Lễ trao HUÂN CHƯƠNG QUỐC GIA HẠNG NHẤT cho Hoà Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác hôm thứ tư ngày 08.12.2021 lúc 13:30 tại sảnh đường Tòa Thị Sảnh mới của thành phố Hannover đã được hai nhật báo „Hannoversche Allgemeinzeitung (HAZ) và tờ „BILD“ tại Hannover – thủ phủ tiểu bang Niedersachsen – phát hành ngày thứ năm 09.12.2021 đã tường thuật với hình ảnh.
1. Tờ „Hannoversche Allgemeinzeitung“
Một bông hoa mới trong khu vườn tâm linh
Là một người tỵ nạn, Ngài đã đến và đã làm cho thành phố Hannover trở thành một Trung Tâm Phật Giáo – nay Hoà Thượng Thích Như Điển nhận Huân Chương Quốc Gia Hạng Nhất.
Huân chương này được xem là một sự vinh danh dành cho những hiệp sĩ của một xã hội dân sự – và Hoà Thượng đã nhận nó với một nụ cười điềm đạm. Thay vì với niềm tự hào của bản thân, Ngài đã nhắc đến sự hội nhập thành công và những thành quả của những người Việt Nam đôi phần là „Thuyền Nhân“ đã đến nước Đức trong thập niên 70. „Vinh dự này sẽ không trao cho tôi, khi không có họ“, Hoà Thượng Thích Như Điển đã phát biểu trong lúc ông Belit Onay, Thị Trưởng thành phố trao tận tay Ngài Huân Chương Quốc Gia Hạng Nhất.
Trong bộ pháp phục màu vàng, vị 72 tuổi đã nhận „Huân Chương Hạng Nhất của Cộng Hoà Liên Bang Đức“ trong sảnh đường của Toà Thị Sảnh mới. Như vậy, Tổng Thống Đức đã vinh danh mọi nỗ lực đóng góp của Ngài qua nhiều thập niên trong lãnh vực xã hội và tôn giáo.
„Nhân vật then chốt“ của Phật Giáo
Bản thân Ngài đã từng là một người tỵ nạn đến nước Đức: Hoà Thượng Thích Như Điển, thọ tỳ kheo năm 1964 tại Việt Nam, đã học Khoa Học Giáo Dục tại Nhật Bản từ 1972 đến 1977. Sau đó Ngài đến Đức bằng hộ chiếu du lịch – và đã làm đơn xin tỵ nạn. Người Cộng Sản Bắc Việt đã thống lĩnh quê hương của Ngài.
Theo lời ông Onay, tại Hannover Ngài đã trở thành một „Nhân Vật Then Chốt“ của Phật Giáo tại Đức. Năm 1978, Ngài đã thành lập Niệm Phật Đường „Viên Giác“ (Vollkommene Erleuchtung) tại đường Kestnerstraße 37. Sau đó một Tu Viện cũng đã được xây dựng tại Mittelfeld dưới sự lãnh đạo tinh thần của Ngài. Một ngôi Tu Viện Phật Giáo lớn nhất tại Đức đã được khánh thành năm 1991. Cho đến hôm nay, vị Hòa Thượng Phương Trượng 72 tuổi cư ngụ tại đó, cùng với khoảng mười chư Tăng và vài chư Ni.
Không hề biết mõi mệt, Ngài đã đóng góp cho các cuộc đàm thoại của các tôn giáo, viết sách, thuyết giảng và đã làm cho thành phố Hannover trở thành một Trung Tâm Phật Giáo. Hiện giờ, có khoảng 250.000 người có niềm tin với Phật Giáo sinh sống tại Cộng Hoà Liên Bang Đức. Ngoài số người đổi đạo, thì người Việt chiếm nhiều nhất. Hoà Thượng Thích Như Điển là vị lãnh đạo tinh thần và vẫn luôn là điểm tựa văn hoá và tâm linh của họ.
Vị 72 tuổi nói: „Vì lẽ, Tự Do có rất nhiều ý nghĩa đối với chúng tôi, nên chúng tôi đành phải lìa bỏ quê hương yêu dấu của mình“. „May mắn thay, chúng tôi đã tìm được nơi đây, nước Đức, một chỗ dung thân.“
Phong thái tôn giáo ở xứ này ví như một khu vườn hoa, các tín ngưỡng khác nhau trong đó ví như những loài hoa dị biệt góp phần cho vẽ đẹp của khu vườn, Hoà Thượng Thích Như Điển giải thích trong Toà Thị Sảnh. Bản thân Ngài, không như những người khác, cũng đã góp công gieo trồng chút ít cội nguồn Phật Giáo tại đây. Tuy nhiên, bản thân Ngài chưa hề biểu lộ điều này. Thay vào đó, Ngài nói trong Toà Thị Sảnh rằng: „Để biểu hiện lòng tri ân của mình, chúng tôi đã mang đến quý Ngài một bông hoa mới từ châu Á để làm tươi đẹp cho ngôi vườn tôn giáo tại đây“. Và Ngài đã khiêm tốn mĩm cười.
(Bài của Simon Benne)
Tờ báo „BILD“: Huân Chương Quốc Gia Hạng Nhất cho Hoà Thượng Thích Như Điển (72 tuổi). Vị Tu Sĩ HẠNG NHẤT!
Thành phố – Ngài đã tạo dựng một Tu Viện lớn nhất bên ngoài nước Việt Nam tại quận Döhren và đã dâng hiến cho những người tỵ nạn một quê hương mới!
Với 42 năm nỗ lực thiện nguyện cho các công tác xã hội và tôn giáo, Hoà Thượng Thích Như Điển, 72 tuổi, đã được ông Belit Onay, 40 tuổi, trao Huân Chương Quốc Gia Hạng Nhất – huy chương cao nhất của nước Đức.
Vị tu sĩ người Đức gốc Việt, nói 6 ngôn ngữ, đến Hannover năm 1975 để xin tỵ nạn. Quê hương của Ngài lúc đó đã bị người Cộng Sản chiếm đóng.
Ngài đã giúp đỡ cho hàng chục ngàn người tỵ nạn trong việc hội nhập, họ đã xa lánh cuộc chiến Việt Nam cũng như Ngài. Nhiều người đã tìm được chỗ nương tựa tinh thần và niềm tin vào tương lai nơi cộng đồng Phật Giáo của Ngài. (jr.)