Chúng Phổ Hiền tại San Jose, California và quý Đạo Hữu tại Hoa Kỳ bảo trợ xuất bản năm 2017
MỤC LỤC
1. Lời nói đầu
2. Đến Hoa Kỳ vào những năm cuối thập niên 1970
3. Đất nước Hoa Kỳ là một đất nước như thế nào ?
4. Người Việt Nam tại Hoa Kỳ và trên thế giới ngày nay
5. Những ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên xứ Hoa Kỳ
6. Cộng đồng Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ
7. Những ngôi chùa hiện đại ngày nay tại Hoa Kỳ
8. Đạo tràng Phổ Hiền tại San Jose
9. Washington D.C thủ đô của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ
10. Những chuyến hoằng pháp tại Hoa Kỳ
11. Lời cuối sách 242
LỜI NÓI ĐẦU
Nếu chấp nhận thuyết nhân duyên của Đạo Phật thì có thể dễ dàng, giải thích cho mọi tình huống và mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời nầy. Nhân duyên hay duyên sanh cũng tương tự với nhau. Đó là: „Cái nầy có cho nên cái kia có; cái nầy sanh cho nên cái kia sanh. Cái nầy diệt, cho nên cái kia cũng diệt theo“. Không ai trong chúng ta có thể biết trước được việc gì sẽ xảy đến cho mình về sau nầy cả; dầu cho chúng ta có cố gắng làm mọi việc tốt đẹp trong hiện tại; nhưng dư báo trong quá khứ, ai biết được thiện, ác còn lại bao nhiêu mà lường được. Chỉ khi nào nắp quan tài đậy lại trong kiếp nầy, thì lúc ấy ta mới biết được cái quả trong hiện tại là cái nhân như thế nào mà trong quá khứ của chúng ta đã gây ra và chính cái quả của ngày hôm nay sẽ là cái nhân cho ngày sau nữa.
Khi tôi sinh ra (1949) tại nơi ruộng đồng của quê hương xứ Quảng Nam nghèo khó, tôi đã chẳng nghĩ rằng lớn lên sẽ đi xuất gia học đạo và cũng chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ đi xuất dương (cách nói của người dân quê thuở bấy giờ – 1964) và cũng không bao giờ nghĩ là mình ở lại Đức cho đến gần cả 40 năm; rồi đi đó đi đây cả 72 quốc gia trên thế giới. Nào là biên sách, chép kinh, dạy đạo, ngoại giao, cúng kính, tu tập v.v… cả hằng tá công việc như thế và cả một cuộc đời nầy từ năm 1949 đến nay (2016) cũng đã hơn 67 năm trên trần thế như vậy, cá nhân tôi chưa bao giờ nghĩ rằng: Nó phải là như vậy và hôm nay nó đã là như vậy thì chỉ biết nói hai chữ „nhân duyên“ hay „duyên sanh“ là dễ hiểu nhất.
Lần nầy là lần thứ 67 mà tôi đã đặt bút xuống những trang giấy trắng để viết thành lời văn ở năm 67 tuổi, cũng là một điều kỳ lạ và hy hữu. Bởi lẽ ít có sự trùng hợp như vậy lắm. Có nhiều điều mình muốn thực hiện mà không làm được; trong khi đó có những việc chưa hay không muốn; nhưng nó vẫn tới cận kề, khiến cho chúng ta không thể hạ bút thành lời được.
Năm 2015 tôi đã viết về „Nhật Bản trong lòng tôi“. Năm 2016 đã viết và xuất bản sách „Nước Úc trong tâm tôi“. Mùa An Cư Kiết Hạ năm 2016 nầy tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 67 để sang năm 2017 xuất bản với nhan đề là „Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến“. Kể từ năm 1978 đến nay (2016) – trong 38 năm dài như vậy, tôi đã đến Hoa Kỳ 49 lần rồi và mỗi lần như vậy địa phương đi, đến có thể giống nhau; nhưng con người, sự kiện và hoàn cảnh chung quanh lại khác biệt. Nghĩa là không có lần nào giống lần nào cả.
Chữ U.S.A. viết hoa có nghĩa là: United States of America (tiếng Anh); tiếng Đức dịch là: Vereinigte Staaten von America; tiếng Hán viết là Hiệp Chủng Quốc; Hoa (Huê) Kỳ; tiếng Nhật gọi là Beikoku (Mễ Quốc); tiếng Việt gọi là: nước Mỹ, nước Hoa Kỳ. Chỉ một quốc gia mà nhiều dân tộc khác khi nhìn vào, gọi tên nước ấy giống như điều mình thấy và mình nhận định. Ví dụ như người Nhật nói về người Mỹ thì gọi là Beikokujin; có nghĩa là người Mễ (có liên quan đến gạo lúa); còn người Việt Nam gọi là người Mỹ. Mỹ đây có nghĩa là đẹp, thuần hậu. Trong khi đó chữ Hán viết là Hoa Kỳ. Có nghĩa là „Cờ có nhiều hoa“. Tại sao không gọi là: Cờ có nhiều sao, mà gọi là cờ có nhiều hoa? Trong khi đó người Mỹ thích gọi họ là người U.S.A. (Hiệp Chủng Quốc) hơn. Vì lẽ ở quốc gia nầy có nhiều sắc dân đến đây cư ngụ, học hành, buôn bán, làm ăn v.v… hầu như không thiếu một dân tộc nào mà không có mặt trên đất nước Hoa Kỳ nầy. Có nhiều người hỏi tôi rằng: „Tại sao Thầy đến Mỹ nhiều lần như vậy mà không lập chùa ở đây hay ở luôn lại đây để hành đạo? Tôi trả lời rằng: Nước Mỹ chỉ để dành cơ hội cho những người nào thật giỏi hay những người thật dở ở; còn tôi không thuộc hai diện nầy, nên chọn Âu Châu làm quê hương thứ hai của mình.
