Home » Tàng Kinh Các » Số 318 Văn Thù Sư Lợi Phật Độ Nghiêm Tịnh Kinh Quyển thượng

Số 318 Văn Thù Sư Lợi Phật Độ Nghiêm Tịnh Kinh Quyển thượng

Mục Tàng Kinh Các

SỐ 318 VĂN-THÙ-SƯ-LỢI PHẬT ÐỘ NGHIÊM TỊNH KINH
Hán dịch: Ðời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị.
QUYỂN THƯỢNG

Nghe như vầy:
Một thời, Ðức Phật du hóa tại núi Linh thứu, thuộc thành Xá-vệ, cùng với mười vạn chúng đại Tỳ-kheo và tám vạn bốn ngàn Bồ-tát đều đã đạt quả vị không thoái chuyển, không từ đâu sinh, được quyền tuệ thần thông vô cực, tùy thời mà hóa độ cứu giúp ba cõi.
Tên của các vị là: Văn-thù-sư-lợi, Quan Thế Âm, Ðại Thế Chí, cùng các Bồ-tát đều đến vân tập.
Lại có bảy mươi hai ức các Thiên tử đều để tâm hướng đến Ðại thừa như: Tứ Thiên vương Ðế Thích, Phạm thiên vương, cùng với bốn vạn hai ngàn các Thích phạm đều cung kính đạo.
Bốn phương A-tu-luân vương và các Long vương như: Long vương Nan-đầu-hòa-nan, Long vương Hòa Luân, Long vương Sa-kiệt, Long vương Ma-na-tư, Long vương Trì Ðịa, Long vương A-nậu-đạt, Long vương Sơn Tích, Long vương Hàng Ma, Long vương Thượng Nguyệt. Các Long vương như vậy mỗi mỗi đều có sáu vạn hai ngàn quyến thuộc.
Lại có quỷ thần Kim Tỷ, quỷ thần Khoáng Dã, quỷ thần Diệu Mao, quỷ thần Phổ Ðẳng, quỷ thần Thiện Phổ, quỷ thần Thiện Tài, quỷ thần Phổ Tượng, quỷ thần Vô Tranh. Các loại quỷ vương này, cùng với trăm ngàn chúng quyến thuộc đều đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đứng theo thứ tự. Tất cả đều chuyên tinh, chí nguyện luôn khao khát giáo pháp, thân, khẩu, ý thường quy kính Phật, tĩnh tâm lắng nghe.
Khi ấy, quốc vương, thái tử, đại thần, bá quan, trưởng giả, cư sĩ, dân chúng lớn nhỏ, trời, rồng, quỷ vương đều cùng cúng dường tùy theo khả năng của mình.
Vào sáng sớm, Ðức Phật quấn y, ôm bát cùng với đại chúng, trời, rồng, quỷ vương theo hầu hai bên bay lên hư không, bốn thứ hoa sen rơi lả tả như mưa, trăm ngàn kỹ nhạc không trổi tự kêu, tấu lên tám tiếng nhã tụng của Thích Phạm, cùng đến chỗ của vua A-xà-thế thỉnh mời. Ðức Phật hiển thần túc ánh sáng chiếu mười phương, hoa sen bảy báu theo bước chân nở ra. Lại có hóa Bồ-tát ngồi trên hoa ấy, ánh sáng hóa tượng rõ ràng không thể kể hết, nhiễu quanh thành bảy vòng rồi tán thán tụng rằng:

Bậc Ðạo Sư chí chân
Lòng thương xót vô lượng
Phương tiện hộ chúng sinh
Tiêu bệnh trừ ghẻ lở.
Năng Nhân vô sở trước
Tâm vắng lặng điều hòa
Rống tiếng rống hộ thế
Hôm nay sắp vào thành.
Ý Ngài đã giải thoát
Ðộ sinh, già, bệnh, chết
Chư Thiên chúng tập hội
Với tâm chí vui thích,
Tâm ấy rất kiên cường
Hàng ma và quyến thuộc
Thích Sư Tử chí thành
Ðạo sư đã đến đây.
Chúng ma không thể hoại
Tiếng Chí Chân khó gặp
Rất mạnh hay chế ngự
Hành đạo ức ngàn kiếp,
Lòng thương xót cao cả
Cứu tất cả muôn loài
Hôm nay Bậc Thánh Giác
Sẽ vào thành Vương xá.
Ðã từng hành bố thí
Khó lường không ngằn mé
Nào cơm áo xe báu
Không thể tính kể hết,
Cho cả trai, gái yêu
Vợ, nhà và đất nước
Nay Thích Sư Tử ấy
Muốn vào cung quốc vương.
Ðời trước thí tay chân
Ðầu mắt và tai mũi
Thì hết không trái nghịch
Không keo kiệt trân báu,
Nhiếp hết các công đức
Thí tất cả sở hữu
Tôn nhân bởi vì thế
Mà nhập Nhất thiết trí,
Thường hay siêng tu học
Bố thí đến giới tuệ
Hộ giới không khuyết lậu
Nên gọi chân trượng phu,
Giới soi chiếu nhẫn nhục
Trì công huân vô lượng
Ngài tịch nhiên tâm định
Hôm nay sẽ vào thành.
Trong trăm ngàn ức kiếp
Hành tinh tấn giải thoát
Vì thương xót chúng sinh
Tâm chưa từng mệt mỏi,
Nhất tâm đến tột đỉnh
Ðã đến bờ bên kia
Âm thanh hơn Phạm thiên
Hôm nay sắp vào thành.
Trí tuệ sáng của Ngài
Không thể có hạn lượng
Cũng không có ngằn mé
Dụ như cả hư không,
Nhân Trung quý như vậy
Trí đức không cùng tận
Duyên từ đạt các hạnh
Nghiêm tịnh đến tôn tuệ,
Nhân ngồi cây Bồ-đề
Hàng ma và quyến thuộc
Không thoái chuyển Chánh đạo
An lạc không lo buồn,
Ðạo Thánh chuyển pháp luân
Hóa độ thật vô tận
Hôm nay Thích Sư Tử
Muốn vào thành Vương xá.
Nếu có phát đạo ý
Ta sẽ được thành Phật
Mau chóng được rốt ráo
Ba mươi hai tướng tốt,
Thường khởi ý vô lượng
Chí thành phát đạo tâm
Quy về với tối thắng
Cúng dường Nhân Trung Tôn.
Muốn đoạn dâm, nộ, si
Tiêu trừ dơ trần lao
Chí hàng phục tất cả
Không có các tỳ vết,
Hãy mau đến nơi ấy
Thích Sư Tử Thánh Tôn
Dâng cúng các vật tốt
Cung kính không cùng tận.
Nếu muốn sinh lên trời
Thiên đế Thích, Phạm vương
Trăm ngàn ức chư Thiên
Ðều thấy biết tôn ngưỡng,
Luôn gặp việc an lạc
Ở trời không tổn thất
Nên đến Thích Sư Tử
Bậc Chí Chân tuyên nói.
Muốn cung kính Thánh đế
Chúa khắp cả chúng sinh
Tự nhiên có bảy báu
Khiến ta đến tôn quý,
Thiên tử đủ các đức
Thù thắng thật dũng mãnh
Luôn siêng năng phụng sự
Chí Chân Ðại Tôn Nhân.
Nếu thích vị tôn quý
Trưởng giả nhiều của báu
Sự nghiệp luôn to lớn
Và thường được tự tại,
Quyến thuộc đều giàu có
Ðoan chánh tướng đẹp đẽ
Nên đến Thích Sư Tử
Vật tốt cúng Thế Tôn.
Ngài là Bậc giải thoát
Vậy nên cầu độ thoát
Phải chí thành lắng nghe
Ðại Thánh nói tịch mặc,
Nếu nghe câu cam lồ
Tịch nhiên không lo lắng
Bậc thầy trong trời người
Âm thanh rất khó gặp.

