Phật là Bậc Nhất Thiết Trí, Bậc Nhất Thiết Trí là Phật
Kinh Phóng Ngưu Thí dụ nói: “Quốc vương xứ Ma-già-đà (Magadha) là Tần-bà-ta-la (Bimbisàra) thỉnh Phật và năm trăm đệ tử trong ba tháng. Vua cần sữa tươi để cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng nên mới gọi nhữnng người chăn trâu đến ở nơi đó, ngày ngày mang sữa tươi đến. Sau ba tháng, Vua cảm thương những người chăn trâu ấy nên bảo: “Các ngươi đến hầu Phật rồi trở về chăn trâu lại”. Các người chăn trâu đi đến chỗ Phật, ở giữa đường cùng nhau bàn: “Chúng ta nghe nói Phật là Ðấng Nhất thiết trí, bọn ta là hàng tiểu nhân hạ liệt, làm sao biết được Ngài là Nhất thiết trí hay không?”.
Các Bà-la-môn ưa uống sữa thường qua lại chỗ các người chăn trâu nên họ thân thiện nhau. Những người chăn trâu do đó được nghe danh hiệu về các kinh sách của Bà-la-môn, nên nói với nhau: “Phương pháp trị bệnh, phương pháp chiến đấu, phương pháp xem tinh tú, phương pháp tế trời, ca múa, phương pháp luận nghị, nạn vấn v.v…sáu mươi bốn thứ kỷ nghệ thế gian ấy, con vua Tịnh-phạn học rộng nghe nhiều, thì biết những việc ấy không khó, nhưng mà từ khi sanh đến nay, không hề chăn trâu, vậy chúng ta hãy lấy bí pháp chăn trâu để hỏi, nếu giải đáp được thì mới thật là bậc Nhất thiết trí”.
Bàn như vậy xong, họ cùng nhau vào vườn Trúc (Venuvana), thấy ánh sáng của Phật chiếu khắp rừng, tiến tới trước tìm Phật; thấy Phật ngồi dưới cây, trạng tợ núi vàng, như sữa tươi rót vào lửa, cháy rực sáng ngời, hoặc tợ như vàng ròng rải khắp trong vườn Trúc, màu vàng rực rỡ trông không biết chán, tâm rất hoan hỷ, cùng nhau nói:
Nay, Thích Sư tử này Có Nhất thiết trí không? Trông thấy đều vui mừng, Việc ấy cũng đủ rồi, Quang minh sáng bậc nhất, Nhan mạo rất quý trọng. Thân tướng uy đức đủ, Tương xứng danh hiệu Phật. Tướng, tướng đều phân minh, Uy thần cũng đầy đủ, Phúc đức tự rạng rỡ, Ai thấy cũng ái kính. Thân ở trong vòng sáng, Người xem không hề chán. Nếu có Nhất thiết trí, Tất có công đức ấy. Hết thảy các màu vẽ, Tượng châu báu trang nghiêm, Muốn sánh diệu thân này, Không thể nào sánh được. Làm thỏa mãn người xem, Khiến được vui bậc nhất, Thấy rồi sanh tịnh tín, Tức là Nhất thiết trí.
Suy nghĩ như vậy xong, họ lễ Phật rồi ngồi xuống, hỏi Phật: “Người chăn trâu có mấy điều thành tựu để cho cho bầy trâu nhiều thêm và an ổn? Có mấy điều không thành tựu, khiến bầy trâu không thêm, không an ổn?” Phật đáp: “Có mười một điều để người chăn trâu làm cho bầy trâu nhiều thêm và an ổn. Những gì là mười một? Ðó là biết sắc, biết tướng, biết mổ xẻ, biết che vết thương, biết hun khói, biết đường đi tốt, biết chỗ trâu thích hợp, biết khéo đưa qua sông, biết chỗ an ổn, biết giữ sữa, biết nuôi trâu chúa. Nếu người chăn trâu biết mười một điều này thì có thể làm cho bầy trâu thêm nhiều và an ổn. Tỳ-kheo cũng như thế, biết mười một pháp thì có thể làm cho thiện pháp tăng trưởng.
Sao gọi là biết sắc? Là biết sắc đen, sắc trắng, tạp sắc. Tỳ-kheo cũng như thế, biết tất cả sắc đều là tứ đại và tứ đại sở tạo.
