Home » Phật sự - Giáo hội » BẢN ĐÚC KẾT Đại Hội Kỳ 2 của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN (19.12.2024 trên Zoom)

BẢN ĐÚC KẾT Đại Hội Kỳ 2 của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN (19.12.2024 trên Zoom)

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
HỘI ĐỒNG HOẰNG PHÁP

BẢN ĐÚC KẾT

Đại Hội Kỳ 2 Của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN
Ngày 19 tháng 12 năm 2024 trên Zoom

Sau khi niệm Phật cầu gia bị, TT Thích Nguyên Tạng, Trưởng Ban Báo Chí và Xuất Bản của Hội Đồng Hoằng Pháp (HĐHP), đã tuyên bố lý do. Thượng Tọa cho biết kể từ Đại Hội Kỳ 1 của Hội Đồng Hoằng Pháp được tổ chức trên Zoom vào ngày 27 tháng 11 năm 2021 đến nay đã 3 năm. Sau 3 năm hoạt động với những thành tựu đáng khích lệ, để báo cáo các Phật sự đã thực hiện và đề ra những công tác mới cho thời gian tới, nên Đại Hội kỳ 2 của HĐHP được tổ chức hôm nay cũng trên hệ thống Zoom với sự quang lâm và tham dự có lúc lên tới 116 đại biểu, gồm chư tôn đức Tăng, Ni, thiện hữu tri thức và đồng bào Phật tử các giới từ khắp nơi trên thế giới.

Hòa Thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký HĐHP và Chủ Tịch Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương GHPGVNTN đã khai mạc Đại Hội. Hòa Thượng, trước hết đã tri ân chư tôn đức Trưởng Lão, chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni đã quang lâm, và cảm ơn chư vị thiện hữu tri thức và đồng bào Phật tử đã tham dự. Hòa Thượng nhấn mạnh rằng thực hiện sứ mệnh hoằng pháp là để báo Phật ân đức và Thầy Tổ. Hòa Thượng đã tóm lược lịch sử hình thành và giới thiệu cơ cấu hoạt động của HĐHP từ 3 năm trước, khi Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đang dưỡng bệnh tại Nhật Bản liên lạc với Hòa Thượng để khuyến tấn việc thành lập HĐHP. Hòa Thượng cho biết HĐHP trên cơ bản gồm 4 Ban: Ban Phiên Dịch Trước Tác, Ban Truyền Bá Giáo Lý, Ban Báo Chí và Xuất Bản, và Ban Bảo Trợ.

Trong lời Đạo Từ, Hòa Thượng Thích Đức Thắng, Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, tán dương công đức của tứ chúng đã hộ trì cho Phật sự hoằng pháp của HĐHP. Hòa Thượng nói rằng hoằng pháp để rộng truyền Phật Pháp, tăng trưởng tín tâm cho quần chúng Phật tử đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh Giới. Hòa Thượng cũng đề cập đến việc phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam là tiếp nối bản nguyện của lịch đại Tổ Sư Phật Giáo Việt Nam, là kết tập pháp bảo để lưu truyền cho hậu lai. Hòa Thượng cũng nhắc đến công tác vận động hòa hợp Tăng Già và phát huy bản thể thanh tịnh và hòa hợp của Tăng Già. Hòa Thượng đã đề ra một số công tác Phật sự sắp tới. Chẳng hạn, sử dụng các phương tiện hiện đại của truyền thông trong công cuộc hoằng pháp, đào tạo Tăng tài. Hòa Thượng nói rằng Viện Tăng Thống mong mỏi lắng nghe ý kiến đóng góp của toàn thể Tăng tín đồ về các mô hình đào tạo khả thi. Hòa Thượng cũng khuyến thỉnh chư tôn đức Tăng, Ni gia tâm nhiều hơn nữa việc giảng dạy cho GĐPTVN các cấp trên toàn thế giới.

