Home » Kinh Phật Danh » Từ Bi Đạo Tràng Mục Liên Sám Pháp (Quyển 2)

Từ Bi Đạo Tràng Mục Liên Sám Pháp (Quyển 2)

TỪ BI ĐẠO TRÀNG MỤC LIÊN SÁM PHÁP
Dịch giả: Thích Quảng Độ
QUYỂN THỨ HAI

Hiện tiền đại chúng, chí thành quy mạng, kính lễ tam thế chư Phật.
Nam Mô Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật
Nam Mô Thi Khí Phật
Nam Mô Tỳ Xá Phù Phật
Nam Mô Câu Lưu Tôn Phật
Nam Mô Câu Na Hàm Mâu Ni Phật
Nam Mô Ca Diếp Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đương Lai Di Lặc Tôn Phật.
Lễ chư Phật rồi, thứ lại sám hối. Ngày nay đạo tràng, đồng nghiệp đại chúng, được ở cõi Thánh, sinh vào đạo người, thiện ác hai đường, đều do tại tâm, tâm thiện thời được sinh ở cõi trời, cõi người, tâm ác thời đọa, địa ngục A Tỳ.
Thế nào là thiện? Lễ kính chư Phật, khen ngợi Như Lai, học theo pháp Phật, tùy thuận chúng sinh, khuyên người hiếu hạnh, phát tâm báo ân; thấy người làm lành, lòng sinh vui mừng, tuy mình không làm, thường hay ngợi khen, mong người thành tựu; thấy người chịu khổ, mủi lòng thương xót, coi như mình chịu, tìm cách giúp đỡ, nếu mình có sức. Tu theo lục độ, mở bốn lượng tâm, thay Phật giáo hóa, độ thoát chúng sinh, ra khỏi bể khổ; thương kẻ côi cút, giúp người nghèo cùng, từ bi hỷ xả, cứu chữa bệnh khổ, kính Phật trọng Tăng, ấn tống kinh sách, đắp vẽ tượng Phật, phan phướn đèn nến, hương hoa cúng dường, giữ gìn năm giới, siêng tu ba nghiệp, thường phải thuyền định, cần được tỏ ngộ. Hoặc tu Tịnh Độ, niệm Phật Di Đà, nguyện được vãng sinh. Thế gọi là thiện.
Thế nào là ác? Làm điều chẳng lành, thấy người tu thiện, sinh lòng ghen ghét, không ưa không thích, những người tu thiện, chỉ muốn làm hại, mới được vừa lòng; xa những bạn lành, phỉ báng Phật Tăng, khinh khi Hiền Thánh, không trọng kinh Phật, không một niệm lành, nói lời độc ác, không tin tội phúc, không sợ báo ứng, không chịu làm thiện, điều ác chẳng từ, bất hiếu cha mẹ, không trọng họ hàng, cậy có quyền thế, ức hiếp dân lành, ham đắm tài sắc, keo kiệt bủn xỉn, nhận của hối lộ, lấy tiền phi nghĩa, chỉ mong có nhiều, không biết chán đủ; nghe đến điều thiện, cùng việc lợi lạc, ý chẳng tán thành, không chịu tham gia, cũng không cúng dường, không kính Phật tượng, chẳng trọng kinh điển. Cúng dường quỷ thần, tin những tà pháp, giết hại sinh linh, rượu thịt tế tự, để cầu phúc đức, tăng thêm tuổi thọ, gây mọi nghiệp ác, lòng không ăn năn, vì ở kiếp trước, nhờ có chút duyên, nên trong kiếp này, được hưởng quả tốt, nhưng khi hết phúc, thân mệnh chết rồi, đọa vào địa ngục, chịu khổ mãi mãi, ác báo vô cùng, khổ không thể nói, đến lúc bấy giờ, dù có ăn năn, cũng không kịp nữa, có muốn sám hối, cũng không có dịp. Nếu có người nào, tin lời Phật nói, sửa đổi hành vi, bỏ ác làm lành, thụ trì giới pháp, tinh tiến tu hành, dùng thuốc Chính Pháp, tiêu từ bệnh khổ, ngộ đạo Bồ Đề, hưởng thú giải thoát.
Vì thế cho nên, hiện tiền đại chúng, phải biết sợ hãi, thiện ác ở đời, quả báo rõ ràng, họa phúc không sai, phát tâm báo ân, sinh trưởng khó gặp, lập đại chí nguyện, sám hối ăn năn, trên báo ơn Phật, dưới độ chúng sinh, hết lòng thành khẩn, gieo mình xuống đất, quy mệnh kính lễ Đức Đại Từ Phụ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Thiện Đức Phật
Nam Mô Vô Ưu Đức Phật
Nam Mô Chiên Đàn Đức Phật
Nam Mô Bảo Chí Phật
Nam Mô Vô Lượng Minh Phật
Nam Mô Hoa Đức Phật
Nam Mô Tướng Đức Phật
Nam Mô Tam Thừa Hành Phật
Nam Mô Quảng Chúng Phật
Nam Mô Minh Đức Phật
Nam Mô Kim Cương Bất Hoại Phật
Nam Mô Bảo Quang Phật
Nam Mô Tinh Tiến Quân Phật
Nam Mô Tinh Tiến Hỷ Phật
Nam Mô Bảo Hỏa Phật
Nam Mô Bảo Nguyệt Quang Phật
Nam Mô Hiện Vô Ngu Phật
Nam Mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam Mô Bảo Quang Minh Phật
Nam Mô Vô Cấu Thanh Tịnh Phật
Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả
Đệ tử chúng con, lễ chư Phật rồi, thứ lại sám hối. Hiện tiền đại chúng, nguyện đời đời kiếp kiếp, hoặc sinh nơi này, hay ở nơi khác, thường gặp Phật pháp, được vào đạo tràng, thường thấy chư Phật, thân tướng trang nghiêm, được Phật thụ ký, giáo hóa chúng sinh, thường nghe Chính Pháp, không đọa tà mê. Đại chúng nên biết, hễ trồng nhân thiện, không bao giờ mất, đến đời sau này, được hưởng quả vui; hễ gieo nhân ác, cũng không mất đâu, đến đời tương lai, phải chịu quả khổ, mình làm mình chịu, không ai chịu thay. Vậy nên cần phát đạo tâm, chăm làm điều thiện, hết lòng hiếu thuận, ghi nhớ ân sâu, hằng mong báo đáp, tu đạo Bồ Đề, cứu độ u hồn, cùng chứng Vô Sinh, được phúc không lường.
