Home » Tàng Kinh Các » Tụng Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa trong mùa AN CƯ

Tụng Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa trong mùa AN CƯ

Mục Tàng Kinh Các

Quý Phật Tử có thể lấy Kinh để tụng theo từng Tập và Quyển ở phía dưới đây: (ở chùa thường tụng vào lúc 20:00 giờ mỗi ngày từ Thứ Hai đến Thứ Bảy trong 3 tháng An Cư Kiết Hạ)

TẬP 17 QUYỂN 404 – 408 (Tuần lễ từ 12.8 đến 15.8.2024)

Thành Lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Thánh Giáo

Hội đồng phiên dịch Tam Tạng họp tại Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn vào những ngày 20, 21, 22.10.1973. Hội Đồng gồm tất cả 12 vị, dưới quyền Chủ Tọa T.T. Thích Trí Tịnh, T.T. Thích Minh Châu. Hội nghị thảo luận ráo riết trong mấy ngày, đến phần phân công phiên dịch kinh bộ, thì bộ Đại Bát Nhã 600 quyển giao cho T.T. Thích Trí Nghiêm phiên dịch, T.T. Thích Thiện Siêu duyệt khảo lại.

Trước Hội nghị này, tôi đã tự khởi dịch kinh này từ năm 1972 đã được gần 100 quyển. Sau Hội nghị, tôi tiếp tục phiên dịch đến nay là xong 600 quyển.

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

Xin đem công đức này hồi hướng về quả Vô-thượng Chánh-đẳng Bồ-đề, cầu xin Chư Phật mười phương hiện đang thuyết Pháp và Đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật đồng dủ lòng từ bi gia hộ cho các vị Tăng Ni Phật tử, thiện nam tín nữ xa gần đã góp phần công đức vào việc phiên dịch, đánh máy, ấn loát Kinh Đại Bát-nhã này, đời hiện còn đây được thêm phần phước huệ, thọ mạng đầy đủ dồi dào, đến lúc lâm chung sẽ được vãng sanh về mười phương cõi Phật, được nghe các Đức Phật kia thuyết pháp môn thâm diệu là Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa để thọ trì đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, cúng dường lễ bái v.v… Bồi dưỡng căn lành Bát-nhã là hạt giống căn lành sanh đẻ ra các Phật ba đời. Cuối cùng các Phật tử này sẽ đều được trọn thành Phật quả và khắp cầu nguyện tất cả pháp giới chúng sanh đều được nhờ công đức Bát-nhã thù thắng này đều trọn nên Phật đạo. Ngưỡng vọng:

Nam-Mô Bát-Nhã Hội Thượng Phật Bồ-Tát Ma-Ha-Tát chứng minh gia hộ .

Nam-Mô Tam Châu cảm ứng Hộ Pháp Vi-Đà Tôn Thiên Bồ-Tát thủ hộ Pháp Bảo Bát-Nhã này được lưu hành khắp mười phương thế giới trường tồn vĩnh viễn.

Viết tại am Hoàng Trúc thuộc chùa Long Sơn
trụ sở Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Khánh Hòa, Nha Trang
vào ngày vía Đức Phật A-Di-Đà, Phật lịch 2524 (1980).

Dịch giả cẩn ghi

Lời Ký Tam Tạng Thánh Giáo

Đường triều, Cao Tông Hoàng đế ngự chế ngày ở Cung Xuân

Nếu vì muốn hiển dương Chánh giáo, mà phi kẻ trí thì không lấy ai để quảng đạt văn lý kia; muốn sùng trọng và mở mang rộng rãi những lời nhiệm mầu, phi kẻ hiền chẳng thể nào minh định được ý chỉ ấy. Bởi vì chân như Thánh giáo là huyền tông của các pháp và là khuôn khổ của các kinh điển khác vậy.

Vì nó thâu tóm bao quát rộng xa, ý chỉ lại cực kỳ sâu thẳm, tột bực tinh vi của lý chơn không diệu hữu và là yếu cơ của thể sinh diệt nữa. Lời lẽ tú mậu, đạo lý mênh mông, nên kẻ tìm cầu chẳng cứu xét được nguồn văn tự rõ ràng mà ý nghĩa lại càng thâm u và kẻ noi theo cũng chẳng lường được ngằn mé.

Nên mới biết: Thánh Từ đã bao trùm thời không nghiệp thiện nào chẳng đến xong; diệu hóa được phơi bày là không duyên ác nào mà chẳng cắt đứt. Thế là đã mở giềng mối lưới pháp, hoằng dương Chánh giáo sáu độ để cứu vớt quần sinh nơi mê đồ, tức là tháo gỡ then chốt bí yếu của Tam tạng rồi đấy vậy.

Vậy nên gọi rằng chim không cánh mà vẫn bay luôn; Đạo không gốc mà cũng hằng vững chãi. Đạo danh lưu khánh, chảy lãng từ thuở xa xưa mà vẫn trấn thường; phó cảm ứng thân, trải qua trần kiếp cũng là bất hủ.

Mai chuông ngân, chiều kệ tụng, giao hòa hai tiếng nơi đỉnh Thứu Phong. Ánh huệ nhật, dòng pháp lưu, quay bánh xe nơi vườn Lộc uyển. Lọng báu che trên không, tiếp giáp mây ùng rồi cùng bay phất phới. Rừng xuân chốn đồng nội, cùng với hoa trời mà hợp lẫn sắc màu.

Cúi đầu kính chúc Hoàng Đế Bệ Hạ:

Trên ban phước ấm dủ xuống mà bình trị tám hoang tai. Thánh Đức khắp trùm đến dân đen được vạn quốc xếp bè he mà triều bái. Ơn gia đến người quá cố; các thần dân đều biết quy về với kinh văn lá bối. Ơn Đức Thánh Vương, thấm nhuần đến vạn loại côn trùng. Đấng Kim Dung tuyên lời diệu kệ, để khiến nước hồ A Nậu Đạt thông suốt chảy về rẽ biệt tám nguồn; non Kỳ Xà Quật tiếp giáp với đỉnh Thung Hoa rừng cây xanh biếc.

Thiết nghĩ: Vì pháp tánh ngưng tịch, chẳng quy tâm thì làm sao thông đạt được; trí địa huyền áo phải khẩn thành may ra mới hiển hiện được. Thế đâu những với đêm dài tối mịt, chợt thắp đuốc huệ sáng bừng, mà là dội trận mưa pháp vũ nơi nhà hỏa trạch.

