Hôm nay là tuần một trăm ngày của Anh Bốn và cũng tiện thể Gia Đình làm lễ cầu siêu tuần 49 ngày cho Chị Năm. Từ xa xôi hơn nữa vòng trái đất Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi có mấy lời để tiễn đưa Anh Chị lần cuối
Chúng ta vốn sinh ra trong một Gia Đình trung nông tại Mỹ Hạc, có Cha sinh năm 1898 và Mẹ sinh năm 1908. Cha Mẹ đã sinh ra chúng ta có tất cả 5 trai và 3 gái. Người thứ 8 ra đi sớm nhất sau đệ nhị thế chiến năm 1945, kế tiếp là Anh Sáu ra đi vào đầu năm 1966 khi chưa đến tuần 49 ngày thì Mẹ và Bác cũng đã ra đi vào ngày 27.3 năm Bính Ngọ, nhằm ngày 17 tháng 4 năm 1966. Rồi Chị Ba, Chị Hai cũng đã ra đi. Đến bây giờ Gia Đình chúng ta lại một lần nữa đón tin chẳng vui là Anh Bốn ra đi chưa được 49 ngày thì Chị Năm cũng đã ra đi vào ngày 2 tháng 8 năm 2020 vừa qua.
Hòa Thượng Bảo Lạc đã xuất gia từ năm 1957 và tôi tiếp nối con đường cao rộng ấy cũng từ bỏ Cha Mẹ và Gia Đình ra đi xuất gia đầu Phật từ năm 1964. Bây giờ nhìn lại trong Huynh Đệ của chúng ta, chỉ còn lại hai người thân cận nhất; nhưng cũng ở xa nhất với khoảng cách kể cả thời gian và không gian. Mọi việc ở tại quê hương đã có cháu con lo liệu. Tuy nhiên người xưa cũng thường nói rằng: “Huynh Đệ như thủ túc”. Nên dẫu sao đi nữa khi hay tin Anh Chị quá vãng thì chúng tôi cũng bị chi phối không ít như tay chân bị đau, thân thể cũng phải cảm nhận nỗi đau ấy là nỗi đau toàn thân thể mình. Anh Bốn ra đi ở tuổi 88, Chị Năm ra đi ở tuổi 86 là những tuổi đại thọ của thế gian, không còn mong gì hơn nữa; nhưng để tỏ tình Huynh, Tỷ với Anh Chị nên chúng tôi có mấy lời viết cho Anh Chị, xem như đây là bức thư cuối cùng gửi cho Anh Chị, vì mãi mãi Anh Chị sẽ không còn đọc được nữa, mà hôm nay chính tôi đọc lên cho Anh Chị nghe và tiễn biệt Anh Chị lần cuối cùng vậy.
Nếu chúng ta không có nhân duyên thì đã không sinh ra cùng chung trong một Gia Đình, cùng một huyết thống và cùng một dòng tộc họ Lê. Tất cả đều ảnh hưởng bởi quá khứ và ngay cả tương lai nữa; nếu chúng ta vẫn còn sinh ra ở thế giới Ta Bà nầy. Cha Mẹ chúng ta không giàu về tiền bạc, của cải; nhưng Cha Mẹ đã nuôi Anh Em chúng ta bằng bầu sữa ngọt của chốn ruộng đồng cùng với 4 mùa mưa nắng. Cha Mẹ đã dùng đạo đức của tiền nhân và nhân quả của nhà Phật để nuôi chúng ta thành người. Khi quý Anh Chị lớn đi lấy chồng hay cưới vợ, sinh con đẻ cháu thì Cha Mẹ vẫn canh cánh hỏi han những đứa cháu nội ngoại của mình. Chỉ trừ hai người xuất gia thì Cha Mẹ không cần nghĩ đến nữa. Bởi vì chúng tôi đã gửi thân nơi cửa chùa đã có Thầy Tổ, Bồ Tát và Chư Phật hộ trì rồi. Người xuất gia không có con cháu như Anh Chị; nhưng Tử Đệ xuất gia cũng là những người mang trọng trách truyền trì mạng mạch cho Phật Pháp. Đó cũng là cách báo hiếu cho Cha Mẹ như trong Kinh Phật có đề cập đến là: “Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng”; nghĩa là một người xuất gia có thể làm siêu thăng nhiều đời Ông Bà Cha Mẹ. Trong khi đó Gia Đình mình có đến hai người xuất gia và hiện là hai Hòa Thượng được nhiều người biết đến ở Hải Ngoại. Đây cũng là một phước báu mà Anh Chị và Gia Đình cũng hưởng được lây. Có người cháu trong tộc Lê tuyên bố rằng: “Nếu người ta mơ thành triệu phú hay tỷ phú không khó, nếu người ấy mua vé số cầu may tối hôm nay, biết đâu sáng hôm sau trúng số và họ sẽ trở thành triệu phú hay tỷ phú; nhưng mơ để trở thành Hòa Thượng thì không đơn giản, mà trong Gia Đình của mình lại có đến cả hai vị Hòa Thượng”.
Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi xa quê cũng đã gần 50 năm, chưa một lần trở lại thăm quê. Do vậy trong những năm trước đây chúng tôi đã tìm đủ mọi phương tiện để mời Quý Anh Chị sang thăm chúng tôi ở Lào, Thái Lan, Úc cũng như Đức v.v… được như thế chắc Quý Anh Chị cũng đã mãn nguyện và hãnh diện lắm rồi. Bởi lẽ nếu không có hai người em đi xuất gia, rồi du học và ở ngoại quốc lâu năm thì chắc gì Quý Anh Chị hưởng được những phước báu hữu lậu ấy. Gương sáng nầy Con Cháu trong nhà nên hãy soi chung. Bởi lẽ người xưa thường nói: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Còn ở đây quý Thầy đi xuất gia hành đạo, không tước vị; nhưng chúng ta cũng có thể hãnh diện để nói rằng: “Một người đi tu, cả họ đều thấm nhuần được giáo pháp của Phật Đà”. Nếu không có Phật Pháp thì Quý Thầy cũng không thể tồn tại cũng như phát triển cho đến ngày hôm nay. Nên ân Tam Bảo đó, con cháu phải nên ghi nhớ vào lòng.
Khi nghe tin Anh Bốn Lê Văn An Pháp Danh Như Khương qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 2020 vừa qua cả chùa Viên Giác ở Hannover, chùa Pháp Bảo tại Úc cũng như Tăng Ni và Phật Tử mỗi người góp vào một lời cầu nguyện cho Anh, nghĩa cử Sư Đệ, tình Thầy trò kia đã làm cho chúng tôi phải mũi lòng. Đến khi Chị Năm Lê Thị Đấu Pháp Danh Như Lý ra đi thì mọi người ở hai nơi Úc cũng như Đức đều ngỡ ngàng, vì nghĩ rằng cái chết sao mà nó nhanh và dễ dàng như thế ! Cả hai sự kiện kia không cách xa là bao nhiêu ngày mà hai người thân đã ra đi một cách rất đột ngột. Nhưng được một niềm an ủi là những tuần thất của Anh Bốn, Con Cháu đều cúng chay cũng như các cháu ăn chay suốt 49 ngày để cầu nguyện cho Anh. Còn Chị Năm vì liên hệ với dịch bệnh Corona 19, nên mãi đến những ngày gần đây mới đem hình hài sau khi hỏa thiêu về Gia Đình để làm lễ tưởng niệm cũng như chôn cất. Các Con, Cháu tộc Văn Công bên nhà chồng Chị cũng rất đau buồn; nhưng niềm an ủi là các Con Cháu của Chị cũng rất hiếu thảo lo báo đền ơn dưỡng dục cù lao cho Anh Văn Công Y Pháp Danh Như Chí cũng như Chị Năm trong những tháng ngày vừa qua. Điều ấy hẵn rất đáng tán dương và trân quý.
