Home » Tàng Kinh Các » Giải thích 37 Phẩm Trợ Đạo

Giải thích 37 Phẩm Trợ Đạo

Mục Tàng Kinh Các

SỐ 1509 – LUẬN ÐẠI TRÍ ÐỘ – GIẢI THÍCH 37 PHẨM TRỢ ÐẠO

KINH: Ðại Bồ-tát do không trụ pháp mà trụ trong Bát-nhã Ba-la-mật.

Vì bất sanh nên đủ Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác phần, Tám thánh đạo phần.

LUẬN: Hỏi: Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo của Thanh văn và Bích chi Phật; sáu Ba-la-mật là đạo của Ðại Bồ tát. Ðây vì sao trong đạo Bồ-tát còn nói đến pháp Thanh văn?

Ðáp: Ðại Bồ-tát phải học tất cả các thiện pháp, tất cả đạo; như Phật nói với Tu-bồ-đề: “Ðại Bồ-tát thực hành Bát-nhã Ba-la-mật đều phải học tất cả các thiện pháp, tất cả đạo; đó là từ Càn tuệ địa cho đến Phật địa. Chín địa ấy nên học mà không thủ chứng; Phật địa cũng học và cũng chứng.

Lại nữa, chỗ nào nói Ba mươi bảy phẩm trợ đạo chỉ là pháp Thanh văn, Bích chi Phật, chứ không phải là pháp Bồ tát? Chính trong phẩm Ðại thừa của kinh Bát-nhã Ba-la-mật, Phật nói Bốn niệm xứ, cho đến Tám thánh đạo phần là Ðại thừa. Trong Tam tạng cũng không nói Ba mươi bảy đạo phẩm chỉ là pháp Tiểu thừa. Phật vì tâm đại từ nên nói Ba mươi bảy đạo phẩm là đạo Niết-bàn; tùy nguyện của chúng sanh, tùy nhân duyên của chúng sanh đều chứng được đạo ấy. Người muốn cầu Thanh văn thì đắc Thanh văn đạo; người muốn gieo giống thiện căn về Bích chi Phật thì đắc Bích chi Phật đạo; người cầu Phật đạo thì đắc Phật đạo. Tùy bản nguyện và các căn lanh lợi hay đần độn, có tâm đại bi, không tâm đại bi; ví như Long vương xuống mưa, mưa khắp thiên hạ, mưa không sai khác, cây lớn cỏ lớn, gốc lớn cho nên thọ nhận nhiều; cây nhỏ cỏ nhỏ, gốc nhỏ cho nên thọ nhận ít.

Hỏi: Ba mươi bảy đạo phẩm, tuy không chỗ nào nói là đạo riêng của Thanh văn, Bích chi Phật chứ không phải Bồ tát đạo, song lấy nghĩa suy ra khá biết; Bồ tát ở lâu trong sanh tử, qua lại năm đường, không gấp lấy Niết-bàn; còn trong Ba mươi bảy đạo phẩm thì chỉ nói pháp Niết-bàn, không nói đến Ba-la-mật, cũng không nói đại bi. Do đó nên biết không phải là Bồ-tát đạo?

Ðáp: Bồ-tát tuy ở lâu trong sanh tử cũng phải biết thật đạo, phi thật đạo, là pháp thế gian, là pháp Niết-bàn. Biết thế rồi lập đại nguyện: “Chúng sanh đáng thương, ta sẽ lôi ra và đặt vào chỗ vô vi”. Do thật pháp ấy, thực hành các Ba-la-mật, có thể đạt đến Niết-bàn. Bồ-tát tuy học, tuy biết pháp ấy, song vì chưa đầy đủ sáu Ba-la-mật nên không thủ chứng. Như Phật nói: Ví như ngửa mặt bắn lên giữa hư không, mỗi mũi tên dính nhau, không cho rơi xuống đất, Ðại Bồ-tát cũng như vậy, lấy mũi tên Bát-nhã Ba-la-mật, bắn vào giữa không của ba giải thoát môn; lại dùng mũi tên phương tiện bắn vào mũi tên Bát-nhã, không cho rơi xuống đất Niết-bàn.

Lại nữa, hoặc như ông vừa nói, Bồ tát ở lâu trong sanh tử, phải chịu các thứ khổ não nơi thân tâm. Nếu không có được thật trí thì làm sao nhẫn được việc ấy. Do vậy, Bồ tát khi cầu thật trí về đạo phẩm ấy, do sức Bát-nhã Ba-la-mật mà có thể chuyển thế gian thành đạo quả Niết-bàn. Vì sao? Vì ba cõi thế gian đều do hòa hợp sanh; hòa hợp sanh là không có tự tánh. Vì không có tự tánh nên là không, vì là không nên không thể thủ; không thể thủ tướng ấy là Niết-bàn. Do vậy nói Ðại Bồ tát do không trú pháp nên trú trong Bát-nhã Ba-la-mật. Vì không sanh nên đầy đủ Bốn niệm xứ.

Lại nữa, trong pháp của Thanh văn và Bích chi Phật không nói thế gian tức là Niết-bàn. Vì sao? Vì trí tuệ không thâm nhập các pháp vậy. Như Phật nói với Tu-bồ-đề: “Sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức tức là không; không tức là thọ, tưởng, hành, thức; không tức là Niết-bàn; Niết-bàn tức là không”. Trong Trung luận nói kệ:

Niết-bàn không khác thế gian,
Thế gian không khác Niết-bàn.
Mé thế gian, mé Niết-bàn,
Một mé không có sai khác

Ðại Bồ-tát chứng được thật tướng ấy nên không chán thế gian, không vui Niết-bàn. Ba mươi bảy đạo phẩm là chỗ thật trí.

Hỏi: Bốn niệm xứ là pháp có thể đầy đủ đắc đạo; sao còn nói đến Ba mươi bảy? Nếu ông cho vì nói lược nên nói Bốn niệm xứ, nói rộng nên nói Ba mươi bảy. Ðiều ấy không đúng. Vì cớ sao? Vì nếu nói rộng thì phải vô lượng?

Ðáp: Bốn niệm xứ tuy là đầy đủ để có thể đắc đạo, mà cũng nên nói Bốn chánh cần. Vì sao? Vì tâm chúng sanh chủng loại bất đồng; kiết sử cũng nhiều thứ, pháp ưa thích hiểu biết cũng nhiều thứ. Phật pháp tuy nhất thật nhất tướng; song vì chúng sanh nên nơi mười hai bộ kinh, phân biệt thuyết ra tám vạn bốn ngàn pháp tụ. Nếu không như vậy, đầu tiên Chuyển pháp luân, nói đến Bốn đế là đủ, không cần nói thêm pháp khác. Vì có hạng chúng sanh nhàm khổ, đắm vui, nên thuyết ra Bốn đế. Những pháp thân tâm có được đều là khổ, không có vui. Nguyên nhân của khổ ấy là do các phiền não tham ái v.v…; Nơi khổ ấy đoạn tận là Niết-bàn; phương tiện đi đến Niết-bàn đó gọi là đạo. Có hạng chúng sanh niệm nhiều loạn tâm điên đảo, nên đắm theo thân, thọ, tâm pháp ấy mà làm các hạnh tà. Vì hạng người đó nên nói ra Bốn niệm xứ. Các đạo pháp khác cũng như vậy, vì mỗi chúng sanh mà thuyết, ví như thầy thuốc không dùng một thứ thuốc trị tất cả các bệnh. Các bệnh không đồng, thì thuốc cũng chẳng một thứ. Phật cũng như vậy, vì tâm bệnh của chúng sanh nhiều thứ nên Phật dùng nhiều thứ thuốc để trị.

Hoặc thuyết một pháp để độ chúng sanh; như Phật nói với một Tỳ-kheo: “Chẳng phải vật của ngươi thì chớ lấy”. Tỳ-kheo nói: “Biết rồi”. Phật hỏi: “Biết thế nào?” Tỳ-kheo nói: “Những pháp không phải vật của con thì không nên lấy”.

Hoặc dùng hai pháp để độ chúng sanh, đó là định và tuệ. Hoặc dùng ba pháp là giới, định, tuệ. Hoặc dùng bốn pháp là Bốn niệm xứ.

Thế nên Bốn niệm xứ tuy có thể đắc đạo, nhưng các pháp khác hành trì có khác, phân biệt hơi khác, quán sát cũng khác. Do vậy nên phải nói các pháp như Bốn chánh cần, v.v…

Lại nữa, các Ðại Bồ-tát vì có tín lực lớn, vì độ hết thảy chúng sanh, nên trong một lúc Phật nói đủ Ba mươi bảy đạo phẩm. Nếu nói pháp khác làm cửa vào đạo, thì mười tưởng v.v… đều gồm cả trong Ba mươi bảy đạo phẩm. Ba mươi bảy đạo phẩm ấy là các thứ thuốc hòa hợp lại, đủ chữa lành mọi bệnh của chúng sanh, cho nên không cần thuyết nhiều.

Như Phật tuy có vô lượng trí lực, nhưng chỉ nói Mười lực là đủ cho việc độ chúng sanh.

Ba mươi bảy đạo phẩm này, lấy mười pháp làm căn bản. Những gì là mười? Ðó là tín, giới, tư duy, tinh tấn, niệm, định, tuệ, trừ, hỷ, xả.

  1. Tín là Tín căn, Tín lực.
  2. Giới là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
  3. Tinh tấn là Bốn chánh cần, Tinh tấn căn, Tinh tấn lực, Tinh tấn giác phần, Chánh Tinh tấn.
  4. Niệm là Niệm căn, Niệm lực, Niệm giác phần, Chánh niệm.
  5. Ðịnh là Bốn như ý túc, Ðịnh căn, Ðịnh lực, Ðịnh giác phần, Chánh định.
  6. Tuệ là Bốn niệm xứ, Tuệ căn, Tuệ lực, Trạch pháp giác phần, Chánh kiến.
Biểu đồ 37 Phẩm Trợ Đạo này dựa theo Luận Câu-xá (Giác Thảo soạn)

Các pháp ấy, niệm tùy thuận theo cảnh duyên của trí tuệ mà được chơn chánh an trụ, nên bấy giờ gọi là Niệm xứ. Phá tà pháp, đi trong chánh đạo, nên gọi là Chánh cần. Giữ tâm an ổn ở trong quán duyên, nên gọi là Như ý túc. Trí tâm được nhu nhuyến, gọi là Căn; tri tâm được lanh lợi gọi là Lực. Dùng để tu đạo nên gọi là Giác, dùng để thấy đạo nên gọi là Ðạo.