Trong kinh chép rằng, thời Phật ở đời, tại thành Vương Xá, có người trưởng giả tên là Phó Tướng. Ông có người vợ, tên là Thanh Đề, sinh một con trai, gọi là La Bốc. Nhà cửa giầu có, của báu không ngần, voi ngựa trâu dê, có nhiều vô số. Ông trưởng giả ấy, thường tu Lục độ, nhưng bà Thanh Đề, làm mười điều ác. Sau một ít lâu, ông trưởng giả chết. Ba năm hiếu phục, vừa mới mãn kỳ, La Bốc thưa mẹ, mở hết các kho, tính xem của cải, còn lại bao nhiêu. Sau khi tính toán, số tiền còn lại, cộng ba vạn quan. La Bốc xin mẹ, chia thành ba phần: một phần dâng mẹ, một cúng Tam Bảo, còn phần thứ ba, La Bốc xin mẹ, đi ra nước ngoài, làm vốn kinh doanh, tạo nên cơ nghiệp, vẻ vang gia đình.
La Bốc đi rồi, bấy giờ bà mẹ, cho gọi tất cả, kẻ ăn người làm, mà bảo họ rằng: “Con ta ra đi, có dặn ta rằng, cúng dường trai tăng, nhưng ta không tin. Vậy nếu chư tăng, đến đây khất thực, thì lấy roi gậy, đánh đuổi đi ngay, làm thế từ sau, họ không đến nữa. Số tiền cúng trai, ta để mua heo, gà, vịt, ngan, ngỗng, trâu, bò, dê, ngựa, giết để tế thần, rồi ngả ra ăn, cho sướng cái miệng, ăn hết lại mua, chứ tội vạ gì, mà phải cúng tăng”.
Ba năm buôn bán, La Bốc giầu to, liền về bản xứ, ở tạm ngoài thành, sai người về trước, báo cho mẹ hay. Ích Lợi phụng mệnh, về nhà báo trước, Tỳ nữ Kim Chi, thấy Ích Lợi về, vội vào thưa bà Thanh Đề phu nhân. Lúc ấy Thanh Đề, mới vội bầy phan phướn, tại ngôi nhà trong, giả làm trai đường, cúng dường trai tăng.
Khi Ích Lợi vào, Thanh Đề hỏi rằng; “Con ta đã về, hiện giờ ở đâu?” Ích Lợi trả lời: “Ở phía Tây thành”. Thanh Đề lại nói: “Sau khi La Bốc và ngươi đi rồi, ta liền thiết trai, cúng dường chư tăng, hơn năm trăm vị”. Ích Lợi nghe nói, lòng sinh vui mừng, khi vào nhà trong, lại thấy phan phướn, bàn ghế chiếu giường, bát chén ngổn ngang, chưa được dọn dẹp. Ích Lợi trờ về, báo cho La Bốc, những việc trông thấy. La Bốc nghe nói, vô cùng hoan hỷ, liền vội về nhà, vừa đi vừa lạy.
Họ hàng quyến thuộc, nghe La Bốc về, mới ra đón tiếp, họ thấy La Bốc, vừa đi vừa lạy, họ bèn hỏi rằng: “Trước không có Phật, sau không có Tăng, ông lễ lạy ai?” La Bốc trả lời: “Tôi lạy mẹ tôi. Vì tôi đi rồi, mẹ tôi ở nhà, thiết trai cúng Tăng, hơn năm trăm vị”. Họ hàng nói rằng: “Khi ông đi rồi, mẹ ông ở nhà, chỉ gây ác nghiệp, đánh đuổi chúng Tăng. Còn tiền ông dặn, thiết trai cúng Tăng, mẹ ông đem mua trâu, bò, gà, lợn, cắt tiết tế thần, hàng ngày giết ăn”. La Bốc nghe nói, như sét bên tai, té xỉu xuống đất, hồi lâu mới tỉnh. Thanh Đề thấy thế, liền vội chạy ra, cầm lấy tay con, mà thề bồi rằng: “Trời cao lồng lộng, bể rộng thênh thang, nếu con đi rồi, mẹ không thiết trai, cúng dường chúng Tăng, thì xin về nhà, mẹ liền chịu bệnh, và khi chết đi, đọa ngay địa ngục, chịu mọi ác báo”. La Bốc nghe mẹ, thề nặng như thế, mới chịu về nhà. Vừa về đến nhà, Thanh Đề quả nhiên, thấy người khó chịu, và lâm trọng bệnh, được bảy ngày sau, bà liền mệnh chung. La Bốc mai táng, thi thể của mẹ, trong một khu rừng, rồi dựng lều cỏ, bên cạnh mộ phần, thủ hiếu ba năm, cúng dường tượng Phật, thắp hương kính lễ, trì trai giữ giới, tụng niệm kinh kệ, hồi hướng mẫu thân.
Nhưng lại tự nghĩ, muốn báo ân thâm, cần phải xuất gia, tu hành học đạo, cho nên La Bốc, đến núi Kỳ Xà, làm lễ đức Phật, và bạch Phật rằng:”Bạch đức Thế Tôn, cha mẹ của con, đều đã qua đời, con muốn xuất gia, có lợi ích gì, cho cha mẹ không?” Đức Phật bảo rằng: “Này thiện nam tử, trong cõi Diêm Phù, nếu có người nào, cho một người con, hoặc trai hay gái, xuất gia tu đạo, thì công đức ấy, còn hơn xây cất, tám vạn bốn nghìn ngôi tháp quý báu, bởi vì cha mẹ hiện tiền, nhờ công đức ấy, được thêm phúc tuệ, cha mẹ quá khứ, được sinh Tịnh Độ!”
Bởi thế cho nên hiện tiền đại chúng, hãy nên lập chí báo ân, dốc lòng thành khẩn, quy mạng đảnh lễ Đức Đại Từ Phụ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Thiện Đức Quang Vương Phật
Nam Mô Vô Ưu Đức Quang Phật
Nam Mô Bảo Thí Lực Phật
Nam Mô Chiên Đàn Trầm Thủy Hương Huân Phật
Nam Mô Chiên Đàn Đức Minh Phật
Nam Mô Vô Lượng Minh Phật
Nam Mô Bảo Hoa Đức Phật
Nam Mô Tam Thừa Hành Phật
Nam Mô Tướng Hảo Đức Phật
Nam Mô Kim Cương Bất Hoại Phật
Nam Mô Quảng Chúng Đức Phật
Nam Mô Bảo Quang Minh Phật
Nam Mô Quang Minh Đức Phật
Nam Mô Tinh Tiến Quân Phật
Nam Mô Bảo Liên Hoa Phật
Nam Mô Hiện Vô Ngu Phật
Nam Mô Tinh Tiến Hỷ Phật
Nam Mô Bảo Nguyệt Quang Phật
Nam Mô Bảo Trang Nghiêm Vương Phật
Nam Mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật
Nam Mô Vô Cấu Thanh Tịnh Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Dũng Thí Lực Phật
Nam Mô Thanh Tịnh Quang Phật
Nam Mô Hiền Kiếp Thiên Quang Phật
Nam Mô Hằng Sa Chư Phật
Nam Mô Thường Bất Khinh Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả
Đệ tử chúng con, dốc một lòng thành, quy mệnh sám hối. Nguyện cho cha mẹ, tổ tiên, lục thân quyến thuộc, cùng hết thảy chúng sinh, trong nhiều đời kiếp, được sinh Tịnh Độ, đều chứng Bồ Đề.
