ ngồi nhớ lại, hôm ấy Sư Cô đã không nói nhiều những các biện pháp ngăn chận việc ăn cắp sách như mọi người mong đợi. Câu chuyện hôm ấy của Sư Cô nghe ra như một bài pháp về ngũ giới, về chuyện hồi đầu thị ngạn, chắc cho những ai đã từng có lần lỡ lầm cầm nhầm sách có tật giật mình như tôi. Mà thật ra ngăn chận ăn cắp sách làm sao được. Hơn ai hết chúng tôi, những nhân viên thư viện, biết rằng những sách giá trị kia ít khi mất về tay những sinh viên. Có chăng chỉ là những cuốn sách giáo khoa do Viện in, tương đối rẻ tiền và dễ mua lại. Những sách quý khó đặt mua, thường chỉ có một hay nhiều nhất là hai bản, đang nằm chễm chệ ở bàn làm việc của các vị giáo sư hay những vị có thẩm quyền của Viện. Chỉ có Đức Bồ Tát mới biết được, bằng cách nào những sách ấy chạy từ kệ sách Thư Viện đến đấy. Có điều mừng là những sách quý ấy không mất hẳn, chỉ ngao du sơn thủy một thời gian rồi lại quay về với thư viện. Cuối cùng, cuộc họp hôm ấy xem ra như chỉ là một buổi gặp mặt thân mật giữa nhân viên và thư viện trưởng, người rất bận rộn và ít khi có mặt ở đấy. Đó cũng là cuộc họp duy nhất với thư viện trưởng trong khoảng ba năm làm thư viện Vạn Hạnh của tôi, nhưng lại là một cuộc họp để lại nhiều ấn tượng nhất cho tôi.

Phải cần hơn bốn mươi năm sau, khi có cơ hội đến thăm Thư Viện Herzogin Anna Amalia Bibliothek ở Weimar Đức Quốc tôi mới thấy được cái nhìn cao kiến của Sư lúc ấy. Vốn là dân gắn bó với Thư Viện nên tôi đã lặn lội gần 600 cây số đến Weimar và dành cả ngày hôm ấy để viếng thăm thư viện mang tên nữ bá tước Anna Amalia. Thư viện này thành lập vào năm 1691, được Unesco công nhận là Bảo tàng Văn hóa Thế giới. Tuy thư Viện Anna Amalia đã bị cháy mấy lần, nhưng sau mỗi lần như thế thành phố Weimar và Ban Lãnh đạo Thư Viện vẫn cố gắng phục hồi lại và cố giữ những di tích cổ. Sàn nhà của tòa nhà xưa vẫn giữ như 500 năm trước nên khách vào thăm được phát thêm một bọc vải dày để bọc vào giày của mình nhằm tránh làm hư hại nền nhà. Thành phố Weimar cũng giới hạn số lượng khách viếng thăm tòa nhà cổ của thư viện. Ngoài những tổ chức du lịch, thư viện chỉ bán 70 vé vào cửa mỗi ngày cho khách viếng cá nhân. Vì thế có khi phải đặt mua vé trước cả năm mới có.

