Toàn Bộ LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH
(để hiểu rõ cấu trúc và dễ tìm KINH trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng xin vui lòng tra cứu đầu tiên Bộ Mục Lục)
Nay toàn bộ Đại Tạng Kinh Chữ Việt trên 203 tập, Phật Quang Đại Tự Điển 8 tập, đã dịch và in xong.
Ban Tổ Chức, Dịch Thuật, In Ấn, Phát Hành… Đại Tạng Kinh
LỜI GIỚI THIỆU
Khi nói đến Phật giáo. Chúng ta mường tượng ra ngay Tam tạng giáo điển hay còn gọi là Ðại Tạng Kinh. Như ở Lời giới thiệu và Lời nói đầu ở tập 1 của kinh Trường A-hàm trong bộ Linh Sơn Pháp Bảo Ðại Tạng Kinh, đã nói khá rõ ràng và chi tiết về Bộ Ðại Tạng Kinh. Hơn thế nữa, Ðại Tạng Kinh là bao gồm tất cả những thánh thư Phật giáo, hay nếu nói một cách đầy đủ thì Ðại Tạng Kinh hoàn chỉnh là phải có đủ Kinh, Luật, Luận, và có các tác phẩm Kinh giảng, Luật giảng, Luận giảng, Sớ giảng, Chư tông, Sử truyện, Sự vựng…, của Chư Phật và các Tổ Sư tương truyền. Ðược kết tập lại và là một công trình tập thành qua nhiều thế hệ. Phật giáo ngày nay được truyền thừa và trải rộng trên khắp năm Châu. Ðạo Phật du nhập vào quốc gia nào thì đều tùy cơ mà khế hợp với nền văn hiến, văn hoá, tập quán, phong tục,… của quốc gia đó. Cho nên, mỗi một quốc gia đều có một Bộ Ðại Tạng Kinh riêng cho quốc gia của mình. Chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ðại Hàn, Cao Ly, Thái Lan, ngay cả Lào và Campuchia,… cũng đều đã hoàn chỉnh Bộ Ðại Tạng Kinh bằng chính tiếng mẹ đẻ của họ. Ấy vậy mà Phật giáo được truyền qua Việt Nam tới nay đã hơn mấy nghìn năm mà chúng ta vẫn chưa có được đầy đủ một Bộ Ðại Tạng Kinh bằng tiếng Việt. Ðiều này đã làm cho giới học Phật rất trăn trở và thật mong ước.
Nhưng hôm nay, điều ấy đã trở thành sự thật. Trong suốt hai mươi năm qua (1994-2014), Ðại lão Hòa thượng thượng Tịnh hạ Hạnh đã tổ chức phiên dịch gần hết phần trọng yếu nhất của Ðại Tạng Kinh Bắc truyền; đây là một công trình phiên dịch rất to lớn và trọng đại, vậy mà Hòa thượng đã một mình nuôi hoài bão và thực hiện thành công. Mặc dù khó khăn và gian nan, nhưng Hòa thượng không nản chí, Ngài đã âm thầm thực hiện công việc trọng đại này; thật đây là một công cuộc hoằng pháp vô cùng vĩ đại.
Có thể nói, ngày nay, khi đã có được một Bộ Ðại Tạng Kinh bằng tiếng Việt, được chuyển dịch từ Bộ Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh chữ Hán sang, đó là nhu cầu và ước vọng của đại đa số các bậc Tôn túc Trưởng lão, Tăng Ni và các giới tri thức nghiên cứu Phật học. Ðồng thời, khi bộ Ðại Tạng Kinh chữ Việt được hoàn thành là đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển của nền văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.
Như chúng ta đã biết thì Ðại Tạng Kinh Phật giáo gồm có Nam tạng và Bắc tạng. Nam tạng gồm năm bộ Nikàya (Pàli) phần Kinh tạng đã được Hòa thượng Trưởng Lão Thích Minh Châu dịch ra tiếng Việt gồm 24 tập; phần Luật tạng, Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm, Thượng toạ Giác Giới, Thượng toạ Chánh Thân đã chuyển dịch toàn bộ ra tiếng Việt; phần Luận tạng, Hòa thượng Tịnh Sự cùng một số vị khác đã và đang dịch ra tiếng Việt cũng như chú giải, rất thuận tiện, lợi ích cho việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giới học Phật. Ðối với Bắc tạng (Hán tạng), phần Kinh, Luật, Luận có các vị như Ngài Ðại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Ðổng Minh, Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Thiện Siêu…, cũng đã có dịch ra tiếng Việt từ trong Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh nhưng số đó còn rời rạc, lẻ tẻ, chưa hoàn chỉnh thành một hệ thống hẳn hoi cho đúng với danh nghĩa Ðại Tạng Kinh như Hán tạng.
Hôm nay đây, một bộ Ðại Tạng Kinh bằng chữ Việt hoàn bị đã vận hành và trơn tru chạy suốt thời gian 20 năm (1994-2014) đã chính thức hoàn thành; văn phòng đặt tại Chùa Pháp Bảo, số 5/161 Xa Lộ Hà Nội, phường Linh Trung, Quận Thủ Ðức.
Vạn sự khởi đầu nan, có thể nói trước tiên nhờ sự động viên tinh thần cũng như cố vấn tổ chức hết sức chân tình của chư vị Tôn túc, các Giáo sư, Nhà nghiên cứu Phật học, Cư sĩ Phật tử trí thức, các đại thí chủ, mạnh thường quân trong và ngoài nước đã cộng tác nhiệt thành, cho nên cỗ máy phiên dịch và ấn hành Ðại Tạng Kinh chữ Việt luôn được diễn ra suôn sẻ. Trong thời gian đó, Hòa thượng thượng Tịnh hạ Hạnh luôn là vị chỉ đạo thực hiện, với sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ các ban như sau:
1. Ban Chứng Minh:
- Hòa thượng Thích Phổ Tuệ
- Hòa thượng Thích Trí Tịnh
- Hòa thượng Thích Minh Châu
- Hòa thượng Kim Cương Tử
- Hòa thượng Giáo sư Thích Quảng Ðộ
- Hòa thượng Giáo sư Thích Tuệ Sĩ
- Hòa thượng Thích Trí Quang
- Hòa thượng Thích Thiện Siêu
- Hòa thượng Thích Ðổng Minh
- Hòa thượng Thích Thanh Từ
- Hòa thượng Thích Ðức Thắng
- Hòa thượng Thích Trí Quảng
- Hòa thượng Thích Phước Sơn
- Giáo Sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
- Giáo sư Tiến sĩ Lý Kim Hoa (Nguyên Hồng),
2. Ban Dịch Thuật:
Ðây là ban chủ lực, có thể nói đã được sự góp sức rất nhiều của chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni, Cư sĩ, Nhà nghiên cứu Phật học…, ở khắp các vùng miền từ Bắc chí Nam. Ở đây, chúng tôi chỉ xin mạn phép nêu lên một số vị tiêu biểu, ngoài ra xin trân trọng tri ân và hồi hướng công đức đến quý vị đã có đóng góp mà không nêu ra đây.
Hòa thượng Thích Trí Tịnh: Hầu hết những Kinh của Hòa thượng dịch đều đưa vào Ðại Tạng Kinh này: Bộ Bảo Tích, Bộ Niết-bàn, Bộ Pháp Hoa, Bộ Hoa Nghiêm…, đều có xin phép Hòa thượng và được biên tập đôi chút nơi những từ ngữ địa phương cổ xưa, cho phù hợp với thời đại bây giờ, để phổ cập các miền được dễ dàng đọc hiểu.
Hòa thượng Giáo sư Thích Nguyên Chứng, Hòa thượng Thích Ðức Thắng: Toàn tập A-hàm gồm Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tăng Nhất A-hàm và Tạp A-hàm, được dịch và chú thích đối chiếu bản văn.
Hòa thượng Thích Ðổng Minh, Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Phước Sơn: Về phần Luật Tạng đưa vào Ðại Tạng Kinh này, phần lớn đều lấy các bản dịch của quý Hòa thượng đây mà biên tập lại.
Hòa thượng Thích Thiện Siêu: Các Bộ Luận như Trung Quán, Ðại Trí Ðộ, Thành Duy Thức đều đưa vào trong Ðại Tạng này.