Lúc đó, trong thành Vương xá có vô số chúng, nghe tiếng tán thán khuyến khích này, ai nấy đều vui thích phát đạo tâm. Tất cả đều đem hương hoa thơm trộn lại với nhau, cùng tràng phan, bảo cái, trăm ngàn kỹ nhạc ra khỏi thành nghênh đón đảnh lễ Thế Tôn rồi đi theo sau.
Ðức Thế Tôn vào thành, chân bước qua cửa, lúc đó trái đất sáu cách chấn động, các nhạc cụ sáo, tiêu không thổi tự kêu, các châu ngọc của phụ nữ tự phát ra tiếng, trời mưa hương bay lả tả, người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm nói được, người què đi được, người bệnh thuyên giảm, người cuồng hết cuồng, người tay
chân quặn vẹo liền co duỗi được, người bị sâu độc cắn được giải, người lõa thể được áo mặc, người nghèo được của cải, loài chim bay thú chạy đua nhau kêu hót. Lúc đó chúng sinh khởi tâm Từ không có dâm dục, sân hận, si mê, diệt trừ cống cao sân nhuế nghi ngờ, nhìn nhau vui vẻ như cha mẹ, anh em, bà con, mỗi mỗi đều vui thích tán thán:

Nhân Trung tối thắng như trăng tròn đầy
Là Chánh Ðạo Sư trượng phu sư tử
Thế Tôn vào thành lợi ích chúng sinh
Làm an tất cả, đui thấy, điếc nghe
Ðói được no, rét ấm, loạn được định
Người nghèo được giàu, cuồng tà được chánh
Chư Thiên từ trời mưa xuống hoa hương
Trổi các kỹ nhạc dâng lên cúng dường.
Chúng sinh Từ tâm không có ba độc
Nhún nhường, ý vui, trừ tánh kiêu mạn
Như cha, như mẹ, như em, như anh
Như thân, như con, tâm luôn bình đẳng,
Thế Tôn ban pháp nhuần khắp mười phương
Trời, người, chúng sinh hiểu không mong cầu
Công huân như vậy hiện ra khó lường
Oai đức mười phương tuyên nói ba tạng.

Khi ấy, trong thành có một người con thuộc dòng họ quyền quý tên là Khí Ác, từ xa trông thấy Thế Tôn, bước đi ngay thẳng, dung nghi đoan chánh, oai thần sáng rỡ, các căn tịch định, điềm đạm vắng lặng, hòa nhã như mặt nước phẳng lặng thanh tịnh. Cũng như sư tử, chúa của muôn thú, như mặt trời mới mọc chiếu sáng sớm, như mặt trăng tròn sáng chói giữa các sao. Ðức Phật giữa đại chúng nguy nguy đường đường, tướng hảo rạng ngời, oai phong lẫm lẫm. Thấy vậy, tâm sinh vui thích kính trọng, đến nghênh đón Phật đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh ba vòng, quỳ gối chắp tay bạch Phật và thưa:
– Bạch Thế Tôn! Nay con muốn nghe Bồ-tát thực hành bao nhiêu pháp thì mới đến Chánh chân tối Chánh giác, dốc lòng để chóng thành trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh. Cúi xin Thế Tôn rủ lòng thương xót phân biệt đầy đủ.
Ðức Phật khen:
– Hay thay! Này Bồ-tát Khí Ác! Chỉ có ngươi mới hỏi Như Lai về công đức trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh và các hạnh thù thắng của các Bồ-tát. Vậy nay ngươi hãy lắng nghe cho kỹ, khéo suy nghĩ về nghi tắc.
Khí Ác Bồ-tát và tất cả chúng hội đều vui vẻ phấn khởi, nhất tâm cung kính, cùng nhau đến trước đảnh lễ Thế Tôn thọ giáo lắng nghe.
Ðức Phật dạy:
– Bồ-tát có một pháp mau chóng thành Chánh đẳng Chánh giác, tự tâm thành cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Ðó là tâm thường thương xót cứu giúp tất cả chúng sinh, hưng phát chí chân nhân và đạo tâm. Sao gọi là chí chân nhân và đạo tâm? Là do phát đạo tâm không hành các pháp. Tại sao không hành? Không hành ba cấu, các lợi gia nghiệp, chí muốn xuất gia, không dựa vào lợi dưỡng, bản nguyện của tâm luôn tôn sùng pháp này. Sao gọi là xuất gia tôn sùng pháp hạnh? Là tu hành chân chánh, phụng trì tất cả pháp. Sao gọi là tất cả pháp chánh chân? Là phân biệt rõ ấm và các nhập. Sao gọi là hiểu rõ ấm? Là pháp hữu vi vô vi đều là năm ấm. Hiểu ấm như huyễn nên không đắm trước, biết ấm vốn không. Ðây gọi là hiểu rõ pháp huyễn vốn vắng lặng. Từ đó mới phân biệt được một cách rõ ràng, gốc rễ không thấy. Có hai pháp không thấy, đó là không suy nghĩ và không vọng tưởng. Ðây mới có thể chuyên tu phụng hành xuất gia, thành hạnh Bồ-tát, không bỏ chúng sinh. Vì sao? Vì tự có khả năng thông đạt các pháp. Ðó mới là học tập biện luận vì các chúng sinh, không có chúng sinh cũng không có các pháp.
Ðức Phật dạy:
– Này thiện nam! Ðây là pháp của Bồ-tát, mau chóng đến Chánh đẳng Chánh giác, chính nơi tâm thành cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Bồ-tát Khí Ác nghe Phật dạy, vui vẻ phấn khởi, liền được pháp Nhẫn không thoái, bay lên hư không cách đất bảy nhẫn. Lúc đó, trong chúng thấy việc biến hóa này, có hai vạn người phát tâm Vô thượng chánh chân; một vạn bốn ngàn trời, người xa lìa trần cấu, được các Pháp nhãn tịnh.
Nhân đó, Ðức Phật mỉm cười, có vô số ánh sáng từ miệng phóng ra chiếu khắp mười phương vô lượng thế giới, rồi quay lại nhiễu Phật ba vòng xong lại nhập vào đảnh.
Hiền giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay nói kệ tán thán Phật:

Ðem chánh pháp mầu độ vô cùng
Tối thắng chí chân Ngài dùng lực
Hiểu rõ chúng sinh hóa thượng trí
Cúi xin tuyên nói vì sao cười.
Ðã đạt mười Lực đời quá khứ
Thương xót hữu tình nghiệp tương lai
Hiểu cả hiện tại việc mười phương
Nay vì cớ gì lại mỉm cười?
Rõ được hành nghiệp của chúng sinh
Này như sư tử thấy các tâm
Trí tuệ sáng suốt không ai bằng
Nói pháp Ðiều ngự cho mọi người.
Chư Thiên vô số đến tập hội
Thảy đều chắp tay lễ Chí Thánh
Nguyện diễn tiếng diệu quang đệ nhất
Vô số chúng hội quán pháp khí.
Trí tuệ độ vô cùng
Thế tục không sánh bằng
Biết tất cả chúng sinh
Hướng đến nghiệp thiện ác.
Thế Tôn nay mỉm cười
Nguyên vì phân biệt nghĩa
Giải quyết mọi nghi ngờ
Tuyên nói pháp tối tôn.
Nay đại chúng các hội
Vạn ức trăm ngàn năm
Vì pháp nên vân tập
Các Tỳ-kheo im lặng.
Cung kính tu cúng dường
Trăm ngàn tiếng kỹ nhạc
Phụng hành lắng lòng nghe
Xin giải quyết chúng nghi.
Ðức Phật bảo:
– Này A-nan! Ông có thấy Bồ-tát Khí Ác ở trong hư không không?
A-nan thưa:
– Con đã thấy, thưa Thế Tôn!
Ðức Phật bảo:
– Này A-nan! Bồ-tát Khí Ác này, về sau sáu trăm hai mươi vạn kiếp sẽ thành Phật hiệu Tịch Hóa Âm Như Lai, Chí Chân Ðẳng Chánh giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế giới ấy tên là An ổn, kiếp tên là Ly âm. Nước ấy giống như thế giới Diệu lạc của A-súc Như Lai, công huân trang nghiêm thanh tịnh không có gì khác.
Ðức Phật khen rồi mới đến cung vua A-xà-thế. Vua, phu nhân, thái tử, bách quan đem hương hoa, kỹ nhạc hoan hỷ nghênh đón Phật, đảnh lễ sát chân rồi theo sau Phật. Sau khi vào cung, Ðức Phật ngồi vào tòa, Bồ-tát, Thánh chúng cũng ngồi theo thứ tự như chỗ thường ngồi. Vua thấy Ðức Phật và đại chúng ngồi im lặng không có một tiếng động, rồi cùng với hoàng hậu, thái tử tự tay sớt các thức ăn ngon cúng dường, các vị được no đủ. Ăn xong, vua đem nước thơm đến cho các vị rửa tay, xong rồi dâng y báu đẹp cúng dường Ðức Thế Tôn. Cúng xong, vua lấy một ghế nhỏ ngồi trước Ðức Phật, chuyên tâm chắp tay lắng nghe Phật dạy. Vì muốn hóa độ hoàng thân quốc thích trong cung và những người đến hội nên lúc đó vua A-xà-thế quỳ gối bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Sân hận, chán ghét, tật đố từ đâu sinh? Cái ngu vô minh từ đâu mà đến? Lấy tuệ gì để diệt trừ nó?
Ðức Phật dạy:
– Này Ðại vương! Từ ngã mà sinh sân hận, chán ghét, tật đố, cậy vào tự đại mà sinh ngu si, không phân biệt chánh đế là vô minh, thấy chánh từ đế là tuệ, tuệ trừ các ác như ánh sáng xua tan bóng tối, thấy chánh từ đế cũng lại như vậy.
Vua lại bạch Phật:
– Cúi xin Thế Tôn phân biệt rõ thêm về thấy chánh từ đế.
Ðức Phật dạy:
– Này Ðại vương! Pháp vốn là không, không từ ý mà sinh hình, hiểu được ý là không xứ thì không có khứ lai, rõ được tất cả không tức là thấy chánh, thấy chánh mà không chuyển tức là từ đế. Hiểu được một cách đầy đủ như vậy gọi là hiểu.
Vua nghe Ðức Phật nói pháp ứng hợp với tâm, nên rất vui vẻ phấn khởi tâm thiện phát sinh, liền khen rằng:
– Hay thay! Thưa Thế Tôn! Thật chưa từng có. Pháp này chỉ có Như Lai mới khéo nói chỉ dạy như vậy. Giả sử thân con có chết đi, tâm không nghi loạn, nhất định phụng hành pháp này.
Ðức Phật từ tòa đứng dậy cùng các đại chúng trở về núi Linh thứu, bảo các chúng trực trải các tòa mời chúng hội đến ngồi.
Vâng lời Phật dạy, Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải, quỳ sát đất chắp tay bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vừa rồi trong thành Bồ-tát Khí Ác đã hỏi về trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật vi diệu, Ðức Thế Tôn đã trả lời sơ lược nghĩa cốt yếu. Bồ-tát Khí Ác lúc đó được Phật thọ ký, những người nghe hiểu đều được chứng quả, còn những người ý không thông đạt đều mơ màng. Cúi xin Thế Tôn thương xót diễn rõ lại một lần nữa, làm cho hạnh của Bồ-tát càng thêm kiên cố trụ trong chánh đạo không bị lay động, thành tựu Nhất thiết trí, hàng phục các ma và quyến thuộc của ma, nhiếp hóa ngoại đạo, diệt các trần lao, khuyến hóa tà nghiệp quay về chánh đạo, xả quả Tiểu thừa, chuyển bánh xe pháp không lui sụt hoàn tất chí nguyện, lợi ích chúng sinh, nhờ năng lực nghiêm tịnh, đạt đến trí sáng vô hạn. Người chưa độ được độ, chưa thành được thành. Nay đây thiện nam, thiện nữ trong chúng hội đều lắng lòng muốn nghe, cúi xin Thế Tôn nói lại lần nữa, để cho chánh pháp được thấm nhuần đời sau, ngưỡng mong thương xót mà vì chúng hội nói.
Khi ấy, Ðức Thế Tôn suy nghĩ: “Pháp này thù thắng vi diệu, chính là sự nghiệp của Bồ-tát đại sĩ, nay tuyên nói là vì khắp tất cả chứ không vì hội nhỏ này. Vậy ta nên hiện điềm lạ cảm đến mười phương thế giới.” Như ý nghĩ, từ chân lông của Ðức Thế Tôn phóng ra ánh sáng chiếu khắp mười phương hằng hà sa thế giới, mười phương chư Phật đều sai Bồ-tát thần trí vô lượng minh đạt vi diệu, đều từ trong trăm ức chúng Bồ-tát, hiện thần biến đến thế giới Kham nhẫn, diện kiến Phật Năng Nhân, hầu hạ bái yết, đảnh lễ sát chân Phật rồi, tất cả đều trình bày rằng:
– Chúng con thấy được ánh sáng của Ðức Thế Tôn, nương vào bốn pháp lắng nghe nói pháp. Ðức Phật ở cõi của chúng con thấy vậy than rằng: “Ông làm sao mà đến thế giới Kham nhẫn được. Thế giới Kham nhẫn ngũ nghịch cang cường, tệ ác, tham lam tật đố, dâm dật, chửi mắng, trù ẻo, tâm nhiều sân hận độc ác, tổn hại lẫn nhau, thô lỗ hung bạo rất khó giáo hóa. Ông chớ đến thế giới Kham nhẫn mà tự nhiễm dơ uế.” Lúc đó, chúng con đều thưa lại một lần nữa rằng:
– Bạch Thế Tôn! Chúng con có thể kham chịu để đến thế giới Kham nhẫn. Giả sử có gặp phải các sự não hại, lửa đốt dao cắt chúng con nhất định không báo thù lại. Nhờ đó mà Thế Tôn và các Bồ-tát mới có thể chịu khổ kham nhẫn để dạy dỗ quần sinh, chúng con nguyện muốn đảnh lễ hầu hạ học hỏi thâm kinh. Do vậy mà Ðức Thế Tôn ở cõi chúng con mới cho phép, nhưng lại còn căn dặn: “Này các thiện nam! Ý phải tùy thuận giữ tâm chắc chắn, cẩn thận chớ có biếng nhác nghi ngờ. Như cõi của ta đây trải qua trăm ngàn kiếp tu hành cũng không bằng thế giới kham nhẫn chỉ tinh tấn một ngày.” Vì thế, thưa Thế Tôn! Dù trải qua hằng hà sa thế giới vẫn không cho là xa; muốn nghe Thế Tôn nói kinh trang nghiêm thanh tịnh và cũng muốn đàm luận yếu nghĩa với các Bồ-tát.
Lúc đó, Bồ-tát Di-lặc từ chỗ ngồi đứng dậy sửa áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay, đến trước Phật nói kệ khen rằng:

