Thế nhưng đối với tất cả chúng ta vẫn còn đang sống trong sự sanh diệt và sự đối đãi của nhị nguyên, nên chúng ta vẫn còn khổ đau, vui buồn chi phối. Ít ai vui được khi một người thân nhất trong đời của mình đã ra đi vĩnh viễn. Vì lẽ những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống, có thể là năm năm, mười năm hay nhiều hơn thế nữa, vẫn là những dấu ấn đáng lưu giữ nơi tâm. Ví như cha mẹ sinh ta ra, là một rong những ân trọng mà ta không thể nào quên được, dầu cho đó là một người con bất hiếu đến đâu đi chăng nữa thì ở một phút giây nào đó đứng trước sự mất mát vĩnh viễn kia của hai đấng sinh thành, thì đây sẽ là cơ hội để thức tỉnh lương tâm của người cùng tử ấy. A Xà Thế hay Vô Não là những bằng chứng cho ví dụ nầy.
Ơn Thầy Tổ hay ơn tế độ của những bậc Tôn Sư cũng không kém phần quan trọng. Tuy các Ngài không tạo ra hình hài vóc dáng của mình như cha mẹ của ta, nhưng các Ngài đã dạy cho ta ăn học, biết cách xử thế ở đường đời cũng như đường đạo, để từ đó chúng ta có cơ hội rõ biết được lối đi về của hai nẻo tử sinh. Các Ngài đã dạy cho ta sự hiểu biết, giúp cho ta rõ được việc thiện ác, chỉ cho ta con đường ngay lẽ phải v.v… chính đây là những chất liệu dưỡng sinh để chúng ta có đầy đủ nghị lực để vào đời. Vì đời nầy chính là một môi trường đấu tranh kiên cố. Nếu không có những bậc Tôn Sư như thế, chắc rằng chúng ta sẽ dễ bị ngoại cảnh chi phối.
Một nhân duyên không nhỏ đối với Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu là đã được gần gũi, tiếp cận cũng như thọ lãnh sự giáo hóa của một bậc Thầy cao cả như thế. Đó là cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu kiêm Viện chủ chùa Khánh Anh tại Paris Pháp Quốc, Ngài đã đến với trần thế nầy vào năm 1940 và Ngài đã thị hiện xả bỏ báo thân tại Phần Lan, nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 vào ngày 8 tháng 8 năm 2013, nhằm ngày mồng hai tháng bảy năm Quý Tỵ, thế thọ 75 tuổi đời và hơn 60 năm Tăng Lạp (Ngài xuất gia năm 1949, lúc Ngài 9 tuổi). Một sự ra đi chẳng ai ngờ, không một lời dặn bảo, chẳng có một sự trối trăn hay đau đớn trước khi thở hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Turku Phần Lan. Đây là một hạnh phúc đối với Ngài. Vì những gì Ngài mong mỏi, Ngài đã thực hiện trọn vẹn trên chuyến lữ hành cô độc của một kiếp nhân sinh suốt trong một dặm đăng trình của 75 năm trong một cuộc lữ du như thế. Ngài đã mong cho Giáo Hội và Tăng Đoàn được vững mạnh qua việc tu học và Ngài cũng đã không quên giáo hóa Phật Tử tại gia qua những chuyến lữ hành hoằng pháp xuyên lục địa, bất kể ngày đêm năm tháng. Nơi nào cần Ngài đã đến, nơi nào cung thỉnh thì Ngài đi. Cứ thế và cứ thế bước chân của người Khất Sĩ đã dạo chơi trong khắp chốn Ta Bà nầy. Ngài mong có được những khóa an cư kiết hạ nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu mỗi năm trong 10 ngày tại mỗi nước khác nhau, việc ấy nay cũng đã được chư Tăng Ni tuân thủ hành trì từ năm rồi tại Phần Lan. Đây là cơ hội để chư Tôn Đức Tăng Già ngồi lại bên nhau để trì tụng bộ Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa mỗi đêm một quyển, trong khi các Phật Tử tại gia vẫn học tập với chư vị khách Tăng đến giảng dạy từ khắp nơi trên thế giới. Rồi tụng giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Bồ Tát giới tại gia v.v…đây là những hình ảnh hòa hợp của Tăng Đoàn giống như thời Đức Phật còn tại thế. Chắc hẳn Ngài đã vui, trước khi theo Phật về Tây tại Phần Lan vào năm trước? Năm nay và những năm sau nữa cũng sẽ như vậy để Thầy đang ở một chốn xa xăm nào đó dõi mắt nhìn về cõi nầy sẽ mỉm cười tự tại khi những pháp lữ, đệ tử, học trò thân thương của mình vẫn thực hành theo những di chỉ của mình đã hoài bão.
