Giáo lý của Đức Phật rất cao siêu thâm thúy, nhưng người học có số hiểu giống nhau, có số hiểu khác nhau. Và thực hành thì mỗi người áp dụng càng khác nhau nữa, cố sao theo cái hiểu của mình để tâm an lạc.
Riêng tôi, tôi cũng hiểu và áp dụng theo cách riêng của tôi. Và trong đạo Phật, Lý Nhân Quả tôi đặt làm trọng tâm tin tưởng tuyệt đối xem như kim chỉ nam hướng dẫn tôi suốt cuộc đời.
Tôi không rõ lắm từ lúc nào, lý nhân quả đã thấm nhuần vào tâm trí tôi. Cũng có thể bắt nguồn từ khi tôi còn bé lúc tôi được mẹ và các chị đưa tôi vào sinh hoạt ngành Oanh vũ, ngành dành cho thiếu nhi từ 6 đến 12 tuổi của Gia Đình Phật Tử.
Lý nhân quả thấm đượm hồn tôi rất sâu sắc từ bé đến bây giờ.
Trải qua nhiều nỗi thăng trầm trong cuộc sống, nhất là từ cuộc bể dâu 1975, những trải nghiệm của đời càng cho tôi nhận rõ để tin tưởng một cách tuyệt đối lý nhân quả của đạo Phật.
Hồi nhỏ lúc sáu, bảy tuổi, tôi hiểu nhân quả một cách đơn giản theo tâm hồn trẻ thơ. Chăm ngoan thì được thầy, cô giáo, cha mẹ yêu thương. Ngược lại, làm biếng hỗn hào thì ai ai cũng ghét.
Có đứa bạn trang lứa, tuy nhỏ nhưng khôn trước tuổi, ranh có tiếng, chúng bạn thường gán cho nó danh hiệu “bà cụ non”. Nó thường “dạy” tôi: “Mình mà nói dối cãi cọ, khi chết xuống âm phủ bị cắt lưỡi. Đánh lộn diêm vương bỏ vào chảo dầu chiên dòn mình lên cho chân tay cứng ngắc hết còn đánh nhau. Ăn uống vung vãi phí phạm xuống âm phủ bị ăn giòi, vì mỗi hạt cơm rơi đều biến thành con giòi..v.v..và..v.v..”
Nó…thuyết giảng vậy, tôi tin ngay, còn vặn vẹo hỏi lại: “Nếu lỡ mình nói dối, đánh lộn rồi thì phải làm sao?”. Nó cao giọng: “Thì phải ăn năn sám hối trước bàn Phật”. Nó còn triết lý: “Đồ tể bỏ dao cũng thành Phật mờ!”. Không biết nó học, nó nghe từ đâu mà ăn nói đúng như…bà cụ non! Nó còn giải thích thêm: “Kẻ làm lỗi biết sửa lỗi thì không có tội”.
Nó…dạy lơ mơ vậy mà rất hiệu quả trong tôi. Rõ là “học thầy không tày học bạn”. Từ đó, tôi phân vân thắc mắc, suy nghĩ mãi những việc mình làm đã qua. Tôi thường tự hỏi: “Mình đã xạo với ai chưa nhỉ?”. Có. Con nhỏ bạn trong lớp xin tôi kẹo, tôi không muốn cho, nên dối nó, hết rồi. Ham la cà lêu lỏng, bố mẹ hỏi học bài chưa, lại nói dối, học rồi. Còn thằng bạn hàng xóm mới tháng qua, tôi đang chơi cò cò, nó cứ đá banh nhắm hướng tôi đá tới, tôi nổi giận cũng vừa cho nó một trận, đè nó xuống hỏi tội, chịu thua chưa, nếu má nó không ra can thiệp, chắc nó bẹp dí dưới thân hình…bé bự của tôi. Trời ơi, tội lỗi, đầy tội lỗi. Thế là tôi âm thầm lén đợi không ai để ý, đến chắp tay trước bàn Phật cầu khấn. Vừa khấn vừa đấm vô ngực thình thịch: “Lạy Phật, con là kẻ có tội, con là kẻ có tội. Con xin Phật tha lỗi. Từ nay con xin chừa, con không dám nữa.” Khấn như vậy chưa đủ, tôi còn khẩn cầu: “Nếu sau này con chết, kính mong Phật đừng quên rước con lên thiên đàng!“ Khấn xong, tôi kính cẩn chắp tay cúi đầu lạy Phật và còn làm dấu thánh giá nữa: „Dâng cha, và con, và thánh, thần, a men“. Hồi nhỏ, cũng vì hoàn cảnh đặc biệt nào đó, không hiểu sao cha mẹ cho tôi học trường dòng. Nhà trường có thói quen tụng kinh và làm dấu mỗi khi vào lớp. Cũng chính vì thế, tập khí đã khiến tôi về nhà thỉnh thoảng cứ làm dấu và hở chút lại “a men“, cha mẹ phải cho tôi gia nhập Gia Đình Phật Tử, sinh hoạt cuối tuần để giữ đạo.
