Home » Bộ Mật Giáo » Chữ Siddhaṃ, Lantsa

Chữ Siddhaṃ, Lantsa

Chữ Lantsa

Chữ Siddhaṃ, cũng có khi viết là Siddhāṃ, là một trong các thể loại chữ phổ dụng để viết tiếng Phạn Sanskrit. Về mặt tự nghĩa thì “Siddhaṃ” có nghĩa là “thành tựu”. Chữ này có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ và niên đại hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 5 hoặc 6. Chữ Siddhaṃ rất thịnh hành vào đời Đường tại Trung Hoa. Vào thời này có 3 Đại Sư Ấn Độ gồm Vajrabodhi (Kim Cương Trí), Amoghavajra (Bất Không Kim Cương), Śubhakara-siṃha (Thiện Vô Úy) đã qua hoằng pháp tại đây. Các vị này đã dịch kinh Phạn sang Hán đồng thời phổ biến các kinh Mật Giáo được ghi chép bằng thể chữ Siddhaṃ. Tên gọi Siddhaṃ tại Trung Hoa đã được phiên thành nhiều từ Hán khác nhau, âm Hán Việt đọc ra thành Tất Đàn, Tất Đàm, Tứ Đàm, Thất Đán, Thất Đàn… Ngày nay trong sách Đại tạng Hán và Đồ tượng vẫn còn lưu lại các bài chú và chữ chủng tử bằng chữ Siddhaṃ.

Chữ Siddhaṃ sau đó được truyền sang Nhật Bản bắt đầu từ khi Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải sang Đại Đường học Mật Giáo với Huệ Quả (ngài Huệ Quả là đệ tử của Bất Không Kim Cương và Huyền Siêu). Không Hải là người đã sáng lập ra trường phái Chân Ngôn Tông hay còn gọi là Đông Mật (với ý nghĩa là trường phái Mật giáo xuất phát từ Đông Tự 東寺 của Nhật Bản). Trường phái này xưa rất thịnh tại Nhật và vẫn còn ẩn tàng cho tới ngày nay.

Chữ Siddhaṃ tại Nhật được Không Hải Đại Sư phát huy rực rỡ. Chữ này tại Nhật gọi là Bon-ji (âm đọc hai chữ “Phạn tự” của người Nhật) và được xem là chữ cao quý, thậm chí sách xưa của Nhật còn nói rằng chữ này chỉ dành cho hàng Đại Bồ Tát. Có nhiều trường phái thư pháp Siddhaṃ tại Nhật, trong đó nổi bật nhất là trường phái thư pháp Từ Vân. Hiện tại bảo tàng Nhật còn lưu giữ 2 phiến lá bối (lá dùng để chép kinh thời xưa) có ghi chữ Siddhaṃ, được cho là do tăng nhân Nhật thỉnh từ Trung Quốc về vào khoảng thế kỷ thứ 5. Trên một phiến lá bối là bài Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni và phiến kia là bài Bát Nhã Tâm Kinh.

SÁCH HƯỚNG DẪN VIẾT CHỮ PHẠN SIDDHAM (.PDF)

Chữ Lantsa

Chữ viết Lantsa là một trong các thể loại chữ dùng để viết tiếng Phạn Sanskrit. Chữ này có nguồn gốc từ Nepal – Ấn Độ. Âm đọc “Lantsa” là phiên âm từ cách đọc tên loại chữ này của người Tây Tạng. Ngoài ra phiên âm này còn được viết như sau: Lanydza, Lanja, Landzha, Lantsha, Lentsa, Lendza. Tuy nhiên, đây không phải là âm gốc. Âm gốc tại Ấn Độ được đọc là RAÑJANĀ .

Vấn đề âm gốc Rañjanā bị biến thành âm Lantsa và các âm khác cho chúng ta thấy hệ thống phát âm của người Tây Tạng có khác biệt so với Ấn Độ và người Tạng đã đọc trại đi một số âm tiết Ấn Độ (một số nghiên cứu của học giả phương tây về âm Ấn Độ trung đại cho rằng dân xứ Ma Kiệt Đà phát âm R thành “L”). Ngoài ra còn có nhiều trường hợp âm đọc Tây Tạng cũng bị biến đổi khác với âm Phạn gốc. Ví dụ như: Bhaiṣajye =>Behkadze, Vajra => Benza, Svaha => Soha.

Niên đại hình thành chữ Rañjanā vào khoảng thể kỷ 11, chữ này xưa tại Nepal được sử dụng để ghi chép các kinh bản tiếng Phạn Sanskrit và cũng là chữ dùng để viết tiếng Nēpāl Bhāṣā (một loại tiếng địa phương ở Nepal) và còn được gọi là chữ Kutila. Chữ này sau được truyền sang Tây Tạng, Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Khi được sử dụng trong các hình thức nghi lễ thì chữ này được xem là một loại linh tự.

Chữ Rañjanā có khá nhiều biến thể về kiểu tùy theo từng khu vực mà chữ này được truyền tới. Tuy nhiên, cho dù kiểu chữ có khác nhau nhưng cách kết hợp nét vẫn tuân theo một quy luật nhất định. Do đó cần phải nắm được quy luật viết chữ thì mới tránh được những sai sót. Quy tắc cấu tạo nét của chữ Rañjanā tương tự như chữ Siddhaṃ. Khi người viết nắm được quy tắc viết chữ Siddhaṃ thì có thể tự suy ra cách viết chữ Rañjanā.

Theo truyền thống Tây Tạng thì chữ Rañjanā không được truyền dạy rộng rãi. Khi dạy cho người ngoài hoặc dạy đại trà thì loại viết Uchen, là chữ viết thông thường của Tây Tạng, được sử dụng thay thế. Tuy nhiên, khi tiến hành các nghi thức quan trọng thì chữ Rañjanā luôn luôn là loại linh tự không thể thiếu vắng.

Hiệu chỉnh lần cuối 5/2013
Tống Phước Khải