Từ vài tuần nay, cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Thụy Sĩ đang xôn xao bàn tán về một đề tài khá hấp dẫn, đó là ngôi chùa mới mà nhiều năm rồi ban trị sự chùa Phật Tổ Thích Ca tại Luzern, tìm kiếm mãi nay mới thấy được.
Gọi là ngôi chùa, như ngay ngôi chùa cũ hiện thời, cũng chỉ là một căn nhà nhỏ “cải gia vi tự„. Sau nhiều năm bị chi phối bởi luật vô thường đã hư hại xuống cấp trầm trọng: nhà dột, bếp hư, điện tắt…đã bị chính quyền cảnh báo, cấm sinh hoạt nếu không tu bổ lại. Đó là lý do chùa đã vận động kêu gọi sự đóng góp tịnh tài của Phật tử để có thể sửa hoặc mua cơ sở mới.
Trước đây, vào năm 1984, sau khi ổn định cuộc sống tại Thuy Sĩ, cộng đồng Phật tử tị nạn tại Luzern đã gầy dựng một cơ sở hoạt động tôn giáo nhằm duy trì tín ngưỡng và đáp ứng nhu cầu tâm linh cho Phật tử. Một Niệm Phật Đường ra đời dưới sự điều hành của một sư cô. Về sau, theo đà phát triển của cộng đồng, và nhu cầu gặp gỡ của những người xa quê hương, vào năm 1993, một hội đoàn được thành lập có tên là Hiệp Hội Những Phật Tử Đông Dương tại Thụy Sĩ với 550 Phật tử trong danh sách. Cùng lúc đó, để phù hợp cho sinh hoạt, một ngôi chùa nói trên được xây dựng vào năm 2001 tồn tại cho đến bây giờ.
Trải qua bao thăng trầm, và chi phối bởi vô thường, ngôi chùa liên tục thay đổi từ sư trụ trì cho đến ban trị sự. Tuy vậy, chùa Phật Tổ Thích Ca vẫn đứng vững với thời gian dù hơn hằng chục năm nay sinh hoạt không có sư và ngôi chùa xuống cấp trầm trọng.
Nay, mọi sự đều đổi khác. Từ hơn hai năm nay, chùa đã thỉnh được một tăng sinh du học tại Ấn Độ, Đại Đức Thích Như Tú, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ đã trở về Việt Nam hành đạo và được ban trị sự chùa bảo lãnh qua Thụy Sĩ hướng dẫn tâm linh cho Phật tử.
Từ đó, ngôi chùa đã bắt đầu khởi sắc với tiếng chuông mõ ngân vang lẫn trong lời cầu kinh của Đại Đức cùng Phật tử.
Hằng ngày vào buổi chiều, lúc 16 giờ, Đại Đức khởi lên tiếng chuông mõ hướng dẫn Phật tử tụng kinh và giảng nghĩa ý kinh. Và vào ngày rằm mỗi tháng cũng tổ chức Phật tử về tu tập. Thêm vào đó cách khoảng một hay hai tháng có lễ Thọ Bát Quan Trai để Phật tử gieo duyên tập làm tu sĩ trong một hoặc hai ngày. Chưa kể các lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan hay Tết, vì nhu cầu, nhà chùa phải thuê hội trường lớn bên ngoài mới đáp ứng số lượng Phật tử về tham dự. Dự trù trong tương lai cũng sẽ có khóa tu cho người Thụy Sĩ nữa.
Cũng xin nói thêm, Thụy sĩ là một nước nhỏ, diện tích chỉ 41.300 cây số vuông, dân số khoảng 8 triệu trong đó đã có 2 triệu người ngoại quốc định cư. Vốn là xứ thanh bình, thích tĩnh lặng, một tiếng động nhỏ cũng có thể làm họ giựt mình, phiền hà. Đã vậy, dân trí Thụy Sĩ rất cao, tôn trọng pháp luật và đặc biệt nhất là thượng tôn bản sắc văn hóa dân tộc. Khó mà đồng hóa hay biến đổi được họ. Người nước ngoài vào Thụy Sĩ, mặc dù chính quyền không hoàn toàn bắt mình theo họ, nhưng “nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục„ nếu muốn hội nhập để hòa mình vào đời sống của họ.