Tôi đã ngồi hằng giờ trước một kệ sách xưa mà chẳng làm gì cả, chỉ ngồi yên lặng và nhìn sách, như ngày xưa tôi cũng có lần ngồi một mình ban đêm ở kho sách trên tầng hai của Thư Viện Vạn Hạnh và yên lặng nghe sách nói chuyện với nhau. Một nhân viên thư viện tinh ý thấy nên đến mỉm cười và thân mật bắt chuyện với tôi. Tôi cười đáp lại và đã nói với bà ta về niềm hạnh phúc của mình khi đặt chân đến đây, khi biết rằng hơn 500 năm trước đây đã có người từng ngồi ở đây để đọc sách, như tôi bây giờ. Ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi – chỗ đất tôi ngồi hôm nay, người xưa cũng đã từng ngồi ở đây (Nguyễn Công Trứ). Sau một hồi xầm xì trao đổi vài câu chuyện sách vở bà ta mời tôi lên tầng trên của thư viện và cho tôi được phép cầm một cuốn sách đã hơn 500 năm còn giữ tại đây. Hai tay run run tôi cầm trân trọng cuốn sách như một bảo vật, rồi tôi xin phép được lật vài trang sách. Tôi cảm nhận một niềm hạnh phúc vô biên, không thể diễn tả được. Sau đó bà còn cho tôi ghé mắt xem cuốn sổ bìa cứng ghi tên người mượn sách thời ấy. Tôi thấy bên cạnh nhiều tên lạ còn có tên thi hào Johann Wolfgang von Goethe đã mượn sách và vài cuốn vẫn chưa trả lại (!). Xin nói thêm: hai đại thi hào của Đức là Goethe và Schiller thường lui tới mượn và đọc sách tại thư viện này và thi hào Goethe đã mất vào năm 1832 nhưng trong sổ vẫn thấy ghi vài cuốn sách ông ta mượn và chưa kịp trả. Tôi nói đùa với bà ta rằng: „bà nên hãnh diện về việc này. Đấy là cách bày tỏ tình cảm riêng biệt từ một đại thi hào của nhân loại với thư viện của quý vị đấy“. Chúng tôi lại cùng cười. Tôi thấy thân thiện quá nên hỏi bà ta, tại sao bà không biết tôi là ai mà dám đưa sách quý như vậy cho tôi cầm, nhỡ tôi làm hư hay nhanh tay đánh cắp thì sao. Bà ta bật cười lớn và nói một câu rất triết lý. Đúng là dân thư viện có khác, gặp đối tượng nào cũng có một lời trích thích hợp. Bà ta nói câu tiếng Đức, tạm dịch là: „Bảo kiếm một lần vào tay anh hùng là vạn hạnh (nói hơi quá). Sách Thư Viện chẳng thà bị mất còn hơn để nằm trên kệ cho mọt ăn mà không cho ai sờ tới“. Tôi phục quá. Chính trong giây phút ấy tôi nghĩ ngay đến Sư Bà Trí Hải và càng khâm phục nhiều hơn.

Tôi đã dài dòng quá, xin đừng phiền tôi. Chuyện xưa kể lại có khi phải vậy, người ta chẳng nói là vòng vo tam quốc hay sao. Tôi chỉ mới nói Việt và Đức, mới hai quốc gia thôi. Thôi tôi xin vô đề ngay.

o O o

Tôi sẽ xin gọi Sư Bà Trí Hải là cô, như tôi vẫn gọi thân thiết như thế ngày nào, chứ không phải tôi có ý hỗn láo với một bậc Ni Trưởng.

Từ những ngày học ở trường làng tôi đã biết đến cái tên Phùng Khánh và Phùng Thăng là hai dịch giả cuốn sách nổi tiếng „Câu chuyện dòng sông“ vào những năm 1965/66 trong một tiệm sách mà lúc đó tôi đâu có tiền để mua. Phải nhiều năm sau đó tôi mới có cơ hội mượn và đọc mê mẫn tác phẩm và quá đỗi khâm phục, cả người viết lẫn người dịch. Nhưng những cái tên tác giả, dịch giả trên bìa sách thuở ấy quá xa lạ với một cậu bé học sinh ở vùng quê nghèo xứ Quảng.

Rồi nhiều lần chuyển trường, khi bắt đầu vào trường trung học Phan Châu Trinh thì quý Sư cô ở Đà Nẵng mới hãnh diện kể rằng cô Phùng Khánh từng là giáo sư tại đây, trước khi cô đi du học ở Mỹ và bây giờ đã là một Ni cô. Một hôm tôi hỏi vị giáo sư dạy Anh văn của tôi về cô, thầy kể về cô với cả niềm kính trọng và thương mến. Đại khái là: Giáo sư Phùng Khánh là một con người đa tài nhưng rất khiêm tốn, trẻ tuổi nhưng không háo thắng, đẹp người nhưng không tự cao v.v… Cô có tên rất dài thòng như những vị chính gốc từ hoàng triều vua chúa ở Huế: Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh. Thân phụ của cô là cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều, thuộc phủ Tuy Lý Vương. Cụ Ưng Thiều là cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh. Ngài Tuy Lý Vương là con trai của Vua Minh Mạng. Thân mẫu của Cô là cụ bà Đặng thị Quê, một người đàn bà đức hạnh và tuyệt vời. Cụ bà đã đến chùa Tường Vân xin Đức đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết quy y tam bảo trong ngày thai nhi mới vừa ba tháng. Sư Bà Trí Hải đã mang pháp danh Tâm Hỷ từ lúc chưa lọt lòng mẹ.

