Home » Câu Xá Luận » Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá: Quyển 25, Phẩm 6 Phân Biệt Hiền Thánh [Phần 4]

Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá: Quyển 25, Phẩm 6 Phân Biệt Hiền Thánh [Phần 4]

Mục Câu Xá Luận

LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ
QUYỂN 25
Phẩm 6: PHÂN BIỆT HIỀN THÁNH
(PHẦN 4)

Hỏi: Phần trên có nói nếu A-la-hán thuộc loại bất động thì sau Tận trí sẽ sinh khởi Vô sinh trí, có phải nói như vậy là hàm ý vẫn có sự khác nhau giữa các A-la-hán thuộc hàng Dự lưu v.v…?
(Đáp) Vẫn có sự khác nhau.
(Hỏi) Khác nhau như thế nào?
Tụng đáp: (Âm Hán)
A-la-hán hữu lục
Vị thoái chí bất động
Tiền ngũ tín giải sinh
Tổng danh thời giải thoát
Hậu bất thời giải thoát
Tòng tiền kiến chí sinh.

Dịch nghĩa :
Sáu hạng A-la-hán
Thoái pháp đến Bất động
Năm đầu tín giải sinh
Ðều gọi Thời giải thoát
Hạng sau Bất thời giải (thoát)
Sinh từ kiến chí trước.

[A-la-hán có sáu hạng là Thoái pháp cho đến Bất động. Năm hạng đầu sinh từ Tín giải đều gọi là Thời giải thoát. Hạng cuối là Bất thời giải thoát sinh từ Kiến chí trước].
Luận: Kinh nói có sáu loại A-la-hán là Thoái pháp, Tư pháp, Hộ pháp, An trụ, Kham đạt pháp, Bất động pháp. Năm loại đầu sinh từ loại tín giải. Sự giải thoát về tâm của năm loại A-la-hán này mang tính chất thời cơ và đáng ưa vì họ luôn luôn gìn giữ sự giải thoát này. Vì thế các A-la-hán này được gọi là Thời giải thoát. Phải tùy thuộc vào thời cơ thì các hạng A-la-hán này mới được giải thoát, vì thế tên gọi trên đây đã được lập thành bằng cách lược bỏ một từ ở giữa (sơ ngôn) là (đãi), cũng giống như khi nói “bình bơ” là để chỉ cho cái bình đựng bơ.
Đối với hàng A-la-hán này, sự tu định phải tùy thuộc vào thời cơ, tức phải đợi đến khi có được các vật dụng cần thiết (tư cụ), khi không mang bệnh, và có được nơi tu tập.
Sự giải thoát của các A-la-hán bất động không thể bị lay động vì họ không thể thoái thất sự giải thoát này, vì thế họ có tên là bất động. Họ còn được gọi là Bất thời giải thoát. Họ nhập định tùy theo ý muốn của mình nên được giải thoát mà không phải tùy thuộc vào thời cơ.
A-la- hán đầu tiên còn bị thoái đọa từ sự giải thoát này vì thế họ thuộc loại “được giải thoát trong một thời gian” (tạm thời giải thoát) trong khi loại thứ sáu không còn bị thoái đọa và đã được giải thoát vĩnh viễn (tất cánh giải thoát) vì thế gọi là Bất thời giải thoát.
Các A-la-hán này sinh khởi từ loại kiến chí.
(Hỏi) Sáu loại A-la-hán nói trên có các chủng tánh này ngay từ đầu hay chỉ mới được sau này?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Hữu thị tiên chủng tánh
Hữu hậu luyện căn đắc.
Dịch nghĩa :
Ðược từ chủng tánh trước
Ðược lúc sau luyện căn.

[Có trường hợp đắc từ chủng tánh trước, có trường hợp đắc sau khi luyện căn].
Luận: Có trường hợp ngay từ đầu đã là A-la-hán Tư pháp, có trường hợp sau khi đã là A-la-hán Thoái pháp thì phải làm cho các căn thanh tịnh hoặc viên mãn căn mới trở thành Tư pháp. Và cứ tiếp tục như thế.

  1. A-la-hán Thoái pháp là A-la-hán gặp phải ít duyên thoái lui sở đắc không phải là Tư pháp v.v…, cũng không phải là Kham đạt pháp.
  2. A-la-hán Tư pháp là A-la-hán còn phải lo sợ sự thoái mất nên thường tư duy về các pháp làm tổn hại bản thân.
  3. A-la-hán Hộ pháp là A-la-hán còn phải phòng hộ.
  4. A-la-hán An trụ là A-la-hán không bị lay động khi không có các nhân thoái đọa mạnh mẽ, ngay cả khi không có sự phòng hộ, có nghĩa là vẫn trụ lại ở quả. Họ là những A-la-hán không tăng tiến vì không bị thoái đọa, và không có gia hạnh.
  5. A-la-hán Kham đạt pháp là A-la-hán không cần gia hành mà vẫn có thể “đạt đến” loại A-la-hán Bất động .
  6. A-la-hán Bất động là A-la-hán không còn bị thoái đọa.

Hai loại đầu tiên, khi còn thuộc hàng Hữu học, đã thiếu sự nỗ lực liên tục và mãnh liệt, loại thứ ba chỉ có sự nỗ lực liên tục, loại thứ tư chỉ có sự nỗ lực mãnh liệt, loại thứ năm có cả hai loại nỗ lực nhưng căn lại muội độn, chỉ có loại thứ sáu có cả hai loại nỗ lực và lợi căn.
A-la-hán Thoái pháp không nhất định phải bị thoái đọa, và các loại sau đó cũng như vậy: A-la-hán Kham đạt không nhất định phải “đạt đến” (quả vị A-la-hán Bất động ). Sở dĩ các Thánh giả này có tên gọi khác nhau vì có thể có trường hợp họ còn bị thoái đọa v.v… Vì nguyên tắc này đã được thừa nhận cho nên có thể kết luận cả sáu loại A-la-hán đều có thể hiện hữu ở ba cõi.
Tuy nhiên nếu theo giả thiết A-la-hán Thoái pháp là A-la-hán nhất định bị thoái đọa …, và A-la-hán Kham đạt là A-la-hán nhất định phải đạt đến thì kết luận trên sẽ bị thay đổi: (1) Sáu loại A-la-hán đều có ở Dục giới, (2) Chỉ có hai loại A-la-hán An trụ và Bất động ở các giới trên (thượng giới) vì ở đó không có (a) Sự thoái đọa vì thế không có A-la-hán Thoái pháp và A-la-hán Hộ pháp vì sẽ không có việc phòng hộ thoái thất, (b) Cũng không có tư vì thế không có A-la-hán Tư pháp, (c) Cũng không có sự làm viên mãn các căn vì thế không có A-la-hán Kham đạt vì hàng A-la-hán này phải rèn luyện các căn thật mẫn lợi mới có thể “đạt đến”, mới có thể trở thành A-la-hán Bất động .
(Hỏi) Trong năm loại, loại nào thoái đọa từ chủng tánh và loại nào thoái đọa từ quả?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Tứ tòng chủng tánh thoái
Ngũ tòng quả phi tiên.

Dịch nghĩa :
Bốn loại đọa chủng tánh
Năm theo quả, không trước.