Riêng cộng đồng Việt Nam tại Thụy Sĩ vốn không nhiều (độ chừng non mười ngàn người), chính quyền phân bổ rải rác khắp nơi, muốn tụ hội về sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn, chưa kể phương tiện giao thông xa xôi, công việc gia đình, hãng xưởng đã lấy hết thời gian của họ. Từ thứ hai đến thứ sáu, đầu tắt mặt tối phờ phạc nơi công sở. Thứ bảy lo chợ búa giặt giũ quét dọn đôi khi còn chiếm luôn cả chủ nhật, cho nên, qui tụ được về một ngôi chùa để lo Phật sự là cả tấm lòng thành kính với Tam Bảo của họ.
Tại Thụy Sĩ, để gây dựng một ngôi chùa hoàn toàn theo văn hóa phương Đông với mái cong, trang trí rồng phụng xanh đỏ bên ngoài không phải dễ, và nhất là tiếng ồn bởi lời cầu kinh hay tiếng chuông mõ. Thế mà đã bao năm rồi, ngôi chùa Phật Tổ Thích Ca vẫn được bình an sinh hoạt chẳng những không bị phiền trách của lối xóm để phải gọi cảnh sát đến can thiệp mà hàng xóm còn tỏ lòng ngưỡng mộ và luyến tiếc khi chùa chuyển đi nơi khác. Âu cũng là do sự cảm tình đặc biệt với Phật giáo, với sư trụ trì và những Phật tử hiền hòa dễ thương của chúng ta.
Hôm nay, sau bao tháng năm tìm kiếm, Đại Đức Thích Như Tú đã tìm thấy cơ sở mới này, và tuần rồi, ban hộ trì chùa đã ký giấy để mua căn nhà hàng với 10 phòng ngủ tại làng Nebikon thuộc tiểu bang Luzern để thay thế ngôi chùa hư hại hiện tại.
Ngôi chùa mới, cũng chỉ là “cải gia vi tự„ (biến đổi nhà hàng thành ngôi chùa) nhưng diện tích rộng lớn hơn, có khoảng 1600 mét vuông đủ để sinh hoạt và rất thuận tiện giao thông. Có nhà xe rộng rãi trước và sau sân chùa. Ga xe lửa nằm sát bên chùa, chỉ 2 phút đi bộ là đến nơi. Và đặc biệt chùa nằm ngay góc ngã ba, xung quanh là hãng xưởng, trường học, không đụng độ nhiều với hàng xóm để phải xảy ra những đáng tiếc ngoài mong muốn.
Hiện nay, Đại Đức Thích Như Tú và ban trị sự chùa cùng Phật tử đang xôn xao bàn lo tu bổ sửa sang nội thất để thiết kế một chánh điện, phòng ăn, nhà bếp, nơi ngủ nghỉ của Chư Tăng-Ni cũng như Phật tử sao cho phù hợp với sinh hoạt khi về tham dự. Và bên ngoài sân chùa cũng sẽ thiết trí tôn tượng Quan Âm lộ thiên, để ít ra khi mới nhìn vào cũng ra dáng một ngôi chùa Á Đông với Quan Âm Các. Do vậy nhà chùa đang kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng Phật tử về cả hai phương diện tịnh tài và nhân lực. Rất mong sự quan tâm của tất cả.
Ngôi chùa mới sẽ được chuyển giao và sửa sang vào cuối tháng 2 năm 2017. Dự trù tháng 5 sẽ hoàn thành và bắt đầu hoạt động.
Thành tâm chúc mừng cộng đồng Phật tử tại Thụy Sĩ nói chung, Đại Đức Thích Như Tú và Phật tử Luzern nói riêng đã đạt được ước mơ về một ngôi Tam Bảo trong tương lai, tuy chưa ra dáng một ngôi chùa đúng nghĩa, nhưng đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết có một nơi thuận lợi để Phật tử về sinh hoạt, duy trì nền văn hóa Việt Nam nơi xứ người.
Ngôi chùa luôn mở rộng để chào đón tín hữu bốn phương về lễ Phật và học hỏi giáo lý của Đấng Thế Tôn.
Chùa Phật Tổ Thích Ca trân trọng kính mời.
Trần Thị Nhật Hưng
(Khai bút đầu năm Đinh Dậu 2017)