Nơi đây trăm sông riêng chảy, cuối cùng vẫn quy về đồng hội biển cả bao dung; muôn khu phấn nghĩa, nhưng tổng quát thành hồ chân thật vậy thôi. Và đâu những so bề hơn kém cùng với Thang-Võ, sánh đọ thánh đức cùng với Nghiêu-Thuấn vậy thay!

Nay đây, HUYỀN TRANG PHÁP SƯ là bậc túc duyên trí huệ, lập chí chân thật trực giản, tâm thần thanh nhã từ lúc thiếu thời, thể tánh siêu việt những phường phù hoa lãng mạn. Ngưng tình nơi tịnh thất, ổn dấu chấn u nham, nghỉ ngơi ở Tam thiền, rồi rảo bước lên hàng Thập địa. Vượt khỏi cảnh lục trần phiền lụy, mới đơn độc đi qua La Vệ và vào thành Ca Duy, để lãnh hội tâm cơ của Nhất thừa diệu đạo, rồi tùy nghi mà hóa vật lợi sanh.

Vì lẽ ở Trung hoa không linh chất, nên mới tìm cầu chơn văn bên Ấn độ xa xôi; gian nan lặn lội dãy sông Hằng, quyết chí tìm tòi cho kỳ được mãn tự đạo pháp. Đã từng trèo lên non Tuyết Lãnh mà chỉ được nửa hạt chơn châu. Trên đường học đạo, cả đi lẫn về trọn vẹn mười bảy năm trời dằng dặc, mới thông đạt đầy đủ ý chỉ Tam tạng Thánh giáo, với mục đích duy nhất là lợi lạc quần sanh.

Sau khi về nước, chọn ngày lành tháng tốt: Mồng sáu tháng hai năm thứ mười chín niên hiệu Trinh Quán, mới phụng sắc lệnh nhà vua, rồi đem yếu văn của Tam tạng Thánh giáo cả thảy là sáu trăm năm mươi bảy bộ. Và lấy cảnh chùa Hoằng Phước mà làm nơi trụ xứ cho sự nghiệp phiên dịch kinh điển vĩ đại này.

Chẳng khác nào dẫn nguồn pháp thủy nơi đại dương bất tận về rửa sạnh trần lao ô nhiễm cho đời; truyền nối ánh sáng trí đăng vô cùng cực mà chiếu soi chốn u minh hắc ám được rực rỡ muôn đời. Nếu tự chẳng phải đã lâu đời vun trồng thắng duyên huệ nghiệp, thì làm sao xiển dương được ý chỉ như thế đây?

Nên kinh gọi :”Pháp tướng thường trụ”. Trang Sư trí sáng ngang bằng nhật nguyệt tinh. Hoàng Đế ta phúc báo đã nhóm đầy, nên cơ nghiệp được vững bền đồng như trời đất.

Nay cúi đầu xem thấy bài Ngự chế đề tựa ở các Kinh luận, đã từng soi sáng từ xưa nay, lý văn bao hàm tiếng vang vàng đá chạm reo và vẻ linh hoạt tươi nhuận của gió mây bay động. Để trị bồi phụ thêm ít đất, làm cho núi đủ cao lên, sương lộ giáng xuống nhiều dòng càng chảy mạnh, lược cử đại cương để làm lời ký này vậy.

Tỳ-kheo THÍCH TRÍ NGHIÊM phụng dịch
Tỳ-kheo THÍCH THIỆN SIÊU khảo

Tựa Sơ Hội Kinh Đại Bát Nhã

Đường triều, Sa-môn HUYỀN TẮC chế tác ở chùa Tây Minh

Kinh Đại Bát Nhã là áng văn tuyệt tác hiếm có trong đời, là bến bờ sâu rộng nhiều kiếp khó gặp, là áng mây trùm khắp trời người gồm thâu chơn tục. Thật là chốn ảo diệu nhập thần, vật linh thiêng giúp nước. Nếu chẳng phải thánh đức bàn luận sâu xa, triết nhân diễn bày độc đáo, thì pháp âm huyền diệu khó lưu truyền, giáo lý tròn đầy đâu dễ đạt.

Cho nên các bậc vua chúa đã trình bày, soạn thuật những lời vàng ngọc để soi sáng và diễn dương. Sự việc xa cách nghìn xưa, mà đạo lý vẫn soi sáng ba đời. Kinh văn này quả là phong phú, cho đến ngày nay vẫn còn hoàn bị.

Toàn bộ kinh văn chia làm 24 tập, có 16 hội. Trước đây chỉ có được nửa số lượng kinh văn quí báu ấy, nhưng đến nay thì có đủ toàn bộ. Xem duyên khởi của từng hội, mỗi hội so sánh với mỗi tập, rồi truy cứu bản gốc để biết sự sai khác, nên mỗi hội có đề một bài tựa.

Như hội Linh Phong vừa vân tập, pháp âm rộng lớn vang dội khắp nơi, gạn sạch nguồn thân, rộng bày tâm yếu. Vì sao? Bởi lẽ, năm uẩn là vật chứa của hữu tình, hai ngã là nhà của vật chứa ấy. Cái nhà ngã mà đề cao, thì nước ảo vọng càng sâu; cái vật chứa uẩn mà tồn tại, thì thành ảo giác thêm cao. Đâu biết rằng, chỗ nương của ngã là vọng tưởng, mà tưởng đã là vọng thì ngã không còn; cái trói buộc uẩn là giả danh, mà danh đã là giả thì uẩn hết chỗ nương.

Cho nên, bàn luận về “lẽ không”, diễn bày về lý vong ngôn: Coi cõi tục là tịch tịnh, đặt loài côn trùng lên hàng vô sanh, nghe lời khen như tiếng vang trong hang núi, xem vạn vật như bóng trong gương. Bỏ cái dòm-trời-nhỏ-hẹp, thì bầu trời mênh mông hiện rõ; không theo khuôn khổ hạn hẹp, thì cảnh bao la tự hiện. Ý tưởng thì mênh mông, lời lẽ thì vô cùng, khiến cho kẻ phàm phu thiển cận có cơ hội tháo bỏ sự cố chấp; như xác định được hướng Nam rồi thì chắc chắn biết được hướng Bắc. Nghĩa lý lồng lộng như trời, lời lẽ mênh mông như biển.

Ở đây, dùng các phần của bản gốc cộng với những phần trước kia chưa truyền đến, gom lại mà khắc thành 400 quyển, 85 phẩm.

Xét theo phương thổ, đáng lẽ nên lược dịch, nhưng nghĩ lại, một lời có thể bao trùm hết thảy, lại thêm văn chương đã cao nhã mà chương cú lại liên tục; như chỉ có hai chữ “Niết-bàn” mà bao gồm: Tốt đẹp, tĩnh lặng, trong sáng tự tại … Lời dạy từ bi biết bao!