Tôi khâm phục quá đỗi. Phải chăng những nếp gia phong vương giả Công Tằng Tôn Nữ của Huế xưa đều như thế hay sao?

Đến năm 1972, tôi vừa chân ướt chân ráo đặt chân vào Sài Gòn. Sư Diệu Tâm từ Đà Nẵng vào Sài Gòn và nhờ tôi dùng xe Honda đưa Sư đi vài công việc của Chùa và Giáo hội, trong đó có việc đến thăm Cô Trí Hải tại Trung Tâm An Sinh Đại Học Vạn Hạnh. Đây là lần đầu tôi được gặp cô. Một người nữ tu, nói chuyện nhỏ nhẹ khiêm tốn và lại là một người rất đoan trang phong nhã. Tuy mới gặp lần đầu nhưng cô Trí Hải tỏ ra rất thân thiện, xưng với tôi ngay là chị (và hôm ấy tôi cũng kêu cô bằng chị) dù lúc ấy cô đã xuất gia. Em qua bên nớ lấy giúp chị hai ly nước trong cái bình lọc nước đi (thời đó uống nước có một bình lọc bằng sành đựng cát, có vòi mở bên dưới) trong khi cô đang ngồi bàn việc xã hội với Sư Diệu Tâm. Em ngồi chơi đi, chờ hai chị bàn ít công việc, ngồi chỗ ni nè và ăn bánh đi. Mấy hôm sau tôi lại gặp cô lần nữa tại Kiều Đàm ở đường Công Lý, khi cô và Sư Diệu Tâm cùng đến hầu Sư Bà Diệu Không vừa từ Huế vào nghỉ tại đây để xin ý kiến về một số phương án từ thiện xã hội. Giai đoạn này cô Trí Hải rất bận rộn cho những công tác từ thiện của Giáo hội, lại lo mở khóa đào tạo những tác viên xã hội cho hệ thống cô nhi viện, ký nhi viện trên cả nước. Không ngừng ở đó, cô rất thường xuyên tổ chức các đoàn cứu trợ đi khắp các tỉnh thành, từ miền tây xa lắc đến vùng cao nguyên hẻo lánh. Đặc biệt trong đoàn cứu trợ của Sư cô đi thì đa số là những sinh viên của Đại học Vạn Hạnh tham gia, và phải ghi tên trước. Cô thường nói: để giúp cho mấy em sinh viên tập làm xã hội. Nghĩa là việc cô làm một công hai việc: ngoài việc cứu trợ giúp đỡ đồng bào đói khổ đang gặp nạn, cô còn làm công tác giáo dục, gieo tâm từ trong những thanh niên, sinh viên. Cô có một nguyên tắc hơn người khi đi cứu trợ: phải mua và chuyên chở cực nhọc từng bao gạo, thùng mì, nước tương… hay có khi chở cả xe vận tải những miếng tôn lợp nhà cho những vùng bị bão lụt mà không cho tiền mặt. Việc chuyên chở những thực phẩm trong những ngày chiến tranh lên cao độ ấy rất khó khăn, xe bị chận và xét nhiều lần nhưng cô vẫn làm. Hỏi thì cô đáp rằng cho những thứ ấy để giúp họ bắt đầu lại, nếu cho tiền thì mấy ông chồng lấy tiền đi nhậu hết, vợ con họ vẫn cứ đói, cứ khổ.

Tôi lại khâm phục quá. Phải chăng những tấm lòng của những tu sĩ Phật Giáo Đại thừa mang hạnh nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát đều từ bi rộng lớn như thế chăng?