[Bốn loại thoái đọa từ chủng tánh. Năm loại từ quả, không thoái đọa từ (chủng tánh và quả) đầu tiên].
Luận: Bốn loại A-la-hán [từ Tư pháp cho đến Kham đạt] bị thoái đọa từ chủng tánh. Năm loại A-la-hán [từ Thoái đọa cho đến Kham đạt] cũng bị thoái đọa từ quả.
Tuy nhiên không có trường hợp thoái đọa từ chủng tánh và quả đầu tiên:
(1) Thánh giả A-la-hán không bị thoái đọa từ chủng tánh trước đó, tức chủng tánh đã đạt được trước khi trở thành A-la-hán vì chủng tánh này đã được làm cho kiên cố do đạo Hữu học và đạo Vô học. Thánh giả Hữu học không thoái đọa từ chủng tánh trước đó vì chủng tánh này đã được đạo thế tục và đạo xuất thế làm cho kiên cố. Không thể có trường hợp bị thoái đọa từ loại chủng tánh đã được nhờ luyện căn.
(2) Thánh giả không thoái đọa từ quả trước đó đã đạt được, nhưng có thể thoái đọa từ các quả đạt được sau. Như vậy họ sẽ không bị thoái đọa từ quả Dự lưu.
Theo hai nguyên tắc trên sẽ có (1) Ba trường hợp có thể xảy ra đối với hàng A-la-hán Thoái pháp : Họ có thể được Niết-bàn mà vẫn còn giữ nguyên chủng tánh của mình (trụ tự vị nhi bát Niết-bàn), hoặc có thể làm viên mãn các căn, hoặc có thể thoái đọa và trở lại hàng Hữu học; (2) Bốn trường hợp có thể xảy ra đối với hàng A-la-hán Tư pháp: ba trường hợp giống như ở trên, cộng thêm trường hợp có thể bị thoái đọa và trở lại hàng A-la-hán Thoái pháp; (3) Và tiếp theo là năm, sáu và bảy trường hợp có thể xảy ra đối với các hàng A-la-hán Hộ pháp, An trụ và Kham đạt (tức cộng thêm các trường hợp: hoặc trở lại hàng A-la-hán Tư pháp v.v…).
Khi một A-la-hán trở lại hàng Hữu học sẽ trụ ở chủng tánh giống như chủng tánh đầu tiên của mình. Nếu không phải như vậy thì khi được một chủng tánh cao hơn, lẽ ra Thánh giả chỉ có thăng tiến chứ không thể thoái đọa.
(Hỏi) Tại sao không thể thoái đọa từ quả trước đó?
(Đáp) Vì các phiền não thuộc kiến đoạn không có chỗ dựa: Thật vậy, khi có căn là hữu thân kiến thì các phiền não mới hiện hữu với ngã làm chỗ dựa cho ngã xứ chuyển, nhưng ở trường hợp này thì không có ngã.
(Hỏi) Như vậy có phải các phiền não này có đối tượng duyên là một sự vật không hiện hữu?
(Đáp) Không phải. Chúng vẫn có cảnh là các đế, (chúng vẫn quán sát các thủ uẩn là vô thường v.v…), vì thế không phải đối tượng duyên của chúng là một sự vật không hiện hữu, tuy nhiên chúng không thể duyên các cảnh này một cách chính xác.
(Hỏi) Các phiền não thuộc tu đoạn khác nhau ở điểm nào khi mà chúng cũng duyên cảnh không chính xác giống như các phiền não thuộc kiến đoạn?
(Đáp) Chúng vẫn khác với các phiền não thuộc kiến đoạn. Người ta thấy rõ ý tưởng về ngã (ngã kiến) mê chấp các thật pháp như sắc v.v… vốn không phải là “ngã”, không phải là “ngã tướng”, có các hành tướng của một thật thể có tạo tác, có cảm thọ, có các hành tướng của một đấng Đại tự tại. Và các loại kiến khác như biên chấp kiến v.v…, cũng hiện hữu được nhờ lấy chính ngã tướng này làm chỗ dựa, như vậy chỗ dựa của chúng là không thật hữu, có nghĩa là chúng không có chỗ dựa. Trái lại, các phiền não khác với các phiền não thuộc kiến đoạn, tức các phiền não được đoạn trừ do tu đạo như tham, sân, mạn, nghi lại có tính chất nhiễm trước, chán ghét, thỏa mãn, mê mờ đối với sắc pháp v.v…, vì thế nếu nói một cách tuyệt đối thì chúng vẫn có chỗ dựa. Vì các cảnh đáng ưa (khả ý), không đáng ưa v.v… của chúng vẫn thật hữu, trong khi đó lại không hề có dấu vết của ngã, ngã sở, đại tự tại v.v…
Một giải thích khác cho các phiền não thuộc tu đoạn có một chỗ dựa nhất định, mang một tính chất rõ ràng như đáng ưa, không đáng ưa v.v…. Trong khi đối với các phiền não thuộc kiến đoạn thì không có một chỗ dựa nhất định nào mang các tính chất của ngã hoặc ngã sở, vì thế chúng không có chỗ dựa.
Một điểm khác nữa là đối với hàng Thánh giả không suy nghĩ (thẩm lự) thì các phiền não thuộc tu đoạn có thể khởi dậy do bị thất niệm, nhưng các phiền não này không thể khởi dậy ở hàng Thánh giả có thẩm lự. Cũng giống như trường hợp tưởng lầm sợi dây là con rắn nếu không quán sát kỹ, [cũng giống như khi thiếu sự chú ý thì người ta sẽ quên mất tính chất siêu hình của các sự vật khả ý là vô thường, khổ, v.v…]. Trái lại, sự sai lầm của ngã kiến không thể khởi dậy ở các Thánh giả không thẩm lự vì loại tà kiến này chỉ là một sản phẩm của sự suy lường.
Như vậy Thánh giả không thể thoái đọa từ sự đoạn trừ các phiền não mà họ đã đoạn được nhờ vào kiến đạo (thánh kiến đoạn).
Các luận sư Kinh bộ nói Thánh giả không còn bị thoái đọa từ quả vị A-la-hán. Và ý kiến của họ thì chính xác về cả giáo chứng cũng như lý chứng.

  1. Giáo chứng:

Kinh nói: “Này các Bí-sô, “hoặc” được đoạn trừ chính là “hoặc” được đoạn trừ do Thánh tuệ”.
Kinh nói: “Ta tuyên bố hàng Hữu học cần phải tu bất phóng dật”. Đức Thế Tôn không nói điều này đối với hàng A-la-hán.
Chắc chắn là Đức Thế Tôn có nói: “Này A-nan, Ta tuyên bố ngay cả đối với A-la-hán thì các thứ tư hữu và danh vọng cũng là nguyên nhân của chướng ngại”. Trong khi đó kinh lại nói rõ nếu A-la-hán bị thoái đọa thì đó chỉ là thoái đọa từ hiện pháp lạc trụ: “Về sự giải thoát của tâm thuộc loại bất động, một sự giải thoát được làm hiện khởi qua thân, thì ta tuyên bố nhất định không còn sự thoái đọa từ nó”.
Nhưng Tỳ-bà-sa trả lời Đức Thế Tôn chỉ nói không bị thoái đọa từ tâm giải thoát thuộc loại bất động, do đó vẫn có trường hợp thoái đọa khi sự giải thoát này có tính chất tạm thời. Chúng tôi đồng ý vẫn có sự thoái đọa từ loại tâm giải thoát tạm thời. Tuy nhiên, sự giải thoát này là gì? Có phải đó là quả A-la-hán (Ứng quả tánh) như các ông nghĩ? Và chẳng lẽ không thể tin khi nói “tạm thời giải thoát” là Đức Thế Tôn có ý chỉ cho các tầng thiền thuộc thế tục sao?
Loại thiền định (đẳng trì) bao hàm các tầng thiền căn bản, khi được tu chứng trong một số trường hợp nào đó – chẳng hạn như ở một nơi không có tiếng ồn v.v… vẫn được gọi tên là “sự giải thoát tạm thời” (thời giải thoát), và nó còn có tên là “sự giải thoát đáng ưa” (ái giải thoát) vì mỗi lần bị thoái thất thì người ta vẫn mong cầu có lại để thọ hưởng các pháp lạc. Có luận sư khác nói loại thiền định này có tên là “sự giải thoát tạm thời” vì vốn là hữu lậu nên nó thuộc về nhóm các pháp “còn được ham muốn”.
Trái lại loại giải thoát tạo thành phẩm tánh A-la-hán không có tính chất tạm thời vì được hoạch đắc thường xuyên, nó cũng không còn là loại “đáng ưa” vì người ta không thể tìm kiếm trở lại loại giải thoát này. Nếu như còn có trường hợp bị thoái đọa từ phẩm tánh A-la-hán thì tại sao Đức Thế Tôn lại nói A-la-hán chỉ có thể thoái đọa từ hiện pháp lạc trụ? Vì thế loại tâm giải thoát bất động thuộc về tất cả các A-la-hán.
Một vị A-la-hán thoái thất hiện pháp lạc trụ khi vị này đánh mất sự tự tại đối với thiền định vì bị lợi dưỡng làm cho tán tâm, và đây là trường hợp của các hàng A-la-hán độn căn. Nếu thuộc hàng lợi căn thì một A-la-hán không thể thoái thất hiện pháp lạc trụ. A-la-hán thoái thất pháp lạc được gọi là thoái pháp, và không thoái thất pháp lạc thì gọi là bất thoái pháp. Các trường hợp của Tư pháp v.v… cũng được giải thích giống như vậy.
(Hỏi) Bất thoái pháp, An trụ và Bất động pháp khác nhau như thế nào?
(Đáp) Loại thứ nhất chưa làm cho các căn trở nên viên mãn: các căn này vốn đã mẫn lợi ngay từ đầu, loại thứ ba đã làm cho các căn trở nên viên mãn: cả hai loại này không còn thoái đọa từ các loại thiền định (đẳng chí thù thắng) đã đạt được. Loại thứ hai không còn bị thoái đọa từ các phẩm tánh mà họ đang an trụ, nhưng họ không thể khởi các phẩm tánh khác (thắng đức) hoặc nếu đã khởi thì vẫn có thể bị lay động. Đó là sự khác nhau của ba loại Thánh giả này.
(Hỏi) Tuy nhiên trong trường hợp của Kiều-để-ca, tại sao không bị thoái thất quả A-la-hán?
(Đáp) Khi còn thuộc hàng Hữu học, vì còn quá nhiều mong cầu và độn căn nên Kiều-để-ca đã nhiều lần bị thoái thất loại giải thoát tạm thời: vì lòng chán ghét (yếm trách) nên Kiều-để-ca đã tự hại mình bằng dao. Do không luyến tiếc thân mạng nên đã đạt được quả A-la-hán ngay khi mạng chung và đã nhập được Niết-bàn. Vì thế Kiều-để-ca không bị thoái thất quả vị A la-hán.
Kinh Tăng Thập nói: “Có một pháp nên khởi là thời ái tâm giải thoát. Có một pháp nên chứng là bất động tâm giải thoát”.
Nếu thời ái tâm giải thoát là phẩm tánh A-la-hán và vì thế phẩm tánh này sẽ có hai loại thì tại sao trong các kinh điển chỉ có kinh Tăng Thập đề cập đến hai lần loại phẩm tánh này dưới hai tên gọi khác nhau? Hơn nữa, không có kinh nào nói “nên khởi phẩm tánh A-la-hán” mà chỉ nói là “nên chứng phẩm tánh A-la-hán”.
Có phải các ông sẽ nói phẩm tánh A-la-hán khi kết hợp với các căn muội độn tất sẽ sinh khởi? Các ông muốn ám chỉ điều gì khi nói như vậy? Có thể “khởi” được phẩm tánh A-la-hán không? Nếu được thì loại phẩm tánh A-la-hán kết hợp với các căn mẫn lợi cũng sẽ phải được sinh khởi. Loại phẩm tánh A-la-hán thứ nhất còn được sinh khởi huống hồ là loại phẩm tánh A-la-hán thứ hai.
Vì thế sự giải thoát tạm thời không phải là phẩm tánh A-la-hán.
(Hỏi) Nếu vậy, tại sao kinh lại nói đến loại A-la-hán thuộc “Thời giải thoát”?
(Đáp) Đó là trường hợp A-la-hán vì độn căn nên phải tùy thuộc vào các thời cơ có liên quan đến sự hiện khởi của định. Trái với trường hợp này là loại A-la-hán thuộc “bất thời giải thoát”.
Theo A-tỳ-đạt-ma, có ba nguyên nhân (xứ) phát sinh dục tham: (1) Tùy miên dục tham chưa được hoàn toàn liễu tri (biến tri), chưa được đoạn trừ; (2) Các pháp hiện khởi thuận lợi cho sự bộc phát của dục tham; (3) Có sự phán đoán sai lạc (tác ý phi lý). [Nhưng trong trường hợp của A-la-hán thì không thể có tất cả các nguyên nhân này].
Có phải người ta sẽ nói A-tỳ-đạt-ma chỉ nói đến loại dục tham do toàn bộ các nhân này sinh khởi trong lúc vẫn có trường hợp dục tham sinh khởi mà không cần phải có đủ các nhân, tức chỉ nhờ vào lực của ngoại duyên? Tuy nhiên, có loại pháp nào có thể sinh khởi mà không cần phải đủ tất cả các nhân?