Hỏi: Nên trước nói Ðạo. Vì sao? Vì hành đạo rồi sau mới được các thiện pháp; ví như người trước tiên đi đường rồi sau mới được đến nơi. Nay sao điên đảo, nói Bốn niệm xứ trước, rồi sau mới nói Tám chánh đạo?

Ðáp: Không có gì điên đảo. Ba mươi bảy đạo phẩm là tên gọi khi bắt đầu muốn vào đạo; cũng như kẻ hành giả đi đến chỗ thầy, khi nghe đạo pháp, trước tiên dùng niệm để thọ trì pháp ấy; khi ấy gọi là Niệm xứ. Thọ trì rồi, từ nơi pháp mà cầu tu chánh quả, cho nên tinh tấn tu hành; khi ấy gọi là Chánh cần. Vì tinh tấn nhiều nên tâm không tán loạn; giữ tâm điều nhu nên gọi là Như ý túc. Tâm điều nhu rồi phát sanh Năm căn: Thật tướng các pháp sâu xa khó hiểu, do Tín căn nên tín được; ấy gọi là Tín căn. Không tiếc thân mạng, nhất tâm cầu đạo, ấy gọi là Tinh tấn căn. Thường niệm đạo không niệm việc khác, ấy gọi là niệm căn. Thường nhiếp tâm ở đạo; ấy gọi là Ðịnh căn. Quán thật tướng Bốn đế, ấy gọi là Tuệ căn. Năm căn ấy tăng trưởng, hay ngăn chặn phiền não; như sức cây lớn hay ngăn nước. Năm căn này khi tăng trưởng có thể dần vào thâm pháp, ấy gọi là Lực. Khi lực được rồi, phân biệt đạo pháp có ba phần: Trạch pháp giác, Tinh tấn giác, Hỷ giác. Ba pháp này, khi hành đạo nếu tâm bị trầm một thì nó làm cho khởi lên, còn Trừ giác (Khinh an giác chi), Ðịnh giác, Xả giác, ba pháp này, nếu khi hành đạo mà tâm tán động, thì nó thu lại làm cho Ðịnh, Niệm giác chi ở hai nơi, nhóm tập thiện pháp, ngăn chặn ác pháp; cũng như người giữ cửa, kẻ có lợi thì cho vào, kẻ vô ích thì đuổi đi. Nếu khi tâm hôn trầm thì niệm ba pháp làm cho khởi lên; nếu khi tâm tán động thì niệm ba pháp làm cho gom lại.

Bảy việc này (Bảy giác chi) có thể đưa đến thật giác ngộ của bậc vô học, cho nên gọi là phần (chi). Ðược pháp ấy an ổn đầy đủ rồi, vì muốn nhập vào thành Niết-bàn vô vi, nên thực hành các pháp ấy, khi ấy gọi là Ðạo.

Hỏi: Những gì là Bốn niệm xứ?

Ðáp: Thân niệm xứ; Thọ, Tâm, Pháp niệm xứ; ấy là Bốn niệm xứ. Quán bốn pháp đều có bốn: Quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Bốn pháp này tuy đều có đủ bốn tướng là bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã; song đối với thân phần nhiều quán là bất tịnh; đối với thọ phần nhiều quán là khổ; đối với tâm phần nhiều quán là vô thường; đối với pháp phần nhiều quán là vô ngã. Vì sao? Kẻ phàm phu khi chưa vào đạo, thì đối với bốn pháp này, vì tà hạnh khởi lên bốn điên đảo. Trong các pháp bất tịnh điên đảo cho là tịnh; trong khổ điên đảo cho là vui; trong vô thường điên đảo cho là thường; trong vô ngã điên đảo cho là ngã. Ðể phá bốn điên đảo ấy nên thuyết Bốn niệm xứ: Phá tịnh điên đảo nên nói Thân niệm xứ; phá lạc điên đảo nên nói Thọ niệm xứ; phá thường điên đảo nên nói Tâm niệm xứ; phá ngã điên đảo nên nói Pháp niệm xứ. Do vậy nên nói bốn, không ít không nhiều.

Hỏi: Làm sao thành được Bốn niệm xứ ấy?

Ðáp: Hành giả nương trú tịnh giới, nhất tâm tu hành tinh tấn, quán thân có năm tướng bất tịnh. Những gì là năm?

  1. Nơi sinh ra bất tịnh
  2. Chủng tử bất tịnh
  3. Tự tánh bất tịnh
  4. Tự tướng bất tịnh
  5. Cứu kính bất tịnh.

• Thế nào là nơi sinh ra bất tịnh? Ðầu, chân, bụng, lưng, hông, gân, các vật bất tịnh hòa hợp gọi là thân nữ, bên trong có sanh tạng thục tạng, phân, nước tiểu bất tịnh, bên ngoài có ngọn gió do phiền não nghiệp thổi thức chủng tử vào trong hai tạng, hoặc tám tháng, hoặc chín tháng, như ở trong hầm xí, như bài kệ nói:

Thân ấy là xú uế,
Không từ hoa nở sanh,
Cũng không từ Chiêm-bặc,
Không xuất từ núi báu.
Ấy gọi là nơi sanh ra bất tịnh.

• Thế nào là chủng tử bất tịnh? Cha mẹ có ngọn gió vọng tưởng tà niệm thổi lửa dâm dục, thịt tủy mỡ chảy ra, nóng biến thành tinh. Do hành nghiệp nhân duyên đời trước, thức chủng tử ở trong tinh đỏ trắng; ấy gọi là thân chủng, như kệ nói:

Thân này giống bất tịnh,
Chẳng phải vật quí báu.
Không từ sạch sẽ sanh,
Chỉ từ đường tiểu ra.
Ấy gọi là chủng tử bất tịnh.

• Tự tánh bất tịnh là, từ chân đến đầu, bốn phía da mỏng, trong đó đầy dẫy thứ bất tịnh; trang sức y phục, tắm gội xoa hương, ăn các thứ hào soạn hương vị, trải qua một đêm đều thành bất tịnh. Giả sử mặc áo trời, ăn đồ ăn trời, vì bản tính của thân nên trở thành bất tịnh; huống gì áo cơm của loài người, như kệ nói:

Chất đất nước lửa gió,
Biến đổi trừ bất tịnh.
Nghiêng biển rửa thân này,
Không thể làm thân sạch.
Ấy gọi là tự tánh bất tịnh.

• Tự tướng bất tịnh là, nơi thân này chín lỗ thường chảy đồ bất tịnh: Con mắt chảy nước mắt, tai chảy cứt ráy, mũi chảy nước dãi, miệng chảy nước miếng, đường đại đường tiểu thường chảy ra phân, nước tiểu, và các lỗ chân lông chảy mồ hôi bất tịnh, như kệ nói:

Các thứ vật bất tịnh,
Chứa đầy ở trong thân,
Thường chảy ra không ngừng,
Như đãy lủng đựng vật.
Ấy gọi là tự tướng bất tịnh.

• Cứu kính bất tịnh là, thân này nếu quăng vào lửa thì thành tro, trùng ăn thì thành phân, ở đất thì mục nát thành đất, ở nước thì phình trướng tiêu họai, hoặc bị loài thủy trùng ăn. Trong hết thảy thây chết, thây người bất tịnh nhất. Pháp bất tịnh sẽ nói rộng trong đoạn nói về chín tưởng, như kệ nói:

Xét kỹ quán thân này,
Cuối cùng đến chỗ chết,
Khó ngăn không trở lại.
Bội ân như tiểu nhân.
Ấy gọi là cứu kính bất tịnh.

Lại nữa, thân này khi sanh khi chết, những vật để gần thân, chỗ để an thân đều thành bất tịnh; như nước sạch thơm ngon, theo trăm giòng chảy, khi đã vào biển, đều biến thành nước mặn. Các thứ mỹ vị mà thân ăn vào, dù sắc đẹp hương thơm, thượng soạn trơn mịn, khi vào biển bụng đều biến thành bất tịnh. Thân này như vậy, từ sanh đến chết, thường có bất tịnh, rất đáng nhàm ghét. Hành giả suy nghĩ: Thân này tuy bất tịnh, nếu có chút thường thì còn có thể chữa khỏi, nhưng nó lại vô thường; thân tuy bất tịnh, vô thường, nếu có chút vui thì còn có thể chữa khỏi, nhưng lại đại khổ. Thân này là nơi sanh ra khổ, như nước từ đất sanh ra, gió từ hư không sanh, lửa nhân cây mà có. Thân này như vậy, các khổ trong ngoài đều từ thân sanh ra. Khổ trong là già, bệnh, chết, v.v… Khổ ngoài là đao gậy, lạnh nóng, đói khát v.v… Vì có thân này nên có khổ ấy.

Hỏi: Thân chẳng phải chỉ là khổ; mà cũng từ thân có vui. Nếu không có thân thì năm thứ dục thuận theo ý, ai sẽ lãnh thọ?

Ðáp: Khổ đế trong Bốn Thánh đế, Thánh nhân biết nó thật là khổ, kẻ ngu cho đó là vui. Bậc thánh thật đáng nương, kẻ ngu cần xả bỏ. Thân này thật khổ, vì dứt đại khổ nên lấy tiểu khổ làm vui; cũng như người đáng phải chết, được thế mạng bằng sự hình phạt, thì thật rất vui mừng. Hình phạt thật là khổ, nhưng vì thay thế cái chết, nên cho là vui.

Lại nữa, khổ mới là vui, khổ cũ là khổ; như khi mới ngồi thì vui, ngồi lâu sanh khổ. Khi mới đi, đứng, nằm là vui, lâu cũng là khổ. Co, duỗi, cúi, ngước, xem ngó, hít thở, khổ thường theo thân. Từ khi mới thọ thai, sanh ra cho đến chết, không có lúc nào vui. Nếu ông cho sự lãnh thọ dâm dục là vui, bệnh dâm là nặng; đi tìm nữ sắc bên ngoài, tìm được càng nhiều, hoạn đến càng nặng; như khổ về bệnh ghẻ lở đưa tay vào lửa hơ, lúc ấy có được chút vui, mà thống khổ lớn lại càng sâu. Cái vui nhỏ như vậy, cũng do bệnh mà có, chứ không phải thật vui. Người không bệnh xem thấy người hơ lửa sanh tâm thương xót. Người lìa dục xem người dâm dục cũng như vậy; thương cho kẻ cuồng mê bị lửa dục thiêu đốt, thọ nhiều thì khổ nhiều. Các nhân duyên như vậy, biết rõ tướng khổ và nhân khổ của thân.

