Home » Sách mới của HT Như Điển » Câu chuyện mời nhà sư mua cá

Câu chuyện mời nhà sư mua cá

(Chuyện bên đường trong chuyến đi Hoằng Pháp tại Đài Loan từ ngày 12.11 đến ngày 2 tháng 12.2024)

Suốt năm 2024 lịch làm việc của tôi dày đặc, đến tháng cuối tháng 11 sau chuyến Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ tôi còn chút thì giờ định sắp xếp sang Thái Lan có chút việc và thăm viếng. Vô tình trong đoàn Hoằng Pháp có thầy Trung Thành đang học tại Đài Loan biết được và thưa rằng: ”Bạch Sư Ông, chúng con ở Đài Loan khao khát mong được Sư Ông đến đó một lần để thăm viếng, vì bây giờ ở đấy đã có trên 100 Tăng Ni từ Việt Nam đến đó du học và trên dưới 600.000 người Việt lấy chồng Đài cũng như đi lao động; nên chúng con mong Sư Ông đến đó một lần để thăm một chuyến”. Thế là tôi lo book vé đi Đài Loan thay vì Thái Lan như đã dự định.

Ngày 22.2.1972 lần đầu tiên đi ra khỏi nước để đến Nhật Bản du học, máy bay Air Việt Nam bay đến Tokyo phải dừng chân các nơi như Hồng Kông, Taipei, Osaka rồi mới đến Tokyo. Taipei ngày ấy còn thua xa Sài Gòn mình nhiều lắm. Thế mà hơn 50 năm sau, Đài Loan bây giờ là Nhật Bản của 50 năm về trước. Phi trường Đào Viên ở Đài Bắc bây giờ, Sài Gòn chắc chắn không qua mặt nổi. Nếu có, chắc cũng cần chừng vài ba chục năm nữa. Quả thật đời là thế. Không tiến, ắt phải lùi. Đó là một định luật vậy.

Đón tôi tại phi trường Đào Viên lần nầy là Thầy Hạnh Bảo, Thầy Trung Thành và Cô Tịnh Liên. Hơi còn sớm cho buổi cơm trưa tự chọn tại tiệm chay nhiều món; nên chúng tôi đi đổi tiền để lo cho chuyến đi sắp đến. Giờ hẹn Thượng Toạ Tịnh Dũng và Quý Sư Cô người Đài Loan tại nhà hàng chay và chúng tôi đã đến đúng giờ. Nhà hàng nầy chúng tôi đã đến nhiều lần và mỗi lần có nhiều món chay thay đổi, rất hợp khẩu vị với người Việt Nam và ít nhất cũng hơn 300 loại khác nhau từ khai vị đến dùng tráng miệng.

Kỳ nầy đến Đài Loan thấy có nhiều điều lạ như: đèn đỏ ở Đài Bắc, xe hơi cũng có thể đi, đến đèn đỏ tiếp tục thì dừng lại. Việc nầy trên thế giới chỉ có Đài Loan ứng dụng; chứ tôi chưa thấy nơi nào như thế cả. Đi và đến ít nhất là 85 nước trên thế giới; nhưng tôi chưa thấy nơi nào có những trạm dừng xe hơi trên xa lộ rộng rãi thênh thang, mà ngay cả Mỹ cũng chưa hề có. Nếu nói ở Đức trên xa lộ có thể chạy không giới hạn với những chỗ cho phép, thì Đài Loan với những trạm dừng chân để đổ xăng và nghỉ ngơi trên xa lộ, cả thế giới mà tôi đã đi qua 85 nước, chưa có nơi nào bằng. Nếu bảo nhà vệ sinh trên xa lộ của Nhật Bản ở gần núi Phú Sĩ, tốt hơn cả khách sạn 5 sao, thì Đài Loan ngày nay cũng có nhiều điều đặc biệt lắm. Tôi sẽ lần lượt viết để kể hầu quý vị.

Nếu ở Việt Nam danh xưng Hoà Thượng là lớn thì ở Trung Quốc hay Đài Loan phải gọi là Trưởng Lão mới lớn. Chữ Sư Phụ mà chúng ta hay dùng chỉ để gọi Thầy Bổn Sư của mình đã quy y Tam Bảo; nhưng ở Trung Quốc và Đài Loan dùng để chỉ cho vị Thầy, Cô như tiếng Việt Nam mình hay gọi; hoặc chữ Sunim của Đại Hàn, Kusho của Tây Tạng. Ban đầu mới nghe hay được nghe cách tự xưng là Sư Phụ đối với người đối diện, tôi hơi ngỡ ngàng; nhưng ở Đài Loan là chuyện bình thường.

Trước năm 1975 Đài Loan chỉ có Phật Học Viện cho Tăng Ni Sinh tu tập; nhưng ngày nay có nhiều Đại Học Phật Giáo như: Phật Quang, Pháp Cổ, Hoa Phạn, Phước Trí hay những Phật Học Viện có cả việc đào tạo cử nhân, cao học, tiến sĩ như: Quang Đức, Viên Quang v.v… Tất cả những nơi đây chúng tôi đều đã ghé thăm và thuyết trình, trao đổi văn hoá, giáo dục với Quý Thầy, Cô giáo người Đài Loan. Ngày xưa trước năm 1975 ở Việt Nam thành quả của các học vị ở cấp bậc Đại Học là: Cử Nhân, Cao Học và Tiến Sĩ; trong khi đó ở Trung Quốc, Đài Loan ngày nay là: Cử Nhân, Thạc Sĩ và Bác Sĩ. Chữ Tiến Sĩ hình như chỉ có ở Việt Nam dùng; chứ các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn đều gọi là Bác Sĩ. Ví dụ như Bác Sĩ Triết Học, Bác Sĩ Giáo Dục, Bác Sĩ Ngôn ngữ học v.v… Chữ Bác ở đây có nghĩa là người học rộng, chữ nghĩa nhiều; chứ không nhất thiết là người học y khoa khi ra trường. Việc nầy chỉ có ở Việt Nam; chứ thế giới ít nghe đến. Việc học ngày nay ở các nước trên thế giới tương đối gần giống nhau; nhưng trước đây thì khác nhau nhiều lắm. Ví dụ như ở Đức bậc Trung Học phải học 13 năm, cử nhân 5 năm và Tiến (Bác) Sĩ 3 đến 5 năm. Do Trung Học và Đại Học đã là 18 năm; nên ở Đức ngày xưa không có bằng MA (Cao Học) mà khi ra trường BA cũng có nghĩa là MA. Bây giờ thì Đức đã theo hệ thống giáo dục của Mỹ và Nhật Bản. Ở Anh và Ấn Độ lại càng khác hơn nữa. Nghĩa là sau MA còn phải học hai năm MPhl nữa, kế tiếp đó mới làm PhD.

Ngôn ngữ ngoại giao vẫn là tiếng Anh; nhưng đến Đài Loan lần nầy tôi đã có cơ hội để trao đổi với Quý Thầy, Cô giáo tại các Đại Học Phật Giáo bằng tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Việt. Ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới gọi Viện Trưởng là để chỉ cho người đứng đầu các Đại Học; nhưng ở Đài Loan thay vì gọi là khoa trưởng phân khoa Phật khoa thì được gọi là Viện Trưởng. Những người học ở Đại Học thường được gọi là Sinh Viên hay nghiên cứu sinh; nhưng ở Đài Loan vẫn được dịch là Học Sinh thay vì Sinh Viên.

Những Đại Học Phật Giáo tại Đài Loan ngày nay các sinh viên ngoại quốc có thể ở lại trong những cư xá, ăn uống tự túc hay tại Căn-tin; nhưng nhiều người cũng nhận được học bổng của trường, nếu có những nghiên cứu hay viết bài với số điểm được ấn định. Đây là cơ hội tốt cho các Tăng Ni Đình Việt Nam đang và sẽ du học tại Đài Loan. Tất cả các Đại Học qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy sinh viên Tăng Ni Việt Nam đều được các Đại Học tại đây khen thưởng nồng nhiệt, vì đa phần đều nhận được học bỗng của trường và có tinh thần đoàn kết sinh hoạt có tính cách cộng đồng cao hơn các sinh viên của các nước khác đến đây tu học. Đây là một điểm son của người Việt Nam nói chung vậy.

