Những ai đã trì tụng Kinh Kim Cang nhiều lần rồi thì sẽ cảm nhận được thế nào là Bát Nhã, thế nào là Tánh Không, thế nào là Vô Nhơn Tướng, Vô Ngã Tướng, Vô Chúng Sanh Tướng, Vô Thọ Giả Tướng v.v… Rồi những bài kệ như:
„Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai“. Nghĩa là: Kẻ nào dùng hình tướng để thấy ta, dùng âm thanh để cầu ta, người nầy làm việc quấy, chẳng thể thấy Như Lai.” Lại có đoạn giải thích về Như Lai rằng: „Như Lai giả, vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai“. Như Lai (Thatagatta) có nghĩa là: chẳng từ đâu đến, lại cũng chẳng đi về đâu; nên gọi là Như Lai…
Trong Kinh Tạp A Hàm có câu chuyện về Ngã và Ngã sở mà Ngài A Nan đã trình lên Đức Phật như sau. Ngài A Nan thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Con vẫn nghe Ngài nói đến Ngã và Ngã sở; nhưng con chưa hiểu rốt ráo được những điều nầy, kính mong Đức Thế Tôn giải bày cho con và Đại Chúng nghe.
Đức Thế Tôn bảo rằng: Ông hãy lắng nghe đây: nếu Ông lấy hai bàn tay vỗ vào nhau thì chắc chắn một âm thanh sẽ được tạo nên. Vậy thì âm thanh ấy từ đâu mà có và sau khi âm thanh ấy không còn nữa thì âm thanh đó đi về đâu?
Bạch Thế Tôn. Âm thanh ấy không từ đâu đến và cũng không đi về đâu cả. Do duyên hợp nên phát ra âm thanh và duyên không còn nữa thì âm thanh lại tan biến.
Đức Phật bảo rằng: Cũng như vậy, ngã là những gì không thực tướng, nó cũng giống như tiếng vỗ của hai bàn tay; nhưng vì chúng sanh mê mờ, vô minh vọng tưởng, nên cho đó là thật. Chứ kỳ thật, ngã chẳng là gì cả. Còn ngã sở tức là những gì thuộc về mình, ví như đống củi kia, tuy có thấy hình tướng đó, nhưng sau khi đốt củi đi rồi thì chỉ còn là đống than. Nó không thật. Lâu nay chúng sanh cho rằng cái nầy của ta, cái nầy thuộc về ta; nhưng chẳng cái gì là của ta cả.
Từ Kinh căn bản Nam Truyền và trải qua mấy trăm năm sau, Kinh được thăng hoa lên tinh thần Trung Quán hay Bát Nhã của Đại Thừa (Bắc truyền), chúng ta thấy không có gì sai khác mấy, qua hai dẫn chứng đã nêu trên. Do vậy văn phong trong Kinh Kim Cang bảo rằng: vô ngã tướng, vô nhơn tướng, vô chúng sanh tướng và vô thọ giả tướng, không phải là những ẩn dụ khó hiểu, mà là tướng thật của vạn pháp là như vậy; nhưng chúng sanh không chịu hiểu và thực hành mà thôi.
Kinh Kim Cang Bát Nhã có 32 đoạn tất cả, nay Ni Sư Giới Hương đã dịch và chú giải ra từng đoạn một và được trích dẫn qua các kinh sách khác cũng như có luận cứ rõ ràng, khiến cho chúng ta khi đọc đến tác phẩm ”Pháp Ngữ trong Kinh Kim Cang” nầy, chúng ta dễ lãnh hội hơn, nhất là có những câu chuyện về Đức Sơn, Long Đàm hay Vua Ca Lợi và Tiên Nhơn v.v.. Những điểm chính Ni Sư đã giải bày cặn kẽ; nhưng vấn đề ở đây là người đọc hay kẻ hành trì phải chứng thực như pháp đã là, nó tùy thuộc vào trí tuệ và công năng hành trì của mỗi người vậy. Kim Cang Bát Nhã nặng phần Pháp Hành chứ không phải ở Pháp Học hoặc lý giải viễn vông mà câu chuyện của Ngài Thần Tú và Ngài Huệ Năng là một bằng chứng hùng hồn nhất.