Nếu dịch mà lược bỏ, thì sợ để cái họa thiếu sót cho đời sau, nên nay phải dịch và truyền đúng theo nguyên bản, hầu khỏi bị chê là ngôn từ vượt ngoài giới hạn. Huống chi, thời đại còn viết trên thẻ tre, ý nghĩ thêm bớt còn lờ mờ lẫn lộn!

Trong kinh, lời dạy sáng tỏ, chương cú rõ ràng. Từ đầu đến cuối được sự cảm ứng, có ghi đầy đủ trong biệt lục.

Ai là người có tâm lớn tài cao, đã từng nghe và phụng trì, đạt đến chỗ không sợ hãi, thì nên tự học hỏi và cứu độ.

Tỳ-kheo THÍCH TRÍ NGHIÊM phụng dịch
Tỳ-kheo THÍCH THIỆN SIÊU khảo

Thừa Sự Tăng Sai

Trong bộ truyện của Tam tạng Pháp sư quyển thứ mười, để ở chùa Đại Từ Ân, có đoạn tường thuật về việc Pháp sư phiên dịch Kinh Đại Bát-nhã này; do Hội Ấn Hành Kinh Điển tại Hương Cảng có trích đăng nơi tập mục lục (1958). Tôi xin phụng dịch như sau: “… Các nước phương Đông trọng Kinh Bát-nhã. Đời trước tuy đã có phiên dịch, nhưng chưa thể chu toàn đầy đủ, nên nhiều người lại muốn thỉnh Lệnh ủy dịch.

Song Bát-nhã là bộ Kinh to tát, ở kinh đô nhiều việc rắc rối; lại nữa nhân mệnh vô thường, e khó được thành tựu viên mãn nên mới thỉnh xin dọn đến ở cung Ngọc Hoa mà phiên dịch. Nhà vua bằng lòng phê chuẩn ngay! Tức là mùa đông tháng Mười, niên hiệu Hiển Khánh năm thứ tư, Pháp sư từ kinh đô phát hướng về Ngọc Hoa cung, và cùng chư vị Đại đức thuộc hội đồng phiên dịch và môn đồ thảy đồng hành nhất thể. Đến nơi, an trí tại Viện Túc Thành lấy làm trụ sở phiên dịch. Còn việc cung cấp các việc y như khi ở kinh sư.

Đến ngày Nguyên đán tháng Giêng mùa Xuân năm thứ năm khởi đầu dịch kinh Đại Bát-nhã. Bản chữ Phạn tổng có hai mươi vạn bài tụng. Văn đã rộng lớn, kẻ học đồ muốn cầu thỉnh xin lược bớt; nên Pháp sư hầu muốn thuận theo ý chúng, như ngài La Thập đã làm, cắt bỏ bớt những đoạn văn phiền phức trùng điệp. Khởi nghĩ ấy rồi, đêm nằm mộng thấy có những sự trạng để răn cảnh giới nhau, như hoặc thấy bay lên trên cao nguy, đi nơi hiểm khốn, hoặc thấy thú dữ bắt người v.v…; run sợ toát mồ hôi mới được thoát khỏi. Khi đã tỉnh giấc kinh hãi, đến các chúng nói lại việc ấy và lại y như Kinh phiên dịch rộng đủ. Trong đêm bèn thấy chư Phật Bồ-tát phóng hào quang nơi chặng giữa mày mắt soi xúc thân mình, tâm ý vui thích. Pháp sư lại tự thấy tay cầm đèn hoa cúng dường chư Phật, hoặc thấy thăng lên tòa cao vì chúng thuyết pháp, có nhiều người vây quanh ngợi khen cung kính; hoặc mộng thấy có người đem danh quả phụng biếu cho mình; tỉnh giấc vui mừng chẳng dám cắt bỏ bớt, nhất nhất đúng như bản chữ Phạn mà dịch.

Đức Phật thuyết Kinh này tính ở bốn chỗ:

  1. Núi Thứu Phong nơi thành Vương Xá;
  2. Vườn Cấp-cô-độc;
  3. Cung Trời Tha Hóa Tự Tại;
  4. Tịnh Xá Trúc Lâm thành Vương Xá.

Tổng cộng 16 Hội, hợp thành một bộ. Nhưng Pháp sư từ ở Ấn Độ tìm được ba bản; đến ngày phiên dịch đây, trong văn có chỗ nghi ngờ, tức đem ba bản so sánh lấy làm quyết định; ân cần tra xét lại kỹ càng rồi mới chịu hạ bút thành văn. Tâm ý tra xét cẩn thận đúng mức, thật từ xưa chẳng sánh kịp. Hoặc văn trái với ý chỉ sâu thẳm, ý hiểu còn có do dự rụt rè, tất cảm giác cảnh lạ lùng, tuồng như có người trao cho minh quyết, tâm trí liền rỗng vỡ vạc thông suốt, như vẹt mây mù mà thấy mặt trời. Pháp sư tự nói rằng: “Chỗ ngộ hội như đây đâu phải trí cạn cợt Huyền Trang tôi mà thông suốt được, đều là được chư Phật, Bồ-tát đã âm thầm gia hộ vậy”.

Hội thứ nhất của Kinh có phẩm Nghiêm tịnh cõi Phật. Trong ấy nói: “Các chúng Bồ-tát Ma-ha-tát vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa, dùng thần thông nguyện lực đựng các ngọc báu thượng diệu, các diệu hương hoa, uống ăn trăm vị, áo mặc, âm nhạc của cõi Đại thiên, tùy ý sanh ra năm trần diệu cảnh, các thứ cúng dường để trang nghiêm chỗ thuyết pháp”. Lúc ấy, Ngài chủ tự chùa Ngọc Hoa hiệu Huệ Đức và các Ngài Đại đức Tăng hội đồng dịch kinh, trong đêm ấy đồng mộng thấy trong nội cảnh chùa Ngọc Hoa rộng rãi nghiêm tịnh lịch đẹp trang nghiêm: Nào là phan trướng, xe báu, nào là tràng hoa, kỹ nhạc v.v… đầy nhẫy trong nội cảnh chùa. Lại thấy có vô lượng Tăng chúng tay cầm lọng hoa và đồ cúng dường như trên, đồng đến cúng dường Kinh Đại Bát-nhã. Những đường sá, tường vách trong khu vực chùa đều trang hoàng đẹp đẽ, đất đầy danh hoa, Tăng chúng đồng dẫm trên mà đi. Đến như Viện phiên kinh, nơi Viện lại càng bội phần đẹp đẽ lạ lùng, như Kinh đã chép cõi bảy báu trang nghiêm. Lại nghe thấy trong Viện có ba gian nhà để giảng thuyết, Pháp sư ngồi gian giữa diễn giảng. Đã thấy đấy rồi, vui mừng thức giấc, đồng đến thăm hỏi nói việc đã thấy trong mộng với Pháp sư. Pháp sư bảo:”Nay chính dịch phẩm này, các Bồ-tát thảy tất có cúng dường. Các Thầy đã mộng thấy, tin có việc ấy. Ôi!”.