Nhưng rồi khoảng cách cũng dừng lại ở đó dù năm sau tôi vào ở ngay tại nội xá Vạn Hạnh và thỉnh thoảng cũng gặp cô ở hành lang, hay tôi cũng có lần tham dự chuyến đi làm từ thiện do cô tổ chức. Cô nhiều việc quá. Hơn nữa tôi một thanh niên mới lớn, mới từ Đà Nẵng vào ở Sài Gòn đi học đại học nên cũng có quá nhiều những chuyện trên trời dưới đất khác phải làm trong một đô thị phồn hoa mà người ta gọi là hòn ngọc viễn đông. Ở Sài Gòn tôi ở một mình, tha hồ mở rộng những trí tò mò, tha hồ làm những việc mình ưa thích mà không ai ngăn cản. Kể cả khi tôi bắt đầu đi làm thêm tại Thư Viện do cô làm Thư Viện Trưởng vẫn ít khi gặp cô. Mà gặp cô cũng khó, lý do là cô ít khi có mặt ở đó, và khi có mặt cô thì ai cũng muốn gặp, muốn nói chuyện nên tôi ngại không muốn làm phiền.

o O o

Bây giờ ai vào mạng Internet gõ bốn chữ Thích Nữ Trí Hải sẽ gặp hàng loạt những nhan đề tác phẩm phiên dịch và sáng tác độc đáo của Sư từ trước và sau năm 1975. Nếu nói về sự nghiệp văn chương văn học của một cây viết nữ ở Việt Nam thì ta thấy sự nghiệp văn học của Sư quá phong phú và đa dạng, dù với Sư chuyện viết lách chỉ là việc ở hàng thứ yếu. Từ các tác phẩm dịch thuật tài tình đến những câu chuyện đạo vô cùng sâu sắc dí dỏm. Bên cạnh những nhan đề nổi tiếng như Bắt Trẻ Đồng Xanh, Câu Chuyện Dòng Sông… người ta thấy được cả một thư mục khá dài về những tác phẩm của Sư. Riêng với cá nhân tôi, ngoài tác phẩm gối đầu giường Siddharta (Câu Chuyện Dòng Sông), còn có hai tác phẩm của Sư dịch đã tác động mạnh và đã là kim chỉ nam cho tôi trong thời đi học, đó là tác phẩm “Tự Truyện Gandhi“„Con Đường Thoát Khổ“ của tác giả Walpola Rahula (sau này tái bản đổi tên là là Tư Tưởng Phật Học) do Sư dịch sang tiếng Việt. Hai tác phẩm này đã giúp tôi định hướng được quan điểm sống và đó cũng là những bài học Phật pháp có hệ thống, kèm theo những lời giải thích rất khoa học đầu tiên trong đời học Phật của tôi. Tài tình dịch thuật của Sư quá to lớn không thể nào kể hết được, từ Anh văn và cả Hán văn. Bây giờ ta chỉ cần ngồi đọc thật kỹ mỗi một bài dịch Sám Quy Mạng của Di Sơn Thiền Sư là đủ thấy ngay được các tài tình và kiến thức Phật pháp thâm sâu vi diệu của Sư. Bài dịch này đã lột thoát trọn vẹn giáo lý „thiền tịnh song tu“ của Phật Giáo Đại Thừa Bắc Tông.

Tôi lại khâm phục quá. Phải chăng những bậc đại trí huệ tài năng xuất chúng quy y Phật pháp từ trong trứng nước đều như thế sao? Trí huệ này chắc phải có từ sự học của nhiều kiếp trước nay mang ra tận dụng độ đời mà thôi.

Nhưng có lẽ khả năng và trình độ văn hóa kia, những thành công trong lãnh vực xã hội và giáo dục nọ, những điều mà Sư Trí Hải trong 65 năm sống trên cõi đời này làm được là nhờ vào công trình tu tập tinh tấn của Sư – 49 năm xuất gia, 33 hạ lạp. Sư luôn tinh tấn tu tập và hành đạo cứu người cứu đời. Sư cũng dành nhiều thời gian để nhập thất tu tập, có khi cả hai năm dài trong thất, luôn xứng đáng là bậc xuất gia mẫu mực. Thời gian 65 năm tuy không dài, nhưng so với những việc Sư để lại cho hậu thế với một người thường thì quá to lớn, sức lực của ba, bốn người tài đức mới cáng đáng nổi như vậy.

