Lời giới thiệu Sách “Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm“
của Ni Sư Thích Nữ Giới Hương biên soạn
Tôi được một phước duyên là quen biết với nhiều Kinh sách. Đây là những người Thầy, người bạn rất thân thiết. Thân thiết hơn cả những người thân trong Gia Đình hay bạn bè thân nhất của mình. Vì những người thân của mình muốn gặp cũng phải hẹn nhau trước, còn Kinh sách thì mình tha hồ mà gặp gỡ, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, nếu mình muốn. Sáng, trưa, chiều, tối hay giữa đêm khuya khi trăng trung tuần còn tỏ rạng nơi song cửa bên thiền thất. Thật là tự tại thoải mái vô song. Cần gì, cứ giở Kinh sách ra là có ngay câu trả lời; còn đúng sai, tốt xấu là do mỗi người tự gạn lọc lấy để làm chất liệu dinh dưỡng tâm linh cho mỗi người trong chúng ta. Sách, Kinh vốn không có tội tình gì cả. Nếu có, chỉ do người hiểu và xử dụng sai mục đích mà thôi.
Từ ham đọc sách, Kinh sinh ra việc viết sách, dịch Kinh, viết lời bàn hay những truyện ngắn, truyện dài; nên được nhiều người quen biết và từ đó có nhiều người nhờ tôi viết lời giới thiệu sách của họ viết cũng như dịch, kể cả Tăng, Ni lẫn người thế tục; trong đó có Ni Sư Thích Nữ Giới Hương cho lần giới thiệu tái bản nầy về quyển “Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm“. Đây là Tác Phẩm thứ 9 của Ni Sư và đã được xuất bản lần đầu tiên năm 2008, đến nay trải qua 9 năm đã tái bản đến 4 kỳ và mỗi lần xuất bản chắc không dưới 1.000 quyển. Độc giả đa phần ở Việt Nam và một vài nơi trên thế giới. Tái Bản lần nầy Ni Sư nhờ tôi viết lời giới thiệu; nên phải cố gắng đọc gấp trong hai ngày; mỗi ngày 6 tiếng đồng hồ. Thông thường với những quyển Kinh, sách dày chừng 356 trang như quyển nầy, tôi chỉ cần đọc trong 3 đến 4 tiếng đồng hồ là có thể gấp sách lại được; nhưng vì Ni Sư có nhờ tôi xem kỹ, cũng như có thể điều chỉnh lại một vài lỗi chính tả; nên phải tốn nhiều thời gian như vậy. Tuy không có lỗi nào đáng phàn nàn, chê trách; nhưng vì nội dung của Kinh qúa thâm sâu; nên tôi phải cần có nhiều thời gian để đọc và chiêm nghiệm lâu như vậy.
Đọc lời tựa của lần xuất bản thứ nhất cũng như tái bản lần nầy, chúng ta thấy Ni Sư đã học Kinh nầy từ Ni Trưởng Hải Triều Âm trong những năm 1984,1985. Sau đó Ni Sư còn học 4 năm tại Học Viện Vạn Hạnh, rồi sang Ấn Độ ở hơn 10 năm để lấy bằng Tiến Sĩ Văn Học Phật Giáo tại đó. Kế tiếp là 10 năm học ở Đại Học tại Riverside Hoa Kỳ, để rồi hôm nay đang đứng trên bực giảng của Đại Học Phật Giáo tại Việt Nam, trao truyền những kiến văn mà mình đã thu thập được qua việc tu, học trong hơn 30 năm qua cho các Tăng, Ni Sinh trẻ. Thật là một phước báu vô ngần. Không dừng lại ở đó, Ni Sư còn dịch quyển sách nầy ra Anh Văn nữa. Đây cũng có thể nói là sự tiến bộ đầu tiên của Ni giới Việt Nam, kế tiếp con đường văn hóa của Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải đã kinh qua. Riêng tôi rất vô cùng hoan hỷ để viết nên lời giới thiệu nầy.