Bấy giờ, bên điện có hai cây mít, bỗng lúc phi thời lần lượt nở hoa, mỗi hoa đều nở sáu đóa thịnh mậu, sắc hồng trắng, thật đáng yêu phi thường. Lúc đấy Tăng chúng luận nghị rằng: “Đây chính là triệu chứng điềm lành Bát-nhã được tái xiển dương lại; lại ra sáu quả là tiêu biểu sáu Ba-la-mật-đa”.

Nhưng Pháp sư khi dịch Kinh này, tâm chí miệt mài và hằng lo lắng vô thường, nên mới bảo chư Tăng rằng: “Huyền Trang tôi năm nay đã sáu mươi lăm tuổi, chắc sẽ bỏ mạng ngôi Già-lam này; bộ Kinh này rất lớn lao, hằng lo sợ việc làm chẳng trọn vẹn, người người nên nỗ lực gia công tinh tiến, rất chớ nên vì khó nhọc mà từ nan!”.

Đến ngày hai mươi ba tháng Mười, niên hiệu Long Sóc năm thứ ba mới được hoàn tất công việc phiên dịch, hợp thành sáu trăm quyển, gọi là Đại Bát-nhã Kinh vậy; chấp tay hoan hỷ bảo đồ chúng rằng: “Kinh này đối với địa phương đây có phước duyên lắm, Huyền Trang được đến ngôi chùa Ngọc Hoa này là thần lực của Kinh vậy. Trước kia khi còn ở kinh sư, nhiều các duyên sự lôi kéo rắc rối, đâu còn thì giờ rảnh; nay nhờ về đây công việc được xong trọn vẹn, đều là nhờ chư Phật âm thầm gia bị, Long Thiên ủng hộ. Vì là Kinh điển trấn quốc, viên ngọc lớn của người trời, đồ chúng nên đều hớn hở vui mừng nhảy nhót”.

Bấy giờ, Ngài Duy-na chùa Ngọc Hoa, họ Đô hiệu Tịch Chiếu, vui mừng khao thưởng tất công, mới thiết trai cúng dường. Cũng chính ngày ấy thỉnh Kinh từ điện Túc Thành đem về điện Gia Thọ là chỗ trai sở, giảng diễn đọc tụng. Chính lúc đang nghinh thỉnh Kinh đi, Bát-nhã phóng quang soi khắp xa gần và có mùi thơm phi thường. Pháp sư bảo các môn nhân rằng: “Như Kinh đã tự ghi rằng phương này sẽ có kẻ vui muốn Đại thừa là Quốc vương, Đại thần, bốn bộ đồ chúng biên chép, thọ trì, đọc tụng, lưu thông khắp cõi, đều được sanh thiên giải thoát rốt ráo. Đã có văn đây, chẳng lẽ lặng thinh vậy sao”.

Qua ngày hai mươi hai tháng Mười một, dạy đệ tử là Ngài Khuy Cơ dâng biểu phúc tấu lên Vua và thỉnh xin ngự chế bài tựa nơi Kinh. Đến ngày bảy tháng Mười hai, quan Thông Sự Xá Nhơn là Phùng Nghĩa tuyên đọc sắc lệnh xuống lời hứa (tức bài ngự chế ở đầu Kinh).

Sau khi dịch Kinh Bát-nhã xong, Pháp sư tự cảm giác sức lực nơi mình suy kiệt, biết vô thường sắp đến, nên mới bảo môn nhân rằng: “Tôi đến Ngọc Hoa này bản duyên là Bát-nhã, nay việc Kinh đã trọn vẹn, sinh nhai tôi cũng vừa hết. Nếu sau khi vô thường, các ngươi khiển táng tôi phải theo kiệm ước tỉnh giảm: Có thể nên lấy tre làm chiếu gói liệm mà gánh đi cũng được; nhưng phải chọn lựa chỗ núi khe chật hẹp mà an trí, chớ để gần bên cung, chùa, vì thân này là vật bất tịnh nên phải để chỗ khuất xa!”. Các kẻ môn đồ nghe lời đau buồn nghẹn thở đó, đều lau lệ đồng vội thưa rằng: “Hòa thượng khí lực hãy còn khá, tôn nhan chẳng khác lúc xưa là mấy, mà sao vì lẽ gì bỗng thốt ra lời buồn nghẹn ấy?”. Pháp sư nói: “Tôi tự biết tôi, các ngươi do đâu hiểu được”.

Ngày Sóc, mồng một tháng Giêng, mùa xuân niên hiệu Lân Đức nguyên niên, các ngài Đại đức trong Hội đồng phiên dịch và Tăng chúng chùa kia ân cần xin thỉnh dịch Kinh Đại Bảo Tích. Pháp sư thấy Tăng chúng chí thành khẩn thiết, mới miễn cưỡng dịch được vài hàng, liền xếp Phạn bản mà đình chỉ, bảo chư Tăng rằng: “Kinh này bộ quyển cùng Bát-nhã cũng suýt soát đồng, Huyền Trang tôi tự lượng khí lực chẳng còn làm xong việc này nữa; thời kỳ chết đã đến, thế chẳng còn bao xa. Nay muốn đi đến các hang động Lan Chi lễ bái từ tạ tượng Phật Câu Chi”. Rồi lúc ấy cùng môn nhân đồng khởi hành, Tăng chúng tùy tùng khá đông, không ai chẳng lặng lẽ bùi ngùi! Lễ bái xong trở về chùa, chuyên tinh hành đạo, bèn tuyệt hẳn sự nghiệp phiên dịch…

“Một Kinh Đại Bát-nhã là mẹ chư Phật. Chư Phật ba đời đồng nương dựa đây, siêu vượt tuyệt đối, rất tôn rất thắng. Không luận Thiền Tịnh Hiển Mật, nếu chẳng minh đạt Bát-nhã, tức chẳng thể vào biển Nhất thiết trí. Cho nên hành giả muốn giải thoát sanh tử, muốn chứng chơn như, nên cần học Bát-nhã mới có thể thành tựu được”.

(Lời của Uỷ viên Hội Ấn Hành Kinh Điển
tại Hồng Kông – Hương Cảng)

Tam Tạng Pháp sư khởi đầu dịch Kinh Đại Bát-nhã này vào ngày Nguyên đán, mồng một tháng Giêng, mùa xuân niên hiệu Hiển Khánh năm thứ năm, vào triều vua Thái Tông Văn Hoàng Đế, tức là vào khoảng giữa thế kỷ thứ VII (nhà Đường lập quốc năm 618, vua thứ nhất 9 năm, vua thứ hai 23 năm tức Thái Tông Văn) đến ngày 23 tháng 10 mùa đông, niên hiệu Long Sóc năm thứ 3 mới hoàn tất. Thời gian mất 3 năm.

(Phần tôi khởi dịch ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Tý, tức tháng 6 năm 1972 đến ngày mồng 8 tháng 4 năm Kỷ Mùi, tức tháng 5 năm 1979. Thời gian mất 7 năm).

Dịch xong, Pháp sư chấp tay vui mừng bảo đồ chúng rằng: “Kinh đây đối địa phương này có duyên… nay được trọn xong, đều là nhờ chư Phật minh gia, Long Thiên ủng hộ, vì đây là Kinh điển trấn quốc, khối ngọc to lớn của người, trời. Đồ chúng nên đều hớn hở nhảy nhót vui mừng!” Rồi ông Duy-na chùa Ngọc Hoa thiết chay khoản đãi vui mừng tất công. Và ngay ngày ấy rước Kinh từ điện này qua điện nọ… Kinh phóng hào quang v.v… đều là chư Phật, Long Thiên, người và oai lực của Kinh đồng nói lên nỗi vui mừng cho chúng sanh được hạnh phúc. Cho nên lời Ngự chế của Đường Thái Tông có câu rằng: “Thánh Giáo khuyết mà lại được toàn, chúng sanh tội mà hoàn được phước”. Trải qua gần 7 thế kỷ (từ Hán chí Đường hơn 600 năm) người Phật tử Trung Quốc mới có được bộ Kinh Đại Bát-nhã 600 quyển trọn vẹn đầy đủ.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam ta hơn mười tám thế kỷ mới nói chuyện “có”. Từ thời Ngài Cưu-ma-la-thập dịch 400 quyển, ngài Huyền Trang dịch 600 quyển, hai bộ Kinh này tuy có truyền vào Việt Nam, nhưng bằng chữ Hán thì vẫn là của người ngoại quốc. May sao do Ủy viên Hội Ấn Hành Kinh Điển tại Hương Cảng họ ảnh ấn bộ Kinh Đại Bát-nhã 600 quyển này vào năm 1958 truyền sang miền Nam Việt Nam, mới có một người Việt ngồi trên đồi núi Trại Thủy thuộc thành phố Nha Trang, quyết chí miệt mài dịch từ Hán văn sang Việt văn, sau 7 năm hoàn thành, 600 quyển kinh 5 triệu chữ. Kiểu đếm chữ dễ dàng như sau:

Sáu trăm quyển phân thành 24 tập (ngoại trừ tập mục lục) mỗi tập có 25 quyển, mỗi quyển trung bình 40 trang, mỗi trang 10 hàng, mỗi hàng 20 chữ. Mười trang 2.000 chữ. Bốn chục trang 8.000 chữ. Mười quyển có 80.000 chữ. Một trăm quyển có 800.000 chữ. Sáu trăm quyển tổng số có 4 triệu 8 trăm ngàn chữ. Chưa kể hai bài Ngự chế của hai vua nhà Đường, và 16 bài tựa của 16 Hội do dịch giả viết tại chùa Tây Minh, ký hiệu Huyền Tắc chớ không để Huyền Trang. (Toàn Kinh có 16 hội. Hội thứ nhất chiếm 400 quyển có một bài tựa. Còn 200 quyển, 15 Hội có 15 bài. Không như thông thường một bộ Kinh là chung một tựa. Quyển Kim Cương Bát-nhã ta thường tụng thuộc Hội thứ chín cũng riêng một tựa).

Như thế bộ Kinh này dịch ra Việt văn đầy đủ không dưới năm triệu chữ.

Phật nói: “Đại Bát-nhã là viên ngọc đại bảo thần châu vô giá. Châu này ở chỗ nào là chỗ đó khí hậu điều hòa… chúng sanh an lạc”. Người Phật tử Việt Nam ta đã được Bát-nhã Thần Châu này chắc cũng phải vui mừng sung sướng như người Phật tử Trung Quốc đã vui mừng nhảy nhót!

Khi Pháp Sư khởi đầu phiên dịch, Tăng chúng muốn Ngài lược dịch, Pháp Sư theo ý chúng. Đến đêm mộng thấy những điềm triệu kinh hãi, sáng ngày ra trước chúng đổi ý kiến và nói: “Phạn văn một chữ là tôi dịch ra Hán văn một chữ”. Thời đêm đến Ngài mộng thấy chư Phật phóng quang soi đến thân mình… và tự thấy mình thăng tòa vì chúng thuyết pháp… Hoặc mộng thấy có người mang danh quả đến biếu. Khi thức giấc vui mừng chẳng dám bỏ bớt. (Điểm này các nhà phiên dịch Kinh Phật phải lưu ý cho lắm vậy. Các Đức Phật cần khổ tu hành ba vô số kiếp mới nói được lời nói Chánh Pháp, mà chúng sanh gạt bỏ bớt là đắc tội với Chánh Pháp. Nếu làm không nổi thì đừng rờ tới, không có tội gì hết).

Rồi tới điềm mộng công cộng: Ngài Huệ Đức chủ chùa Ngọc Hoa và Hội đồng dịch Kinh, một đêm nọ đồng mộng thấy trong khu vực chùa này từ trong ra ngoài, từ trên đến dưới, huy hoàng trang nghiêm: Tràng phan bảo cái, cờ lọng hương hoa, đèn sáng, nhạc trỗi tưng bừng rực rỡ; như trong phẩm Nghiêm Tịnh Cõi Phật mà Kinh đã nói. Lại còn thấy nghe Pháp sư Huyền Trang ngự trên tòa giữa nhà thuyết pháp. Sáng ngày đồng đến chỗ Pháp sư nói lại việc mộng đã thấy và tham hỏi ý kiến. Pháp sư nói: “Nay chính đang dịch phẩm Kinh ấy, thời có các Bồ-tát đến cúng dường, chư Sư đã thấy phải tin có việc này”.

Đó là việc mộng. Sau đây là chuyện thực: Khi bấy giờ gần bên chánh điện chùa Ngọc Hoa có hai cây mít (nại thọ) bỗng ra hoa phi thời, mỗi hoa đều ra quả, sáu quả sắc hồng trắng, thịnh mậu xinh đẹp đáng yêu quí lắm. Lúc ấy Tăng chúng bèn luận rằng là triệu chứng Bát-nhã tái xiển dương; mà ra sáu quả lại là tiêu biểu sáu Ba-la-mật-đa.

Tôi khởi đầu dịch Kinh này đầu mùa hè năm 1972. Sang giữa mùa xuân năm 1973 thì một hôm bỗng nhiên có bốn em nữ sinh đến chơi chùa và xin tôi chụp bóng phong cảnh; tôi chấp nhận cho chúng tự do xem cảnh. Nhưng tôi thấy tác phong các em này hơi khác lạ, chẳng như nữ sinh Trung học Bồ-Đề, nên tôi mới hỏi, thì chúng đáp: “Chúng con là nữ sinh trường Trung học Hưng Đạo, các con là con của tín đồ Thiên Chúa; Hưng Đạo là tư thục của Thiên Chúa giáo”. Thế rồi chúng đi chụp bóng bồn bông này sang chậu hoa nọ, khóm trúc cành mai, cội phong lan, gốc cổ thụ… rồi hai em vui vẻ bước vào trước tôi: “Thưa Ông! Cây mít của Ông nó ra sáu trái thật đẹp quá! Mời Ông ra đứng bên nó cho chúng con chụp tấm bóng để kỷ niệm”. Đang lúc tôi viết cũng đã hơi mỏi và thấy chúng ân cần, nhớm dậy bước ra đứng bên sáu trái mít. Chúng nhiếp ảnh xong, tôi trở lại bàn viết. Thế là chúng thu nhiếp những gì là xuân hoa tuyết sắc của chốn Tăng viên và sau chót thu nhiếp sáu quả Ba-la-mật-đa vào trong ống kính. Rồi chúng vui vẻ cáo từ dắt tay nhau xuống dốc. Sau hơn mười lăm hôm, chúng gửi lên tặng tôi tấm bóng cây mít có sáu quả.

Bất ngờ nhận được tấm bóng, xem đẹp thật; rồi thản nhiên cất đi chứ không nghĩ gì có liên hệ đến Kinh điển. Vì bộ Kinh tôi dịch bị thất lạc quyển mục lục, mà truyện của Pháp sư trích đăng nơi quyển mục lục, nên khi sáu quả mít xuất hiện, tôi không hề biết tới. Ba năm sau mới mượn được mục lục, mới nhận thấy sự việc đã hiện ra trước đây hơn mười hai thế kỷ, nay lại xuất hiện tại đây, biết đâu xưa nay chẳng phải là hai. Vì việc xảy ra tại đây là việc ngẫu nhiên trăm phần trăm: chúng tự nhiên đến chơi, chúng có sáng kiến mời chủ ra chụp bóng và tặng bóng cho chủ… Bởi lời Đức Phật nói ra Kinh điển bất khả tư nghì, không vì thời gian lâu xa, địa dư cách trở, mà chỉ vì duyên lành đến lúc cơ cảm thành thục là có điềm thụy ứng vậy thôi. Nên tôi kèm theo tấm bóng này để cho đời sau tự suy nghiệm lấy.

Người xưa có câu: “Quả trung nại trân”, nghĩa là trong các loại trái cây, trái mít là quí trọng hơn hết.

Đức Phật thuyết ra các pháp. Sáu pháp Ba-la-mật-đa là thẳm sâu mầu nhiệm cao thượng hơn hết. Cho nên trường hợp sáu trái mít đã hiện ra cách đây hơn mười hai thế kỷ mà người ta phải ghi vào lịch sử phiên dịch Kinh điển; ngày nay lại tái diễn một lần nữa ở đây, có lẽ cũng là điềm thiêng liêng nào trong phạm vi đạo pháp!

Thời giáo Bát-nhã này, Đức Phật thuyết thời gian hai mươi hai năm (Nhị thập nhị niên Bát-nhã đàm). Pháp Hội: Có 16 Pháp Hội. Địa điểm có bốn:

  1. Tại chót núi Thứu Phong. Nơi đây đức Phật trước sau đi lại sáu lần, thuyết cả thảy năm trăm ba mươi bảy quyển (537).
  2. Tại vườn Cấp-cô-độc. Nơi đây Đức Phật trước sau đi lại bảy lần, thuyết cả thảy mười sáu quyển (16).
  3. Tại cung trời Tha Hóa Tự Tại. Nơi đây thuyết một quyển (1).
  4. Tại bên ao Cò Trắng thuộc phạm vi Tinh Xá Trúc Lâm. Nơi đây đức Phật thuyết tám quyển (8).

Tổng cộng tất cả là sáu trăm quyển (600).

Số phẩm: Từ Hội thứ nhất đến Hội thứ sáu tổng cộng có hai trăm sáu mươi lăm phẩm (265). Từ Hội thứ bảy trở đi Kinh không nêu ra phẩm (có thể mỗi Hội là một phẩm).

Tựa TAM TẠNG THÁNH GIÁO

Đường triều, Thái Tông Văn Hoàng đế ngự chế

Nhờ nghe biết do hai nghi mà có tượng, mới hiển hiện che chở cho các hàm linh. Bốn mùa không hình, lạnh nóng tiềm tàng để biến hóa cho muôn vật. Thế nên những kẻ dung ngu dòm trời xem đất đều nhận biết mối manh kia, mà những bậc hiền triết minh đạt âm dương vẫn chẳng cùng tột được lý số ấy.

Nhưng trời đất bao trùm âm dương nên dễ biết, là vì hữu tượng; âm dương vẫn ở trong trời đất mà khó cùng tột, là bởi vô hình. Nên biết tượng hiện dễ rõ, dù là kẻ ngu hiểu cũng chẳng sai lầm. Mà hình tiềm tàng chẳng thấy, dù với kẻ trí vẫn là mờ mịt.

Huống hồ đạo Phật là đạo sùng chuộng hư u tịch mịch, rộng cứu muôn loài, chế ngự mười phương. Cử lên uy linh là không gì trên hơn, đè xuống thần lực lại không gì dưới hết. Nếu là to tát thời đầy nhẫy vũ trụ, mà nhỏ nhen mà cho vào trong mảy lông cũng được.

Không diệt không sinh trải nghìn kiếp mà chẳng xưa, hoặc ẩn hoặc hiển vận trăm phước dẫn đến ngày nay. Đạo diệu huyền ngưng nhiên, tuân theo chẳng biết đâu là ngằn mé; dòng pháp lặng lẽ chảy tuôn mò tìm cũng chẳng lường được nguồn đáy.