Ngày xưa Cụ Nguyễn Du, tác giả cuốn Kim Vân Kiều, đã hơn 300 lần trì tụng Kinh nầy mới tạo nên tác phẩm giá trị nghìn đời ấy cho văn học Việt Nam (ngã độc Kim Cang tam bách biến); còn ngày nay chúng ta người xuất gia cũng như tại gia đã hành trì Kim Cang được bao nhiêu lần rồi. Đó là nhiệm vụ của mỗi hành giả chúng ta vậy. Tôi được cái duyên trong mười năm như vậy (2003 đến 2012), mỗi năm hai đến ba tháng ở yên nơi núi đồi Đa Bảo tại Sydney, Úc Châu, hằng ngày dịch kinh, viết sách và đêm về đã trì tụng bộ kinh giá trị nầy, chắc cũng không dưới 500 lần và mỗi lần gần hai tiếng đồng hồ. Từ đó tôi cảm nhận được một cái Không to tướng và nhìn Đời hay vạn vật chung quanh núi rừng Đa Bảo hay bất cứ nơi đâu cũng đã nương vào thần lực của Kim Cang mà thẩm định được mọi việc trên đời nầy.
Việt Nam Phật Giáo chúng ta đang cần Pháp Hành như Phật Giáo Tây Tạng đang thọ trì. Thế nhưng không có Pháp Học thì Pháp Hành cũng khó hiển bày được chơn tâm. Trừ phi những vị ấy là Bồ Tát hóa thân như Ngài Huệ Năng ở Trung Quốc. Ngày nay Phật Giáo Việt Nam tại quốc nội cũng như ở Hải Ngọai, chúng tôi mong mõi chư Tăng Ni và Phật Tử đều nên cố gắng hành trì miên mật những giá trị thực tiễn của Kinh Điển Nam Truyền, Bắc Truyền hay Kim Cang Thừa đều quý báu cả. Vì khoa học tiến bộ bao nhiêu thì càng làm rõ lại lời Phật dạy bấy nhiêu và những gì chúng ta hành trì được, lại càng làm tăng giá trị nội tại của mỗi người sẽ thực chứng được vạn pháp. Khi Pháp đã hiểu, thì chúng ta sẽ hiểu được Phật và khi đã hiểu được Phật rồi, thì chúng ta sẽ hiểu được Pháp. Pháp ấy như các vị A La Hán khi chứng thực, thường hay nói rằng: “Ta việc sanh đã hết, những Phạm Hạnh đã lập. Việc gì cần làm, ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là ta không còn tái sanh nữa”. Ai chứng được Pháp ấy, chính là những vị sẽ được giải thoát sanh tử bì lao ngay trong hiện kiếp nầy.
Nay Ni Sư Giới Hương đã gọt xắt rồi đem ra nấu nướng, chiên xào mọi cách Kinh nầy qua lăng kính Nam Tông cũng như Bắc Tông, cũng chỉ nhằm mục đích đón chào, mời mọc tất cả mọi người hãy ngồi vào bàn tiệc của Tánh Không, nhằm gắp lên những món ăn tinh thần Vô Tướng, để chúng ta hội nhập vào Niết Bàn Vô Ngã và để từ đó Chân Tâm Phật Tánh của chúng ta sẽ tự hiển bày như ánh thái dương bắt đầu tỏ rạng nơi phương Đông màu nhiệm ấy.
Kính chúc quý độc giả Phật Tử nên trân quý Kinh nầy bằng cách hành trì, đọc tụng cũng như nghiên cứu tỉ mỉ những lời giải thích trong những Pháp Ngữ mà Cô Giới Hương đã trình bày trong bản kinh nầy, thì đó là một điều lợi lạc không cùng vậy.
Viết xong lời giới thiệu nầy vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc
- Thích Như Điển – Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover.