Linh Thứu viên thành cảnh giới Thiên. Lộc Uyển Đức Quốc ngát hương Thiền. Diệu là Tứ chúng mười phương hợp. Phước trí trang nghiêm rợp bóng Thiền.
Đây là bốn câu thơ của Ni Sư Minh Liên bên Mỹ đã trao tặng cho vị Trụ trì 2 ngôi chùa trên xứ Đức, nhân dịp tham dự buổi Đại Lễ Lạc Thành Tu Viện Lộc Uyển ở thành phố biển Rostock vào ngày 13 tháng 8 năm 2023.
Tuy chỉ vỏn vẹn có 4 câu, nhưng chứa đựng cả một đại nguyện suốt một đời của Sư Bà Diệu Phước. Người thường tâm sự với chúng đệ tử: “Thầy không giảng Kinh, Thuyết Pháp hay, cũng không ứng phó Đạo tràng giỏi, nên Thầy phát nguyện xây Chùa… Hy vọng các con đồng hành với Thầy trong Phật sự nầy!”.
Thế rồi một phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ những năm đầu thập kỷ 90, Người vâng lời Sư trưởng rời quê hương sang hành đạo nơi nước Đức. Trải qua nhiều gian nan, trở ngại, nhưng với tâm nguyện của người xuất gia, được sự gia tâm yểm trợ của Quý Ngài trong Ban Điều hành Phật giáo Âu Châu, Chư Tôn Đức Tăng Ni chốn Tổ Tường Vân… v..v…, đã xuất hiện hai kỳ tích tại nước Đức.
- Tháng 10 năm 2012 Chùa Linh Thứu tại Berlin, thủ đô của nước Đức được hoàn thành.
- Tháng 8 năm 2023 Tu Viện Lộc Uyển tại Rostock, một thành phố biển cách Berlin 200 cây số được khánh thành.
Tại sao Sư Bà Linh Thứu lại dấn thân một lần nữa để kiến lập một tu viện mang tên Lộc Uyển? Với tâm nguyện hướng về Thánh địa Lộc Uyển tại Ấn Độ, nơi lần đầu tiên Ngôi Tam Bảo thường trụ tại thế gian được thiết lập: “Với Đức Phật là Ngôi Phật Bảo, Pháp Tứ Diệu Đế là Ngôi Pháp Bảo và 5 anh em Tôn giả Kiều Trần Như là Ngôi Tăng Bảo”. Cũng từ Thánh Địa Lộc Uyển ấy, bánh xe Pháp lần đầu tiên đã được chuyển vận đem lại lợi ích, an lạc cho số đông trong suốt hơn 2.600 năm qua.
Hôm nay buổi Đại Lễ Lạc Thành Tu Viện Lộc Uyển được diễn ra trong bầu không khí thật trang nghiêm và long trọng, nhưng không kém phần vui tươi nhờ bầu trời quang đãng ánh nắng chan hòa và vườn hoa cây cảnh tuyệt sắc, thật có, giả có lẫn lộn muôn màu. Khai mạc là màn múa Lân đặc sắc của các em trong Gia Đình Phật Tử với gia đình Lân gồm 5 mạng. Kế tiếp là màn dâng hoa cúng dường Chư Phật của các em vùng Rostock, những đóa Sen thuần khiết được dâng lên thật cung kính và nhịp nhàng theo tiếng nhạc. Dưới sự minh chứng của 170 Vị Chư Tôn Đức Tăng Ni ở các nơi trên thế giới quy tụ về. Các hàng Hòa Thượng ít nhất cũng trên tám Vị, nơi xa xôi Úc Châu có HT Bảo Lạc, nơi Tổ Đình Tường Vân – Huế có HT Huệ Phước, còn ở Âu Châu không thể thiếu HT Tánh Thiệt, HT Như Điển và HT Trí Minh. Các Hòa Thượng trẻ ngồi hai bên phải trái như HT Minh Giác, HT Tâm Huệ, HT Quảng Hiền.
Các chánh quyền sở tại của thành phố Rostock và quận Lichtenhagen đến tham dự khá đông. Theo danh sách khách mời người Đức có đến 18 Vị, gồm cả Ni Sư Carola Roloff tu theo Mật Tông, dạy Đại học Hamburg môn Phật học. Các đại diện tôn giáo khác như Tin Lành có hai vị Mục sư: Bà Wilfried Knees và Bà Kristina Kuehnbaum-Schmidt.
Chỉ 2 nhân vật trong chính quyền sở tại được lên phát biểu đó là ông Ralf Mucha và bà Regine Lueck. Ông Mucha là Đại biểu thành phố đã nói về Thiền Học. Cả hai đều vui mừng khi thấy mảnh đất 10.000 mét vuông bỏ hoang, cỏ mọc ngập đầu của nhiều năm trước, nay biến thành một Ngôi Tam Bảo rộng lớn trang nghiêm cho những người dân bản xứ già trẻ lớn bé gì cũng có cơ hội đến học hỏi giáo Pháp của Đức Phật và ngồi Thiền. Bà Lueck còn tươi cười nói, chúng tôi chỉ dành riêng miếng đất này cho Phật giáo thôi, nhất định không cho một tập đoàn xây siêu thị nào đến hỏi mua. Và cũng không muốn một Moschee mới thành hình.
Bà nhắc đến “Sự kiện Rostock – Lichtenhagen: Thảm nạn của người nhập cư và vết nhơ nước Đức”. Tổng thống Đức Steinmeier đã nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm 30 năm thảm sát tại tòa Nhà Hướng Dương (Sonnenblumen Haus) bên cạnh, đã đến thăm Tu Viện Lộc Uyển vào tháng 8 năm 2022. Đúng là một sự màu nhiệm! Ba mươi năm trước mảnh đất này đầy rẫy sự thù hận, bạo động. Hiện tại một ngôi nhà tâm linh được hình thành… Vì ngôi chùa Phật giáo tượng trưng cho sự hòa bình, bất bạo động, hóa giải hận thù. Đó cũng là điểm son đánh dấu cho niềm tin tưởng lẫn nhau, dung hòa trong đời sống của tu viện với người dân bản địa.
Tiếng vỗ tay của mọi người vang dội trước bài diễn văn quá tuyệt vời, bà Lueck vội vàng ra về như đã giao hẹn, chỉ tham dự đến 12 giờ. Cuối tuần này cả bãi biển Warnemuende vùng Rostock tràn ngập khách du lịch với các hội chợ, cuộc thi Thuyền buồm, rồi lại lễ Lạc Thành Tu Viện Lộc Uyển với gần 2.000 người tham dự, thật là quá tải!
Tiếp đến là phần trao quà lưu niệm, các hội đoàn, Chùa chiền khắp nơi lên tặng quà, vui cứ như một ngày hội lớn. Người trao quà đầu tiên là HT Thích Như Điển, một cuốn sách mới nhất của Người mang tên Đại Đường Tây Vực Ký – Huyền Trang Pháp Sư thuật. Món quà thứ 2 là tượng Phật và những lẵng hoa lan của HT Thích Huệ Phước, TT Thích Lương Nguyên từ môn phong Tường Vân Huế. Kế đó là món quà từ phương xa tận Miệt Dưới Úc Châu của HT Thích Tâm Phương và TT Thích Nguyên Tạng, Tu Viện Quảng Đức, bức Hoành phi sơn son thiếp vàng với 4 chữ lớn “Pháp Luân Thường Chuyển”, nói lên ý nghĩa vườn nai Lộc Uyển ở thành Ba Lai Nại, nơi Đức Thế Tôn lăn chuyển bánh xe Chánh Pháp đầu tiên mà 26 thế kỷ sau Sư Bà Diệu Phước đã khai sơn ngôi Tu Viện lấy tên gọi này tại trời Âu để mong muốn ánh sáng Phật Đà tiếp tục chiếu rọi muôn nơi; món quà ý nghĩa này được Thầy Nguyên Tạng tận tay trao tặng cho Sư Bà ngay tại buổi lễ. Các phong bì nặng ký với năm số của các Chùa bên Hoa Kỳ cũng được công bố một cách công khai, sợ lọt vào đôi mắt cú vọ của sở thuế! Chẳng hạn món quà nặng ký đến mười ngàn Đô của chùa Viên Thông bên Houston – Texas, đã được Ni Sư Thanh Lương hân hoan trao tặng. Một ngôi chùa Tăng bên Đông Bá Linh mang tên Chùa Từ Ân, cũng được Thầy Từ Nhơn cùng các Phật Tử lên trao quà và chụp hình lưu niệm.
Mọi người từ từ kéo nhau ra chỗ phát thức ăn đứng xếp hàng chờ cơm, không phải chờ lâu vì các người đẹp mặc áo dài thướt tha, còn mải mê chụp hình dưới giàn hoa giấy và vườn nai thơ mộng trong khuôn viên Tu Viện, không thèm ăn để giữ dáng chụp hình cho đẹp, những bức ảnh để đời.
Khách người bản xứ, đa số ở chung quanh nghe tin tức cũng kéo nhau đến thật đông, phần thì tò mò, phần thì ham vui thấy chiêng trống nhạc cụ, xướng ca đàn hát của các Trai Đàn Chẩn Tế suốt ba ngày hôm trước. Cái đặc biệt của Tu Viện này là tất cả các biểu ngữ, tấm treo trang trí viết kinh Pháp Cú đều viết bằng hai thứ tiếng Đức Việt, chẳng hạn như “Liebe ist Verstehen, Thương yêu chính là hiểu”.