Sao gọi là biết tướng? Là biết trâu có tướng tốt hay không có tướng tốt, khi hợp với bầy trâu khác nhân vào tướng mà biết. Tỳ-kheo cũng vậy, thấy tướng thiện nghiệp biết là người trí, thấy tướng ác nghiệp biết là người ngu.
Sao gọi là biết mổ xẻ? Trâu bị các loại trùng hút máu thì vết thương lở ra, mổ xẻ thì trừ hại, thì vui tươi. Tỳ-kheo cũng như vậy, bị trùng giác quán ác tà hút máu thiện căn, tăng trưởng vết thương lòng, trừ bỏ thì được an ổn.
Sao gọi là biết che vết thương? Là biết lấy vải, cỏ, lá để ngăn ngừa muỗi mòng chích đốt. Tỳ-kheo cũng như vậy, lấy pháp chánh quán để che vết thương sáu căn không để bị các ác trùng phiền não tham dục, sân nhuế châm chích, làm tổn thương.
Sao gọi là biết hun khói? Hun khói là để trừ muỗi mòng, trâu ở xa nhìn thấy khói thì nhắm theo mà về nhà. Tỳ-kheo cũng như vậy, đúng như điều được nghe mà thuyết để trừ các muỗi mòng kiết sử. Dùng khói thuyết pháp để dắt dẫn chúng sanh đi vào nhà thật tướng không, vô ngã.
Sao gọi là biết đường đi? Biết con đường trâu đi về tốt hay xấu. Tỳ-kheo cũng như vậy, biết tám Thánh đạo có thể đưa đến Niết-bàn, lìa con đường ác đoạn và thường.
Sao gọi là biết chỗ trâu thích hợp? Là biết làm cho trâu sinh sôi, an ổn, ít bệnh. Tỳ-kheo cũng như vậy, lúc thuyết Phật pháp, được pháp hỷ thanh tịnh, các thiện căn tăng thịnh.
Sao gọi là biết đưa qua sông? Biết chỗ dễ vào dễ qua không sóng dữ, trùng độc. Tỳ-kheo cũng như vậy, hay đến chỗ Tỳ-kheo đa văn hỏi pháp, biết thuyết pháp biết rõ người nghe lợi căn hay độn căn, phiền não nhẹ hay nặng, khiến họ khéo léo sang bờ, qua được an ổn.
Sao gọi là biết chỗ an ổn? Biết chỗ ở không có cọp, beo, sư tử, ác trùng, độc thú. Tỳ-kheo cũng như vậy, biết Bốn Niệm xứ là an ổn không có ác ma, độc thú, phiền não, Tỳ-kheo vào đó thời không hoạn nạn.
Sao gọi là biết giữ sữa? Trâu mẹ yêu mến trâu con nên cho sữa. Vì sữa lưu lại một phần nên trâu mẹ vui mừng, vì sữa tiếp nối không khô kiệt, chủ trâu và người chăn trâu hằng ngày có ích. Tỳ-kheo cũng như vậy, hàng cư sĩ áo trắng cấp thí áo mặc, thức ăn, nên biết lượng, không khiến khánh kiệt, thời Ðàn việt hoan hỷ, tín tâm không dứt, người thọ nhận được đầy đủ không thiếu.
Sao gọi là biết nuôi trâu chúa? Bảo hộ trâu đực lớn, vì nó giữ gìn đàn trâu, nên phải nuôi nấng không để ốm gầy, cho uống dầu mè, trang sức bằng anh lạc, ra dấu hiệu với cái tù-và sắt, biết kỳ cọ, khen ngợi v.v… Tỳ-kheo cũng như vậy. Trong chúng Tăng có bậc đại nhân uy đức, hộ trì lợi ích Phật pháp, hàng phục ngoại đạo, hay khiến tám chúng gieo trồng các thiện căn, thì nên tùy chỗ cần dùng của bậc ấy mà cung kính cúng dường.”
Các người chăn trâu nghe nói như thế rồi, suy nghĩ: “Bọn người chăn trâu chúng ta biết được không quá ba, bốn việc, các ông thầy của chăn trâu biết nhiều hơn nữa cũng không quá năm, sáu việc”. Nay nghe như vậy tán thán là chưa từng có: “Nếu biết được việc này, thì các việc khác cũng thế. Thật là bậc Nhất thiết trí, không còn nghi ngờ gì nữa!”