Để đi vào nội dung của 15 chương sách, đầu tiên chúng ta có thể lưu ý qua hình thức trước. Những chữ in đậm là lời Kinh đã được Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám dịch từ Hán Văn sang Việt Văn; nguyên tác của Ngài Bát Thích Mật Đế dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Bác Sĩ Tâm Minh dịch quyển nầy và diễn giải thành 2 tập gồm 10 quyển; nhưng ở đây Ni Sư chỉ chú mục vào phần gạn hỏi tâm, sáu căn, sáu trần và sáu thức cũng như việc giữ giới sẽ sanh định, định sanh tuệ. Tiếp theo nói về 12 loài chúng sanh do 3 thời quá khứ, hiện tại và vị lai nhân cho 4 hướng Đông Tây, Nam Bắc để có con số 12 nầy. Chương nầy rất đáng đọc. Vì lẽ Ni Sư vừa học Nikaya vừa học tinh thần Kinh điển của Đại Thừa; nên những mẫu chuyện được kể theo những câu chuyện đã được học, được nghe qua, rất thâm trầm, ý vị. Từ đó những dẫn chứng rất khoa học và khúc chiết.
Phần trong ngoặc gồm chữ Phạn và Pali là do Ni Sư sưu tầm. Phần chữ nghiêng dùng để chú thích những gì muốn làm sáng tỏ thêm ý câu văn ấy. Ngoài ra còn những chú thích bên dưới những trang sách về những phần đã dẫn chứng bên trên. Đây là lối mà những học giả thường hay ứng dụng khi dạy học hay viết sách, dịch Kinh. Phần chữ lợt hơn là những lời bàn hay giải thích nội dung của đọan Kinh Văn vừa trích. Như trong phần mở đầu Ni Sư có gửi gắm đến độc giả là chỉ thực hiện một phần nhỏ về luân hồi trong Kinh Lăng Nghiêm mà thôi, những phần nghiên cứu khác về Lăng Nghiêm chắc chúng ta phải chờ quyển 2, quyển 3 mới có thể đọc hết tư tưởng của Kinh Lăng Nghiêm được.
Về nội dung thì quá tuyệt vời qua những dẫn chứng về Tâm và Tánh. Thể của Tâm là Diệu và Tánh của Tâm là Minh. Tâm của chúng sanh vốn bị vô minh phiền não che đậy, còn Tánh của Tâm vốn sáng suốt hoàn toàn; nếu chúng sanh dựa vào Sa Ma tha và tu chứng Tam Ma Đề thì Phật và chúng sanh là một chứ không có khác. Điều nầy nó cũng giống như sóng và nước. Sóng không phải là nước, nước không phải là sóng; nhưng cả hai đều có một tánh ướt là chung. Với tánh ướt đó, Phật đã thành Phật từ lâu rồi, mà chúng ta vẫn còn mãi mê trong vòng sanh tử, vì chưa nhận ra được tánh ướt của mình. Mỗi khi tụng Kinh chúng ta hay xướng lên rằng: Phật, chúng sanh Tánh thường rỗng lặng…là ở ý nầy. Phật không khác chúng sanh; chỉ có chúng sanh khác Phật mà thôi. Chúng sanh là do nghiệp báo, là chánh báo mà hình thành ; còn thế giới nầy là Y báo. Y Chánh có trang nghiêm hay không là do nơi chúng sanh có vứt bỏ được màn vô minh hay không để trở về lại với Phật Tánh chứ không phải do Phật. Phần đầu Đức Phật gạn hỏi Tâm của Ngài A Nan qua 7 lần cũng vì cái Tánh nầy. Khi đã rõ biết được ngôi nhà tâm linh của 6 căn rồi; nhưng không biết làm sao để mở cửa vào; nên Ngài A Nan đã đại diện cho chúng sanh để thỉnh Phật dạy tiếp.
Sáu căn ấy chính là sanh tử, mà sáu căn ấy cũng chính là Niết Bàn tịch tĩnh. Nếu chúng sanh tu chứng được Tam Ma Đề của Đức Phật dạy thì mới có thể trừ ba tiệm thứ được. Trong 12 bộ Kinh như: Trường Hàng, Trùng Tụng, Thọ Ký, Cô Khởi, Vô vấn tự thuyết, Nhân Duyên, Thí Dụ, Bản Sanh, Bản Sự, Phương Quảng, Vị Tằng Hữu, Nghị Luận đã được Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư phân chia ra làm 5 thời giáo của Đức Phật, mà Tác Giả đã giới thiệu rất cặn kẽ rồi. Mong Quý độc giả cứ từ từ thâm nhập thì sẽ thấy những quan điểm của Đại Thừa được làm nổi bật qua những chứng minh trong Kinh Lăng Nghiêm nầy. Ngay cả tư tưởng Tịnh Độ qua phần tha lực niệm đến danh hiệu của Đức Phật A Di Đà cũng đã được Ni Sư gửi gắm trong những trang sách nầy.