Điều đặc biệt không ai ngờ tới là hiện nay (năm 2024) tại Đài Loan, Đại Hàn và Nhật Bản, mỗi nước có đến 600.000 người Việt Nam đang sinh sống tại đó. Đa phần là đi lao động và lấy chồng Đài, Hàn hay Nhật. Cuộc sống của họ thì muôn vàng khó khăn. Vì vấn đề ngôn ngữ, vấn đề văn hoá, vấn đề trình độ giáo dục v.v… Chừng chưa tới 10% của người lấy chồng Đài hay Nhật Bản, Đại Hàn thành công, giàu có. Số còn lại phải chịu trăm đắng nghìn cay khi đã lỡ vì miếng cơm manh áo phải trao thân gửi phận nơi xứ người. Do vậy một số Quý Thầy, Cô Việt Nam chúng ta sau khi tốt nghiệp Cao Học hay Tiến Sĩ tại Đài Loan phát nguyện ở lại thuê hay mua nhà để làm chùa, nhằm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ấy. Mặc dầu Đài Loan không lớn; nhưng suốt 3 tuần lễ chúng tôi đi vẫn chưa hết và thăm chưa đầy đủ các chùa Việt Nam tại xứ Đài. Từ Bắc xuống Nam gồm các nơi như Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, Đài Tây, Cao Hùng, Chương Hoá v.v…có được các chùa như: Lạc Việt, chùa Việt Nam, chùa Linh Ẩn (do người Đài để lại), chùa Kim Cang, chùa Viên Giác, chùa Việt Đài, Quan Âm Viên, Đạo tràng Hương Hoa v.v….đi và đến nơi đâu cũng thấy Phật Tử tinh tấn tu học; nhưng nhiều khi chủ nhật cũng phải đi làm; nên vội vã lễ phật, nghe pháp và vội vã trở về nhà lo cơm nước cho chồng con cũng như công ăn việc làm cho tuần lễ sắp tới. Những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài từ thập niên 90 bây giờ con cái của họ đã xong Đại Học và đi làm. Có cháu nói tiếng Việt sành sỏi; nhưng cũng có một số chỉ dùng ngôn ngữ của cha để giao tiếp; trong khi đó ngôn ngữ của Mẹ đẻ ra mình lại quên đi, không dùng đến. Đây là điều mất mát vô cùng to lớn của những bậc làm cha, làm mẹ vậy.

Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với Quý Ni Sư như: Tâm Châu, Tâm Thanh, Thuần Tịnh, Tịnh Như hay Quý Thầy: Tuệ Hải, Thiện Tài, Nhuận Pháp v.v….thấy sự hy sinh của Quý Thầy, Cô ở đây cho người Việt, không ít ở nhiều khía cạnh về đời sống, tâm lý xã hội, công ăn việc làm v.v…mà ở các xứ khác ở Âu Mỹ đã có những cơ quan xã hội lo cho việc nầy; nên các chùa cũng nhẹ bớt phần nầy; còn ở Đài Loan thì chưa được như vậy. Có nhiều người gặt hái được những thành quả nhất định trong khi học tập lao động; nhưng cũng có nhiều người phải bị còng hai tay , dẫn độ lên phi trường để trả về lại Việt Nam, vì đã mãn hạn hợp đồng mà còn ở lại làm thêm, cốt có được ít nhiều gửi về Việt Nam cho Gia Đình. Không biết người trong nước có biết được nổi khổ tâm của người lao động khi ra đi khỏi nước Việt mình chăng?

Các chùa Đài Loan mà chúng tôi thăm viếng như: Minh Phong (Đài Đông), Long Sơn (Tân Điếm) Thiện Đạo (Đài Bắc) v.v… đều là những chùa tiêu biểu, luôn tu tập theo quy củ Thiền Môn và hành trì miên mật. Thường có những Pháp Hội tu tập trong nhiều ngày trong tháng. Kể cả những Đại Học như Pháp Cổ, hay Phật Học Viện Viên Quang cũng thường tổ chức nhiều khoá tu kèm theo việc học của Tăng Ni và Phật Tử. Đây là điều đáng trân quý biết bao.