Vô lượng oai đức vang mười phương
Sáng chiếu trên dưới hằng sa cõi
Tất cả chúng sinh không xưng hết
Nhân Trung Thánh tuệ chẳng nghĩ bàn
Mười phương thế giới hằng sa cõi
Bồ-tát, đại chúng vì pháp đến
Hâm mộ đạo pháp trụ cung kính
Xin Nhân Trung Tôn tuyên pháp huấn.
Danh xưng Thế Tôn vang mười phương
Cấm giới Tam-muội trí tuệ sáng
Oai nghi không động như sư tử
Như mặt trời sáng chiếu hư không.
Chư Thiên, Long vương và quỷ thần
Chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni
Thanh tín sĩ nữ đứng chắp tay
Rủ lòng thương xót xin nói pháp.
Do biết quá khứ và tương lai
Phân biệt hiểu rõ cả hiện tại
Vì chúng sinh đáng được hóa độ
Ðem luật khai hóa giải nghi ngờ.
Thế nào Bồ-tát tạo lập hạnh
Quốc độ nghiêm tịnh ánh sáng chiếu
Do đâu đầy đủ các đại nguyện
Xin Nhân Trung Thượng nói ý này.
Duyên gì chúng sinh không tham tật
Sao gọi cấm giới không trái phạm
Vì sao chúng tu hành tinh cần
Nhân vì quần sinh hành thương xót.
Từ đâu phụng hành vô số kiếp
Dụng tinh tấn thế lực càng tăng
Trau dồi trí tuệ thoát vô vi
Cứu giúp chúng sinh thoát khổ hoạn,
Ý ấy tịch định luôn nhất tâm
Hành tịnh thoát môn trụ thiền tư
Tu không đắm trước như hoa sen
Làm sao lập hạnh tiêu trừ dục.
Từ đâu phụng hành nghiệp thâm diệu
Nhân đâu tu hành độ thế pháp
Duyên gì phục ma và binh chúng
Do hàng phục được nên thành Phật.

Lúc đó, Ðức Thế Tôn bảo Di-lặc trải pháp tòa cao, Như Lai nay sẽ vì chúng Bồ-tát khắp mười phương mà diễn nói công huân trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, hạnh nguyện pháp điển thuở xưa.
Di-lặc vâng lời, nhưng lại suy nghĩ: “Cớ gì Như Lai sai ta trải tòa, mà không sai A-nan, Mục-liên…?”
Văn-thù-sư-lợi biết được tâm niệm của Di-lặc liền đáp:
– Di-lặc nên biết! Ðức Như Lai sai Bồ-tát trải tòa là có ý rằng, nói pháp này chỉ có thuần Bồ-tát chứ không phải vì hàng Thanh văn, Duyên giác.
Lúc đó, Di-lặc vâng lời Phật dạy, liền nhập vào Tam-muội chánh thọ, vì Phật mà thiết tòa cao đến bốn trăm vạn dặm, dùng vô số các loại báu làm thành, rồi dùng lụa là gấm vóc của chư Thiên trải lên tòa, từ tòa phát ra ánh sáng chiếu tam thiên đại thiên thế giới. Ðức Phật liền thăng tòa, tam thiên đại thiên thế giới sáu cách chấn động.
Lúc đó Ðức Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:
– Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát có bốn pháp đầy đủ sở nguyện. Ðó là:

  1. Chí tánh nhân hòa.
  2. Thương xót chúng sinh.
  3. Siêng năng không biếng nhác.
  4. Nhất tâm luôn thân cận thiện hữu.

Ðây là bốn pháp đầy đủ sở nguyện.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát có một pháp không mất sở nguyện.
Ðó là đối với Bồ-tát nên học theo A-súc Như Lai. Thuở xưa, khi Như Lai còn hành Bồ-tát đạo, chí nguyện xuất gia, hâm mộ Sa-môn, đời đời sinh ra không trái với bản thệ, cho đến đạt hiệu Như Lai không từ đâu sinh. Ðó là cái dụng lợi ích số một của Bồ-tát. Nếu xuất gia thì được mười thứ công đức:

  1. Không có trạng thái tham dục phóng dật.
  2. Thường ưa chỗ nhàn tịnh không thích ồn ào.
  3. Thường phụng hành theo Phật, bỏ mọi tiểu tiết.
  4. Vứt bỏ mọi pháp ngu si vô ích.
  5. Không luyến tiếc vợ con, nhà cửa, ân ái.
  6. Buông bỏ các hoạn ác thí phi pháp.
  7. Nhiếp thủ thiện xứ an lạc Thiên thượng.
  8. Chưa bao giờ trái với đức căn bản thuở xưa.
  9. Ðược chư Thiên kính mến và luôn hộ vệ.
  10. Các Long thần vương thường ủng hộ.

Ðó là mười đức. Nếu Bồ-tát không bỏ Ðại thừa độ thoát chúng sinh thì nên mong cầu xuất gia. Ðây là một pháp không mất sở nguyện, tùy theo ý muốn đến cõi Phật nào thì liền được như ý, được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Ðó là thiện lợi số một của Bồ-tát.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát có hai pháp không mất sở nguyện:

  1. Không thích Tiểu thừa, không học theo hạnh Tiểu thừa, không theo việc của họ, nguyện khai thị họ, không nói pháp Tiểu thừa để giáo hóa người khác.
  2. Thường đem đạo Vô thượng chánh chân khuyến tấn chúng sinh để trở thành Phật pháp. Ðó là hai pháp, tâm siêng năng chánh chân răn nhắc không mệt mỏi. Có vậy mới mau được mười phước công đức:
  3. Nhiếp thủ cõi Phật, không học Tiểu thừa.
  4. Chỉ thuần nhất các Bồ-tát Thánh chúng đến hội hợp.
  5. Chư Phật Thế Tôn thường hộ niệm.
  6. Chư Phật mười phương thấy rồi khen ngợi, xưng dương công đức mà vì nói pháp.
  7. Phát tâm vi diệu, thường tu chánh chân.
  8. Không nguyện sinh vào cõi Thiên đế Thích, Phạm vương, tâm luôn tinh tấn chí cầu chánh đạo.
  9. Nếu sinh vào nhân gian thì làm Chuyển luân vương làm chủ bốn Thiên hạ, đem chánh đạo để hướng dẫn dạy dỗ.
  10. Nơi sinh ra không trái với đạo nghiệp thường thấy chư Phật Vô Thượng Chánh Chân.
  11. Ðược trời người kính yêu.
  12. Thọ công đức vô lượng không thể kể hết.

Ðó là mười công đức. Vì sao? Vì nói có khả năng hóa độ chúng sinh trong một cõi Phật đều chứng quả Vô trước, nhưng không bằng Bồ-tát chỉ trong một khảy móng tay khuyến hóa một người phát Vô thượng chánh chân. Huống nữa là mười công đức diệu thâm, tùy theo ý muốn ở cõi nào thì liền được như ý nguyện thành đức trang nghiêm thanh tịnh. Ðây là hai đức không trái bản nguyện.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát có ba pháp không mất sở nguyện, đầy đủ công đức trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh:

  1. Ưa thích ở vắng lặng tâm tập tịch tĩnh.
  2. Thường ân cần cẩn trọng hộ cấm giới chưa từng khuyết lậu.
  3. Thường thí pháp mà không trông mong cơm áo.

Ðó là ba pháp hộ trì cấm giới kiên cố, hành cấm pháp của Bồ-tát, nhờ đó mà được mười thứ vô úy:

  1. Hay hộ giới, đi vào thành ấp, hoặc đến xóm làng tâm không trở ngại.
  2. Nếu ở trong chúng hội thuyết pháp dũng mãnh.
  3. Vào trong chúng không sợ.
  4. Ở tại gia giảng tụng tâm không sợ hãi.
  5. Nếu vào tịnh xá cũng không sợ.
  6. Ở giữa Thánh chúng không có khiếp đảm.
  7. Nói năng bàn việc không có sợ hãi.
  8. Phụng thờ Sư phụ và chư Hòa thượng cung kính không có ngã mạn, không sợ vi phạm.
  9. Nếu có nói là luôn nói với tâm Từ, tâm không sợ ác.
  10. Nếu nhận y thực, giường nằm, thuốc thang cũng dễ dàng.

Ðó là mười.
Lại thêm mười việc mới đầy đủ trang nghiêm thanh tịnh:

  1. Không sợ ác nghiệp.
  2. Không tham thân tộc.
  3. Không cầu danh xưng.
  4. Không luyến tiếc gia nghiệp.
  5. Không ghét dòng họ.
  6. Thường tri túc.
  7. Ðối với y, thực, giường, ghế, thuốc thang phải biết tiết chế.
  8. Tuy ở tại gia, nhưng luôn nói đạo pháp.
  9. Chư Thiên đến đảnh lễ hầu hạ.
  10. Chưa từng khởi tưởng trái phép tắc, tâm thường niệm Phật, vui thích chuyên tinh, không có ý mong cơm áo.

Ðây mới là trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh đầy đủ.
Lại có mười việc thọ công đức danh xưng:

  1. Rời xa chúng hội, không thích sinh sự.
  2. Ưa ở chỗ yên tĩnh không nghĩ đến thành ấp.
  3. Tâm luôn trong thiền tư không có tà niệm.
  4. Không thích đa sự ồn ào.
  5. Tâm thường niệm Phật, không suy nghĩ đến việc khác.
  6. Không vì yên thân mà tránh việc nguy hại.
  7. Tu hành phạm hạnh chưa từng gián đoạn.
  8. Vì thiểu sự cho nên được định Tam-muội.
  9. Nghe giảng yếu nghĩa chương cú vi diệu thì nhớ mãi không quên.
  10. Khi đã được nghe kinh rồi, hiểu nghĩa quy thú, rồi đem diễn giảng cho người khác.

Ðó là mười pháp.
Này Xá-lợi-phất! Lại có bốn pháp không mất sở nguyện. Ðó là:

  1. Lời nói và việc làm của Bồ-tát luôn tương ưng.
  2. Xả bỏ tự đại.
  3. Xả bỏ tham lam tật đố.
  4. Khi thấy người khác an ổn thì mình vui thay cho họ.

Ðó là bốn pháp.
Lại có bốn việc nên chí thành lắng nghe:

  1. Nơi sinh ra, miệng thường thanh tịnh, có mùi thơm hoa Ưu-bát.
  2. Nói năng biện tuệ không có khiếm khuyết.
  3. Trời người đến bảo hộ và tin tưởng.
  4. Tiếng tốt không mất, nhất định được Phật âm.