Hành giả biết thân chỉ là vật bất tịnh, vô thường, khổ, bất đắc dĩ mà phải nuôi nấng nó; ví như cha mẹ sanh con, con lại tệ ác bạo ngược, nhưng vì tự mình sanh ra nên phải nuôi nấng nó thành tựu. Thân thật vô ngã. Vì sao? Vì không tự tại. Ví như người bệnh phong, không thể cúi ngước đi lại; người bị bệnh tắc cổ họng không thể nói năng; do vậy nên biết thân không tự tại. Như người có vật, tùy ý sử dụng nó; còn thân thì không được như vậy, vì không tự tại, nên xét biết vô ngã. Hành giả suy nghĩ: Thân này bất tịnh, vô thường, khổ, không vô ngã như vậy, có vô lượng tội ác như vậy, các lối quán thân như vậy, gọi là Thân niệm xứ.

Thành tựu thân niệm xứ quán ấy, rồi lại suy nghĩ: Chúng sanh vì nhân duyên gì mà tham đắm thân này? Vì lạc thọ vậy; vì cớ sao, do sáu căn bên trong hòa hợp với sáu trần bên ngoài sanh ra sáu thức, trong sáu thức sanh ba thứ thọ: Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ. Lạc thọ là điều tất cả chúng sanh ưa muốn; khổ thọ là điều hết thảy chúng sanh không ưa muốn; bất khổ bất lạc thọ thì không lấy không bỏ, như kệ nói:

Hoặc làm người ác, hoặc xuất gia,
Chư thiên, người đời và động vật.
Trong hết thảy mười phương ngũ đạo,
Tất cả đều ưa vui ghét khổ.
Vì cuồng hoặc điên đảo vô trí,
Không biết chỗ Niết-bàn thường vui

Hành giả quán lạc thọ ấy, thật biết nó không có gì vui, mà chỉ có khổ. Vì sao? Vui là thật vui thì không có điên đảo, hết thảy cái vui của thế gian hưởng thọ, đều từ điên đảo sanh, không có chút thật.

Lại nữa, theo lạc thọ ấy, tuy muốn cầu vui, lại chỉ có thể bị đại khổ, như kệ nói:

Nếu người vào biển gặp gió dữ,
Sóng biển quật khởi như núi đen,
Nếu người vào trận lớn chiến đấu,
Qua đường hiểm lớn giữa núi dữ,
Hào quý trưởng giả uốn cong mình,
Gần gũi tiểu nhân vì sắc dục.
Các thứ đại khổ sự như vậy,
Ðều do tâm tham đắm vui thích.
Do vậy nên biết lạc thọ sanh ra các thứ khổ.

Lại nữa, tuy Phật nói ba thứ thọ, có lạc thọ, vì lạc thọ nên gọi là khổ; như một đấu mật, rót vào sông lớn, thì mất hết ý vị.

Hỏi: Nếu cái vui của thế gian, do nhân điên đảo nên khổ, vậy thì các Thánh nhân thiền định sanh ra cái vui vô lậu, phải là thật vui. Vì cớ sao? Vì cái vui ấy không từ ngu si điên đảo mà có, tại sao cái vui ấy là khổ?

Ðáp: Chẳng phải là khổ. Tuy Phật nói vô thường tức là khổ, vì là pháp hữu lậu nên nói khổ; vì người phàm phu đối với pháp hữu lậu sanh tâm nhiễm trước, vì pháp hữu lậu vô thường biến hoại cho nên sanh khổ.

Còn đối với pháp vô lậu thì tâm không nhiễm trước, nên tuy vô thường không sanh ra ưu bi khổ não, nên không gọi là khổ, cũng không bị các kiết sử sai sử vậy.

Lại nữa, nếu cái vui vô lậu là khổ thì Phật không thuyết riêng Ðạo đế, vì đã gồm vào Khổ đế rồi vậy.

Hỏi: Có hai thứ vui, là vui hữu lậu và vui vô lậu. Vui hữu lậu thì hạ tiện tệ ác, vui vô lậu thì thượng diệu. Vậy vì sao trong cái vui hạ tiện thì sanh tâm nhiễm trước, còn trong cái vui thượng diệu thì không sanh tâm nhiễm trước? Trong cái vui thượng diệu mới sanh tâm nhiễm trước nhiều; như đối với vàng bạc bảo vật thì tham đắm nặng, chứ đâu phải đồng như cây cỏ?

Ðáp: Trong cái vui vô lậu thượng diệu thì trí tuệ nhiều, trí tuệ nhiều nên có thể xa lìa sự nhiễm trước. Trong cái vui hữu lậu, các kiết sử tham ái v.v… nhiều; ái là gốc đắm trước, thật trí tuệ, có thể xa lìa ái. Do vậy cho nên không nhiễm trước.

Lại nữa, trí tuệ vô lậu, thường quán hết thảy vô thường, quán vô thường nên không sanh ra các kiết sử tham ái v.v…; Ví như dê ở gần cọp, tuy được cỏ non nước tốt, mà không thể béo mập. Như vậy, Thánh nhân tuy thọ cái vui vô lậu, nhưng quán vô thường, không, nên không sanh tâm nhiễm trước.

Lại nữa, cái vui vô lậu không lìa ba tam muội, mười sáu Thánh hạnh, thường không có tướng chúng sanh. Nếu có tướng chúng sanh, thì sanh tâm nhiễm trước. Do vậy nên cái vui vô lậu tuy thượng diệu mà không sanh tâm nhiễm trước.

Do các nhân duyên như vậy, quán lạc thọ của thế gian là khổ. Quán khổ thọ như mũi tên. Quán bất khổ bất lạc thọ là tướng vô thường bại hoại. Quán như vậy thì trong lạc thọ không sanh dục trước, trong khổ thọ không sanh sân nhuế, trong bất khổ bất lạc thọ không sanh ngu si; ấy gọi là thọ niệm xứ.

Hành giả suy nghĩ: Vì vui nên tham đắm thân. Ai thọ cái vui đó? Suy nghĩ rồi biết do tâm thọ. Chúng sanh tâm cuồng điên đảo cho nên thọ cái vui đó, hãy nên quán tướng của tâm ấy là vô thường sanh diệt, không an trụ được trong một niệm nên không thể thọ lạc. Nhưng con người vì điên đảo nên cho là được thọ lạc. Vì sao? Vì khi bắt đầu muốn thọ vui tâm sanh ra khác, trong khi cái vui sanh ra tâm lại khác, tâm trước tâm sau không bắt kịp nhau, làm sao nói tâm thọ vui được? Tâm quá khứ đã diệt nên không thọ vui; tâm hiện tại chỉ trụ trong một niệm quá mau chóng nên không biết thọ vui.

Hỏi: Quá khứ, vị lai không thể thọ vui; tâm hiện tại khi trụ trong một niệm có thể thọ vui. Vì sao nói không thọ?

Ðáp: Tôi đã nói vì nó đi quá nhanh nên không biết thọ vui.

Lại nữa, tướng các pháp là vô thường, nên không có lúc ngưng trụ; nếu tâm ngưng trụ được trong một niệm, thì đến niệm thứ hai nó cũng có thể trụ, thế là thường trụ không có tướng diệt. Nhưng như Phật nói: Hết thảy pháp hữu vi đều có ba tướng, trong trụ tướng cũng có diệt tướng; nếu không diệt, thì không phải là tướng hữu vi.

Lại nữa, nếu pháp lúc sau có diệt, thì nên biết lúc đầu cũng đã có diệt. Ví như người mặc áo mới, ngày mới mặc nếu không cũ, ngày thứ hai cũng không thể cũ; cho đến mười năm áo vẫn cứ mới mãi, không thể cũ, mà kỳ thật nó đã cũ; cho nên biết cũ với mới cùng có một lúc, chỉ vì vi tế nên không nhận biết, đến khi sự cũ đã hiện ra mới biết. Do vậy biết các pháp không có lúc ngưng trụ, làm sao có khi tâm trụ để được thọ vui? Nếu không trụ mà thọ vui, việc ấy không đúng! Do vậy nên biết thật không có cái chi thọ vui, chỉ theo pháp thế tục, vì các tâm nối nhau, nên gọi đó là một tướng thọ vui.

Hỏi: Làm sao biết hết thảy pháp hữu vi đều vô thường?

Ðáp: Trước tôi đã nói, nay sẽ đáp thêm. Pháp hữu vi ấy đều phải tùy thuộc nhân duyên nên vô thường, trước không nay có, nay có sau không, nên vô thường.

Lại nữa, tướng vô thường thường theo dõi pháp hữu vi, pháp hữu vi không có tăng giảm; hết thảy pháp hữu vi cứ xung khắc nhau nên vô thường.

Lại nữa, pháp hữu vi có hai tướng già thường theo dõi: 1- Sắp già, 2- Hư hoại già. Có hai tướng chết thường theo dõi: 1- Tự chết, 2- Kẻ khác giết chết. Do vậy nên biết hết thảy pháp hữu vi đều vô thường. Ðối trong các pháp hữu vi, tâm vô thường rất dễ thấy biết. Như Phật nói kẻ phàm phu có khi biết thân vô thường, nhưng không thể biết tâm vô thường.

Nếu phàm phu nói thân thường là còn chữa trị được; nếu nói tâm là thường thì là mê lầm quá lớn. Vì cớ sao? Thân trụ được mười năm, hoặc hai mươi năm; còn tâm thì ngày, tháng, giờ, khắc, phút chốc qua đi, sanh diệt đổi khác, niệm niệm không dừng, sắp muốn sanh lại khác sanh, sắp muốn diệt lại khác diệt. Như sự huyễn thuật, thật tướng bất khả đắc.

Do vô lượng các nhân duyên như vậy, biết tâm vô thường; ấy gọi là Tâm niệm xứ.

Hành giả suy nghĩ: “Tâm ấy thuộc ai? Ai sai khiến tâm ấy?” Quán xong, không thấy có chủ. Hết thảy pháp do nhân duyên hòa hợp nên không tự tại; không tự tại nên không tự tánh; không tự tánh nên vô ngã. Nếu vô ngã, thì ai sai khiến tâm?

Hỏi: Nên có ngã. Vì sao? Vì tâm sai khiến thân, cũng nên có ngã sai khiến tâm? Ví như vua sai sử tướng, tướng sai sử binh. Như vậy nên có ngã sai sử tâm, có tâm sai sử thân để thọ năm dục lạc?

Lại nữa, mỗi người đều có ngã tâm, nên biết thật có ngã. Nếu chỉ có thân, vì tâm điên đảo nên chấp ngã; sao không ở trong thân khác khởi chấp ngã? Do tướng ấy nên biết mỗi người đều có ngã?

