Kính Cảm Niệm về những chuyến Hoằng Pháp tại Mỹ và Châu Âu của Hòa Thượng Thích Như Điển, TT Thích Nguyên Tạng cùng chư Tôn Đức
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch HT.Thích Như Điển, Phương trượng Tổ đình Viên Giác Đức Quốc.
Kính bạch TT.Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức
Kính bạch Hoà Thượng,
Có lẽ đây là lần thứ hai con dâng lời cảm niệm tri ân đến Ngài về việc hoằng pháp độ sinh, lý do nhân dịp xem lại hành trình 32 năm của Tu Viện Quảng Đức, trong đó chương trình hoằng pháp của TT Trụ trì Thích Nguyên Tạng đã khiến con tư duy về tự lợi và lợi tha trong việc tu học.
Và con đã rất tán thán và kinh ngưỡng mộ Thầy khi những chuyến hoằng pháp của Thầy được hướng dẫn bởi Hòa Thượng bắt đầu từ năm 2006 đến 2019 khi tuổi Thầy Nguyên Tạng còn quá trẻ. (kính xin đính kèm trong phần phụ lục ). Vì từ lâu con đã học được rằng:“ Mục đích của hoằng pháp căn bản có hai điều:
Một là giữ gìn cho Phật pháp được trường tồn.
Hai là phụng sự xã hội, đem lại lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. “
Nhưng làm sao để Phật pháp được trường tồn, Phật giáo được ổn định, hưng thịnh và phát triển? Để cho Phật giáo phát triển, chúng ta phải quan tâm, thực hiện rất nhiều thứ, khi mà nền tảng vẫn nằm ở quý Tăng Ni, chủ thể hoằng pháp.
Phải chăng chỉ có những ai mang tâm huyết và chí nguyện hoằng pháp và nuôi dưỡng thế hệ tương lai để tiếp nối mạng mạch giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã mang đến cho chư thiên và loài người mới có thể hướng dẫn được Chư Tăng Ni từ các quốc gia Âu , Úc, Mỹ và Việt Nam để đi hoằng pháp khắp Hoa Kỳ ?
Vì Tăng Ni có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn ngọn đèn Chánh pháp, mới làm cho Phật pháp hưng thịnh và phát triển được. Cho nên trong sự nghiệp hoằng pháp, Tăng Ni phải là đối tượng được quan tâm hàng đầu. Tăng Ni tốt, Phật pháp sẽ tốt. Tăng Ni có an lạc, hạnh phúc thì mới đem được an lạc, hạnh phúc đến với cuộc đời.
Phải chăng Hoằng pháp là một trong những trách nhiệm quan trọng của người đệ tử Phật, vì “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, và một khi đã xem việc hoằng pháp như là sự nghiệp thì tuỳ theo hoàn cảnh và thời đại mà việc hoằng pháp có những nhu cầu và cách thức khác nhau và chỉ có chính quý vị đảm nhiệm công tác hoằng pháp mới hiểu rõ được thế nào phải làm cho việc hoằng pháp có hiệu quả cao.
Hơn thế nữa Hoằng pháp gắn liền với hai chữ độ sinh mà độ sinh là đem giáo pháp đến với mọi người để họ có thể tu tập, biết luật nhân quả, phân biệt thiện ác, làm lành hướng thiện, đem lại lợi ích và sự an lạc cho cá nhân, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, tốt đẹp.
Việc hoằng pháp độ sinh này được xuất phát từ lòng đại từ bi muốn cho người chưa sanh tín tâm sẽ được phát sanh và muốn tìm hiểu giáo pháp để mà tu tập, còn những người đã có tín tâm thì càng lắng nghe Phật pháp hơn để càng ngày càng được phát triển thêm.
Và phải chăng việc hoằng pháp phải được hiểu là những hành động cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy lý thuyết. Một bài học không phải chỉ để học thuộc mà còn phải hành theo; và chính bản thân người hoằng pháp càng phải là người thể hiện được sự toàn vẹn của pháp học và pháp hành.