Bấy giờ La Bốc mở lòng rộng lớn, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca sa, được Phật thụ ký, đổi tên gọi là: Đại Mục Kiền Liên. Từ đấy trở đi, chuyên tu thuyền định, và chẳng bao lâu, tỏ ngộ bản tâm, chứng được thần thông, đứng vào bậc nhất, trong hàng đệ tử. Đại Mục Kiền Liên, muốn báo ơn mẹ, liền dùng thần thông, lên các cõi trời, xuống mọi địa ngục, tìm kiếm hồn mẹ, nhưng không đâu thấy, Mục Liên buồn rầu, mới về bạch Phật, Phật nói cho biết: “Mẹ ông lúc sống, không tin Tam Bảo, tham lam bỏn xẻn, gây bao tội ác, như núi Tu Di, sau khi chết đi, phải đọa địa ngục”. Nghe lời Phật nói, Mục Liên nghẹn ngào, đau đớn thương xót, rồi lại nhập định, đến các địa ngục. Khi đến địa ngục, tên là Bác Hoạch, ngài thấy chúng sinh, trên cõi Diêm Phù, bị đọa trong đó, thân thể tan nát, máu me lênh láng, xương thịt ngổn ngang, một ngày một đêm , phải chịu muôn lần, chết đi sống lại.
Mục Liên đau đớn, hỏi tên Chúa ngục: “Tất cả chúng sinh, đọa trong ngục này, kiếp trước làm gì, mà nay phải chịu, quả báo như thế?” Chúa ngục đáp rằng: “Những chúng sinh này, khi còn ở đời, không tin Tam Bảo, giết hại sinh linh, gây bao tội ác, mình làm mình chịu, ngày nay đau khổ, đành phải nhẫn chịu.” Mục Liên tiến lên, lại thấy địa ngục tên là Kiếm Thụ, thấy những tội nhân, ngồi trên ngọn cây, tay vin mũi kiếm, trăm đốt rã rời, xương gân đều đứt, Mục Liên lại hỏi Chúa ngục Kiếm Thụ: “Những chúng sinh này kiếp trước tội gì, nay chịu khổ thế?” Chúa ngục thưa rằng: “Các tội nhân này, khi còn ở đời, không tin nhân quả, chiên rán chúng sinh, ăn cho sướng miệng, ngày nay chết đi, phải chịu báo ấy”. Mục Liên đi nữa, lại thấy địa ngục tên là Đao Sơn, gươm nhọn kín tường, thân người tan nát, máu chảy lênh láng. Ngài hỏi Chúa ngục: “Những chúng sinh này, kiếp trước tội gì, nay chịu khổ ấy?” Chúa ngục đáp rằng: “Bởi vì lúc sống, dùng dao xẻ thịt, mổ bụng lợn dê, ninh nấu hầm rán, ăn cho sướng miệng, ngày nay chịu báo, khổ cực như thế.” Mục Liên đi nữa, thấy một địa ngục tên là Khôi Hà, tội nhân trong đó, lửa đốt khắp mình, chạy đi chạy lại, thấy bốn cửa mở, xô nhau chạy đến, nhưng ngay lúc ấy, cửa tự đóng lại, chịu khổ như thế không có hạn nào, thoát ly ra khỏi. Mục Liên lại hỏi: “Những chúng sinh kia, trước tạo nghiệp gì, nay chịu báo ấy?” Chúa ngục trả lời: “Vì lúc còn sống, phạm tội cố sát, kéo bè kéo cánh, với bọn ác nhân, ức hiếp dân lành, gây bao ác nghiệp, không chút từ tâm, cho nên chết rồi, chịu quả báo ấy”. Mục Liên đi nữa, thấy một địa ngục tên là Đồng Trụ, tất cả tội nhân, ôm lấy cột đồng, khắp mình lửa cháy, ngùn ngụt bốc lên, miệng nuốt sắt nóng, nửa chừng nhả ra. Mục Liên bèn hỏi: “Những chúng sinh ấy, trước tạo tội gì?” Ngục quan trả lời: “Nhân vì kiếp trước, cậy có quyền thế, ức hiếp kẻ yếu, trói buộc đánh đập, không chút thương tâm, cho nên ngày nay, chịu quả báo ấy.”
Bấy giờ Mục Liên, mở lòng từ bi, nói với Chúa ngục: “Nay tôi muốn thay, tất cả tội nhân, chịu mọi khổ não.” Chúa ngục trả lời: “Điều đó không được, bởi vì tội báo, ở chốn địa ngục, ai làm nấy chịu, dù có thân thiết, như mẹ với con, cũng không thể nào, chịu thay cho được, huống chi là Ngài, có liên can gì? Nếu muốn cứu thoát, tội khổ chúng sinh, ra khỏi địa ngục, không gì hơn là, đối trước đức Phật, cầu xin sám hối, tụng kinh lễ bái, ăn chay niệm Phật, tinh tiến thuyền định, làm mười điều lành, giúp đỡ mọi người, trong cơn hoạn nạn, tìm các phương tiện, mở mang Phật pháp. Nhờ phép sám ấy, tội khổ tiêu trừ, nghiệp chướng thanh tịnh, cùng thành Chính Giác.”
