Thành kính dâng lên
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
Nhân lễ Tiểu Tường
Hôm nay trời đã vào thu, con bước đi trên những con đường nơi con ở giữa hai hàng cây, lá đã đổi màu, vàng, đỏ, con đường thật đẹp và yên bình, dưới chân con những lá vàng, đỏ rơi rụng, thỉnh thoảng có vài chiếc lá xanh cũng rơi theo, cảnh thật đẹp. Từ cảnh này, con chiêm nghiệm đến lời Phật dạy: thế gian vô thường, không có gì tồn tại. Mỗi người sanh ra đều có một nghiệp riêng của mình. “sanh, già, bệnh, chết” như trên cây kia, lá xanh mọc, rồi từ từ chuyển vàng, đỏ rơi rụng theo chiều gió, thỉnh thoảng cũng có những lá xanh rơi trước khi chuyển vàng, như kiếp sống con người vậy, không phải chỉ có người già mới chết, mà người trẻ, con nít, bất cứ ở tuổi nào khi nghiệp đời đã hết thì ra đi. Một thoáng chạnh lòng, con lại nghĩ, phải chăng những chiếc lá xanh, còn tươi khỏe, vì thương lá vàng đã cùng ở trên cành, nay rơi rụng, nên lá xanh vì rầu rĩ cũng lìa cành? Mắt con bỗng cay xè! …
Con nhớ, cũng vào cuối tháng mười năm ngoái, khoảng thời gian này, thầy Thiện Minh từ trong nước gửi hình Thầy đến thăm Hòa Thượng, rồi nhắn tin cho con: “con ơi! Thầy vào thăm Hòa Thượng Tuệ Sỹ, Ngài đang lâm bệnh”, chút nhói trong tim, nhưng rồi khi nhìn hình ảnh Hòa Thượng nằm trên giường, vẫn cặp mắt sâu tinh anh, vẫn nụ cười thanh thản mà sau này có lần con thấy trên mạng, dù bệnh nặng Hòa Thượng cũng tươi cười, ngồi dậy kể chuyện vui cho chúng đệ tử an tâm nên con gọi là “nụ cười vô sự” mà con phải học để không bị những vấn vương, sầu não nơi cõi hồng trần.
Thầy Thiện Minh ngồi bên cạnh, cũng nụ cười hầu chuyện Hòa Thượng, con lại nghĩ: “hai Vị đang nói gì với nhau? Kể chuyện trong tù? ngục tù cộng sản, vì nói lên tiếng nói cho người dân bị hà hiếp, muốn bảo vệ Quê Hương mà lâm vào vòng tù tội, với những bản án khắc nghiệt, tử hình rồi đến chung thân, nhưng quí Ngài với sự Bi, Trí, Dũng, và đức Vô Úy đã được truyền thừa từ nơi Đức Phật đã có từ bao đời, bao kiếp không run sợ trước bạo quyền để có tiếng nói cho Dân Tộc và chấn hưng Đạo Phật. Con nhìn lên Đức Quán Thế Âm Bồ Tát mà nguyện cầu: “Nguyện cầu cho Quê Hương, cho Thế giới hòa bình để không còn thấy những cảnh khổ đau, đàn áp, bất công do lửa hận thù gây nên”.
Thấm thoát mà đã gần một năm trôi qua, gần một năm Hòa Thượng không còn ở trên thế gian này nữa, con vẫn nghe được âm điệu và dáng Hòa Thượng để hết tâm trí vào bài Piano Sonata 14 của đầy thiền vị, tiếng đàn đó con mườn tượng trải dài trên dòng sông của Rhein, sông Donau, dòng sông Main vào mùa thu nước Đức thật êm đềm, hình ảnh đẹp đầy thơ mộng, an bình….
Rồi những lời lẽ trong Kháng Thư, Giác Thư hùng dũng, quyết liệt với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Sự vô úy của Ngài bằng cách nào đó nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong lòng cũng phải nể phục và sợ hãi.
Chỉ còn vài tháng nữa thôi là đã năm mươi năm, nửa thế kỷ qua mà dân tộc Việt Nam vẫn phải chịu đựng sống trong ngục tù cộng sản, đất nước ngày càng tăm tối, cảnh lụt lội xảy ra khắp nơi vì chúng tàn phá rừng, cây xanh, người dân cùng khổ, cán bộ thì biệt phủ nhà cao, ai cất lên tiếng nói yêu nước, xây dựng thì phải vào ngồi tù, biết bao người yêu nước phải trong vòng lao lý với những bản án khắc nghiệt từ mười năm trở lên…
Lời Hòa Thượng nhắn nhủ Tăng Sinh có đoạn: “Các con hãy tự hào, với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ, từ thời điểm cột mốc này, đã một lần và mãi mãi đứng thẳng trên đôi chân của mình, bằng đôi mắt trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng không khiếp sợ vào bạo quyền xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cho chính mình và cho mọi người. Thế hệ của Thầy, những thanh niên trang lứa được nuôi dưỡng để dựa vào chiến trường của cuộc chiến tranh ý thức hệ, được giáo dục để biết hận thù giai cấp. Nhưng may thay, dòng suối từ vẫn âm thầm tuôn chảy, để xoa dịu những đau thương mất mát, để hàn gắn những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc”…. Con ước mong sao dòng suối từ này sẽ chuyển hóa được con người cộng sản, để rồi cùng ngồi lại với nhau hàn gắn những vết thương mà vì vô minh họ đã gây ra, thù hận, rẽ chia, làm tang thương cho dân tộc.