  1. Lý chứng:

Ở A-la-hán có sinh khởi các pháp đối trị lại các phiền não và do thể tánh của các pháp này mà các phiền não bị đưa vào “tình trạng tuyệt đối không còn khả năng sinh khởi” mà trở thành loại pháp vô sinh. Như vậy A-la-hán làm sao có thể bị thoái đọa được?
Có phải các ông sẽ nói các pháp như thế không thể sinh khởi ở A-la-hán, rằng các phiền não vẫn tồn tại ở A-la-hán dưới dạng chủng tử và chúng sẽ tạo thành chủng tử của các phiền não chưa được vĩnh viễn nhổ bật tận gốc? Nếu đúng như vậy thì làm sao có thể nói A-la-hán là người đã tận trừ tất cả các lậu hoặc? Và nếu không phải là lậu tận thì làm sao có thể nói đó là A-la-hán?
Tuy nhiên Tỳ-bà-sa cho rằng chủ trương về sự không thoái đọa của A-la-hán trái ngược với kinh Thán Dụ.
Kinh này nói: “Đối với một Thánh giả đa văn y theo một nguyên tắc sống như thế, trải qua thời giờ của mình như thế, thỉnh thoảng vì thất niệm vẫn có thể khởi các tâm xấu”. Và vị Thánh giả đa văn này không phải là hàng Hữu học mà là một A-la-hán vì kinh còn nói thêm: “Trong một thời gian dài tâm của vị này hướng đến sự viễn ly phiền não… tâm của vị này hướng đến Niết-bàn.” Và qua các kinh khác chúng ta cũng biết được các phẩm tánh như “hướng tâm đến sự xa lìa” v.v… là một trong các sức mạnh của A-la-hán, sức mạnh này còn được khẳng định qua câu kinh: “Tâm của vị này trở nên mát mẻ, được tẩy sạch đối với tất cả các pháp vốn là nơi ẩn náu của các lậu hoặc”.
Chúng tôi xin trả lời: Đúng là các kinh có nói như vậy. Tuy nhiên kinh Thán Dụ lại có ý chỉ cho hàng Hữu học chứ không phải A-la-hán. Thật vậy, chỉ đối với hàng Hữu học kinh mới nói: “Chừng nào những bước đi của một Bí-sô còn chưa được thì phiền não thỉnh thoảng vẫn sinh khởi ở vị này ngay cả khi đang có những bước đi như thế.”
Các luận sư Tỳ-bà-sa chủ trương vẫn có sự thoái đọa từ quả vị A- la-hán.
(Hỏi) Chỉ có hạng A-la-hán có sáu loại chủng tánh này hay các hạng Thánh giả khác cũng có như vậy? Nếu có thì có thể tu luyện căn không?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Học dị sanh diệc lục
Luyện căn phi kiến đạo.

Dịch nghĩa :
Học, phàm phu sáu loại
Luyện căn không kiến đạo.

[Hữu học, dị sinh cũng có sáu loại. Luyện căn không có ở kiến đạo].
Luận: Hữu học và phàm phu cũng có sáu chủng tánh như vậy. Các chủng tánh của A-la-hán cũng bắt đầu từ các chủng tánh này.
Các căn có thể được hoàn thiện (luyện căn) ở ngoài kiến đạo chứ không phải trong khi đang đi trên Thánh đạo này. Kiến đạo là con đường vận hành rất nhanh chóng (trong toàn bộ mười lăm sát-na), và hành giả không thể thực hiện được loại gia hạnh cần thiết cho việc hoàn thiện các căn trong suốt thời gian này.
Có trường hợp hoàn thiện các căn là loại dị sinh, nhưng cũng có trường hợp hoàn thiện các căn là loại tín giải.
Một bản kinh được trích dẫn ở trên có nói: “Ta tuyên bố trong bốn loại hiện pháp lạc trụ mà một Thánh giả đã đạt được thì Thánh giả này có thể bị thoái đọa từ bất kỳ loại nào trong bốn loại này, nhưng đối với tâm giải thoát bất động mà một Thánh giả đã chứng đắc thì ta tuyên bố tuyệt đối không thể thoái đọa từ loại tâm giải thoát này.”
Hỏi: A-la-hán thoái đọa từ các pháp hiện lạc trụ như thế nào?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Ưng tri thoái hữu tam
Dĩ vị đắc thụ dụng
Phật duy hữu tối hậu
Lợi trung hậu, độn tam.

Dịch nghĩa :
Thoái đọa có ba loại
Ðắc, chưa đắc, thọ dụng
Phật chỉ có loại cuối
Lợi giữa, cuối, độn ba.

[Thoái đọa có ba loại: đã đắc, chưa đắc, thọ dụng. Phật chỉ có loại cuối, lợi căn có loại giữa và cuối, độn căn cả ba loại].
Luận: Có ba trường hợp thoái đọa:
Thoái đọa từ sự hoạch đắc một công đức thù thắng tức là sự thoái đọa từ những gì đã đạt được.
Chưa được một công đức thù thắng tức là sự thoái đọa từ những gì chưa được.
Chưa làm hiện khởi một công đức thù thắng đã đạt được tức là sự thoái đọa từ sự thọ dụng.
Trong số các sự thoái đọa này, (1) Đức Phật chỉ thoái đọa từ sự thọ dụng: Vì nghĩ đến sự an lạc của chúng sinh nên Phật đã ngưng thọ dụng các pháp lạc; (2) Hàng bất động pháp thoái đọa từ sự thọ dụng và từ những gì chưa được: vì không nhất định đã đạt được các pháp thuộc về các thù thắng cá nhân; (3) Các A-la-hán không thuộc Bất động pháp cũng bị thoái đọa từ những gì đã được.
Như vậy sự kiện hàng bất động pháp bị thoái đọa từ sự thọ dụng không trái với bản kinh nói trên.
Các luận sư không thừa nhận có sự thoái đọa nói: “Sự giải thoát vô lậu của tất cả A-la-hán đều là bất động: nhưng hàng bất động pháp đã được định nghĩa giống như chúng tôi đã nói ở trên vì thế không thể đưa ra vấn nạn: hàng bất động pháp bị thoái đọa từ các pháp lạc như thế nào?”
(Hỏi) Thánh giả khi bị thoái đọa quả A-la-hán có phải tái sinh không? Khi bị thoái đọa vị này có làm những việc đã không làm khi còn trụ quả không?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Nhất thiết tòng quả thoái
Tất đắc bất mệnh chung
Trụ quả sở bất vi
Tàm tăng cố bất tác.

Dịch nghĩa :
Nếu khi đang thoái quả
Thì không thể mạng chung
Chỗ không làm trụ quả
Tàm tăng nên không làm.