Như vậy những người thực thi sứ mệnh hoằng pháp không chỉ trình bày giáo pháp của Đức Phật qua lời giảng, mà còn qua hành vi, thái độ và sự ứng xử của người con Phật. (Nếu một vị thầy toát lên được sự thảnh thơi, thanh thoát, ung dung và an lạc, thì chính vị ấy cũng đang thực hiện thành công việc hoằng pháp của mình).
Vì sao? Vì công hạnh tu tập của vị đó thể hiện ra bên ngoài có thể khiến Phật tử phát khởi sự hoan hỷ, tin tưởng và rồi mong muốn học hỏi giáo pháp.
Và điều này nơi Ngài con đã tìm thấy tất cả lời đáp, cho những điều con tư duy và đấy cũng là nguyên nhân con có bài viết này để dâng đến Ngài, bậc cao tăng mà con quý kính.
Kính bạch Hoà Thượng,
Nhân học Luận Đại Trí Độ của Ôn Từ Đàm ( HT Thiện Siêu ) đến kệ “thuyết pháp không cầu lợi dưỡng” (trang 217 Tập 1) con kính trích đoạn để kính dâng tặng Hòa Thượng Thích Như Điển và Thầy Thích Nguyên Tạng về những chuyến hoằng pháp từ năm 2006- 2013 tại Hoa Kỳ và một lần tại Châu Âu 2019 như sau:
Đa văn, quảng trí, nói năng hay
Khéo nói các pháp chuyển lòng người
Hành pháp tâm chánh, không sợ sệt
Như mây sấm lớn đổ mưa to
Đại tướng của Pháp cầm gương pháp
Chiếu sáng Phật pháp, kho trí tuệ
Trì tụng giảng rộng, rung Linh Pháp
Như tuyền giữ biển độ hết thảy
Cũng như Ong Chúa nhóm các vị
Thuyết như lời Phật, theo ý Phật
Giúp Phật sáng pháp, độ chúng sanh
Pháp sư như thế rất khó gặp.
Và con tâm đắc nhất khi Hoà Thượng viết rằng: “Bây giờ chúng ta phải học lời Phật dạy như trong kinh Nikaya định nghĩa về Như Lai: “ Như Lai nói những gì mà Như Lai đã làm và Như Lai đã làm những gì mà Như Lai đã nói”.
Tuy vậy, Con còn nhớ trong lời tự thuật của Ngài trong Kỷ yếu nhân dịp chùa Viên Giác mừng Khánh Tuế Ngài 70 vào năm 2019 như sau: “Cái học và cái tu của tôi nó tự nhiên giống như uống nước, ăn cơm vậy thôi! Không cầu kỳ, không ép uổng và cũng không bắt buộc trí óc phải nhớ lại. Đó chỉ là điều tự nhiên, chứ không có gì lạ hết. Thế mà đã có nhiều người quên và tôi khi giảng hay pha trò rằng: “Đó là nhờ tôi nhớ những gì đáng nhớ và hay quên những gì đáng quên, còn quý vị thì ngược lại. Đó là hay quên những gì đáng nhớ và hay nhớ những gì đáng quên”……
Nếu ai đó có hỏi tôi rằng: Thầy bắt đầu đi giảng từ lúc nào? Câu trả lời chắc cũng không chính xác mấy. Bởi vì không có cái bắt đầu thì làm sao mà trả lời là lúc nào được. Có thể là từ khi thuyết trình trong lớp ở Trung Học với những quyển tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như: Hồn Bướm Mơ Tiên, Anh Phải Sống, Loan, Gánh Hàng Hoa, Đời Mưa Gió, Tiêu Sơn Tráng Sĩ v.v… nhờ vậy mà từ Trung Học tôi đã biết đứng nói chuyện trước nhiều người và khi học Đại Học ở Nhật Bản tôi đã giảng tiếng Anh cho các học sinh Trung Học đệ nhị cấp tại trường Teikyo ở Hachioji bằng ngôn ngữ Nhật Bản như là tiếng mẹ đẻ của mình. Để từ đó rong chơi trong muôn vạn dặm của chữ nghĩa”.
