Ðối với người Việt Nam, Tết là ngày của hy vọng, là ngày của đoàn tụ, là ngày mọi người bằng mọi cách trở về dưới mái ấm gia đình. Ngày mà con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ, anh em, để chúc trường thọ, an vui, hòa thuận.
Hòa Lan vào mùa này chỉ thấy tuyết băng và giá lạnh. Không khí đón Tết Nguyên Ðán được khép kín trong phạm vi gia đình, chúng ta không hưởng được không khí Tết ngoài đường phố, trong các cửa hàng. Chúng ta âm thầm đón chào xuân mới.
May mắn thay, người Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan có ngôi chùa Vạn Hạnh để cùng tụ họp đón xuân. Ngôi chùa tượng trưng cho căn nhà Việt Nam. Phật tử về chùa lễ Phật để cùng nhau chúc mừng năm mới, để cùng nhau sống lại những giờ phút thiêng liêng theo phong tục cổ truyền. Ngôi chùa không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn mang tính chất dân tộc, một mái ấm gia đình.
Chuẩn bị
Tết bắt đầu đến với chùa Vạn Hạnh khi những cành mai được dựng lên bên trong chánh điện, khi các chị nhịp nhàng và thận trọng chia nhau đánh bóng lư hương và lau dọn bàn thờ. Những đóa hoa tươi được khéo léo cắm trong lọ lục bình thành những tác phẫm nghệ thuật tuyệt đẹp dâng lên bàn thờ. Trong gian nhà bếp, người ta đang tính toán sẽ nấu những món gì cho ba ngày Tết. Các anh, các chị chuẩn bị mọi thứ, từ nồi niêu song chảo đến gạo, rau, đậu hũ để phục vụ các bữa cơm chay cho Phật tử và đồng hương. Ngoài sân, các anh đang lau chùi cửa kiếng, treo cờ Phật giáo, quyét dọn sân chùa hay dựng lều đặt sạp. Tất cả nhịp nhàng, không ai bảo ai, bằng sự tự nguyện, các anh chị em âm thầm chuẩn bị đón Xuân với tâm thành kính dâng đức Từ phụ.
Nhưng không khí Tết rõ nét và nổi bật lên khi những chiếc bánh chưng bắt đầu được gói trong căn bếp chùa Vạn Hạnh. Những chiếc lá chuối thay lá dong đã được rửa sạch, xếp gọn ghẽ cạnh các thùng nếp, đậu xanh và đậu hũ đã thái nhỏ. Hơn mười năm nay, vào dịp Tết Nguyên Ðán, các anh chị nhóm Thực Tập Chánh Niệm phát tâm nấu bánh chưng chay cúng dường. Các chiếc bánh chưng vuông vắn, gói trong lá chuối, được từ từ thả vào nồi nưóc sôi thật lớn. Nhanh chóng và gọn gàng như dân gói bánh chuyên nghiệp. Trong lúc gói bánh, những câu chuyện vui được kể nhau nghe và cảm động hơn nữa, năm nào trong lúc làm việc, mọi người đều được quý Thầy giảng một pháp ngắn hay giải đáp các thắc mắc về Phật pháp.
Cúng giao thừa
Theo phong tục cổ truyền, cúng giao thừa là giây phút tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới. Người Việt Nam có tục lệ cúng trời đất. Tại Việt Nam, các mâm lễ được đặt trước cửa nhà. Ðúng 12 giờ đêm, gia chủ lễ đốt nhang, khấn vái cầu xin gia đình an cư lạc nghiệp. Ðêm giao thừa mang một ý nghĩa thiêng liêng trong một bầu không khí trang nghiêm, một giây phút tĩnh tâm êm đềm. Sau đó, mọi người quây quần chúc Tết nhau mọi sự an lành.
Không quên tập tục xưa, năm nào chùa Vạn Hạnh cũng tổ chức cúng giao thừa và đón mừng Xuân mới. Mặc dù thời tiết giá lạnh dưới không độ, nhưng hàng trăm Phật tử đã trở về chùa để cùng nhau đón giao thừa. Trong đêm trừ tịch, dưới ánh hào quang của chư Phật, nơi chánh điện trang nghiêm, mọi người chắp tay niệm Phật, câu kinh tiếng mõ vang lên như nhắc nhở người con Phật hãy giữ tâm thanh tịnh và tìm sự an lạc trong tâm hồn. Sau nghi thức tụng niệm nơi chánh điện, mọi người bước vào phòng Tổ, câu kinh nhịp mõ lại vang lên. Ðây là giây phút cúng tổ tiên, tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ hay thân nhân đã khuất và cầu cho hương linh được hưởng phước lành nơi cửa Phật. Trong giây phút thiêng liêng, thời gian như ngưng đọng, gian phòng ngạt ngào mùi nhang, hương thơm bay bổng đến các người thân yêu đã khuất. Phút giây tĩnh lặng nhưng huyền diệu và cảm động.