Chính một vị Đại Lão Hòa Thượng uyên bác của Phật Giáo Việt Nam đã viết lại sau khi Ni Sư viên tịch:

Cuộc đời cô Trí Hải không chỉ là người bạn thân thiết của sách vở, Cô còn là nguời chị cả đáng yêu trong gia đình An Sinh Xã Hội Vạn Hạnh. Từ vị trí người chị hiền lành độ lượng nầy, Cô đã là chiếc cầu nối cho bao lớp trẻ đi vào đời để phụng sự. Người chị mà đôi mắt biết thương xót đã cúi xuống thiết tha trên những nỗi đời bất hạnh, mà đôi tay biết chở che đã đưa ra nâng đỡ những mảnh sống khốn cùng, mà đôi chân vương giả đã không từng biết chối từ đi vào những xóm quê lầy lội, những đường làng tả tơi, những miền đất bão lụt hoang tàn. Mấy mươi năm dài, mặc cho thời thế đổi thay mà tấm lòng vì đời không lay chuyển. Khắp những chốn đau nhức bất an nhất của đất nước, người dân khổ hạnh mãi còn giữ lại trong đôi mắt mến thương của họ hình ảnh tà áo màu lam dịu hiền biểu tượng của cho vui và cứu khổ đã một dạo nào thấp thoáng giữa mưa nắng đời thường. Tà áo ấy đã gắn liền với các công tác từ thiện, thủy chung cho đến ngày cuối cùng phủi tay giải nghiệp. Chọn lựa của trái tim từ bi là nhiều lúc tình nguyện hứng chịu khổ nạn thay cho chúng sanh, bị đau đớn riêng mình cho tâm được an vui mà đi tiếp trên con đường cứu độ. Ni Sư Trí Hải đã vào đời trong ước nguyện, đã phụng sự con người như thế và hôm nay, giã đời giữa lúc đang thật hành hạnh lớn của trái tim từ bi “chúng con khổ nguyện xin cứu khổ”. Chưa có ai của Ni giới Việt Nam, trong mấy mươi năm máu lệ của quê hương đã nuôi tâm bố thí theo sáu pháp qua bờ nhiệt thành như Ni Sư Trí Hải. Chừng ấy cũng đủ cho Ni Sư, trong cuộc giã từ nầy, cất lên một tiếng cười lớn giữa biển khổ kiếp người [I] .

Tôi lại khâm phục quá. Phải chăng những bậc đại sĩ xuất trần chân chính đều như vậy chăng?

o O o

Đáng lẽ tôi có thể kết thúc bài viết ở đây, nhưng trong lòng tôi muốn viết ra một việc đã từ lâu cứ đeo nặng trong tâm khảm. Tôi muốn nói về một món nợ tôi đã nợ Sư và những người thân yêu nhất của Sư.