Đến phần nội phận là tình; ngoại phận là tưởng, Ni Sư cũng giúp cho độc giả nắm bắt dễ dàng ý kinh hơn. Ai tình nhiều tưởng ít thì sau khi lâm chung thần thức sẽ đi xuống; ai tưởng nhiều tình ít thì thần thức sẽ đi lên. Ai tình và tưởng bằng nhau thì sẽ tái sanh trở lại làm người. Tiếp đến nói về quả báo ở địa ngục; có 10 nhân và 6 quả để lãnh thọ hậu báo nầy. Kế đó là những dư báo của chúng sanh trong nhiều kiếp trước. Tác Giả cũng đã nêu ra những câu chuyện của Bửu Liên Hương Tỳ Kheo Ni phạm giới dâm hay câu chuyện của Vua Lưu Ly và Tỳ Kheo Thiện Tinh (xin xem thêm ở Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 2 thì sẽ rõ hơn). Tất cả chỉ là sự kết đọng của vọng tưởng giả dối. Nhân đây Phật dạy cho phép Sa Ma Tha và Đức Phật cũng nhấn mạnh rằng chỉ khi nào có Phật ra đời thì mới có thể trừ khỏi được.
Chương thứ 14 nói về cõi Tiên và Trời A Tu La. Từ 6 cõi Trời của Dục Giới lên đến Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Ngũ Tịnh Cư của Sắc Giới cho đến 4 cõi của Vô sắc Giới, Tác Giả đã diễn giải rất rõ ràng. Cuối cùng là cõi A Tu La vừa là Thiện Thần mà cũng vừa là Ác Thần. Chương thứ 15 là chương kết của quyển sách nầy, Ni Sư đã tóm gọn lại tất cả bảy loài chúng sanh (Trời, Tiên, A Tu La, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) đều xa rời tánh giác, vì không thực hành Sa Ma Tha và nếu bỏ đi được 3 hoặc(sát, đạo,dâm) thì sẽ thấy được Phật Tánh và cuối cùng Ni Sư tóm gọn lại rằng: “Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm“ có những điểm chính là nói về sát, đạo, dâm và ngược lại với những điểm nầy là làm sao từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cướp, từ bỏ tà dâm để nhận ra được tánh Phật của mình.
Nhìn chung thì đây là một quyển sách đáng đọc, lại do một Ni Sư học thức bình chú và Quý độc giả cũng nên làm quen với sách nầy trước khi đọc “Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông“ của Ngài Nhẫn Tế Thiền Sư gồm 2 quyển, dày độ 2685 trang hoặc „giảng giải Chú Lăng Nghiêm tập 1 và tập 2“ do Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại Vạn Phật Thánh Thành và Thượng Tọa Minh Định đã dịch ra Việt ngữ rất trôi chảy. Riêng tôi đã căn cứ nơi Phật Học Phổ Thông của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa quyển 6 và quyển 7; mỗi quyển gồm 8 bài và tôi đã giảng trong nhiều năm như vậy; ít nhất cũng trên 40 lần giảng và mỗi lần độ một tiếng rưỡi đồng hồ. Đồng thời Quý Vị cũng có thể tham cứu thêm quyển “Kinh Thủ Lăng Nghiêm trực chỉ“ của Ngài Hàn Thị sớ giải và Ni Sư Thích Nữ Thể Dung đã dịch giải rất tuyệt vời qua gần 1.000 trang Kinh được xuất bản tại Việt Nam vào năm 2008. Qúy Vị có thể tham cứu trên những trang mạng để xem, nghe và bổ túc thêm cho những gì cần hiểu.
Tôi rất hoan hỷ để đọc Tác Phẩm nầy của Ni Sư Giới Hương, vì đây là món qùa quý giá nhất so với những món qùa tinh thần khác. Bởi lẽ: „Nếu người ta có tiền, người ta có thể mua được một vài quyển sách; nhưng người ta không thể mua sự hiểu biết được“ (If you have some money, you can buy some books, but you can not buy your understanding). Xin trân trọng giới thiệu Tác Phẩm giá trị nầy đến với Quý độc giả khắp năm châu.
Viết xong vào một sáng mùa Thu tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức ngày 14 tháng 10 năm 2017. Thích Như Điển – Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác Hannover và Tu Viện Viên Đức Ravensburg, Đức Quốc.