Ðó là bốn việc.
Lại có bốn pháp tu hành răn nhắc là:

  1. Không sinh vào ba nẻo, không có người oán ghét.
  2. Không thích học chín mươi sáu thứ sở kiến mê hoặc.
  3. Oan gia bạn ác không có tiện lợi.
  4. Thiện thượng nhân gian đều quay về kính lễ.

Ðó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp lưu truyền răn dạy:

  1. Tâm không xả bố thí, lúa gạo tùy thời mà bố thí.
  2. Không ham thích sự phồn vinh giàu có ở thế gian.
  3. Tự phụng trì cấm giới.
  4. Nếu có bố thí thì không ôm lòng tham lam tật đố.

Ðó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp làm cho người khác vui, tâm biết tri túc:

  1. Các chúng sinh hay chấp của cải là vật của ta, ta nên an ủi họ.
  2. Các chúng sinh ấy tham lam của cải, tự cậy thân lực cho là không ai bằng, Bồ-tát thương xót làm cho họ được an vui, nên dạy họ rằng: Của cải không phải là bạn của ta, lúc nào cũng lo sợ năm loại giặc xâm chiếm không có kỳ hẹn.
  3. Nếu của cải giàu có, vợ con đông đúc, quyến thuộc sum vầy, nhưng không bao giờ màng đến, cũng không luyến tiếc đất nước, huống nữa là người khác trông mong vào chúng sinh.
  4. Chưa từng mong cầu tiền tài phi nghiệp ở thế tục.

Ðó là bốn pháp. Bồ-tát thực hành bốn pháp này thì không mất sở nguyện, cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Này Xá-lợi-phất! Lại có năm pháp không mất sở nguyện:

  1. Ham thích kinh pháp, siêng cầu đạo nghĩa.
  2. Biết việc qua lại trong vô số kiếp.
  3. Ðã nghe kinh rồi, thành thục hạnh như chư Phật, thành tựu công huân.
  4. Khi nghe kinh mỗi việc đều hỏi nghĩa, tu tập hạnh gì để chóng thành tựu đầy đủ.
  5. Nếu nghe kinh pháp rồi thì phải siêng năng thực hành.

Ðó là năm pháp không mất sở nguyện, cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Có sáu pháp không mất sở nguyện:

  1. Ưa bố thí tâm không keo kiệt tật đố, đem thân bố thí không tiếc thọ mạng, không luyến ái vợ, con, trai, gái, quyến thuộc, tâm không mong mỏi, không ôm tưởng trông cầu.
  2. Dù Bồ-tát tại gia hay xuất gia thà mất thân mạng chứ không phạm cấm giới, giữ gìn cẩn thận, thường sống phạm hạnh, khuyến khích chúng sinh dùng giới hỗ trợ.
  3. Biết thân này là giả tạm, các pháp như huyễn, cho nên trụ nhẫn lực chắc chắn, dù có nghịch cảnh đến cũng không chống trả. Giá như gặp phải hoạn độc hại, đao trượng gia hình, chửi bới trù ẻo, nhưng vẫn không khởi ý thù hận.
  4. Phụng hành tinh tấn, tâm không đắm trước, thâm niệm phi thường, như cứu lửa cháy đầu, đi, đứng, ngủ, thức chưa từng biếng nhác phế bỏ. Giá như lửa thiêu thân, tâm không lui sụt.
  5. Chuyên tâm tịch tĩnh, không nghĩ đến cái khác, nhập vào vô sinh vắng lặng, điều phục ý tưởng không cho khởi lên, tâm như tro tàn, hình như gỗ khô mục.
  6. Thấy chánh từ đế, diệt trừ tà ngụy, hiểu rõ ba cõi như tiếng vang, như huyễn hóa, pháp là vô thường, danh như bóng trăng in nước, thương xót khuyến hóa tất cả chúng sinh.

Ðó là sáu pháp y như sở nguyện liền thành, đầy đủ công đức trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh.
Này Xá-lợi-phất! Lại có bảy pháp không mất sở nguyện:

  1. Ðem bố thí hết tất cả sở hữu, vật được thí đó cũng không chấp trước.
  2. Phụng trì giới, không thiếu không tưởng sở cấm.
  3. Khuyến khích chúng sinh không khởi nhẫn pháp.
  4. Dùng hạnh tinh tấn không chấp vào thân tâm.
  5. Thành tựu thiền định, nhất tâm nhiếp niệm.
  6. Ðầy đủ trí tuệ không mong hy vọng.
  7. Thường niệm Phật, xả mọi hy vọng.

Ðó là bảy pháp. Nếu Bồ-tát thực hành đầy đủ thì được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Này Xá-lợi-phất! Lại có tám pháp không mất sở nguyện:

  1. Không nói lời vô ích.
  2. Dùng việc bố thí để làm trang nghiêm.
  3. Tâm nhu hòa không có thô ác.
  4. Cung kính Pháp sư không có khinh mạn.
  5. Thường khiêm cung hạ ý hòa thuận với chúng.
  6. Tánh hạnh trong sạch không có cấu nhiễm.
  7. Nếu không trì giới thì sẽ như việc báo ứng.
  8. Không làm thương tổn chính mình, không huỷ hoại người khác.

Ðó là tám pháp trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh.
Này Xá-lợi-phất! Lại có chín pháp không mất sở nguyện:

  1. Thường hộ thân hành khiến không thiếu mất.
  2. Lời nói cẩn thận không có khiếm khuyết.
  3. Phòng hộ ý không cho móng tà tưởng.
  4. Bỏ tham dục, tâm không đắm trước.
  5. Từ bỏ sân nhuế, tâm không khởi thù hận.
  6. Diệt nghiệp ngu si không bị tối tăm.
  7. Thường tu hành chí thành không bị khi dối mê hoặc.
  8. Hành từ kiên cố tâm không dời đổi.
  9. Nương Thiện tri thức chưa từng xa rời.

Ðó là chín pháp trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh.
Này Xá-lợi-phất! Lại có mười pháp không mất sở nguyện:

  1. Nghe khổ địa ngục tâm luôn lo sợ mà tu trì tâm thương xót.
  2. Nghe khổ súc sinh cũng lại lo sợ phát khởi lòng thương.
  3. Nghe khổ ngạ quỷ cũng sinh lo sợ phát khởi đại Từ.
  4. Nghe sự an ổn ở cõi trời không thích mà lại khởi tâm thương xót.
  5. Nghe lúa gạo ở thế gian quý hiếm, tệ ác gia hại mà khởi nhân từ.
  6. Tâm tự nghĩ rằng, siêng năng tinh tấn, nhẫn chịu các khổ thì mới được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh vô lượng.
  7. Khiến không có hoạn của ba khổ não.
  8. Khiến cho cõi Phật phồn vinh sung túc.
  9. Nhân dân an hòa, thọ mạng vô lượng.
  10. Tự nhiên sinh không có tên gọi quyến thuộc, cho đến thành đạo Vô thượng chánh chân.