Đại Hội đã lắng nghe Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Chứng Minh Hội Đồng Hoằng Pháp thuyết trình về đề tài “Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam.” Trước hết, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đã tưởng niệm công hạnh của cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã phục hồi công trình phiên dịch ĐTKVN từ Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng của Viện Tăng Thống năm 1973. Trưởng Lão Hòa Thượng nói rằng phiên dịch ĐTK là để duy trì và phổ biến Phật Pháp đến mọi người qua nhiều thế hệ. Ngài cho biết bản dịch Việt của Đại Tạng Kinh kỳ này dựa vào bản Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh của Nhật Bản làm bản gốc, cùng lúc đối chiếu với các bản khác và chú thích để làm rõ nghĩa các từ ngữ và đoạn kinh văn bằng tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Tây Tạng, hay tiếng Nhật. Ngài cũng đã giải thích từ ngữ “Thanh Văn” trong Thanh Văn Tạng. Ngài giải thích sơ qua về Tam Tạng (Kinh, Luật, Luận). Ngài nói đến vai trò của ngôn ngữ trong triết học và tôn giáo ở Ấn Độ trước và vào thời Đức Phật. Ngài đã nói đến những khó khăn trong việc phiên dịch Kinh điển qua nhiều thế hệ. Cuối cùng Ngài đề nghị HĐHP nên nghiên cứu về số lượng Kinh ấn hành sao cho không quá dư. Về việc này, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, Phó Thư Ký HĐHP và Hội Trưởng Hội Ấn Hành ĐTKVN đã giải thích rằng qua kinh nghiệm của việc ấn hành Thanh Văn Tạng đợt 1 thì thấy ở Hoa Kỳ không còn dư bao nhiêu bộ, vì vậy, số lượng như vậy là vừa đủ.

Tiếp theo là phần báo cáo Phật sự trong 3 năm qua và chương trình hoạt động sắp tới của các Ban trực thuộc HĐHP.

1/Ban Truyền Bá Giáo Lý:

A) Hoa Kỳ: Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, Trưởng Ban Truyền Bá Giáo Lý Hoa Kỳ đã cho biết rằng nhìn chung thì công tác truyền bá giáo lý ở Hoa Kỳ trong 2 năm qua rất khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhân sự của Ban Truyền Bá Giáo Kỳ Hoa Kỳ chưa hoạt động tích cực như mong đợi. Hòa Thượng nói rằng trong 2 năm qua, Ban Truyền Báo Giáo Lý Hoa Kỳ đã tổ chức 8 khóa tu học theo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông tại các tiểu bang ở Mỹ. Ngài cho biết giới trẻ đã tham dự các khóa tu học này rất đông và điều này cần tiếp tục phát triển. Theo Hòa Thượng, các lớp học Phật Pháp cho tuổi trẻ tại một số chùa rất thành công. Về Phật sự sắp tới, Hòa Thượng cho biết đã có lịch trình tổ chức 4 khóa tu học trong năm 2025 tại các tiểu bang. Hòa Thượng cũng đã mời quý TT Thích Chúc Đại, TT Thích Pháp Uyển, TT Thích Giác Giới vào Ban Truyền Bá Giáo Lý Hoa Kỳ. Hòa Thượng cũng khuyến thỉnh việc tổ chức tu học và đào tạo các em Gia Đình Phật Tử vì đây là thế hệ tương lai của Phật Giáo.

B) Âu Châu: Hòa Thượng Thích Tâm Huệ, Trưởng Ban Truyền Bá Giáo Lý Âu Châu đã đọc bản báo cáo do TT Thích Hạnh Tấn soạn. Bản báo cáo cho biết từ năm 2022 đến nay, Ban Truyền Bá Giáo Lý Âu Châu đã tổ chức các lớp giảng Phật Pháp vào mỗi Thứ Năm hàng tuần trên Zoom. Tính đến nay đã có 134 tiết học Phật Pháp được thực hiện. Hòa Thượng Thích Tâm Huệ cho biết việc điều hành các lớp giảng Phật Pháp trên Zoom là do các cư sĩ phụ trách. Hòa Thượng nói rằng các học viên tham dự đều đặn.

C) Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan: Hòa Thượng Thích Trường Sanh, Trưởng Ban Truyền Bá Giáo Lý Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, nói rằng vai trò hoằng pháp rất quan trọng vì để xây dựng tín tâm cho quần chúng Phật tử. Ngài cho biết Ban Truyền Bá Giáo Lý Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan đã tổ chức học Phật Pháp online vào mỗi Thứ Ba hàng tuần. Qua đó, Hòa Thượng nhận thấy trình độ Phật học của Phật tử còn kém. Hòa Thượng mong rằng HĐHP nỗ lực hơn nữa trong việc tổ chức các lớp học Phật Pháp cho Phật tử, đặc biệt là cho các em Gia Đình Phật Tử.

