Sau khi đi dự Hội Nghị tại Nga về lại Pháp vào cuối thập niên 80 cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã kể cho tôi nghe về người Việt tại Nga cũng như tình hình Phật Giáo tại đấy. Thời đó Đông Âu và Nga đang thay đổi chủ nghĩa; nên mọi việc diễn biến rất nhanh. Ai không theo dõi thời cuộc thì không thể nắm bắt hết được sự đổi thay của thế giới cộng sản tại Đông Âu thời ấy. Sau khi trình bày nhiều vấn đề, cố Hòa Thượng có ý muốn tôi nên đến thăm viếng Nga một chuyến. Lúc đó đang xây chùa Viên Giác tại Hannover; nên cũng có ý chần chờ và cuối cùng thì tôi và Thầy Hạnh Bảo cũng đã đến Nga vào một mùa Đông giá lạnh, bên ngòai nhiệt độ trừ 40 đô C. Thật là khủng khiếp. Tôi đi trong những trạm xe điện ngầm cũng như trêm mặt đất của Moscowa mà cứ ngỡ như mình đang đến ở một cõi nào xa xôi lắm trên hành tinh nầy. Hồi đó lễ Phật phải mướn Hội Trường và nhà cửa tư nhân của Phật Tử thì giới hạn chỗ sinh hoạt; nên chúng tôi cũng chỉ lưu lại Nga trong vài tuần thôi. Lần đầu tôi đã gặp Đạo Hữu Thiện Mẫn và Đạo Hữu Thiện Xuân cũng như Tâm Diệu Hương, Tâm Nước Tĩnh, Anh Mậu, Cô Huệ v.v… đa phần là người miền Bắc; nhưng tâm Đạo của họ rất cao . Họ không nệ hà gì khi Hội Phật Giáo Thảo Đường cần đến. Đến năm 1994 thì hai Đạo Hữu Thiện Mẫn và Thiện Xuân sang chùa Viên Giác Hannover thăm và Quy Y với tôi từ dạo ấy. Nghĩa là cách nay đã đúng 20 năm rồi.
Khi Quý Vị đọc qua Tiểu Luận về “Dưới Bóng Từ Bi“của Đạo Hữu Thiện Xuân Inna, một người Nga chánh gốc, nói tiếng Việt còn giỏi hơn nhiều người Việt ít có thời gian đến trường, vì Đạo Hữu là một nhà Việt Học và ngôn ngữ học. Ngoài tiếng Nga là ngôn ngữ Mẹ đẻ ra, Đạo Hữu Thiện Xuân còn rành tiếng Pháp và tiếng Việt nữa. Đọc qua những bài trong Tiểu Luận nầy Qúy độc giả sẽ cảm nhận được lòng nhân hậu của một người phụ nữ Nga có lòng từ bi không những đối với con người, mà còn với tất cả muôn lòai nữa. Có lẽ đây cũng là nhân duyên chính để Đạo Hữu ấy đến với Đạo Phật. Vì Đạo Phật không những chỉ tôn trọng giá trị tâm linh của con người, mà muôn loài chúng sanh đều được qúy trọng. Từ điểm nầy, chính là điểm hội tụ nơi tâm thức của Đạo Hữu Thiện Xuân để viết nên những bài trong Tiểu Luận nầy.