Hiện tiền đại chúng, hãy dốc lòng thành, quy mạng kính lễ Đức Đại Từ Phụ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Tỳ Lô Giá Na Phật
Nam Mô Lô Xá Na Phật
Nam Mô Di Lặc Hạ Sinh Phật
Nam Mô Chiên Đàn Trang Nghiêm Phật
Nam Mô Tu Di Bảo Tướng Phật
Nam Mô Khởi Xuất Tu Di Phật
Nam Mô Bàn Đà Bảo Quang Phật
Nam Mô Tu Diệm Ma La Phật
Nam Mô Tài Quang Minh Phật
Nam Mô Bảo Diệm Quang Tướng Phật
Nam Mô Đại Vô Tỷ Phật
Nam Mô Đại Ngưu Vương Phật
Nam Mô Quang Minh Vô Tận Phật
Nam Mô Phổ Hiện Sắc Thân Quang Phật
Nam Mô Đại Cường Tinh Tiến Phật
Nam Mô Cực Cao Hành Phật
Nam Mô Na La Diên Phật
Nam Mô Bảo Quang Minh Phật
Nam Mô Vô Biên Nhân Quả Phật
Nam Mô Diệu Bảo Vương Phật
Nam Mô Vô Tận Công Đức Phật
Nam Mô Hư Không Vô Tận Phật
Nam Mô Thường Bất Khinh Bồ Tát
Nam Mô Phổ Quang Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả
Đệ tử chúng con , đều dốc lòng thành, cầu xin sám hối. Nguyện rằng: chúng sinh tội khổ, được thoát địa ngục, mãi mãi yên vui; cha mẹ quyến thuộc, nhờ công đức ấy, đều chứng Vô Sinh, cùng thành Phật đạo.
Vì Mục Kiền Liên, dốc chí cứu mẹ, nên mới tìm kiếm khắp mọi địa ngục. Ngài lại đi tiếp, thấy một địa ngục, tên gọi Hàn Băng, tội nhân trong đó, thân hình lạnh buốt, da thịt nứt nẻ, thường nằm trên tuyết, không được rời khỏi. Mục Liên bèn hỏi: “Những chúng sinh kia, trước phạm tội gì, nay chịu khổ ấy?” Chúa ngục đáp rằng: “Lúc còn ở đời, họ được giầu sang, mướn người làm việc, cậy có của cải, sai khiến suốt ngày, không kể nắng mưa, chẳng đoái nóng lạnh, cho nên ngày nay, chịu quả báo ấy”.
Mục Liên đi nữa, lại thấy địa ngục tên là Hắc Ám, những người chịu tội, trong chỗ tối tăm, không thấy ánh sáng, sợ hãi hốt hoảng, thường khổ như thế, không có ngày thoát. Ngài hỏi Chúa ngục: “Những tội nhân kia, kiếp trước làm gì, nay phải khổ thế?” Chúa ngục trả lời: “Bởi vì lúc sống, dại dột ngu muội, không hiểu thiện ác, không tin nhân quả, buông lòng gây nghiệp, cho nên ngày nay, phải chịu báo ấy”.
Mục Liên lại đi, thấy một địa ngục tên là Canh Thiệt, những người chịu tội, câu sắt móc miệng, kéo lưỡi dài ra, rồi bắt trâu cày, chịu khổ như thế, không biết bao giờ mới được thoát ly. Ngài hỏi Chúa ngục, thì họ trả lời: “Bởi vì lúc sống, nói dối nói càn, nói thêu nói dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, cho nên ngày nay, chịu quả khổ đó”.
Mục Liên đi nữa, lại gặp quỷ đói, đầu bằng đầu trâu, bụng to như trống, cổ nhỏ như kim, đi hàng trăm dặm, không được miếng ăn, hình thù xấu xí, lửa từ trong miệng, bốc cháy ngùn ngụt. Mục Liên hỏi quỷ: “Các người kiếp trước tạo nghiệp ác gì?”. Quỷ đói đáp rằng: “Nhân vì đời trước, tham lam bỏn xẻn, dấu của thật kỹ, để cha mẹ đói, không kính Tam Bảo, bơi thế cho nên ngày nay chịu tội, khổ sở như thế”.
Mục Liên lại đi, thấy một địa ngục tên là Cao Tường, vách sắt nghìn lần, tường cao muôn dặm, lưới sắt giăng kín, bốn con chó đồng, miệng khạc ra lửa, cất tiếng gầm thét. Mục Liên muốn xem, nhưng cửa kín mít, mắt tuệ không thấy, pháp thân không lọt. Mục Liên đành chịu, trở về chỗ Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, theo lời Ngài dạy, con đã đi khắp hết mọi địa ngục nhưng cũng không thấy mẹ con đâu cả, chỉ thấy chúng sinh chịu khổ vô lượng. Sau cùng con đến một ngục, tường cao muôn trượng, cửa đóng kín mít, gọi không ai mở, mắt tuệ của con nhìn cũng không thấy”.
Phật bảo Mục Liên: “Thanh Đề mẹ ông, chính đọa ngục ấy, chịu tội rất nặng. Nếu ông muốn thấy, ông phải dùng gậy, áo, bát của tôi, đến ngoài cửa ngục, giộng gậy ba lần, then chốt rơi hết, cửa ngục tự mở”. Bấy giờ Mục Liên, theo lời Phật dạy, đi đến trước ngục, giộng gậy ba lần, cửa ngục tự mở. Mục Liên bước vào. Chúa ngục hoảng sợ, vội đẩy Ngài ra: “Người là thế nào, dám mở cửa ngục? Chỉ có những người, không tin Tam Bảo, phạm tội ngũ nghịch, mới vào ngục này. Còn Ngài là Tăng, tại sao đến đây?”
Mục Liên trả lời: “Tôi đến nơi này, muốn tìm thân mẫu, để báo ơn sâu”, Chúa ngục kinh ngạc: “Nào ai biết được, mẹ Ngài ở đây?” Mục Liên trả lời: “Chính đức Phật nói! Chúa ngục lại hỏi: “Đức Phật Thích Ca, cùng với Ngài đây, có họ hàng gì?” Mục Liên trả lời: “Phật là Thầy tôi, tôi là học trò, hiệu Đại Mục Liên”. Chúa ngục lại hỏi: “Mẹ Ngài tên gì?” “Mẹ tôi họ Lưu, tên là Thanh Đề, ở thành Vương Xá”. Ngục quan mở sổ, rồi kêu to lên: “Thanh Đề phu nhân, thuộc giòng họ Lưu, ở thành Vương Xá, nay có một Thầy, tên Đại Mục Liên, là đệ tử Phật, đến đây thăm bà. Nếu mà người ấy, thật là con bà, thì không lâu nữa, bà được thoát ngục”. Nhưng bà Thanh Đề, vẫn cứ lặng yên. Chúa ngục bèn hỏi: “Tại sao không nói?” Thanh Đề trả lời: “Chỉ sợ chịu khổ, nên không dám nói. Lúc tôi còn sống, sinh được một con, nhưng không xuất gia, mà tên cũng khác, không phải Mục Liên”.
