Pháp Mười hai nhân duyên sanh với đủ thứ pháp môn có thể khéo léo giảng thuyết; phiền não, nghiệp và sự (khổ), thứ lớp triển chuyển tương tục mà sanh; ấy gọi là Mười hai nhân duyên.
Trong ấy, Vô minh, Ái, Thủ ba thứ, gọi là Phiền não; Hành và Hữu hai thứ, gọi là Nghiệp; bảy thứ còn lại gọi là Sự. Trong Mười hai nhân duyên ấy, hai thứ đầu thuộc đời quá khứ, hai thứ cuối cùng thuộc đời vị lai, tám thứ giữa thuộc đời hiện tại. Ấy là lược nói ba việc: Phiền não, nghiệp, khổ. Ba sự ấy triển chuyển làm nhân duyên cho nhau, ấy là phiền não làm nhân duyên cho nghiệp, nghiệp làm nhân duyên cho khổ, khổ lại làm nhân duyên cho khổ. Khổ làm nhân duyên cho phiền não, phiền não làm nhân duyên cho nghiệp, nghiệp làm nhân duyên cho khổ, khổ lại làm nhân duyên cho khổ, ấy gọi là triển chuyển làm nhân duyên cho nhau.
Tất cả phiền não thuộc đời quá khứ gọi là Vô minh. Từ Vô minh sanh nghiệp, có thể tạo thành quả cho một thế giới nên gọi là Hành. Do từ Hành sanh tâm cấu nhiễm, nhân của thân đầu tiên, như trâu nghé biết mẹ. Vì tự tướng thức gọi là Thức. Thức ấy cùng sanh với bốn ấm vô sắc và sắc của nó trú ở; ấy gọi là Danh sắc. Từ trong Danh sắc sanh ra Sáu trần (căn) là mắt, tai v.v…; ấy gọi là Lục nhập. Căn, trần, thức hòa nhập gọi là Xúc. Từ Xúc sanh Thọ. Trong Thọ có tâm đắm trước gọi là Khát ái. Do nhân duyên Khát ái nên tìm cầu, ấy gọi là Thủ. Từ Thủ nên có nghiệp làm nhân cho đời sau, ấy gọi là Hữu. Từ Hữu trở lại chịu năm ấm (uẩn) trong đời sau, ấy gọi là Sanh. Từ sanh cho đến khi năm chúng (uẩn) chín mùi rồi hoại diệt, ấy gọi là Lão tử. Lão tử sanh buồn thương khóc lóc, đủ các thứ sầu não và các khổ tập họp.
Nếu nhất tâm quán thật tướng thanh tịnh của các pháp, thì Vô minh hết, Vô minh hết nên Hành hết, cho đến các thứ khổ tập họp đều hết.
Ðối với tướng của Mười hai nhân duyên ấy, năng dùng phương tiện, không dính mắc tà kiến mà vì người diễn nói, ấy gọi là khéo léo (thiện xảo).
Lại nữa, trong sự quán Mười hai nhân duyên ấy, đoạn hết pháp ái, tâm không dính mắc, biết rõ thật tướng; ấy gọi là khéo léo. Như phẩm Bất Khả Tận (Akạyaparirarta) trong Bát-nhã Ba-la-mật, Phật nói với Tu-bồ-đề: “Si” như hư không không thể cùng tận; “Hành” như hư không không thể cùng tận; cho đến “các khổ hòa tập” như hư không không thể cùng tận. Bồ-tát nên hiểu như vậy. Hiểu như vậy là xả bỏ nguồn mê ngu si, mà được không chỗ nhập. Quán Mười hai nhân duyên khởi ấy, thời là ngồi ở đạo tràng, chứng được Tát-bà-nhã (Sarvajnĩa – tức Nhất thiết trí).
Đại Trí Độ Luận – HT Thích Thiện Siêu Việt dịch
Duyên khởi của 12 chi này có 3 tính chất của phiền não (hoặc), nghiệp, nền tảng (sự); đồng thời bao gồm cả nhân và quả. Biểu đồ:
HOẶC (Phiền não) | Vô minh | Ái | Thủ | ||||
NGHIỆP (Nhân) | Hành | Hữu | |||||
SỰ (Quả, Khổ) | Thức | Danh sắc | Lục nhập | Xúc | Thọ | Sinh | Lão Tử |
Từ HOẶC sinh ra NGHIỆP: Tức Vô minh sinh Hành; Thủ sinh Hữu. (xem Biểu đồ)
Từ HOẶC sinh ra HOẶC: Tức Ái sinh Thủ.
Từ NGHIỆP sinh ra SỰ: Tức Hành sinh Thức; Hữu sinh ra Sinh.
Từ SỰ sinh ra SỰ: Tức Thức sinh Danh sắc, Danh sắc sinh Lục nhập, Lục nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ; Sinh sinh ra Lão tử.
Từ SỰ sinh ra HOẶC: Tức Thọ sinh Ái.
Trên đây là cách sinh khởi của các chi, từ đó cho thấy Vô minh có nhân là PHIỀN NÃO hoặc SỰ, và Lão tử có quả là PHIỀN NÃO.
- Vô minh sinh do Thọ sinh: ⸦ Vô minh \ Hành \ Thức \ Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ (SỰ hiện tại) ⸧
- Lão tử diệt do Ái diệt: ⸦ Ái, Thủ \ Hữu \ Sinh, Lão tử (SỰ vị lai) ⸧
Kệ:
Vô minh, Ái, Thủ tam PHIỀN NÃO. Hành, Hữu nhị chi thuộc NGHIỆP đạo. Tùng Thức chí Thọ tinh Sinh, Tử, Thất chi đồng danh nhất KHỔ đạo !
- Chia theo giai đoạn: 1.Vô minh và Hành (thuộc quá khứ) 2.Sinh và Lão tử (thuộc vị lai) 3.Tám chi còn lại thuộc về giai đoạn hiện tại.
- Chia theo nhân quả: 1. Giai đoạn tồn tại quá khứ (vô minh, hành), và các quả của chúng là năm chi tiếp theo (thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ); và các nhân của giai đoạn tồn tại vị lai (ái, thủ, hữu), cùng với giai đoạn này gồm hai chi cuối cùng (sinh, lão tử)
Đức Phật nói: “Có nghiệp tất có quả, nhưng không có tác nhân xả bỏ các uẩn này và nắm bắt các uẩn kia, mà chỉ có sự liên hệ nhân quả của các pháp. Liên hệ nhân quả là gì? Đó là cái này có thì cái kia có; nhờ cái này sinh nên cái kia sinh. Đó là Duyên khởi.”
Phật dạy: “Pháp do nhân duyên sinh là cốt chỉ rõ các pháp không có thực thể, không có thật ngã độc lập ngoài các duyên, chứ không phải do nhân duyên sinh ra cái gì khác với nó, nằm riêng ngoài nó, mà nó chỉ hiện có giả tạm trên các duyên, nên nói do duyên sinh mà kỳ thật không sinh ra cái gì thật có độc lập. Nếu do duyên sinh ra cái gì độc lập thì đó là hữu ngã, chứ không phải duyên sinh vô ngã. Nhưng đã do duyên sinh thì chỉ vô ngã chứ không thể là hữu ngã, như mọi người thường chấp. Như vậy là duyên không sinh ra được cái gì khác với nó, nên nói không có nhân duyên sinh”
Có (Sinh) vì có các phiền não (Ái, Thủ) và các nghiệp (Hữu); có các phiền não (Vô minh) và các nghiệp (Hành) là có sinh (Thức); rồi có sinh vì có các phiền não (Ái, Thủ) và các nghiệp (Hữu): vòng tròn sinh khởi cứ luân chuyển như thế, không có điểm bắt đầu!
Hạnh Luận biên soạn dựa trên Luận Câu Xá và Trung Luận