Home » Hội PTVNTN » Chi Hội Odenwald: Lễ Phật – Huân Tu (10.6.2017)

Chi Hội Odenwald: Lễ Phật – Huân Tu (10.6.2017)

Mục Hội PTVNTN

Lễ Phật, Huân Tu Chi hội Phật Tử VNTN tại Odenwald ngày thứ bảy 10-06-2017
.
Theo thông lệ hằng năm bắt đầu sau lễ Đại lễ Phật Đản, là mùa an cư kiết hạ. Nhưng do vì lời thỉnh cầu của Chi hội nên Quý Chư tôn đức đã hứa khả, vân tập về địa phương Odenwald để chủ lễ, hướng dẩn Phật tử lễ Phật, huân tu Tịnh độ.

Bad König – Odenwald là một vùng thuộc tiểu bang Hessen cách chúng tôi khoảng 50 km. Trên đường đi đến Đạo tràng, chúng tôi đã chạy qua những cánh đồng bát ngát, tuy lên đèo, xuống dốc quanh co, nhưng lòng chúng tôi thanh thản, an vui vì biết rằng chốt lát nữa đây sẽ được đảnh lễ Phật, gặp lại Quý Thầy, quý Đạo hữu và bạn bè thân thương.

Sau nghi thức Cung thỉnh Chư Tôn Đức quang lâm Chánh điện

Mở đầu chương trình, 40 Phật tử cùng Quý Thầy lễ Phật, Tụng Kinh Phổ Môn.

Lời Kinh tiếng niệm Phật hòa quyện cùng tiếng chuông, mõ ngân vang. “Nam Mô Đại Từ, Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát„ nhắc nhở đại chúng về hạnh nguyện của Ngài Quan Âm, luôn luôn lắng nghe tiếng kêu cứu khổ của muôn loài, hễ nơi đâu có tiếng kêu khổ là Ngài xuất hiện dưới mọi hình tướng để cứu khổ cho chúng sinh, chớ không có người kêu trước và kẻ kêu sau bởi vì cái giá trị của Ngài Đại sĩ Quán Thế Âm là cứu khổ, cho nên nếu thế gian này vẫn còn những tiếng kêu thống khổ thì danh hiệu của Ngài vẫn còn là công năng cứu khổ và rất ư cần thiết cho chúng ta.

Sau nghi thức Quá đường, kinh hành nhiễu Phật tạm nghỉ giãi lao.

Hơn một giờ đồng hồ, đại chúng tiếp tục huân tu Tụng kinh Phổ Môn, kinh hành niệm Phật với sự hướng dẫn của Thầy Hạnh Bổn.

15 giờ 30 Thầy Hạnh Hòa giảng giải ý nghĩa Kinh Phổ Môn, Phẩm thứ 25 Quán Thế Âm Bồ Tát.

Phổ Môn là cánh cửa rộng khắp, phổ biến, luôn rộng mở cho mọi loài đi vào.

Quán Thế Âm: Quán là xem xét, lắng nghe. Thế Âm là âm thanh của cuộc đời, cho nên Quán Thế Âm là xem xét, lắng nghe âm thanh của thế gian, nếu hiểu theo nghĩa thông thường của nhân gian thì Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tu hạnh từ bi, cho nên Ngài có thể lắng nghe được tiếng kêu than của chúng sinh mà hiện thân tướng ra để cứu độ.

Môn là cửa: Cánh cửa này không mở cũng không đóng, mở hay đóng cửa tùy thuận vào chúng ta, luôn luôn rộng mở cho những ai cần đến và đóng lại khi thế gian này không còn sự khổ, để có thể mở cửa đi vào thế giới của Ngài, chúng ta phải luôn nhớ nghĩ, thường hằng niệm danh hiệu Ngài, danh hiệu Quán Thế âm là chìa khóa và Niệm là mở cửa để đi vào.

Bài Pháp đầu tiên Phật nói về Tứ diệu đế, phải chăng đó là những ý nghĩa của sự tiêu cực, tại sao là Khổ mà không là sung sướng khi một em bé mở mắt đến với cuộc đời, với bao nhiêu lời chúc tụng, mừng vui của cả gia đình, giòng họ. Nhưng chúng ta đâu biết rằng để có được hạnh phúc này bà mẹ đã phải chịu nhiều đau đớn, sợ hãi, khổ cực để đứa trẻ được chào đời, rồi thì cũng từ giây phút ấy Nóng, Lạnh một mình bé gánh chịu, không có Ông Bà, Cha Mẹ hay ai đó chịu đau, khổ thay cho mình và vòng Sanh, Lão, Bệnh, Tử lại cứ tiếp tục xoay tròn mà chúng ta không bao giờ thoát ra được nếu không thường quán chiếu về Khổ Đế thì chúng ta khó lòng đi đến được bến bờ của Đạo Đế.

Thầy kể cho đại chúng nghe một câu chuyện Thiền như sau: có hai huynh đệ cùng tu với nhau. Ngài Tuyết Phong Nghĩa Tồn và Ngài Huyền Sa Sư Bị, Ngài Huyền Sa coi Ngài Tuyết Phong như Thầy của mình, vì gần gũi và được Ngài Tuyết Phong chỉ bày nhiều về phương pháp tu tập.

