Home » Hội PTVNTN » Tìm về Hương Quê

Tìm về Hương Quê

Mục Hội PTVNTN

(Tường thuật Khóa Tu Học 29 tại Paris)

Tôi đến chùa Khánh Anh lần này là lần thứ ba. Lần nhất là tang lễ Hoà Thượng Thích Minh Tâm, lần hai lễ Khánh Thành chùa và bây giờ là Khoá Tu Học Âu Châu. Ba lần với ba tâm trạng khác nhau nhưng cùng chung nỗi nhớ. Nhớ nghĩ về Hoà Thượng Khánh Anh, người bỏ bao công sức có thể nói là suốt đời tận tụy với Phật Giáo, không chỉ tạo nên ngôi phạm vũ đồ sộ hôm nay với chi phí 22 triệu Euro để lại cho Phật Tử chúng ta mà đặc biệt còn có đạo tràng chính là Khoá Tu Học Âu Châu đến nay đã 29 năm tức khoá thứ 29 này. Chỉ nhớ nghĩ về công trạng thôi chưa đủ, tôi còn nhớ đến những kỷ niệm qua các buổi khai thị, giảng giáo lý của Ngài, bình dị, sâu lắng, không kém phần dí dỏm luôn tạo giờ học thoải mái với những nụ cười vui tươi, lúc êm ả, lúc sôi động.

Nay trên khuôn viên khoá học, ngay trên ngôi chùa do Thầy kiến tạo, lại không thấy Thầy đâu. Giữa bao Phật Tử tấp nập trong ngày tập trung, chào hỏi nhau nói cười rôm rả, tôi bùi ngùi chạnh lòng tưởng nghĩ đến Thầy. Dường như thấy bóng dáng Thầy đâu đó, dù chỉ trong tưởng tượng nhưng rất rõ nét. Với dáng điệu khoan thai cố hữu, Thầy chầm chậm từng bước rảo quanh khắp sân trường, không chừa ngõ ngách nào, không phải để thư nhàn thưởng ngoạn mà để quan sát, thăm hỏi sức khỏe Phật Tử, cùng khích lệ mọi khâu làm công quả cho chùa, cho khoá học.

Hòa Thượng Minh Tâm là vậy đó. Thầy đã nằm xuống khi công trình xây cất ngôi phạm vũ gần kết thúc, đâu “hưởng“ được gì, nhưng tôi tin, từ một cõi xa xăm siêu thoát nào đó, tâm thức Thầy trở về chứng giám và chung vui cùng chúng Phật Tử qui tụ đông đảo hôm nay. Đó là tâm nguyện hay hạnh nguyện của Thầy để lại cho đời khi suốt một đời cố công tạo dựng ngôi phạm vũ cho mục đích hôm nay và là cơ sở đào tạo Tăng tài.

Ngay buổi khai mạc, dưới sự chứng kiến của các cấp lãnh đạo Pháp quốc, ông Thị trưởng, phụ tá Thị trưởng, Chủ tịch Hội Phật Giáo, Pháp sư Do Thái cùng sư Tây Tạng đã có tới 116 Tăng, Ni Việt Nam và 601 học viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết là Âu Châu. Tính tới ngày bế mạc, con số học viên tăng lên 724, cộng với 116 Tăng, Ni cả thảy 840 người. Một con số không ai lường trước được có thể dung chứa trong một ngôi chùa. Cũng may trước đó, ban tổ chức đã chuẩn bị thuê thêm hội trường cách chùa năm, bảy phút đi bộ dành cho thanh thiếu niên Gia Đình Phật Tử cũng như ngoài GĐPT sinh hoạt, cùng trưng dụng gara trong chùa làm chỗ ngủ nghỉ cho học viên.

Ngoài 200 giường có phòng ốc và nhà vệ sinh, buồng tắm đàng hoàng, hầu hết học viên sinh hoạt như trại tị nạn với những chiếc giường xếp, nhà vệ sinh công cộng, và những buồng tắm dã chiến. Đêm đêm còn nghe tiếng kẻo kẹt khi ai đó trở mình, tiếng “cưa gỗ“ (ngáy) và tiếng con nít khóc, thế nhưng, không phải vì điều kiện không mấy thuận lợi như vậy mà cản trở lòng cầu đạo của Phật Tử Âu Châu. Đa số, cũng như tôi, đến tham dự để tỏ lòng tri ân đến Hòa Thượng Thích Minh Tâm, người sáng lập đạo tràng, sau nữa học đạo cho mình và cuối cùng Tìm Về Hương Quê gặp lại Thầy, Cô, bạn bè sống trong không khí Việt Nam để rôm rả nói cười bằng tiếng mẹ đẻ sau một năm trời vắng bóng. Như thế chưa đâu, mọi người còn can đảm vượt qua nỗi sợ hãi về những mối nguy khủng bố vì nước Pháp nói chung, Paris nói riêng đang là điểm nhắm của quân khủng bố, nhất lại ngôi chùa tọa lạc tại vùng mất an ninh. May sao, trong Phật Giáo có câu “Có nghịch cảnh mới có Niết Bàn“. Chính vì mất an ninh, chính quyền sở tại đã cử cảnh sát ngày đêm túc trực, canh cho chúng ta tu học. Và mười ngày đã trôi qua êm đềm trong sự hoan hỉ của mọi người.

