Lễ Vu Lan Tu Viện Viên Đức, Đức Quốc.
Mùa Dịch Covid 19
Trần Thị Nhật Hưng
Nói đến lễ Vu Lan thì ai cũng biết đó là mùa báo hiếu, đề cao, tưởng nhớ công ơn sinh thành của bậc cha mẹ nhất là mẹ. Có nhắc nữa chỉ phiền lòng quí bạn, than: “Khổ lắm, biết rồi, nói mãi„ nên trong bài này tôi không nhắc nữa, vì khi Quí bạn đọc bài này, Quí bạn đã là người con hiếu thảo nên mới quan tâm về lễ Vu Lan. Tuy nhiên, vì Quí bạn không tham dự nên tôi mới kể bạn nghe những diễn tiến tại Tu viện Viên Đức trong dịp lễ giữa mùa dịch bịnh còn đang hoành hành này.
Covid 19 tuy đang tái phát song xem ra thiên hạ cũng lờn không sợ nữa. Chết vì covid chưa thấy mà chỉ chết buồn và cô đơn nên số Phật tử tham dự cũng khá đông trên 100 người so với mọi lần ba, bốn trăm người. Đặc biệt lần này, tuy được phép tổ chức, nhưng luật pháp Đức ấn định, nếu tụ tập phải giữ cách ly, luôn rửa tay và đeo khẩu trang. Do vậy, chùa cần không gian rộng, không tổ chức trong chánh điện mà dựng lều thiết kế bàn thờ ngoài sân vườn ( vườn chùa rộng thênh thang diện tích có đến 17.000 m2). Trong lều, từng chiếc ghế xếp xen kẽ, ngang dọc cách nhau 1m5 dành cho người tham dự.
Giữa thời tiết chớm thu, nắng hè vẫn còn vương vấn cho mọi người thời tiết mát mẻ xen lẫn nắng hanh vàng. Xung quanh chùa, mùa táo chín trong vườn lẫn quanh khu xóm, trái trĩu nặng chi chít chằn chịt từ gốc đến ngọn cây tỏa mùi hương thơm ngát.
Hành lễ rồi nghe Pháp trong không gian như thế, chẳng khác nào đang ngự ở cõi Cực Lạc chứ không phải cõi Ta Bà này.
Như thông lệ đúng 10 giờ, Chư Tăng-Ni cùng Chư Phật tử qui tụ trước bàn Phật tổ chức hành lễ.
Sau thời kinh Vu Lan, diễn văn, vài nhạc phẩm vinh danh Mẹ qua giọng hát trầm ấm của Thầy Thích Chúc Thành đến từ Thụy Điển và giọng ca thánh thót của cô Nam Dương tại Đức qua nhạc phẩm « Bông Hồng Cài Áo » cùng lúc bên dưới các em trẻ Phật tử cài hoa, hoa trắng cho ai mất mẹ, và hoa hồng dành cho người mẹ hiện tiền. Đây là nghi thức không thể thiếu trong mùa Vu Lan tại các chùa. Cuối cùng là đạo từ của Hòa Thượng Thích Như Điển.
Đề tài về Vu Lan « Khổ lắm, biết rồi, nói mãi » nghe nữa sẽ nhàm nên Hòa Thượng chỉ nhắc sơ qua rồi giới thiệu đến chúng Phật tử về một nhân vật lỗi lạc trong văn chương của nước nhà đó là Thi hào Nguyễn Du. Thi hào không chỉ là một Phật tử thuần thành có Pháp danh là Trí Hiên thấm nhuần giáo lý Phật Đà mà còn đi tu 3 năm tại Trung quốc (từ năm 1788-1790). Thi Hào từng đọc kinh Kim Cương hơn một ngàn biến. Mỗi biến một tiếng rưỡi, đọc chậm mất hai tiếng. Hòa Thượng bỏ công lục tìm trong lịch sử còn khép kín, dựa theo kinh điển để khám phá rồi triển khai rộng ra qua tác phẩm mà Ngài sắp xuất bản để chúng ta hiểu thêm giá trị lịch sử nhân văn Việt Nam.
Tiếp theo đó, Hòa Thượng giảng về ý nghĩa hai chữ « Công đức » liên quan trong Đại Tạng Kinh thời Đức Phật qua hai câu chuyện sau đây:
- Câu chuyện thứ nhất về 500 vị Tỳ kheo tu học trong núi, hành trì chất đá xây phù đồ (xây tháp) để thờ Xá Lợi Phật, các vị Tổ và các vị A La Hán.
