Đây là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng tôi viết cho Thầy sau hơn 30 năm quen biết tại Âu Châu. Đặc biệt là sau ngày Thầy ra đi vĩnh viễn vào ngày 22 tháng 12 năm 2019 vừa qua tại Bình Định Việt Nam, đã làm cho nhiều người suy nghĩ: Rồi ra mình cũng phải như thế. Bởi lẽ ai ngờ được rằng Thầy đã ra đi ở tuổi 72, với 52 năm thọ giới Tỳ Kheo và 62 năm ở trong cửa Đạo. Nghe tin Thầy ra đi, tôi và nhiều người cứ ngỡ rằng không thật, vì mới hôm tháng 6 năm 2019 vừa qua, Thầy còn ghé thăm Viên Giác tại Hannover để dự lễ khánh thọ 70 tuổi của tôi. Thế mà ai đâu có ai ngờ rằng, giờ nầy phải nói và viết lời cuối với Thầy đây.
Tôi chỉ muốn nhắc lại một số kỷ niệm với Thầy, có thể hay mà cũng có thể là những chuyện không hay đan xen với những việc gàn dở của Thầy để người đời sau biết thêm rằng: Âu Châu vào cuối thập niên 90 đến đầu thế kỷ thứ 21 nầy có một vị Hòa Thượng như vậy. Nhớ hôm tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Trí Quang, Hòa Thượng Thích Như Ý và Thầy vào ngày 5 tháng 1 năm 2020 tại chùa Khánh Anh Évry, Pháp Quốc nhân khóa An Cư Kiết Đông của Giáo Hội Âu Châu, phần Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt thì nói về cố Hòa Thượng Thích Trí Quang; còn tôi thì nhắc lại những kỷ niệm với Thầy. Bởi lẽ Thầy chỉ hơn tôi một tuổi và cùng được Giáo Hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa Thượng tại chùa Viên Giác nhân Đại Giới Đàn Pháp Chuyên vào năm 2008, nên những ngôn từ tôi dùng với Thầy thường là chỗ gần gũi, quen biết hơn là khách sáo qua việc tôn xưng phẩm vị ở trong Đạo. Tôi phát biểu rằng: “Nghe tin Thầy bị rất nhiều bịnh, trong đó có bệnh tim, bệnh phổi, bệnh gan, nhưng không bằng bệnh gàn của Thầy”. Trong tất cả những vị Thầy mà tôi quen biết xưa nay có lẽ không ai gàn bằng Thầy. Có lẽ đó là bản tính của Thầy đã huân tập nhiều đời chăng? Nên rất khó bỏ, Thầy nói thật, nhưng nhiều khi lời nói không thực hiện được. Do vậy nhiều người mến Thầy thì có, nhưng kính trọng Thầy lại rất ít. Ví dụ Thầy nói rằng 2 giờ chiều sẽ cùng đi đâu đó, nhưng mới một giờ Thầy đã lấy xe chạy đi mất rồi. Mọi người ra xe tìm Thầy thì không còn thấy Thầy đâu nữa cả… Dĩ nhiên là còn rất nhiều việc nữa, nhưng tôi chỉ đan cử một vài việc như vậy thôi, mà những việc nầy chắc ai cũng đã biết rồi nên tôi không lặp lại nữa.
Vào cuối năm 1989, 1990 Thầy được chính phủ Đan Mạch chính thức bảo trợ qua từ Thái Lan với tư cách là thuyền nhân đi tỵ nạn Cộng sản Việt Nam. Với tư cách nầy, Thầy có đủ mọi quyền lợi của một người nhập cư vào đất nước Bắc Âu nầy. Thuở ấy Bác Quang làm Hội Trưởng Hội Phật Giáo Đan Mạch tại địa phương Aarhus và khi Thầy đến, với lòng nhiệt huyết của một Tăng sĩ trung niên, Thầy muốn gây dựng cơ sở liền nên đã cùng với Hội mua một mảnh đất để xây chùa, nhưng không thành mặc dầu đã đặt đá và sau nầy dời về địa điểm chùa Quảng Hương trong hiện tại ở Aarhus. Thầy Trụ Trì chùa nầy một thời gian, ít nhất cũng 4 hay 5 năm và trong thời gian đó Thầy đã đi khắp nơi tại Đan Mạch để vận động lập những chùa khác như: Liễu Quán, Quang Minh, Giác Hải v.v… nhưng thời gian Thầy ở Liễu Quán tại Copenhagen nhiều hơn là Quảng Hương tại Aarhus. Bởi lẽ Thầy nghĩ rằng: Copenhagen dẫu sao đi nữa thì cũng là thủ đô của Đan Mạch, dễ dàng liên hệ với chính khách Đan Mạch hơn mỗi khi Giáo Hội có nhu cầu nhờ chính phủ Đan Mạch can thiệp về vấn đề nhân quyền và tự do Tôn Giáo ở Việt Nam. Nhưng ngôi chùa nầy thì quá đặc biệt. Vì lẽ chùa quá cũ, mà Ban Trị Sự của chùa lại càng bảo thủ nhiều hơn nữa, nên Thầy cũng chẳng trụ lại đây được bao lâu. Thế là treo bản bán chùa, nhưng đâu có ai mua vì trước chùa có một ngôi mộ án ngữ, ai thấy cũng ngại; cuối cùng thì Ban Trị Sự mới đã bán được chùa cũ, và qua sự cố vấn của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hội tại đây đã mua được cơ sở mới để làm chùa Liễu Quán, vốn là một nhà thờ cũ và nay Thượng Tọa Thích Pháp Trú đang Trụ Trì tại đó.
Bây giờ thì Thầy ở Liễu Quán cũng không xong, mà Quảng Hương cũng không ổn. Giáo Hội cử tôi qua Đan Mạch để giải quyết vấn đề. Lúc ấy tôi đề nghị Thầy rằng: Thôi Thầy nên về chùa Viên Giác bên Hannover Đức Quốc để ở và làm Giáo Thọ cho Tăng Ni sinh chúng của chùa. Thầy đồng ý. Thế là khăn gói ra đi và Giáo Hội đã công cử chính thức Thượng Tọa Thích Giác Thanh từ Na Uy qua Đan Mạch đảm nhận vai trò Trụ Trì chùa Quảng Hương, thay thế Hòa Thượng Thích Quảng Bình từ đó đến nay. Thầy đi khỏi Đan Mạch chắc cũng có nhiều người thấy tội nghiệp, vì lẽ Thầy đã khai sơn ở đây hai, ba chùa mà cuối cùng rồi Thầy cũng đã chẳng trụ lại được một chùa nào cả; nhưng với Thầy, tất cả đều hoan hỷ, thỉnh thoảng chỉ trách khéo tôi là tại sao tôi xử ép Thầy như thế, rồi cười… Thế thôi. Dĩ nhiên là tôi làm việc cũng vì Giáo Hội và vì việc chung chứ không vì thiên vị ai cả, nên nhiều khi được bên nầy mà lại không được bên kia. Mong Thầy hoan hỷ cho.