D) Canada: Hòa Thượng Thích Bổn Đạt, Phó Thư Ký HĐHP kiêm Trưởng Ban Truyền Bá Giáo Lý Canada, báo cáo rằng Canada là nơi đất rộng và người thưa nên các Phật sự hoằng pháp bị hạn chế, đặc biệt vì có ít chư Tăng, Ni đảm đang. Hòa Thượng Thích Bổn Đạt cho biết Hòa Thượng Thích Thiện Quang tổ chức khóa tu học thường kỳ tại Chùa Bát Nhã, Calgary, Canada. Hòa Thượng cũng nhắc đến việc tổ chức các khóa tu học Phật Pháp của Ngài, HT Thích Trừng Phước, HT Thích Tâm Hòa, v.v… Hòa Thượng cho biết đã tham dự Đại Hội GĐPT Hải Ngoại để bày tỏ sự quan tâm và khuyến khích việc giáo dục tuổi trẻ GĐPT.

2/Ban Phiên Dịch và Trước Tác:

Hòa Thượng Thích Thái Hòa, Chánh Thư Ký Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương đã trình bày thành quả phiên dịch ĐTKVN trong 2 năm qua của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời/Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương. Qua đó, đợt 1 đã ấn hành được 29 cuốn Thanh Văn Tạng, gồm bốn bộ Kinh A-hàm, Kinh Hiền Ngu, Kinh Lục Độ Tập, Luật Tứ Phần, Luận Câu-xá; đợt 2 đã ấn hành 8 cuốn Thanh Văn Tạng, gồm Biệt Dịch Tạp A-hàm Kinh, Luật Ngũ Phần, Luật Dược Sự, Thức Thân Túc Luận, Thi Thiết Túc Luận, và Câu-xá Thật Nghĩa. Tổng cộng 37 cuốn Kinh, Luật và Luận thuộc Thanh Văn Tạng. Hòa Thượng cho biết tại Việt Nam nhiều vị giáo thọ ở các trường Phật học và các giáo sư Đại Học rất cần Thanh Văn Tạng đợt 1 để nghiên cứu vì bộ Đại Tạng này được dịch và chú thích công phu và giá trị. Hòa Thượng cũng cho biết Ngài đang dịch Phát Trí Luận và quý TT Thích Nhuận Châu, TT Thích Nguyên Hiền và các vị dịch sư trong Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương đang tiếp tục dịch Kinh, Luật và Luận để hoàn tất đợt 3 vào Lễ Đại Tường của cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.

Liên quan đến Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chánh Văn Phòng Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương tại Việt Nam, đã trình bày về việc hoàn thành việc xây cất và làm giấy tờ cúng cho Viện Tăng Thống và Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương cơ sở cho chư vị dịch sư sử dụng trong khu đất Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai. Hòa Thượng cũng báo cáo đã thành lập quỹ quản trị việc thu chi cho Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương và cử Thủ Quỹ điều hành. Hòa Thượng cho biết cần thêm Thanh Văn Tạng đợt 1 vì còn nhiều nhu cầu chưa đáp ứng đủ. Nhân dịp này, Hòa Thượng cũng đã đề nghị GHPGVNTN lấy ngày Lễ Phật Thành Đạo là ngày tưởng niệm lịch đại Tổ Sư theo quyết định của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN ký ban hành trước năm 1973. Hòa Thượng cũng mong chư Tôn Đức hỗ trợ công cuộc vận động hòa hợp Tăng, Ni mà ngài hiện đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Vận Động Hòa Hợp Tăng Ni theo quyết định của Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống Hòa Thượng Thích Đức Thắng.