Chúa ngục trở ra, nói với Mục Liên: “Có người đàn bà, tên là Thanh Đề, nhận có một con, nhưng không phải Ngài, vì không xuất gia, mà tên cũng khác, không phải Mục Liên”. Mục Liên xót xa, nói với Chúa ngục: “Khi cha mẹ còn, tôi là La Bốc, khi cha mẹ chết, theo Phật xuất gia, đổi là Mục Liên”. Chúa ngục trở vào, nói với Thanh Đề: “Vị sư tìm mẹ, chính là La Bốc”. Thanh Đề đáp ngay: “Nếu là La Bốc, chính là con tôi, tôi muốn được gặp”.
Bấy giờ Chúa ngục, dắt Thanh Đề ra, để nhìn Mục Liên. Mục Liên thấy mẹ, dao đâm khắp mình, toàn thân lửa cháy, cổ mang gông sắt, mình khoác lưới sắt, từ các chân lông, máu tuôn lênh láng. Mục Liên thấy thế, lòng đau như cắt, liền oà lên khóc, nói với mẹ rằng: “Thiết trai cúng Tăng, gồm năm trăm vị, tưởng đã sinh thiên, hưởng mọi thú vui, con đi tìm khắp, tất cả cõi Trời, nhưng con không thấy, nào có ngờ đâu, mẹ đọa địa ngục?” Thanh Đề nghẹn ngào, nói với Mục Liên: “Tưởng rằng mẹ con, không còn bao giờ, được gặp thấy nhau, không ngờ ngày nay, giữa chốn địa ngục, sung sướng nhìn nhau”.
Mục Liên bèn hỏi: “Con ở dương gian, làm mọi Phật sự, trai nghi cúng mẹ, sớm tối không ngơi, con làm như thế, có ích gì không?” Thanh Đề trả lời: “Cúng tế vô ích, có ăn được đâu, phải lập công đức, mới cứu được mẹ, thoát tội vô gián. Khi còn ở đời, mẹ không tu phúc, chỉ gây nghiệp ác, lại thề với con, là có tu phúc, cho nên ngày nay, phải đọa địa ngục, chịu khổ vô cùng, đói ăn sắt nóng, khát uống nước đồng”. Nói chưa hết lời, Chúa ngục vào giục, mẹ con phải xa, không được nói nhiều, vì giờ chịu tội, đã đến nơi rồi. Thế là Chúa ngục, đẩy mẹ vào trong. Thanh Đề ngoảnh lại, nói với Mục Liên: “Thân mẹ đau đớn, không thể chịu nổi con về cầu Phật, tìm phương pháp nào, cứu mẹ thoát khỏi, tội báo địa ngục”.
Mục Liên nghe nói, đau đớn khôn xiết, vập đầu vào tường, nói với Chúa ngục. “Chúa ngục làm ơn, cho tôi được vào, chịu tội thay mẹ!” Chúa ngục trả lời: “Mẹ Ngài tạo tội, không có bến bờ, dù Ngài là con, cũng không thay được. Ngài muốn cứu mẹ phải về xin Phật, họp Đại Đức Tăng, sám hối thay mẹ, như thế mới mong, tiêu trừ nghiệp ác, sinh về Cực Lạc”.
Vì thế cho nên, hiện tiền đại chúng, mở lòng đại hiếu, quyết chí báo ân, khẩn thiết chí thành, quy mạng kính lễ Đức Đại Từ Phụ của cả thế gian.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Hàng Phục Chư Ma Vương Phật
Nam Mô Phổ Hiện Sắc Thân Quang Phật
Nam Mô Trí Tuệ Thắng Phật
Nam Mô Di Lặc Tiên Quang Phật
Nam Mô Minh Tịnh Phật
Nam Mô Thiện Tịch Diệt Âm Diệu Tôn Trí Vương Phật
Nam Mô Diệu Âm Thanh Phật
Nam Mô Bất Động Trí Quang Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật
Nam Mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam Mô Quan Thế Đăng Ma Ni Phật
Nam Mô Nhật Châu Quang Phật
Nam Mô Tuệ Tràng Thắng Vương Phật
Nam Mô Sư Tử Hống Tự Tại Lực Vương Phật
Nam Mô Thường Quang Tràng Phật
Nam Mô Tuệ Cự Chiếu Không Phật
Nam Mô Pháp Thắng Tràng Vương Phật
Nam Mô Vô Lượng Âm Thanh Phật
Nam Mô Quang Minh Đại Thông Phật
Nam Mô Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Phật
Nam Mô Tài Quang Minh Phật
Nam Mô Ưu Đàm Bát La Hoa Thù Thắng Vương Phật
Nam Mô Trân Châu Bảo Minh Phật
Nam Mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả
Đệ tử chúng con, dốc một lòng thành, cầu xin sám hối. Nguyện rằng cha mẹ quyến thuộc, hết thẩy chúng sinh, nhờ công đức ấy, tội chướng tiêu trừ, thoát ly địa ngục, sinh về Tịnh Độ.
Bây giờ Chúa ngục, bạch Mục Liên rằng: “Ngài muốn cứu mẹ, ra khỏi địa ngục, phải nhờ uy lực, của đức Như Lai”. Mục Liên nghe rồi, liền về bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn, mẹ con chịu tội, con rất đau lòng, xin Phật từ bi, tìm mọi phương tiện, cứu cho mẹ con, thoát cảnh địa ngục!”.
Tấm lòng hiếu thảo, của Mục Kiền Liên, vô cùng rộng lớn. Đức Phật thương xót, nhận lời thỉnh cầu, Ngài cùng đệ tử, Thiên Long Thánh chúng, đi lên hư không, Phật phóng hào quang, soi xuống địa ngục, ánh sáng tràn đầy, núi dao óng ánh, biến thành bảo cái, cây gươm chồng chất, hóa thành hoa quả, giường sắt đỏ rực, thành tòa sư tử, vạc dầu sôi sục, biến thành hồ sen.
Bấy giờ Diêm La, cùng các đại chúng, đồng thanh khen rằng: “Lành thay! Hay thay! tất cả chúng sinh, trong địa ngục này, được thấy thân Phật, nhờ ơn của Phật, được thoát cảnh khổ”. Thánh chúng cõi âm, hướng lên hư không, lễ lạy đức Phật, hết thẩy tội nhân, được sinh cõi trời. Mục Liên hỏi Phật: “Bạch đức Thế Tôn, mẹ con hiện giờ thác sinh chỗ nào?” Phật bảo Mục Liên: “Vì tội chướng của mẹ ông quá sâu nặng, vừa ra khỏi địa ngục A Tỳ, lại phải sinh vào địa ngục Hắc Ám”.