Rồi an cư kiết đông đã được một lần tổ chức tại chùa Trí Thủ ở Thụy Sĩ, nơi ấy Thầy cũng đã hiện thân đến và nay mai đây những ngày kiết đông như vậy cũng sẽ được tổ chức tại chùa Linh Thứu ở Berlin hay Khánh Anh tại Paris cũng như những nước sẽ đứng ra đăng cai tổ chức. Chắc Thầy đã vui khi thị hiện qua hình ảnh của một con bướm trắng ngày nào đã nhởn nhơ bay lượn trên chánh điện vào một sáng tụng Lăng Nghiêm nhân khóa Tu Học Phật Pháp kỳ thứ 26 tại Thụy Sĩ vừa rồi. Con bướm ấy đến nghe kinh, con bướm đậu trên những hoa sen đang khoe sắc, con bướm bay dạo khắp chánh điện, rồi con bướm lại bay xa như chẳng còn luyến tiếc một điều gì nữa, khi mà mọi hoài bão đã được vẹn toàn.
Trong Khóa Tu học năm nay tại Thụy Sĩ có đến 96 Tăng Ni và 841 nam nữ Phật Tử học viên đến từ 17 nước khắp bốn châu lục: Mỹ, Úc, Á và Âu Châu. Đây là con số chẳng ai ngờ. Vì biết rằng khi Thầy vắng bóng thì năng lực để thành tựu như lúc Thầy còn tại tiền, khó ai có thể nối kết nổi. Có lẽ do vì sự gia hộ của Thầy cũng như sự quan tâm của quý Phật Tử xa gần chịu ơn Thầy, không muốn cô phụ Thầy trong việc hoằng pháp lợi sanh nên kỳ nầy có những cụ già trên 90 tuổi vẫn hiện diện. Điều ấy cũng là hình ảnh vi diệu để nhắc nhở cho con cháu của cụ bà phải luôn luôn tiếp nối pháp Phật, không để cho gián đoạn, mặc dầu Thầy đã không còn hiện hữu trên thế gian nầy nữa. Đặc biệt kỳ nầy có hơn 60 Phật Tử phát tâm thọ Bồ Tát Giới tại gia. Chắc hẳn Thầy đã vui, khi có nhiều người mong cầu thực hành Bồ Tát hạnh như vậy.
Ngôi chùa Khánh Anh tại Evry xây dựng tuy còn dang dở, nhưng những pháp lữ cũng như những đệ tử xuất gia và tại gia của Thầy sẽ cố gắng xây dựng cho xong để kịp vào lễ khánh thành từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 năm 2015 sắp đến để kỷ niệm 20 năm xây dựng và cũng là ngày lễ Đại Tường của Thầy. Ngày ấy chư Tăng Ni và Phật Tử khắp nơi câu hội về, nhưng sẽ không có Thầy hiện diện và ai ai cũng có ý mong chờ. Biết đâu lúc ấy sẽ có một con bướm trắng lại xuất hiện để lượn quanh khắp ngôi chùa Khánh Anh và các Pháp Lữ của Thầy rồi Thầy cũng sẽ đi vào chỗ Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vì Thầy vẫn mang một đại nguyện là làm sao cho Giáo Hội Âu Châu phải có một ngôi nhà chung và bây giờ Thầy đã toại nguyện rồi đó. Những thiếu thốn trong việc tiếp tục xây dựng sẽ được bà con Phật Tử xa gần cũng như chư Tôn Đức Tăng Ni của Giáo Hội kề vai ra để gánh vác. Thầy hãy đừng bận tâm cho những công việc như thế tại đây. Vì những gì có hình tướng, thực ra chỉ là những chuyện đối đãi nhị nguyên mà thôi.