Đạo Hữu là người Nga nên rất hãnh diện để giới thiệu với các độc gỉa khắp nơi về tư tưởng của Lev Tolstoi. Đa phần chúng ta chỉ biết Lev Tolstoi qua tác phẩm“Chiến tranh và Hòa Bình“ của Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt; nhưng không ai ngờ là ở đầu thế kỷ thứ 20 khi hồng quân Nga chưa làm chủ điện Cẩm Linh thì Lev Tolstoi đã có nhiều bài viết và nghiên cứu về Đạo Phật rất sâu sắc, tuyệt vời và chính Đạo Hữu Thiện Xuân Inna đã làm được việc đầu tiên là giới thiệu tư tưởng của Lev Tolstoi cho độc giả người Việt khắp năm châu biết về phương diện nầy. Đây là điều thật hy hữu. Mặc dầu Đạo Phật đã chính thức có mặt tại xứ Nga đã 400 năm về trước và đến thời của Lev Tolstoi có thể nói là thời kỳ phát triển mạnh. Vì ở Saint Peterburg đã có chùa Phật Giáo Tây Tạng được dựng nên bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 với sự đồng thuận cuả Nga Hoàng vào đầu thế kỷ thứ 20; nhưng tiếc thay cuộc cách mạng năm 1917 của Nga đã đưa đất nước Nga vào ngỏ cụt của chủ nghĩa duy vật và đời sống tâm linh của người Nga đã bị chế biến cũng như nhồi nhét nhiều chủ nghĩa khác nhau, để rồi 70 năm sau một cuộc cách mạng khác đã trổi dậy. Nhờ thế mà những người Nga như Đạo Hữu Inna Malkhanova có cơ hội để tiếp cận với nền Đạo Học Đông Phương nhiều hơn nữa và Đạo Hữu đã trở thành một người Phật Tử thuần thành, cũng là Hội Trưởng của Hội Phật Giáo Thảo Đường tại Nga nữa.
Đạo Hữu Thiện Xuân đã đi chung cuộc đời với Đạo Hữu Thiện Mẫn trên dưới nữa thế kỷ; nên đã hiểu rất rõ về người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước. Những chuyến đi khảo sát của Đạo Hữu Thiện Xuân ở Việt Nam năm 1962 và 1989, qua hình ảnh của chùa Hương đã nói lên được trọn vẹn cả tấm lòng cho quê hương đất nước của chồng mình, người đã chia xẻ ngọt bùi qua văn chương, qua tư tưởng cũng như đời sống tâm linh; nên những bài chuyển ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Việt của Đạo Hữu Thiện Mẫn về những bài của Đạo Hữu Thiện Xuân viết, thật là tuyệt vời. Chỉ có hiểu và biết nhau mới có thể có được những nhận xét xác thực như vậy.
Qua đời sống kinh tế khó khăn của người Việt tạm cư tại Nga, bằng cái nhìn của một nhà xã hội học, Đạo Hữu Thiện Xuân đã phân tích thật là hợp tình hợp lý, khiến cho ai đó có ở cách xa Nga hằng bao nhiêu dặm đăng trình đi nữa thì cũng có thể hiểu được bối cảnh của nước Nga trong thời gian đầu của việc thay đổi tư duy cũng như cách sống ấy của người Việt Nam tại Nga trong hiện tại.
Cách đây mấy năm, nhà xuất bản Văn Nghệ tại Hoa Kỳ đã xuất bản lần đầu tiên cuốn “Dưới bóng Từ Bi“ nầy. Tôi tin chắc rằng nhiều người đã liễu hội được những điều mà Tác Giả muốn gửi đến các độc giả xa gần. Nay Đạo Hữu Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần mong tôi giới thiệu vài hàng đến với quý độc gỉa khắp nơi nhân lần tái bản thứ nhất tại Đức Quốc của năm 2014 nầy. Những khoản tiền thu được qua việc phát hành sách nầy, Đạo Hữu Thiện Xuân và Đạo Hữu Thiện Mẫn hỷ cúng tất cả vào việc xây dựng ngôi chùa Phật Giáo Thảo Đường tại Nga. Đây chính là ước vọng ngay từ lúc ban đầu của Đạo Hữu Thiện Xuân cũng như của nhiều người Phật Tử Việt Nam và Phật Tử Nga tại Moscowa đang mong đợi. Nay thì chùa đang trong giai đọan thi công , do đó cần rất nhiều tấm lòng của Qúy Vị khắp nơi đóng góp một bàn tay, một khối óc vào. Có như vậy chúng ta sẽ không hỗ danh là người con Phật tuy nghèo về tài sản, của cải; nhưng không thiếu những tấm lòng cho đời sống tâm linh.
Mong được như vậy
Viết xong vào một sáng mùa Xuân năm 2014 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc
Hòa Thượng Thích Như Điển
Phương Trượng chùa Viên Giác
Kiêm lãnh đạo tinh thần của Hội Phật Giáo Thảo Đường tại Nga