Ðó là mười pháp, sở nguyện không mất cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Này Xá-lợi-phất! Khi Bồ-tát cầm hoa đến chỗ Như Lai hoặc chùa, tháp nên nguyện cho chúng sinh tâm ý nhu nhuyến thanh tịnh, nhan sắc hòa duyệt, như hoa đẹp tươi tốt, hương sắc thơm khiết, ai thấy cũng vui thích yêu quý. Nguyện khi thành Phật, trong nước của con khắp tất cả mọi nơi đều có hoa thơm, cây đẹp, y phục, ẩm thực, lụa là, tràng phan, bảo cái, kim ngân, trân báu đều tự nhiên có ra.
Nhân dân trong nước ấy cấm giới thanh tịnh, tâm ý nhu nhuyến, tánh tình hòa nhã, pháp nhẫn thậm thâm, thần thông vô thượng.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát trước vì người sau mới vì mình, mong rằng tất cả được an ổn như cha, như mẹ, thấy người được an, mình vui thay họ. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, đều được an hòa, không có tật đố nghi ngờ, điềm nhiên nhập định, tâm không suy nghĩ.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát gìn giữ khẩu nghiệp chưa từng trái phạm, không nói những lời nói gia hại người và vật, nói đúng pháp, không nói phi nghĩa. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, ngôn từ nhu hòa, không có lời nói không vừa lòng, tiếng nói có tám cách nói ra hòa nhã.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát giới thanh tịnh, thân, khẩu, ý đều thiện, lại khuyến khích người khác đem hạnh thiện của mình truyền đến tất cả. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, khiến thân, khẩu, ý hoàn toàn thanh tịnh, không có khuyết lậu, thần thông đầy đủ, đạt đến cao tột.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát giáo hóa làm hưng long đạo pháp, thường đem chánh chân khai độ nam nữ, chưa từng giảng luận Tiểu thừa. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi không nghe đến hạnh Thanh văn, Duyên giác, chuyển luân không thoái mau thành tối Chánh giác, khiến hạnh thuần thục lưu bố vô cùng.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát không ganh ghét người được cúng, không làm gián đoạn sự cúng dường của khác, thấy người được cúng thì vui thay họ. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi không có tham lam tật đố, tất cả đều được pháp lợi.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có Bồ-tát không tự khen mình, không nói lỗi người, không nói lỗi của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nghe thấy cái lỗi của người khác cũng như mình phạm. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, đều được thanh tịnh, không nghe đến tên tội lỗi.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có Bồ-tát mong cầu kinh đạo như khát muốn uống, chí luôn chánh chân, không ưa pháp khác.
Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, đều ưa kinh đạo, mong cầu chánh pháp.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có Bồ-tát thường thổi âm nhạc ca tụng công đức của Phật, cúng dường Như Lai, hoặc tháp, hoặc hình tượng, đem công đức đó khuyến khích giúp đỡ người học.
Nguyện khi thành Phật, trăm ngàn kỹ nhạc không trổi tự kêu, diễn tám pháp âm, người nghe vui thích, khai phát đạo tâm, đều được chánh chân.
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có Bồ-tát thấy tâm chúng sinh giong ruổi buông lung, thì nên khai thị chính yếu để họ không còn giong ruổi ồn ào nữa. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, khiến chí không loạn, nhiếp niệm nhập định, dùng thiền làm thức ăn, các tưởng tịnh diệt, đều đạt đến Chánh giác.
Này Xá-lợi-phất! Giả sử Như Lai trọn đời khen ngợi cõi Phật thành tựu công huân cũng không thể cùng tận, cũng không thể thí dụ. Nay ta đã vì ông mà lược nêu ra. Nếu có người nghe được hạnh của Bồ-tát rồi suy nghĩ hâm mộ, không còn nghi ngờ thì cũng sẽ thành tựu cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát lại có ba pháp mau chóng được Chánh giác, không mất sở nguyện như ý liền được:

  1. Phát nguyện đặc biệt không giống với ai.
  2. Sở hành an ổn chắc chắn không có buông lung.
  3. Phụng hành pháp đã nghe không biết mệt mỏi. Ðó là ba pháp.

Xá-lợi-phất tán thán:
– Hay thay! Thật chưa từng có, Như Lai khéo huấn thị đạo phẩm đầy đủ, sở nguyện thành tựu, cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Ðức Phật bảo Xá-lợi-phất:
– Ðúng vậy, đúng vậy! Thật đúng như lời ông nói. Như Lai đã tích tập hạnh Phật nên mới được như vậy, không dùng những lời lẽ trau chuốt mà thành đạo. Người tánh buông lung thì tự chuốc lấy tối tăm, rơi vào bốn điên đảo, chìm sông sinh tử, cầu thoát khó được.
Nếu có Bồ-tát nghe được kinh này, nguyện xin phụng hành hạnh không buông lung, thì nhất định thành tựu như trên đã nói.
Lúc đó, trong hội tám vạn bốn ngàn Bồ-tát, từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay quay về đồng nói lên:
– Thưa Thế Tôn! Chúng con đều nguyện phụng hành lời Phật dạy, sở nguyện đầy đủ, từ đó mà được đạo, trừ bỏ lời trau chuốt buông lung. Hoàn tất thệ nguyện và giới đức, nguyện cho tất cả đều thực hành lòng thương xót, đem hạnh ấy tự trang nghiêm khử trừ mọi cấu uế.
Lúc đó, Ðức Phật mỉm cười, từ miệng phóng ra ánh sáng năm sắc chiếu khắp mười phương, rồi quay trở lại nhiễu Phật ba vòng và nhập vào đảnh Phật.
Hiền giả Xá-lợi-phất đến trước Phật bạch:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao Ngài cười? Nay Thế Tôn cười nhất định là có lý do?
Ðức Phật hỏi:
– Này Xá-lợi-phất! Ông có thấy các thiện nam này rống tiếng rống sư tử không?
Xá-lợi-phất thưa:
– Con đã thấy, thưa Thế Tôn!
Ðức Phật dạy:
– Các thiện nam này ở đời sau, ngót một trăm ngàn kiếp đều sẽ thành Phật hiệu là Tịnh Nguyện Như Lai, Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, quốc độ trang nghiêm thanh tịnh cũng như nước Tây phương An dưỡng công huân trang nghiêm thanh tịnh không khác, thọ mạng cũng không sai khác.
Xá-lợi-phất thưa:
– Thọ mạng bao nhiêu mà lại không khác?
Ðức Phật dạy:
– Tất cả đều thọ mười kiếp.
Khi ấy, Bồ-tát Sư Tử Bộ Lôi Âm từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải, quỳ gối bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Công đức của Văn-thù-sư-lợi đồng chân được chư Phật khen ngợi, vậy còn bao lâu nữa mới thành tối Chánh giác.
Ðức Phật bảo:
– Ông nên đem việc này hỏi thẳng Văn-thù-sư-lợi.
Vâng lời Phật dạy, Sư Tử Bộ Lôi Âm liền đến trước Văn-thù-sư-lợi hỏi:
– Còn bao lâu nữa thì Nhân giả mới thành Vô thượng Chánh chân tối Chánh giác?
Văn-thù-sư-lợi đáp:
– Ông nên hỏi như vầy: Nhân giả chí học đạo Vô thượng chánh chân ư? Vì sao? Giả sử như thân ta học Phật đạo thì nên hỏi câu này:
“Ta không cầu đạo nhân đâu mà thành tối Chánh giác?”
Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi lại:
– Chứ nhân giả không vì chúng sinh mà cầu tối Chánh giác ư?
Văn-thù đáp:
– Không. Vì sao? Vì chúng sinh không thể được. Giả sử chúng sinh có xứ sở thì ta sẽ vì chúng sinh mà cầu Phật đạo. Vì sao? Vì không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Do vậy cho nên ta không chí cầu cũng không thoái chuyển.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại hỏi:
– Nhân giả không cầu Phật, không hâm mộ pháp Phật ư?
Văn-thù đáp:
– Không. Vì sao? Vì tất cả pháp đều là Phật pháp. Nếu các pháp không có vô lậu, không thọ nhân duyên, không tưởng thì đó là Phật đạo. Nên hiểu rõ các pháp như vậy. Lại như ông hỏi kiến lập Phật pháp, tôi tùy theo ý ông mà trả lời. Vậy thì ai cầu Phật đạo?
Sắc là Phật đạo ư? Sắc vốn thanh tịnh là Phật đạo ư? Sắc ấy vốn không là Phật đạo ư? Sắc tự nhiên, sắc đều không, sắc bất chợt, sắc vốn thanh tịnh, sắc vắng lặng, đem sắc pháp này để cầu Phật đạo thành Chánh giác ư?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp:
– Không. Sắc không phải đạo, vốn thanh tịnh tự nhiên. Do không, tịch nhiên cho nên các sắc pháp không thể cầu đạo, không thành Chánh giác, pháp cũng như vậy.
Văn-thù-sư-lợi hỏi lại:
– Thọ, tưởng, hành, thức cùng với thức pháp có thể cầu Phật đạo không?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp:
– Không thể cầu.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
– Năm ấm thức pháp không thành Chánh giác. Ý ông nghĩ sao?
Ngoài năm ấm đó ra thì ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả có thể nói là được không?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp:
– Không được.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
– Như vậy, ta nên phân biệt lấy pháp nào để cầu Phật đạo thành tối Chánh giác?
Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi lại:
– Bồ-tát tân học A-di-điềm nghe lời giáo huấn này không kinh sợ ư? Vì sao? Vì danh hiệu Nhân giả là bậc hướng dẫn đứng đầu trong tất cả, vì chúng mà gánh vác nên nay mới chứng. Vì các Bồ-tát tuyên nói các pháp, không chí cầu đạo, không thành Chánh giác.
Văn-thù-sư-lợi đáp:
– Pháp giới không sợ, bản tế không sợ, nghe Phật nói pháp không có kinh sợ. Người có lòng kinh sợ thì ôm lấy sự lo lắng.
Người không lo lắng thì xa lìa trần cấu, người ấy nhất định được giải thoát. Do giải thoát cho nên không đắm trước; do không đắm trước cho nên không bị trói buộc; do không trói buộc cho nên không có gì phải thoát; do không thoát cho nên không từ đâu đến; do không từ đâu đến cho nên không đi về đâu; không đi về đâu nên không sở nguyện; do không sở nguyện nên không chí cầu; do không chí cầu cho nên không thoái chuyển, do không thoái chuyển thì liền không thoái chuyển, không không bất chuyển, không tưởng, không nguyện. Bản tế này là pháp Phật không chuyển, pháp Phật vô tác, không có biên tế. Pháp Phật không đắm trước thì không có nương cậy, pháp Phật không hành cũng không tinh tấn, không có sở hành cũng không có giáo lệnh, các pháp Phật ấy mượn có danh hiệu.
Lại nữa, pháp không, không từ đâu sinh, không từ đâu đến, không đi về đâu.
Lại nữa, pháp Phật không lìa trần lao tham, giận, si mê, tật đố.
Pháp Phật không nhiễm nghiệp trần lao, không có ngã vắng lặng, không niệm, sở hành không niệm, vô tận không khởi, bình đẳng không tà vạy thì mới là pháp Phật, cũng không phải phi pháp. Vì sao? Vì không có xứ sở cho nên không thể hành. Ðây mới gọi là pháp Phật. Nếu có Bồ-tát tân học nghe nói lời này, nếu người kinh sợ thì mau chóng thành Chánh giác, còn không kinh sợ thì không thành Chánh giác.
Sư tử lôi âm hỏi Văn-thù-sư-lợi:
– Vì ai mà nói lời này?
Văn-thù-sư-lợi đáp:
– Vì người kinh sợ mới có vọng tưởng, do có vọng tưởng nên tâm tự nghĩ rằng: “Thân ta sẽ được thành Tối chánh giác.” Vì lý do đó cho nên mới khởi ý đạo chí cầu Chánh giác. Ý ông nghĩ sao? Xưa nay chưa từng có giác thành không ư?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp:
– Chưa.
Văn-thù lại hỏi:
– Ðức Thế Tôn không nói tất cả các pháp như hư không ư?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp:
– Có nói.
Văn-thù-sư-lợi nói:
– Ðạo cũng như hư không, hư không như đạo. Ðạo như hư không, nên hư không cùng với đạo không có hai, không thể phân biệt. Ai hiểu như vậy tức là không có sở tri, cũng không thể không có tuệ.
Lúc Văn-thù-sư-lợi nói lời này, bốn ngàn Tỳ-kheo lậu tận ý giải, mười hai ức chúng được Pháp nhãn tịnh, chín vạn sáu ngàn người từ xưa đến nay chưa từng phát đạo tâm nay đều phát tâm Vô thượng chánh chân, bốn vạn hai ngàn người được pháp Nhẫn không từ đâu sinh.