Năm 2019 Hòa Thượng đã được Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ trân trọng chuyển giao trọng trách xử lý thường vụ, chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc phục hoạt Giáo hội. Đến năm 2020 dù thân bệnh vì cơ nghiệp của Tiền Nhân Hòa Thượng đã tái lập Hội đồng giáo phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống. Hoài bão của Hòa Thượng là nối tiếp Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng 1973 trong sự ngiệp hoằng truyền chánh pháp, và bằng tất cả tâm lực, nguyện lực với tinh thần Lục Hòa; Hòa Thượng đã mời gọi được Chư vị Tôn Đức, cư sĩ, trí giả trong và ngoài nước, với thời gian ngắn đã ra mắt được 24 tập đầu của Thanh Văn Tạng và 5 tập Tổng Lục được giới thiệu chính thức ra mắt vào ngày 19.03.2023 tại nhà hàng Brodard của cư sĩ Quảng Nguyện ở California. Thời gian này dù thân lâm trọng bệnh, nhưng Hòa Thượng vẫn miệt mài hầu để lại di sản Phật Giáo cho đời sau.
Đọc báo Viên Giác, chúng con được Hòa Thượng Thích Như Điển Chủ Tịch Ủy Ban Phiên dịch Trung Ương cho biết sắp in ấn thêm đợt hai 9 cuốn Thanh Văn Tạng vào ngày Tiểu Tường của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Tuệ Sỹ như một lời tri ân.
Chúng con hàng Phật tử tại gia xin đê đầu đảnh lễ, tạ ân Tam Bảo, tri ân hội đồng phiên dịch đã miệt mài, nhanh chóng thành tựu việc phiên dịch này để lại di sản cho nền Phật Giáo Việt Nam, mà công lớn là do Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Ngài là một tâm gương sáng cho hàng hậu học noi theo.
Và cũng hôm nay, nhân đọc bài viết của Hòa Thượng Nguyên Siêu con mới biết được câu của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng thường hay nói: “Công Mẹ sanh là trời. Công Cha dưỡng là đất. Công đàn na tín thí Phật tử phát tâm là không khí để thở, để sống, để tu, để phụng sự hiến dâng, tất cả đều có một sự tương quan mật thiết trong cuộc đời” đã làm chúng con cảm động biết bao, bài học vô giá mà Hòa Thượng đã trao truyền, để cho chúng con biết cúi đầu đảnh lễ, Hòa Thượng đã dạy cho chúng con truy tìm tự ngã cho chính mình.
Nhân lễ Tiểu Tường của Hòa Thượng, con xin viết lại đôi dòng trong cái biết ít ỏi, hạn hẹp của con về những gì mà Hòa Thượng đã dạy dỗ chúng con để kính dâng lên Giác Linh Ngài.
Hòa Thượng còn mãi trong chúng con, trong dòng lịch sử của Phật Giáo Việt Nam, Ngài đã dâng hiến cả đời cho Quê Hương, cho tiền đồ dân tộc, bất cứ nơi nào cũng có pháp thân của Ngài ẩn hiện, ngay nơi này, khi nghe những dòng nhạc của Beethoven bóng dáng Hòa Thượng lại hiện về trong con, lúc ấy tất cả đều trở về, đất trời đề như hòa hợp, lắng đọng với bóng dáng một vị Thiền Sư. Con lại nghe đâu đây giọng từ hòa khởi lên từ cung điệu của Pháp Hoa kinh: “Công Mẹ sanh là trời. Công Cha dưỡng là đất. Công đàn na tín thí Phật tử phát tâm là không khí để thở, để sống, để tu, để phụng sự hiến dâng, tất cả đều có một sự tương quan mật thiết trong cuộc đời”. Hạnh Thường Bất Khinh Bồ Tát, từ bi và hỉ xả. Con cúi đầu đảnh lễ hóa thân Ngài, và kìa như trong lời kinh mà con dược đọc trong Đại Tạng Kinh của Hòa Thượng phiên dịch và hiệu chú. “Như một lực sĩ, cánh tay duỗi ra…” Ngài đã trở lại Thế Giới Ta Bà với chúng con để tiếp tục những gì còn lại, Thế giới an bình, chúng sanh an lạc.
Con vẫn rảo bước đi vào rừng cạnh nơi nhà con ở, dưới chân lá vàng xào xạc như khúc hát an bình, tiếng chim trên cành cây líu lo ca hát, như mừng ngày Hòa Thượng sắp trở về với chúng con, trên bầu trời đàn chim bay thành từng dội ngũ đẹp biết bao.
Con cảm ơn đất trời, cảm ơn không khí trong lành, cảm ơn vạn loại chúng sinh.
Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tứ Thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ, Húy Thượng Nguyên Hạ Chứng, hiệu Tuệ Sỹ, Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.
Thành kính
Đệ tử Diệu Danh
11.11.2024
Đại Tạng Kinh Việt Nam
Thanh Văn Tạng – Trung A Hàm – Quyển 1
Thanh Văn Tạng – Trung A Hàm – Quyển 2
Thanh Văn Tạng – Trung A Hàm – Quyển 3