[Chắc chắn khi đang thoái quả thì không thể mạng chung, những gì không làm khi còn trụ quả vì tàm tăng trưởng nên cũng không làm].
Luận: Thánh giả không bao giờ chết ở giai đoạn thoái quả. Kinh nói: “Này các Bí-sô! Thánh giả đa văn có thể đánh mất chánh niệm, chánh niệm của vị này có thể bị chậm lại. Tuy nhiên vị này có thể nhanh chóng vứt bỏ, làm cho biến mất, hủy diệt, loại trừ sự thất niệm này”.
Nếu không phải như vậy thì khi một người đã trở thành A-la-hán nhưng bị thoái thất quả mà vẫn có thể bị luân chuyển trong vòng sinh tử thì đời sống tu hành sẽ không còn có thể làm cho chúng sinh tin tưởng.
Một người bị thoái quả không làm những việc mà một người trụ quả đã không thể làm. Ngay cả khi bị thoái đọa, người này sẽ không làm những điều đi ngược lại với quả, tức những việc làm thuộc phi phạm hạnh. Cũng giống như một tráng sĩ có thể bị lay động nhưng không thể té ngã.
(Hỏi) Sự hoàn thiện các căn có bao nhiêu đạo vô gián, bao nhiêu đạo giải thoát ?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Luyện căn Vô học vị
Cửu Vô gián giải thoát
Cửu tập cố học nhất
Vô lậu y nhân tam
Vô học y cửu địa
Hữu học đãn y lục
Xả quả thắng quả đạo
Duy đắc quả đạo cố.

Dịch nghĩa:
Vị luyện căn, Vô học
Chín vô gián, giải thoát
Do nghiệp nên học một
Vô lậu nương ba cõi
Vô học nương chín địa
Hữu học nương sáu địa
Quả xả và quả thắng
Chỉ đạt được quả đạo.

[Ở Vô học vị, luyện căn có chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát, do tập quán lâu ngày, Hữu học chỉ có một; tất cả đều vô lậu, nương vào con người ở ba châu, Vô học nương chín địa, Hữu học chỉ nương sáu địa vì xả quả, thắng quả đạo, chỉ đắc quả đạo].
Luận: Hàng Kham đạt pháp khi hoàn thiện các căn và bước vào chủng tánh của hàng Bất động pháp phải phát khởi chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát, hoàn toàn giống như hàng Hữu học đắc quả A-la-hán phải lìa bỏ Hữu đảnh.
(Hỏi) Tại sao như vậy?
(Đáp) Vì hàng Kham đạt pháp đã quá quen với chủng tánh của hàng độn căn nên không thể chuyển đổi chủng tánh này nếu không có sự nỗ lực mạnh mẽ: thật vậy chủng tánh này đã được làm cho kiên cố do đạo Hữu học và đạo Vô học.
Một vị thuộc loại tín giải khi chuyển căn để trở thành loại kiến chí thì phải cần đến một đạo vô gián và một đạo giải thoát .
Trong cả hai trường hợp đều có một đạo gia hạnh.
Các đạo vô gián và đạo giải thoát này đều thuộc tánh vô lậu vì các căn của A-la-hán không thể được chuyển bằng các đạo hữu lậu.
(Hỏi) Các căn có thể được chuyển ở đâu?
(Đáp) Chỉ có con người mới có sự chuyển căn, ở các nơi khác đều không có chuyển căn vì ở đó không thể có sự thoái đọa.
(Hỏi) Hàng Hữu học và vô học nương vào các địa nào để chuyển căn?
(Đáp) Hàng vô học nương vào chín địa là vị chí, trung gian, bốn tầng thiền và ba định Vô sắc, vì có thể được cùng một quả A-la-hán khi nương vào các địa này.
Hàng Hữu học nương vào sáu địa, tức trừ ba định Vô sắc.
(Hỏi) Tại sao?
(Đáp) Khi hàng Hữu học hoàn thiện các căn thì lại xả bỏ một quả, tức loại quả đã được nhờ con đường của các căn muội độn: họ xả bỏ đạo thắng tiến, tức là sự tiến bộ mà họ đã được – đạo gia hạnh, đạo vô gián, đạo giải thoát, đạo thắng tiến – trong khi lìa bỏ các tầng thiền, là sự tiến bộ đã chứng đắc nhờ các căn muội độn. Họ chỉ đắc một quả duy nhất thuộc về chủng tánh lợi căn, loại quả tạo thành một phần của sự lìa bỏ Dục giới chứ không phải là quả Bất hoàn vốn thuộc về Vô sắc giới.
Hạng A-la-hán vì có các căn hoàn toàn khác nên có đến chín địa.
(Hỏi) Có bao nhiêu loại vô học?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Thất Thanh văn nhị Phật
Sai biệt do cửu căn.

Dịch nghĩa:
Bảy Thanh văn, hai Phật
Sai biệt do chín căn.

[Bảy loại Thanh văn, hai Phật khác nhau do chín căn].
Luận: Có bảy loại Thanh văn, trong đó năm loại bắt đầu từ Thoái pháp, cộng thêm loại Bất động pháp, loại này được chia thành hai loại tùy theo trường hợp đó là A-la-hán vốn đã thuộc chủng tánh Bất động hay là A-la-hán đạt được chủng tánh này nhờ hoàn thiện các căn.
Hai Phật là Bích chi Phật (Độc giác) và Phật (Đại giác), đều thuộc hàng Bất động.
Như vậy có tất cả chín loại khác nhau vì có các căn hợp v.v… khác nhau.
Nói chung tất cả Thánh giả đều thuộc một trong bảy loại: (1) Tùy tín hành; (2) Tùy pháp hành; (3) Tín giải; (4) Kiến chí; (5) Thân chứng; (6) Tuệ giải thoát; (7) Câu giải thoát.
(Hỏi) Tại sao lập thành bảy loại? Có bao nhiêu sự khác nhau?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Gia hạnh căn diệt định
Giải thoát cố thành thất
Thử sự biệt duy lục
Tam đạo các nhị cố.

Dịch nghĩa:
Gia hạnh căn diệt định
Giải thoát thành bảy loại
Về sự chỉ có sáu
Ba đường mỗi hai loại.

[Do gia hạnh, căn, định diệt giải thoát nên thành bảy loại. Nếu xét về sự thì chỉ có sáu vì mỗi đạo đều có hai loại].
Luận:

(1) Do gia hạnh, như trường hợp của Tùy tín hành và Tùy pháp hành. Lúc đầu, khi căn ở giai đoạn của dị sinh, nhờ có tín nên loại thứ nhất khi có sự thôi thúc của người khác, có nghĩa là nghe được nghĩa v.v… của người khác mà đã chú tâm đến các “sự”, có nghĩa là đã chú tâm đến tư và tu. Loại thứ hai cũng có sự chuyên tâm như vậy nhưng lại dựa theo pháp, tức giáo pháp về mười hai chi, bằng cách tự mình nương theo các pháp, tức là các giác phần.
(2) Do căn, như trường hợp của Tín giải và Kiến chí. Các căn của hai loại này có tính chất muội độn và mẫn lợi khác nhau do tính chất ưu việt của ý chí phát xuất từ tín trong trường hợp thứ nhất, và của tuệ trong trường hợp thứ hai.
(3) Do định, như trường hợp của Thân chứng vì loại này đã chứng đắc được định diệt .
(4) Do giải thoát, như trường hợp của Tuệ giải thoát.
(5) Do định và giải thoát, như trường hợp của Câu giải thoát.
Như vậy nếu xét về danh thì có tất cả bảy loại, nhưng nếu xét về sự thì chỉ có sáu loại.
Ở kiến đạo có hai loại là Tùy tín hành và Tùy pháp hành, hai loại này trở thành Tín giải và Kiến chí ở tu đạo, Thời giải thoát và Bất thời giải thoát ở đạo Vô học .
Đối với Tùy tín hành: (1) Vì dựa vào căn nên chia làm ba loại: Mặc dù các căn của loại này vốn muội độn nhưng lại thuộc về ba phẩm hạ hạ, hạ trung và hạ thượng khác nhau; (2) Vì dựa vào chủng tánh nên chia làm năm loại là Thoái pháp v.v…; (3) Vì dựa vào đạo nên chia làm mười lăm loại, tức đang ở vào một trong tám nhẫn hoặc bảy trí; (4) Vì dựa vào lìa bỏ nên chia làm bảy mươi ba loại: loại thứ nhất còn bị trói buộc với tất cả các loại trói buộc của Dục giới, chín loại tiếp theo đã lìa bỏ một cho đến chín nhóm trói buộc của Dục giới, chín loại tiếp theo đã lìa bỏ một cho đến chín nhóm trói buộc của tầng thiền thứ nhất, và cứ tiếp tục như vậy cho đến vô sở hữu xứ. Tám lần chín – gồm sự lìa bỏ thuộc Dục giới, thuộc bốn tầng thiền, thuộc ba định Vô sắc giới – tạo thành bảy mươi hai loại, cộng thêm loại “cụ phược” tức thành bảy mươi ba loại; (5) Vì dựa vào thân chỗ dựa nên chia làm chín loại: sinh ở một trong ba châu tức loại trừ Bắc châu, sinh ở một trong sáu cõi trời thuộc Dục giới. Ở các cõi trên không có kiến đạo.
Như vậy, nếu dựa vào tất cả các sự khác nhau trên đây sẽ có tất cả mười bốn vạn bảy ngàn tám trăm hai mươi lăm (147825) loại Tùy tín hành. Đối với Tùy pháp hành v.v… cũng được tính theo cách trên.
(Hỏi) Tại sao gọi là Câu giải thoát và Tuệ giải thoát?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Câu do đắc diệt định
Dư danh tuệ giải thoát.

Dịch nghĩa:
“Câu” vì được diệt định
Khác gọi Tuệ giải thoát.