Lúc ấy Mục Liên, xuống ngục Hắc Ám, tìm kiếm mẫu thân, khi thấy mẹ rồi, bưng cơm dâng mẹ. Thanh Đề thấy cơm, trong lòng mừng rỡ, vội vàng đỡ lấy, tay trái cầm bát, tay phải bốc ăn, nhưng mà than ôi! cơm chưa vào miệng, đã biến thành lửa, bốc lên ngùn ngụt! Mục Liên bi cảm, trở về bạch Phật, xin Ngài thương xót, tìm cách báo ân. Phật bảo Mục Liên: “Thỉnh các Đại Đức, đã tu đắc đạo, đã chứng thuyền định, thiết La Bồn trai, cúng dường Tam Bảo, sám hối thay mẹ, cứu độ u hồn”. Ngài Mục Kiền Liên theo lời Phật dạy, thiết lễ cúng dường, bấy giờ lại hỏi: “Bạch đức Thế Tôn, mẹ con hiện giờ, sinh ở chốn nào?” Đức Phật trả lời: “Sinh lên cõi trời, Đao Lợi Thiên Cung, hưởng phúc sung sướng!”
Hiện tiền đại chúng, đều phát tâm thành, cúng dường Tam Bảo, hiếu thuận cha mẹ, thụ trì Phật giới, tu mọi pháp lành, cúng dường cha mẹ, như cúng dường Phật, mong báo thâm ân. Cha mẹ sinh ta, sáu căn đầy đủ, dù có cắt da xẻ thịt, khó thể báo đền, cha mẹ mất đi, không được thấy nữa, nghĩ kỹ như thế, chẳng đau đớn sao? Nên phải lập chí báo ân, thay cha mẹ quyến thuộc, cùng hết thảy chúng sinh, cúng dường sám hối, để đền ơn sinh thành khó nhọc. Vì thế đại chúng, mở lòng Bồ Đề, gieo mình xuống đất, quy mạng kính lễ Đức Đại Từ Phụ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Thanh Tịnh Thí Phật
Nam Mô Sa Lưu Na Phật
Nam Mô Thủy Nguyệt Quang Minh Phật
Nam Mô Kiên Đức Hành Phật
Nam Mô Chiên Đàn Công Đức Tụ Phật
Nam Mô Công Đức Lâm Phật
Nam Mô Vô Ưu Hỷ Đức Phật
Nam Mô Quang Minh Đức Phật
Nam Mô Vô Lượng Cúc Quang Phật
Nam Mô Vô Biên Công Đức Phật
Nam Mô Thập Phương Phân Thân Phật
Nam Mô Kiến Hữu Biên Phật
Nam Mô Hằng Sa Chư Phật
Nam Mô Na La Diên Thọ Phật
Nam Mô Công Đức Hoa Quang Phật
Nam Mô Liên Hoa Quang Du Hý Thần Thông Phật
Nam Mô Tài Công Đức Phật
Nam Mô Thiện Danh Xưng Phật
Nam Mô Hồng Diệm Tràng Quang Phật
Nam Mô Liên Hoa Thiện Trụ Sa La Thụ Vương Phật
Nam Mô Bảo Hoa Du Bộ Công Đức Phật
Nam Mô Bảo Liên Hoa Phật
Nam Mô Đấu Chiến Thắng Thần Thông Phật
Nam Mô Thiện Du Bộ Phật
Nam Mô Chu Táp Trang Nghiêm Công Đức Phật
Nam Mô Cực Cao Hành Phật
Nam Mô Tinh Tiến Dũng Mãnh Phật
Nam Mô Diệt Tội Chướng Phật
Nam Mô Giải Oan Kết Bồ Tát
Nam Mô Tăng Phước Thọ Bồ Tát
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả
Đệ tử chúng con, chí thành quy mệnh, kính lễ chư Phật, kính vì cha mẹ, họ hàng cùng hết thẩy chúng sinh, đối trước chư Phật, cầu xin sám hối.
Trong kinh Phật nói, gây mười nghiệp ác, phải đọa địa ngục, nay nhờ công đức lễ Phật, tụng kinh xa lìa đường khổ, không còn phiền não, hết thẩy tội chướng, đều được tiêu trừ, hết thẩy quả khổ, vĩnh viễn đoạn diệt; bỏ nơi địa ngục, sinh về Tịnh Độ, bỏ mạng ngu si, được mạng trí tuệ, bỏ thân bệnh khổ, được thân kim cương, thấy khổ địa ngục, mở lòng Bồ Đề, cùng với Như Lai, đều thành Chính Giác.
Ngày nay đạo tràng, đồng nghiệp đại chúng, nên nhớ nghĩ thế, khởi tâm báo ân, Tôn Giả Mục Liên, có hiếu hạnh lớn, tìm xuống địa ngục, giải cứu mẫu thân, chúng ta phàm phu, cũng nên lập chí, đền đáp ân sâu. Người ta ở đời, dông dỡ phóng túng, gây mọi ác nghiệp, làm sao cứu thoát? Nên phát hiếu tâm, làm mọi điều lành, dựng nên đạo tràng, cúng dường Tam Bảo, không tiếc thân mệnh, tụng kinh lễ bái, sám hối phát nguyện, tu các công đức, chuyên về hồi hướng, cha mẹ quá khứ, họ hàng bao kiếp, tin lời Phật dạy, để báo ơn sâu. Kinh Bảo Tích nói: “Đối với cha mẹ, cúng dường vật mọn, được phúc vô lượng, nhưng nếu trái nghịch, chỉ một chút thôi, tội cũng không kém”.
Ở đời quá khứ, tại một nước nọ, tên Ba La Nại, có một người con, của nhà nghèo nọ, gọi là Từ Đồng, cha đã mất sớm, chỉ còn có mẹ. Nhà nghèo bán củi, phụng dưỡng mẹ già, nếu còn dư dật, lại đem làm phúc. Sau khi nghe bạn, xuống biển tìm châu, về từ biệt mẹ, nhưng mẹ không cho, người con tức giận, liền bức tóc mẹ, rồi bỏ đi thẳng.