Cùng lúc đó trong rừng cũng có 500 con khỉ nhìn thấy rồi bắt chước. Nhưng chúng không xây bằng đá mà bằng cát. Khi gặp mưa bão, tháp cát trôi hết không còn gì, và những con khỉ này cũng bị chết luôn, song công đức đó vẫn được ghi nhận phước báu để sau đó được sinh Thiên (cõi Trời). Phàm đã sanh Thiên có thể nhớ được kiếp trước; nên 500 vị Tiên đó về lại nhân gian để đảnh lễ 500 vị Tì kheo.
- Câu chuyện thứ hai thời Phật tại thế đi khất thực. Trước nhà của một bà cụ ngày nào cũng cung kính cúng ít xôi, chuối. Phẩm vật không đáng bao nhiêu, người chồng không phản đối song thắc mắc làm vậy có công dụng gì. Đứng trước hai vợ chồng, thay vì trả lời, Đức Phật điềm nhiên hỏi lại, tại Ấn Độ cả hai có biết cây Ni Câu Luật, hạt nhỏ chỉ bằng hạt mè, song gieo xuống đất chăm bón vài ba tháng đã trỗ cành xanh ngọn nở hoa trái rất nhiều. Qua đó, hành bố thí cũng như vậy, phẩm vật dù lớn, nhỏ nhưng với lòng thành, công đức cũng lớn lao như cây Ni Câu Luật vậy.
Năm nay, để tránh tiếp cận với Phật tử trong tình trạng cách ly, chương trình khất thực hằng năm vào dịp Vu Lan, phương cách cũng thay đổi. Quí Thầy hiện diện có tất cả 9 Tăng, Ni không đi quanh chùa mà chỉ ngồi một chỗ trước bàn Phật, bình bát xếp lớp trên bàn rồi Phật tử hàng một tuần tự cúng phẩm vật.
Buổi ăn trưa trong mùa dịch cũng thế, Phật tử không còn cơ hội quây quần bên nhau thưởng thức các món chay độc đáo như mọi năm, vì các gian hàng bánh trái, bún, phở, bánh cuốn..v.v… không được phép bày bán, Phật tử mỗi người chỉ còn một khúc bánh mì xíu chay, một hộp xôi thập cẩm, một chai nước rồi lặng lẽ trên chiếc ghế cách ly của mình mà nhâm nhi.
Tuy vậy, trong gió thu hiu hiu thổi, ngoài sân nắng rực lên cao, mọi người vẫn cảm thấy khoan khoái, gần gũi trong ánh mắt thân thương trao nhau và những nụ cười mỉm tặng nhau. Cũng có vài nhóm, bất chấp con virus Corona đáng sợ, bất chấp luật lệ Đức ban hành, đã kéo ghế gần nhau « xáp lá cà »…tám chuyện làm như bao tâm sự chất chứa mấy tháng trời ứ đọng, nay được dịp trút ra.
Đặc biệt năm nay, một sự kiện đáng ghi nhận, theo tôi nên tiếp tục mãi mãi như thế vô cùng lợi lạc, đó là giờ thuyết giảng vào lúc 13 giờ 30 của Thượng Tọa Thích Hạnh Hòa.
Nếu trong lịch sử Việt Nam thời nhà Trần, Trần Thủ Độ từng tuyên bố : « Vua ở đâu thì triều đình ở đó » thì nay, tại Tu Viện Viên Đức cũng nên « Phật tử ở đâu thì đạo tràng ở đấy ». Tại sao? Tôi xin giải mã vấn đề.
Ai cũng biết, Phật Pháp tuy cao siêu, thâm thúy, mang lợi ích thiết thực cho đời sống con người nhưng Phật Pháp vốn khó nghe, nghe rồi khó hiểu, hiểu rồi khó hành. Mà Phật tử chúng ta, nhìn nhận thực tế, tuy mang danh con nhà Phật nhưng đa số …lửng lơ con cá vàng, đến chùa chả mấy người tha thiết nghe giáo lý mặc dù mọi năm đến giờ giảng, tiếng rung chuông réo gọi nhắc nhở Phật tử vào chánh điện nghe Pháp, nhưng,…việc chuông, chuông cứ reo; việc các bà tám vẫn ngồi đó tám chuyện. Thì nay, ngay chỗ các bà, « Phật tử ở đâu đạo tràng ở đấy », khi Thượng Tọa giảng sư Thích Hạnh Hòa xuất hiện, bao chiếc ghế nghiêm chỉnh xếp vào hàng lối, bao âm thanh rì rào im bặt chỉ còn tiếng Thượng Tọa cất lên lẫn trong gió Thu nhẹ nhàng thổi.