Ðáp: Nếu tâm sai sử thân, có ngã sai sử tâm, thời lại phải có cái khác sai sử ngã; nếu lại có cái khác sai sử ngã, thời lại vô cùng. Lại còn có cái sai sử ngã thì sẽ có hai thần ngã. Nếu lại vô ngã, mà ngã sai sử tâm, thì cũng nên chỉ tâm sai sử thân. Nếu ông cho tâm thuộc thần ngã, trừ tâm ra thì thần ngã không biết gì; nếu không biết gì, làm sao sai sử tâm? Nếu thần ngã có tướng biết, thì còn dùng tâm làm gì? Do vậy nên biết chỉ có tâm là tướng thức tri, tự sai sử thân, không có đợi thần ngã. Như tánh lửa hay thiêu đốt vật, không cần đến người.

Hỏi: Lửa tuy có sức thiêu đốt, song không có người thì vô dụng; tâm tuy có tướng thức tri, không có thần ngã thì không sai sử được?

Ðáp: Các pháp có tướng nên có, thần ngã ấy không tướng nên không. Ông dù muốn lấy hơi thở ra vào và sự khổ vui v.v… cho là tướng thần ngã; việc ấy không đúng. Vì sao? Vì hơi thở ra vào là tướng của thân, thọ khổ vui v.v… là tướng của tâm; sao lại lấy thân và tâm làm tướng của thần ngã?

Lại nữa, hoặc có khi lửa tự có thể thiêu đốt, không đợi người; chỉ vì đời theo danh từ mà gọi là người đốt lửa. Luận lý của ông bị thua. Vì sao? Thần ngã chính là người, không nên lấy người ví dụ người. Lại ông còn nói mỗi người đều có ngã tâm, nên biết thật có ngã. Nếu chỉ có thân, mà vì tâm điên đảo nên chấp ngã, sao không ở trong thân người khác khởi tâm chấp ngã. Ðối với lý hữu ngã vô ngã ông còn chưa rõ, mà lại hỏi sao không ở trong thân người khác khởi tâm chấp ngã? Tự thân tha thân đều từ ngã mà có, ngã cũng không thể có được. Hoặc sắc tướng, hoặc vô sắc tướng; hoặc thường hoặc vô thường; hoặc biên, hoặc vô biên; có đi, không đi; tự tại, không tự tại; các tướng ngã như vậy đều không thể có được. Như đã nói ở trong đoạn “Ngã văn” ở trước.

Do các nhân duyên như vậy, quán các pháp do nhân duyên hòa hợp sanh, không có thật pháp có ngã; ấy gọi là pháp niệm xứ. Bốn niệm xứ này có ba loại là Tánh niệm xứ, Cọng niệm xứ, Duyên niệm xứ.

• Thế nào là Tánh niệm xứ? Trí tuệ quán thân gọi là Thân niệm xứ, trí tuệ quán các thọ gọi là Thọ niệm xứ; trí tuệ quán các tâm gọi là Tâm niệm xứ, trí tuệ quán các pháp gọi là Pháp niệm xứ; ấy là Tánh niệm xứ.
• Thế nào là Cọng niệm xứ? Quán thân trên hết, làm nhân duyên phát sanh đạo; hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, gọi là Thân niệm xứ. Quán thọ, quán tâm hay quán pháp trên hết, làm nhân duyên phát sanh đạo, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, gọi là Thọ, Tâm, Pháp niệm xứ; ấy là Cọng niệm xứ.
• Thế nào là Duyên niệm xứ? Hết thảy sắc pháp tức là mười nhập và một phần pháp nhập; gọi là Thân niệm xứ. Sáu thọ là nhãn xúc sanh thọ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sanh thọ, gọi là Thọ niệm xứ. Sáu thức là nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức gọi là Tâm niệm xứ. Tưởng ấm, hành ấm và ba vô vi; gọi là Pháp niệm xứ; ấy là Duyên niệm xứ.

Tánh niệm xứ: Lấy trí tuệ làm tánh; không có sắc, không thể thấy, không đối ngại; hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu; hữu lậu hữu báo, vô lậu vô báo, đều là pháp hữu vi nhân duyên sanh, thuộc vào ba đời; thuộc vào danh, thuộc vào nhập bên ngoài, do tuệ biết. Nếu hữu lậu đoạn biến tri, vô lậu là chẳng phải đoạn biến trí. Hữu lậu là có thể đoạn, vô lậu là không thể đoạn; là pháp tu, vô cấu; là quả và cũng có quả. Hết thảy chẳng phải pháp thọ, chẳng phải do bốn đại tạo thành; là pháp hữu thượng (chứ không phải pháp vô thượng). Hữu lậu niệm xứ là có, vô lậu niệm xứ là chẳng có; đều là tương ưng nhân.

Bốn niệm xứ thuộc vào một phần thiện thuộc hành uẩn của trong sáu thiện; và phần thiện hành uẩn thuộc vào Bốn niệm xứ, chứ không thuộc vào trong bất thiện và vô ký lậu.

Hoặc có Bốn niệm xứ chẳng phải pháp hữu lậu, hoặc pháp hữu lậu chẳng phải Bốn niệm xứ; hoặc có Bốn niệm xứ cũng là pháp hữu lậu, hoặc chẳng phải Bốn niệm xứ cũng chẳng phải pháp hữu lậu. Có Bốn niệm xứ chẳng phải pháp hữu lậu là Bốn niệm xứ vô lậu tánh. Pháp hữu lậu chẳng phải Bốn niệm xứ là, trừ Bốn niệm xứ hữu lậu tánh, phần hữu lậu còn lại. Có Bốn niệm xứ cũng là hữu lậu là, Bốn niệm xứ thuộc tánh hữu lậu. Chẳng phải Bốn niệm xứ cũng chẳng phải pháp hữu lậu là trừ Bốn niệm xứ thuộc tánh vô lậu, các pháp vô lậu khác còn lại. Bốn câu về vô lậu cũng như vậy.

Cọng niệm xứ: Trong Cọng niệm xứ này, thân nghiệp, khẩu nghiệp là thuộc sắc, còn lại chẳng phải sắc. Hết thảy chẳng thể thấy, đều là pháp không có đối ngại; hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu; đều là pháp hữu vi. Hữu lậu niệm xứ có báo, vô lậu niệm xứ thì không báo; là pháp nhân duyên sanh, thuộc ba đời, thuộc vào sắc của thân khẩu nghiệp; còn lại thuộc vào danh, thuộc vào tâm, ý, thức, nội nhập còn lại thuộc ngoại nhập, do tuệ biết. Nếu hữu lậu là đoạn biến tri, thì vô lậu chẳng phải đoạn biến tri.

Hữu lậu có thể đoạn, vô lậu không thể đoạn; đều là pháp tu, đều vô cấu; là quả và cũng có quả; hết thảy chẳng phải pháp thọ. Thân, khẩu nghiệp do bốn đại tạo ra, còn lại chẳng phải do bốn đại tạo; đều là pháp hữu thượng. Hữu lậu niệm xứ là có, vô lậu niệm xứ là chẳng phải có. Thân, khẩu nghiệp và các tâm tương ưng hành là chẳng phải tương ưng nhân; phần còn lại là tương ưng nhân. Năm thiện phần thu vào Bốn niệm xứ, Bốn niệm xứ cũng thu vào Năm thiện phần; phần còn lại không thu vào nhau, không gồm trong pháp bất thiện và vô ký lậu.

Hoặc có Bốn niệm xứ chẳng phải pháp hữu lậu, hoặc có pháp hữu lậu chẳng phải Bốn niệm xứ; hoặc có Bốn niệm xứ cũng là pháp hữu lậu, hoặc chẳng phải Bốn niệm xứ cũng chẳng phải pháp hữu lậu. Có Bốn niệm xứ chẳng phải pháp hữu lậu là, Bốn niệm xứ vô lậu tánh. Có pháp hữu lậu chẳng phải Bốn niệm xứ là, trừ Bốn niệm xứ hữu lậu tánh, phần pháp hữu lậu còn lại. Có Bốn niệm xứ cũng là pháp hữu lậu, là Bốn niệm xứ hữu lậu tánh. Chẳng phải pháp Bốn niệm xứ, chẳng phải pháp hữu lậu là hư không, thường duyên Diệt đế, chẳng thường thường duyên Diệt đế.

Hoặc có Bốn niệm xứ chẳng phải vô lậu, hoặc có pháp vô lậu chẳng phải Bốn niệm xứ; hoặc có Bốn niệm xứ cũng pháp vô lậu, hoặc chẳng phải Bốn niệm xứ chẳng phải pháp vô lậu. Có Bốn niệm xứ chẳng phải pháp vô lậu là Bốn niệm xứ hữu lậu tánh. Có pháp vô lậu chẳng phải Bốn niệm xứ là ba pháp vô vi. Có Bốn niệm xứ cũng là vô lậu là Bốn niệm xứ vô lậu tánh. Chẳng phải Bốn niệm xứ chẳng phải pháp vô lậu là trừ Bốn niệm xứ hữu lậu, phần pháp hữu lậu còn lại.

Duyên niệm xứ: Trong Duyên niệm xứ, Thân niệm xứ là sắc, ba niệm xứ kia chẳng phải sắc. Ba niệm xứ kia không thể thấy; Thân niệm xứ thì cần phân biệt: Thân niệm xứ có phần có thể thấy có phần không thể thấy. Phần có thể thấy là sắc nhập, phần không thể thấy là chín nhập kia và một phần pháp nhập. Ba niệm xứ không có đối ngại, một Thân niệm xứ thì cần phân biệt: Thân niệm xứ có đối ngại là Mười nhập, từ Sắc nhập đến Thân nhập và một phần Pháp nhập. Thân niệm xứ hữu lậu là Mười nhập và một phần Pháp nhập; vô lậu là một phần Pháp nhập.

Thọ niệm xứ tương ưng với hữu lậu ý là hữu lậu; tương ưng với vô lậu ý là vô lậu. Tâm niệm xứ cũng như vậy, Pháp niệm xứ thuộc hữu lậu tưởng ấm và hành ấm là hữu lậu; thuộc vô lậu tưởng ấm, hành ấm và pháp vô vi là vô lậu.

Ba niệm xứ là hữu vi, một Pháp niệm xứ thì cần phân biệt: Pháp niệm xứ thuộc tưởng ấm và hành ấm là hữu vi; ba vô vi pháp là vô vi.

Thân niệm xứ bất thiện và Thân niệm xứ hữu lậu thiện là có quả báo; Thân niệm xứ vô ký và vô lậu là không có quả báo. Thọ niệm xứ, Tâm niệm xứ, Pháp niệm xứ cũng như vậy.