Vậy nên biết: những kẻ phàm ngu xuẩn xuẩn, bọn quê mùa khu khu mà đầu nhập vào lý thú ý chỉ này, ai không nghi hoặc được ấy vậy ôi!

Thế thì Đại giáo được hưng thịnh bên Ấn Độ là nền móng, mới vượt qua Hán triều nằm mộng thấy rõ ràng, mới tuôn Đức Từ soi sáng cả cõi Đông.

Thưở xưa là lúc chia hình phân dấu, lời nói chưa truyền đi mà đã thành giáo hóa. Chính lúc Đức Phật còn tại thế, những kẻ dân gian kính ngưỡng đức mà biết tuân hành.

Hởi ôi! Đến khi về chơn khuất bóng, dung nghi kim sắc đã lắp dạng qua đời, còn đâu soi sáng cho ba ngàn thế giới u minh! Giờ đây, chỉ còn luống trông băm hai tướng hảo nơi chân dung tượng giáo mà thôi. Vì vậy mà những lời mầu nhiệm mới được rộng trùm các cõi xa xôi, để cứu với các loại hàm linh nơi Tam đồ và dẫn dắt quần sinh vượt lên bậc Thập địa.

Nhưng mà Chân giáo khó ngưỡng cầu, chẳng thể nào một phen mà chỉ thẳng đường về; còn lối học khúc chiết dễ theo, nên tà chính bởi đó mà sinh ra rắc rối. Sở dĩ lập thành những luận nghị “không hữu” hoặc theo tập tục mà có thị phi và Đại Tiểu thừa thoạt theo thời mà thịnh mà suy tùy lúc. Cũng vì thế nên mới có HUYỀN TRANG PHÁP SƯ là bậc lãnh tụ của pháp môn xuất hiện vậy.

Lúc thiếu thời, Trang Sư hoài bão tâm hồn trinh kiên mẫn cán. Sớm tỉnh ngộ tâm là Tam không (tức quá, hiện, vị) nên thường hằng hợp với thần tình, trước tiên là hoằng dương hạnh Tứ nhẫn (tức Tứ hoằng thệ)

Tác phong của Người, dù cho gió lay ngọn tòng, trăng lồng đáy nước chi nữa, cũng chưa đủ sánh với thanh hoa, hay là tiên ló ngọc ngời đi nữa, ai dễ gì sánh cùng sáng soi tươi nhuận.

Cho nên đem trí không thông lụy và thần trí mà lường cũng chưa đủ hình dung; vì vượt xa hẳn sáu trần lụy, kể cả nghìn xưa vẫn không ai đối địch nỗi.

Sư ngưng tâm nơi nội cảnh, buồn thương Chánh pháp bị suy tàn, lắng lo chốn huyền môn mà cảm khái những ngụy xằng và sai lầm của kinh điển thâm văn; nên mới muốn phân điều rẽ lý để mở rộng những điều đã học vấn trước kia và mới gạt bỏ được tà ngụy mà nối nắm được chánh nhân. Có thế mới có thể khai phát được cho những kẻ hậu học ngày nay.

Vậy nên Sư đem lòng hướng về cõi Tịnh mà quyết chí vãng du qua cõi Tây. Thế rồi một mình một gậy một hướng đi, xa xăm nguy hiểm. Non tích tuyết ban mai, tuyết rơi đụn đống, giữa đường mất lối. Bãi kinh sa, buổi chiều cát dậy mịt mù, khó khăn hơi thở. Ngoài tầm mắt thấy trời vẫn là trời, vô cùng man mác, muôn dặm non sông, vẹt khói mù mà gắng bước lấn lên… nghìn trùng lạnh nóng, gót dẫm tuyết sa, bước từng buớc một. Với một tấm lòng quả quyết, nặng chí chân thành mà voi nhẹ nỗi gian lao. Thoát khúc nguy nan, cầu thâm nguyện đạt.

Giờ đây bắt đầu chu du trải khắp cõi Tây, thời gian trọn cả 17 năm liền. Nay đây mai đó, trải qua các đạo các bang, với chính đích là tham cầu học hỏi Chánh giáo với nhiều người và nhiều nơi. Chốn song lâm bát thủy, từng nếm mùi đạo vị thanh cao; nơi vườn Lộc Uyển, đỉnh Thứu Phong, đích thân chiêm ngưỡng biết bao những cảnh kỳ quan thắng tích.

Vâng lời chí ngôn nơi các bậc Tiên thánh, thụ học Chơn giáo với những vị Thượng hiền. Nghiên cứu nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm của pháp môn, tinh thông cùng tận sự nghiệp thâm huyền u hảo. Mới đem đạo nghĩa Nhất thừa ngũ luật tung rải nơi tâm điền; Văn chương Tam tạng ba pho mà làm sống động nơi hải khẩu.

Những nước đã đích thân trải qua và trú ngụ, để tóm thu tinh nghĩa yếu văn của Tam tạng, tính có sáu trăm năm mươi bảy bộ (657) được đem về; miệt mài phiên dịch, truyền bá trong nước để tuyên dương thịnh nghiệp cho muôn đời. Kéo mây từ Ấn sang Tàu, rưới mưa pháp khắp nơi Trung Quốc. Làm cho Thánh giáo khuyết mà lại được toàn, chúng sanh tội mà hoàn toàn được phước. Dập đám cháy tắt nơi hỏa trạch, tận tâm cứu kẻ lầm đường; bình định sóng cuồng nơi ái thủy, đồng bước lên bờ giác.

Thế mới biết ác nhân là nghiệp phải đọa, mà thiện quả là duyên được thăng. Mối manh thăng hay đọa, duy bởi con người mà đắc.

Ví như quế sanh non cao, hoa nó mới được thấm nhuần mưa móc; sen mọc nước trong, lá nó bụi trần chẳng thể làm dơ. Bởi chẳng phải tánh sen tự thân trong sạch, chỉ vì nhờ ở chỗ được sạch trong, thì những loại bẩn thỉu chẳng bám vào được. Mà quế kia bản chất trinh kiên, cũng nhờ sinh trưởng ở non cao, nên vật yếu ớt không thể nào làm lụy được.

Ôi ! Kìa cỏ cây là vật vô tri, vẫn nhờ ở thiện mà thành được thiện, huống hồ loài người là loại hữu thức, sao chẳng chịu vin nơi khánh mà cầu cho được khánh ư?