Mỗi năm nhân Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu sẽ dành ra một buổi để tưởng niệm Thầy và chư vị Tổ Sư tiền bối hữu công. Vì chính Thầy đã khai tâm cho không biết bao nhiêu người đã được quay về bến giác và mong rằng sự tưởng niệm ấy vẫn luôn được tiếp diễn như vậy để thâm tạ ân đức của Thầy đã dày công giáo hóa Tăng Ni cũng như tín đồ Phật Tử khi Thầy còn tại thế ở chốn trời Âu nầy. Hôm ngày 5 tháng 7 năm 2014 vừa qua, tại chánh điện của Khoá Tu Học kỳ thứ 26 đã có hàng ngàn người đã phủ phục trước di ảnh của Thầy để đảnh lễ và tưởng niệm. Lời kinh trầm hùng được xướng lên của chư Tôn Đức Tăng Ni cử hành theo nghi lễ Phật Giáo Huế qua quyển Pháp Sự Khoa Nghi do cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất biên soạn. Ngài cũng là vị Thầy y chỉ của Thầy khi Thầy còn tu học tại Phật Học viện Hải Đức Nha Trang từ những năm 1956, 1957, rồi Thầy trò xa nhau từ khi Thầy sang Nhật Bản du học(1968). Hôm nay âm dương, Tịnh Độ hai nẻo đi về tuy bị cách trở bằng hình hài, nhưng tâm thức đã dường như được cảm thông qua những câu văn phụng thỉnh Giác Linh hôm ấy. Nhiều người đã bật lên tiếng khóc nghẹn ngào khi cảm niệm đến ân sư. Những giọt nước mắt lăn tròn trên gò má hay những cái ngắm nhìn đầy trĩu thương kính với Người, giờ đây chỉ có thể cảm nhận mà không thốt lên được một lời nào, nhất là những người đã một thời cùng với Thầy chung vai góp sức để lo cho chùa Khánh Anh và cho Giáo Hội. Khi Thầy còn sống, Thầy cũng đã được nghe không biết bao nhiêu là thị phi nhơn nghĩa và bây giờ ngược lại Thầy chỉ cảm nhận toàn là những chuyện hay, chuyện đẹp của thế nhân xưng tụng mình, chắc Thầy cũng sẽ buồn cười cho màn kịch của nhân thế phải không? Vì tánh Thầy vốn giản dị nhưng rất sâu sắc, không bao giờ phê bình chỉ trích ai, dầu cho người đó có mặt hay vắng mặt. Đây là một đặc tính cố hữu tuyệt vời của Thầy mà không thể ai cũng có thể học hỏi theo được. Nếu có chăng, đó cũng chỉ là những sự chắp vá vụng về mà thôi.
Vùng đồi núi Schwarzsee nay rất đẹp, giống như trong tranh vẽ của Âu Châu. Nơi đây con người và thiên nhiên rất gần gũi. Trong 10 ngày qua, gần 1.000 chư Tăng Ni và học viên tham dự Khóa Tu Học tại đây như con trong một nhà, sống và tu học theo tinh thần lục hòa, nên ai cũng hoan hỷ và dẫu cho có một chuyện gì đó trái ý nghịch lòng xảy ra thì mọi người đã nghĩ đến Thầy nên lại bỏ qua cho nhau, không một sự trách móc nhỏ to hay giận hờn vô cớ. Âu đó cũng nhờ sự quan tâm và sức gia trì của Thầy mà có được.
Một ngày niệm Phật suốt từ sáng đến chiều trong Khóa Tu Học, đã làm rung động cả núi rừng vốn dĩ đã trầm mặc nơi đây kể từ một thưở xa xưa nào đó. Thế mà hôm nay đã đánh thức muôn loài cùng hướng về nẻo thiện qua câu Phật hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật Để rồi mọi loài và mọi người cùng an bình hạnh phúc khi có cả hàng ngàn trái tim, tâm thức của những người con Phật đang trì tụng một cách miên mật như thế. Khi câu Phật hiệu nầy vang lên khiến cho núi rừng cũng phải thức giấc, Thiền Sư cũng phải ngoái nhìn lại những công án của mình đã hạ thủ công phu được đến đâu rồi. Ôi! Cao quý thay! Thầy đã đi hơn một năm rồi, nhưng tâm Thầy và hình bóng của Thầy vẫn còn ở lại với tứ chúng tại đây suốt trong một thời gian dài như vậy. Cũng không phải chỉ khi nào có khóa Tu Học Phật Pháp mới tưởng niệm và nhớ nghĩ về Thầy, mà lúc nào cũng như lúc nào các Pháp hữu của Thầy cũng cảm niệm được những sự cưu mang của Thầy, nên phải cố gắng thực hiện để khỏi phụ công của Thầy đã lao công nhọc sức trong suốt thời gian 75 năm khi Thầy có mặt trên trần thế nầy vậy.