Ba niệm xứ từ nhân duyên sanh, Pháp niệm xứ thì cần phân biệt: Pháp niệm xứ nếu là pháp hữu vi thì từ nhân duyên sanh; nếu là pháp vô vi thì không từ nhân duyên sanh.

Ba niệm xứ thuộc về ba đời, Pháp niệm xứ thì cần phân biệt: Pháp niệm xứ nếu là pháp hữu vi thì thuộc vào ba đời; nếu là pháp vô vì thì chẳng thuộc vào ba đời.

Thân niệm xứ thuộc về sắc, ba Niệm xứ kia thuộc về danh.

Tâm niệm xứ thuộc về nội nhập: Thọ niệm xứ, Pháp niệm xứ thuộc về ngoại nhập; một Thân niệm xứ thì cần phân biệt: Thân niệm xứ hoặc thuộc về nội nhập, hoặc thuộc về ngoại nhập. Năm nội nhập là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân thì thuộc về nội nhập, năm ngoại nhập là sắc, thanh, hương, vị, xúc và một phần pháp nhập là thuộc về ngoại nhập; do tuệ biết.

Pháp hữu lậu là đoạn kiến (là đoạn biến tri); pháp vô lậu chẳng phải đoạn kiến. Pháp hữu lậu là có thể đoạn; pháp vô lậu là không thể đoạn.

Sự tu cần phân biệt: thân niệm xứ thiện thì nên tu, bất thiện và vô ký thì không nên tu. Thọ, Tâm niệm xứ cũng như vậy. Pháp niệm xứ nếu là thiện pháp hữu vi thì nên tu; nếu bất thiện, vô ký và thường thường duyên Diệt đế thì không nên tu.

Cấu uế cần nên phân biệt: Thân niệm xứ ẩn mất là cấu, không ẩn mất là chẳng cấu. Thọ, Tâm, Pháp niệm xứ cũng như vậy.

Ba niệm xứ là quả và cũng có quả; còn một Pháp niệm xứ thì cần phân biệt: Pháp niệm xứ là quả mà chẳng có quả; hoặc là quả và cũng có quả; hoặc chẳng phải quả chẳng phải có quả. Thường thường duyên diệt đế là quả chẳng phải có quả. Hữu vi pháp niệm xứ là quả và cũng có quả. Hư không chẳng phải thường duyên diệt đế là chẳng phải quả chẳng phải có quả. Ba niệm xứ không thọ, một Thân niệm xứ thì cần phân biệt: Nếu Thân niệm xứ rơi vào thân hữu tình số là có thọ; không rơi vào thân hữu tình số là chẳng phải thọ. Ba niệm xứ chẳng phải do bốn đại tạo thành; một thân niệm xứ thì cần phân biệt: Thân niệm xứ chín nhập là sắc, hương, vị, xúc, nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và một phần của thanh nhập, pháp nhập là do bốn đại tạo; còn một phần pháp nhập chẳng phải do bốn đại tạo. Ba niệm xứ là pháp hữu thượng; một pháp niệm xứ thì cần phân biệt: Pháp niệm xứ thuộc pháp hữu vi, hư không và chẳng phải thường thường duyên diệt đế là pháp hữu thượng, Niết bàn là pháp vô thượng. Bốn niệm xứ nếu là hữu lậu là có, nếu là vô lậu là chẳng phải có. Hai niệm xứ là Thọ và Tâm niệm xứ tương ưng nhân. Một Thân niệm xứ không tương ưng nhân; còn Pháp niệm xứ thì nếu thuộc tưởng uẩn và tương ưng hành uẩn là tương ưng nhân; những pháp còn lại là bất tương ưng nhân. Bốn niệm xứ phân thuộc sáu thiện pháp, sáu thiện pháp cũng phân thuộc Bốn niệm xứ. Phần bất thiện, phần vô ký cũng tùy chủng loại thuộc nhau như thế.

Ba lậu là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu thì thuộc một phần niệm xứ; một phần niệm xứ cũng thuộc ba lậu. Hữu lậu thuộc Bốn niệm xứ phần; Bốn niệm xứ phần cũng thuộc vô lậu. Các nghĩa như vậy, nói rộng trong Thiên nạn.

Hỏi: Những gì là nội thân? Những gì là ngoại thân? Nếu như nội thân ngoại thân đều đã gồm hết tất cả, sao còn nói quán nội ngoại thân?

Ðáp: Nội là tự thân, ngoại là tha thân. Tự thân có hai: 1- Các bất tịnh trong thân, 2- Da, lông, móng, tóc ngoài thân.

Lại nữa, hành giả quán tử thi phình trướng, tiêu hoại. Lấy tướng đó để tự quán thân cũng như tướng ấy. Sự việc ấy, ta chưa lìa được tướng ấy. Thây chết là ngoại thân, thân hành giả là nội thân. Nếu như hành giả khi thấy nữ nhân đoan chánh mà sanh tâm nhiễm trước, thì liền quán thân ấy là bất tịnh, là ở bên ngoài; và tự biết thân ta cũng như vậy, là ở bên trong.

Lại nữa, năm căn nhãn, nhĩ v.v… là nội thân; năm trần, sắc, hương là ngoại thân. Bốn đại đất, nước, lửa, gió là nội thân; bốn đại sở tạo sắc, hương, vị, xúc là ngoại thân. Nơi có cảm giác khổ, vui là nội thân; nơi không có cảm giác khổ, vui là ngoại thân. Tự thân và các căn nhãn v.v… là nội thân; vợ con và các vật cần dùng như tài của ruộng nhà là ngoại thân. Vì sao? Vì hết thảy sắc pháp đều là thân niệm xứ. Hành giả tìm nơi một thân ấy có thường, lạc, ngã, tịnh chăng? Tìm xét kỹ càng đều không thể có được. Như trước đã nói trong đoạn quán pháp.

Quán bên trong đã là không thể có được; vậy quán bên ngoài hoặc là sẽ có ư? Vì sao? Vì vật bên ngoài là chỗ hết thảy chúng sanh nhiễm trước; nhưng khi quán ngoại thân cũng không thể có được. Lại suy nghĩ rằng: Ta quán bên trong là không thể có được, vậy ta hãy quán bên ngoài hoặc là có chăng? Nhưng quán bên ngoài cũng lại không thể có được!. Tự suy nghĩ rằng: Hay tại ta sai lầm, vậy nay ta sẽ quán chung cả nội ngoại. Quán trong quán ngoài ấy là tướng biệt, quán trong ngoài cùng lúc gọi là tướng tổng. Tổng quán, biệt quán rốt ráo không thể có được. Sự quán như vậy đã trọn vẹn.

Hỏi: Thân niệm xứ có thể có trong có ngoài, còn các thọ là thuộc về ngoại nhập, tại sao phân biệt có nội thọ ngoại thọ?

Ðáp: Phật nói có hai thứ thọ là thân thọ và tâm thọ. Thân thọ là ngoài, tâm thọ là trong.

Lại có thọ tương ưng với năm thức là ngoài, thọ tương ưng với ý thức là trong. Do mười hai nhập làm nhân duyên nên có các thọ phát sanh, thọ sanh từ phía sáu nội nhập gọi là trong; thọ sanh từ phía sáu ngoại nhập gọi là ngoài. Thô thọ là ngoài, tế thọ là trong. Hai thứ khổ là nội khổ và ngoại khổ. Nội khổ có hai là thân khổ và tâm khổ. Thân khổ là thân bị bốn trăm lẻ bốn bệnh như đau thân, đau đầu v.v…; ấy là thân khổ. Tâm khổ là lo, buồn, giận, sợ, ghen ghét, nghi ngờ v.v…; ấy là tâm khổ. Hai khổ ấy hợp lại là nội khổ. Ngoại khổ có hai: Một là vương giả hơn mình, ác tặc, sư tử, hổ lang, rắn rết bức hại mình. Hai là gió, mưa, lạnh, nóng, sấm chớp, sét đánh v.v… Hai thứ khổ này gọi là ngoại khổ. Thọ vui, thọ không khổ không vui cũng như vậy.

Lại nữa, duyên nội pháp là nội thọ, duyên ngoại pháp là ngoại thọ.

Lại nữa, một trăm linh tám thọ là nội thọ, phần còn lại là ngoại thọ.

Hỏi: Tâm là thuộc về nội nhập, sao nói quán ngoại tâm?

Ðáp: Tâm tuy thuộc về nội nhập; song vì duyên ngoại pháp nên gọi là ngoại tâm. Ý thức là nội tâm, ngũ thức là ngoại tâm. Nhiếp tâm vào thiền là nội tâm, tâm tán loạn là ngoại tâm. Tâm tương ưng với năm cái, bên trong bảy giác; bên trong ấy là nội tâm. Tâm tương ưng với năm triền cái bên ngoài, bảy giác bên ngoài, ấy là ngoại tâm. Các thứ phân biệt trong ngoài như vậy, ấy là nội tâm ngoại tâm.

Hỏi: Pháp niệm xứ là thuộc về ngoại nhập, tại sao nói quán nội pháp?

Ðáp: Trừ thọ, các tâm sở pháp khác hay duyên nội pháp, tâm sở pháp là nội pháp; hay duyên ngoại pháp tâm sở pháp, vô vi, tâm bất tương ưng hành, ấy là ngoại pháp.

Lại nữa, pháp của ý thức duyên gọi là pháp. Như Phật nói: “Nương duyên sanh ý thức”. Trong đây trừ thọ, các tâm sở pháp khác là nội pháp, các tâm bất tương hành và pháp vô vi; ấy là ngoại pháp.

Bốn chánh cần có hai: 1- Tánh chánh cần, 2- Cọng chánh cần. Tánh chánh cần là vì Ðạo nên tu bốn thứ tinh tấn, là tinh tấn ngăn ngừa hai pháp bất thiện và tu tập hai pháp thiện. Khi quán Bốn niệm xứ, nếu có tâm giải đãi, hoặc các phiền não như năm cái che tâm hay khi xa lìa năm thiện căn là tín, tấn v.v… mà các pháp bất thiện đó đã sanh thì siêng tinh tấn dứt trừ, nếu chưa sanh thì tinh tấn không để cho sanh. Còn năm thiện căn tín, tấn v.v… nếu chưa sanh thì tinh tấn làm cho sanh, nếu đã sanh thì tinh tấn làm cho tăng trưởng. Pháp tinh tấn đối với Bốn niệm xứ nhiều thì được gọi là chánh cần.

