Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Viện Tăng Thống
Văn phòng Chánh Thư Ký
Phòng Hành Sự
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Ngày 29 tháng 9 năm 2022
TP. Hồ Chí Minh – Vào lúc 10 giờ, ngày 29 tháng 9 năm 2022, phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Office of International Religious Freedom, U.S. Department of State) đã đến thăm chư Tôn Đức tại chùa Từ Hiếu. Phái đoàn gồm có:
- Cô Tina Mufford, Trưởng phòng Đông Á Thái Bình Dương, Văn phòng Tự do tôn giáo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ;
- Cô Serena Doan, phụ trách Việt Nam, thuộc Phòng Đông Á Thái Bình Dương;
- Ông Rustum Nyquist, Viên chức chính trị tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, TP. HCM;
- Cô Linh Nguyễn, Trợ lý chính trị, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, TP HCM.
Về phía Chư Tôn Đức, GHPGVNTN gồm có:
- HT. Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thứ Ký Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương;
- HT. Thích Minh Tâm, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương;
- HT. Thích Nguyên Lý, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.
Những vấn đề chủ yếu đã được thảo luận như sau:
Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Đây là vấn đề rất tế nhị. Có hay không tự do tôn giáo cần phải quan sát từ thực chất và hiện tượng của vấn đề. Nguyên lý cơ bản của vấn đề cần được nắm vững để quan sát: ở đâu không có bao dung tôn giáo, ở đó không thể có tự do tôn giáo, tất yếu nó sẽ dẫn đến hiện tượng đàn áp tôn giáo, trách nhiệm thuộc về phía chính quyền hoặc do những mâu thuẫn tín lý hay xung đột quyền lợi giữa các cộng đồng tôn giáo.
Nhà Nước có thể gián tiếp gợi lên mối hiềm khích giữa các cộng đồng hay cá nhân tôn giáo, từ đó thi hành những biện pháp một cách thiên vị đối với tôn giáo như là một bộ phận chính trị ngoại vi của của Đảng chính trị đương quyền.
Quan hệ giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước) là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một bộ phận chính trị ngoại vi của Đảng Cộng Sản Việt Nam, với tiêu chí: Dân Tộc – Đạo Pháp – Chủ Nghĩa Xã hội. Giáo pháp của Đức Phật cần được phát triển theo định hướng chủ nghĩa xã hội Mác-xit, theo quy luật biện chứng duy vật sử quan (historical dialectical materialism). Định hướng phát triển theo tiêu chí đó, và là một bộ phận dưới quyền chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Tổ chức Phật giáo thực chất là một hiệp hội thế tục bên cạnh các hiệp hội như Hội Phụ Nữ, Hội Cựu Chiến Binh, Hội Sinh Viên… Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước) do đó được thừa nhận chính thức là đại diện duy nhất cho Phật Giáo Việt Nam, được ủy nhiệm một số đặc quyền từ việc cư trú của tăng ni, cho đến việc lập tịnh thất, tự viện, mà sự giám sát và thi hành các quyền này mọi người đều biết thuộc về chức năng nào trong chính quyền các cấp.
Trong trường hợp cư trú hay lập tịnh thất để ẩn cư tu tập, chính quyền địa phương có thể viện cớ an ninh mà ngăn cản. Hoặc trong trường hợp tế nhị, để tránh bị quy kết chính sách đàn áp, Giáo hội địa phương có thể thay thế chính quyền mà thi hành biện pháp chế tài (tước quyền thừa kế tông môn mà luật Nhà Phật gọi là “sư tư tương thừa”, quyền xây chùa, lập tịnh thất vì không được thừa nhận là cơ sở tôn giáo do không đăng ký thuộc quyền Giáo hội (Nhà Nước), v.v…)
Mọi người đều biết rằng, theo Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyền sở hữu đất toàn quốc thuộc về nhân dân, quyền quản lý thuộc về Nhà Nước. Với những điều kiện nào, người dân được cấp quyền sử dụng đất, điều kiện nào bị khước từ, căn cứ theo pháp luật đã được ban hành. Người ta không thể hiểu Giáo hội thuộc cơ quan giám sát hay thi hành pháp luật nào của Nhà Nước mà có quyền cho phép hay không cho phép.
Phật tử Việt Nam cần có một Phật giáo thuần túy, chính thống; một cơ cấu cộng đồng được tổ chức và sinh hoạt theo giáo nghĩa mà Đức Phật đã thuyết giáo, được truyền thừa trong Tam tạng Thánh giáo.
