Cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1968 của Cộng Sản Bắc Việt vào các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam là một sự tính toán chiến lược và chiến thuật hoàn toàn sai lầm. Sau hơn 10 năm đem đoàn quân sinh bắc tử nam vào đàn áp dân Nam ở các quận lỵ xa xôi hẻo lánh và luồn lách vào hàng ngũ dân sự ở thành phố, Cộng Sản Việt Nam ngỡ rằng đã thu phục được lòng dân Nam. Họ không ngờ dưới mắt người dân miền Nam, Cộng Quân chỉ là những tên khủng bố vô nhân tính và man rợ. Thế cho nên chỉ trong vòng ít tiếng đồng hồ cuộc tổng tiến công chẳng những bị thất bại nhanh chóng mà dân chúng cũng đã chỉ điểm những hang ổ Cộng Sản rải rác ở các thành phố để đám tàn quân phiến loạn bị tân diệt hoàn toàn,
Riêng ở Huế đặc công khủng bố và quân chính quy Cộng Sản Bắc Việt đã có cơ hội chiếm giữ Huế 28 ngày liền và trong thời gian ngắn ngủi đó họ đã tự mình làm lộ rõ bộ mặt khát máu tàn độc.
Tại Huế, sau khi quân Cộng Sản bị tiêu diệt, người ta đã tìm được các hố chôn chứa hàng ngàn thi thể thường dân bị trói thành từng chùm rồi bị giết tập thể bằng xăng đốt, bằng mìn, bằng súng , bằng cuốc xẻng… hay bị chôn sống mà trong các hố chôn tập thể mà các xác người còn đứng ngồi lộn xộn, có xác hai tay còn vói lên như đang cố cào bới đất. Những địa danh đất Huế tang thương chôn người tập thể ghi lại không hết như là trường tiểu học Gia Hội, Bãi Dâu, Cồn Hến, Khe Đá Mài…Tổng số dân Huế bị tử vong và mất tích lên đến 7.600 người, trong đó có Linh Mục Bửu Đồng, Linh Mục Michael Bang, 2 sư huynh thuộc dòng Lasan, 4 người Đức đang giảng dạy tại trường Đại Học Y Khoa Huế là Bác Sĩ Raimund Discher, Bác Sĩ Alois Alteköster, Bác Sĩ Horst-Günther Krainick và phu nhân.
Chính những sự kiện dã man tại Huế đã ghi sâu vào tâm khảm người dân miền Nam nên sau này khi Cộng Quân đi đến đâu là dân chúng tháo chạy toán loạn đến đấy, bằng chứng là Đại Lộ Kinh Hoàng Quảng Trị 1972 hay cuộc chạy loạn miền Trung vào tháng 3/1975…
Sự kiện thảm sát Huế là một vết nhơ của Cộng Sản Việt Nam mà nhà nước Cộng Sản ngày nay luôn tìm cách bôi xóa, chối bỏ tội ác tày đình mà họ đã gây ra cho dân tộc và đồng bào trong những ngày xuân 1968. Cho đến bây giờ nhà nước Cộng Sản Việt Nam vẫn trơ tráo tuyên truyền biến cố Mậu Thân như một chiến công lừng lẫy mà không hề giải oan cho các nạn nhân vô tội bằng cách chính thức tạ tội hay để cho các tập thể hoặc cá nhân trong nước làm lễ tưởng nhớ các nạn nhân xấu số này.
Để làm sáng tỏ sự thật và nhất là để lưu lại cho thế hệ mai sau về tội ác của Cộng Sản trong biến cố Mậu Thân 1968 nhà Đạo Diễn Chu Lynh và hãng phim Vietnam Film Club (VFC) đã hoàn thành cuốn phim lịch sử Tưởng Niệm 55 Năm Thảm Sát Tại Huế với phụ đề Anh ngữ.