[“Câu” vì được định diệt. Trường hợp còn lại là Tuệ giải thoát].
Luận: Thánh giả đã nhập định diệt tận được gọi là “giải thoát đôi”, vì nhờ vào sức mạnh của tuệ và định mà giải thoát được chướng phiền não và chướng giải thoát. Trường hợp khác chưa được định diệt tận gọi là Tuệ giải thoát.
Đức Thế Tôn nói: “Người đã đoạn được năm phiền não ở thế gian này, không bị chúng dẫn dắt chưa gọi là bậc Hữu học toàn mãn.
(Hỏi) Do những nguyên nhân nào mà bậc Hữu học và Vô học được gọi là toàn mãn?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Hữu học danh vi mãn
Do căn quả định tam
Vô học đắc mãn danh
Ðãn do căn định nhị.

Dịch nghĩa:
Hữu học gọi toàn mãn
Do căn, quả và định
Vô học được toàn mãn
Chỉ do căn và định.

[Hữu học được gọi là toàn mãn do ba pháp căn, quả và định. Vô học có tên là toàn mãn chỉ do hai pháp căn và định].
Luận: Bậc Hữu học toàn mãn thuộc về ba loại, toàn mãn về quả, về căn và về định.
Chỉ toàn mãn về quả là hàng Bất hoàn thuộc loại Tín giải chứ không phải Thân chứng.
Chỉ toàn mãn về căn là hàng Thánh giả thuộc loại Kiến chí chưa lìa bỏ Dục giới.
Toàn mãn về quả và căn là hàng Bất hoàn thuộc loại Kiến chí không phải Thân chứng.
Toàn mãn về quả và định là hàng Bất hoàn thuộc loại Tín giải đã là Thân chứng.
Toàn mãn về quả, căn và định là hàng Bất hoàn thuộc loại Kiến chí đã là Thân chứng.
Một bậc Hữu học không thể toàn mãn chỉ nhờ vào định vì định diệt tận được xem như là quả của hàng Bất hoàn, vì thế, trong trường hợp này có sự toàn mãn là nhờ vào quả. Bậc Hữu học cũng không thể toàn mãn nếu chỉ dựa vào căn và định.
Bậc Vô học toàn mãn về căn và định. Không có bậc Vô học nào mà không toàn mãn về quả: vì thế sự toàn mãn về quả không được tính đến trong trường hợp này.
Loại Tuệ giải thoát thuộc Bất thời giải thoát được toàn mãn nhờ vào căn.
Loại Câu giải thoát thuộc Thời giải thoát được toàn mãn nhờ vào định.
Loại Câu giải thoát thuộc Bất thời giải thoát được toàn mãn nhờ vào căn và định.
(Hỏi) Trước đây đã nói đến vô số các đạo khác nhau như thế đạo, xuất thế đạo, kiến đạo, Tu đạo, vô học đạo, đạo gia hạnh, Đạo vô gián, Đạo giải thoát, Thắng tiến đạo. Nếu nói tóm lược thì chủ yếu có bao nhiêu đạo?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Ưng tri nhất thiết đạo
Lược thuyết duy hữu tứ
Vị gia hạnh vô gián
Giải thoát thắng tiến đạo.

Dịch nghĩa:
Nên biết tất cả đạo
Lược nói chỉ có bốn
Là gia hạnh vô gián
Giải thoát và thắng tiến.

[Nên biết tất cả các đạo nói tóm lại chỉ có bốn là đạo gia hạnh, đạo vô gián, đạo giải thoát và đạo thắng tiến].
Luận: Đạo gia hạnh – con đường ứng dụng hoặc luyện tập dự bị – là con đường mà nhờ nó đạo vô gián sau đó mới có thể kế tục sinh khởi.
Đạo vô gián – con đường không thể bị cản trở – là con đường mà nhờ nó một chướng ngại mới có thể được đoạn trừ.
Đạo giải thoát – con đường giải thoát – là con đường đầu tiên sinh khởi mà không bị ràng buộc các chướng ngại đã được đoạn trừ do đạo vô gián.
Đạo thắng tiến – con đường thù thắng nhất – là con đường khác với các con đường trước đó.
(Hỏi) Nghĩa của chữ đạo là gì?
(Đáp) Đạo là con đường của Niết-bàn vì con đường này dẫn đến Niết-bàn, hoặc vì nhờ có con đường này mà Niết-bàn mới được đạt đến.
(Hỏi) Làm thế nào đạo giải thoát và đạo thắng tiến có thể gọi là “con đường” được, khi mà sự đạt được Niết-bàn chỉ tùy thuộc vào đạo gia hạnh và đạo vô gián?
(Đáp) Vì đạo giải thoát và đạo thắng tiến tương tự với con đường đoạn trừ (đoạn đạo), về mặt cảnh nơi đối tượng duyên tức bốn đế, về mặt hành tướng tức các hành tướng vô thường v.v…, về mặt thanh tịnh (vô lậu), chúng nổi bật nhờ tính chất tối thượng của chúng vì các nhân của chúng bao gồm tất cả các nhân của các “đoạn đạo” khác cộng thêm chính bản thân các “đoạn đạo” này. Hơn nữa, chính nhờ hai loại đạo này mà người ta càng ngày càng đạt được các đạo khác cao hơn: cần có đạo giải thoát mới có thể đạt được một đạo vô gián mới. Hoặc vì nhờ có hai loại đạo này nên mới có thể nhập vào Niết-bàn vô dư y.
Đạo còn được gọi là lộ trình vì người ta đi đến Niết-bàn nhờ vào lộ trình này.
(Hỏi) Có bao nhiêu lộ trình như thế này?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Thông hành hữu tứ chủng
Lạc y bản tĩnh lự
Khổ y sở dư địa
Trì, tốc, độn, lợi căn.

Dịch nghĩa,
Lộ trình có bốn loại:
Lạc nương căn bản tịnh
Khổ nương ở địa khác
Nhanh, chậm độn, lợi căn.

[Lộ trình có bốn loại: Lạc nương căn bản tĩnh lự, khổ nương các địa khác, chậm nhanh do độn, lợi căn].
Luận: Các đạo được tu tập bằng cách nương vào các tầng thiền – có nghĩa là trong khi hành giả đang ở vào các tầng thiền – là loại lộ trình dễ đi .Vì các tầng thiền này đều có đủ các chi và sự quân bình tuyệt đối giữa chỉ và quán, vì thế trong các tầng thiền, lộ trình này lưu chuyển mà không cần đến sự gắng sức nào cả.
Con đường ở vị chí, trung gian tĩnh lự, các định thuộc Vô sắc là loại lộ trình khó đi vì các loại định này không có đủ các chi, và không có sự quân bình giữa chỉ và quán. Ở vị chí và tĩnh lự trung gian, năng lực quán sát thì lớn nhưng chỉ thì nhỏ, ở các định Vô sắc thì ngược lại.
Khi các căn thuộc loại muội độn thì lộ trình này, có thể dễ hoặc khó, được gọi là lộ trình “chậm hiểu”, khi các căn thuộc loại mẫn lợi thì lộ trình được gọi là “chóng hiểu”.
Lộ trình được gọi là “chậm hiểu” khi sự thông đạt hoặc tuệ ở lộ trình này có tính chất chậm chạp. “Thông đạt” là từ tương đương với tuệ và “chậm chạp” là từ tương đương với “muội độn”. Lộ trình được gọi là “chóng hiểu” khi sự thông đạt ở lộ trình này có tính chất nhanh chóng, có nghĩa là khi tuệ trở nên rất mẫn lợi đối với lộ trình này.
Hoặc có thể giải thích: sự thông đạt của một người có đầu óc muội độn thì chậm chạm… Sự thông đạt của một người có đầu óc sắc bén thì nhanh nhẹn.
Đạo còn được gọi là Bồ-đề phần pháp (giác phần).
(Hỏi) Có bao nhiêu giác phần như vậy?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Giác phần tam thập thất
Vị tứ niệm trụ đẳng
Giác vị tận vô sinh
Thuận thử cố danh phần.

Dịch nghĩa:
Giác phần ba mươi bảy
Gọi là bốn niệm trụ
Giác trí tận Vô sinh trí
Thuận đây nên gọi phần.

[Giác chia làm ba mươi bảy loại là bốn niệm trụ v.v… Giác là Tận trí, Vô sinh trí. Thuận với các trí này nên gọi là phần].
Luận: Có ba mươi bảy giác phần là bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Thánh đạo.
Tận trí và Vô sinh trí chính là giác. Do sự khác biệt giữa các Thánh giả đạt được giác ngộ nên giác được chia làm ba loại: Thanh văn giác, Bích chi giác (Độc giác Bồ-đề), Chánh đẳng giác Vô thượng. Thật vậy, nhờ hai loại trí này mà vô minh được tận trừ, nhờ Tận trí mà thật sự biết được như thực rằng sự vụ này đã được hoàn tất, nhờ Vô sinh trí mà biết được sự vụ này sẽ không còn phải hoàn tất lần nữa.
Vì thuận hợp với giác nên ba mươi bảy pháp này được gọi là giác phần, tức là các pháp phụ trợ cho giác.
(Hỏi) Thể tánh của ba mươi bảy giác phần này có khác nhau không?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Thử thực sự duy thập
Vị tuệ cần, định, tín
Niệm hỷ xả khinh an
Cập giới tầm vi thể.