Về những chuyến hoằng pháp tại Hoa Kỳ và cách tổ chức đã được Ngài giải thích thật rõ ràng : “ Mỗi lần đến Hoa Kỳ tôi đều có giảng pháp hay ít nhất là có quy y Tam Bảo cho một số quý Phật Tử tại gia ở rải rác nhiều nơi tại Hoa Kỳ, sau nầy Bồ Tát Giới tại gia thì đông hơn và hầu như địa phương nào cũng có. Ban đầu thì đi một mình, sau đó là 2 hay 3 Thầy đi cùng. Tôi nhớ có lần đã có Thầy Seelawansa người Tích Lan, làm Giáo sư phân khoaTôn Giáo học tại Đại Học Wien, Áo Quốc, đã cùng với Thầy Hạnh Giới và Hạnh Hảo sang giảng tại chùa Đức Viên ở San Jose, bằng tiếng Việt và tiếng Anh cũng như tiếng Đức, và hai Thầy Hạnh Giới, Hạnh Hảo đã dịch ra Việt ngữ cho đồng hương người Việt nghe. Mỗi lần đi như vậy thường kéo dài 1 đến 2 tháng, và vì đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ nên sau nầy chúng tôi kết hợp thêm quý Thầy bên Úc như: Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Đại Đức Thích Phổ Huân cùng với quý Thầy tại Âu Châu cũng như quý Thầy, Cô tại Mỹ Châu nên tạm gọi là: Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu, Mỹ, Úc. Nghe rất là lạ tai đối với một số quý Thầy ở Hoa Kỳ, nhưng đó là sự thật. “
Con cũng được biết tuy sở học và sở hành chuyên môn có thể khác nhau về cả Nam Truyền lẫn Bắc Truyền, về Thiền, Tịnh, Mật nhưng Ngài đã khéo phối hợp nên Chư Tăng, Ni trong đoàn đều có thể cưu mang được cả.
Con cũng được nghe cách tổ chức thật chu đáo cho mỗi chuyến hoằng pháp mà HT đã làm trưởng đoàn: “Khi tôi đến một địa phương nào tại Hoa Kỳ hay Âu Châu, chúng tôi phải liên lạc trước cả năm và chọn thời điểm thích hợp để ghi vào lịch sinh hoạt của mình. Nếu chỗ nào không thích hợp thì tìm chỗ khác để thay thế vào. Vì lẽ Đoàn đi cũng đông người, vé máy bay phải đặt trước mới rẻ được, cho nên chuyện lên kế hoạch từ lâu là lý do cần thiết vậy. Ngoài ra trong Phái Đoàn đi Hoằng Pháp của chúng tôi đa phần là chưa Trụ Trì chùa nào nhất định, hoặc giả nếu đã Trụ Trì rồi thì cũng đã có người tạm thế làm lễ hay giảng pháp vào những cuối tuần mà vị ấy vắng mặt ở chùa mình. Do vậy thời gian bỏ chùa đi 2 tháng là thời gian thử thách cho một vị Trụ Trì có trách nhiệm với chùa mình.
Ở Mỹ thỉnh thoảng mới thấy có một vài Phái Đoàn Hoằng Pháp đi chừng 4 tuần lễ là nhiều và ít người hơn chúng tôi,đặc biệt Đoàn của chúng tôi, hầu như ai cũng giảng được cả. Cả Tăng lẫn Ni và không những chỉ biết giảng pháp mà còn bạt độ chư hương linh, cúng vong, đám tang v.v… tất cả mọi người trong Phái Đoàn của chúng tôi đều cũng có thể chủ lễ được. Đây là cái lợi thế của người Trưởng Đoàn. Tôi chỉ cần sắp xếp thời gian cho hợp lý theo thời khóa biểu của chùa đó trong một cái cuối tuần hay trong tuần và phần tôi cũng chỉ giảng một đến hai thời trong suốt cả tuần đó mà thôi.”
