Ngày 24 tháng 5 năm 2019, Ɖại lão Hòa Thượng Thích Quảng Ɖộ, Ɖức Ɖệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã ban quyết định thỉnh cử Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thay thế Ɖức Tăng Thống để lãnh đạo Giáo hội ở vị trí Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống. Sau khi Ɖại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ɖộ viên tịch vào ngày 22 tháng 2 năm 2020, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã cung kính phụng thừa sự ủy thác của Ɖức Ɖệ Ngũ Tăng Thống nhận lãnh trách nhiệm lèo lái Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ sinh năm 1943 tại Lào, sau đó trở về Việt Nam. Từ năm 6 tuổi Hòa Thượng học giới Sa Di ở Huế, tiếp đó tu học tại các chùa Từ Ɖàm Huế, Phật học viện Hải Ɖức Nha Trang và Thiền viện Quảng Hương Già Lam, Gia Ɖịnh. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tốt nghiệp Cao đẳng Phật Học tại Phật Học Ɖường Nam Việt năm 1964 và Viện Ɖại học Vạn Hạnh năm 1965. Hòa Thượng được đặc cách bổ nhiệm giáo sư thực thụ Viện Ɖại học Vạn Hạnh năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Ɖức, thông thạo tiếng Pali, tiếng Phạn và chữ Hán. Thầy từng là chủ bút tạp chí Tư Tưởng của Viện Ɖại Học Vạn Hạnh và trong ban biên tập tạp chí Khởi Hành.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ không những là một vị chân tu khả kính, uyên thâm Phật pháp, ngài còn là một nhà trí thức, tác giả của nhiều tác phẩm giá trị về Phật giáo như Ɖại Tự Ɖiển Bách Khoa Phật Giáo Việt Nam (viết cùng thầy Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát); Triết học về Tánh Không; Trung Quán Luận; Kinh Lăng Già (dịch); Thiền Luận (dịch)…
Sau ngày 30/4/1975, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ về Nha Trang làm rẫy. Ɖến năm 1977, Hòa Thượng vào Sài Gòn sống ở chùa Già Lam và kiên trì tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền và bảo vệ Chánh pháp. Hòa Thượng đã là cái gai trước mắt đối với nhà cầm quyền cộng sản. Ɖầu năm 1978, Hòa Thượng bị chính quyền cộng sản bắt giam 3 năm cho tới đầu năm 1981 thì được thả. Ngày 1 tháng 4 năm 1984, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lại bị bắt cùng với Thầy Thích Trí Siêu.Trong phiên tòa kéo dài ba ngày 28, 29 và 30 tháng 9 năm 1988, hai thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu bị kết án tử hình với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tin rằng nguyên nhân bắt giữ hai thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì hai vị này là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhờ sự tranh đấu mãnh liệt của các tổ chức nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai. Tháng 9 năm 1998, ngài được trả tự do sau gần 15 năm tù khổ sai.
Năm đó, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã được tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards. Ngài cũng đã được các nhân sĩ Hòa Lan mời sang thăm đất nước này nhưng ngài không đi được vì chính quyền Việt Nam không cho phép. Ngài đã gởi lời cám ơn như sau:
… Tôi cũng xin bầy tỏ sự cảm kích sâu xa đối với các cộng đồng Việt Nam hải ngoại đang đấu tranh cho một nước Việt Nam trong sáng và tự do. Tôi cũng xin gởi lời cảm ơn đến các nhân sĩ Hòa Lan, trong tình cảm nhân loại đã trực tiếp can thiệp với chính phủ Việt Nam cho tôi được sang thăm viếng đất nước Hòa Lan, để có thể có điều kiện tự do hơn nói lên tiếng nói thầm lặng mà đã một phần tư thế kỷ bị bóp nghẹt.
Khi ra tù, ngài đã viết:
Trong gần 15 năm trong tù, điệp khúc tôi phải thường xuyên học tập để ca ngợi tính can đảm của đảng cộng sản Việt Nam: “Cán bộ làm sai, đảng trị… đảng làm sai, đảng sửa”. Tôi cũng thường xuyên trả lời: “Ɖó không phải là sự can đảm, mà là thái độ cai trị khinh dân; xem dân như vật thí nghiệm cho những tư duy không tưởng, học thuyết viển vông của mình.” Tôi cũng thường xuyên bị học tập rằng, chính sách đoàn kết dân tộc của đảng là làm cho “dân tin đảng và đảng tin dân”. Tôi cũng thường xuyên trả lời: “Làm cho dân tin đảng; đó là điều tất nhiên và dễ hiểu thôi vì có đáng tin thì người ta mới tin được; vì đảng cần được dân tin tưởng để tồn tại, dù chỉ là tư tưởng giả tạo. Nhưng “đảng tin dân” có nghĩa là thế nào? Nếu đảng không tin dân thì đảng xử lý dân như thế nào? Câu trả lời thực tế: Cả nước trở thành một nhà tù vĩ đại.”
Mặc dù sống trong sự kiềm tỏa của người cộng sản Việt Nam, Hòa Thượng vẫn hiên ngang viết nhiều bài nói lên nỗi đau thương cùng khổ của một dân tộc đang sống trong sự áp bức của chủ thuyết cộng sản ngoại lai. Một trong những bài viết đó là bài Trí Thức Phải Dám Nói, với trích đoạn sau đây:
… Cũng như người ta chỉ cần nhìn vào rác rưởi phế thải được dồn ra sân sau mà có thể biết những thứ đã được tiêu thụ ở sân trước. Chúng tôi, một số người từ lâu đã được học tập để thành thói quen suy nghĩ số phận dân tộc từ những đống rác, đã tự mình đặt thành nhiều câu hỏi cho lương tâm nhân loại, cho ý nghĩa tiến bộ xã hội loài người, và trên tất cả là một câu hỏi lịch sử: Ɖất nước ta đã thấm bao nhiêu xương máu của bao nhiêu thế hệ ông cha và bạn bè để dồn lại thành những đống rác như thế, những đống rác càng ngày càng to phình lên một cách khủng khiếp.
…
Hoàn cảnh đất nước ta như thế cho nên dân ta phải chịu quá nhiều đau thương và tủi nhục. Ɖối với giới trí thức nói riêng, mà xã hội Việt Nam truyền thống rất tôn trọng, điều tủi nhục lớn nhất là họ không thể thay những người dân thấp cổ bé miệng nói lên một cách trung thực tất cả những uất ức, những khổ nhục mà họ phải chịu. Bởi vì, tại Việt Nam ngày nay những người có thể nói thì ngòi bút đã bị cong; những người muốn nói thì ngòi bút đã bị bẻ gẫy.
Nhưng tôi biết rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử. Trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược…
Khi nói về Giáo hội nhà nước, Hòa Thượng đã khẳng khái nhận định Giáo hội mới đó đặt dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc, cơ cấu ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam nên Giáo hội ấy phải rao giảng giáo lý phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, một định hướng mơ hồ trên cơ sở biện chứng duy vật. Biện chứng ấy không phù hợp với dân tộc. Lời nhận định hào hùng đó cho thấy, thay vì biểu lộ lòng thù ghét, những ý tưởng tiêu cực, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ hiên ngang nói lên sự thực trong lý tưởng phụng sự Dân tộc và Ɖạo pháp dù biết rằng sẽ bị khổ ải, gông cùm. Ngài đã thể hiện đức tính Uy Dũng của Ɖạo Phật trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian. Uy dũng đó thật đáng kính phục.