Hòa thượng Thích Minh Cảnh, Giáo sư Tiến sĩ Lý Kim Hoa, Nhà Nghiên cứu Phật học Nguyên Huệ, Nhà Nghiên cứu Lý Việt Dũng, Ni sư Thích Nữ Như Lộc…, dịch các Bộ Luận, sớ giải Kinh, Luật đều được đưa vào Ðại Tạng này.
Ngoài ra còn có các Thầy, Cô là chư vị Thượng tọa, Ðại Ðức Tăng Ni, các Cư sĩ lão thành và trẻ tuổi đã có thời gian từng tu học, giảng dạy các trường Phật học, có nền tảng căn bản về chữ Hán cũng như Phật pháp đều tham gia đóng góp dịch thuật, như Thầy Chánh Tiến, Trí Không, Hồng Sơn, Phước Ðình, Phước Viên, Ðạt Bửu, Tâm Hạnh, Bảo Quang, Giảng Quang Dương, Thanh Nguyên, Trí Lâm, Minh Ngọc, Nhật Trí, Như Huệ, nhóm dịch Phật học viện Nha Trang,…
3.Ban Biên Tập:
Giáo sư Tiến sĩ Lý Kim Hoa, Nhà nghiên cứu Phật học Nguyên Huệ, Thầy Chánh Tiến, Trí Không, Phước Ðình, Bảo Quang, Giảng Quang Dương, Trí Lâm, Minh Ngọc, Nhật Trí, Như Huệ.
4.Ban Nhuận Văn:
Giáo sư Tiến sĩ Lý Kim Hoa, Nhà nghiên cứu Phật học Nguyên Huệ, Thầy Chánh Tiến, Trí Không.
5.Ban Vi Tính:
Nhóm Sư cô Huệ Hướng, Nhóm Sư cô Thánh Ngọc v.v…,
6. Ban Văn phòng:
Trong suốt một thời gian dài, do điều kiện khách quan, cũng như sức khỏe, nhiều vị tham gia trong khối văn phòng làm một thời gian rồi nghỉ, hoặc thuyên chuyển qua công việc khác. Ở đây xin ghi nhận sự đóng góp của các vị theo thứ tự thời gian như sau:
– Nhà Nghiên cứu Phật học Nguyên Huệ.
– Thầy Thanh Nguyên
– Thầy Bảo Quang
– Thầy Trí Lâm
– Thầy Minh Ngọc
Cùng các vị trong khối văn phòng như vi tính, giao nhận,thủ quỹ,… mà chúng tôi xin trân trọng tri ân và hồi hướng công đức.
7. Tổng Biên Tập:
Giáo sư Tiến sĩ Lý Kim Hoa.
Với các ban nêu trên, tất cả đều hoạt động tích cực dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Tiến sĩ Thích Tịnh Hạnh.
** Trích trong Tập 203 Mục Lục từ trang 50-55
Lời giới thiệu của Hoà Thượng Thích Quảng Độ
Ngày nay có thể nói, đại đa số Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam đều nhận thấy, Đại Tạng Kinh bằng chữ Việt là nhu cầu hết sức bức thiết, vì hai lý do:
Thứ nhất, hầu như các nước Phật Giáo Châu Á, kể cả Lào và Campuchia, đều đã có Đại Tạng Kinh riêng của họ, lẽ ra Phật Giáo Việt Nam cũng đã có từ lâu rồi, nhưng cho đến nay vẫn chưa, điều nầy chứng tỏ Phật Giáo Việt Nam đã thua kém Phật Giáo các nước bạn rất xa. Đó là điều mà giới Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt là giới xuất gia càng phải quan tâm suy nghĩ.
Thứ hai, khả năng học tập, nghiên cứu Phật Pháp trực tiếp qua Đại Tạng Kinh chữ Hán có thể mỗi ngày một sút giảm dần, như vậy nếu không có được một bộ Đại Tạng Kinh chữ Việt hoàn chỉnh và gấp rút thì e các thế hệ học Phật tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, học hỏi, về lâu về dài sự phát huy Phật Pháp ở Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng nếu không muốn nói là hạn chế.