Dịch nghĩa:
Giác thực sự có mười
Là tuệ, cần, định, tín
Niệm, hỷ, xả, khinh an
Và giới, tầm làm thể.

[Các giác phần này xét về sự chỉ có mười loại là tuệ, cần, định, tín, niệm, hỷ, xả, khinh an, giới và tầm].
Luận: Nếu xét về danh tức có ba mươi bảy giác phần, nhưng nếu xét về sự thì chỉ có mười giác phần là tín, cần, niệm, tuệ, định, xả, hỷ, khinh an, giới và tầm.
Thể tánh của các niệm trụ, chánh đoạn, thần túc chính là tuệ, cần và định.
i. Như vậy trước tiên chúng ta có năm sự là tín, cần, niệm, định và tuệ. Năm sự này theo tên gọi riêng của chúng tạo thành năm căn và năm lực.
Trong số năm sự này, tuệ tạo thành: (a) Bốn niệm trụ, (b) Một trong các giác chi là trạch pháp giác chi, (c) Một trong các đạo chi là chánh kiến.
Cần tạo thành: (a) Bốn chánh đoạn, (b) Một trong các giác chi là tinh tấn giác chi, (c) Một trong các đạo chi là chánh tinh tấn.
Định tạo thành: (a) Bốn thần túc, (b) Một trong các giác chi là định giác chi, (c) Một trong các đạo chi là chánh định.
Niệm tạo thành: (a) Một trong các giác chi là niệm giác chi (b) Một trong các đạo chi là chánh niệm.
ii. Ngoài năm sự đầu tiên nói trên còn có các sự nào nữa? Trong số các giác chi là hỷ giác chi, khinh an giác chi, xả giác chi, trong số các đạo chi là chánh tư duy và ba giới chi là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng – các giới chi này được tính chung thành một sự, tức là giới.
Như vậy các giác phần có tất cả mười sự.
Theo Tỳ-bà-sa, có tất cả mười một sự chánh ngữ và chánh nghiệp tạo thành một sự, chánh mạng được kể riêng làm một sự. Như vậy cộng thêm vào chín sự ở trước là hai sự thuộc về giới.
(Hỏi) Tại sao nói thể của các niệm trụ, chánh đoạn, thần túc là tuệ, cần và định?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Tứ niệm trụ chánh đoạn
Thần túc tùy tăng thượng
Thuyết vi tuệ cần định
Thực chư gia hạnh thiện.

Dịch nghĩa:
Bốn niệm trụ chánh đoạn
Thần túc nương tăng thượng
Nói là tuệ, cần, định
Thực các thiện gia hạnh.

[Bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc dựa vào tính chất tăng thượng để nói là tuệ, cần và định. Chúng cũng là các phẩm tánh sinh từ gia hạnh].
Luận: Sở dĩ nói như vậy là đã căn cứ vào yếu tố chính của các niệm trụ v.v…, tuy nhiên tất cả các giác phần này cũng là một tập hợp chung của các phẩm tánh, vô lậu hoặc hữu lậu, sinh khởi từ gia hành, tức văn, tư và tu.
(Hỏi) Tại sao cần lại có tên là chánh đoạn?
(Đáp) Vì nhờ có cần nên thân, ngữ và ý mới được thể hiện một cách đúng đắn.
(Hỏi) Tại sao định lại có tên là thần túc?
(Đáp) Vì định là nền tảng của thần, có nghĩa là “kết quả” của tất cả các phẩm tánh hoặc các điều tốt đẹp về tinh thần.
Nhưng có luận sư cho “thần” chính là định và bốn pháp dục, tâm, cần, quán là “chân” của loại “thần” này: nếu thế lẽ ra phải nói là giác phần có đến mười ba sự, vì phải cộng thêm dục và tâm. Hơn nữa, nếu cho “thần” là định tức đã đi ngược lại khế kinh. Kinh nói: “Thần là gì? Là hành giả đã thực hiện được các loại năng lực thần diệu khác nhau: là một nhưng hành giả lại trở thành nhiều” v.v…
(Hỏi) Tại sao tín, cần v.v… lại có tên là căn và lực?
(Đáp) Vì tùy theo các giác phần có tính chất yếu kém hay mạnh mẽ, vì có thể giết hại hoặc chế phục các căn nhưng đối với các thế lực thì không thể làm như vậy.
(Hỏi) Thứ tự của các căn được giải thích như thế nào?
(Đáp) Để được quả mà người ta đã tin tưởng tất nhiên phải có sự nỗ lực. Khi đã nỗ lực tức có niệm trụ. Khi có niệm trụ tức phải chú tâm để tránh bị tán loạn. Khi tâm đã định thì sẽ sinh khởi cái biết phù hợp với cảnh.
(Hỏi) Các giác phần khác nhau được định đoạt và trở thành các yếu tố quan trọng ở các giai đoạn nào?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Sơ nghiệp thuận quyết trạch
Cập tu kiến đạo vị
Niệm trụ đẳng thất phẩm
Ưng tri thứ đệ tăng.

Dịch nghĩa:
Sơ nghiệp, thuận quyết trạch
Tu đạo và kiến đạo
Làm bảy phẩm niệm, trụ v.v…
Nên biết thứ tự tăng.

[Trong các giai đoạn sơ nghiệp, thuận quyết trạch, tu đạo và kiến đạo, bảy phẩm niệm trụ v.v… tăng theo thứ tự này].
Luận: Ở giai đoạn khởi đầu là các niệm trụ vì đây là giai đoạn khảo sát thân v.v….
Ở giai đoạn của Noãn là các chánh đoạn vì đây là giai đoạn gia tăng các nỗ lực, sự gia tăng này chính là nguyên tắc của sự tiến triển.
Ở giai đoạn của Đảnh là các thần túc vì nhờ các thần túc này mà giữ được các thiện căn không bị thoái thất.
Ở giai đoạn của nhẫn là các căn vì tín, cần v.v… ở giai đoạn này đã có được tính chất tăng thượng khiến cho hành giả không còn bị thoái đọa.
Ở giai đoạn của Thế đệ nhất pháp là các lực vì tín, cần v.v… ở giai đoạn này không còn bị áp chế do các phiền não – các phiền não này không thể hiện hành – hoặc do các pháp thế gian khác.
Ở giai đoạn của tu đạo là các giác chi vì loại đạo này tiếp cận với giác chi (cận Bồ-đề), tức là hai loại Tận trí và vô sinh trí mà tu đạo đã ngăn cách chúng với kiến đạo.
Ở giai đoạn của kiến đạo là các đạo chi vì loại đạo này mang tính chất vận hành, và vì nó vận hành rất nhanh chóng.
Kiến đạo vốn đi trước tu đạo, tại sao ở đây không theo thứ tự này? Kinh đề cập đến các giác chi trước và sau đó mới đến các đạo chi vì để có được một thứ tự tương ứng với số lượng các chi: Trước tiên là bảy chi, và sau đó là tám chi. Trạch pháp vừa là giác vừa là giác chi, chánh kiến vừa là đạo vừa là đạo chi.
Trên đây là chủ trương của Tỳ-bà-sa.
Các luận sư khác đã chứng minh thứ tự của các giác phần mà không làm xáo trộn tiến trình đã được quy định bằng cách đưa kiến đạo ra trước rồi sau đó mới đến tu đạo:

  1. Thứ nhất là các niệm trụ cốt để chế phục các tâm vốn bị phân tán một cách tự nhiên do đủ các loại cảnh khác nhau. Bốn niệm trụ trói buộc tâm lại vì như kinh đã nói: “…Cốt để loại trừ các niệm tham dục lấy đi làm chỗ dựa”.
  2. Thứ hai là cần: cần tăng trưởng nhờ có lực của các niệm trụ, nhờ sự kiểm soát và điều khiển được tâm để hoàn thành bốn sự vụ là đoạn trừ các ác pháp đã sinh, không cho phát khởi các ác pháp chưa sinh v.v… Đây chính là bốn loại “nỗ lực chân chính” (chánh đoạn).
  3. Kế đến nhờ có sự thanh lọc của định nên các thần túc mới sinh khởi và được chứng đắc.
  4. Nhờ nương vào định mà tín, cần v.v… trở thành các duyên tăng thượng cho các pháp xuất thế, chúng dẫn khởi các pháp này và đây chính là các căn.
  5. Cũng cùng các loại tín, cần v.v… nói trên khi chúng chế ngự được sự bộc phát của các pháp đi kèm theo chúng, đây chính là các lực.
  6. Ở kiến đạo là các giác chi vì đây là lần đầu tiên hành giả hiểu được thể tánh chân thật của các pháp. Giác có nghĩa là tịnh tuệ.
  7. Ở kiến đạo và tu đạo cũng là các giác chi. Kinh nói: “Tám chi Thánh đạo đạt đến sự viên mãn như vậy là nhờ tu tập, bốn niệm trụ đạt đến sự viên mãn nhờ vào tu tập…, bảy giác chi đạt được viên mãn nhờ vào tu tập”.