Năm 1974 tôi tham gia vào đoàn du khảo của Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn Đại học Vạn Hạnh đi Rạch Giá để nghiên cứu về những di tích của Vua Gia Long ở quần đảo Thổ Chu. Phái đoàn hơn mười người do Giáo sư Khoa trưởng Nguyễn Đăng Thục dẫn đầu và do một vị phụ khảo của Văn Khoa Vạn Hạnh lúc ấy là anh Mohandass (tôi không biết tên anh viết như vậy có đúng không, vì tôi chỉ nghe gọi). Anh Mohandas, hình như là người gốc Ấn Độ và gia đình anh là một thương gia giàu có sinh sống tại Rạch Giá. Do tài khéo léo tổ chức của anh Mohandas và kiến thức siêu việt của cụ Thục, cộng thêm sự góp sức của cụ bà vợ giáo sư Thục, vốn là một người tinh thông Hán học, chúng tôi đã đi thăm rất nhiều hòn đảo trong quần đảo Thổ Chu, bắt đầu từ các Hòn Tre, Hòn Ông… ra đến khu Nam Du. Tại Hòn Tre, giữa một rừng bạch mai bát ngát cụ Nguyễn Đăng Thục đã tìm được một giếng nước có ghi trên thành giếng những chữ Hán đã mờ nhạt, là nơi vua Gia Long đã từng trú ở đây và từng uống tại giếng này. Suốt quần đảo như cảnh thần tiên, không hề có dấu vết chiến tranh. Trên hòn đảo chúng tôi ở lại trong mấy ngày du khảo, buổi tối đi ngủ không cần đóng cửa nhà. Ở trước hiên mỗi nhà có đặt một lu nước, nếu ai khát cứ vào đó uống tự nhiên. Họ còn để chiếc giường tre lớn đặt ngay trước hiên nhà, ai mỏi lưng thì cứ đến nằm nghỉ chốc lát, hay cứ ngủ qua đêm mà không cần xin phép v.v… Tôi quá thích thú về cái xứ sở thần tiên ấy, nghèo tiền của nhưng rất giàu tình cảm. Chuyến đi tạo nhiều ấn tượng trong tôi nên khi về Sài Gòn tôi đã kể lại hào hứng cho bất cứ người quen biết nào của mình. Sau 1975, trước những biến động của đất nước, Sư Trí Hải tìm tôi và bảo tôi nhắc lại những chuyện tôi kể lúc trước. Tôi lại một lần nữa kể lại những tâm đắc của mình, và còn nói thêm rằng chính một người bạn thân của mình là anh Sanh (sau này xuất gia là thầy Tâm Trường) đã vừa mấy tuần trước tìm đến một ngôi chùa hoang ở một hòn trên Nam Du mà ở, và có thể tôi cũng sẽ xin phép gia đình đến đó ở cùng. Tưởng chỉ kể như vậy thôi, sau mấy hôm mới nghe một vị ở Trung Tâm An Sinh kể là Sư Trí Hải, Sư Huệ Minh định đi về đấy để tĩnh tu. Phải chăng quý Sư cố ý muốn tìm về nơi thanh tịnh có mang ít nhiều dấu chân của tổ tiên của mình trong những ngày lánh nạn. Do vì công việc nên Sư Trí Hải sẽ đến sau, Sư Huệ Minh và Tiểu Phượng đi trước. Không ngờ do sự việc này mà hai người thân của Sư bị nạn do những người hải tặc Cam Bốt gây ra. Sư cô Huệ Minh tức giáo sư Phùng Thăng, cũng là một tác giả và dịch giả kỳ tài. Các tác phẩm „Những Ruồi“„Buồn Nôn“ của Jean-Paul Sarte hay „Kẻ lạ ở Thiên đường“ của Simone Weil do cô dịch sang Việt ngữ đã một thời làm chấn động văn học miền Nam Việt Nam. Sư cô Huệ Minh là giáo sư dạy Triết và Anh văn, sau khi xuất gia là giảng viên và tác viên xã hội của Trung Tâm An Sinh Viện Đại Học Vạn Hạnh. Bây giờ người ta nói là quý Sư đến đảo Thổ Chu để tìm đường vượt biên nhưng tôi không tin là như vậy. Nếu thực sự muốn đi nước ngoài quý Sư Cô đã có thể đi dễ dàng trước ngày 30.04.75. Nhưng trong những ngày biến động ấy quý Sư Cô ở Trung Tâm An Sinh vẫn lo cứu trợ cho đồng bào từ các tỉnh miền trung và cao nguyên chạy vào các tỉnh vùng biên Sài Gòn. Dẫu biết rằng định nghiệp của mỗi người mỗi khác và khó chuyển đổi, nhưng dân thành phố trước kia ít ai biết những hòn đảo hoang vắng và thanh bình kia nếu tôi không luôn miệng ca tụng cảnh thần tiên ấy. Tôi tự thấy mình có lỗi và vô cùng áy náy.