Thầy ở Viên Giác được hai năm và trong thời gian nầy hầu như cuối tuần nào có Phật sự ở đâu tại Đức, tôi đều thỉnh Thầy cùng đi và cùng đến truyền giới Bát Quan Trai cho Phật Tử cũng như giảng pháp cho Phật Tử nghe. Thầy hoan hỷ để đi cùng, nhưng cứ hơn một tiếng đồng hồ là muốn dừng xe để ”niêm hương”, tôi cũng đã phải thông cảm cũng giống như thông cảm cho Thầy ngủ ngáy bằng nhiều điệu nhạc khác nhau trong đêm, khiến ai đó nằm gần sẽ không bao giờ chợp mắt được. Thầy đã dạy cho chúng lý Viên Giác về nghi lễ, đánh trống, tang, chuông, mõ theo lối tán Bình Định. Tuy giọng Thầy không hay, nhưng nhạc lý của Thầy rất vững vàng. Do vậy mà ngày nay có những tay trống số một như Thầy Hạnh Vân, Hạnh Hòa, Hạnh Giới… đều do Thầy dạy dỗ cả. Ân nầy chắc rằng chúng lý chùa Viên Giác sẽ không bao giờ quên Thầy. Hôm 30.6.2019 vừa qua, sau lễ tấn phong của Giáo Hội cho quý Thầy lên hàng Giáo phẩm Thượng Tọa như: Hạnh Vân, Hạnh An, Hạnh Hòa, Hạnh Sa cùng với những vị Thượng Tọa khác, Thầy đã hãnh diện nói với tôi rằng: Thầy Như Điển thấy chưa, những người tôi dạy năm nào, bây giờ đã lên hàng Thượng Tọa rồi đó. Đoạn Thầy cười và nheo mắt bỏ đi. Thầy đến không báo tin và đi cũng chẳng ai biết, nhưng bây giờ thì ai cũng sẽ biết chắc rằng: Thầy sẽ không còn đến hay đi như những gì đã không định trước nữa, mà chắc rằng Thầy đã có một chỗ nhất định nơi cõi giải thoát rồi, và nơi ấy Thầy đã chọn cho chính mình để không tự làm nhọc mình và làm khó những người khác nữa. Đó chính là: Khứ lai tự tại rồi chứ còn gì hơn nữa?
Sau khi ở Viên Giác 2 năm, Thầy lấy xe hơi chạy tiếp và dừng chân ở Frankfurt, trú tại chùa Phật Huệ chắc cũng chừng ngần ấy thời gian và tiếp đến là chùa Phổ Bảo ở München nơi Thượng Tọa Đồng Văn Trụ Trì. Nơi đây chắc Thầy vui hơn, vì Thầy được nói tiếng Bình Định hằng ngày, tán được cách tán Bình Định trong từng khóa lễ và nhất là Thầy Đồng Văn cũng chiều Thầy không ít, mặc dầu biết tánh khí của Thầy khác thường như vậy. Có thể nói rằng: Người nào mà chịu đựng được cách hành xử của Thầy thì đó cũng là phương pháp thực hành hạnh nhẫn nhục rất có giá trị. Thật ra giá trị của cuộc sống trên cuộc đời nầy không phải hơn thua nhau ở bằng cấp, địa vị hay sự quen biết nhiều hay ít. Mà chính là ở sự quan tâm, chia sẻ những gì mà mình đang có và những gì mà người khác đang cần. Ví dụ như người khác cần tiền, nếu mình có tiền thì mình cho; người nào cần danh, mình giúp danh cho họ; người nào cần chỗ đứng, thì mình giúp chỗ đứng cho họ… Đó cũng là một cách tu mà mỗi người trong chúng ta khi hành xử, không có ai giống ai cả.
Những năm tháng sau nầy Thầy hay đi Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu và cuối cùng thì Thầy chọn Việt Nam để lui tới, vì Mẹ già còn đó, Thầy muốn về báo hiếu Mẫu thân. Cho hay: Cây có cội, nước có nguồn là vậy. Quê hương, tình người, Đạo Pháp… ai mà chẳng nhớ mong, nhưng có điều mình xa quê lâu năm, mình hay vò võ nhớ về quê Mẹ, nhưng khi về đến rồi, nhiều khi quê Mẹ lại chẳng chấp nhận sự hiện hữu của mình thì sao? Đó là tâm trạng chung của nhiều người xa xứ. Ở xa thì nhớ, thì thương, nhưng khi đã đến và đã về rồi thì ôi thôi trăm cay ngàn đắng. Lúc ấy biết phải đi đâu đây nữa? Trong khi người trong nước lại muốn ra đi, ra đi càng sớm càng tốt. Còn người ở ngoại quốc lâu năm lại muốn trở về và khi đã trở về rồi thì chẳng biết ăn nói làm sao đây với ngay cả chính mình. Quả thật ở đời việc xử thế và xử sự chính mình nó chẳng phải đơn giản chút nào cả.
Tôi biết rằng tông môn của Thầy cũng thương Thầy lắm chứ, nhưng có lẽ ít ai chịu nổi được cái gàn của Thầy, nên Thầy không ở lại chùa nào được nơi quê nhà tại Bình Định, ngay cả chùa Vĩnh Lộc, nơi Thầy đã xuống tóc xuất gia. Thế mà cuối đời của Thầy cũng còn được nhiều dư báo nên bằng hữu tông môn và học trò tử đệ đã đến với Thầy trong những ngày lễ Tang tại chùa Vĩnh Lộc cũng như lễ Trà tỳ và lễ an vị Linh cốt của Thầy trong Bảo tháp tại chùa Vĩnh Lộc do Thầy Đồng Văn và chùa Phổ Bảo ở München hiến cúng. Khi nghe tin Thầy ra đi Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, hiện là Đệ nhất Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, đã bàn với những thành viên của Giáo Hội là nên đi cho Thầy một cổ kim quan để trọn tình Pháp lữ, vì dẫu sao đi chăng nữa thì Âu Châu cũng đã cưu mang Thầy trong hơn 30 năm, thì bây giờ cổ kim quan nầy sẽ gói trọn Thầy lại những ân tình bạn đạo của một thời cũng mang nhiều ý nghĩa lắm chứ? Thế rồi Thầy Đồng Văn về kịp vào chiều 21 tháng 12 năm 2019 để còn kịp nắm chặt lấy tay Thầy trước lúc Thầy ra đi và Thầy Hạnh Bảo cũng đã đến tiễn Thầy từ Bình Định vào đến tận Nha Trang. Tại Nha Trang thì đã có Thượng Tọa Thích Tâm Phương, TT Thích Giác Trí, TT Thích Quảng Viên, HT Thích Tâm Viên… đến đón Thầy để làm lễ trà tỳ. Đồng thời Thầy Quảng Hòa cũng như nhiều người quen biết đã đến và đi những vòng hoa phúng điếu để nói lên một chút thâm tình với Thầy khi còn sống, cũng như khi đã lìa xa vĩnh viễn cõi thế gian tạm bợ nầy. Giáo Hội Âu Châu đã góp phần không nhỏ để lo tứ sự cúng dường cho Thầy cho đến 49 ngày, mà số tịnh tài lên đến 12.000 Euro. Điều ấy đã nói lên được ”nghĩa tử là nghĩa tận” như vậy đó.
Mộng ước của Thầy là làm sao Giáo Hội nên thành lập một Phật Học Viện để đào tạo Tăng tài cho Giáo Hội. Nếu không làm được việc nầy thì chúng ta sẽ không có người truyền thừa, nối nghiệp Tổ Tông. Ý tưởng của Thầy thì hay, nhưng giá chi Thầy trụ một chỗ thì đã có nhiều người theo học rồi. Đằng nầy đi và đến Khánh Anh nhiều lần, nhưng có lần nào Thầy ở lâu được chừng một tháng đâu? Do vậy Giáo Hội tuy tán đồng ý tưởng của Thầy, nhưng phần trợ duyên phải nói rằng chưa đáp ứng được. Bởi lẽ khi còn nhỏ, chính Thầy đã xuất thân từ các Phật Học Viện ở Bình Định, nên ưu tư nầy vẫn là ưu tư chính đáng, nhưng ở ngoại quốc nầy muốn thành lập một Phật Học Viện như vậy đâu phải là đơn giản. Việc tiền bạc có thể chạy được để nuôi Tăng Chúng thường trú, nhưng ai là người đến học đây và ai sẽ chịu trách nhiệm dạy dỗ thường xuyên cho chúng thường trú? Đa phần ở ngoại quốc ngày nay mỗi chùa chỉ có một Thầy, một trò. Nếu cho trò đi thì ai lo giữ chùa cũng như kinh kệ? Do vậy quý Thầy Bổn Sư thường cho Đệ Tử của mình học ở các trường Đại Học địa phương nơi đang cư ngụ về phân khoa Phật Học hay Tôn Giáo Học; hoặc giả cho sang Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc v.v… để tham cứu từ 3 đến 5 năm rồi trở lại chùa xưa với Sư Phụ của mình để tiếp tục phụng sự Đạo. Nói như vậy cũng không có nghĩa là Giáo Hội quên đi việc đào tạo Tăng tài, mà chỉ quan tâm cách đào tạo ấy tùy theo từng địa phương, từng hoàn cảnh, từng quốc độ khác nhau; chứ không nhất thiết phải tập trung về một nước để cư ngụ và học tập, trong khi đó thì vấn đề bảo hiểm sức khỏe, ăn ở, tiền thuê nhà cửa để ở v.v… phải tính như thế nào đây? Quả là những điều không đơn giản chút nào cả.