Từ hôm xin lỗi Phật xong, tôi nguyện sống nghiêm chỉnh, thánh thiện của một đứa bé ngoan. Rồi với thời gian, nếp sống ngoan đã giúp tôi quen dần với sự thật thà đến quê mùa chất phác. Có những sự thật nên tế nhị, tôi trắng trợn phũ phàng thậm chí cục súc thô bỉ. Tôi hồn nhiên ngây ngô như nai vàng ngơ ngác, thấy sao nói vậy, nghĩ gì nói ra, lắm khi vô tình giết niềm hy vọng của người khác không một chút ngại ngùng đắn đo.
Tôi quen một anh bạn nổi tiếng mượn đồ, nhất là tiền bạc hay…quên trả. Một lần gặp tôi ngoài phố, sau vài câu chào xã giao, anh hỏi:
- Có mang tiền không, Ty?
Tôi biết anh hỏi để mượn, thay vì nói “không” cho xong chuyện, tôi gật đầu “có” vì rõ ràng trong ví tôi có tiền. Rồi sực nhớ cố tật của anh, không đợi anh lên tiếng hỏi, tôi ngập ngừng tiếp:
- Nhưng mà,…nhưng mà…(tôi hạ giọng)…không cho mượn!
Tôi thường bị gia đình chỉ trích về cái tật ruột để ngoài da dễ làm mếch lòng người và khuyên tôi nên thật thà trong văn hóa một chút. Tôi cãi chày, cãi cối, sự thật mếch lòng người nhưng mà thuốc đắng mới giã được tật. Thà tôi chấp nhận sự quê mùa chứ không chịu được điều dối trá. Làm sao tôi có thể nói, tôi cũng yêu anh, để anh được ấm lòng khi lòng tôi lạnh giá?!
Vậy, để giảm bớt sự thô cứng của sự thật thà, tôi đã tập uốn lưỡi…tám lần trước khi nói. Và tôi đã thích thú nhận thấy mình tiến bộ, đã biết khéo léo trả lời câu hỏi của chị bạn:
- Ty à, mình mới đi thẫm mỹ sửa mắt, sửa mũi về, Ty thấy đẹp không,Ty?
Tôi nhìn kỹ chị bạn, thấy không hợp nhãn chút nào. Sau khi sửa, mắt thì như trợn trừng, hung dữ nữa. Mũi cao nghều cứng đơ. Nhưng nghe chị hỏi, sực nhớ lời người nhà dạy “phải thật thà trong văn hóa”, tôi ngập ngừng uốn lưỡi đến…chín lần, đáp:
- Ơ…ơ…,không dám trả lời đâu. Nói thật, sợ chị buồn lòng. Nói dối, tôi không quen!
Rồi tôi đứng trơ ra, giương mắt nhìn chị, không nói nữa.
Tôi về nhà…khoe công trạng của mình, liền bị cả nhà mắng:
-Trả lời vậy như chửi bố người ta!
Sự thật thà dù thấy quê mùa, nhưng tôi chiêm nghiệm trong cuộc sống vẫn mang lại lợi lạc và niềm tin cho người hơn là dối trá.
Rồi tôi lớn lên, sự hiểu biết về nhân quả cũng rộng ra dựa theo sách vở cũng như chứng kiến những sự việc xảy ra trong cuộc sống.
Có lần học sử về giai đoạn chuyển tiếp giữa triều đại nhà Lê sang nhà Lý, mặc dù trong bài, thầy, cô không ai nói hay giảng về nhân quả, nhưng những sự kiện xảy ra, tôi đã cảm nhận nhân quả hàm chứa trong bài học đó.
Một Lê Long Đỉnh ác độc, ham mê tửu sắc, hoang dâm vô đạo nổi tiếng trong lịch sử nước Việt đến nổi nằm liệt khi ra triều, người đời bấy giờ gán cho danh hiệu “Lê Ngọa Triều”, từng giết vua, vốn là anh ruột mình để đoạt ngôi, cai trị nhân dân một cách tàn độc, đưa ra những cách trừng trị và giết người một cách dã man như róc mía trên đầu nhà sư, lấy rơm quấn vào người tội nhân rồi châm lửa đốt, có khi bắt họ leo cây rồi bên dưới cho người chặt gốc…v.v.và.v.v…đã khiến cho cả triều đình và nhân dân căm thù, chán ghét, chờ cơ hội Lê Long Đỉnh băng hà lúc đó mới 24 tuổi mở đường cho Lý Công Uẩn lên ngôi, một người tài đức vẹn toàn, vốn được thấm nhuần đạo hạnh từ bi và trí tuệ của giáo lý Phật Đà dưới sự dẫn dắt và đào tạo của thiền sư Vạn Hạnh.
Với chính sách nhân bản, Lý Công Uẩn lãnh đạo đất nước đã đưa triều đại nhà Lý vào một thời hoàng kim và toàn dân bấy giờ được sống an lành, ấm no, hạnh phúc.
Những bài học như thế thấm nhuần trong tôi lý nhân quả của đạo Phật: Làm điều tốt, sống tốt, sẽ có kết quả tốt.
Nhưng đó là chuyện của thời xa xưa, trong sách vở. Chỉ đọc, học, nghe mà chưa thấy cũng đã cho tôi tin về nhân quả huống chi chính những sự kiện đương thời xảy ra nhan nhãn trong cuộc sống càng cho tôi niềm tin vững chắc về luật nhân quả hơn.
- Một bà bán cháo vịt mỗi ngày khứa cổ đến mười con vịt, năm này qua năm khác, ở tuổi trung niên, bà bỗng phát ra bịnh tràng nhạc phải đưa cổ cho bác sĩ…khứa (giải phẫu) hai lần.
- Một bà mẹ cắt đôi mình ếch hết tháng này đến tháng kia lấy hai đùi ếch cho con ăn trị bịnh còi. Đến lúc chồng tai nạn xe, bánh xe hơi cắt ngang xẹp lép bọng đái người chồng, chia hai khúc mình và chân chìa ra như hai đùi ếch, người vợ mới thức tỉnh hành động mình làm. Từ đó, mỗi khi nhìn thấy món “vũ nữ chân dài” (món đùi ếch) bà rùng mình kinh sợ.
- Hai vợ chồng nọ sinh sống bằng nghề đá gà, hằng ngày nhìn hai con gà đá nát mặt nhau không một chút xót thương. Sau đó cậu con trai tông xe Honda do say rượu, mình mẫy không sây sát, chỉ khuôn mặt nát bấy phải giải phẫu và chỉnh hình.
- Gia đình kia làm nghề đánh bắt, kéo lưới hằng tấn cá, hằng năm giết chết bao sinh linh cá. Con gái bị ung thư, trong giờ hấp hối, miệng ngáp ngáp như con cá mắc cạn.
- Nàng dâu kia hỗn hào, thiếu giáo dục. Đã không biết tri ân mẹ chồng nuôi dưỡng chồng mình để mình hưởng phú quí; vì vô minh, thiếu hiểu biết và đố kỵ, chẳng những mắng chửi mẹ chồng không tiếc lời còn nguyền rủa một cách thậm tệ, để rồi vướng ung thư tuyến nước bọt đau đớn vô vàn với xạ trị khiến mặt đen xì như mặt Bao Công, sưng vù như cái mâm, đốt cháy cuốn họng lở loét, bỏng rát đau xót không ăn, không uống và không nói được, như thế vẫn chưa đủ còn bị méo miệng tốn phí không biết bao nhiêu tiền bạc để chỉnh hình.
Tất cả sự việc trên giải thích sao đây, nếu không là nhân quả trong cái nhìn của con nhà Phật. Nhân quả nhãn tiền mà còn là nhân quả dị thời nữa.
Còn nhiều lắm, kể sao cho hết. Nhưng nhân quả không chỉ có hiện báo, mà còn sanh báo và hậu báo. Nó đến từ nhiều kiếp nhiều đời liên quan với nhau như những móc xích kết nối thành chu vi một vòng tròn qua hình thức cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bạn bè…như lời Phật nói:
- Người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả ơn cho bạn.
- Đứa con trai hay con rể ở kiếp này cũng thế, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, tới để đòi món nợ chưa trả.
- Đứa con gái ở kiếp này, là người tình của kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt.
-…v.v..và.. v.v…
Và tôi xin kể câu chuyện sau đây để cùng chiêm nghiệm lời Phật nói.
Chỉ với thời gian ngắn từ sau 1975, vợ chồng ông Bình, một viên chức cao cấp của chế độ cộng sản Việt Nam tậu được ba căn biệt thự lớn: Một cho ông bà, một cho vợ chồng cô Thúy – cô con gái duy nhất của ông bà – và một căn cho thuê. Chưa kể vài miếng đất để dành làm vốn.
Sự giàu có không ai rõ đến từ ngõ ngách nào. Chỉ biết là trong xã hội Việt Nam hiện nay “hễ có quyền là có tiền!”
Việc ông làm giàu, lương thiện hay bất chính, không ai rõ. Chỉ biết rằng vợ chồng ông giàu lắm nhưng chỉ có một mụn con gái duy nhất mà ông bà thương yêu nuông chìu hết mực. Nhất là ông. Ông cưng cô con gái như nưng trứng hứng hoa, lúc nào cũng buông ra những lời thân thương trìu mến “con gái rượu của bố” làm cô con gái vốn hay nhõng nhẽo càng nhõng nhẽo hơn.
Khi cô Thúy lập gia đình, ngoài của hồi môn chìm, còn có một căn biệt thự.
Còn cậu con rể, vốn xuất thân nhà nghèo, nhưng khá đẹp trai, thông minh lanh lợi, học giỏi. Cậu bắt kịp nhanh thời thượng nên may mắn lọt vào mắt…đen của cô Thúy, con ông bà Bình.
Cậu chụp lấy cơ hội dựa vào chức quyền của bố vợ để làm giàu. Tiếc là, lòng tham của con người không đáy, đi đêm có ngày gặp ma. Đang làm ăn thăng tiến, cậu sa đà đổ đốn ăn chơi, cờ bạc rượu chè, gái giếc, lao vào những công việc làm ăn bất chính, bị phá sản, sa vào pháp luật. Căn biệt thự của vợ bị tịch biên, vài miếng đất và căn cho thuê của bố vợ bán đi vẫn không đủ trang trải để cứu vãn tình thế đang đà xuống dốc một cách thảm hại của cậu.
Cô Thúy luôn về khóc với cha mẹ:
- Xin bố mẹ cứu chồng con. Hễ ảnh mệnh hệ gì là con tự tử. Con không sống được nếu thiếu ảnh.
- Nó đổ đốn như thế, con còn thương tiếc gì chứ?
- Con cũng không hiểu nữa. Có thể đây là ân tình từ kiếp nào đó mà con phải trả. Con chỉ thương mỗi mình ảnh thôi.
Ông Bình thở dài:
- Còn bố, bố không vay nó, sao bắt bố trả chứ?
- Bố ơi, xin bố thương con mà cứu ảnh. Có lẽ kiếp trước bố vay ảnh, nên kiếp này ảnh đến đòi chăng?!
Bà Bình lấy khăn dặm nước mắt:
- Bố mẹ chỉ có mình con. Không thương con thì thương ai. Thôi, để bố mẹ bán nốt căn nhà này vậy để chạy chọt thử xem.
Ông Bình cũng rươm rướm nước mắt:
- Đúng là số kiếp của gia đình ta. Nếu không nợ lẫn nhau, làm sao có nhân duyên gặp gỡ?!
Kính thưa bạn đọc, tôi xin mạn phép kết thúc bài viết tại đây.
Qua những điều chứng kiến cùng trải nghiệm bản thân, đã cho tôi niềm tin tuyệt đối vào lý nhân quả của đạo Phật.
Những nghịch cảnh, những mất mát, những “thú đau thương” trước sự ức hiếp của đời và số phận, theo tôi, nếu không tạo tác kiếp này, tôi nghĩ, chắc chắn phải gây ra từ bao đời trước để chịu nhân quả. Đó là câu hỏi lý do tại sao, lắm người hiền lương luôn gặp điều bất hạnh và ngược lại, kẻ gian ác được hưởng phú quí giàu sang. Nhân quả luân hồi là vậy đó, không chừa một ai, dù người đó là thánh nhân hay ngay cả Đức Phật.
Một trong mười điều tâm niệm Đức Phật dạy “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch coi như nhân quả chưa trả”. Nếu hiểu như thế sẽ tự an ủi dỗ dành xoa dịu được nỗi đau khi đối đầu với nghịch cảnh. Và nghịch cảnh đôi khi còn là cơ hội để thay đổi vận mệnh, thực hiện hạnh nhẫn nhục, là những thử thách rèn luyện ý chí con người trưởng thành. Nếu đối đầu không chuyển hóa được nghịch duyên thành thuận duyên, chỉ còn cách chấp nhận vượt lên những thứ làm mình tổn thương, thành tâm sám hối để giải nghiệp, bình thản trả nghiệp coi như nhân quả đang xả!
Rồi từ đó, mọi điều cũng sẽ qua. Những vết sẹo trong đời, nếu có, là chứng tích cho mình tự hào thừa nghị lực ý chí vượt qua mọi thử thách, để rồi, sau cơn mưa trời lại sáng, sau màn đêm tăm tối là ánh sáng của bình minh, cho đến một lúc nào đó tin rằng, đã “tính sổ” xong những nhân quả của bao đời, và không “vay” tiếp, sẽ cho mình tìm thấy niềm vui, an nhiên tự tại, vững chãi vượt qua những chông gai trong cuộc sống vốn luôn khổ đau này.
Lúc đó đôi khi, còn cám ơn những nghịch cảnh và những người làm mình tổn thương vì chính điều đó giúp mình trả quả.