Nếu ai ở lâu tại Mỹ sẽ dễ dàng chấp nhận câu trả lời của tôi. Đầu tiên xứ Mỹ là một xứ cơ hội để làm giàu, để học tập, để phát huy tài năng riêng biệt của mình. Người nào có bản lĩnh và có trí óc thông minh trên bình thường thì nên sang Mỹ để tìm cho mình có một tương lai xán lạn, mà quyết rằng trên thế giới nầy không có nơi nào xứng đáng như nước Mỹ cả. Hoặc là dở thậm tệ để khi hỏi đến bất cứ vấn đề gì, đều trả lời rằng: „I don’t know“ thì sẽ xong hết mọi việc. Nếu những người thuộc diện trung bình mà chọn Mỹ làm quê hương thì suốt đời chỉ đóng thuế và trả tiền lời ngân hàng. Nhìn lên không bằng ai và nhìn xuống, tuy có hạnh phúc đó; nhưng hạnh phúc nầy cũng sẽ dễ rời khỏi tầm tay khi nợ ngân hàng không trả nổi, thì nhà bị xiết, xe bị câu, gia đình bị ly tán.
Trong khi đó những xã hội Âu Châu không phải như vậy. Về Y Tế hầu như các nước Âu Châu đều bảo vệ cho người dân của mình theo luật định về sức khỏe và bất cứ người nào trên lục địa nầy cũng đều không gặp khó khăn khi bệnh tật hay già yếu lúc cần người chăm sóc. Ở Mỹ đây là vấn đề to lớn của những chính đảng đang cầm quyền và ngay cả những cá nhân đang sinh sống tại đó nữa.
Nền giáo dục tại Mỹ rất phong phú, chất lượng; nhưng cũng phải nói ngay rằng: Tốn quá nhiều tiền; trong khi đó tại Âu Châu nầy đi học từ Vườn Trẻ đến xong Đại Học, Cao Học và Tiến Sĩ hầu như không phải đóng học phí đồng nào. Trong khi đó còn có thể mượn tiền của chính phủ sở tại để học cho xong chương trình. Sau khi đi làm sẽ trả lại một nửa cho chính phủ.
Tôi vẫn thường hay nói rằng: Á Châu như một bà già 70 tuổi; trong khi đó Âu Châu là một mệnh phụ phu nhân 50. Còn Mỹ quốc tượng trưng cho cô thiếu nữ 18 tuổi, còn nhiều khả năng cũng như điều kiện để tiến thân trên lộ trình trong cuộc đời của mình. Ở đây có nhiều con đường. Tùy theo từng người và từng hoàn cảnh, có thể chọn hay chấp nhận một cách sống để thân được an, tâm được lạc là quý hóa lắm rồi. Tôi không chê Mỹ và đề cao Âu Châu; nhưng với riêng tôi, có thể là một điều cá biệt chỉ thích ở Âu Châu lúc về già, trở lại Á Châu để thăm các nước gần Việt Nam mình để nhớ Việt Nam trong muôn thuở và đến Mỹ Châu hay Úc Châu để trao đổi kinh nghiệm hoằng pháp rồi về. Còn Phi Châu cũng là nơi đáng đến lắm. Vì nơi châu lục nầy theo những nhà nhân chủng học trong hiện tại thì loài người ngày nay có mặt trên quả địa cầu nầy đều bắt nguồn từ lục địa Phi Châu nóng bỏng ấy.
Tác phẩm nầy chỉ gởi đến những ai chưa một lần đến Mỹ; hoặc cho những ai đã ở Mỹ lâu năm; nhưng chưa một lần đến California chẳng hạn, thì nó sẽ giúp ích cho quý vị một cái nhìn thiết thực hơn. Còn với những ai đã bao lần đi và bao lần đến Hoa Kỳ rồi thì đây chỉ là một tác phẩm quen thuộc, không cần xem cũng đã hiểu rõ nội dung rồi, khi đã lướt qua trang mục lục.
Mong quý vị an vui, khi đọc tác phẩm nầy.
Viết tại Vô Học Cốc ngày 9 tháng 6 năm 2016
Tác giả cẩn chí,
TK Thích Như Điển
****
Đánh máy: Đh Như Thân
Layout bìa: Đh Hữu Phú Quảng Pháp Ân