Các Đệ Tử xuất gia và tại gia của Thầy cũng rất hoan hỷ, vì thấy rằng họ không bị lẻ loi khi Tôn Sư của mình vừa vắng bóng. Lý do rất đơn giản là: Khi sống Thầy đã vì mọi người thì khi Thầy ra đi mọi người sẽ vì Thầy để đền ơn đáp nghĩa, để khỏi phải cô phụ tấm lòng của Thầy đã vì mọi người như từ trước đến nay. Rồi đây những bài tưởng niệm Thầy sẽ được đăng trong kỷ yếu sắp xuất bản nhân tuần Đại Tường của Thầy vào năm 2015 nầy. Tất cả đều chỉ còn là những hoài niệm, những tiếc thương một thời của dĩ vãng. Đó chính là những ân đức mà không phải ai cũng có được như Thầy, khi Thầy còn hiện hữu nơi đây hay khi Thầy đã theo Phật về Tây.
Kỳ họp Giáo Hội năm nay hai lần vẫn đẹp đẽ, vì lẽ ai trong chư Tôn Đức cũng mong mỏi rằng mọi Phật sự chuẩn bị cho sang năm 2015 phải được hoàn thiện tốt đẹp, nên mọi người đã chú tâm vào mục đích đã đề ra để giải quyết và cuối cùng đã xuôi buồm thuận gió, không như năm rồi tại Phần Lan, khiến cho Thầy phải ngồi đến 1 giờ khuya của ngày hôm sau để nghe những báo cáo của các địa phương và phải tìm phương pháp giải quyết thích hợp. Chắc rằng Thầy cũng đã phải đau đầu không ít cho cuộc họp lịch sử đó. Từ nay trở đi Thầy sẽ không còn phải chủ trì những phiên họp gay go như thế nữa. Năm nay đã chẳng phải lặp lại những gì mà đã phải nghe như năm rồi. Như vậy, công việc tự nó đã được giải quyết một cách ổn thỏa. Đây chẳng phải là cách giải quyết của Thầy sao?
Mỗi năm như vậy đều có lễ tác bạch cúng dường trai Tăng và trai phạn của các phái đoàn của các nước tại Âu Châu, nhiều khi cũng có những gia đình hữu sự muốn hồi hướng phước báu cho người còn hay kẻ mất trong gia đình, nên nhân cơ hội nầy cũng đã phát tâm dõng mãnh làm việc phước và cứ từng bài tác bạch như thế, hầu như không có bài nào là chẳng nhắc nhở đến công giáo dưỡng cũng như hình ảnh của Sư Ông. Hầu như đâu đó trong khắp không gian của vùng núi đồi nội ngoại giới trường khi tác pháp an cư trong 10 ngày nầy đều có sự hiện hữu của ân sư. Khiến cho ai đó khi nghe đến những tâm cảm nầy cũng hết sức ngậm ngùi. Đã đành là vậy, nhưng nhiều người cũng phải gạt lệ để đọc tiếp tục những bài tác bạch cúng dường thật là ý nghĩa. Lớp học của các em Oanh Vũ cũng không bao giờ thiếu vắng bóng dáng của Thầy. Vì chữ Đại “Học Oanh Vũ” vốn do Thầy sáng tác ra, ngày nay hình như đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, khiến cho ai đó khi nhắc đến những mầm non trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu, đều phải hiểu ngay rằng: Đó chính là một sự gợi nhớ đến Sư Ông Minh Tâm mà các em vẫn thường hay gọi thân thương như thế.