Năm nay, sau khi Thầy Hạnh Hòa nói sơ về ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, nơi thân mẫu Ngài Mục Kiền Liên do vướng nghiệp ác bị đọa. Dù có lục thông, thần thông đệ nhất như Ngài Mục Kiền Liên mà cũng không cứu được mẹ ra khỏi địa ngục phải cần sự trợ lực của Đức Phật cùng Tăng đoàn. Và để tránh phải sa vào ba đường ác, Thầy Hạnh Hòa hướng dẫn Phật tử tạo phước báu thể hiện gieo trồng vào ba ruộng phước mà Đức Phật chỉ dạy:
- Kính điền: Cung kính Tam bảo : Phật, Pháp, Tăng. Đó là ba ngôi báu dẫn dắt chúng sanh đi vào con đường đạo để có một cuộc sống tốt lành đem lại an vui hạnh phúc không chỉ cho riêng chúng ta mà còn cho gia đình, xã hội, xa hơn nữa là đất nước và muôn loài.
- Ân điền: Đất nước, Thầy tổ, và cha mẹ. Chúng ta được sinh ra nhờ cha mẹ, đất nước dung chứa chúng ta. Được nên người hữu dụng nhờ Thầy tổ dạy bảo. Cho nên, nếu là người hiểu đạo lý, bổn phận của chúng ta phải biết tri ân. Có như thế xã hội mới bình an. Niết Bàn không ở đâu xa mà hiện diện ngay cõi đời này.
- Bi điền: Từ bi cứu khổ chúng sinh trong đó gồm những người bần cùng nghèo khổ, người đau ốm bịnh tật và cả súc sinh, những sinh vật không có nhận thức. Điều này, là Phật tử hay ngay cả những người không là Phật tử nhưng có từ tâm, ai cũng hiểu và thể hiện. Người được giúp cũng vui, mà người ban tặng cũng vui. Há không là hạnh phúc sao ?!
Cuối cùng, ai ai cũng nhận ra, với lòng từ bi trải rộng và sự hiểu biết chân chánh lời Phật dạy sẽ dẫn dắt chúng ta có một đời sống tốt, hữu ích, phát huy trí tuệ, phát triển đời sống giới đức, phạm hạnh sẽ tạo nên năng lực giải thoát thì không những không phải bị sa vào ba đường ác đạo mà còn sinh Thiên hoặc giải thoát sinh tử luân hồi.
Trong không gian thoáng mát, lòng người như mở rộng, Thầy Hạnh Hòa đã gieo vào tâm thức người nghe những cung bậc giải thoát khi thánh thót, lúc rộn ràng. Lớp học bỗng sôi nổi qua những câu hỏi đối đáp thân thiện gần gũi khiến mọi người như xích lại gần nhau cho dù khoảng cách cách ly nếu có xa vời vợi đừng nói chi chỉ cách 1m5. Những nụ cười vỡ òa đã thu hút bao Phật tử đang ngồi ngoài lớp cũng lắng lòng theo dõi.
Hy vọng những năm sau, « Phật tử ở đâu đạo tràng ở đấy » tùy duyên hành xử mới có thể phát huy chánh pháp của Đức Phật đến với đại đa số Phật tử. Có hiểu giáo lý, Phật tử mới tăng trưởng niềm tin, Bồ Đề tâm mới kiên cố thì Phật giáo mới vững mạnh và phát triển.
Buổi chiều vào lúc 15 giờ 30, tại chánh đện, có chương trình chẩn tế Mông Sơn thí thực cô hồn. Đây là nghi thức Phật giáo, Tu viện Viên Đức thường tổ chức vào dịp lễ Vu Lan mục đích siêu độ cho những vong linh còn vất vưỡng chưa được siêu thoát, nhất là lúc này mùa dịch bịnh Corona, nhiều người chết một cách oan uổng, tức tưởi mà gia đình, người thân, bạn bè không được tham dự đưa tiễn tới nơi an nghỉ cuối cùng.