Hỏi: Sao trong bảy loại pháp là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm Lực, Bảy giác chi, Tám chánh đạo; chỉ bốn hạnh này gọi là Chánh cần, và tám thứ sau thì gọi là Chánh đạo, ngoài ra đều không gọi là chánh?

Ðáp: Bốn tinh tấn thì tâm dõng mãnh phát động, sợ sai lầm nên gọi là Chánh cần; hành đạo hướng đến pháp, sợ đọa tà pháp, nên gọi là Chánh đạo.

Tánh là bốn tánh tinh tấn. Cọng là bốn tánh tinh tấn đều làm nhân duyên đầu tiên phát sanh Chánh đạo. Hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu; hoặc sắc, hoặc vô sắc; như trên đã nói.

Khi thực hành Bốn chánh cần, nếu tâm hơi bị tán loạn, lấy định thu nhiếp lại, đó gọi là Như ý túc. Ví như đồ ăn ngon, thiếu muối thì vô vị, được muối thì vị đầy đủ như ý. Lại như người có hai chân, lại có được ngựa tốt, xe tốt thì đi đến nơi như ý. Hành giả như vậy, được thật trí tuệ về Bốn niệm xứ, chánh tinh tấn trong Bốn chánh cần, do tinh tấn nên trí tuệ tăng nhiều mà định lực giảm yếu, được có Bốn định thu nhiếp tâm lại, làm cho định tuệ ngang nhau, mà sở nguyện đều thành tựu; ấy gọi là Như ý túc.

Hỏi: Trong Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần đã có định; sao không gọi là Như ý túc?

Ðáp: Kia tuy có định, mà trí tuệ tinh tấn lực nhiều, định lực yếu hành giả không được như ý nguyện. Bốn định là, do dục làm chủ mà đắc định, do tinh tấn làm chủ mà đắc định, do định làm nhân duyên phát sanh đạo; hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu. Do tâm làm chủ mà đắc định, do tư duy làm chủ mà đắc định, do định làm nhân duyên phát sanh đạo; hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu. Cọng với thiện ngũ uẩn gọi là cọng như ý, Bốn định do dục làm chủ phát sanh v.v… gọi là Tánh như ý. Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, như trong tánh niệm xứ, cọng niệm xứ đã phân biệt nói rộng.

Năm căn là tin vào đạo và thiện pháp trợ đạo, gọi là Tín căn. Khi thực hành đạo và pháp trợ đạo ấy, siêng cầu không ngừng, gọi là Tinh Tấn căn. Nhớ nghĩ đạo và pháp trợ đạo, không còn nghĩ gì khác, gọi là Niệm căn. Nhất tâm nhớ nghĩ không tán lọan gọi là Ðịnh căn. Vì đạo và pháp trợ đạo quán mười sáu hành tướng như vô thường, khổ v.v… gọi là Tuệ căn. Năm căn tăng trưởng không bị phiền não phá hoại thì gọi là Năm lực. Như đã nói trong Năm căn.

Năm căn, năm lực này thuộc trong hành uẩn, thường chung tương ưng, theo tâm hành động, là tâm sở pháp, chung với tâm sanh, chung với tâm trú, chung với tâm diệt. Nếu có năm pháp này là theo chánh định, nếu không có năm pháp này là rơi vào tà định. Nghĩa của Bảy giác phần, như trước đã nói.

Hỏi: Trước tuy đã nói nghĩa Bảy giác phần, song chẳng phải nói theo pháp A-tỳ-đàm?

Ðáp: Nay sẽ nói tiếp. Cũng như nghĩa của Bốn niệm xứ, Bảy giác phần này là vô sắc, không thể thấy, không đối ngại; là vô lậu, hữu vi, nhân duyên sanh, nhiếp về ba đời, thuộc về danh, thuộc về ngoại nhập; do tuệ biết, chẳng phải đoạn biến tri, chẳng phải đoạn; là pháp tu, pháp vô cấu; là quả và cũng có quả; chẳng phải pháp thọ, chẳng phải do bốn đại tạo; là pháp hữu thượng, chẳng phải có; là tương ưng nhân. Hai thiện phần (hữu lậu thiện, vô lậu thiện) gồm Bảy giác phần; Bảy giác phần gồm hai thiện phần, không gồm vào pháp bất thiện, vô ký lậu và hữu lậu. Hai phần vô lậu (hữu vi vô lậu, vô vi vô lậu) gồm Bảy giác phần; Bảy giác phần gồm hai phần vô lậu. Các nghĩa như vậy v.v… như trong Thiên nạn có nói rộng.

Tám Thánh đạo phần như trước đã nói. Chánh kiến là trí tuệ, như đã nói trong Bốn niệm xứ, tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác. Chánh tư duy là khi quán Bốn đế có tâm vô lậu tương ưng, suy nghĩ phát động, giác biết đo lường. Chánh phương tiện là như đã nói trong Bốn Chánh cần, Tinh tấn căn, Tinh tấn lực, Tinh tấn giác. Chánh niệm là như đã nói trong Niệm căn, Niệm lực, Niệm giác. Chánh định là như đã nói trong ý túc, định căn, định lực, định giác. Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng nay sẽ nói. Trừ bốn thứ tà mạng thuộc về khẩu nghiệp, dùng vô lậu trí tuệ trừ bỏ xa lìa các khẩu tà nghiệp; ấy là Chánh ngữ. Chánh nghiệp cũng như vậy. Dùng trí tuệ vô lậu trừ bỏ xả ly năm thứ tà mạng; gọi là Chánh mạng.

Hỏi: Những gì là năm thứ tà mạng?

Ðáp:

  1. Nếu hành giả vì lợi dưỡng, dối trá hiện tướng kỳ đặc.
  2. Vì lợi dưỡng tự nói công đức của mình.
  3. Vì lợi dưỡng, xem tướng cát hung để nói cho người.
  4. Vì lợi dưỡng, to tiếng hiện oai khiến người khiếp sợ.
  5. Vì lợi dưỡng, khen ngợi công đức cúng dường để khích động lòng người.

Dùng nhân duyên tà vạy để nuôi sống, ấy gọi là tà mạng.

Tám chánh đạo này gồm ba phần: Ba thứ là Giới phần, ba thứ là Ðịnh phần, hai thứ là Tuệ phần. Tuệ phần, Ðịnh phần như trước đã phân biệt nói, riêng Giới phần nay sẽ nói. Giới phần là sắc tánh (vô biểu sắc), không thể thấy, không có đối ngại; thuộc vô lậu, hữu vi, không báo, nhân duyên sanh, nhiếp về ba đời, nhiếp về sắc chẳng phải nhiếp về danh, nhiếp về ngoại nhập, do tuệ biết. Chẳng phải đoạn kiến (nên hiểu là đoạn biến tri) chẳng thể đoạn; là pháp tu, pháp vô cấu; là quả và cũng có quả, chẳng phải pháp thọ, do bốn đại tạo; là pháp hữu thượng, pháp chẳng phải có, chẳng phải tương ưng nhân. Một thiện phần (hữu lậu thiện) gồm ba chánh (ngữ, nghiệp, mạng), ba chánh thuộc một thiện phần, không thuộc vào bất thiện, hữu lậu, vô ký lậu. Một pháp vô lậu thuộc ba chánh; ba chánh cũng thuộc một pháp vô lậu. Các lối phân biệt như vậy, như trong A-tỳ-đàm đã nói rộng.

Ba mươi bảy đạo phẩm này, ở Sơ thiền địa có đủ, trong Vị đáo địa có ba mươi sáu, trừ hỷ giác. Trong đệ Nhị thiền cũng có ba mươi sáu; trừ Chánh hạnh (chánh cần). Trong trung gian thiền, đệ Tam, đệ Tứ thiền đều có ba mươi lăm; trừ hỷ giác, chánh hạnh. Trong ba vô sắc định có ba mươi hai; trừ hỷ giác, chánh hạnh, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Trong Hữu đảnh địa có hai mươi hai; trừ bảy giác phần, Tám thánh đạo phần. Trong Dục giới có hai mươi hai, cũng như vậy. Ðây là phân biệt nói ở trong pháp Thanh văn.

Hỏi: Trong Ðại thừa nói nghĩa Ba mươi bảy đạo phẩm như thế nào?

Ðáp: Ðại Bồ-tát thực hành Bốn niệm xứ, quán nội thân là vô thường, khổ, như bệnh như ung, thịt xương tụ tập bại hoại, đầy dẫy bất tịnh, chín lỗ thường chảy ra, đó là nhà xí. Như vậy quán thân lộ bày xấu xa, không một chỗ sạch, thịt lấp xương vóc, gân buộc, da bọc. Do chịu nghiệp nhân hữu lậu đời trước và do đời nay tắm rửa, hương hoa, y phục, ăn uống, ngọa cụ, thuốc men v.v… tạo thành. Như xe có hai bánh, do sức bò kéo có thể đi đến được. Do nhân duyên hai đời làm thành xe thân, do con Bò “thức” kéo qua lại quanh co. Thân này do bốn đại hòa hợp tạo thành giống như bọt nước, trống rỗng không kiên cố. Thân này vô thường, lâu chắc phải bị phá hoại. Tướng của thân này không thể tìm thấy ở trong thân, cũng không ở ngoài thân, cũng không ở chặng giữa. Thân tự không biết, vô tri vô tác, giống như tường vách ngói đá. Trong thân này không có thân tướng nhất định, không có ai làm ra thân này, cũng không có ai sai khiến làm. Thân này đời trước, đời này, đời sau đều không thể có được. Có tám vạn hộ trùng, vô lượng các bệnh và các thứ đói khát, lạnh nóng, hình thể suy tàn, v.v… thường bức não thân này.

Ðại Bồ-tát quán thân như vậy, biết chẳng phải thân ta, cũng chẳng phải thân người khác, không được tự tại làm và không làm. Thân tướng của thân này trống, do nhân duyên hư vọng sanh ra. Thân này là giả có, thuộc nghiệp nhân duyên của đời trước. Bồ-tát tự suy nghĩ: Ta không nên tiếc thân này. Vì cớ sao? Vì thân tướng này không hợp không tán, không đến không đi, không sanh không diệt, không nương tựa. Dựa theo thân, quán thân này là vô ngã, vô ngã sở cho nên không, vì không cho nên không các tướng nam nữ. Không các tướng cho nên không ước nguyện. Quán như vậy được vào môn Vô tác trí, biết thân không làm, không có kẻ làm, chỉ do các pháp nhân duyên hòa hợp sanh. Các nhân duyên làm ra thân này cũng lại từ hư vọng điên đảo mà có, chính trong nhân duyên ấy cũng không có tướng nhân duyên. Nhân duyên ấy sanh, cũng không có tướng sanh. Suy nghĩ như vậy biết thân này từ xưa đến nay không có tướng sanh, biết thân này là vô tướng, không thể chấp thủ. Vô sanh nên vô tướng, vô tướng nên vô sanh. Chỉ dối gạt kẻ phàm phu nên gọi là thân. Bồ-tát khi quán thật tướng của thân như vậy, lìa xa các ái trước dục nhiễm. Tâm thường buộc niệm ở nơi thân, tùy theo thân quán như vậy, gọi là Bồ-tát quán thân niệm xứ. Quán ngoại thân, quán nội ngoại thân cũng như vậy.

• Bồ-tát quán Thọ như thế nào? Quán nội thọ. Thọ này có ba thứ là hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui. Các thọ ấy không từ đâu đến, diệt không đi về đâu, chỉ theo hư cuồng điên đảo vọng tưởng sanh; là báo quả, thuộc nhân duyên nghiệp đời trước. Bồ-tát cầu tìm các thọ như vậy, không ở trong quá khứ, không ở vị lai, không ở hiện tại; biết các thọ ấy là không, vô ngã, vô ngã sở, vô thường phá hoại. Quán các thọ ba đời ấy là không, vô tướng, vô tác, được vào môn giải thoát. Cũng quán các thọ sanh diệt, cũng biết các thọ không hợp không tan, không sanh không diệt, như vậy được vào môn vô sanh. Biết các thọ vô sanh nên vô tướng, vô tướng nên vô sanh. Biết như vậy rồi, buộc tâm ở trong quán duyên, hoặc có khổ, có vui, không khổ không vui đưa đến, tâm không lãnh thọ, không ái trước, không nương tựa. Do các nhân dyên như vậy quán các thọ, ấy gọi là Thọ niệm xứ. Quán ngoại thọ, quán nội ngoại thọ cũng như vậy.

• Bồ-tát quán tâm niệm xứ như thế nào? Bồ-tát quán nội tâm. Nội tâm ấy có ba thứ là sanh, trụ, diệt. Suy nghĩ rằng: Tâm này sinh không từ đâu đến, diệt cũng không đi về đâu, chỉ theo nhân duyên trong ngoài hòa hợp sanh, tâm ấy không có thật tướng nhất định, cũng không thật sanh, trụ, diệt; cũng không ở trong quá khứ vị lai, hiện tại. Tâm ấy không ở trong, ở ngoài, không ở chặng giữa. Tâm ấy cũng vô tánh vô tướng, cũng không ai sanh, không ai khiến sanh. Do bên ngoài có nhân duyên của sáu trần, bên trong có tâm tưởng điên đảo, sanh diệt tiếp nối nên miễn cưỡng gọi là tâm. Trong tâm như vậy, thật tướng của tâm không thể có được. Tánh của tâm ấy bất sanh bất diệt, thường là tướng tịnh, bị tướng khách trần phiền não nhiễm trước nên gọi là tâm bất tịnh.

Tâm không tự biết tâm. Vì cớ sao? Vì tâm ấy, tướng của tâm là không. Tâm ấy gốc ngọn không có thật pháp. Tâm ấy với các pháp không hợp không tan; cũng không đời trước, đời sau, đời giữa; không sắc, không hình, không đối ngại; chỉ là điên đảo hư vọng sanh. Tâm ấy là không, vô ngã, vô ngã sở, không thường, không thật; ấy gọi là tùy thuận quán tâm. Biết tướng của tâm vô sanh, được vào trong vô sanh pháp. Vì cớ sao? Vì tâm ấy vô sanh, vô tánh, vô tướng, người trí biết được. Người trí tuy quán tướng sanh diệt của tâm cũng không thấy có pháp thật sanh thật diệt, không phân biệt nhơ sạch, mà tâm được thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh nên không bị khách trần phiền não cấu nhiễm. Như vậy v.v… quán nội tâm. Quán ngoại tâm, quán nội ngoại tâm cũng như vậy.

• Bồ-tát quán pháp niệm xứ như thế nào? Quán hết thảy pháp không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa; không ở trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại; chỉ theo nhân duyên hòa hợp vọng kiến sanh ra, không có thật tướng nhất định, không có pháp ấy, pháp ấy của ai. Trong các pháp, tướng của pháp là không thể có được, cũng không có pháp hoặc hợp hoặc tan. Hết thảy pháp không có gì có như hư không. Hết thảy pháp hư dối như huyễn, tánh các pháp vốn tịnh, không ô nhiễm nhau.

Các pháp không có thọ; các pháp không có gì; các pháp không thể biết được, vì tâm sở pháp hư dối vậy. Khi quán như vậy, không thấy có pháp hoặc tướng một, hoặc tướng khác. Quán hết thảy pháp là không, vô ngã, không có tự tánh; ấy thật là không, thật không nên không có tướng, không có tướng nên không có tạo tác; không tạo tác nên không thấy pháp hoặc sanh hoặc diệt. Trụ trong trí tuệ ấy, được vào môn Vô sanh pháp nhẫn. Bấy giờ tuy quán các pháp sanh diệt cũng vào môn vô tướng. Vì cớ sao? Vì hết thảy pháp lìa các tướng, người trí đã biết rõ.

Khi quán như vậy, buộc tâm vào trong quán duyên, thuận theo các pháp tướng, không nhớ niệm thân, thọ, tâm, pháp; biết bốn pháp ấy không có nơi chỗ; ấy là nội pháp niệm xứ. Ngoại pháp niệm xứ, nội ngoại pháp niệm xứ cũng như vậy. Bốn chánh cần, bốn như ý túc cũng cần phân biệt như vậy, quán nó là không, không có nơi chỗ.

• Bồ-tát thực hành năm căn như thế nào? Ðại Bồ-tát quán Năm căn, tu Năm căn.

Tín căn là tin hết thảy pháp do nhân duyên sanh, do tâm điên đảo vọng kiến sanh; như vòng lửa quay, như mộng như huyễn. Tin các pháp là bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã; như bệnh như ung, như gai nhọn, tai biến bại hoại. Tin các pháp không gì có; như nắm tay không dối trẻ nhỏ. Tin các pháp không ở trong quá khứ, không ở trong vị lai, không ở trong hiện tại, không từ đâu đến, diệt không đi về đâu. Tin các pháp là không, vô tướng vô tác, bất sanh bất diệt. Vô tác vô tướng mà tin sự trì giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Ðược tín căn ấy, không còn bị thối chuyển. Lấy tín căn làm đầu, khéo trì tịnh giới, trụ trong sự trì giới rồi thì tín tâm không động không chuyển. Nhất tâm tin chắc nương nghiệp có quả báo, xa lìa các tà kiến, không còn tin các lời lẽ khác, chỉ thọ trì Phật pháp, tin chúng Tăng. Trụ trong thật đạo, trực tâm nhu nhuyến hay nhẫn, thông đạt vô ngại, không lay động không biến hoại, đắc lực tự tại, ấy gọi là Tín căn. Tinh tấn căn là ngày đêm thường tu hành tinh tấn, khước trừ năm điều che lấp, bảo hộ năm căn, muốn được, muốn biết, muốn thực hành, muốn tụng, muốn đọc, cho đến muốn nghe các kinh pháp thâm diệu.

Nếu các pháp ác bất thiện khởi lên, liền khiến nó tiêu diệt; nếu chưa sanh khởi khiến cho không sanh khởi; còn các pháp thiện chưa sanh thì làm cho sanh, đã sanh làm cho tăng trưởng rộng lớn. Cũng như không ghét pháp bất thiện, cũng không ưa pháp thiện, được sự tinh tiến bình đẳng, tiến thẳng không lui chuyển, được chánh tinh tiến định tâm, nên gọi là Tinh tấn căn.

Niệm căn là Bồ-tát thường nhất tâm niệm tưởng muốn đầy đủ bố thí, trì giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, muốn tịnh thân khẩu ý nghiệp, thường nhất tâm niệm ở trong trí biết về các pháp sanh, diệt, trú, dị. Nhất tâm niệm khổ, tập, diệt, đạo. Nhất tâm niệm phân biệt căn, lực, giác, đạo, thiền định, giải thoát, sanh diệt vào ra. Nhất tâm niệm các pháp bất sanh bất diệt, không làm không nói, để được trí tuệ vô sanh nên đầy đủ các Phật pháp. Nhất tâm niệm không để cho tâm Thanh-văn, Bích-chi Phật xen vào. Thường niệm không quên các pháp thậm thâm thanh tịnh như vậy, quán hạnh thành tựu, được niệm tự tại như vậy, ấy gọi là Niệm căn.

Ðịnh căn là Bồ-tát khéo giữ lấy tướng định, hay sanh các thứ thiền định, rõ ràng biết các môn định, khéo biết vào định, khéo biết trú định, khéo biết xuất định; nơi định không đắm trước, không ưa thích, không nương tựa; khéo biết sở duyên, khéo biết duyên hoại, tự tại nhập vào các thiền định; cũng biết định vô duyên, không theo lời người khác, không chuyên theo hạnh thiền định, tự tại ra vào vô ngại; ấy gọi là Ðịnh căn.

Tuệ căn là Bồ-tát vì để dứt hết khổ, thành tựu trí tuệ bậc Thánh. Trí tuệ ấy là vì xa lìa các pháp, vì Niết-bàn. Dùng trí tuệ quán hết thảy ba cõi vô thường, bị ba thứ suy, ba lửa dục thiêu đốt. Quán xong, trong ba cõi, trí tuệ cũng không đắm hết thảy ba cõi, mà chuyển thành môn Không, Vô tướng, Vô tác giải thoát. Nhất tâm cầu Phật pháp như cứu lửa cháy đầu. Trí tuệ ấy của Bồ-tát không ai phá hoại được. Không nương tựa trong ba cõi, tâm thường xa lìa năm dục tùy ý, do tuệ căn lực, chứa nhóm vô lượng công đức, thông lợi chứng thật tướng các pháp, không nghi không nạn; đối thế gian không ưu, đối Niết-bàn không hỷ, được trí tuệ tự tại, ấy gọi là Tuệ căn.