Khóa tu học Phật Pháp Âu Châu hằng năm vẫn theo thông lệ kéo dài 10 ngày. Mỗi ngày vẫn ba thời giáo lý, ba buổi ăn và hai thời tụng kinh. Riêng Tăng, Ni mỗi tối lúc 20 giờ, trong khi học viên học giáo lý thì Tăng, Ni tụng thêm kinh Pháp Hoa để rồi cuối khóa phải xong trọn bộ kinh.

Về mặt tổ chức, vì là lần đầu một khóa học tầm cỡ lớn tổ chức ngay trong chùa, nên không khỏi vất vả với nhiều lo lắng, cố khắc phục mọi khó khăn. Nhưng khâu tôi ngưỡng mộ nhất vẫn là ban trai soạn. Tuy thường gọi là “hậu cần“ nhưng lại quan trọng bật nhất, vì, “có thực mới vực được đạo“. Các bác, các cô trong ban này, không chỉ lo lắng chuẩn bị suốt cả năm trước đó rồi lúc ra quân ba thời mỗi ngày phải đúng giờ với số lượng đông đảo như vậy mà nấu rất ngon, rất đầy đủ, ai cũng khen, tôi xin nghiêng mình tán thán công đức. Bởi vì, gặp cỡ tôi, chắc mọi người đã không có cơm ăn mà còn tốn sức cấp cứu đưa tôi vào bịnh viện vì xỉu!

Bên cạnh món ăn thể chất, chúng Phật Tử còn được thưởng thức “món ăn tinh thần“ (tức học giáo lý) để mở mang lòng từ bi và trí tuệ.

Năm nay, ngoài Hòa Thượng Bảo Lạc đến từ Úc, khóa học đã vắng bóng các vị đến từ Hoa Kỳ hay Canada như trước đây. Hầu hết giáo thọ đều của Âu Châu. Đây là cơ hội để các Tăng trẻ tại Âu Châu có… cửa thi thố và phát triển tài năng, nghiên cứu kỹ kinh điển, tôi luyện cho bản thân còn truyền bá đến Phật Tử để rồi “Tứ Chúng Đồng Tu“ đồng tiến về cõi Tịnh Độ. Chúng Phật Tử đã rất ngạc nhiên hoan hỉ trước sự tiến bộ vượt bực từ Tăng trẻ để thấy cả thầy lẫn trò xứng đáng là con Phật sau 29 năm miệt mài tu học của Âu Châu.

Mỗi Thầy là một thế giới riêng, đa dạng. Truyền trao cho Phật Tử nghệ thuật sống dựa theo lời Phật dạy sao cho có ý nghĩa đem an lạc cho mình cho người. Trong khóa tu từ Thầy cho đến học viên, không thiếu bằng cấp bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, học giả, học thật… đủ cả, nhưng nếu chấp vào sở học mà không thẩm thấu giáo Pháp của Đức Phật sẽ dễ sinh ngã mạn. Ngã càng lớn càng ích kỷ chỉ biết có mình, vô tình để mất lòng từ bi, đôi khi không thành thật với chính mình, với thời gian trở thành kẻ dối trá chuyên nghiệp không bao giờ giải thoát được. Vì vô ngã, (không hiện diện bốn cái: Ngã si, ngã ái, ngã mạn, ngã kiến) mới đạt Niết Bàn vậy.

Trần Tế Xương có bài thơ: “Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. Chừa được cái nào hay cái đó. Có chăng chừa rượu với chừa trà“ thì Phật Tử chúng ta, bốn cái ngã kia: Ngã si, ngã ái, ngã mạn, ngã kiến cũng “quấy“ chúng ta không ít, thôi thì cũng như Trần Tế Xương, chừa được cái nào hay cái nấy. Nhưng muốn thấy Niết Bàn thì phải tinh tấn, nhẫn nại, kiên trì chừa hết cho đủ bộ.

Quí Thầy còn nâng trình độ Phật pháp cho học viên về kinh điển. Hai mươi chín năm tu học rồi mà. Phật Tử Âu Châu ít, nhiều phải có kiến thức về kinh điển chứ.
Nào là:
– Tịch tràng Hoa Nghiêm.
– Thời trường Hoa Nghiêm.
– Tận vị lai tế Hoa Nghiêm.
– Pháp giới Hoa Nghiêm.

Rồi thì học kệ:
– Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật (Hoa Nghiêm, Phật giảng trong 21 ngày)
– Thập nhị A Hàm, Phương Đẵng bát (A Hàm, Phật giảng 12 năm; Phương Đẵng 8 năm)
– Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm (Bát Nhã, Phật giảng trong 22 năm)
– Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên (Pháp Hoa, Niết Bàn Phật giảng trong 8 năm)

Ôi, kinh điển của Phật sao mà khó nghe quá, nghe rồi khó hiểu, hiểu rồi khó hành. Là Phật Tử, nếu ai muốn hái được sen thì phải chịu khó lội bùn thôi. Nhưng thời đại văn minh hiện nay, sinh sống ngay phố thị tùy duyên ra tiệm mua sen cũng được. Đó là lý do tại sao, tôi rất “ghiền“ Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu. Hằng năm dù xa xôi vất vả tàu xe vẫn “lặn lội“ tìm đến, không hái, cũng ngắm được sen trên bàn thờ.

Tại khóa tu, chúng tôi còn học nhiều thứ, học cả lịch sử Việt Nam liên quan với Phật giáo, nào là Tuệ Trung Thượng Sĩ, một thành viên trong hoàng tộc nhà Trần, là anh ruột của Đức Trần Hưng Đạo, và Thiên Cảm Hoàng Hậu. Ông là một nhân vật lỗi lạc ““ tất cả danh lợi địa vị nhưng lại thích vào cửa “không“ nghiên cứu Thiền chọn cho mình một lối sống hòa ái, tự tại. Ông có sức ảnh hưởng lớn và hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền để rồi chính vua cũng từ bỏ hoàng cung vào núi Yên Tử thành lập Thiền phái Trúc Lâm.

Rồi thì đến Công Chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông, đã đem lại hòa bình cho hai nước Chiêm Thành, Đại Việt (Việt Nam ngày nay) và mở mang bờ cõi đổi lấy hai châu Ô, Lý. Huyền Trân đã phải kết hôn với Chế Mân, vua Chiêm Thành chứ không phải là “tình nhân“ của Trần Khắc Chung như… lời đồn, vì Khắc Chung lúc đó đáng tuổi ông ngoại của Huyền Trân.

Năm tới, để rõ hơn vấn đề này, chúng ta sẽ được đọc cuốn tiểu thuyết về chuyện tình và cuộc đời của Huyền Trân dưới ngòi bút của Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển và sau đó sẽ còn coi cả tuồng cải lương qua sự dàn dựng của ông Dương Kinh Thành. Chúng ta nhớ đón xem.

Năm nay, đặc biệt có một tin sốt dẻo nữa, sẽ thay đổi phương cách thọ Bồ Tát Giới để làm tăng giá trị của người thọ giới, không dễ dàng như mọi năm, hễ cứ ghi tên, học lõm bõm một số giới là được thọ, mà là phải trải qua thử thách tham dự liên tục hai năm Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu sau khi đã thọ Thập Thiện:

1- Không sát sanh.
2- Không trộm cắp.
3- Không tà dâm.
4- Không nói dối.
5- Không nói thô ác.
6- Không nói lưỡi đôi chiều.
7- Không nói thêu dệt.
8- Không tham lam.
9- Không sân hận.
10- Không tà kiến.

Phương án sẽ bắt đầu thực hiện năm tới. Mong thay, khi xã hội có nhiều Bồ Tát, thì chúng sinh sẽ an lạc, thanh bình với điều kiện các Bồ Tát thực hành Bồ Tát Hạnh chứ không chỉ khoác thêm chiếc áo nâu cho đẹp, cho oai rồi… chảnh!

Bài viết tôi xin kết thúc tại đây, không quên nhắc sơ trong khóa học còn có lễ tưởng niệm bốn vị Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Âu Châu, người có nhiều công trình để lại cho chúng Phật Tử chúng ta hôm nay.

Cuối khóa còn có một ngày niệm Phật và một đêm văn nghệ để thư thái thân tâm sau mười ngày căng thẳng vì học hành và công việc.

Xin trân trọng tri ân ban tổ chức đã bỏ nhiều công sức để thực hiện Khóa Tu Học Phật Pháp lần thứ 29 này với nhiều thành quả ngoài sức tưởng tượng đã tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng mọi người.

Hẹn năm tới lại gặp nhau Tìm Về Hương Quê trong tinh thần nỗ lực cầu đạo đem an lành cho mình, cho người.

Kính chúc tất cả sức khỏe và Bồ Đề Tâm kiên cố.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trần Thị Nhật Hưng