Đặc biệt tại Hoa Kỳ theo lịch trình hoằng pháp được ghi lại trong hành trình 32 năm Tu Viện Quảng Đức xin lấy một thí dụ {25/3-3/5/2012 TT Phó Trụ Trì Nguyên Tạng tham dự cùng phái đoàn Hoằng pháp của HT Thích Như Điển (Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc), đoàn đã đến giảng pháp tại các thành phố: Las Vegas, Chicago, Jacksonville, Gainsville, Florida, Oklahoma, Santa Anna, Long Beach, San Jose, Fremont.…đây là chuyến đi hoằng pháp lần thứ 6 của Thượng Tọa tại Hoa Kỳ}.
Hoà Thượng đã trình bày thật rõ như sau : những địa phương mà Phái Đoàn đã đi gồm Nam California để từ đó đi Las Vegas và những vùng phụ cận của Santa Ana. Sau đó đi San Jose và từ San Jose đi giảng tại Fremont cũng như Sacramento. Tiếp theo là Houston. Từ Houston đi Austin và những vùng phụ cận. Tiếp đến đi Oklahoma rồi Philadelphia. Từ Philadelphia đi đến Washington D.C cũng như giảng các vùng phụ cận. Tiếp đến đi Atlanta và Jacksonville. Từ Jacksonville đi Orlando hay Gainsville. Điểm cuối cùng là Mineapolis.
Nếu không có sức khỏe thì sẽ không thể chịu đựng được trong 8 tuần lễ liên tục như vậy được. Điều quan trọng là Phái Đoàn chúng tôi không đặt ra giá cả của những thời giảng pháp. Chỗ nào có khả năng bao nhiêu thì cúng bấy nhiêu, không ấn định bất cứ một cái gì cả, ngoại trừ việc mong cho mọi người hiểu và hành trì được Pháp của Phật là đủ. Ăn uống khiêm nhường hay cao sang, không là vấn đề chính, ở đâu cũng được, miễn là có chỗ nghỉ lưng qua đêm là được rồi.”
Ôi, thật cao cả quá, con đã rưng rưng lệ khi nghe HT đã tâm sự tiếp : “Do vậy mà Phái Đoàn của chúng tôi vẫn được Phật Tử yêu cầu đến Hoa Kỳ thêm nhiều lần nữa là vậy, chứ thật ra trong thâm tâm, chúng tôi muốn ngơi nghỉ từ lâu rồi, nhất là phần tôi ở tuổi gần 70, các bệnh duyên đã bắt đầu xuất hiện và báo hiệu cho tôi biết rằng những chuyến đăng trình dài ngày như vậy phải cần suy nghĩ lại”.
Có lẽ vẫn còn có những hý luận bên ngoài do đó con rất xúc động khi được đọc những lời tâm sự của Hòa Thượng: “Ở đâu cũng có một ai đó, họ là những con người bình thường trong cõi dục giới nầy. Họ có đầy đủ những đức tính của một con người bình thường, vốn dĩ là chuyện đương nhiên rồi.
Tôi không vui khi được khen nhiều, mà cũng chẳng buồn khi bị chê, vì tôi quan niệm rằng: Nếu mình xấu mà họ có đánh bóng mình để thành tốt, thì mình cũng không thể tốt hơn được. Ngược lại nếu mình thật sự tốt, chẳng có tì vết gì, nhưng họ có nói xấu, nói đâm thọc hay bôi bẩn mình, thì mình cũng không thể xấu hơn được. Điều nầy nó cũng giống như vàng thật, nếu bị chôn chặt dưới bùn sâu cả hằng trăm thước, sau 10 hay 100 năm vớt lên, thì vàng ấy vẫn là vàng. Tại sao phải sợ? Ở đây việc Hoằng Pháp lại làm lợi lạc cho người khác, mà cũng lại có kẻ thích người không, nên tôi phải chấp nhận thôi”.