Nay cầu nguyện kinh này được lưu thông khắp hoàn vũ, để đem ánh sáng vô cùng như nhật nguyệt mà làm phước soi sáng khắp gần xa. Nguyện cùng trời đất cao dày che chở hằng thường vĩnh đại.

Tỳ-kheo THÍCH TRÍ NGHIÊM phỏng dịch
Tỳ-kheo
THÍCH THIỆN SIÊU khảo

Mục Lục 24 TẬP và 600 QUYỂN

Tập 01

Quyển thứ: 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25

Tập 02

Quyển thứ: 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50

Tập 03

Quyển thứ 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 | 61 | 62 | 63 | 64 | 65 | 66 | 67 | 68 | 69 | 70 | 71 | 72 | 73 | 74 | 75

Tập 04

Quyển thứ 76 | 77 | 78 | 79 | 80 | 81 | 82 | 83 | 84 | 85 | 86 | 87 | 88 | 89 | 90 | 91 | 92 | 93 | 94 | 95 | 96 | 97 | 98 | 99 | 100

Tập 05

Quyển thứ | 101| 102 | 103 | 104 | 105 | 106 | 107 | 108 | 109 | 110 | 111 | 112 | 113 | 114 | 115 | 116 | 117 | 118 | 119 | 120 | 121 | 122 | 123 | 124 | 125

Tập 06

Quyển thứ: 126 | 127 | 128 | 129 | 130 | 131 | 132 | 133 | 134 | 135 | 136 | 137 | 138 | 139 | 140 | 141 | 142 | 143 | 144 | 145 | 146 | 147 | 148 | 149 | 150

Tập 07

Quyển thứ: 151 | 152 | 153 | 154 | 155 | 156 | 157 | 158 | 159 | 160 | 161 | 162 | 163 | 164 | 165 | 166 | 167 | 168 | 169 | 170 | 171 | 172 | 173 | 174 | 175

Tập 08

Quyển thứ: 176 | 177 | 178 | 179 | 180 | 181 | 182 | 183 | 184 | 185 | 186 | 187 | 188 | 189 | 190 | 191 | 192 | 193 | 194 | 195 | 196 | 197 | 198 | 199 | 200

Tập 09

Quyển thứ: 201 | 202 | 203 | 204 | 205 | 206 | 207 | 208 | 209 | 210 | 211 | 212 | 213 | 214 | 215 | 216 | 217 | 218 | 219 | 220 | 221 | 222 | 223 | 224 | 225

Tập 10

Quyển thứ: 226 | 227 | 228 | 229 | 230 | 231 | 232 | 233 | 234 | 235 | 236 | 237 | 238 | 239 | 240 | 241 | 242 | 243 | 244 | 245 | 246 | 247 | 248 | 249 | 250|

Tập 11

Quyển thứ: 251 | 252 | 253 | 254 | 255 | 256 | 257 | 258 | 259 | 260 | 261 | 262 | 263 | 264 | 265 | 266 | 267 | 268 | 269 | 270 | 271 | 272 | 273 | 274 | 275

Tập 12

Quyển thứ: 276 | 277 | 278 | 279 | 280 | 281 | 282 | 283 | 284 | 285 | 286 | 287 | 288 | 289 | 290 | 291 | 292 | 293 | 294 | 295 | 296 | 297 | 298 | 299 | 300

Tập 13

Quyển thứ: 301 | 302 | 303 | 304 | 305 | 306 | 307 | 308 | 309 | 310 | 311 | 312 | 313 | 314 | 315 | 316 | 317 | 318 | 319 | 320 | 321 | 322 | 323 | 324 | 325

Tập 14

Quyển thứ: 326 | 327 | 328 | 329 | 330 | 331 | 332 | 333 | 334 | 335 | 336 | 337 | 338 | 339 | 340 | 341 | 342 | 343 | 344 | 345 | 346 | 347 | 348 | 349 | 350

Tập 15

Quyển thứ: 351 | 352 | 353 | 354 | 355 | 356 | 357 | 358 | 359 | 360 | 361 | 362 | 363 | 364 | 365 | 366 | 367 | 368 | 369 | 370 | 371 | 372 | 373 | 374 | 375

Tập 16

Quyển thứ: 376 | 377 | 378 | 379 | 380 | 381 | 382 | 383 | 384 | 385 | 386 | 387 | 388 | 389 | 390 | 391 | 392 | 393 | 394 | 395 | 396 | 397 | 398 | 399 | 400

Tập 17

Quyển thứ: 401 | 402 | 403 | 404 | 405 | 406 | 407 | 408 | 409 | 410 | 411 | 412 | 413 | 414 | 415 | 416 | 417 | 418 | 419 | 420 | 421 | 422 | 423 | 424 | 425

Tập 18

Quyển thứ: 426 | 427 | 428 | 429 | 430 | 431 | 432 | 433 | 434 | 435 | 436 | 437 | 438 | 439 | 440 | 441 | 442 | 443 | 444 | 445 | 446 | 447 | 448 | 449 | 450

Tập 19

Quyển thứ: 451 | 452 | 453 | 454 | 455 | 456 | 457 | 458 | 459 | 460 | 461 | 462 | 463 | 464 | 465 | 466 | 467 | 468 | 469 | 470 | 471 | 472 | 473 | 474 | 475

Tập 20

Quyển thứ: 476 | 477 | 478 | 479 | 480 | 481 | 482 | 483 | 484 | 485 | 486 | 487 | 488 | 489 | 490 | 491 | 492 | 493 | 494 | 495 | 496 | 497 | 498 | 499 | 500

Tập 21

Quyển thứ: 501 | 502 | 503 | 504 | 505 | 506 | 507 | 508 | 509 | 510 | 511 | 512 | 513 | 514 | 515 | 516 | 517 | 518 | 519 | 520 | 521| 522 | 523 | 524 | 525

Tập 22

Quyển thứ: 526 | 527 | 528 | 529 | 530 | 531 | 532 | 533 | 534 | 535 | 536 | 537 | 538 | 539 | 540 | 541 | 542 | 543 | 544 | 545 | 546 | 547 | 548 | 549 | 550

Tập 23

Quyển thứ: 551 | 552 | 553 | 554 | 555 | 556 | 557 | 558 | 559 | 560 | 561 | 562 | 563 | 564 | 565 | 566 | 567 | 568 | 569 | 570 | 571 | 572 | 573 | 574 | 575

Tập 24

Quyển thứ: 576 | 577 | 578 | 579 | 580 | 581| 582 | 583 | 584 | 585 | 586 | 587 | 588 | 589 | 590 | 591 | 592 | 593 | 594 | 595 | 596 | 597 | 598 | 599 | 600