Chủ trì chẩn tế tại Âu Châu, luôn được Thượng Tọa Hoằng Khai đến từ Na Uy đảm nhận, làm như Thầy là…đệ tử của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, nhân vật cả đời luôn ở địa ngục với hạnh nguyện « Khi nào dưới địa ngục không còn người ở, ta mới chịu thành Phật » thì Thầy Hoằng Khai cũng sẽ là « Khi nào các cô hồn đều được siêu thoát thì ta mới hết chủ trì Chẩn tế »
Thầy Hoằng Khai với sắc phục áo mão như Ngài Địa Tạng (đệ tử của Ngài mà), giọng tụng rổn rảng, âm hưởng mạnh như danh ca, còn được hỗ trợ của những chư Tăng khác: Thầy Chúc Thành đến từ Thụy Điển (Thầy tuy nhỏ con nhưng giọng tụng không thua Thầy Hoằng Khai và tán tụng rất hay), Thầy Viên Duy đến từ Áo quốc, Thầy Thông Triêm tại Đức, Thầy Hạnh Vân (Trụ trì Tu viện Viên Đức, người bỏ nhiều công lao sắp xếp tổ chức thật hoàn chỉnh cho ngày lễ Vu Lan), cùng tiếng tù và thổi từ con ốc « Hoàng hậu » của Thầy Thông Triêm tại Đức đã tăng uy lực buổi lễ càng dũng mãnh hơn. Lâu lâu, làm như nhìn ra các cô hồn nhốn nháo, Thầy Hoằng Khai còn thị uy cầm thủ xích đập mạnh xuống bàn nghe cái « cạch ».
Ngồi bên dưới, Phật tử chúng tôi làm như « đại diện » cho những cô hồn khuất mặt, chứng kiến nghi lễ vô cùng ngoạn mục, chiêm ngưỡng không gian thiết kế bàn Phật oai nghi, đẹp mắt; tai được nghe lễ nhạc Phật giáo qua những tiếng khánh, linh, tang, mõ, trống cùng lời tán và tụng của Quí Thầy, âm thanh hòa quyện tưởng như đang lạc vào một thế giới vô hình khác, thế giới của…cô hồn, nơi mà chưa ai biết (chỉ có chúng tôi tham dự mới được biết!). Đặc biệt nữa, bánh trái, kẹo, nước, chè cháo ê hề la liệt trên bàn dành cho…cô hồn, nhìn qua vô cùng mát mắt. Vui nhất, những khi Thầy chủ sám ném bánh kẹo, trái cây cùng tiền cắc xuống bên dưới, vô tình chúng tôi nhập vai…cô hồn thật xuất sắc, chụp giựt đè lên nhau, nhốn nháo cười hỉ hả khi đoạt được…chiến lợi phẩm về cho mình.
Buổi lễ kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Ngồi mỏi cả lưng, ê ẩm cả chân tay, song ai nấy ra về nét mặt đều hỉ hả như sống lại thuở ấu thơ, thời con nít tại quê nhà tham dự các buổi cúng cô hồn do mẹ và hàng xóm bày lễ vào mùa Vu Lan tháng 7, và nhất là ra về trên tay ai cũng đều có một bịch bánh kẹo xôi, chè…thật to!
Nhìn chung, buổi lễ trong mùa dịch bịnh Corona tại Tu Viện Viên Đức, Đức quốc, tuy có nhiều chi tiết thay đổi, bị hạn chế trong sinh hoạt nhưng vẫn rất thành công, chu toàn mọi khâu tổ chức đã đem lại niềm an lạc cho người tham dự.
Cũng cần nói thêm, Tu viện Viên Đức, Đức quốc từ hai năm nay, Thầy Thích Hạnh Vân đã được Hòa Thượng Thích Như Điển đề cử chính thức đảm đương ngôi vị Trụ trì cùng sự hỗ trợ góp sức của Thầy Thích Chúc Thành đã giúp Tu viện chỉnh chu hơn. Trong tương lai Tu viện sẽ còn thiết trí 18 tượng A La Hán ngự trị quanh khu vườn hy vọng sẽ tăng thêm phần trang nghiêm, trọng thể, uy nghi cho Tu viện.
Tôi xin kết thúc bài viết tại đây. Chân thành tri ân ban tổ chức Tu viện Viên Đức đã bỏ công sức hoàn thành buổi lễ và không quên kính nguyện chư Tôn Đức Tăng, Ni cùng Quí Phật tử xa gần sức khỏe dồi dào, Pháp thể khinh an, Bồ Đề tâm kiên cố.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Trần Thị Nhật Hưng