Một hôm để thử lòng sư đệ của mình. Ngài Tuyết Phong tự nhốt mình vào hang động, đợi đến khi Ngài Huyền Sa đi ngang qua, mới châm lửa tự đốt và kêu cứu. Sau khi nghe tiếng kêu cứu Ngài Huyền Sa nhìn vào hang động thấy sư huynh mình đang ở trong đó, không những Ngài không dập tắt lửa mà Ngài còn chạy đi lấy thêm củi bỏ vào cho lửa cháy lớn hơn. Như vậy để thấy rằng nếu không bị bức bách dồn đến tận đường cùng, chúng ta có chịu rời bỏ hang động lửa đang cháy đó hay không và chúng ta có còn tự tay châm ngọn lửa đốt thân mình nữa hay không ?

Kế đến vì thời gian eo hẹp nên Quý Thầy cùng đại chúng đi vào Phần Pháp thoại.

Hỏi: Làm thế nào để biết Ngài Quan Âm đang cứu khổ chúng ta ?
Đáp: Khi chúng ta gặp tai nạn, nếu chúng ta niệm danh hiệu Quán Thế Âm, thì ngay lúc đó tâm chúng ta bớt âu lo, lòng chúng ta bớt sầu khổ như vậy công năng và danh hiệu của Ngài đã và đang cứu khổ chúng ta. Có biết, thấy rõ sự khổ đau, thì chúng ta sẽ tìm cách vượt khổ và có ứng dụng, thực hành những lời dạy của Chư Phật, chúng ta càng có lòng tin nhiều hơn vào Hạnh nguyện của Quan Thế Âm.

Hỏi: Lúc nào là lúc chúng ta thành tâm niệm danh hiệu Ngài Quan Thế Âm nhứt ?
Đáp: Trên biển cả bao la, sóng to gió lớn có thể lật thuyền chúng ta, dìm xuống đáy biển bất cứ lúc nào, trong lúc Thập Tử, Nhứt Sanh đó, chúng ta không còn nghỉ đến chuyện Tử, Sanh nữa mà chỉ một lòng niệm danh hiệu Ngài. Đó chính là lúc Câu niệm của chúng ta mới linh nghiệm và thành tâm nhứt.

Hỏi: Sanh, Lão, Bệnh, Tử là một cái vòng lẩn quẩn mà chúng ta không bao giờ thoát ra được. Như vậy có phương pháp nào để tu tập tránh được Già, Bệnh, Chết hay không ?
Đáp: Đã là chúng sanh thì chúng ta nhất định phải chịu theo định luật của thế gian đó là Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Chỉ có một phương pháp thoát được Già, Bệnh, Chết là chúng ta phải luôn cố gắng xả bỏ những phiền não, mê lầm, luôn trang nghiêm, thanh tịnh Thân Tâm, vượt sông Mê mau đến bên kia bờ Giác như vậy chúng ta sẽ không SANH, đã không Sanh thì làm sao có LÃO, BỆNH và TỬ nữa.

Hỏi: Có khổ mới gặp đượcNgài Quan Âm, còn nếu không có khổ thì không gặp được Ngài phải không ?
Đáp: Hạnh phúc có được từ khổ đau, không thể nào chạy trốn khổ đau để tìm cầu hạnh phúc, chúng ta có thấm thía nỗi đau bệnh tật, mới trân quý những tháng ngày mạnh khỏe. Tóm lại sự khổ luôn hiện diện quanh chúng ta, có điều chúng ta nhận ra chúng sớm hay muộn mà thôi. Chỉ khi nào chúng ta ý thức, nhận biết được đúng nghĩa của sự Khổ thì lúc đó chúng ta sẽ có chìa khóa để thong dong tự tại đi vào cánh cửa „Phổ Môn“.

Mộ cổ Thần Chung,
Kinh tỉnh thế gian,
Danh lợi khách
Kinh thanh Phật hiệu,
hoàn hồi khổ hải mộng trung nhân

Tạm phỏng dịch:

Tiếng trống chiều,
tiếng chuông buổi sáng,
đánh thức khách trần
tìm Danh Lợi
Lời Kinh hiệu Phật vang vang,
gọi người say mộng,
lìa xa biển khổ
hãy mau trở về.

(đây là bài kệ Thầy Hạnh Hòa bất chợt nói lên trong lúc chỉ bày cho Đại chúng về chữ Khổ)

18 giờ Đại diện Chi hội Tác bạch cúng dường và giới thiệu thành phần Ban chấp hành Chi hội Phật Tử.

Thay mặt cho Hội Phật Tử VNTN tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, Đạo hữu Hội trưởng Hội Phật Tử đã có đôi lời đến tân Ban chấp hành Chi hội đồng thời chúc mừng Chi hội luôn Bồ đề tâm kiên cố, Chí tu học vững bền tất cả mọi công tác Phật sự đều được thành tựu như ý nguyện.

Quý Thầy rời Đạo tràng để còn kịp chuyến xe lửa cuối tuần, vì ngày mai chủ nhựt 11.06 Quý Thầy còn phải tham dự Đại lễ Phật Đản tại tu viện Viên Đức/Ravensburg.

Riêng chúng tôi nhận lời mời của Chi hội ở lại dùng bữa cơm chiều thân mật, cùng nhau Hý luận về chữ Khổ, tạm chia tay hẹn gặp lại tất cả Quý Đạo hữu vào những dịp lễ Phật, Huân tu, TBQT tại các Đạo tràng khác. Nguyện luôn Quán về chữ KHỔ để làm hành trang tu tập cho chính mình cho mọi loài như câu: Phụng sự Chúng sanh là đền ơn Chư Phật.

Trên đây chỉ là những ghi nhận được trong lúc cùng đại chúng huân tu, nếu có điều chi sơ sót. Kính mong Quý Thầy, quý Thiện hữu tri thức chỉ bày, bổ túc thêm để bài viết được hoàn hảo hơn.

Mùa An Cư Kiết Hạ 2017
Diệu Nhơn