Về sự tế nhị và tiết kiệm kinh tế rất khéo mà chúng con cần phải học của HT khi tổ chức một chuyển hoằng pháp “ Ngày trước chúng tôi hay mua vé máy bay chung cho cả Đoàn, nên giá thành rất rẻ. Lý do là mua trước cả 6 tháng. Nhiều khi đi máy bay cả 9 hay 10 Tiểu Bang tại Hoa Kỳ mà vé vẫn rẻ hơn nhiều chuyến đi xa. Đó là biết cách tính trước, nếu không chúng ta chỉ làm lợi cho hãng máy bay mà thôi. Sau nầy thì một số quý Thầy, Cô trong nội địa HoaKỳ có những việc đột xuất như đám tang của Đệ Tử xảy ra trong khoảng thời gian đi hoằng pháp ấy thì bắt buộc vị ấy phải trở về lại trụ xứ của mình để lo tang lễ cho Đệ Tử xong, sau đó mới tiếp tục đi cùng Phái Đoàn, nên vé máy bay phải mua đi riêng từng chặng. Thật là đắt đỏ vô cùng, nhưng chẳng biết làm sao hơn khi mà những sự bất thường hay xảy ra như vậy.
Kinh nghiệm cho thấy nếu một chuyến đi từ San Jose mà đi thẳng Houston thì giá thành rất đắt; nếu đổi máy bay ở Phoenix hay Salt Lake (tùy theo hãng hàng không) thì giá rẻ gần gấp đôi. Đó là tính theo vấn đề kinh tế thị trường.
Nếu không có thời gian thì đành phải bay thẳng và chịu trả tiền vé đắt hơn; nhưng chúng tôi không chọn giải pháp nầy. Vì lẽ chúng tôi chọn thời gian của mỗi cuối tuần là lúc giảng pháp bận rộn hơn những ngày trong tuần.
Ngày thứ hai để cho Đoàn thư giãn, ai muốn đi thăm viếng nơi đâu hay mua sắm cái gì thì ngày ấy là ngày tự do để thực hiện những việc nầy. Chúng tôi chọn ngày thứ ba vào buổi chiều cho những chuyến đi và đến như vậy, nên có cả một ngày để chọn lựa những chuyến bay đi hai đoạn đường cho rẻ và làm sao đến vào chiều tối, để quý Phật Tử tại các địa phương đi đón dễ dàng hơn, nhất là lúc tan sở ra về, tiện thể ghé đón quý Thầy, Cô về chùa sắp giảng tại đó, là giải pháp hay nhất.
Và quả thật quý Đạo Hữu và quý Phật tử rất vui để đón Phái Đoàn và lo cho tất cả mọi việc. “
Lời kết:
Con vẫn thường được Sư Phụ Viên Minh dạy rằng: một người học giáo lý giỏi đến đâu mà xử lý tình huống vụng về, lệch lạc thì xem như chưa thấy pháp nên chưa thể sống tuỳ duyên thuận pháp được. Và Trí tuệ là thấy được căn cơ trình độ của chúng sinh, từ bi là thương yêu thông cảm với những ai còn xem trọng vật chất hơn giá trị tinh thần. Đây là cơ hội để con phát huy trí tuệ và đạo đức, đừng ganh tỵ, đừng chán nản, thì mới vượt qua được cái ngã phiền muộn”.