Tôi nhấn mạnh, Đại Tạng Kinh chữ Việt hoàn chỉnh có nghĩa là ở Việt Nam tuy đã có một số lớn kinh điển Hán văn được dịch sang chữ Việt rồi, nhưng số đó còn rời rạc, lẻ tẻ, chưa được tổ chức thành hệ thống hẳn hoi cho đúng với danh nghĩa là Đại Tạng Kinh như tạng chữ Hán, để truyền trì cho đời sau. Hơn nữa “hoàn chỉnh” còn có nghĩa là Đại Tạng Kinh chữ Việt phải gồm đủ Kinh Luật Luận và những tác phẩm chú thích, sớ giải v.v… của các bậc Tổ Sư, Tiền Bối và của các học giả cận đại.
Nay tôi được biết, Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh, Tiến sĩ Triết học, hiện đang sống ở Đài Loan, phát nguyện đứng ra tổ chức phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh chữ Việt, Hoà Thượng đã hoạch định một chương trình phiên dịch, ấn loát qui mô, công việc đang được tiến hành một cách thuận lợi đều đặn. Tôi vô cùng hân hoan và nhất tâm tuỳ hỷ.
Đây là sự nghiệp lớn lao, công đức cũng vô lượng không phải sức của một người có thể chu toàn, mà phải cần sự hổ trợ của nhiều người. Cái khó trước kia là ở chỗ chưa có ai đề xuớng và đứng ra gánh vác trách nhiệm, cho nên dù có người muốn hổ trợ cũng không biết về đâu, nay đã có Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh, đầy đủ khả năng và điều kiện, đứng ra cáng đáng công việc to lớn nầy, nên tôi chí thành tha thiết thỉnh cầu chư Tôn Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni, Phật Tử Việt Nam trong và ngoài nước, hãy phát đại tâm hộ trì Phật Pháp, giúp đỡ Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh bằng hai cách :
– Tích cực tham gia vào công trình phiên dich, hiệu chính, chứng nghĩa, góp ý v.v…
– Hỗ trợ tài chánh, tuỳ theo khả năng, cho công trình ấn loát, xuất bản v.v…
Đây là việc chung có ảnh hưởng rất lớn đối với tiền đồ Phật Giáo Việt Nam, tôi ước mong Quý vị sốt sắng tham gia để phúc quả to tát nầy được viên mãn.
Sự nghiệp phiên dịch và xuất bản Đại Tạng Kinh chữ Việt khi được hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển nền văn học Phật Giáo Việt Nam lên ngang tầm địa vị của các nước Phật Giáo trên thế giới.
Nguyện cầu Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng, Hộ pháp thiện thần gia hộ cho Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh và toàn thể Quý vị mạnh thường quân hộ trì Chánh Pháp mau thành tựu đại nguyện.
Nam Mô Hộ Pháp Chư Thiên Bồ Tát Tác Đại chứng minh.
Làm tại Sài Gòn, ngày 16/12/1998.
Sa Môn Thích Quảng Độ (ký tên).
Vài nét về Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh
Hòa thượng xuất gia từ thuở ấu niên, đệ tử của Hòa Thượng tiến sĩ Thích Huyền Vi Tăng thống giáo hội Phật giáo Linh Sơn Thế giới. Hòa thượng là người có ý chí tu học, lại mang đại nguyện hoằng đạo giúp đời và lúc nào cũng hăng say trong tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc. Hòa Thượng được đào tạo tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang, nơi đã sản xuất nhiều nhân tài Phật giáo hiện đang hành đạo và lãnh đạo Phật giáo khắp nơi trên thế giới. Về học vấn, Hòa thượng Tịnh Hạnh đã hoàn tất chương trình Đại học Phật giáo, đã có cao học và tiến sĩ qưốc gia văn triết học tại đại học qưốc lập sư phạm Đài Loan.
Về phục vụ, Hòa thượng đã lập giảng đường Linh Sơn tại Đài Bắc Thủ đô đảo quốc Đài Loan với mục đích đào tào nhân tài phật giáo và hướng dẫn người tu tập theo pháp khí công Thiền tọa là phương pháp mới do chính Hòa thượng tổng hợp Thiền và Lão để sáng tạo thành pháp môn tu tập mới luyện thân tu tâm. Pháp môn nầy đã thu hút đủ lớp hạng người. Hòa thượng còn là giáo sư chánh ngạch về môn văn triết học của Đại học quốc lập Trung Hưng Đài Loan.