Tại Đức Quốc Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng đã tổ chức buổi lễ Tưởng Niệm 55 năm Biến Cố Mậu Thân và Thảm Sát Huế tại Berlin trong nhà thờ Sankt Bonifatius vào ngày thứ bảy 11.02.2023 với sự yểm trợ của tổ chức Ki-Tô-Giáo chống tra tấn ACAT Deutschland.
Buổi lễ Tưởng Niệm tại Berlin được trang trọng bắt đầu với lời khai mạc ngắn gọn của Chủ Tịch Liên Hội đương nhiệm Hoàng Thị Mỹ Lâm, tiếp theo là lời khấn nguyện của các vị lãnh đạo tôn giáo khả kính cho các oan hồn tử sĩ trong vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế.
Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển, một vị chân tu uyên bác đã khai sơn chùa Viên Giác tại Hannover và là một chức sắc Phật Giáo đầu tiên được Tổng Thống Liên Bang Frank-Walter Steinmeier trao tặng Huân Chương Danh Dự hạng Nhất của Cộng Hòa Liên Bang Đức, hiện tại ngài là Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Dầu bận rộn Phật sự trăm bề ngài đã không quản vượt 7 trăm cây số đến Berlin để cùng hiệp thông với các tôn giáo bạn dâng lời cầu an cho các nạn nhân Mậu Thân Huế 55 năm trước, trong đó có cả 4 người Đức, và cầu an cho thế giới trước thảm họa chiến tranh, dịch bệnh và thiên tai.
Bà Tiến Sĩ Bernadette Jung, đại diện Hội Thánh Tin Lành tại Berlin, dâng tiếp lời kinh cầu nguyện cho những linh hồn tội lỗi, những oan hồn uổng tử trong chiến tranh Việt Nam đặc biệt là trong biến cố Mậu Thân. Bà cũng đọc kinh cầu nguyện cho sức mạnh tinh thần của những người can đảm đấu tranh cho tự do.
Sau đó là Linh Mục Lutz Nehk, đặc trách về văn hóa tưởng niệm của Tổng Giáo Phận Berlin. Trong bộ áo thánh lễ uy nghiêm ngài nhấn mạnh về sự quan trọng của văn hóa tưởng niệm vì tưởng niệm
là để hướng đến tương lai và để sửa lỗi trong quá khứ, Ngài cũng truyền giảng về lời cầu nguyện tuy không thay đổi được chính trị nhưng sẽ tác động lên con người từ việc thay đổi chính mình. Ngài nhắc đến các nạn nhân bị thảm sát tại Huế như những đài tưởng niệm tinh thần để làm dấu mốc hướng đến tương lai bác ái vị tha.
Tiếp theo là bà Magdalena Fleischer, đại diện tổ chức Ki-Tô-Giáo chống tra tấn ACAT Deutschland đọc lời kinh Chúa cầu nguyện bình an cho nạn nhân chiến tranh và cầu xin hòa bình cho thế gian.
Cuối cùng là Soeur Alice và chị Hòa, thành viên trong tổ chức Ki-Tô-Giáo chống tra tấn ACAT Deutschland, cùng đọc chung lời tưởng niệm nạn nhân thảm sát Huế, tưởng niệm nạn nhân hy sinh vì lý tưởng tự do hòa bình.
Chương trình dâng nến tiếp nối với nhiều cảm xúc của toàn thể khách tham dự trong lời ca Kinh Hòa Bình đã làm tròn buổi lễ vô cùng ý nghĩa này.
Những tấm lòng vàng đóng góp như quà tặng Tạp Chí Viên Giác và Đặc San Xuân Quý Mão Viên Giác của Hòa Thượng Phương Trượng đem đến và các yểm trợ tài chánh của nhiều mạnh thường quân vắng mặt là những nghĩa cử vô cùng quý giá cho tập thể người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Đức Quốc.
Buổi lễ được kết thúc bằng một buổi trà đàm ấm cúng trong Hội Trường nhà thờ.
Berlin, ngày 12.02.2023
Hoàng Thị Mỹ Lâm