Home » Hội PTVNTN » Dân Tộc Việt Nam Qua Các Thời Đại

Dân Tộc Việt Nam Qua Các Thời Đại

Mục Hội PTVNTN

DÂN TỘC VIỆT NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI VÀ NHỮNG CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH VỚI NGƯỜI TRUNG QUỐC

Hồng Bàng và Văn Lang:
Theo truyền thuyết thì thủy tổ dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương, hiện có mộ tại làng An Lữ, Bắc Ninh.

Kinh Dương Vương làm vua vào khoảng năm Nhâm Tuất ( 2000 năm trước tây lịch). Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Nông là Vua Động Đình sinh một con trai đặt tên là Sùng Lãm, sau nối ngôi vua cha niên hiệu Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một trăm trứng, một trăm trứng nở ra một trăm con là tổ tiên của Bách Việt. Một hôm nhà Vua bảo bà Âu Cơ: « Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó ». Bèn từ biệt, chia năm chục con theo mẹ lên núi, năm chục con theo cha về phía Nam miền biển và phong cho con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi. Hùng Vương lên ngôi Vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu ( Bạch Hạc, Phú Thọ), chia nước ra làm 15 bộ. Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng là nhà nước phôi thai đầu tiên của Việt Nam, còn rất đơn giản, mặc dù mới hình thành nhưng đã cố kết được lòng người. Từ tình cảm cộng đồng dẫn đến ý thức cộng đồng, thể hiện rõ tình đồng bào ruột thịt. Họ bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của cộng đồng trong việc làm thủy lợi, trao đổi sản phẩm và đấu tranh giữ gìn bản làng, đất nước. Thời đại Hùng Vương có hai tập tục được loan truyền trong nhân gian thể hiện rõ tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt.

Thời kỳ Nhà Thục:
Thục Phán thủ lĩnh của người Âu Việt ( phía Bắc nước Văn Lang) hợp nhất với nước Văn Lang của người Lạc Việt, xưng là An Dương Vương đặt quốc hiệu là nước Âu Lạc, đóng đô tại Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Năm 218 trước tây lịch, Tần Thủy Hoàng huy động 50 vạn quân, chia làm 5 đạo, đi chinh phục Bách Việt. Chỉ huy đạo quân Tần là viên tướng lừng danh Đồ Thư. Các Lạc Tướng đã suy tôn Thục Phán là lãnh tụ chung để chỉ huy kháng chiến chống quân Tần. Người Việt làm chiến tranh du kích, vườn không, nhà trống, bền bỉ kháng chiến suốt 10 năm, đợi khi quân Tần lâm vào tình trạng mệt mỏi, chán nản khổ sở vì thiếu lương thực và ốm đau nhiều vì không hợp thủy thổ, lúc đó Thục Phán mới tổ chức phản công quân Tần, bắn chết Đồ Thư. Mất tướng chỉ huy, quân Tần mở đường máu tháo chạy về nước.
Sau chiến công vĩ đại đánh thắng 50 vạn quân Tần, An Dương Vương tổ chức xây thành Cổ Loa. Thành có 9 vòng, chu vi vòng ngoài 8km, vòng giữa 6,5km, vòng trong cùng 1,6km.
Với vị trí thuận lợi, với bố trí thành có 9 lớp, xoáy trôn ốc, thành cao, hào sâu, có các ụ cao khô vượt ra ngoài lũy để có thể từ cao bắn xuống, với vũ khí nỏ thần và những mũi tên đồng lợi hại, sức mạnh quân sự tổng hợp của thành Cổ Loa làm cho quân thù khiếp sợ thể hiện trí tuệ quân sự tuyệt vời của tổ tiên ta. Ở ngoài thành Hà Nội ngày nay, vẫn còn thấy dấu tích 3 lớp thành Cổ Loa thời An Dương Vương.

Thời kỳ Thuộc Tây Hán; Bắc thuộc lần thứ 1.
Tân Mùi ( 110 trước tây lịch) (Hán Nguyên Phong năm thứ 1). Nước Việt ta đã thuộc về nhà Hán; Nhà Hán cho Thạch Đái làm Thái Thú 9 quận. Chế độ nhà Hán lấy châu lãnh quận, trừ hai quận Châu Nhai, Đạm Nhỉ đều ở giữa biển, còn 7 quận thuộc về Giao Châu, Đái làm châu Thái Thú 63. Thời Tây Hán, trụ sở của Thái Thú đặt tại Long Uyên, tức Long Biên; thời Đông Hán đặt tại Mê Linh tức là Yên Lăng.

Thời kỳ Triệu Vũ Vương-Triệu Đà.
Họ Triệu nhân lúc nhà Tần suy loạn, giết tướng nhà Tần, chiếm giữ đất Lĩnh Nam, xưng đế, đòi ngang với nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 100 năm mới mất, cũng là bậc Vua Anh Hùng.
Họ Triệu, tên húy là Đà, người huyện Chân Định nước Hán, đóng đô ở Phiên Ngung ( nay ở tỉnh Quảng Đông). Giáp Ngọ, năm thứ 1 ( 207 trước tây lịch), ( Tần Nhị Thế năm thứ 3), vua chiếm lấy Lâm Ấp và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vương.

Thời kỳ Hai Bà Trưng.
Trưng Vương tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên. ( Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau. Sách Cương Mục Tập Lãm lấy Lạc làm họ là Lầm). Đóng đô ở Mê Linh.

Canh Tý, năm thứ 1 ( năm 40), ( Hán Kiến Vũ năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 2 vua khổ vì Thái Thú Tô Định dùng luật pháp trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng em gái là Nhị nổi binh đánh hảm trụ sở ở Châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm Vua, mới xưng là họ Trưng.

Thời kỳ Thuộc Đông Hán. Bắc Thuộc lần thứ 2.
Quý Mão, (Trưng Vương, năm thứ 4). ( Hán Kiến Vũ năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, đều thua chết. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót lại là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì ( bọn Đô Dương) đầu hàng, Mã Viện bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuồi cùng của nhà Hán. ( Cột đồng tương truyền ở trên động Cổ Lâu châu Khâm. Viện có câu thề: « Cột đồng gãy thì Giao Châu Diệt ». Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy. Mã Tông nhà Đường lại dựng hai cột đồng ở chổ cũ của nhà Hán ghi công đức của Mã Viện để tỏ ra mình là dòng dõi Phục Ba, nay chưa rõ chổ nào. Hai sông Tả Giang, Hữu Giang mỗi nơi có một cột). Nước Việt ta lại thuộc nhà Hán. Ba năm sau Viện trở về. Người địa phương thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, ở đất cũ thành Phiêng Ngung cũng có).

Tuy cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và Hai Bà Trưng không thành công như ý định, nhưng cũng đã nói lên được tinh thần tự chủ của dân Việt dưới thời Bắc thuộc lần thứ nhất với Trung Hoa.

Thời kỳ Lý Nam Đế-Lý Bí.
Lý Bôn tức Lý Bí, quê ở Long Hưng ( Thái Bình) sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi ‘ 17/10/503), là con trưởng Lý Toản, 5 tuổi bố mất, 7 tuổi mẹ mất, phải ở với chú ruột. Vị Pháp Tổ Thiền Sư thấy khôi ngô tuấn tú xin làm con nuôi đưa về chùa Linh Bảo nuôi dạy. Hơn 10 năm đèn sách chuyên cần, lại được vị Thiền sư hết lòng dạy bảo, Lý Bí trở thành người học rộng hiểu sâu, ít người sánh kịp. Nhờ có tài kiêm văn võ, Lý Bí được tôn làm thủ lĩnh địa phương. Thấy nhân dân ta vô cùng thống khổ dưới sự đô hộ tàn ác của Tiên Tư. Tháng 1 năm 542 Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi binh tấn công quân Lương. Thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ bỏ chạy về nước; Chưa đầy 3 tháng Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận huyện và thành Long Biên. Nhà Lương sai tướng đem quân sang phản công chiếm lại, Lý Bí đã cho quân mai phục đánh tan bọn xâm lược. Đầu năm 543, Vua Lương lại huy động binh mã sang xâm lược nước ta một lần nữa. Lý Bí chủ động đem quân đón đánh giặc ở bán đảo Hợp Phố, quân Lương bị tiêu diệt gần hết.

Tháng Hai năm Giáp Tý-544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế. Đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.

Thời kỳ Triệu Việt Vương-Triệu Quang Phục :
Triệu Quang Phục là con Triệu Túc, Tù Trưởng ở Chu Diên ( Hưng Yên). Khi được Lý nam Đế trao truyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Lương, ông đưa quân về Dạ Trạch ( bãi Màn Trò, Hưng Yên) là một vùng đồng lầy rộng mênh mông, lau sậy um tùm, ở giữa có một bãi đất cao khô ráo để đóng quân. Ông cho quân lính vừa sản xuất lương thực, vừa tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài. Đêm đêm nghĩa quân kéo ra đánh các đồn địch, làm cho lương thực địch bị tiêu hao và mất ăn mất ngủ.

Ngày 13/4/548. Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương, dân gian gọi ông là Dạ Trạch Vương. Năm 550, từ căn cứ Dạ Trạch ông tiến quân ra đánh giết được tướng giặc là Dương San, thu lại được thành Long Biên.

Thời kỳ thuộc Tùy-Bắc Thuộc lần thứ 3.
Năm 602, nhà Tùy sai Lưu Phương đem quân 27 dinh sang đánh nước Vạn Xuân. Vua đời thứ ba của Vạn Xuân là Lý Phật Tử sợ giặc và đầu hàng, bị bắt sang Trung Hoa. Việt nam vào thời Bắc thuộc lần thứ 3 mà trước hết là thuộc Tùy. Thời đó, Việt Nam bị xếp làm một Châu của nhà Tùy, gọi là Giao Châu.

Thời kỳ Thuộc Đường: Lý Uyên lên ngôi Đường Cao Tổ trị vì Trung Hoa.
Năm 671, nhà Đường chia đất Giao Châu thành 12 Châu, 59 huyện và gọi nước ta là An Nam Đô Hộ Phủ.

Nhà Đường dùng chính sách tàn bạo, hà khắc để cai trị nhân dân ta, chúng muốn đồng hóa nhân dân ta bằng chính sách « sát phu, giết phụ ». Nhưng với chí quật cường của một dân tộc anh hùng, nhân đân ta đã có nhiều cuộc nỗi dậy chống lại kẻ thù xâm lược như các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên, Đinh Kiến (687) Mai Thúc Loan (722) Phùng Hưng (766-791) Dương Thanh (819-820).

Thuộc Ngũ Đại-Bắc thuộc lần thứ 3- Ngũ Đại Thập Quốc là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ khi triều Đường diệt vong, kéo dài đến khi triều Tống thống nhất Trung Hoa bản thổ.

Thời kỳ tự chủ:
Dương Đình Nghệ (931-938) người Ái Châu ( Thanh Hoá), là tướng của họ Khúc đã khởi nghĩa đánh đuổi Lý Khắc Chính và Lý Tiến giải phóng thành Đại La ( Hà Nội) xưng là Tiết Độ Sứ vào năm 931.

Khúc Thừa Dụ. ( 905-907) quê ở Cúc Bồ ( Ninh Bình-Hải Dương) người khoan hòa, được nhân dân kính phục. Thấy nhân dân ta vô cùng khốn khổ dưới ách đô hộ của nhà Đường, ông khởi binh tiến công thành Tống Binh ( Hà Nội) đuổi giặc về nước tự xưng là Tiết Độ Sứ. Thế cùng, nhà Đường buộc phải công nhận Khúc Thừa Dụ là người đứng đầu đất Việt.

Thời kỳ Tiền Ngô Vương-Ngô Quyền.
Ngô Quyền sinh ngày 12/3 năm Đinh Tỵ ( năm 897) ở Đường Lâm ( thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây ngày nay). Cha là Ngô Mân, một hào trưởng có tài đức. Ngô Quyền thông minh, khôi ngô, mắt sáng. Ngô Quyền cai quản đất Ái Châu ( Thanh Hóa ).
Kể từ thời Ngô Quyền, dân tộc Việt Nam chúng ta chính thức giành lại độc lập tự chủ từ người Trung Quốc. Chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc.

Dương Bình Vương – Dương Vương Tam Kha.
Ngô Quyền làm vua được 5 năm ( 939-944 ) thì mất, thọ 48 tuổi, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi tự lập làm Vua là Dương Bình Vương ( 944-950).

Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang ( thị trấn Minh Đức,huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) gắn liền với 3 trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đó là năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, năm 981 Lê Hoàn đánh tan quân Tống và năm 1288 Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông.

Thời kỳ Lê Đại Hành ( 980-1005)
Khi cha con Đinh Tiên Hoàng bị Đổ Thích giết hại, Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua. Nhân cơ hội đó, nhà Tống cho quân sang xâm lược nước ta. Vì lợi ích của dân tộc, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao ngôi vua cho Lê Hoàn. Lê Hoàn lên ngôi vua lấy niên hiệu là Lê Đại Hành. Vẫn lấy tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư.

Thời kỳ Lý Thái Tổ-Lý Công Uẩn.
Lý Thái Tổ ( 1010-1028) Lý Công Uẩn người Cổ Pháp ( Từ Sơn- Bắc Ninh) mẹ họ Phạm, sinh ngày 12/2 năm Giáp Tuất ( 974) mẹ chết khi mới sinh, thiền sư Lý Khánh Vân nhận làm con nuôi, Lý Công Uẩn thông minh và có chí khí khác người ngay từ nhỏ. Nhờ sự nuôi dạy của nhà sư Lý Khánh Vân và Lý Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn trở thành xuất chúng, văn võ kiêm toàn, làm đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Khi Lê Ngoạ Triều mất, triều thần tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế, niên hiệu Thuận Thiên, vẫn lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt đóng đô Hoa Lư. Tháng 7 năm 1010, vua Lý Thái Tổ cho dời đô về thành Đại La, một buổi sáng đẹp trời, thuyền vừa cập bến, Nhà Vua thấy Rồng bay lên, do đó đặt tên Kinh đô Thăng Long ( tức Hà Nội ngày nay).

Thời kỳ Lý Thường Kiệt.
Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) là nhà quân sự, nhà chính trị thời nhà Lý nước Đại Việt, làm quan qua 3 triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Ông nổi bật với việc chinh phạt Chiêm Thành (1069), đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075–1076), rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy (1077). Ông đã làm tể tướng hai lần dưới thời Lý Nhân Tông và là một trong 3 người phụ chính khi vua này còn nhỏ tuổi.

Nam quốc sơn hà là bài thơ chưa rõ nguồn gốc tác tác giả mà nhiều tài liệu dân gian cho là của ông đang đêm sai người tâm phúc đọc vang trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát (thuộc địa phận sông Như Nguyệt, khúc sông Cầu, huyện Yên Phong, lộ Bắc Ninh, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Bài thơ như một bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt chống lại quân Tống lần thứ 2.

Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Thời kỳ Trần Thái Tông- Trần Cảnh.
Trần Thái Tông ( 1225-1258) sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần-1218, con thứ của ông Trần Thừa và bà họ Lê. Tổ tiên nhà Trần là Trần Kính vốn gốc ở Đông Triều ( Quảng Ninh) chuyên nghề đánh cá, đến ở làng Tức Mạc, phủ Thiên Trường ( nay xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), sinh ra Trần Hấp, Trần Hấp sinh Tần Lý. Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần thị Dung. Trần Thủ Độ là cháu họ, được Trần Lý nuôi nấng từ nhỏ coi như con. Trần thừa sinh ra Trần Liễu và Trần Cảnh là con trai, sau đó mối tình với cô thôn nữ ở thôn Bà Liệt tên là Tần, sinh ra Trần Bá Liệt. Dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, lúc đó là Điện Tiền Chỉ Huy Sứ, ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu-1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu-1225, Trần Cảnh chính thức lên ngôi Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung, phong Lý Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh Hoàng Hậu, phong Trần Thủ Độ là Thái Sư thống quốc hành quân vụ chính thảo sự.

Trần Quang Đế ( 1409-1414) Trần Quý Khoáng là con thứ của Mẫn Vương Ngạc cháu nội vua Trần Nghệ Tông, gọi Giản Định Đế bằng chú ruột. Đăng Dung là con Quốc Công Đặng Ất, Nguyễn Cảnh Dị là con Tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân căm giận vì cha bị giết oan, mới đem quân Thuận Hoá về Thanh Hoá đón Trần Qúy Khoáng đến Nghệ An làm vua Trùng Quang để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Tháng 4 năm Giáp Ngọ-1414, do quân ít không thể chống lại được với quân Minh, Trương Phụ, Mộc Thạch cho quân bao đã bắt được Trùng Quang Đế, Đặng Dung, Nguyễn Súy giải về Trung Quốc. Trên đường đi, vua tôi nhà Hậu Trần đã nhảy xuống biển tự tử để tỏ rõ khí phách, nhà Hậu Trần chấm dứt từ đó.

Thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ 4 :
Năm Giáp Ngọ ( 1414) (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 12).

Hồ Hán Thương ( 1401-1407) Cũng như nhà Trần, ngày 12 tháng 1 năm 1401, Hồ Qúy Lý nhường ngôi cho con thứ hai là Hồ Hán Thương, còn mình thì tự xưng là Thái Thượng Hoàng cùng coi chính sự.

Nhà Minh lấy cớ Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đem quân sang đánh chiếm nước ta.

Ngày 20 tháng 1 năm 1407, quân Minh hạ thành Đa Bang ( Ba Vì) bố con Hồ Quý Ly bỏ chạy vào Thanh Hóa, đến ngày 17/6/1407, quân Minh bắt được Hồ Quý Ly; Thái ất nước ta lại bị nhà Minh đô hộ với một chính sách vô cùng hà khắc. Chúng vơ vét của cải, hãm hiếp đàn bà, con gái, giết đàn ông và thiến hoạn nhiều con trai nhỏ tuổi, để mong đồng hóa dân ta.

Thời kỳ Lê Thái Tổ-Lê Lợi nhà hậu Lê:
Lê Thái Tổ (1428-1433) sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu-10/9/1385, là con trai thứ 3 của ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Thương, người ở hương Lam Sơn, huyện Hương Giang, trấn Thanh Hoá. Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ ra người thông minh, dũng lược, đức độ hơn người, dáng người hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai phải có nốt ruồi đỏ lớn. Tiếng nói như chuông, bậc thức giả biết ngay là người phi thường. Lớn lên, ông làm chức phụ đạo ở Khả Lam, ông chăm chỉ dùi mài đọc sách và binh pháp, nghiền ngẫm thao lược, tìm tới những người mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, hăng hái dấy nghĩa binh mong chờ loạn lớn.

Mùa xuân năm Mậu Tuất-1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Tần Nguyên Hãn, Lê văn An, Lê văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú, Lê Lai .V.V… phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước. Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi.

Thời kỳ đại phá quân Mãn Thanh :
Cuối năm 1788, Vua Thanh đương thời là Càng Long sai Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy hơn 29 vạn quân, huy động từ Lưỡng Quảng, Vân Nam và Quý Châu hộ tống Lê Chiêu Thống về Vệt nam với danh nghĩa phù Lê, vào chiếm đóng Thăng Long.

Thời kỳ vua Quang Trung Thống Nhất Sơn Hà và Dựng Nước. (1886-1892)

Sau cái chết của Nguyễn Văn Duệ và sau đó là Vũ Văn Nhậm và diễn biến chiến trường Nam Việt, Vua Thái Đức ( Nguyễn Nhạc) đã tỏ ra buông xuôi. Không thể kìm chế người em tài ba hơn mình, cuối năm 1788, ông từ bỏ đế hiệu và niên hiệu Thái Đức, chỉ xưng là « Tây Sơn Vương ». Ông viết thư cho Nguyễn Huệ, chỉ xin giữ Quy Nhơn và nhường toàn bộ binh quyền, đất đai trong cả nước cho vua em, đồng thời ông cầu khẩn Nguyễn Huệ mang đại binh vào cứu Nam Việt. Tuy nhiên lúc đó Nguyễn Huệ dù biết lời cầu khẩn của anh nhưng không thể vào Nam tham chiến với 20 vạn quân Thanh do Chiêu Thống rước về đã vượt qua biên giới. Nguy cơ phía Bắc rõ ràng lớn và gấp hơn nên Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu Quang Trung rồi kéo quân ra Bắc và đã nhanh chóng đánh bại quân Thanh.

Sau khi đánh bại quân Thanh, Quang Trung trở thành nhà lãnh đạo tối cao của triều Tây Sơn và là vị Hoàng Đế duy nhất cai trị tại Việt Nam (1789).

Thời kỳ Cộng Sản :
Năm 1979, quân Trung Cộng do Đặng Tiểu Bình huy động 60 vạn quân xâm lượt miền Bắc Việt Nam và bị thất bại thê thảm.

Năm 1984; bọn Trung Cộng huy động hải quân đánh cướp đảo Gạc Ma.

Qua thế kỷ 21 chúng âm mưu xóa số Việt Nam, bằng lời kêu gọi trở về quê mẹ « Dân tộc Kinh ». Đó là điều hết sức vô lý. Bởi suốt hết dòng lịch sử 4000 năm văn hiến của Đại Việt, dân tộc ta không hề trực thuộc dân tộc Kinh nào cả, mà chúng ta thuộc một trong một trăm họ Bách Việt để trở thành Lạc Việt và nối dòng lịch sử cho tận đến ngày nay.

Sau 4000 năm lịch sử như thế người Trung Quốc đã biết sự đề kháng mãnh liệt của dân tộc Việt và cứ mỗi lần họ đánh chiếm đất nước ta họ điều bị thất bại thảm khốc. Nhưng âm mưu bá quyền của Trung Quốc vẫn không chùn bước. Ngày nay họ lại còn bày đặt thêm một dân tộc Kinh nào đó để gán ghép cho dân tộc Việt quả là một điều sai lầm trọng đại đối với lịch sử và chắc chắn rằng người Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công như kinh nghiệm lịch sử mà chúng ta đã thấy.

Nhiều tác giả biên soạn và trích từ Từ Điển Toàn Thư Mở Wikipedia.