Hôm nay tôi viết bài nầy vẫn chưa đến tuần 49 ngày của Thầy, chắc rằng Thầy sẽ cảm nhận được rằng ông Thầy Như Điển sẽ nói hành Thầy gì đó, nhưng có một điều phải nói là tại Tổ Đường chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, mỗi ngày Tăng chúng vẫn đốt nhang, cúng trà nước cho Thầy cũng như thờ di ảnh Thầy cho đến 49 ngày để tưởng nhớ một bậc Thầy đã có công dạy dỗ giùm những Đệ tử của tôi trong mấy chục năm qua và nay đã có nhiều người lên Thượng Tọa. Điều ấy cũng có thể ghi nhận được qua hai câu thơ mà lâu nay nhiều chùa vẫn hay dùng đến là:
“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa Ân sư muôn kiếp khó đáp đền”
Mong Thầy giờ đây hãy an nhiên nơi cõi Tịnh. Bây giờ đúng sai, phải trái, tốt xấu v.v… xin Thầy hãy gửi lại nơi cõi trần. Bây giờ cũng không còn ai không mở cửa chùa cho Thầy vào nữa như một vài chùa tại Đan Mạch đã cư xử với Thầy một thời như thế. Thầy cứ đi xuyên qua thời gian và không gian, không cần chìa khóa chùa nữa để Thầy muốn đến nơi nào thì Thầy cứ đến và Thầy muốn đi nơi nào thì Thầy cứ đi. Khứ lai tự tại là như thế đó.
Hôm lễ Trà tỳ của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm vào tháng 8 năm 2013 tôi có nói với Thầy rằng: Giữa tôi và Thầy ai sẽ là người gặp Hòa Thượng Minh Tâm trước? thì Thầy bảo rằng: Hãy còn lâu mà! Thế nhưng chỉ 6 năm sau là Thầy đã theo dấu chân của Hòa Thượng Minh Tâm rồi đó. Còn Hòa Thượng Minh Tuyền đứng trước bàn thờ của Hòa Thượng Minh Tâm bảo rằng: Tại sao Thầy Minh Tâm ra đi mà chẳng về báo lại cho mình biết một việc gì cả như vậy? Câu hỏi ấy vẫn chưa được trả lời và cách đây hơn hai năm, vào năm 2017 thì Hòa Thượng Minh Tuyền cũng đã ra đi tại Nhật Bản để lại bao nhớ thương và mến tiếc của mọi người và rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ ra đi như Thầy và cũng sẽ có người khen chê, tưởng niệm và lúc đó chính là lúc ”cái quan luận sự” được rồi. Khi nắp quan tài đậy lại cũng chính là lúc mà mọi người có thể nói rõ về người đã mất, dẫu cho nhiều sự thật có đau lòng chăng đi nữa.
Bài nầy tôi viết để tưởng niệm Thầy lần đầu cũng là lần cuối, vì Thầy đâu còn nữa để gặp gỡ hay nói chuyện như xưa và chắc rằng những câu chuyện trong ba mươi năm hẳn cũng sẽ có chỗ sai, chỗ đúng. Mong rằng quý vị đọc bài nầy hãy hiểu ý quên lời. Mong Hòa Thượng được an vui nơi Tịnh cảnh.
Viết xong bài nầy vào lúc 12 giờ trưa ngày 15 tháng 1 năm 2020 nhằm ngày 21 tháng chạp năm Kỷ Hợi tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc.
Thích Như Điển