Trong thời gian qua, GHGPGVNTN có gặp khó khăn gì trong các sinh hoạt?
Một số khó khăn, ngăn cản trực tiếp từ chính quyền, tùy theo giải thích của chính quyền địa phương về các điều khoản trong Pháp lệnh Tôn giáo, hay những điều khoản trong Luật Hình sự, liên hệ đến vấn đề trật tự an ninh. Người dân không có khả năng giải thích pháp luật như quan chức chính quyền vốn được quyền giải thích tùy tiện.
Một số trường hợp tế nhị, nhà chùa có thể bị một nhóm thanh niên quấy phá, được giải thích là có thể do quan hệ mâu thuẫn thế nào đó với nhóm thanh niên này. Do bởi nghiệp vụ của nhóm này quá thấp kém nên mọi người dễ dàng nhận ra chúng từ đâu đến. Dù sao, nhà chùa vẫn không có cơ sở pháp lý để khiếu nại chính quyền.
Một số trường hợp khó khăn trong các sinh hoạt được gây ra do Giáo hội (Nhà Nước) địa phương. Một người thọ giới pháp xuất gia, mặc các quy tắc truyền giới và thọ giới được thực hiện đúng theo quy định của Đức Phật, nếu không được thông qua Giáo hội (Nhà Nước), sẽ không được thừa nhận trên cơ sơ pháp lý là có đầy đủ phẩm chất của người xuất gia, và không được hưởng quyền lợi của người xuất gia.
Các thầy trong GHPGVNTN có bị sách nhiễu sau mỗi lần gặp các phái đoàn ngoại giao?
Vì là vấn đề tế nhị quan hệ ngoại giao giữa các chính phủ, do đó không thể nói bị chính quyền sách nhiễu. Nhưng thường xuyên bị sách nhiễu là những sự cố hiển nhiên. Cán bộ chính quyền giải thích đó là một nhóm người do mâu thuẫn gì đó với các thầy gây ra; chính quyền không có trách nhiệm gì.
GHPGVNTN có dự định sẽ tổ chức Đại hội sau nhiều năm sinh hoạt bị gián đoạn?
Tổ chức Đại hội để kiện toàn cơ cấu tổ chức của Giáo hội là mục tiêu hiện tại của chúng tôi, nhưng còn phải chờ hội đủ điều kiện thuận tiện. Trong hoàn cảnh hiện tại, vì không được công nhận là một tổ chức tôn giáo theo Pháp lệnh Tôn giáo, vì chỉ một tổ chức Phật giáo duy nhất được công nhận là đại diện hợp pháp cho Phật giáo Việt Nam, do đó tổ chức Đại hội sẽ bị quy kết là tụ tập bất hợp pháp. Nhưng Phật giáo Việt Nam cần một tổ chức không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ tổ chức thế tục nào, dù đó là một Đảng chính trị đương quyền hay không đương quyền.
GHPGVNTN có bị bắt buộc báo cáo thường niên các sinh hoạt của mình cho chính quyền?
Đó là phận sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước), một bộ phận của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, được pháp luật Nhà Nước công nhận là đại diện duy nhất của Phật Giáo Việt Nam, do đó cần phải có báo cáo thường niên (để Nhà Nước có cơ sở cứu xét mà ban phát huân chương và nhiều đặc ân khác).
GHPGVNTN về mặt pháp luật không được công nhận như một Tổ chức Tôn giáo; do đó, để hưởng được các quyền tự do tôn giáo, mọi sinh hoạt cần phải tuân theo Hiến chương và những quy định của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước). Trong tư cách đó, GHPGVNTN không có gì để phải báo cáo sinh hoạt thường niên. Nếu có những đóng góp nào của GHPGVNTN cho các hoạt động văn hóa, giáo dục và cứu tế xã hội trong truyền thống dân tộc, cũng phải được xem như là những thành tựu của Giáo Hội (Nhà Nước). Phật tử Việt Nam cần một tổ chức Phật giáo chính thống và chân truyền, phát triển trên cơ sở những giáo nghĩa mà Đức Phật đã thuyết, chứ không phải phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Trước ngày chấm dứt chiến tranh, GHPGVNTN đã có những đóng góp tích cực bằng những thành tựu văn hóa, giáo dục, xã hội; với hệ thống giáo dục từ cấp Tiểu học cho đến Cao đẳng, Đại học, với các cơ sở từ thiện, cứu tế xã hội từ địa phương đến trung ương; tất cả những thành tựu này đều bị loại ra khỏi lịch sử phát triển của dân tộc; các thế hệ trẻ được giáo dục để không biết đến những thành tựu này; rất nhiều tăng ni trẻ không biết đến GHGVNTN là tổ chức Phật giáo gì. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam cần được viết lại một cách trung thực.