3/Ban Báo Chí và Xuất Bản:

Cư Sĩ Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ, Thư Ký Ban Báo Chí và Xuất Bản của HĐHP, thay mặt TT Thích Nguyên Tạng, Trưởng Ban BC&XB, báo cáo hoạt động trong 3 năm qua. Cư Sĩ cho biết Ban đã xuất bản 37 cuốn Kinh, Luật, Luận và 15 cuốn sách giá trị, gồm: Pháp Diệt Tránh (Thích Nguyên Chứng), Yết Ma Yếu Chỉ (Thích Trí Thủ và Thich Nguyên Chứng), Tổng Quan Về Nghiệp (Thích Tuệ Sỹ), Tây Vực Ký (Thích Như Điển), Tư Tưởng Xã Hội Trong Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy (Thích Nguyên Siêu), Thân Loan Thánh Nhân Toàn Thư, tập 2 (Thích Như Điển Sưu khảo và Phiên dịch), Hiện Tượng Luận Phật Giáo (Thích Nhuận Châu dịch Việt), v.v… Cư Sĩ Tâm Thường Định cũng cho biết ngoài việc ấn hành kinh sách của HĐHP, Ban Báo Chí và Xuất Bản đã mở trang mạng toàn cầu www.hoangphap.org và các trang mạng xã hội khác để quảng bá Phật Pháp.

4/Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam:

Cư Sĩ Tâm Thường Định đã đọc bản báo cáo Hội Ấn Hành ĐTKVN do Cư Sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo, Thủ Quỹ của Hội soạn. Trong đó liệt kê 29 cuốn Kinh, Luật, Luận thuộc Thanh Văn Tạng được ấn hành đợt 1, và 8 cuốn Kinh, Luật, Luận cũng thuộc Thanh Văn Tạng được ấn hành đợt 2.

5/Ban Bảo Trợ:

Ni Sư Thích Nữ Bảo Quang, Tổng Thủ Quỹ của Ban Bảo Trợ của Hội Đồng Hoằng Pháp đã thay mặt HT Thích Tâm Hòa, Trưởng Ban Bảo Trợ, đồng thời Ni Sư cũng đã thay mặt Ni Sư Thích Nữ Diệu Tánh, Trưởng Ban Bảo Trợ ở Hoa Kỳ báo kết quả thu chi và tồn quỹ trong 2 năm qua. Cụ thể là sau khi khấu trừ mọi khoản chi thì tồn quỹ của Ban Bảo Trợ ở Canada là hơn $129,000.00 và tồn quỹ của Ban Bảo Trợ ở Hoa Kỳ là hơn $24,500.00. Ni Sư cũng cho biết là bắt đầu từ đầu năm 2025, Ban Bảo Trợ ở Canada sẽ chi cho việc cúng dường chư vị dịch sư tại Việt Nam và Ban Bảo Trợ ở Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm chi cho bộ phận kỹ thuật và truyền thông.

6/Báo cáo công tác dạy Phạn ngữ:

Cư Sĩ Nguyên Đạo Văn Công Tuấn đã đọc bản báo cáo công tác dạy Phạn ngữ của Ni Sư Thích Nữ Thanh Trì. Qua đó Ni Sư cho biết đã tổ chức và hoàn tất 2 học kỳ lớp Phạn ngữ. Ni Sư cũng nói rằng lớp học hiểu Phạn ngữ mà Ni Sư đảm trách dựa vào bản Kinh Bồ Tát Địa bằng chữ Phạn, theo sự chuẩn thuận của cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Ni Sư nhấn mạnh rằng việc học Phạn ngữ như thế không chỉ là học ngôn ngữ mà còn để thâm nhập vào nội dung giáo nghĩa của Bồ Tát Đạo.
Phần báo cáo của các Ban trực thuộc HĐHP đến đây đã xong.

Trong phần mục bổ sung, Hòa Thượng Thích Như Điển cho biết sau khi Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Chứng Minh Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời viên tịch vào tháng 1 năm 2024, Hòa Thượng đã cung thỉnh Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Đạt vào ngôi vị Chứng Minh cho Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương và đã được Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Đạt hoan hỷ nhận lời.

Sau khi bản đúc kết Đại Hội kỳ 2 của HĐHP được đọc trước toàn thể chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ tham dự Đại Hội, thì có 2 phát biểu diễn ra: Một là phát biểu của HT Thích Từ Lực, Thành Viên Ban Truyền Bá Giáo Lý Hoa Kỳ; và thứ hai là Đạo Từ của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn, Chứng Minh Hội Đồng Hoằng Pháp. Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn và HT Thích Từ Lực đều tán thán công đức của quý vị thuộc HĐHP đã nỗ lực không ngừng trong sứ mệnh xiển dương Chánh Pháp và xưng tán công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam do cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lãnh đạo và hiện do Hòa Thượng Thích Như Điển làm Chủ Tịch.

Cư Sĩ Tâm Huy chấp bút