Là một nhà sư Việt Nam khoa bảng sống trên xứ Đại Loan mang ý chí cầu tiến, với tinh thần vị tha thương đạo gíup đời, Hòa thượng đã hằng chục năm ăn gạo lức muối mè, sống đời thanh đạm bình dị trường kỳ như thế để lập nguyện phục hưng Phật giáo Trung Hoa và để hoàn thành tâm nguyện thành lập Đại Tạng Kinh bằng Việt ngữ.
Một mình một bóng, Hòa thượng độc hành dũng mãnh mang đại nguyện lên đường phục vụ, mọi ngườỉ cảm phục, nhưng chẳng mấy ai tin tưởng thành công, vì trước mắt chống gạỉ nguy khó trùng trùng, chẳng khác nào như ngày xưa Huyền Trang lập nguyện đi Tây phương thỉnh kinh gặp phải vô vàn chướng duyên nghịch cảnh. Ví thử sự đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có chi nào. Thật vậy, đất trời đâu phụ lòng người có chí. Xưa nay nhân qủa nào sai. Có bao kẻ vì đại nghĩa đã nêu gương sáng cho đời. Ngày nay Hòa thượng Tịnh Hạnh tại Đài Loan là một danh tăng trong những danh tăng hy hữu, làm chủ dãi núi lớn tương lại có thể là Đại tùng lâm hoặc Đại học, có giảng đường ở khắp ba miền đài Trung, Nam, Bắc với hàng ngàn đệ tử tăng tục, khiến cho người bản xứ phải nể phục. Hòa thượng Tịnh Hạnh xứng với câu ‘Đem chuông đi đánh xứ người’
Nhưng đâu phải chỉ thế thôỉ đặc biệt hiện nay Hòa thượng Tịnh Hạnh là người duy nhất phát động công tác hình thành Đại Tạng Kinh Việt ngữ. Bởi mang đại nguyện làm phong phú văn hóa nước nhà và thỉết tha với tiền đồ đạo pháp, Hòa thượng đã tự xuất tiền ra bôn ba khắp nơỉ trên đất nước Vỉệt Nam để tìm người có khả năng mời thỉnh tham gia vào công tác dịch kinh đồng thời trang trải kinh phí để họ an tâm trong vấn đề dịch thuật. Hòa thượng Tinh Hạnh gánh vác công tác phật sự nầy không những chỉ tốn mất công lao nhiều năm tháng, mà còn đòi hỏi ngân khoản kinh phí to lớn vô cùng. Nếu không phải là hùng tâm đại nguyện, thì đối trước những chướng duyên nghịch cảnh lao tâm nhọc sức, tốn hao tiền tàỉ, khó mà vững chí bền lòng, nhưng Hòa thượng Tịnh Hạnh vẫn ôm hoài bảo, bằng bất cứ giá nào cũng phải thực hiện sở nguyện của mình.
Miên, Lào, Thái, Nhật, Đại Hàn đều có Tạng Kinh bằng chữ của họ là vì sao? còn Việt Nam ta tự hào bốn ngàn năm văn hiến, đạo Phật có mặt với dân tộc Việt ngót hai ngàn năm, giáo lý đạo Phật đã thấm sâu vào lòng dân Việt, nhân tài tăng tục chẳng thiếu chi, mà sao mãi đến nay vẫn chưa có Đại Tạng Kinh bằng Việt ngữ?, Bao nhiêu người đã thao thức vấn đề nầy? Hay chỉ lo cất chùa to Phật lớn mà nội dung khô cằn!.