Cho nên khi đọc đến đoạn “ Bây giờ quan niệm sống của tôi là: Không giận, không hờn, không thương riêng ai, không ghét riêng ai và sống tự tại với chính mình, để những ngày còn lại với đời sẽ có nhiều ý nghĩa hơn và mình nên nhìn cuộc đời nầy với những điều tốt đẹp, không nên chỉ nhìn đến cái dở xấu của nó. Có như vậy thì tâm ta sẽ thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Nếu mình làm được một việc mà không mong cầu gì hết, những việc gì đến, nó sẽ đến tự nhiên và ta sẵn sàng chấp nhận, thì không có gì để phải khổ tâm cả. Ngay cả bệnh tật cũng thế thôi!
Nếu mình chấp nhận nó thì cảm giác của mình sẽ an ổn hơn, còn nếu ta tìm cách chạy trốn nó thì nó sẽ đến cận kề hơn”
Thật là những lời vàng ngọc của những bậc cao tăng hiểu đạo thấu rõ chân lý sống, con đã khắc ghi những lời vàng để nhận ra niềm vui hạnh phúc khi được chia sẻ pháp thí đến người… “Ai rồi cũng có một ngày phải ra đi, không ai sống vĩnh viễn được hằng trăm năm nơi cõi đời nầy. Những thị phi tốt xấu,thành công, thất bại v.v… rồi nó cũng sẽ quên lãng theo thời gian, nhưng những gì người đời muốn nhắc lại ở những chuyến đăng trình ấy không phải là những việc gì to lớn lắm, mà là những bài pháp họ nghe được đâu đó để ứng dụng vào cho cuộc đời của họ, hay những đoản văn thật ngắn nằm rải rác trong những sách mà tôi đã viết, họ trích rahọc thuộc lòng, rồi những đoạn văn hay họ đọc đi đọc lại nhiều lần trước mặt tôi, như để minh chứng rằng: Đó là lời của Thầy dạy, của Phái Đoàn Hoằng Pháp đã giảng khi đi qua nơi địa phương của chúng con”.
Con cũng được phước duyên khi đọc bài viết của TT Thích Hạnh Tuệ “TRÊN CHUYẾN HOẰNG PHÁP” mới biết tâm nguyện của HT như sau : “ Ôn là một trong rất ít Chư Tôn Đức không ngần ngại chia sẻ những gì mình đang mong mỏi. Với niềm đam mê trong sách vở mỗi khi trên đường hoằng pháp Ôn đều mang theo vài quyển sách mới để giới thiệu và ký tặng quý Phật Tử mà thông qua những quyển sách ấy chính là tâm tư, nguyện vọng của Ôn đã lưu giữ trong đó”
Cũng nhờ bài viết này mà con cũng được biết thêm trong phái đoàn hoằng pháp của Ôn đa phần là quý Thầy, Cô còn trẻ tuổi, nhờ gần gũi và trong tinh thần nuôi dưỡng thế hệ và truyền đăng tục diệm Ôn đã trao cho quý vị ấy nhiều cơ hội để phát triển toàn diện và xứng đáng với vai trò hướng dẫn mọi tầng lớp mai sau (Điều này đã giải thích những thắc mắc của con khi xem lại chuyến hoằng pháp từ 2006 của TT Thích Nguyên Tạng khi TT còn quá trẻ và đang là Phó trụ trì Tu Viện Quảng Đức )
Với chí nguyện tiếp nối mạng mạch Giáo pháp của Đức Phật vào đời cho những người con mang chủng tử Như Lai , con cũng được biết kinh nghiệm được trao truyền từ Ôn qua mỗi lần xong một khoá tu liền được đúc kết và rút ra để học những cái hay và thay đổi lại những điều khiếm khuyết và thiếu sót.
Điểm đặc biệt mà con rất tôn kính Hoà Thượng khi được biết Ôn không bao giờ dành cho mình cái quyền quyết định tuyệt đối hay áp đặt cho người khác những quyết định của mình mà Ôn luôn lấy ý kiến chung để cùng nhau làm việc .