Kinh còn nói: “Này các Bí-sô, khi nói „hãy nói lời chân thật‟ tức nhằm chỉ cho bốn đế, này các Bí-sô, khi nói „hãy tiến bước trên con đường đã thông hiểu‟ tức nhằm chỉ cho tám chi Thánh đạo.”
Như vậy, cả kiến đạo và tu đạo đều có tám chi Thánh đạo, và điều này cho thấy thứ tự các giác chi nằm trước các đạo chi là thứ tự đúng.
(Hỏi) Trong số “các pháp phụ trợ cho Bồ-đề” (Bồ-đề phần pháp), có bao nhiêu pháp thuộc hữu lậu và bao nhiêu pháp thuộc vô lậu?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Thất giác bát đạo chi
Nhất hướng thị vô lậu
Tam tứ ngũ căn lực
Giai thông ư nhị chủng.

Dịch nghĩa:
Bảy giác và tám đạo
Ðều nhất hướng về vô lậu
Ba, bốn, năm căn lực
Ðều thông cả hai loại.

[Bảy giác chi, tám đạo chi đều là vô lậu. Ba, bốn, năm căn lực đều có cả hai loại].
Luận: Các giác chi và đạo chi đều thuộc tánh vô lậu vì chúng đều nằm ở kiến đạo và tu đạo. Chắc chắn cũng có các loại chánh kiến v.v… mang tính chất thế tục tuy nhiên chúng không được gọi là đạo chi.
Các Bồ-đề phần khác có thể hữu lậu hoặc vô lậu.
(Hỏi) Có bao nhiêu Bồ-đề phần pháp ở các địa khác nhau?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Sơ tĩnh lự nhất thiết
Vị chí trừ hỉ căn
Nhị tĩnh lự trừ tầm
Tam tứ trung trừ nhị
Tiền tam Vô sắc địa
Trừ giới tiền nhị chủng
Ư Dục giới Hữu đỉnh
Trừ giác cập đạo chi.

Dịch nghĩa:
Sơ tĩnh có tất cả
Vị chí trừ căn hỷ
Nhị tĩnh lự trừ tầm
Tam, tứ trung trừ hai
Ba địa ở Vô sắc
Trừ giới hai loại trước
Ở cõi Dục, Hữu Ðảnh
Trừ giác chi, đạo chi.

[Ở sơ tĩnh lự đều có tất cả. Ở vị chí, trừ hỷ căn. Ở đệ nhị tĩnh lự trừ tầm. Ở đệ tam, đệ tứ, trung gian trừ cả hai. Ở ba địa Vô sắc giới đầu tiên trừ các giới chi và hai loại ở trên. Ở Dục giới, Hữu đảnh trừ giác chi và đạo chi].
Luận: Ở tầng thiền thứ nhất có đủ tất cả ba mươi bảy pháp.
Ở vị chí loại trừ hỷ.
(Hỏi) Tại sao không có giác chi hỷ ở vị chí?
(Đáp) Vì tĩnh lự cận phần chỉ được chứng đắc nhờ vào lực và hành giả vẫn còn lo sợ bị thoái đọa trở lại địa dưới.
Ở tầng thiền thứ hai không có đạo chi chánh tư duy mà chỉ còn ba mươi sáu giác phần. Không có chánh tư duy vì ở đây không có tầm.
Ở tầng thiền thứ ba và thứ tư không có hỷ và chánh tư duy mà chỉ còn ba mươi lăm giác phần.
Ở tĩnh lự trung gian cũng chỉ có ba mươi lăm giác phần, tức cũng loại trừ hỷ và chánh tư duy.
Ở ba định Vô sắc đầu tiên không có ba giới chi là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng và cũng không có hỷ và chánh tư duy, như vậy ở mỗi định chỉ có ba mươi hai giác phần.
Ở Dục giới và Hữu đảnh không có các giác chi và đạo chi vì hai nơi này không có đạo vô lậu. Như vậy mỗi địa chỉ còn hai mươi hai giác phần.
(Hỏi) Hành giả tu tập các giác phần sẽ được sự chứng tịnh – tức bốn loại tín và thanh tịnh đi kèm theo tuệ – vào lúc nào?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Chứng tịnh hữu tứ chủng
Vị Phật, Pháp, Tăng, Giới
Kiến tam đắc Pháp, Giới
Kiến đạo kiêm Phật Tăng
Pháp vị tam đế toàn
Bồ tát, Ðôc giác đạo
Tín giới nhị vi thể.
Tứ giai duy vô lậu.

Dịch nghĩa:
Chủng tịnh có bốn loại
Là Phật, Pháp, Tăng, Giới
Kiến ba đế được Pháp, Giới
Kiến đạo gồm Phật, Tăng
Pháp: toàn bộ ba đế
Ðạo Bồ-tát, Ðộc-giác
Tín và giới làm thể
Bốn loại đều vô lậu.

[Chứng tịnh có bốn loại là Phật, Pháp, Tăng và giới. Kiến ba đế đắc chứng tịnh đối với pháp và giới. Kiến đạo đắc thêm chứng tịnh đối với Phật, và Tăng. Pháp là toàn bộ ba đế và đạo của Bồ-tát và Độc giác. Tín và giới làm thể. Bốn loại đều vô lậu].
Luận: Khi quán chiếu ba đế đầu tiên tức được loại chứng tịnh liên quan đến pháp, và các giới luật thanh tịnh, đáng quý đối với Thánh giả.
Khi quán chiếu đạo đế tức được loại chứng tịnh liên quan đến Phật và Tăng. Chữ “thêm” ở trên hàm ý hành giả cũng được sự chứng tịnh đối với pháp và các giới.
Sự thanh tịnh liên quan đến Phật cũng chính là sự thanh tịnh liên quan đến các pháp của bậc Vô học, tức các pháp tạo thành một vị Phật. Cũng như vậy, khi nói Tăng là nhằm chỉ cho các pháp của bậc Hữu học và Vô học, tức các pháp lập thành chúng Tăng.
(Hỏi) Trong nhóm từ “sự chứng tịnh liên quan đến pháp” thì chữ pháp phải được hiểu như thế nào?
(Đáp) Pháp chính là ba đế và đạo của Độc giác cũng như Bồ-tát. Vì thế khi quán sát bốn đế thì sẽ được chứng tịnh liên quan đến pháp.
Như vậy nếu xét về danh sẽ có bốn loại “tịnh” khác nhau do tính chất đa dạng của các cảnh nơi đối tượng duyên của “tịnh”.
Nếu xét về sự, cả bốn loại tịnh nói trên chỉ là hai sự, tức tín và giới.
Loại chứng tịnh liên quan đến Phật, Pháp và Tăng có thể tánh là tín. Các giới đáng quý của Thánh giả có thể tánh là giới. Vì thế chỉ có hai sự.
(Hỏi) Hai sự này là vô lậu hay hữu lậu ?
(Đáp) Cả bốn loại chứng tịnh đều thuộc vô lậu.
(Hỏi) Chứng tịnh có nghĩa là gì?
(Đáp) Đó là tín đi liền theo sau sự quán sát đúng đắn các đế.
Các loại chứng tịnh được sắp xếp theo thứ tự hiện khởi của chúng khi xuất quán.
(Hỏi) Làm thế nào để cho chúng có thể hiện khởi khi xuất quán?
(Đáp) Bằng cách nói: “Ồ! Đức Thế Tôn là bậc giác ngộ hoàn toàn! Chánh pháp Tỳ-nại-da được thuyết giảng thật rõ rãng ! Thánh chúng hành trì thật đúng đắn!”. Khi nói như vậy tức đã làm cho các loại chứng tịnh hiện khởi vì Phật, Pháp, Tăng chính là người thầy thuốc, là thuốc chữa bệnh, là người trông bệnh.
Vì sự thanh tịnh của giới xuất phát từ sự thanh tịnh của tâm nên loại tịnh này được gọi là loại thứ tư, tức loại cuối cùng: chính khi tâm có sự tin tưởng như thế thì hành giả mới được các giới luật đáng quý của hàng Thánh giả. Hoặc sự thanh tịnh của giới được nói đến cuối cùng vì Phật, Pháp, Tăng nếu đã được xem như là người thầy thuốc, thuốc men và người nuôi bệnh thì sự thanh tịnh của giới phải được xem như là sức khỏe. Hoặc Phật là người dẫn đường, Pháp là đường đi, Tăng là khách thương, và giới của Thánh giả là chiếc xe.
Kinh có nói bậc Hữu học thành tựu tám chi tức là tám chi của Thánh đạo thuộc hàng Hữu học, và bậc Vô học thành tựu mười chi, tức tám chi của Thánh đạo thuộc hàng Vô học cộng thêm hai chi chánh giải thoát vô học tức sự giải thoát viên mãn của A-la-hán và chánh trí Vô học tức trí tuệ về sự hoạch đắc giải thoát này.
(Hỏi) Tại sao kinh không nói đến chánh giải thoát và chánh trí đối với hàng Hữu học?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Học hữu dư phược cố
Vô chánh thoát trí chi
Giải thoát vị vô vi
Vị thắng giải hoặc diệt
Hữu vi Vô học chi
Tức nhị giải thoát uẩn
Chánh trí như giác thuyết
Vị tận vô sanh trí.

Dịch nghĩa:
Hữu học có trói buộc
Không chánh trí giải thoát
Giải thoát hữu vô vi
Gọi thắng giải, trạch diệt
Hữu vi, Vô học chi
Tức hai giải thoát uẩn
Chánh trí như nói giác
Tận và Vô sinh trí.

