Thay Lời Nói Đầu
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni
Kính thưa quý Pháp hữu
Chúng con/em là Tâm Thường Định hôm nay có một Phật sự, kính trình và thỉnh nguyện quý Ngài và quý anh để tiếp tâm lực và bút lực. Trong khi nghiên cứu luận án của mình, chúng con/em nhận thấy có nhiều bài rất hay và sâu sắc rải rác về “Thầy Tôi”. Đây là những hành trạng “độc nhất vô nhị” của Ân sư quý Thầy/Cô, quý anh/chị. Chúng con/em nhận thấy rằng đây không phải là Ân sư riêng của quý Thầy/Cô, quý anh/chị mà là Ân sư của tất cả chúng ta. Quý bậc Tiền nhân là những bài học vô giá từ thân giáo đến tâm giáo và là tấm gương sáng cho nhiều người.
Những bài viết về “Thầy Tôi” luôn viết với tấm lòng và trái tim chân thành của chính mình. Những vị Cao Tăng Thạc Đức với công hạnh và hành trạng và những gì quý giá nhất cần phải được ghi lại thành sử liệu để cho hàng hậu học biết về cội nguồn của mình và học hỏi noi theo. Vì thế, nay con phát nguyện làm một Tuyển tập “Thầy Tôi”. Chúng con nhận thấy rằng đây là những truyền thống tốt đẹp, đặc thù, siêu việt và là tinh hoa Phật giáo nói chung, và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Chúng con/em xin thành kính tri ân tất cả quý tác giả đã gởi bài trong tuyển tập này:
Ôn Thích Thắng Hoan, Ôn Thích Tín Nghĩa, Ôn Thích Thái Hoà, Ôn Thích Như Điển, Ôn Thích Phước An, Ôn Thích Nguyên Siêu, Venerable Thích Ân Giáo, Thượng tọa Thích Tâm Hạnh, Thượng tọa Thích Minh Dung, Thượng tọa Thích Từ Lực, Chúng đệ tử Sư Ông Làng Mai, Ni sư Thích Nữ Thuần Tuệ, Sư Cô Thích Nữ Hạnh Chi, Huệ Trân, Diệu Trân, Tâm Huy – Huỳnh Kim Quang, Tâm Quang – Vĩnh Hảo, Nguyên Giác – Phan Tấn Hải, Nguyên Thọ – Trần Kiêm Đoàn,Thị Nghĩa – Trần Trung Đạo.
Nguyện hồi hướng công đức này đến với mọi người và mọi loài đều được an lạc.
Tâm Thường Định – Bạch Xuân Khoẻ cẩn bút.
Thủ phủ Sacramento, mùa Xuân 2015.
Lời Giới Thiệu (Tác phẩm Thầy Tôi)
Hai chữ “Thầy tôi” mang nhiều ý nghĩa: Tình tự đời sống của hai Thầy trò; dạy người nhớ ơn và đền ơn; biết gìn giữ lễ nghĩa của sự dạy bảo; ý thức trưởng thành trên lãnh vực tinh thần và mẫn cảm trên chiều hướng suy tư của tâm thức. Do vậy, người chủ trương tập thành quyển “Thầy Tôi” là những cảm nghĩ vô cùng quý báu trên giá trị tình người, thâm trầm, sâu xa trên nếp sống đạo.
Những bài được ghi lại nơi đây, đều nói lên được tấm lòng của người đệ tử, người học trò một thời đã sống gần Thầy, được Thầy chỉ dạy, khuyến tấn tu tập cho đến hôm nay được trưởng thành, ấy là nhờ cái ân cái đức, cái tâm huyết mà Thầy đã hy sinh cho đệ tử. Chúng ta hãy chiêm nghiệm lời nói: “Đệ tử tầm Sư dị. Sư tầm đệ tử nan.” Thầy muốn tìm người học trò cho xứng đáng quả thật là khó. Khó ở chỗ là người học trò có cố công học hỏi? Có hiến dâng đời mình cho lý tưởng? Có đầy đủ phẩm hạnh để hướng thượng? Có đạt được những gì Thầy hoài vọng? Chừng ấy không thôi là đủ thấy khó rồi. Nhưng, trong tập “Thầy Tôi” dường như người học trò nào cũng dễ thương, cũng thành tựu một phần nào một thời Thầy dạy bảo mà không phụ lòng Thầy, không uổng phí sự nuôi dưỡng của Thầy.
Chúng ta thử tưởng tượng, “Thầy Tôi” trong đêm xách đèn đi thăm đàn con có ngủ ngon không? Giờ ăn nhà bếp có cho ăn đầy đủ không? Dù cảnh đời có cơ cực, có thiếu thốn, nhưng không lúc nào mà chẳng đầy những tô rau muống, những bát bí đỏ, những chén tương hột, bằng tình thương nuôi lớn đời con. Sáng “Thầy Tôi” vun luống rau muống, chiều đánh vồng khoai, bón phân, tưới nước; cần cù nhọc nhằn cũng vì đàn con, hàng đệ tử. Hình ảnh ấy đã in sâu trong lòng những người đệ tử trong tập “Thầy Tôi” mà chẳng thể phai nhòa, lãng quên theo năm tháng. Cho nên, chúng ta đọc “Thầy Tôi” là đọc lại những hành trạng mà một thời “Thầy Tôi” đã thể hiện qua nếp sống đạo đơn giản, dung dị, bình thường, nhưng phi thường, dị thường. Đó là bài học sống động, dẫu cho người đệ tử có học suốt đời, suốt kiếp cũng không học hết, học không thuộc, học không xong.
Đọc “Thầy Tôi” như đọc quyển Kinh Nhật Tụng, tụng hằng ngày, tụng hằng đêm, tụng suốt thời gian từ thời làm điệu cho đến hôm nay và luôn cả ngày mai. Một việc nhỏ của “Thầy Tôi” làm hằng ngày, ấy vậy mà chúng ta làm hoài mà vẫn chưa đạt được, vì chúng ta chẳng sống với nó thì làm sao thành tựu được. Chỉ một việc trông ra đơn giản, dễ dàng: “Thầy Tôi” mỗi buổi sáng, tay cầm ổ bánh mì, tay cầm gói đường nhỏ đi tìm ổ kiến cho chúng ăn, chỉ chừng ấy không thôi mà mình làm không được, và nếu có làm thì được đôi ba bữa rồi quên bẵng, làm đàn kiến đói meo. Hoặc mỗi sáng, nấu xoong cháo để nơi nhà Thiền, ai đi ngang, ghé ăn chén cháo, uống ly trà nóng rồi đi làm, đơn giản chỉ có thế mà “Thầy Tôi” làm suốt từ thập niên này sang thập niên khác không hề mệt mỏi, không hề bỏ lửng, bỏ mặc, vô tâm… còn chúng ta thì sao? Hãy tập làm theo “Thầy Tôi” để được thành tựu như “Thầy Tôi”. Người tập thành quyển “Thầy Tôi” mà cũng là người đặt tên cho quyển sách thật là có ý, để hiến dâng cho đời cảm nghĩ đẹp, tấm lòng đẹp, ý niệm đẹp… muôn thủa.
Đọc “Thầy Tôi” để thấy dung nghi “Thầy Tôi” khi ngồi nơi nhà Thiền, lúc tiếp bổn đạo Phật tử, hay làm Phật sự, bất cứ lúc nào cũng giữ được vẻ trang nghiêm, oai nghi tề chỉnh. Từng lời nói “Thầy Tôi” dạy người tu tập. Từng cử chỉ “Thầy Tôi” biểu hiện lòng Từ. Từng cái nhìn “Thầy Tôi” khoan dung, tha thứ. Ấy là tánh đức giáo hóa qua thân giáo, khẩu giáo, ý giáo của “Thầy Tôi”.
Những bài viết được kết tập trong quyển “Thầy Tôi” quả thật là những bài học vàng mà chúng ta phải học để có được tánh đức như “Thầy Tôi”, có được hành trạng như “Thầy Tôi” để sống với đời qua cuộc hành trình dài của kiếp người, nhiều sự bình an và hạnh phúc.
Đôi lời giới thiệu, kính mong các bậc Thiện trí thức miễn thứ cho những lời thô thiển mà đón đọc “Thầy Tôi” để cùng chia sẻ với những tấm lòng thuần hậu của người học trò đối với “Thầy Tôi” đây là ân đức vô cùng, thành kính đảnh lễ tri ân.
San Diego, ngày 21 tháng 04, 2015
Nguyên Siêu