Tổng kết.
Cuối cùng, Cô Tina Mufford nhắc lại lần hội kiến với Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ năm 2015, được Ngài tiếp đón rất ân cần. Lần hội kiến này, phái đoàn do Cô dẫn đầu cũng được tiếp đón ân cần. Cô cảm ơn sự tiếp đón này.
HT. Thích Tuệ Sỹ cũng ngỏ lời thay mặt chư Tôn Đức Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương bày tỏ sự cảm ơn phái đoàn đã đến thăm viếng; và nhân đây cũng xin ngỏ lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Hoa kỳ đã có những hoạt động tích cực cho tự do tôn giáo tại Việt Nam nói riêng, cho các cộng đồng các tôn giáo khác trên thế giới, làm cơ sở cho tính bao dung tôn giáo trên đó xác lập tính phổ quát của phẩm giá con người.
Những điểm bất đồng có thể có giữa các tôn giáo, từ tín lý cho đến thực hành, rất dễ dẫn đến hiềm khích, và mâu thuẫn, tranh chấp, là duyên cớ để chính quyền, viện dẫn tình trạng an ninh, trật trự xã hội, và luật pháp can thiệp vào những vấn đề nội bộ của các tôn giáo, theo mục tiêu chính trị xã hội của một đảng chính trị nào đó. Trong các trường hợp này, các tôn giáo bị áp bức, bị hạn chế hoạt động, không có cơ sở pháp lý để khiếu nại lên bất cứ tổ chức nhân quyền và tôn giáo trong phạm vi một quốc gia, cho đến bình diện quốc tế. Vì vấn đề an ninh và trật tự xã hội cần được giải thích là vấn đề nội bộ của một nước. Cũng vậy, những vấn đề liên hệ pháp luật cũng là vấn đề nội bộ của một nước vì mỗi quốc gia có Hiến pháp luật pháp riêng để bảo đảm sự tồn tại của nó trong trường đấu tranh quyền lực của các quốc gia trên thế giới. Chính phủ các nước và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, và quyền tự do tôn giáo trên thế giới rất khó khăn để can thiệp vào những vấn đề nội bộ của một nước. Hậu quả là, những tổ chức tôn giáo được biết là bị đàn áp dưới hình thức nào đó, mà trách nhiệm thuộc về chính quyền hay do hiềm khích, mâu thuẫn giữa các tôn giáo, rất khó khiếu nại trước cộng đồng quốc tế vì không có cơ sở pháp lý của nước sở tại, mặc dù các khiếu nại được bênh vực theo tinh thần Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights). Yêu cầu của chúng tôi ở đây không mong các chính phủ và các cộng đồng quốc tế can thiệp vào các vấn đề được biện minh là vấn đề nội bộ của một nước trên cơ sở Hiến pháp và Luật pháp của nước sở tại, chỉ mong lý tính phổ quát của các tôn giáo được thiết lập để từ trên đó xây dựng tinh thần bao dung tôn giáo. Vấn đề tự do tôn giáo không đơn giản là các quyền tự do của con người, mà căn bản đó là quyền tôn trọng phẩm giá của con người, và mỗi cá nhân có các quyền tự do để thể hiện phẩm chất con người cao quý của mình trong các cộng đồng nhân bản. Vì vậy, tự bản chất, vấn đề tự do tôn giáo không phải là vấn đề nội bộ của một nước, mà là vấn đề chung của nhân loại, của các cộng đồng nhân bản, biết nâng cao phẩm giá con người; do đó, nơi nào mà phẩm giá con người không được tôn trọng do bởi quyền tự do tôn giáo, các quyền tự do căn bản khác không được tôn trọng.
Cuối cùng, một lần nữa chúng tôi cảm tạ sự thăm viếng của phái đoàn, và nhân do có được buổi hội kiến có ý nghĩa hôm nay. Cầu chúc phái đoàn đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong sứ mệnh của mình.
Xin kính chào tất cả.
Tường thuật:
Thích Nguyên Lý,
Trưởng phòng Hành sự