Nhân dịp này tôi và Thầy Bảo Lạc có đôi lời tâm cảm gởi đến anh Như Khương và Chị Như Lý, vì hai vị đã có pháp danh cao quý này, phải còn tiếp tục lộ trình tu tập để đạt đến giác ngộ giải thoát, cho dù ở cõi này hay sanh về thế giới khác, nếu giữ đúng tâm nguyện sẽ được viên thành. Xin chắp tay ngưỡng nguyện Đức Từ Phụ A Di Đà Phật phóng quang tiếp dẫn chân linh nhị vị siêu sanh Tây Phương Tịnh Độ.
Thêm những nhân duyên kế tiếp nữa là nhân việc ra đi của hai người thân trong Gia Đình; nên Con Cháu còn lại ai chưa Quy Y thì nhân dịp nầy đã phát tâm Quy Y Tam Bảo, do Thầy Thích Như Tịnh Trụ Trì chùa Viên Giác tại Hội An làm Bổn Sư truyền Tam Quy Ngũ Giới. Điều nầy làm cho Quý Thầy rất an vui và Cha Mẹ của các Con, các cháu cũng rất là hạnh phúc. Bởi vì Các Con, Các Cháu đã nối tiếp được hạt giống Phật mà Ông Bà Nội, Ngoại đã gieo vào chủng tử tâm thức của Quý Thầy, nay đến Cha Mẹ của Các Con và cháu con của các con nữa. Xin niệm ân Thầy Như Tịnh thật nhiều về việc trợ duyên nầy.
Chúng tôi từ xa xôi không về tham dự những lễ lộc tang sự trong thời gian vừa qua được ; nhưng tại quê hương xứ Quảng nói chung và tại Hải Ngoại chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni đã từ mẫn quang lâm chủ lễ cầu siêu cúng vong, thuyết linh cũng như có lời phân ưu v.v…là những nghĩa cử vô cùng cao quý của những người Tăng Sĩ cùng chung tình Linh Sơn cốt nhục như vậy. Chúng tôi xin cảm ân tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni hiện diện cũng như khiếm diện trong buổi lễ nầy.
Người ta thường nói: “Bà con xa, không bằng láng giềng gần”. Câu nói nầy thật là có ý nghĩa vô cùng khi Anh Bốn và Chị Năm của chúng tôi nằm xuống, mỗi người hàng xóm một tay, mỗi người một việc chung lưng góp sức vào lo cho những tang lễ thật trang nghiêm trong thời gian vừa qua tại quê nhà. Ân đức ấy của bà con chòm xóm không phải nhỏ. Chúng tôi xin tạc dạ ghi ơn.
Cuối cùng hai Thầy khuyên Con Cháu trong Gia Đình hãy noi theo tấm gương Đạo Đức của Ông Bà Cha Mẹ mà sống cho đúng với Nhân Nghĩa và Đạo Lý của con người, dầu con người ấy có sống ở bất cứ nơi đâu và làm cho đến chức phận gì thì cũng không thể quên công ơn sanh thành dưỡng dục của Mẹ Cha được.
Bây giờ thì những cánh cửa của nhà mồ đã phủ kín thể xác của Anh Bốn và Chị Năm, rồi mỗi năm cứ đến ngày cúng giỗ Con Cháu lại tụ hội về, không phải để vui chơi, gặp gỡ, mà để bái sám tụng kinh, nguyện cầu cho người mất sanh về thế giới an lành và người còn được an lạc. Ngoài ra ngày kỵ giỗ cũng là ngày con cháu nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của Mẹ Cha, của Ông Bà Tiên Tổ và đó là một bài học không lời, các Con, các Cháu trong Gia Đình phải luôn luôn ghi nhớ vậy. Có như thế câu: “Ẩm thủy tư nguyên” “uống nước nhớ nguồn” mới tương hợp vậy.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Tỳ Kheo Thích Bảo Lạc và Tỳ Kheo Thích Như Điển
kính tiễn biệt Anh, Chị lần cuối cùng.