Sự thăng trầm của Phật giáo liên hệ mật thiết với sự thịnh suy của dân tộc. Do vậy, nên điều gì lợi ích cho Phật giáo cũng có nghĩa là lợi ích cho dân tộc. Công cuộc thực hiện Đại Tạng Kinh chữ Việt là điều đáng ca tụng, là việc làm lịch sử. Từ ý nghĩa trọng đại cao quý đó, tất cả mọi người Việt chúng ta đều có bổn phận hổ trợ tinh thần cùng như vật chất, cũng là cách góp tâm sức vào công tác hình thành đại Tạng Kinh Việt Ngữ, để cho Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh có được thuận duyên hoàn thành đại nguyện có tánh cánh lịch sử văn hóa dân tộc và đạo pháp nầy.
Hoa kỳ, ngày 15 tháng 7 năm 1999
Tỳ kheo Quê mùa Thích Đức Niệm (ký)
Lời nói đầu của người chủ trì dịch Đại Tạng Kinh chữ Việt
Ba tạng giáo điển là kho tàng của trí tuệ Bát-nhã, là chìa khóa của sự thành tựu Đạo nghiệp. Hơn mười ba thế kỷ trước, thấu triệt lẽ này, Đại sư Huyền Trang đã phát đại hùng tâm phiên dịch kiện toàn ba tạng giáo điển, giúp Trung Quốc hồng phước sở hữu Trung văn Đại Tạng Kinh.
Trải năm mươi năm ấp ủ một hoài bão tương tự, mãi đến ngày nay, chúng tôi, mới tạm hội đủ nhân duyên để thực hiện bộ Việt tạng; thành tựu ấy chẳng thể, chẳng phải do một cá nhân : nó là thành quả của một công đức cộng đồng, do nhiều trái tim, bộ óc hợp lại.
Xưa kia, sự hiện diện của Hán tạng đã góp phần to lớn vào sự nghiệp nâng cao đời sống văn hóa, tâm linh của Trung Hoa, giúp nước này đủ sức mạnh gốc rể để đứng vững trước bao phong ba, thử thách. Nhận định về điều này ông Phùng Hữu Lan, giáo sư Viện đại học Bắc kinh đã viết :
‘Vào thời đại Nam Bắc triều, giới tư tưởng Trung Quốc lại có sự chuyển mình lớn lao. Bởi vì lúc đó tư tưởng Phật giáo cũng thâm nhập hiểu được những huyền diệu sâu xa. Từ đó cho đến thời sơ diệp nhà Tống, những người có tư tưởng li lạc nhất của Trung Quốc đều là những người nghiên cứu tư tưởng Đạo Phật (khoảng năm sáu trăm năm). Tư tưởng Phật giáo vốn là sản vật của Ấn Độ nhưng được người Trung Quốc giảng giải, phần nhiều đem tư tưởng đó thâm nhập vào khuynh hướng tư tưởng người Trung Quốc, biến thành tư tưởng Phật giáo của Trung Quốc.’
Sự hiện diện của Việt tạng đối với dân tộc ta đương nhiên cũng là như thế.
Về mặt nội dung, Việt tạng tiếp nạp cả Đại tạng Bắc truyền và Đại tạng Nam truyền. Về phần Đại tạng Bắc truyền, quan trọng nhất được chọn từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Tục Tạng Kinh… ; thêm vào những sắc thái đặc biệt của Đại tạng Tây Tạng, Nhật Bổn; những văn bản tư tưởng Phật giáo của các vị Cao tăng học giả Đông, Tây cận đại và hiện đại: tất cả vào khoảng một ngàn tập, mỗi tập dày một ngàn trang khổ 17 x 24 cm, như quý vị đang có trước mắt.
Chỉ nói sơ qua, đã mường tượng được công việc thực hiện Việt tạng là khó khăn như thế nào. Thử liếc nhìn qua nước Nhật Bổn chẳng hạn: chỉ mỗi phần việc biên tập tu đính dành cho bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (vì toàn bộ Đại Tạng Trung văn và Đại Tạng Nhật Bổn đã hoàn thành từ lâu), do hai học giả Phật giáo lỗi lạc của Nhật là Cao Nam Thuận Thứ Lang (Junjiro Takakusu) và Độ Biên Hải Húc (Watanabe) chủ trì, cùng với sự cộng tác của nhiều học giả Phật giáo và Đông phương học mà phải cống hiến ròng rã mười ba năm trí tuệ tâm huyết, mới tạm gọi là hoàn chỉnh.
Việc đã đành là khó, ngàn khó vạn khó, nhưng lẽ nào thấy khó mà không làm. Tự lượng sức mình có hạn, nhưng vì mỗi chút lòng thao thức cho sinh mệnh, tiền đồ của Phật giáo và dân tộc Việt Nam, chúng tôi đã mạo muội đứng lên khởi xướng, những mong một gọi nghìn thưa: mỗi Phật tử người Việt, xin ý thức trách nhiệm của mình, tự nguyện góp phần công đức vào sự nghiệp thực hiện bộ Việt tạng này, chẳng những là một phương tiện thù thắng để hoằng dương Chánh pháp, mà còn là đối với nền văn hóa dân tộc được cống hiến vô cùng sâu rộng, cũng xứng đáng là một tông giáo có mặt trên đất nước Việt Nam ngót hai ngàn năm lịch sử.
Hôm nay Việt tạng bắt đầu xuất bản vì là lần đầu, mặc dầu chúng tôi cố gắng đến mức tối đa, nhưng chắc cũng khó tránh khỏi những khuyết điểm về hình thức lẫn nội dung; hy vọng những vị cao kiến chỉ dạy để kịp thời sửa lại trong những tập sau cũng như lần tái bản. Ở đây chúng tôi xin ghi ơn những vị tiền bối đã âm thầm góp sức, cũng như nhiều vị phụng hiến trí tuệ và mồ hôi qua sáu năm và những ngày sắp tới vào công việc gian lao này. Sau hết, không quên cảm ơn Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, đã dành cho chúng tôi nhiều sự dễ dàng trong khi thực hiện Đại Tạng Kinh chữ Việt.
Kính chúc Quý vị vô lượng cát tường.
Viết tại chùa Pháp-Bảo – Thủ Đức.
Ngày 06 tháng giêng năm Canh thìn P.L : 2544 (2000)
Sa môn Thích Tịnh Hạnh.
Lời giới thiệu của Hoà Thượng Thích Quảng Độ (2003)
Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, người có cuộc sống giản dị, mộc mạc và cần kiệm khắc khổ, qua hai mươi mấy năm chỉ ăn cơm gạo lức với muối mè, dốc toàn tâm toàn lực đầu tư vào việc vận động phục hưng Phật giáo Đài Loan và tích cực đào tạo nhân tài ưu tú cho Đài Loan. Năm 1994, Ngài không quên tiến hành kế hoạch phiên dịch Đại Tạng Kinh chữ Việt đem tất cả tiền lương dạy trong Viện Đại học của mình cống hiến cho sự nghiệp dịch Đại Tạng Kinh. Ngài đã kết hợp với các chuyên gia, học giả Việt Nam và Đài Loan, đã trải qua 8 năm tiến hành phiên dịch Đại Tạng Kinh không ngừng nghỉ, tính đến nay (cuối năm 2003) đã dịch xong gần như trọn bộ hàng ngàn bộ Kinh, Luật, Luận. Đây là một thành tích cụ thể nhất, nhưng thay vào đó cùng với thời gian, mái tóc của Ngài đã bạc thêm nhiều.
Gieo trồng ruộng phước.
Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh kêu gọi những người Việt Nam dù là Phật tử hay không phải Phật tử cũng nên đồng phát tâm hộ trợ sự nghiệp dịch Đại Tạng Kinh, để lưu truyền mãi mãi về sau. Công đức này thật vô lượng vô biên, khó nghĩ bàn. Đại Tạng Kinh chữ Hán dịch thành chữ Việt được kết quả viên mãn, thì chẳng những đối với người Phật tử Việt Nam được tiện tham cứu, học tập đạt đến giác ngộ giải thoát mà đối với nền văn hóa dân tộc cũng được cống hiến vô cùng lớn lao. Chúng tôi xin chân thành kính giới thiệu đến quý Chùa, Tăng chúng và chúng Phật Tử tùy hỷ tham gia ủng hộ, để cho Phật Giáo Việt Nam sớm ngày đơm hoa kết quả mỹ mãn. Đó cũng chính là tự mình đã gieo trồng “Chủng tử Phước Huệ cho chính mình”.