Đi suốt đoạn đường dài trong 21 ngày với chúng tôi có Thầy Hạnh Bảo, Thầy Tịnh Dũng, Thầy Trung Thành, Thầy Hạnh Đức, Thầy Trung Phước, Thầy Long Thể. Ngoài ra có một số Quý Tăng Ni tháp tùng ngắn hạn như Thầy Tuệ Hải, Cô Tịnh Liên, Cô Tâm Thanh, Cô Thuần Tịnh, Cô Tịnh Như. Đi đến đâu dầu ở chùa hay nhà khách chúng tôi vẫn hành trì các thời công phu thiền định. Điều đáng ghi nhớ là chúng tôi có ghé thăm chùa Cực Lạc; nơi tôn thờ xá lợi của Pháp Sư Tịnh Không, cơ sở Từ Tế của Sư Bà Chứng Nghiêm ở Hoa Liên và một số cơ sở Phật Giáo khác ở Đài Loan, chúng tôi có thể kết luận rằng: Chỉ có các xứ tự do mới được phát triển tốt như miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Vì thuở ấy Phật Giáo miền Nam Việt Nam đã có các nhà trẻ, cô, ký nhi viện, trường Tiểu Học Bồ Đề, Trung Học Bồ Đề, Đại Học Vạn Hạnh v.v…Thế mà ngày nay Đài Loan mới có. Hy vọng rằng Đài Loan sẽ mãi giữ được chế độ Dân Chủ Tự Do mà Tưởng Giới Thạch đã mang sang đảo quốc nầy từ năm 1949, kế tiếp tinh thần Tam Dân Chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên hay cách mạng Giáo Chế, cách mạng Giáo Sản và cách mạng Giáo Hội của Ngài Thái Hư Đại Sư tại Trung Hoa lục địa từ cuộc cách mạng 10 tháng 10 năm 1911(Tân Hợi) . Nếu không có cuộc cách mạng đó, thì không có Đài Loan ngày hôm nay.

Tuy Đài Loan ngày nay đang sánh bằng với Nhật Bản cách đây hơn 50 năm về trước ở nhiều phương diện; nhưng ở nhiều nơi vẫn còn sinh hoạt có tính cách địa phương như chợ trời ở các nước Á Châu khác. Một hôm chúng tôi rời chùa Linh Ẩn bằng xe hơi để đi Phật sự. Trời chưa rạng sáng đã thấy nhiều người đang chuẩn bị mở cửa hàng hay dọn hàng tạp hoá ra để bán. Tình cờ chúng tôi nghe rao bằng tiếng Trung rồi chuyển qua tiếng Việt. Một trong hai người đàn bà Việt Nam nhìn thấy chúng tôi, hỏi lớn rằng: Nhà Sư có mua cá không? Chúng tôi chưa kịp trả lời thì người đàn bà bên cạnh bảo rằng:”Người ta là nhà Sư mà lị”. Quả thật trên đời nầy không phải ai cũng biết các nhà Sư Bắc Tông dùng chay và không dùng đến sinh mạng của chúng sanh. Trong khi đó Phật Giáo ở các nước Nam Tông hay Nhật Bản lại khác.

Chuyện thì còn dài và còn nhiều chi tiết nữa; nhưng đọc nhiều quá, chắc quý vị sẽ ngán nên chúng tôi sẽ tạm ngưng bài viết về Đài Loan tại đây. Xin cảm ân tất cả Quý Thầy, Cô và Quý Phật Tử đã cùng tháp tùng và trợ duyên cho chúng tôi đi Hoằng Pháp ở Đài Loan lần nầy, kể cả những vị trong Hội Từ Tế như Cô Nhi. Gia Đình Anh Huy, Cô Trung Nghiêm và Quý Thầy Cô Việt Nam tại các Đại Học Phật Quang, Hoa Phạm, Phước Trí, Viên Quang, Quang Đức v.v… Ân nghĩa nghìn trùng ấy sẽ không bao giờ quên được và đặc biệt là Thầy Trung Thành đã lái xe trên nhiều đoạn đường núi, mà Thầy Hạnh Đức ngồi bên trái của tay lái phải thắng gấp không biết bao nhiêu lần. Đó chỉ là một vài kỷ niệm thôi, khi ai trong chúng tôi nhắc lại cũng đều mỉm một nụ cười khó quên là như vậy.

Viết xong bài nầy trên chuyến xe lửa tốc hành chạy từ Hannover đến Karlsruher vào sáng ngày 7 tháng 12 năm 2024.