Hơn thế nữa không một chuyến hoằng pháp nào mà Ôn không cúng dường cho quý Thầy Cô trong đoàn vì Ôn không bao giờ dành phần lợi lộc cho riêng mình mà còn tặng lại để nâng đỡ và chia sẻ thêm cho quý Thầy Cô trong đoàn.
Chỉ đọc được những dòng chữ trên đây từ TT Hạnh Tuệ, trong trí óc con nay đã khắc ghi hình ảnh Ôn… một bậc hiền thiện mà ai cũng ao ước được đảnh lễ và noi gương theo khi được gần gũi vì tâm nguyện Ôn đã đi theo con đường Bi,Trí, Dũng như Ngài Xá Lợi Phất “Nguyện làm dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và xin nguyện làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế”
Kính chúc mừng đến TT Thích Nguyên Tạng, Thầy quả thật đại phước duyên khi được dịch sách chung với Hòa Thượng Như Điển và đã hơn 10 năm gần gũi bên Hòa Thượng trong nhiều lần hoằng pháp, bao nhiêu kinh nghiệm được truyền trao và cũng nhờ vào biện tài riêng đặc biệt của Thầy thọ nhận trong thời gian làm thị giả cho Ôn Trí Nghiêm và Ôn Từ Đàm mà chúng đệ tử khắp nơi trên thế giới khi được nghe đến tên Thầu đều ca ngợi tán dương.
Kính nguyện Phật lực mười phương gia hộ Hoà Thượng bậc thạch trụ của Hội Đồng Hoằng Pháp và của GHPGVNTN tại ÂU CHÂU được tứ đại thường an, Bồ đề quả mãn, Đại đạo viên thành.
Con kính dâng đến Ngài lời chúc tụng về những chuyến hoằng pháp hơn 20 năm qua khi hướng dẫn quý Tăng Ni ở khắp Úc, Âu, Á , Mỹ quốc đảm nhiệm truyền bá giáo pháp chân chính của Đức Phật mang nguồn năng lượng lành đó đã được lan tỏa trong thế gian, và quý Thầy, Cô đã hoàn thành khả năng ấy nhất là con đã tìm gặp nơi Vị Thầy TT Thích Nguyên Tạng tại Melbourne Úc Châu trong năm hữu duyên trong đời tu học của con sau này (an vui trong Chánh pháp , nội tâm được hạnh phúc tự tại )
Kính trân trọng,
Kính dâng lời tán dương quy ngưỡng ….
HT Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác
Bậc trí tuệ, phạm hạnh, đức độ khiêm cung
Thạch trụ thiền môn, gương mẫu Hạc, Tùng
Với chí nguyện hoằng pháp độ sinh …mạng mạch tiếp nối!
Dùng tâm chân thành du hoá nhiều nơi trên thế giới
Sử dụng khả năng chuyên nhất chư Tăng Ni
Trao truyền kinh nghiệm, khuyến khích phát huy
Hương vị Chánh Pháp trong Thiền, Tịnh Mật !
Tổ chức, hướng dẫn phái đoàn phương cách hay nhất
Hơn 20 năm qua lúc nào cũng hanh thông
Từng bài pháp thoại …người hữu duyên khắc ghi lòng
Tín tâm thù thắng… nguyện noi gương Bi, Trí, Dũng !
Kính nguyện được một lần diện kiến …chúc tụng
Sứ mệnh cao cả truyền bá giáo lý Phật Đà
Gìn giữ ngọn đèn Chánh Pháp tỏa lan xa
Xứng danh chức vụ “Phó chủ tịch Tăng Già Thế Giới”
Phương tiện đạt chí nguyện …quá tuyệt vời
Với hơn 50 hạ lạp phụng hiến cho đời
Con đường không biên giới …vẫn còn đi tới
Sẽ còn gặp gỡ những ai đang mong đợi
Giáo Pháp Như Lai thổi vào luồng gió mới !!
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Hoan hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Melbourne 30/9/2022
Phật tử Huệ Hương kính tri ân