o O o

Cuộc đời và hành trạng của Sư Bà Thích Nữ Trí Hải nói không biết sao cho hết. Cái thấy và cái biết của Sư là cái thấy của nhiều bậc thức giả cộng lại. Trước năm 1975 tôi có duyên may đọc được một tác phẩm chưa xuất bản, đánh máy trên giấy mỏng Pelure do một người thân của Sư cho mượn, có tên là „Tân Ngữ Lục“. Trong đó Sư Trí Hải ghi lại nhiều mẫu chuyện nhỏ mà Sư nhìn thấy được như những giai thoại thiền môn từ các bậc Thầy chung quanh, từ quý Sư Bà Diệu Không, Sư Bà Cát Tường hay Ôn Tăng Thống, Ôn Châu Lâm… và cả từ những Phật Tử, những huynh đệ đồng tu, những em bé mà Sư gặp. Những câu chuyện có khi rất bình thường ai cũng gặp cũng nghe cũng thấy, nhưng với cái nhìn tuệ giác trong Sư thì đó lại là những bài pháp cao thâm. Sư thường hay quan sát và phát hiện những điều hay. Tôi xin nêu một thí dụ nhỏ, qua một câu chuyện do chính Sư kể lại và tôi đọc được trên báo sau này như sau.

Năm 2001 Sư Trí Hải có về Huế dự đám tang của Ôn Từ Đàm. Sau đó Sư có viết một bài viết tên là Đàm Hoa Lạc Khứ (Hoa đàm dẫu rụng vẫn vương hương), Tưởng niệm HT. Thích Thiện Siêu như sau:

[…]

Thế nên giờ phút xả báo thân cũng là giờ phút vinh quang nhất đời Ôn. Lúc bái biệt Ôn tại phòng cấp cứu lần trước để lên xe lửa trở vào lại Sài gòn, tôi còn được nghe thị giả đọc một bài kệ mà Ôn đã cảm ứng trong giấc mộng:

“Phật biết Phật không,
Tâm biết tâm không,
Khi Phật chuyển thân,
Tâm biết Phật không.”

Và khi nằm trên xe lửa về Huế lần này, tôi đã nghiệm ra ý nghĩa bài kệ ấy. Hai chữ Phật và Tâm trong bài kệ có thể thay bằng sóng với nước, sắc với không, thân với tâm, tướng với tánh, hoặc hiện tượng với bản thể [II] .

Ai cũng biết Hòa Thượng Thiện Siêu (thường gọi là Ôn Từ Đàm) là một Đại Tăng, một vị Bồ Tát hóa thân của Phật Giáo Việt Nam. Tôi cũng đọc bốn câu kệ ấy của Hòa Thượng nhưng những chữ cứ chạy qua như nước chảy lá môn, vào đầu rồi chạy tuột đi đâu mất. Những chữ ấy do Sư Trí Hải đọc được thì tự dưng có một cái nhìn trực diện và hiểu ngay những lời của vị Bồ Tát kia. Méo mó nghề nghiệp của người làm kỹ thuật, tôi phải ghi ra từng chữ để tự chiêm nghiệm những lời dạy quý báu của Ôn và chính của Sư.

Từ câu kệ của Ôn Từ Đàm:

“Phật biết Phật không, Tâm biết tâm không,
Khi Phật chuyển thân, Tâm biết Phật không.”

[…] hai chữ Phật và Tâm trong bài kệ có thể thay bằng sóng với nước, sắc với không, thân với tâm, tướng với tánh, hoặc hiện tượng với bản thể (lời của Sư Trí Hải).

Tôi thay từng chữ vào bài kệ và nhận thấy rõ hơn những cái nhìn đạo vị của Sư Bà Trí Hải :

Như một thi sĩ: Sóng với Nước
“Sóng biết Sóng không, Nước biết Nước không,
Khi Sóng chuyển thân, Nước biết Sóng không.”

Như một Thiền sư: Sắc với Không,
“Sắc biết Sắc không, Không biết Không không,
Khi Sắc chuyển thân, Không biết Sắc không.”

Như một hành giả trên đường đi tìm đạo: Thân với Tâm,
“Thân biết Thân không, Tâm biết tâm không,
Khi Thân chuyển thân, Tâm biết Thân không.”

Như một luận giả: Tướng với Tánh
“Tướng biết Tướng không, Tánh biết tánh không,
Khi Tướng chuyển thân, Tánh biết Tướng không.”

Và thú vị thay, như một Triết gia hiện đại: Hiện tượng với Bản thể
“Hiện-tượng biết Hiện-tượng không, Bản-thể biết bản-thể không,
Khi Hiện-tượng chuyển thân, Bản-thể biết Hiện-tượng không.”

Nghe và tiếp nhận bài kệ trong tinh thần ấy, đúng là cung cách Niêm Hoa Vi Tiếu. Ngày ấy hơn hai ngàn năm trước, ở Linh Thứu Sơn đức Phật Thích Ca tay cầm một cành hoa từ tốn đưa lên, cả hội chúng đều yên lặng tò mò theo dõi, chỉ có Ngài Ca Diếp mỉm miệng cười. Đó đúng là cung cách đối thoại của những bậc trí tuệ.

o O o

Kính bạch Giác Linh Sư Bà,

Khi viết đến đây con nhìn vào lịch ở phía góc dưới của màn hình máy tính thấy ghi là ngày 06.12. Vô tình hay hữu ý? Nói theo ở đời thì ngày này là ngày giỗ của Sư Bà – nếu tính theo dương lịch. Con hình dung, có thể giờ này Sư Bà cùng chư Bồ Tát đang ngồi hầu chuyện với Đức Phật A Di Đà ở cõi Tây phương Tịnh độ. Hay biết đâu đã có một vị Bồ Tát tái sanh trên cõi trần gian này mang tâm nguyện độ sanh của Sư Bà lúc sinh tiền. Ngày Ôn Từ Đàm viên tịch, Sư Bà đã viết rằng: „Thế nên giờ phút xả báo thân cũng là giờ phút vinh quang nhất đời Ôn“. Chính câu ấy giờ đây đã giúp con hiểu được việc Sư Bà tự chọn cho mình cách thu thần thị tịch. Phải chăng Sư Bà đã chọn cách giải nghiệp ra đi bằng một tai nạn giao thông trên đường về Chùa sau một chuyến đi từ thiện? Những tai nạn giao thông chết người là chuyện cơm bữa ở xứ mình. Dọc đường Sư Bà còn bảo tài xế dừng xe lại để Sư Bà làm lễ cầu siêu cho một người không quen biết chết trôi trên sông vừa mới được vớt lên. Sư Bà đã viên thành một hạnh nguyện, hạnh nguyện mang vác hết cả những nỗi khổ đau của chúng sanh.

Nói như Ôn Mãn Giác: „Chọn lựa của trái tim từ bi là nhiều lúc tình nguyện hứng chịu khổ nạn thay cho chúng sanh, bị đau đớn riêng mình cho tâm được an vui mà đi tiếp trên con đường cứu độ. […] Chừng ấy cũng đủ cho Ni Sư, trong cuộc giã từ nầy, cất lên một tiếng cười lớn giữa biển khổ kiếp người“.

Hiểu Sư chắc không ai bằng Ôn Mãn Giác. Vì sao? Vì Ôn là nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, là thiền sư, là một bậc tu hành chân chính và cũng từng là „sếp“ của Sư Bà ngày nào tại Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn [III].

Con xin cung kính đê đầu đảnh lễ Giác linh Sư Bà thượng Trí hạ Hải.

Nguyên Đạo Văn Công Tuấn
(Trích từ tác phẩm Cổ Thụ Lặng Bóng Soi, nxb Tôn Giáo, 2016)

I. Huyền Không: Hạt Bụi Theo Về, http://chuaphatgiaovietnam.com
II. Thích Nữ Trí Hải: Đàm Hoa Lạc Khứ. http://quangduc.com/a5408/dam-hoa-lac-khu-tuong-niem-ht-thich-thien-sieu
III. Hòa Thượng Thích Mãn Giác, tức thi sĩ Huyền Không, nguyên là Phó Viện Trưởng Điều Hành Viện Đại Học Vạn Hạnh, trong thời gian Ni Sư Trí Hải là Thư Viện Trưởng và Giám Đốc Trung Tâm An Sinh.