Khi ra tới biển, tìm được của báu, trở về giữa đường, mất bạn lạc lối, đến một quả núi, thấy thành Lưu Ly, có bốn ngọc nữ, mang ngọc như ý, múa hát ra đón. Từ Đồng ở lại, trong thành Lưu Ly, đúng bốn vạn năm, hưởng mọi khoái lạc. Hết bốn vạn năm, đến thành Pha Lê, có tám ngọc nữ, mang tám viên ngọc, múa hát ra đón, Từ Đồng ở đây, đúng tám vạn năm. Sau đó lại đến Ngân Thành, Kim Thành, cũng như hai thành Lưu Ly, Pha Lê, hưởng mọi thứ vui. Sau đến thành sắt, thấy có một người đầu đội vòng lửa, đặt vòng lửa ấy lên đầu Từ Đồng, rồi bỏ đi thẳng. Từ Đồng sợ hãi, hỏi tên ngục tốt: “Đầu tôi phải đội vòng lửa đỏ này, bao giờ mới thôi?” Ngục tốt trả lời: “Có người làm phúc, có kẻ gây tội, trải qua các thành, sau sẽ thay ông. Nếu không ai thay, thì suốt cả đời, cứ phải mang mãi!” Từ Đồng lại hỏi: “Tôi có tội gì, phải chịu báo này?” Ngục tốt trả lời: “Xưa ông bán củi, kiếm tiền nuôi mẹ, nhờ phúc đức ấy, được qua các thành: Lưu Ly, Pha Lê, hưởng mọi khoái lạc, nhưng sau nghe bạn, xuống biển tìm của, mẹ không cho đi, lại bứt tóc mẹ. rồi bỏ ra đi, vì tội báo ấy, cho nên ngày nay, phải đội vòng lửa”.
Từ Đồng lại hỏi: “Hiện trong ngục này, có ai chịu tội, như tôi đây không?” Ngục tốt trả lời: “Không thể kể xiết!” Từ Đồng nghe rồi, liền tự nguyện rằng:”Hiện trong ngục này, có bao nhiêu người, chịu tội như tôi, tôi xin chịu thay, cho họ được thoát!” Nghĩ như thế rồi, Từ Đồng tự thấy vòng lửa trên đầu, đã biến đi mất, và liền sau đó, Từ Đồng mệnh chung, được sinh lên trời, Đâu Suất thiên cung. Tiền thân Từ Đồng, tức là đức Phật, Thích Ca Như Lai.
Kinh Bảo Tích nói, trên đỉnh Tuyết sơn, có chim anh vũ, cha mẹ đều mù, hàng ngày kiếm quả, về nuôi cha mẹ. Có người điền chủ, lúc mới trồng lúa, tự phát nguyện rằng, lúa này trồng cho tất cả chúng sinh, bất cứ loài nào, đến ăn cũng được. Sau chim anh vũ, biết người điền chủ, có lòng bố thí, thường đến lấy lúa về nuôi cha mẹ. Nhưng người điền chủ, thấy chim đến hoài, liền phát tức giận, bèn bủa lưới vây, bắt chim anh vũ. Chim anh vũ nói: “Thấy ông bố thí, mới dám đến lấy, tại sao ông lại, vây lưới bắt tôi?” Người điền chủ hỏi: “Lấy lúa cho ai?” Anh vũ trả lời: “Cha mẹ tôi mù, ở trên tổ kia, tôi lấy lúa này, về dâng cha mẹ.” Điền chủ nghe rồi, lòng quá xúc động, và tự than rằng, chim muông còn thế, huống chi con người! Liền thả chim ra, rồi bảo nó rằng: “Từ nay trở đi, người cứ đến đây, đừng ngại gì cả”. Đức Phật nói với các vị đệ tử: “Anh vũ ngày xưa, nay chính là ta, cha mẹ bấy giờ, nay là phụ hoàng, đại vương Tịnh Phạn, mẫu hậu Ma Da, còn người điền chủ, nay là Ca Diếp!” Vì xưa có hiếu, phụng dưỡng cha mẹ, nay được thành Phật.
Tất cả đại chúng, hiện tiền nơi đây, hãy nghĩ cho kỹ, loài chim loài thú, còn có hiếu hạnh, huống nữa là ta. Chúng ta phải nên, lập chí báo ân, dựng thành đạo tràng, thay cho cha mẹ, cầu xin sám hối, nguyện cho cha mẹ, quyến thuộc nội ngoại, thoát khỏi tội khổ, hưởng thú yên vui, sau khi mệnh chung, không đọa đường ác, thoát cảnh địa ngục. Bởi thế đại chúng, tất cả dốc lòng, quy mạng đảnh lễ chư Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Phạm Âm Vương Phật
Nam Mô Túc Vương Hoa Phật
Nam Mô Hương Hoa Trang Nghiêm Phật
Nam Mô Hương Tượng Phật
Nam Mô Đại Diệm Kiên Phật
Nam Mô Bảo Hoa Nghiêm Thân Phật
Nam Mô Sa La Thụ Vương Bảo Lâm Phật
Nam Mô Bảo Hoa Đức Phật
Nam Mô Kiến Nhất Thiết Nghĩa Phật
Nam Mô Như Tu Di Sơn Phật
Nam Mô Sư Tử Hống Phật
Nam Mô Danh Văn Phật
Nam Mô Danh Quang Vô Lượng Phật
Nam Mô Đạt Ma Di Phật
Nam Mô Pháp Tràng Bảo Tướng Phật
Nam Mô Trì Pháp Công Đức Phật
Nam Mô Bảo Trang Nghiêm Vương Phật
Nam Mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam Mô Thường Tinh Tiến Bồ Tát
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả
Đệ tử chúng con, đảnh lễ chư Phật, Bồ Tát Thánh Tăng, nguyện cầu tội chướng tiêu trừ, cha mẹ họ hàng, đều sinh Tịnh Độ.
Kinh Sám Hối nói: “Nếu có những người đàn ông, đàn bà phát nguyện tu hành, muốn thành đạo quả, thì phải theo đúng trong bốn uy nghi, tu tập thuyền định, sáu thời hành đạo, một lòng nhớ nghĩ, niệm niệm không quên, sớm tối tụng kinh, lễ bái chư Phật, chư đại Bồ Tát, giãi bầy sám hối, không dám che dấu, thế mới trừ được các điều tội ác”.