[Vì Hữu học vẫn còn trói buộc nên không có các chi chánh giải thoát, chánh trí. Giải thoát hữu vi và vô vi là thắng giải và trạch diệt. Giải thoát hữu vi và Vô học chi gồm hai loại, là giải thoát uẩn. Chánh trí giống như phần nói về giác. Tức Tận trí và vô sinh trí].
Luận: Hàng Hữu học còn bị trói buộc vì vẫn còn các trói buộc của phiền não. Như vậy làm sao có thể xem bậc Hữu học là đã giải thoát được? Một người chỉ mới xả bỏ một phần trói buộc thì không thể gọi là đã giải thoát. Khi sự giải thoát chưa có ở người này thì vẫn không thể thành tựu cái trí về sự đạt được giải thoát.
Trái lại, hàng Vô học đã hoàn toàn giải thoát tất cả các trói buộc: vì thế họ có đủ các tính chất, các biểu hiện của sự giải thoát các phiền não cũng như cái biết tức thời về sự giải thoát này. Vì thế chỉ có hàng Vô học mới có đủ hai chi chánh giải thoát và giải thoát trí.
(Hỏi) Giải thoát nghĩa là gì?
(Đáp) Giải thoát vừa là hữu vi vừa là vô vi. Sự đoạn trừ các phiền não là giải thoát vô vi, thắng giải của hàng Vô học là giải thoát hữu vi. Chính sự giải thoát hữu vi mới được gọi là Vô học chi, vì các chi chánh kiến v.v… đều là hữu vi.
Kinh chia giải thoát hữu vi ra làm hai loại là tâm giải thoát và tuệ giải thoát [Thoát khỏi tham là tâm giải thoát, thoát khỏi vô minh là tuệ giải thoát]: Giải thoát hữu vi cũng tạo thành cái được gọi là giải thoát uẩn.
Tuy nhiên có thuyết cho nếu giải thoát uẩn chỉ là thắng giải thì làm thế nào để giải thích kinh? Kinh nói: “Này, Yếu tố then chốt của sự thanh tịnh giải thoát là gì? Đó là tâm của một Bí-sô đã lìa bỏ, đã thoát khỏi tham, tâm của Bí-sô này đã lìa bỏ, đã thoát khỏi sân và si. Từ đó, hoặc vì sự viên mãn của giải thoát uẩn chưa được đầy đủ, hoặc vì trì giữ giải thoát uẩn vốn đã viên mãn mà có sự quyết tâm (dục), sự tinh tấn (cần)… Đó chính là yếu tố then chốt nhất”.
Đoạn kinh trên cho thấy thắng giải không tạo thành giải thoát. Sự giải thoát này phải là sự thanh tịnh của tâm xuất phát từ sự đoạn trừ các phiền não tham v.v… tức các phiền não được loại trừ một loại trí đúng đắn (chân trí).
Trên đây đã giải thích xong chánh giải thoát.
(Hỏi) Chánh trí khác với chánh giải thoát như thế nào?
(Đáp) Sự giác ngộ (giác), bao gồm Tận trí và Vô sinh trí như đã nói ở trên, chính là chánh trí, tức chi thứ mười của hàng Vô học.
(Hỏi) Loại tâm nào – quá khứ vị lai hay hiện tại – được giải thoát?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Vô học tâm sinh thời
Chánh tòng chướng giải thoát.

Dịch nghĩa:
Tâm Vô học khi sinh
Chính giải thoát chướng ngại.

[Tâm Vô học khi sinh được giải thoát khỏi chướng ngại].
Luận: Bản luận nói: “Tâm vị lai của bậc Vô học được giải thoát khỏi chướng ngại”.
(Hỏi) Chướng ngại này là gì?
(Đáp) Đó là sự đạt được các phiền não (thuộc nhóm thứ chín của Hữu đảnh). Sự hoạch đắc này tạo thành một chướng ngại cho sự sinh khởi của tâm vô học. Vào sát-na của định Kim cang dụ, sự hoạch đắc này được đoạn trừ, và tâm vô học sinh khởi và được giải thoát. Khi sự hoạch đắc này được đoạn trừ xong thì tâm Vô học đã sinh và đã được giải thoát.
(Hỏi) Đối với tâm Vô học chưa sinh vào sát-na của định Kim cang dụ hoặc đối với tâm thế tục đã khởi ở hàng Vô học thì như thế nào?
(Đáp) Hai loại tâm này cũng được giải thoát, tuy nhiên loại tâm giải thoát mà Bản luận nói đến chính là tâm Vô học sẽ sinh ở vị lai.
(Hỏi) Tâm thế tục của bậc Vô học được giải thoát từ cái gì?
(Đáp) Cũng được giải thoát từ sự hoạch đắc các phiền não vốn làm chướng ngại sự sinh khởi của tâm này.
(Hỏi) Loại tâm thế tục này không khởi ở hàng Hữu học, tại sao không nói tâm này cũng được giải thoát?
(Đáp) Tâm thế tục của hàng Hữu học không giống như tâm thế tục của hàng Vô học vì ở hàng Vô học không có kèm theo sự hoạch đắc phiền não.
(Hỏi) Chướng ngại cho sự sinh khởi tâm Vô học được đoạn trừ ở loại đạo nào – quá khứ, vị lai hay hiện tại?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Ðạo duy chánh diệt vị
Năng linh bỉ chướng đoạn.

Dịch nghĩa:
Ðạo lúc ở đang diệt
Mới đoạn chướng ngại này.

[Đạo lúc ở giai đoạn đang diệt mới có thể đoạn trừ chướng ngại này].
Luận: Nói “đang diệt” là có ý chỉ cho hiện tại.
Bản luận và cuốn luận này có nói về loại giải thoát vô vi. Mặt khác, kinh và Bản luận cũng nói về ba giới là Đoạn giới, Ly giới, và Diệt giới.
(Hỏi) Giải thoát vô vi quan hệ với ba giới này như thế nào?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Vô vi thuyết tam giới
Li giới duy li tham
Ðoạn giới đoạn dư kết
Diệt giới diệt bỉ sự.

Dịch nghĩa:
Ba giới thoát vô vi
Lìa giới chỉ lìa tham
Ðoạn giới diệt kết khác
Diệt giới đoạn sự kia.

(Giải thoát vô vi là ba giới: Ly giới chính là lìa bỏ tham. Ðoạn giới là đoạn trừ các kết sử khác. Diệt giới là diệt trừ sự).
Luận: Giải thoát vô vi là ba giới. Sự đoạn trừ tham chính là Ly giới. Sự đoạn trừ các phiền não còn lại là Đoạn giới. Sự đoạn trừ các sự như sắc hữu lậu v.v… tức không phải sự đoạn trừ phiền não, chính là Diệt giới.
(Hỏi) Hành giả có được sự chán ghét nhờ vào chính các pháp mà hành giả đã nương vào đó để được sự lìa bỏ không?
Tụng đáp: (Âm Hán)
Yếm duyên khổ tập tuệ
Li duyên tứ năng đoạn
Tương đối hỗ quảng hiệp
Cố ưng thành tứ cú.

Dịch nghĩa:
Xa tuệ duyên khổ tập
Lìa duyên đế đoạn phiền
Tương đối có khác nhau.
Nên lập thành “tứ cú”.

[Có chán lìa khi tuệ duyên khổ tập. Có lìa bỏ khi tuệ duyên bốn đế và đoạn được phiền não. Hỗ tương đối đãi có rộng hẹp khác nhau nên lập thành tứ cú].
Luận: Chỉ nhờ vào các loại nhẫn và các loại trí về khổ đế và tập đế thì hành giả mới đạt được sự chán ghét, chứ không phải các loại nhẫn và trí khác.
Các nhẫn (tức kiến đạo) và các trí (tức tu đạo) về khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế mà hành giả đã dựa vào đó để đoạn trừ phiền não cũng chính là các nhẫn và trí mà hành giả nương theo để được sự lìa bỏ.
Như vậy có tất cả bốn trường hợp:

  1. Hữu yếm phi ly: Với các nhẫn và trí về khổ và tập, nếu hành giả không đoạn trừ phiền não thì chỉ đạt được sự chán ghét vì các nhẫn và trí này chỉ có các duyên chán ghét làm cảnh.
  2. Hữu ly phi yếm: Với các nhẫn và trí về diệt và đạo, hành giả đoạn trừ được các phiền não vì thế chỉ được sự lìa bỏ: các nhân và trí này chỉ có các duyên vui thích làm cảnh.
  3. Hữu yếm hữu ly: Với các nhẫn và trí về khổ và tập mà hành giả đoạn trừ được các phiền não thì được cả sự lìa bỏ lẫn sự chán ghét.
  4. Phi yếm phi ly: Với các nhẫn và trí về diệt và đạo, nếu hành giả không đoạn trừ được phiền não thì đều không đắc lìa bỏ cũng như chán ghét.

Trong trường hợp thứ nhất và thứ tư, một hành giả đã lìa dục khi nhập vào kiến đạo sẽ không đoạn trừ các phiền não nhờ vào pháp trí nhẫn và pháp trí. Hành giả cũng không đoạn trừ phiền não nhờ vào các trí vốn là một phần của các đạo gia hạnh, giải thoát và thắng tiến. ■