Sau các nghi thức tụng niệm, thầy trò cùng nhau tập trung dưới hội trường để trà đàm và tham gia các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, để chờ đến giờ cúng giao thừa.
Chưa bao giờ có một chương trình văn nghệ đầm ấm tươi vui và sôi nổi như vậy. Chưa bao giờ các “tài hoa” văn nghệ nở rộ như đêm nay. Từ sớ táo quân đến các bản nhạc ca ngợi mùa xuân được các ca sĩ cây nhà lá vườn thay nhau trình diễn. Dịp này không thể thiếu vắng những bản vọng cổ đầy tình tự quê hương, đưa mọi người trở về với kỷ niệm của riêng mình nơi quê nhà. Gần 12 gìờ đêm, thầy trò lên chánh điện để lạy Phật đầu năm, và sau khi trao đổi lời chúc năm mới an lạc, mọi người hoan hỉ nhận lộc từ thầy Minh Giác.
Ngày lễ chính
Hàng năm vào dịp Tết, chùa Vạn Hạnh thường tổ chức lễ Tết đúng vào các ngày giao thừa và mồng một Tết, sau đó tổ chức một ngày lễ chính vào ngày chủ nhật để cho Phật tử và đồng hương tiện về tham dự. Năm nay Tết Nguyên Ðán rơi vào một ngày cuối tuần cuối tháng giêng nên ngày lễ chính được tổ chức vào ngày chủ nhật, mùng 2 Tết.
Ngay từ sáng sớm, dòng ngưòi lũ lượt kéo về chùa lễ Phật và chúc xuân. Chánh điện không còn chỗ trống, hội trường cũng đông nghẹt bà con. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, lời chúc xuân rộn rã khắp nơi. Các gian hàng bán đồ chay tấp nập người qua lại. Ðúng là vui như ngày Tết!
Trong chánh điện, Phật đài uy nghi, các cặp chân đèn, lư hương bóng lọng, những bình hoa tươi đẹp tuyệt, mai vàng rực rỡ hai bên bàn thờ. Dưới sự hướng dẫn của hai thầy, mọi người chắp tay khấn nguyện. Ánh sáng nhiệm mầu tỏa rộng khắp nơi, mời gọi mọi người về với chánh đạo.
Tết đến, chùa Vạn Hạnh không thể thiếu tiết mục múa lân sôi nổi do Gia Ðình Phật Tử đảm nhận. Ðây là giây phút rộn ràng, vui tươi nhất. Các em nhỏ cố gắng tiến ra ngồi phía trước để được coi gần hơn. Những tràng pháo tay vang lên cùng những tiếng ồ khi lân phóng lên cao và khi lân trầm mình quỳ lạy trước bàn thờ Phật. Các Thầy gửi lời chúc xuân đến mọi người và sau đó lộc xuân được chính hai Thầy trao đến mọi người.
Những nghi lễ đã xong, mọi người được thưởng thức bữa cơm chay đầu năm ngon miệng. Có ai biết rằng để có bữa cơm chay tươm tất phục vụ gần 1500 Phật tử và đổng hương, các bác, các anh, các chị đã phải chuẩn bị và làm việc liên tục trước đó bao ngày. Buổi chiều cùng ngày, Ban Văn Nghệ với sự trợ giúp của ban nhạc Bình Minh đã cống hiến một chương trình văn nghệ quê hương thật vui và sôi động.
Mỗi năm một lần, vào dịp Tết Nguyên Ðán, người Việt tha hương tìm lại được cội nguồn, phong tục, kỷ niệm xưa. Tháng giêng đã hết, ba ngày Tết đã qua, nhưng dư âm vẫn còn văng vẳng đâu đây qua chiếc bánh chưng xanh, lộc Phật nhận được của Thầy trang trọng đặt trong tủ kiếng nơi phòng khách, và bài thơ chúc xuân nhận được từ người bạn phương xa.
Tháng Giêng
thánh thót nhịp ba
Tháng Giêng
xanh biếc, mượt mà phù vân
Tháng Giêng
cười nụ trong ngần
Tháng Giêng
thay áo thanh tân giữa trời
Tháng Giêng
khép lại đầy vơi
Tháng Giêng
vỗ nhịp hát lời con tim
Tháng Giêng
nhấp nhánh… lặng im
Tháng giêng
rơi xuống… tôi tìm lại tôi
Lục Bát Tháng Giêng, Doãn Quốc Vinh
Xuân Ðinh Dậu 2017