Đệ tử chúng con, từ kiếp vô thủy, chưa từng sám hối, phát nguyện tu hành, duy chỉ tội ác, nay mới tỉnh ngộ, giãi bầy sám hối. Từ kiếp vô thủy, cho đến ngày nay, phạm bao tội ác, tham lam sân hận, điên đảo ngu si, không hay không biết, không thấy có Phật, không hiểu kinh điển, chẳng kính Tăng Ni, không trọng đạo đức, không biết tội phúc, chẳng sợ sinh tử, không tin nhân quả, chẳng biết ăn năn, ngăn cản người khác, làm những việc lành, về hùa bạn xấu, cùng làm việc ác, phá hòa hợp Tăng, giết A La Hán, giết cha hại mẹ, thân gây ba nghiệp, miệng tạo bốn nghiệp, ý làm ba nghiệp, hoặc tự sát sinh, dạy người sát sinh, thấy người ta giết, lòng khởi vui mừng; hoặc tự ăn cắp, dạy người ăn cắp, thấy họ ăn cắp, khen ngợi vui theo, nếu tự dối trá, dạy người dối trá, thấy họ dối trá, tán tụng hoan nghênh; tự mính chửi rủa, dạy người chửi rủa, thấy người chửi rủa, sinh lòng thích thú; tự mình nói bậy, dạy người nói bậy, thấy người nói bậy, lòng mình vui sướng; tự mình ghen ghét, dạy người ghen ghét, thấy người ghen ghét, vào hùa xúi xiểm; tự mình tham lam, dạy người tham lam, thấy người tham lam, mình cũng khen ngợi; tự mình không tin, dạy người không tin, thấy người không tin lòng mình vui mừng; không tin thiện ác, chẳng tin nhân quả, mua đầy bán vơi, lường cân tráo đấu. Những tội như thế, không chịu sám hối, chẳng cầu giải thoát, nghiệp ác lôi kéo, trôi lăn không ngừng, đắm chìm bể khổ, hoặc sinh bùn lầy, hoặc vào cầm thú, hay vào địa ngục chịu khổ vô cùng, không có thời hạn.
Tất cả tội ác, như đã kể trên, ngày nay chúng con, đối trước Tam Bảo, mười phương chư Phật, đều xin giãi bầy, cầu xin sám hối, không dám che dấu. Nguyện rằng, tội chướng tiêu trừ, giới căn thanh tịnh, cố gắng tu hành, đạo phẩm tròn sáng, không sinh biên địa, được ở trung quốc, đời đời kiếp kiếp, không sinh tà kiến, được nghe Chính Pháp, đầu thai La Hán, làm con Như Lai, sáu căn đầy đủ, ba nghiệp siêng tu, không bị bụi trần nhớp nhơ mê hoặc, gắng tu muôn hạnh, thông suốt ba cõi, thấu triệt mười phương. Lại nguyện, hết thẩy chúng sinh, đều cùng sám hối, diệt trừ tội ác, hăng hái tu hành, cùng thành đạo quả, trên báo ân Phật, dưới độ mọi loài, cùng về Chính Giác.
Hiện tiền đại chúng, lập chí báo ân, sinh tâm cứu khổ, khẩn thiết chí thành, quy mệnh đảnh lễ, Đức Đại Từ Phụ của cả thế gian.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Hàng Phục Chư Ma Vương Phật
Nam Mô Phổ Hiện Sắc Thân Quang Phật
Nam Mô Trí Tuệ Thắng Phật
Nam Mô Di Lặc Tiên Quang Phật
Nam Mô Tịnh Quang Minh Phật
Nam Mô Thiện Tịch Nguyệt Âm Diệu Tôn Trí Vương Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật
Nam Mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Châu Quang Phật
Nam Mô Tuệ Tràng Thắng Vương Phật
Nam Mô Sư Tử Hống Tự Tại Lực Vương Phật
Nam Mô Diệu Âm Thanh Vương Phật
Nam Mô Thường Quang Tràng Phật
Nam Mô Quan Thế Đăng Phật
Nam Mô Tuệ Cự Chiếu Quang Phật
Nam Mô Đăng Quang Vương Phật
Nam Mô Pháp Tràng Diệu Bảo Phật
Nam Mô Di Lặc Phật
Nam Mô Bảo Quang Minh Phật
Nam Mô Tu Di Phổ Quang Phật
Nam Mô Tịnh Đoạn Nghi Phật
Nam Mô Tu Mạn Na Hoa Quang Phật
Nam Mô Đại Tuệ Lực Vương Phật
Nam Mô A Sơ Tỳ Hoan Hỷ Quang Phật
Nam Mô Vô Phân Biệt Phật
Nam Mô Ngưu Đầu Chiên Đàn Trần Thủy Hương Phật
Nam Mô Thập Phương Thườg Trụ Tam Bảo
Nam Mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát
Nam Mô Tiêu Tai Chướng Bồ Tát
Nam Mô Giải Oan Kết Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả
Đệ tử chúng con, giãi bầy sám hối, nguyện xin tội chướng tiêu trừ, từ vô thủy kiếp, cho đến ngày nay, bao nhiêu lỗi lầm, đều được thanh tịnh. Sáu ngả bốn loài, ba đường tám nạn, hết thẩy chúng sinh, đều thoát luân hồi, cùng lên bờ giác. Nhờ nguyện lực Phật, như pháp tu hành, mở lòng Bồ Đề, thành đạo vô thượng. Chúng con chí thành, tu sám pháp này, mong được chu viên, hồi hướng quá khứ, hiện tại, vị lai, ba đời mười phương, vô lượng vô biên, vô cùng vô tận, hằng hà sa số, hết thẩy chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng. Kính mong Tam Bảo, thương xót tiếp thọ, khiến cho chúng con, tiêu trừ nghiệp chướng, tội ác sạch không, giới căn thanh tịnh, đạo phẩm tròn sáng, mau về Tịnh Độ, chóng chứng Bồ đề. Lại nguyện hết thẩy chúng sinh, trong mọi quốc độ, được nghe Chính Pháp, sinh lòng tin vui, thụ trì Chính Pháp, giữ gìn đất nước, ủng hộ đạo tràng, trai giới thanh khiết, khiến cho chúng con, thân tâm yên vui, chướng ngoài không quấy, ma trong không khởi, tinh tiến tu hành, chóng thành Phật đạo.
Sau nguyện: Quốc thái, dân an mưa hòa gió thuận, Phật pháp lâu dài, chính tín không dứt, pháp giới chúng sinh, đều nhờ diệu quả, ngộ đạo Vô sinh, cùng thành Chính Giác.

TỪ BI ĐẠO TRÀNG MỤC LIÊN SÁM PHÁP
QUYỂN THỨ HAI ĐẾN ĐÂY LÀ HẾT

CỬ TÁN

Mục Liên Tôn giả, thay Phật tuyên hành, gậy vàng vừa gõ, cửa ngục băng thanh.
Mọi người thoát tội, Tịnh Độ hoá sanh, phước tuệ mãi an lành.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần)