Ba năm trước tôi đến một mảnh đất rộng một hecta nằm trên khu chung cư của thành phố biển Rostock miền Bắc nước Đức, để dự Lễ đặt đá xây dựng Tu viện Lộc Uyển. Lúc ấy mảnh đất có rất nhiều cây cối đủ loại mọc như rừng, cỏ dại hoang dã phủ kín các lối đi. Chỉ có bản vẽ Tu Viện Lộc Uyển trong tương lai được dán trên tường làm chúng tôi phấn chấn, chứ khung cảnh cỏ dại như thế khiến chúng tôi thương cảm cho vị phải đứng ra xây dựng công trình, đó là Sư Bà Linh Thứu và cũng là vị Trụ trì tương lai của Tu Viện Lộc Uyển.
Hôm nay, đúng ngày rằm tháng tư, tức ngày 15 tháng 5 năm 2022, tôi cũng đến mảnh đất này để dự Lễ Phật Đản, PL 2566 trong Chánh điện của Tu Viện Lộc Uyển. Thế khung cảnh như thế nào? Có giống như bản vẽ mà ba năm trước tôi đã thầm cầu nguyện cho ngôi Tam Bảo chóng được thành tựu? Như một giấc mơ các bạn ạ! Còn đẹp hơn cả bản vẽ nữa! Dĩ nhiên rồi, vì lúc đầu Sư Bà chỉ dự trù xây dựng khoảng 1,7 triệu Euro, bây giờ phát sinh đến 3 triệu và còn nhiều hơn nữa cho một vườn Thiền với một vườn nai nơi Đức Phật đã chuyển Pháp Luân với bài Pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế cho 5 anh em Kiều Trần Như.
Chánh Điện với lối kiến trúc thật mới lạ, vừa thoáng lại vừa cao với những trụ cột thanh thanh, ẩn mình trong các góc để không choáng chỗ, tạo không gian rộng lớn cho ngôi Đại Hùng Bảo Điện. Cách trang trí bên trong rất hài hòa với ánh sáng từ những ngọn đèn LED tối tân vừa sáng vừa ít tốn điện, xen lẫn với cả ngàn bức tượng Phật tỏa ánh sáng muôn màu như những viên gạch gắn chung quanh trần Chánh Điện. Ý tưởng này chắc có sự góp sức của chuyên gia trang trí nội thất Huy Thông, mang rất nhiều hương vị Thiền. Trong Thiền có Tịnh và trong Tịnh có Thiền. Phảng phất lối kiến trúc của Nhật Bản thời cổ đại xưa, cộng thêm văn hóa Việt Nam nghìn năm văn vật, ai nhìn cũng mến chuộng và khen thầm.
Tu viện này chủ đích cho người Đức và người ngoại quốc khác đến tu tập Thiền định hơn là chỉ dành cho Phật tử Việt Nam ngồi tụng kinh niệm Phật như biết bao ngôi Chùa khác trên xứ Đức. Vào đầu tháng 5, Sư Bà Lộc Uyển đã tổ chức một Lễ Phật Đản dành riêng cho người Đức, cũng đầy đủ các nghi lễ tụng kinh Khánh đản và Tắm Phật. Rồi hai tuần sau lại phải tổ chức thêm một Lễ Phật Đản cho người Việt, nhưng người Đức vẫn đến tham dự Đức Việt đề huề!
Chính quyền sở tại của quận Lichtenhagen đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho công trình xây dựng Tu viện, từ giá cả miếng đất cho tới các giấy phép xây cất, tất cả đều tốt đẹp. Nhưng Sư Bà lại gặp muôn vàn khó khăn vì con Cô Vít của đại dịch Corona trong 3 năm xây dựng. Khỏi cần phải tả oán, Tu Viện Lộc Uyển thành hình như ngày hôm nay đã là một phép lạ! Chẳng lẽ lại tán thán công đức xây Chùa số một của Sư Bà nữa hay sao?!!!
Sau buổi Đại Lễ, mọi người trong Chùa đều thở phào nhẹ nhõm. Chưa uống xong chung trà, Sư Bà đã ra kế hoạch cho mùa Vu Lan năm tới 2023, sẽ tổ chức Lễ Khánh Thành Tu Viện Lộc Uyển, sẽ mời khoảng 20 vị khách Tăng của Âu Châu và đặc biệt sẽ mướn khách sạn 5 sao Neptune ở ngay ngoài bãi biển để khoản đãi các Chư vị Tôn túc. Diệu Lý và tôi đề nghị nên mướn một Vila thật to ngoài bãi biển, chỉ dành riêng cho khách mời của Sư Bà, không ở chung với người đời phức tạp.
Nói là làm, buổi chiều tôi và Diệu Lý dẫn nhau đi bộ từ Tu Viện ra biển để thăm thú tình hình, chỉ có 3 cây số thẳng đường ra đến trung tâm thành phố biển. Một bãi biển cát trắng dài đến 12 km, lần đi lội bộ nhưng lần về trời tối và thân thể rã rời, chúng tôi mua vé tàu lửa chỉ 3 trạm ngắn đã tới đường lớn vào Chùa. Không thể nào tiện lợi hơn nữa! Bãi biển này là khu nghỉ dưỡng và du lịch của người Đức vùng Đông Đức ngày xưa, nhưng bây giờ người dân vùng thủ đô Berlin lại ưa chuộng vì chạy xe chỉ mất hai tiếng, hơn hai trăm cây số mà thôi.
Tôi và Diệu Lý cùng là dân Nha Trang, ở chung xóm gần chợ Xóm Mới, nên nhìn những ghềnh đá của bờ biển Rostock lại hồi tưởng đến cảnh ở Cầu Đá hay Hòn Chồng. Bèn cùng nhau ngồi bên mõm đá nhớ chuyện năm xưa và ngắm mặt trời lặn, chờ rất lâu đến khi gần tối cả khối mặt trời đỏ au như lòng trứng mới đổ ập xuống chiếc tàu đậu ngoài khơi trước ánh tà dương. Một cảnh thật ngoạn mục mà cả đời tôi chưa nhìn thấy!
Chúng tôi đứng dậy ra về như đi xem một màn trình diễn thiên nhiên, khi ngó ra đằng sau, một mảnh trăng tròn vằng vặc sáng long lanh in hình trên mặt nước thành những vệt sáng dài. À, thì ra hôm nay là ngày rằm tháng tư, ngày Phật ra đời!
Chúng tôi đề nghị với Sư Bà xây thêm nhiều phòng ốc để tổ chức các Khóa tu học Âu Châu, nhưng chỉ sợ các học viên bỏ tu trốn ra biển phơi nắng.
Phật tử người Việt ở thành phố Rostock không nhiều lắm, lại còn bận lo cơm áo gạo tiền nên chắc ít đến Chùa tu học. Nhưng người Đức ở chung quanh lại quan tâm đến các khóa tu, họ cứ đến Tu viện hỏi thăm, chừng nào có khóa tu cho người Đức? Chừng nào xây xong cổng Chùa? Nghe thật dễ thương!
Cách Tu viện chừng vài trăm thước là một chung cư cao tầng, bên ngoài vẽ hình hoa Hướng dương rất nổi, cách đây hơn mười năm cũng chính tại chung cư này một số các người Đức thuộc loại quá khích, đã nổi lửa thiêu đốt những người Việt tỵ nạn. Vì đạo Phật là đạo của từ bi và hòa giải, nên chính quyền sở tại rất mong muốn một ngôi Tam Bảo có mặt tại nơi đây, một nơi mà đã 8 trăm năm chưa có một ngôi Chùa.
Để chấm dứt bài viết, tôi xin kể một sự nhầm lẫn đáng bị phạt quỳ nhang như sau, chẳng là lúc đi thăm dạo vườn chùa, tôi thấy 5 thùng giấy đựng 5 pho tượng màu trắng chưa mở ra. Tưởng rằng tượng của 18 vị A La Hán, nhưng Chùa chỉ đủ ngân lượng để tậu trước 5 vị. Vẫn bị ám ảnh chuyện chùa Bái Đính chơi trội dựng tới 500 vị A La Hán, tôi ngây thơ hỏi Sư Bà tại sao chỉ có 5 vị? Sư Bà bảo, đó là 5 anh em ông Kiều Trần Như chứ La Hán nào? Tượng Phật đặt lâu rồi mà chưa thấy về. Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ ra, mình đang ở Vườn Nai của Tu Viện Lộc Uyển.
Hoa Lan – Thiện Giới.
Mùa Phật Đản 2022 – PL. 2566.