Mục tiêu chính của Sư Bà Lộc Uyển là thành lập Đạo tràng cho người bản xứ, các Giáo thọ có sẵn như Thầy Hạnh Tấn hay Hạnh Giới đã được mời tới. Còn các Giáo thọ cây nhà lá vườn như Sư Cô Chân Đàn và Cô Tuệ Duyên cần phải đào tạo tiếp. Thời gian tới Cô Tuệ Duyên được gửi về Việt Nam 6 tháng để học Thiền của trường phái Trúc Lâm. Chương trình đã lên kế hoạch mỗi chiều thứ bảy của hai lần trong tháng sẽ có sinh hoạt cho người Đức lúc 14 giờ. Ngày Chủ nhật sẽ dành cho người Việt với pháp môn Tịnh Độ, tha hồ tụng kinh, cúng kiến hương trầm nghi ngút. Nước sông không nên đụng nước giếng, một bên thích yên lặng, một bên thích tình cảm chuyện trò. Thật đúng với hai câu thơ của HT Mãn Giác:
Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Những câu chuyện bên lề của một ngày Đại Lễ không thể thiếu trong một bài tường thuật. Câu chuyện Ông Đồ Quảng Nam ngồi viết thư pháp cho khách vãng lai trông thật nên thơ. Hình ảnh đẹp của quê nhà trong những dịp xuân về. Nhưng khổ nỗi Ông Đồ – Văn Công Nhựt chỉ biết tiếng Việt, không thể đáp ứng được cho khách phương Tây, nên Sư Ông Viên Giác phải ra tay cứu độ, chỉ dẫn cách viết chữ Đức bằng thư pháp. Sư Ông Bảo Lạc đứng cạnh với nụ cười hiền hòa tỏa sáng trông rất hảo tướng, làm tôi rất hoan hỷ ngắm nhìn. Nhờ có sự hiện diện của hai vị Hòa Thượng mà gian hàng của vợ chồng Ông Đồ rất đông khách. Bà vợ phải mài mực và tiếp tế giấy bút cho chồng đến mỏi tay. Nghe đâu cái thùng tùy hỷ công đức cũng kha khá nặng!
Phái đoàn hành hương của Ni Sư Minh Liên chùa Viên Thông bên Houston – Texas và Tu Viện Lộc Uyển ở Đà Lạt mới hùng hậu làm sao, họ đi tới 72 vị, được tổ chức thật chu đáo và hiện đại với máy móc thời 4.0. Mỗi thành viên nhận được một tập sách mỏng, trong đó có chứa tất cả thông tin, hình ảnh của 72 thành viên, nếu có đi lạc cũng dễ tìm. Không biết trong điện thoại thông minh có gắn định vị không nữa? Trong tập sách có đầy đủ hình ảnh các danh lam thắng cảnh phái đoàn sẽ đến, họ phải mặc đồng phục giống nhau. Đến Chùa phải mặc áo dài lam thêu bông sen đủ kiểu để chụp hình lưu niệm. Ngày thường phải chấp tác làm công quả, trên 60 tuổi được chia việc nhẹ như gọt cắt, nhặt rau… Sáng nào cũng thấy Ni Sư Minh Liên cầm ống loa sau buổi điểm tâm gọi lớn, giao việc cho các vị đi trong đoàn, không để ngồi không nói chuyện vẩn vơ.
Phải ca ngợi các “Ma Ma Tổng Quản” trong ban hành đường, họ là những người phi thường, nơi nào có Đại Lễ, có Khóa Tu là có mặt, không ngại đường xá xa xôi, tuổi già sức yếu, ngủ vờ ngủ vật ở chỗ lạ. Cứ tưởng tượng cảnh cúng dường Trai Tăng cho 170 Vị thật chu toàn trong nhiều ngày và trên một ngàn phần ăn cho đại chúng là thấy công đức vô biên.
Bốn ngày ở Tu Viện Lộc Uyển với ba đêm ngủ ở ba chỗ khác nhau, khi thì trong góc phòng đựng bát đĩa cho Chư Tăng, hôm sau chuyển ra chân cầu thang rất thoải mái, nhưng lại bị ánh đèn chiếu thẳng vào mặt mỗi khi có người đi qua, tối cuối cùng tôi chọn một góc trong phòng ăn của Chư Tăng, nhưng đến gần sáng gió lạnh vùng biển thổi về làm lạc mất giọng. Nhưng tôi vẫn kiên cường thấy mình thật hạnh phúc, ngày nào cũng là ngày hạnh phúc!
Để kết thúc bài viết, tôi xin được trích câu châm ngôn trong nhà Thiền được viết trên các liễn treo ngoài sân Chùa:
Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường.
Kỷ niệm Đại Lễ Lạc Thành Tu Viện Lộc Uyển ở Rostock.
Ngày 13 tháng 8 năm 2023.
Hoa Lan – Thiện Giới.