Bồ-tát thành được Năm căn này, khéo biết tướng căn của chúng sanh, biết căn của chúng sanh nhiễm dục, biết căn của chúng sanh ly dục, biết căn của chúng sanh sân nhuế, biết căn của chúng sanh lìa sân nhuế, biết căn của chúng sanh ngu si, cũng biết căn của chúng sanh lìa ngu si. Biết căn của chúng sanh muốn đọa ác đạo, biết căn của chúng sanh muốn sanh trong cõi người, biết căn của chúng sanh muốn sanh lên cõi trời; biết căn của chúng sanh độn, biết căn của chúng sanh lợi, biết căn của chúng sanh có bậc thượng, trung, hạ; biết căn của chúng sanh có tội, biết căn của chúng sanh vô tội; biết căn của chúng sanh thuận nghịch; biết căn của chúng sanh sẽ sanh vào cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc; biết căn của chúng sanh có căn lành thâm hậu, căn lành mỏng; biết căn của chúng sanh chánh định, tà định, bất định tụ; biết căn của chúng sanh nhẹ nhàng, biết căn của chúng sanh thô bạo, biết căn của chúng sanh xan tham, biết căn của chúng sanh hay buông thả, biết căn của chúng sanh cung kính, biết căn của chúng sanh không cung kính; biết căn của chúng sanh tịnh giới, bất tịnh giới; biết căn của chúng sanh sân nhuế hay nhẫn nhục; biết căn của chúng sanh tinh tấn hay giải đãi; biết căn của chúng sanh loạn tâm, nhiếp tâm, ngu si hay trí tuệ; biết căn của chúng sanh không sợ có sợ; biết căn của chúng sanh tăng thượng mạn hay không tăng thượng mạn; biết căn của chúng sanh chánh đạo hay tà đạo; biết căn của chúng sanh có thủ hộ hay không thủ hộ; biết căn của chúng sanh cầu Thanh-văn; biết căn của chúng sanh cầu Bích-chi-Phật; biết căn của chúng sanh cầu Phật đạo. Ðối với sự biết căn của chúng sanh, được sức phương tiện tự tại, gọi là biết căn.

Bồ-tát thực hành Năm căn tăng trưởng, phá được phiền não, độ chúng sanh được Vô sanh Pháp nhẫn, ấy là lực. Lại thiên ma ngoại đạo không thể hủy hoại, ấy là lực. Bảy giác phần là Bồ-tát đối với hết thảy pháp không nhớ không nghĩ, ấy gọi là niệm giác phần. Trong hết thảy pháp tìm thiện pháp, bất thiện pháp, vô ký pháp không thể có được, ấy là trạch giác giáp phần. Không vào ba cõi, phá hoại ba cõi, ấy gọi là tinh tấn giác phần. Ðối với hết thảy tạo tác không sanh tâm ưa đắm, vì tướng lo mừng hư hoại lẫn nhau, ấy là hỷ giác phần. Ðối với hết thảy pháp, tâm khinh an duyên không thể có được, ấy gọi là trừ giác phần. Biết hết thảy pháp tướng thường định, không loạn không tán, ấy gọi là định giác phần. Ðối với hết thảy pháp không đắm trước, không nương tựa, cũng không thấy tâm xả ấy, ấy gọi là xả giác phần. Bồ-tát quán bảy giác phần đều “không” như vậy.

Hỏi: Bảy giác phần này, sao chỉ nói lược?

Ðáp: Trong Bảy giác phần, Niệm, Tuệ, Tinh tấn, Ðịnh trên kia đã nói rộng, ba giác phần còn lại nay sẽ nói: Bồ-tát thực hành Hỷ giác phần, quán hỷ ấy không thật. Vì sao? Vì hỷ nầy do nhân duyên sanh, là pháp tạo tác, pháp có, pháp vô thường, pháp có thể ưa đắm. Nếu sanh tâm ưa đắm, khi tướng vô thường ấy biến hoại thì sanh lo, kẻ phàm phu vì tâm điên đảo nên sanh tâm đắm trước. Nếu biết các pháp thật là không, bấy giờ tâm sanh hối hận rằng, ta phải chịu hư dối; ví như người ở trong chỗ tối, bị đói khát bức bách, ăn nhằm vật bất tịnh, ban ngày quán biết, mới biết đó là lầm. Nếu quán như vậy ở trong thật trí tuệ sanh mừng, ấy là chơn hỷ. Ðược chơn hỷ này, trước hết trừ được thân thô trọng, thứ đến trừ được tâm thô trọng, sau mới trừ hết thảy pháp tướng, được sự an lạc có khắp trong thân tâm; ấy là trừ giác phần (khinh an giác chi). Ðã được hỷ và trừ giác phần thì bỏ các quán hạnh, là vô thường quán, khổ quán, không, vô ngã quán, sanh diệt quán, bất sanh bất diệt quán, hữu quán, vô quán, phi hữu phi vô quán. Như vậy xả hết các hý luận. Vì cớ sao? Vì vô tướng, vô duyên., vô tác, vô hý luận, thường tịch diệt là pháp tướng thật. Nếu không thực hành việc xả bỏ, liền có các tranh cãi. Nếu cho có là thật, thì cho không là hư dối; nếu cho không là thật, thì cho có là hư dối. Ðối với thật thì ưa đắm, đối với hư thì giận ghét. Nơi sanh ra lo, mừng như vậy cớ sao không xả? Ðược hỷ, trừ, xả giác phần như vậy thì bảy giác phần được đầy đủ viên mãn. Tám thánh đạo phần thì chánh kiến, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định như trên đã nói.

Chánh tư duy nay sẽ nói: Bồ-tát đối với các pháp không, vô sở đắc. Trú ở trong chánh kiến như vậy, quán xét tướng của chánh tư duy; biết tất cả tư duy đều là tà tư duy, cho đến tư duy Niết-bàn, tư duy Phật, đều cũng như vậy. Vì sao? Vì dứt hết thảy tư duy phân biệt; ấy gọi là Chánh tư duy. Các tư duy phân biệt đều do bất thật hư dối điên đảo nên có, tướng phân biệt tư duy đều không. Bồ-tát trụ trong Chánh tư duy như vậy, không còn thấy là chánh là tà, vượt qua mọi tư duy phân biệt; ấy gọi là chánh tư duy. Hết thảy tư duy phân biệt đều bình đẳng, đều bình đẳng cho nên tâm không đắm trước; như vậy là tướng chánh tư duy của Bồ-tát.

Chánh ngữ là Bồ-tát biết hết thảy ngôn ngữ đều do phân biệt thủ tướng hư vọng bất thực điên đảo mà sanh ra. Khi ấy Bồ-tát nghĩ rằng: Trong ngôn ngữ không có tướng ngôn ngữ, dứt hết thảy các khẩu nghiệp, biết thật tướng các ngôn ngữ; ấy là chánh ngữ. Các ngôn ngữ ấy không từ đâu lại, diệt cũng không đi về đâu; ấy là Bồ-tát thực hành chánh ngữ. Có nói năng gì đều trú ở trong thật tướng mà nói ra, do vậy nên các kinh nói: Bồ-tát trụ ở trong chánh ngữ, hay khởi các khẩu nghiệp thanh tịnh; biết chơn tướng của hết thảy ngữ ngôn, tuy nói mà không bị rơi vào tà ngữ. Chánh nghiệp là Bồ-tát biết hết thảy tà tướng của nghiệp, hư vọng không thật, đều không có tướng tạo tác. Vì cớ sao? Vì không có một nghiệp nào được có tướng nhất định.

Hỏi: Nếu hết thảy nghiệp đều không, tại sao Phật nói bố thí v.v… là nghiệp thiện , sát sanh v.v… là nghiệp bất thiện ; siêng làm các việc khác là nghiệp vô ký?

Ðáp: Trong các nghiệp còn không có một huống gì có ba. Vì sao? Như lúc đi đã đến thì không có nghiệp đi (sự đi), chưa đến cũng không có nghiệp đi, hiện tại đang đi cũng không có nghiệp đi. Do vậy nên không có nghiệp đi.

Hỏi: Ðã đến nơi thì có thể không, chưa đến nơi thì có thể không, còn hiện tại chỗ đang đi thì phải là có đi chứ?

Ðáp: Chỗ hiện đang đi cũng không có đi. Vì sao? Vì trừ nghiệp đi, chỗ hiện đang đi không thể có được. Nếu trừ nghiệp đi, có chỗ hiện đang đi, thì trong đó có thể có đi, nhưng không phải vậy. Trừ chỗ hiện đang đi thì không có nghiệp đi, trừ nghiệp đi thì không có chỗ hiện đang đi; vì cùng làm duyên chung với nhau nên không được chỉ nói chỗ hiện đang đi là có đi. Lại nữa, nếu chỗ hiện đang đi có nghiệp đi, thì lìa nghiệp đi nên phải có chỗ hiện đang đi, lìa chỗ hiện đang đi nên phải có nghiệp đi.

Hỏi: Nếu như vậy có lỗi gì?

Ðáp: Vì trong một lúc có hai nghiệp đi. Nếu có hai nghiệp đi thì có hai người đi. Vì cớ sao? Trừ người đi thì không có đi. Nếu trừ người đi, chỗ hiện đang đi không thể có được; không có chỗ hiện đang đi thì cũng không có người đi.

Lại nữa, người không đi cũng không đi, cho nên không có nghiệp đi. Nếu trừ người đi và người không đi, thì lại không có người đi thứ ba.

Hỏi: Người không đi, thì không đi là như vậy; còn người đi cớ sao nói là không đi?

Ðáp: Trừ nghiệp đi, người đi không thể có được. Trừ người đi, nghiệp đi không thể có được. Như vậy, hết thảy pháp nghiệp đều không; ấy gọi là Chánh nghiệp.

Các Bồ-tát chứng nhập lý các nghiệp bình đẳng, không cho tà nghiệp là ác, không cho chánh nghiệp là thiện. Không tạo tác gì, không tác chánh nghiệp, không tác tà nghiệp; ấy gọi là thật trí tuệ, tức là chánh nghiệp.

Lại nữa, trong các pháp bình đẳng, không chánh không tà, như thật biết các nghiệp, biết như thật rồi không tạo tác, không ngừng nghỉ, như vậy người trí thường có chánh nghiệp, không có tà nghiệp; ấy gọi là chánh nghiệp của Bồ-tát.

Chánh mạng là hết thảy đồ giúp nuôi mạng sống đều chánh chứ không tà. Trụ trong trí bất hý luận, không thủ chánh mạng, không xả tà mạng, cũng không ở trong chánh pháp, cũng không ở trong tà pháp, mà thường ở trong trí thanh tịnh, chứng nhập lý bình đẳng chánh mạng, không thấy mạng, không thấy phi mạng. Thực hành thật trí tuệ như vậy, nên gọi là Chánh mạng.

Nếu Bồ-tát quán được Ba mươi bảy đạo phẩm ấy thì vượt qua Thanh-văn, Bích-chi Phật địa mà vào trong địa vị Bồ-tát, dần dần thành được Nhất thiết chủng trí.