Rồi một bao gạo cúng dường để trợ duyên cho khóa Tu Học Phật Pháp vẫn hằn sâu vào tâm cảm của mọi người mỗi khi khóa giáo lý gần kề. Nếu ai không đi được thì gửi về chùa Khánh Anh hay qua bạn bè mang đến đóng góp trực tiếp cho Ban Tổ chức địa phương, nhờ vậy mà năm nào cũng như năm nào, sau khi tổ chức xong, không dư thì thôi chứ không bao giờ thiếu cả. Đây là thành tựu do sáng kiến của Thầy vậy. Nếu không có Thầy nghĩ ra việc nầy thì tại Âu Châu nầy cũng phải tìm cách gây quỹ như những châu khác vậy.
Rồi nào là: Cúng dường định kỳ hằng tháng, cúng dường bất định kỳ, cho mượn hội thiện không lời, hậu sống, hậu chết, ngân hàng Cấp Cô Độc v.v… tất cả đều do Thầy tạo ra và từ đó ở hải ngoại nầy các chùa khắp nơi đã bắt chước thực hiện theo. Công đức ấy thật là không nhỏ. Chắc sau nầy riêng ở tại hải ngoại gồm 5 châu lục phải tôn phong Thầy là vị Tổ khai sáng ra môn phái đặc biệt nầy. Môn phái nầy không có dòng kệ truyền thừa, nhưng nghĩ rằng môn phái nầy sẽ không bị thất truyền và sẽ được tiếp tục mãi mãi về sau nầy khi người Phật Tử Việt chúng ta vẫn còn thực hiện chế độ tùy hỷ cúng dường như xưa nay. Như thế ấy, lần nầy chỉ riêng tiền thuê chỗ để ở trong 10 ngày cho các học viên cũng đã lên đến 65.000FS, tương đương với 65.000 USD, ai mới nghe qua ban đầu cũng phát ớn. Vì nghĩ rằng làm sao đủ số học viên tham dự đóng tiền học phí cho đủ để trang trải những chi phí khác như: Ăn uống, trần thiết, di chuyển, cúng dường chư Tôn Đức giảng sư v.v… thế mà cuối cùng con số học viên tham dự ngắn và dài hạn đã lên đến 937 người và số thu cho mọi sự cúng dường cũng như đóng học phí đã lên đến trên dưới 200.000 FS. Trong đó việc cúng dường 1 bao gạo 30 Euro cũng đã chiếm hết một phần tư rồi. Kỳ nầy số tiền thặng dư cũng không dưới 20.000FS. Đây chính là công đức và thành quả mà Thầy đã để lại vậy. Thế hệ sau nầy nếu muốn được truyền thừa pháp môn nầy thì chỉ cần tu, học và thực hành như Thầy đã thực hiện thì chắc chắn sẽ thành công. Thầy không cho ai đó một hay nhiều cái bánh, dầu cho đó là đệ tử xuất gia hay tại gia, mà Thầy đã sáng tạo ra không biết bao nhiêu phương pháp làm bánh để trao đến cho mọi người. Với những mẫu khuôn bánh được tạo ra những chiếc bánh như vậy thì tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi người mà tạo thành những chiếc bánh xinh xinh dễ nhìn để mọi người tự đi cầu chứng thương hiệu, rồi cứ thế sản xuất ra nhiều chiếc bánh khác nữa, mà chiếc bánh đầu tiên ấy Thầy đã chẳng lấy bản quyền. Có lẽ đây là thành quả của bao nhiêu năm mà Thầy đã tu học tại Nhật Bản từ năm 1968 đến 1973, và Thầy đã xay nhuyển lại để mang về cho Phật Giáo Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước một sức sống, một cái nhìn thật là vi diệu như thế chăng?
Ngoài kia trời vẫn mưa và vẫn nắng. Đó là chuyện của đất trời vạn vật xưa nay. Trong khi đó tại chánh điện hay ở trong những gian phòng học tập Phật pháp, chư Tăng Ni vẫn tiếp tục trao truyền những diệu lý mầu nhiệm ấy cho bao người con Phật, nhằm thăng tiến một niềm tin, mà căn bản vẫn là sự giải thoát của kiếp luân hồi sanh tử nầy.
Viết xong vào ngày 7 tháng 7 năm 2014 tại Schwarzsee vùng Fribourg Thụy Sĩ.